Đề tài Thiết kế Ti-Plasmid tái tổ hợp pBI121 mang gen mã hóa kháng nguyên glycoprotein của virus dại phục vụ chuyển gen

Chương 1. TỔNG QUAN TÀI LIỆU

1.1. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ VACCINE

1.1.1. Vaccine và hiệu quả phòng chống bệnh truyền nhiễm

Kể từ khi Edward Jenner (1749-1823) tìm ra phương pháp tiêm chủng mủ đậu mùa bò cho người để phòng bệnh đậu mùa đến nay đã hơn 200 năm. Cho đến nay vaccine vẫn được coi là thành tựu vĩ đại nhất của y học hiện đại. Công tác tiêm chủng đã được thực hiện ở tất cả các quốc gia trên thế giới và trở thành một tấm lá chắn hữu hiệu chống lại nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. Nhờ có vaccine mà hàng trăm triệu người trên thế giới đã thoát khỏi bệnh tật và thần chết. Vaccine là chế phẩm kháng nguyên chỉ gây phản ứng miễn dịch mà không gây bệnh. Vaccine dùng để kích thích đáp ứng miễn dịch nguyên phát làm tăng tế bào ghi nhớ và khả năng đáp ứng miễn dịch ghi nhớ khi tiếp xúc với kháng nguyên ấy trong tương lai. Kháng nguyên không nhất thiết phải là toàn bộ hạt virus, chúng có thể chỉ là một bộ phận của virus có khả năng kích thích cơ thể sản xuất kháng thể hoặc xytokin trung hoà virus [2].

Đối với các nước đang phát triển, vaccine được coi là biện pháp phòng và chữa bệnh hiệu quả nhất, do tại đây bệnh truyền nhiễm vẫn còn là căn bệnh nguy hiểm, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hoặc nếu có thì giá thành lại quá cao so với thu nhập của người dân. Còn với những nước phát triển, tình hình mắc bệnh truyền nhiễm và tỷ lệ tử vong do bệnh này đã giảm đáng kể, ở một số nước, tỷ lệ tử vong chỉ còn chiếm 4 - 8% tổng số các trường hợp tử vong. Điều này không có nghĩa là vaccine không còn quan trọng ở các nước này nữa. Thực tế cho thấy rằng, tỷ lệ bệnh truyền nhiễm giảm đáng kể là nhờ việc sử dụng một cách rộng rãi vaccine cho việc phòng chống bệnh trong nhiều thập kỷ qua. Ví dụ cụ thể đối với bệnh đậu mùa, năm 1967 có tới hơn mười triệu người mắc, bệnh này đã lan truyền trên 30 nước, nhưng đến nay nhờ việc sử dụng vaccine trong nhiều năm mà người ta đã loại bỏ được hoàn toàn căn bệnh này [2]. Ở Việt Nam, sau một thời gian dài thực hiện việc tiêm chủng liên tục, vào năm 2000 chúng ta đã tuyên bố với cả thế giới về việc đã thanh toán xong bệnh bại liệt.

Hiệu quả của việc sử dụng vaccine không chỉ giới hạn ở mặt phòng và chữa bệnh mà còn rất có lợi về mặt kinh tế. Chi phí cho tiêm chủng rẻ hơn rất nhiều so với để cho người dân mắc bệnh rối mới chữa. Các thuốc kháng sinh cũng như hoá trị liệu thường rất đắt tiền, đấy là chưa kể tới chi phí về đi lại, giảm năng suất lao động, gây ra tác dụng phụ cũng như gia tăng chi phí về dịch vụ y tế [9].

Bên cạnh đó vaccine còn có vai trò quan trọng trong ngành thú y, đặc biệt đối với các cơ sở chăn nuôi có mật độ gia súc cao làm cho khả năng lây nhiễm gia tăng nhanh chóng. Nhất là trong tình trạng hiện nay, chúng ta đang phải đối phó với nhiều loại dịch bệnh gây tổn thất nặng nề cho nên kinh tế quốc dân, điển hình là bệnh cúm gia cầm xuất hiện gần đây ở nước ta [4].

Hiện nay, nhiều loại accine giảm độc lực và vaccine bất hoạt đang được sử dụng để dự phòng nhiều loại bệnh khác nhau. Vấn đề đáng lo ngại là các vaccine sống giảm độc lực gặp phải là sự phục hồi trở lại khả năng gây bệnh của chúng. Chẳng hạn như vaccine Sabin (vaccine giảm độc lực để phòng bệnh bại liệt), trình tự axit nucleic của chủng vaccine và chủng hoang dại chỉ khác nhau có hai nuclêotit vì vậy theo thời gian chúng có thể đột biến ngược trở lại thành chủng hoang dại có khả năng gây bệnh. Theo thống kê gần đây cho thấy, từ năm 1973 đến năm 1984 khi sử dụng vaccine Sabin để phòng bệnh bại liệt, cứ 520 nghìn trường hợp sử dụng thì có một trường hợp mắc bệnh bại liệt do virus đột biến ngược trở lại. Còn có một điều nguy hiểm nữa là vaccine giảm độc lực là các virus sống, chúng có thể nhân lên hoặc tồn tại dưới dạng tiểm ẩn trong cơ thể và có thể gây hậu quả nghiêm trọng trong tương lai. Một nguy cơ nữa là, tác nhân giảm độc lực dùng trong sản xuất vaccine tuy không có khả năng gây bệnh đối với cơ thể người khoẻ mạnh nhưng lại vẫn có khả năng gây bệnh đối với người bị suy giảm miễn dịch. Do đó, đối với một số nước đang phát triển, vẫn đề sẽ là rất đáng lo ngại nếu có nhiều trẻ em bị suy giảm miễn dịch do suy dinh dưỡng được dùng loại vaccine này [6].

Công nghệ ADN tái tổ hợp và phương pháp tổng hợp bằng phương pháp hoá học có vai trò rất lớn trong việc khắc phục những vấn đề trên, cho phép chúng ta sản xuất được các vaccine phòng bệnh mà đối với phương pháp cổ điển không thể tạo ra được.

 

doc47 trang | Chia sẻ: lethao | Lượt xem: 1988 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Thiết kế Ti-Plasmid tái tổ hợp pBI121 mang gen mã hóa kháng nguyên glycoprotein của virus dại phục vụ chuyển gen, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docThiết kế Ti-plasmid tái tổ hợp pBI121 mang gen mã hóa kháng nguyên glycoprotein của virus dại phục vụ chuyển gen.doc
Tài liệu liên quan