Luận án Vấn đề tính dục trong văn học trung đại Việt Nam

MỤC LỤC

Trang phụ bìa

Lời cam đoan i

Mục lục ii

MỞ ĐẦU 1

Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ TÍNH DỤC TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM 4

1.1. Nghiên cứu tính dục trong văn học trung đại Việt Nam như là một cách nghiên cứu văn học sử 4

1.1.1. Nghiên cứu văn học giai đoạn từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIV 4

1.1.2. Nghiên cứu văn học giai đoạn từ thế kỉ XV đến hết thế kỉ XVII 5

1.1.3. Nghiên cứu văn học giai đoạn từ thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX 9

1.2. Nghiên cứu tính dục trong văn học trung đại Việt Nam như một đối tượng chính yếu 20

Tiểu kết chương 1 24

Chương 2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN VỀ TÍNH DỤC 25

2.1. Một số giới thuyết về tính dục 25

2.1.1. Khái lược về tính dục 25

2.1.2. Hai khái niệm liên quan: tình yêu và tình dục 27

2.2. Quan niệm về tính dục trong một số triết thuyết 32

2.2.1. Quan niệm về tính dục trong Phật giáo 32

2.2.2. Quan niệm tính dục trong Nho giáo 34

2.2.3. Quan niệm tính dục trong Đạo giáo 40

2.3. Diễn trình vấn đề tính dục trong văn học trung đại Việt Nam 42

2.3.1. Giai đoạn từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIV 42

2.3.2 Giai đoạn từ thế kỉ XV đến hết thế kỉ XVII 43

2.3.3. Giai đoạn từ thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX 48

Tiểu kết Chương 2 54

Chương 3. TÍNH DỤC TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM VỀ PHƯƠNG DIỆN NỘI DUNG 55

3.1. Tính dục và con người cá nhân trong văn học trung đại Việt Nam 55

3.1.1. Miền khát dục của nội tâm 55

3.1.2. Quan hệ tính giao: nghệ thuật phòng the và sự thỏa mãn ân ái 68

3.1.3. Sự trưởng thành của ý thức về tính dục 77

3.2. Tính dục – một phương thức phản ánh thực tại xã hội thời phong kiến 83

3.2.1. Một xã hội thành kiến với tự do luyến ái và hôn nhân 83

3.2.2. Phụ nữ – nạn nhân của thói lạm dụng tình dục và bất bình đẳng giới 89

3.2.3. Từ giải thiêng đến nổi loạn trước văn hóa quý tộc suy đồi và lề luật

hà khắc 96

3.3. Tính dục – một phương thức thể hiện tư tưởng thẩm mỹ 104

3.3.1. Tính dục và các khuynh hướng tư tưởng – tình cảm 104

3.3.2. Tính dục và việc mặc khải triết lí 114

3.3.3. Mỹ học về tính dục 119

Tiểu kết Chương 3 127

Chương 4. TÍNH DỤC TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM VỀ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT 128

4.1. Tính dục và ngôn ngữ 128

4.1.1. Ngôn ngữ mang tính biểu tượng 128

4.1.2. Ngôn ngữ mang tính đa nghĩa 136

4.1.3. Ngôn ngữ mang âm hưởng dân gian 143

4.2. Tính dục và đặc trưng không – thời gian nghệ thuật 150

4.2.1. Không gian nghệ thuật 150

4.2.2. Thời gian nghệ thuật 160

4.3. Tính dục và thủ pháp 172

4.3.1. Tính dục và motif kì ảo 172

4.3.2. Tính dục và điển cố 179

4.3.3. Tính dục và phép sóng đôi, đối ngẫu 188

Tiểu kết Chương 4 197

KẾT LUẬN 198

DANH MỤC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ 203

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 204

DANH MỤC VĂN BẢN ĐƯỢC KHẢO SÁT VẤN ĐỀ TÍNH DỤC TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM 219

 

docx229 trang | Chia sẻ: quyettran2 | Ngày: 28/12/2022 | Lượt xem: 724 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận án Vấn đề tính dục trong văn học trung đại Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Khanh lại đau đớn tột cùng và nhục nhã ê chề khi bị chính người chồng yêu dấu đẩy nàng vào vòng tay của người đàn ông xa lạ. Chọn cái chết là cách mà họ chống lại định mệnh và sự bạc đãi của người bạn đời. Với người phụ nữ, giữ gìn tiết tháo và được yêu thương là một lí do quan trọng để tiếp tục sống, bằng ngược lại thà tìm đến cái chết. Hành vi tự tử chưa bao giờ được cổ xúy nhưng sự tuẫn tiết của Nhị Khanh và Vũ Nương có thể coi là tấm gương sáng cho giới phụ nữ về tình cảm và bản lĩnh trong mối tương quan với nam giới và cuộc đời. Khuynh hướng giải thiêng và hành động đấu tranh chính là hệ quả tất yếu của nạn lạm dụng tình dục và phân biệt đối xử trong môi trường văn hóa bất bình đẳng giới. Khuynh hướng này chưa thể làm nên cuộc cách mạng giải phóng nhân quyền và nữ quyền, song có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành tư tưởng nhân văn trong sáng tác văn học thời trung đại. Tính dục là một nội dung góp phần hình thành giá trị nhận thức, qua đó thể hiện thực đời sống xã hội thời phong kiến được phản ánh chân thực. Hình thức thống trị chuyên quyền, một số tư tưởng ngoại nhập Á Đông cổ hủ bám rễ và vẫn đang giữ vị trí chủ thuyết trên diễn đàn đạo đức và luân lí, chiến tranh phong kiến là hiện thực được phản ánh bởi những nhà nho đứng trên lập trường nhân danh quyền sống và quyền được hưởng hạnh phúc trong tình yêu và hôn nhân. Rời xa loại văn chương thi giáo, ngôn chí, các nhà văn, nhà thơ đã đi vào khám phá hiện thực nhân sinh và đặt ra những vấn đề lớn lao của thời đại. Giá trị hiện thực trong những sáng tác văn học thời trung đại viết theo khuynh hướng chủ tình là tiền đề quan trọng cho sự phát triển chủ nghĩa hiện thực của văn học hiện đại. 3.3. Tính dục – một phương thức thể hiện tư tưởng thẩm mỹ 3.3.1. Tính dục và các khuynh hướng tư tưởng – tình cảm Trong các sáng tác văn học, việc nhà văn, nhà thơ chọn lựa vấn đề phản ánh hoàn toàn không mang tính ngẫu nhiên mà luôn gắn liền với ý thức, vốn sống, thế giới quan và nhân sinh quan, đặc biệt là tính cấp thiết của nó. Vào những giai đoạn đầu của nền văn học trung đại Việt Nam, sáng tác văn chương của nhà Nho theo một dòng chung là giáo huấn (thi giáo), tỏ bày chí hướng (ngôn chí), truyền bá đạo lí (tải đạo). Những chủ đề thường trực trong văn chương như trung quân ái quốc, đoàn kết, cần cù đã tạo nên tinh thần văn học truyền thống và trải qua nhiều thế kỉ vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tư tưởng dân tộc. Về sau, dòng chung ấy đã nảy sinh nhiều dòng khác, trong đó có dòng văn chương viết về tình yêu đôi lứa. Trên hành trình đó, một số tác giả đã rời bỏ tháp lầu ngôn chí, tự thuật, tự hứng, trở về với đời thường, khám phá bản ngã và nhân danh con người phát ngôn về quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc, quyền tự do yêu đương. Xa rời mục đích tải đạo và ngôn chí, các nhà văn, nhà thơ càng về sau càng chú ý đến chữ “tình”, dùng thơ ca để nói tình, từ đó phát triển thành dòng văn học chủ tình. Hơn bao giờ hết, vấn đề tính dục được chú ý như là một nội dung đầy sức thu hút. Trong đó, nhà văn vừa phản ánh muôn mặt đời sống vừa công khai bày tỏ tư tưởng – tình cảm. Hoạt động này đã thiết lập một mối quan hệ có tính qui luật giữa người sáng tác với sự vật hiện tượng, công khai bộc lộ lập trường và quan điểm cá nhân. Khảo sát tác phẩm văn học trung đại Việt Nam liên quan đến vấn đề tính dục, ta thấy nổi lên ba khuynh hướng tư tưởng – tình cảm. Thứ nhất là khuynh hướng thương cảm. Khởi đi vấn đề nhiều vấn đề mang tính thời đại, trong đó có vấn đề tính dục, chủ nghĩa thương cảm trong văn học trung đại Việt Nam được hình thành như một hệ quả tất yếu. Có lẽ chủ nghĩa này bắt đầu từ Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn. Phóng chiếu vào thời đại – cội nguồn phát sinh của văn học – ở thế kỉ XVIII, con người cá nhân đã thực sự thức tỉnh nên mọi giá trị gắn liền với họ cũng bắt đầu được soi xét. Và khi nhận ra nhiều giá trị đời sống cá nhân bị chà đạp, họ cảm thấy vừa thương cho thân mình, phận mình vừa thương cho thân người, phận người. Trước mắt họ, mọi thứ đều vô cùng mong manh và bất ổn. Giờ đây biến cố chính trị không còn là nguyên nhân duy nhất gây ra những thảm kịch đau thương mà thêm vào đó còn là những nguyên nhân khác nảy sinh từ trong lòng cuộc sống. Ở hầu hết các tác phẩm, tác giả giữ vai trò là người kể chuyện, từ điểm nhìn trần thuật trông thấy được tất cả mọi biến cố xảy ra với con người bất hạnh. Trong sự thương cảm, họ không quan tâm đến nỗi đau khổ vì thiếu thốn vật chất, phải sống cảnh nghèo hèn mà chủ yếu quan tâm đến nỗi đau khổ vì thiếu thốn về tinh thần, hoặc bị chấn thương sau đổ vỡ trong tình yêu và hôn nhân. Tiếng khóc của nhà nho bắt nguồn nguồn từ niềm cảm thương sâu sắc đối với phụ nữ. Các tác giả đã tạo ra một bầu sinh quyển đậm đặc tình thương theo một tinh thần mới và ngầm đối kháng lại ý thức cũ. Trong Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du khi kể về cuộc đời trầm luân khổ ải của Thúy Kiều đã không ngừng kêu thương ai oán, não nùng: Đau đớn thay phận đàn bà, / Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung; Trăng già độc địa làm sao / Cầm dây chẳng lựa buộc vào tự nhiên; Thương ôi, tài sắc bậc này; Thương ôi, không hợp mà tan; Xót thay đào lý một cành; Thân sao thân đến thế này; Thương thay thân phận lạc loài Với niềm thương cảm trĩu nặng, những nhà văn, nhà thơ xây dựng hình tượng nhân vật tài hoa mà đáng thương như nàng Túy Tiêu (Truyền kì mạn lục – Nguyễn Dữ), Thúy Kiều, Đạm Tiên (Truyện Kiều – Nguyễn Du), ca nữ họ Nguyễn (Lan Trì kiến văn lục – Vũ Trinh), những cô đầu trong các sáng tác của Nguyễn Công Trứ, Chu Mạnh Trinh, Dương Khuê, Trần Tế Xương Họ là những người sắc tài toàn vẹn nhưng không may có vận đời bạc bẽo, phải sống cuộc đời phong trần gió bụi rày đây mai đó và có kết cuộc bi thảm. Những nhà nho đã thể hiện một cách thấm thía cảm nhận về kiếp người nhỏ bé, mỏng manh, kèm theo đó là bộc lộ tình cảm thương vay. Các tác giả thường đi vào phản ánh những sự kiện tai họa như bị gả bán, bị ép tiếp khách làng chơi, bị lừa gạt, sống đời chìm nổi Nguyễn Gia Thiều trong Cung oán ngâm khúc đã bày tỏ niềm thương xót, cảm thông đối với cuộc đời thăng trầm của cung nữ. Ông biểu lộ nỗi phẫn uất, bất bình trước câu chuyện về những người phụ nữ tài hoa, xinh đẹp lại bị rơi vào cuộc sống bất hạnh, từng ngày chìm đắm trong nỗi cô đơn, trống trải. Sống trong cung nội từ nhỏ, làm quan tại triều, nhà thơ có hiểu rõ bản chất cuộc sống nơi tam cung lục viện thời suy vi. Điều đó đẩy ông đi tới sáng tác đề tài cung oán bằng giọng điệu ai oán, sầu thảm mà quyết liệt, gay gắt. Đặt hình tượng người phụ nữ làm trung tâm, các nhà nho vừa phản ánh bi kịch đau đời của người phụ nữ vừa hướng tới hình thành chủ nghĩa nhân đạo. Khuynh hướng thương cảm thiên về nỗi khổ tinh thần hơn là nỗi khổ vật chất. Éo le cuộc tình với những kết thúc bi thương là một trong những nội dung cơ bản biểu hiện khuynh hướng đó. Có nhiều tác phẩm bắt đầu bằng một câu chuyện tình lãng mạn. Đôi trẻ vừa bước vào đường yêu đã dám “xé rào” để đến với nhau và trao cho nhau lời thề chung thủy. Những cặp đôi như Chu Sinh – Mộng Trang (Duyên lạ nước hoa – Lê Thánh Tông), Kim Trọng – Thúy Kiều (Truyện Kiều – Nguyễn Du), Phạm Công – Cúc Hoa (Phạm Công – Cúc Hoa), Nguyễn Sinh – cô gái con nhà phú ông (Câu chuyện tình ở Thanh Trì – Vũ Trinh), Phạm Thái – Quỳnh Thư (Sơ kính tân trang – Phạm Thái), đều là những người tiên phong trong công cuộc đấu tranh với lề thói đạo đức cổ hủ. Họ yêu say đắm, hứa hẹn, thề bồi mà trong đó không phải ai cũng có đoạn kết viên mãn. Chiến tranh, lề thói phong kiến môn đăng hộ đối đã khiến cho những câu chuyện tình đẹp như mơ tan thành mây khói. Trong việc tổ chức cốt truyện, không thể cho đôi uyên ương tiếp tục sống như những ngày xưa từng sống, các tác giả đi tới sáng tạo những tình tiết như đoàn viên như là một cách bày tỏ niềm mong mỏi, tiếc nuối như là Đem tình cầm sắt đổi ra cầm kì trong Truyện Kiều, kết thành khối, sau tan chảy thành máu huyết đầm đìa trong Câu chuyện tình ở Thanh Trì, hóa duyên trong Sơ kính tân trang và Duyên lạ nước hoa Cách “cứu vãn” ấy là một trong những biểu hiện cơ bản của tấm lòng thương cảm, hé mở niềm hi vọng ngời sáng về tình yêu của tác giả. Thương cảm đối với những phận người bất hạnh, những cuộc tình trái ngang, dang dở cũng là một cách thể hiện kín đáo niềm xót xa, phẫn hận của chính mình trong một xã hội bất công, bảo thủ. Trong sự phân biệt loại nhân vật phản diện và chính diện luôn hàm chứa thái độ của tác giả. Từ giọng điệu, ngôn từ, hình ảnh cho đến thủ pháp đều chịu sự chi phối nhất định bởi tình cảm của nhà văn đối với hình tượng. Lòng thương xót của Nguyễn Dữ với đối nàng Vũ Nương (Chuyện người con gái Nam Xương – Truyền kì mạn lục), của Nguyễn Du đối với Thúy Kiều (Truyện Kiều), của Vũ Trinh đối với người ca kĩ họ Nguyễn (Ca kĩ họ nguyễn – Lan Trì kiến văn lục), của Phạm Thái đối với cặp đôi Phạm Kim và Trương Quỳnh Thư (Sơ kính tân trang) đã đạt đến mức độ sâu sắc. Các nhà văn, nhà thơ dõi theo từng đoạn đường khổ ải, tủi nhục của nhân vật với một tâm hồn nhỏ máu. Cảm hứng xót thương bắt nguồn từ hiện thực, nỗi ưu thời mẫn thế của những kẻ nặng lòng với sự đời, sự gần gũi giữa tác giả với những con người tài hoa, đa tình nhưng có cuộc đời bất hạnh. Trong tiếng nói xót thương và đồng cảm, các tác giả thời trung đại đã biểu lộ nỗi đau nhân tình vừa kín đáo vừa trọn vẹn và sâu sắc. Thứ hai là khuynh hướng ca ngợi, cổ xúy tự do yêu đương và giải phóng tình dục. Trong Bút kí triết học, V.I Lênin từng dẫn tư tưởng của Héghen: “Lịch sử thế giới chẳng khác gì hơn là lịch sử phát triển của khái niệm tự do” (V. I. Lênin, 1963). Các nhà nho, đặc biệt là nhà nho tài tử trong sáng tác nghệ thuật đã bước ra khỏi một số định chế để góp phần cho “khái niệm tự do” được trở mình và hình thành khuynh hướng mới. Một số người hiểu nhầm rằng tư tưởng tự do về tình yêu và hôn nhân được vốn là một sản phẩm ngoại nhập thời cận đại, khi thực dân Pháp mang văn hóa phương Tây vào Đông Dương. Thực chất, đề cao tự do yêu đương là tư tưởng đã xuất hiện trong nhiều sáng tác thời trung đại, càng về sau càng rầm rộ và mạnh mẽ. Những nhà nho tiến bộ luôn đặt ra nhu cầu mang tính thời đại, đó là giải phóng tình dục. Vô hình trung, điều này đã chống lại quan điểm tỏa chiết, một mực đè nén tình dục bằng hệ thống đạo đức Nho giáo hà khắc và phi lí. Họ coi “dục” là một đối tượng phê phán, mang tính chất tiêu cực, cần bị “cấm”, “diệt” với tôn chỉ “diệt nhân dục, tồn nhân lý”. Các nhà nho tài tử không coi “dục” là cái xấu xa, thấp kém làm bại hoại nhân lí mà là một bình diện quan trọng làm nên con người cá nhân – trần thế. Tuy chưa được công khai thừa nhận, “cái dục” được miêu tả bằng tất cả tâm thức lãng mạn và ý thức thoát ly tư tưởng cấm dục. Những tác phẩm đậm màu sắc tính dục xuất hiện trong nhiều thời đại khác nhau nhưng lại tương đồng về ý thức nghệ thuật. Một mặt, nhà nho chống lại tư tưởng cũ kĩ, một mặt cổ xúy và liên tục đề ra nhu cầu giải phóng tính dục như một sự bức bách. Đây chính là một yếu tố hàng đầu góp phần hình thành tư tưởng nhân văn chủ nghĩa. Ngay từ thế kỉ XV, trong Lĩnh Nam chích quái, Lý Tế Xuyên đã ngầm lên tiếng về vấn đề tự do yêu đương, thậm chí là tự do kết hôn. Trong chuỗi đề tài viết về các Vua Hùng, tác giả đã kể lại chuyện tình Lạc Long Quân và Âu Cơ, một khởi nguồn huyền thoại của dân tộc Việt Nam. Đến từ những phương trời khác nhau, đôi “trai tài gái sắc” bỏ qua tất cả sự khác biệt để yêu nhau và kết hôn. Sự kết hợp ấy đã tạo ra bọc trứng kì lạ, nở ra thành một trăm người con. Lại nữa, trong Truyện nhất dạ trạch, nàng Tiên Dung trong lúc chu du khắp thiên hạ đã vô tình để cho Chữ Đồng Tử ngắm trọn cơ thể ngọc ngà trong nơi bãi đất hoang. Sự kết hợp giữa nàng công chúa xinh đẹp, cao sang với chàng trai nghèo khổ là biểu hiện của kiểu tư duy lãng mạn và cũng là sản phẩm của ý thức cổ xúy tự do yêu đương của Lý Tế Xuyên. Nhiều nhà nghiên cứu lí giải sự gặp gỡ và kết đôi của hai trường hợp trên bằng Đạo giáo và Nho giáo nghe có vẻ logic nhưng vẫn bộc lộ sự khiên cưỡng và máy móc suy luận. Đến Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ, tính dục đã chạm tới một cột mốc mới và đồng thời thể hiện rõ quan niệm của tác giả về tự do luyến ái. Khi phản ánh hiện thực đời sống, tác giả đã đi vào khẳng định khát vọng chân chính của con người mà phương diện quan trọng nhất trong đó chính là tình yêu đôi lứa. Những cuộc gặp gỡ của Phật Sinh với Lệ Nương, Nhuận Chi với Túy Tiêu, Hà Nhân với hai hồn hoa, Hàn Than với Vô Kỷ, Thị Nghi với quan họ Hoàng đều mang tính chất vượt vòng lễ giáo và được kể lại bằng giọng điệu say sưa, ngọt ngào trong cảm hứng lãng mạn. Nguyễn Dữ tỏ ra ủng hộ những cuộc tình thắm thiết, cho dẫu trong cái nhìn của nhà nho khắc kỉ, chúng không hợp luân lí nhưng lại bộc lộ nhu cầu cơ bản của con người. Tiếp nối tư tưởng đó, về sau những tác phẩm như Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự, Phan Trần, Bích Câu kì ngộ, Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, thơ Hồ Xuân Hương, Sơ kính tân trang của Phạm Thái, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Đoạn trường lục của Phạm Nguyễn Du, Khuê ai lục của Ngô Thì Sĩ đã lên tiếng cổ xúy khát vọng hạnh phúc lứa đôi, chống lại Nho giáo và Phật giáo cũng như các thế lực tàn bạo phản nhân văn. Chúng ta đã biết Sơ kính tân trang của Phạm Thái là một truyện thơ mang tính tự truyện ca ngợi tình yêu ngoài vòng lễ giáo. Chàng trai và cô gái tự ý yêu nhau mà chưa được sự đồng ý của cha mẹ. Khi bị ép gả cho người mà cô không yêu thương, cô gái đã tìm đến cái chết và sau khi trải qua hành trình trầm luân, khổ ải đã tái sinh trong một kiếp sống mới, được kết duyên với người tình chung. Qua tác phẩm, Phạm Thái đã dệt nên một khúc ca ca ngợi vẻ đẹp và sức mạnh của tình yêu, đồng thời lên án gay gắt lề thói cổ hủ đã hủy hoại tình yêu đẹp đẽ và đắm say. Cho dẫu những nhà nho vẫn còn đứng trên lập trường duy tâm siêu hình trong việc lí giải hiện tượng đời sống nhưng những hình tượng mà họ xây dựng có khả năng cổ võ con người “cởi trói” để thoát ra khỏi mọi kìm hãm kiên cố tồn tại trong nhiều thế kỉ qua. Ca ngợi, cổ xúy tự do yêu đương gắn liền với ý thức về quyền sống trong cuộc đời hạnh phúc. Đó là khát vọng cháy bỏng không của riêng ai được hình thành từ tư tưởng nhân văn tiến bộ. Ca ngợi tình yêu tự do đã trở thành một đề tài đầy hấp dẫn, có ý nghĩa thúc đẩy sự hình thành của trào lưu mới trong văn học trung đại Việt Nam: trào lưu nhân đạo chủ nghĩa. Mặc dù việc lí giải còn bộc lộ nhiều hạn chế nhưng một số tác phẩm đề cập ở trên vẫn được coi như những trang diễm tình lãng mạn. Những người trẻ tuổi bất chấp mọi lệ luật đến bên nhau, trao gửi cho nhau tình yêu tha thiết, nồng nàn. Những nàng tiên đến từ cõi non bồng hay thủy phủ đã say mê nam nhân dưới trần gian như Giáng Tiên trong Từ Thức lấy vợ tiên, Ngọa Vân trong Chuyện lạ ở nhà thuyền chài, Mộng Trang trong Duyên lạ nước hoa, Giáng Tiên trong Từ Thức lấy vợ tiên, Giáng Kiều trong Bích Câu kì ngộ đều mang tâm hồn khao khát luyến ái. Rồi vườn khuya thành vườn yêu của cặp đôi Thúy Kiều – Kim Trọng (Truyện Kiều – Nguyễn Du), nhà chùa trở thành điểm hò hẹn của Diệu Thường và Phan sinh (Nhị độ mai)... Ca ngợi tình yêu tự do là một biểu hiện táo bạo về tư tưởng của những nhà nho trên hành trình cách tân. Trong cảm quan nghệ thuật, những người trẻ ấy tâm niệm tình yêu có một sức mạnh vạn năng giúp những kẻ yêu nhau có thể san bằng khó khăn, thử thách, vượt qua rào cản phân biệt giai cấp, chấp nhận chịu thiệt thòi, hi sinh để có thể bảo vệ nó. Đồng thời, tình yêu còn có khả năng cảm hóa lòng người, giúp con người cải tà quy chính và thăng hoa trong đời sống tinh thần. Cho phép nhân vật chủ động đi tìm hạnh phúc, bất chấp mọi rào cản, các nhà văn, nhà thơ đã thể hiện công khai ý thức khai phóng tính dục. Thúy Kiều xăm xăm băng lối vườn khuya một mình trong lúc cha mẹ vắng nhà. Chính hành động bạo dạn đó đã gây thị phi của những người mang cái nhìn khắc khe trong lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều. Trong bài Giới thiệu Truyện Kiều, Nguyễn Khắc Viện đã bày tỏ mối lo ngại cho Thúy Kiều trước sự đánh giá của người đời: “Đối với một xã hội theo đạo Khổng đã hằng trăm năm sống với câu danh ngôn của thánh hiền: Nam nữ thụ thụ bất thân! thì đấy chẳng phải một điều bêu riếu là gì!” (Trịnh Bá Đĩnh, 1998). Đối với những ai còn mang tư tưởng cổ hủ, việc Nguyễn Du dành những câu thơ diễn tả tình yêu nồng nàn, say đắm vượt vòng lễ giáo là biểu hiện tư tưởng phản nhân văn, phi giáo dục. Nhưng với những ai tiến bộ, điều đó lại là biểu hiện một tinh thần mới đậm đà tính nhân văn. Bề sâu của khuynh hướng này là ý thức phủ định và phản kháng đối với xã hội đương thời với thái độ kịch liệt và gay gắt nhất. Mang khuynh hướng chủ tình, những nhà nho, đặc biệt là nhà nho tài tử không chỉ đã bộc lộ tiếng nói cá nhân mang màu sắc trần thế mà còn xây dựng hình mẫu mới, khác biệt với con người thánh nhân xuất hiện phổ biến ở những giai đoạn văn học trước. Chúng ta quá quen thuộc với tiếng nói ngợi ca chế độ, ngợi ca những anh hùng xả thân vì đất nước, ca ngợi những bậc hiền triết lấy tư tưởng Khổng Mạnh làm ánh sáng soi đường. Trong khuynh hướng văn học mới, chúng ta còn tìm thấy những con người sống hết mình cho tình yêu và thể hiện nhu cầu mang tính nhân bản. Họ được các nhà thơ, nhà văn ca ngợi hết lời. Từ hai tiếng nói ngợi ca trên, chúng ta có thể thấy sự đối trọng của tư tưởng, sự vận động mang tính biện chứng và hợp thời trong tư tưởng – tình cảm của người sáng tác. Thứ ba là khuynh hướng hướng phủ định nếp sống suy đồi và khuynh hướng thoát li tình dục nhân thế. Truyền kì mạn lục là tập truyện chứa nhiều nội dung về tính dục, thể hiện rõ khuynh hướng ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của con người trong tình yêu và hôn nhân thông qua những câu chuyện tình lâm li, có thăng hoa hòa quyện thể xác và tâm hồn, có đau thương, tan vỡ sau biến cố oan trái... Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Nguyễn Dữ sa đà vào hiện tượng đồi trụy hóa trong văn học nghệ thuật. Vì dẫu sao ông vẫn là nhà nho mẫu mực, nỗ lực hướng đến những giá trị mang vẻ đẹp nhân văn, chứ không dùng văn chương để cổ xúy lối sống tầm thường. Ngay trong những tác phẩm xuất hiện nhiều cảnh “sex” lại hàm chứa ý thức phê phán loại tình yêu bờ bụi hoang đàng, xu hướng tình dục thái quá biểu hiện trong thái độ ham mê hoan lạc xác thịt với kiểu “tình một đêm”. Những cuộc tình tay ba, ân ái thác loạn tập thể (Chuyện kì ngộ ở trại Tây), trai gái yêu đương ngay trong chùa chiền tôn nghiêm (Chuyện nghiệp oan của Đào thị), phụ nữ lấy nhan sắc làm trò mê hoặc, quyến rũ đàn ông (Chuyện nghiệp oan của Đào thị), hồn ma nữ chết rồi mà vẫn tìm cách ân ái với người phàm (Chuyện yêu quái ở Xương Giang). Các nhân vật nhiều lần thể hiện trực tiếp quan niệm sống hành lạc, nặng về thú vui nhục thể hơn là chuyện yêu đương của tâm hồn qua một số lời thoại. Liễu nương và Hồng nương từng nói với Hà Nhân: Nay gặp tiết xuân tươi đẹp, chúng em muốn làm những bông hoa hướng dương để khỏi hoài phí xuân quang (Chuyện kỳ ngộ ở trại tây). Nàng Nhị Khanh đã từng nói với Trình Trung Ngộ như sau: Nghĩ đời người ta, thật chẳng khác giấc chiêm bao. Chi bằng trời để sống ngày nào, nên tìm lấy những thú vui. Kẻo sớm chết đi, sẽ thành người của suối vàng, dù có muốn hoa lạc, ái ân, cũng không thể được (Chuyện cây gạo). Quan niệm sống của những nhân vật ma nữ bề ngoài giống với những những con người có tư tưởng tiến bộ với khát vọng giải phóng tình yêu chân chính nhưng về bản chất thì không đồng nhất. Đó chỉ là biểu hiện của kiểu hưởng lạc, duy nhất hóa việc ân ái nam nữ với kiểu sống “nghiện sex”. Vì vậy, Sư Vô Kỷ, Đào Hàn Than, Hà Nhân không phải là những nhân vật thông diễn tư tưởng ngợi ca mà chính là những người đáng bị phê phán. Họ đều là những kẻ vì ham muốn tình dục thái quá mà phá vỡ đạo lí, giáo lí, cuối cùng biến thành yêu nghiệt, hoặc dang dở, lỡ làng con đường học vấn. Bên cạnh đó, những kẻ gian dâm, hiếu dâm cũng có những kết cuộc không ra gì. Hà Ô Lôi bị Minh Uy vương đánh chết vì dám tư thông với con gái ông (Hà Ô Lôi – Lĩnh Nam chích quái). Dạ thoa Vương bị Vi Bà đánh chết vì cướp vợ Vi Bà (Truyện Dạ thoa vương – Lĩnh Nam chích quái), Tinh chuột bị sấm sét đánh chết, bị thiêu đốt và sau đó ném tro xuống sông vì lừa gạt và thông dâm cùng vợ anh học trò (Chuyện Tinh chuột – Thánh Tông di thảo). Thần Thuồng luồng bị lưu đày lên mạn Bắc vì cướp vợ người... Giữa khát vọng giải phóng tình yêu và lối sống sa đọa, thác loạn tình dục xem ra có một lằn ranh khá nhập nhằng. Trong tác phẩm nhà văn không trực tiếp bày tỏ quan niệm về tình dục, song dựa vào kết cuộc của những mối tình bất chính, chúng ta ít nhiều có thể thấy được khuynh hướng tư tưởng của tác giả. Với Nguyễn Dữ, ý thức về con người cá nhân và giải phóng ái tình không đồng nghĩa với trò yêu đương lăng nhăng thỏa mãn thú vui xác thịt. Đây chính là đầu mối nảy sinh sự nhìn nhận về hiện tượng những mâu thuẫn phức tạp trong tư tưởng Nguyễn Dữ. Sự đối nghịch giữa tư tưởng bảo thủ và tư tưởng phóng khoáng, cởi mở thực ra chỉ là biểu hiện tình lưỡng phân, “nhị nguyên” về nhân sinh quan ở tác giả. Một mặt ông hết sức bảo vệ đạo lí Nho giáo, mặt khác lại hướng về quyền sống của con người. Những lời bình ở cuối truyện và kiểu “kết thúc không có hậu” của những mối tình bất chính là cách mà ông một mực đề cao đạo đức, cương thường tốt đẹp. Nguyễn Du cũng gieo duyên cho đôi trai tài gái sắc khi cho họ gặp gỡ, đem lòng yêu nhau, hứa hẹn, thề bồi. Nhưng nhà thơ vẫn không cho phép nhân vật sa đà chuyện ái ân. Trong khi Kim Trọng sóng tình dường đã xiêu xiêu thì Thúy Kiều lại làm chủ xúc cảm, nhắc nhở Kim Trọng phải giữ gìn đạo lí: Ra tuồng trên Bộc trong dâu / Thì con người ấy ai cầu mà chi. Từ chối quan hệ tình dục với Kim Trọng, Thúy Kiều đã xuất phát từ nhu cầu đạo đức, chứ không phải từ quan niệm diệt tình, diệt dục như trong Phật giáo. Tình yêu của Thúy Kiều không hàm chứa ham muốn thỏa mãn nhục dục tiền hôn nhân. Đó cũng chính là biểu hiện sự trong sáng trong khi diễn ngôn về tính dục của tác giả. Trai gái có thể vượt quyền cha mẹ khi tự do yêu đương, thậm chí quyết tâm lấy cho được người mình yêu, song họ vẫn một mực giữ gìn phẩm hạnh cho nhau trước hôn nhân, hoặc là cự tuyệt kịch liệt trước sự cưỡng ép của thế lực hắc ám. Quan Âm thị Kính là tác phẩm kể vè Thị Kính, một người con gái đủ sắc, tài và đạo đức bị Thị Mầu vu oan. Sau khi thông dâm với đứa ở trong nhà, thị Mầu mang thai, bị đưa ra tra hỏi. Phú ông, cha Thị Mầu, khi răn dạy con đã gián tiếp thể hiện tư tưởng khuyến thiện trừ dâm của tác giả khuyết danh: Một là động địa làm sao, / Nước phương mộc dục thấm vào chẳng sai. / Hai là lầm thuốc rông dài, / Cái dâm dương hoắc thì ai cũng vừa. / Ba là phải đứa trao bùa, / Miếng trầu hoan hỉ nó cho bao giờ. / Vô tình nào có ai ngờ, / Thế mà ăn nói ỡm ờ như không. / Khôn thời thưa thốt cho xong, / Kẻo mà bè chuối trôi sông chăng là. Những kẻ bị chứng mê dục chẳng khác nào uống phải thuốc lú, mắc phải bùa mê làm cho tâm trí mù tối, không còn tỉnh táo trong hành động. Bè chuối trôi sông chỉ là một trong những hình thức trừng phạt nặng nề đối với những kẻ vì tham dục mà thông dâm, vi phạm đạo lí luân thường. Ý thức phủ định nếp sống suy đồi tình dục còn được các nhà văn thể hiện trực tiếp như là một cách bày tỏ quan niệm rạch ròi. Trong truyện Chuyện yêu quái ở Xương Giang, tác giả viết như sau: Phương chi xem thấy yêu nữ mê người, sẽ biết răn sợ trước sắc đẹp, xem thấy linh từ xử án, sẽ biết kính tránh thần thiêng. Với ông, nhan sắc mĩ miều của phụ nữ gian dâm chẳng khác nào cạm bẫy. Thực ra, Nguyễn Dữ không xem thường phụ nữ, lại càng không coi phụ nữ là nguyên nhân của mọi điều rắc rối và tai ác. Ông chỉ muốn khuyên con người xa tránh dâm dục, bỏ bớt đam mê nữ sắc. Ở tác phẩm khác, nhà văn lại trực tiếp bày tỏ quan niệm về tính dục: Than ôi, thanh lòng không bằng ít dục. Dục muốn yên lặng thì lòng trống rỗng mà điều thiện sẽ vào, khí bằng phẳng mà cái lý sẽ thắng, tà quỷ còn đến quấy nhiễu làm sao mà thắng được (Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây – Nguyễn Dữ). Theo tác giả, một khi giữ được tâm hồn sạch trong, người ta sẽ không còn bị tình dục cám dỗ. Đó là cách để mỗi người tự bảo vệ tâm hồn hữu hiệu nhất. Trong lời bình Chuyện cây gạo, Nguyễn Dữ cho rằng những kẻ đam mê dâm dục thái quá thì chắc chắn sẽ gặp phải nạn tai: Than ôi, cái giống ma quỷ, tuy từ xưa không phải là cái nạn đang lo cho thiên hạ, nhưng kẻ thất phu đa dục thì thường mắc phải. Theo ông, nguyên nhân của mọi rắc rối chính là đa dục của con người. Hàm trong quan niệm đó là lời khuyên răn: con người phải giảm bớt tham dục. Quan niệm của Nguyễn Dữ nói riêng, của nhà nho thời trung đại nói chung đều phảng phất màu sắc của Phật giáo, Nho giáo và những điều lệ do chính quyền phong kiến ban hành. Thuở trước Mạnh Tử từng kêu gọi: Trừ nết xấu, bỏ thói dâm. Vua Minh Mạng từng đưa ra lời dạy người đời như sau: “Giữa trai và gái, rất dễ mắc về tình dục, nếu không dùng lễ pháp tự phòng ngừa, thì đầu mối tuy nhỏ, mà cái họa rất to: thù hằn, kiện tụng, bởi đấy sinh ra, há chẳng biết hết sức coi chừng để ngăn ngừa nó ư?” (Nội các triều Nguyễn, 2005). Những quan niệm trên cho ta thấy rằng những nhà nho đã trưởng thành về ý thức hệ, một mặt tiếp thu tinh thần mới, một mặt giữ gìn, bảo toàn những vẻ đẹp mang tính truyền thống. Trong văn học trung

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docxluan_an_van_de_tinh_duc_trong_van_hoc_trung_dai_viet_nam.docx
  • pdfQĐ HỘI ĐỒNG NCS MAI SƠN TÙNG.pdf
  • pdfTOÀN VĂN LUẬN ÁN TIẾNG VIỆT.pdf
  • docxTÓM TẮT LUẬN ÁN - TIẾNG ANH.docx
  • pdfTÓM TẮT LUẬN ÁN - TIẾNG ANH.pdf
  • docxTÓM TẮT LUẬN ÁN - TIẾNG VIỆT.docx
  • pdfTÓM TẮT LUẬN ÁN - TIẾNG VIỆT.pdf
  • docTRANG THONG TIN NHUNG DONG GOP MOI CUA LUAN AN - TIẾNG ANH.doc
  • pdfTRANG THONG TIN NHUNG DONG GOP MOI CUA LUAN AN - TIẾNG ANH.pdf
  • docTRANG THONG TIN NHUNG DONG GOP MOI CUA LUAN AN - TIẾNG VIỆT.doc
  • pdfTRANG THONG TIN NHUNG DONG GOP MOI CUA LUAN AN - TIẾNG VIỆT.pdf
Tài liệu liên quan