Luận văn Phương pháp khai thác các kiến thức lý luận văn học trong đọc – hiểu văn bản văn học lớp 11 – chương trình nâng cao

Để đọc – hiểu từng phần trong tác phẩm, giáo viên thường hay hướng học sinh đi tìm biện

pháp tu từ được sử dụng trong các câu thơ, khổ thơ, nói cách khác, đọc – hiểu từ hình thức nghệ thuật tới nội dung nghệ thuật của tác phẩm. Đây là con đường đúng đắn nhất để đọc – hiểu một tác phẩm văn học, bởi lẽ, cũng từ lí luận văn học, tác phẩm nghệ thuật là sự kết hợp hài hòa, thống nhất chặt chẽ giữa hình thức và nội dung, hình thức chỉ có ý nghĩa khi biểu hiện được nội dung, nội dung càng nổi bật khi chọn được một hình thức phù hợp nhất. Do đó, khi phân tích từng ý thơ, giáo viên thường đưa ra những câu hỏi về biện pháp tu từ, yêu cầu học sinh phát hiện, khai thác khái niệm lí luận văn học này và phân tích, nhận xét giá trị của từng nghệ thuật được sử dụng. Qua đó tự rút ra nội dung tương ứng, chủ yếu là bộc lộ cảm xúc, tâm trạng của nhân vật trữ tình.

pdf102 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 3573 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Phương pháp khai thác các kiến thức lý luận văn học trong đọc – hiểu văn bản văn học lớp 11 – chương trình nâng cao, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
eo bút pháp lãng mạn trữ tình nhưng cảnh cuối cùng của nó lại tràn đầy kịch tính. Khi phân tích tác phẩm này nếu ta thuần tuý chỉ chú ý đến hai nhân vật trên như một truyện ngắn bình thường thì chưa đủ, phải phát hiện được cả lượng thông tin nghệ thuật dày đặc qua kịch tính ở cảnh cuối cùng, để từ đó làm nổi bật tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Theo đánh giá của nhiều giáo viên, việc đọc – hiểu đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (trích Số đỏ – Vũ Trọng Phụng) có lẽ khó khăn hơn cả. Trước đây, nhiều giáo viên phân tích theo diễn biến đám tang, nhưng lại gặp một vấn đề: có nhiều ý bị trùng lặp và dẫn đến sự nhàm chán cho cả giáo viên và học sinh trong quá trình dạy và học. Trong cuốn sách giáo khoa Ngữ văn 11 – chương trình nâng cao hiện hành có đưa ra một hướng đi mới, bắt đầu từ một khái niệm LLVH: xác định mâu thuẫn trào phúng trong đoạn trích. Đây cũng lại là một thiếu sót của sách giáo khoa vì không đưa ra cho học sinh khái niệm về mâu thuẫn trào phúng. Giáo viên giúp học sinh hiểu thế nào là mâu thuẫn trào phúng và yêu cầu các em xác định mâu thuẫn trào phúng trong đoạn trích. Mâu thuẫn trào phúng được tạo ra từ ngay nhan đề và tình huống đoạn trích (ông cụ già chết thật và con cháu tổ chức đám tang). Có chết thật thì mới có đám tang thật, có đám tang thật thì mới có hạnh phúc thật. Nhưng hạnh phúc thật ở đây vẫn được che phủ bởi hình thức bên ngoài rất hợp thời trang với một đám tang. Đấy chính là mâu thuẫn trào phúng của đoạn trích. Từ đó ta có thể lập bảng thể hiện sự đối lập, tương phản giữa hình thức bên ngoài và bản chất bên trong, giữa lời nói và ý nghĩ, giữa lời nói và hành động của các nhân vật trong đoạn trích (bao gồm nhân vật con cháu trong đại gia đình cụ cố tổ và nhân vật đám đông). Qua mâu thuẫn trào phúng ấy, giáo viên giúp học sinh rút ra một vấn đề mang tính lí luận nữa, đó là chủ đề của đoạn trích. Điều này rất dễ phát hiện khi học sinh đã hiểu và nắm được mâu thuẫn trào phúng của văn bản. Đấy phải chăng là một hướng đi bao quát và hợp lí hơn cả, tránh sự trùng lặp nếu khai triển theo diễn biến đám tang. Cách thông thường để xác định các đề mục của văn bản là dựa vào bố cục của nó. Khái niệm bố cục có ở cả trong tác phẩm tự sự và tác phẩm trữ tình, kịch, văn bản nghị luận. Trong tác phẩm Hai đứa trẻ, câu chuyện xoay quanh một không gian với diễn biến thời gian khác nhau: cảnh phố huyện lúc chiều tàn – cảnh phố huyện lúc đêm khuya – và một cảnh tượng giàu ý nghĩa: cảnh đợi tàu. Từ đó, chúng ta có thể gộp hai phần đầu, đặt thành mục: Bức tranh phố huyện và mục thứ hai là Cảnh đợi tàu. Với đoạn trích Đám tang lão Gô-ri-ô (trích Lão Gô-ri-ô – Ban-dắc), bố cục đoạn trích cũng đi theo diễn biến đám tang nhưng khi đọc – hiểu văn bản thì chúng ta lại dựa vào sự kiện và nhân vật để xác định hai vấn đề trọng tâm: Đám tang lão Gô-ri-ô và Nhân vật Ra-xti-nhắc. Như vậy, để hình thành các đề mục hay xác định những vấn đề trọng tâm, định hướng trong bài giảng các văn bản tự sự, giáo viên cần dựa vào và khai thác một số khái niệm LLVH như: tình huống truyện, nhân vật, sự kiện chính của truyện, bố cục của văn bản,… để giúp các em dần dần hình thành và ăn sâu trong trí óc của mình đặc điểm cùng các yếu tố then chốt, quan trọng của loại thể tự sự trong văn học.  Khai thác yếu tố LLVH để đi sâu đọc – hiểu văn bản tự sự Khi đọc – hiểu văn bản tự sự, thường gộp vào 2 vấn đề trọng tâm sau: sự kiện và nhân vật trong tác phẩm.  Đối với việc tìm hiểu một sự kiện, một cảnh tượng có ý nghĩa trong văn bản tự sự, chúng ta thường khai thác những yếu tố lí luận: thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật, biện pháp nghệ thuật: so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, đối lập, … Ví dụ khi đọc – hiểu bức tranh phố huyện trong Hai đứa trẻ, giáo viên cũng gợi mở cho học sinh cảm nhận bức tranh phố huyện ấy trong thời gian và không gian nghệ thuật cùng những biện pháp nghệ thuật được sử dụng. Từ đó, rút ra những nhận xét khái quát, tâm điểm nhất của bức tranh ấy. Giảng Hai đứa trẻ mà không khai thác không gian đầy bóng tối được nhà văn miêu tả một cách đậm đặc, xen kẽ với những luồng ánh sáng le lói, vụt sáng rồi vụi tắt… thì sẽ không khai thác được chủ đề của tác phẩm này. Không gian ở đây không phải chỉ làm “phông” cho tác phẩm, đó là một không gian mang ý nghĩa thẩm mĩ rõ rệt. Chính không gian là một yếu tố vừa mang tính nghệ thuật vừa mang tính nội dung, biểu đạt chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Hay cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù cũng được đặt trong thời gian đêm khuya và thời gian đặc biệt: đêm cuối cùng của tử tù Huấn Cao, không gian: buồng giam tù ngục cùng biện pháp nghệ thuật chủ yếu được sử dụng làm nổi bật ý nghĩa cảnh cho chữ, đó là nghệ thuật đối lập. Không chỉ đối lập giữa cảnh tượng, không gian mà còn đối lập giữa các nhân vật trong tác phẩm tạo nên một bức tranh đầy kịch tính. Ở đây, tính tư tưởng trào dậy tỉ lệ thuận với kịch tính. Cảnh nhà tù đã sụp đổ hoàn toàn trước ánh sáng của thiên lương, tài hoa và khí phách… Bằng một vài chi tiết sinh động, gợi cảm và rất tạo hình, Nguyễn Tuân đã dựng một bức tranh thật xúc động, vừa trang trọng, vừa thiêng liêng, vừa giàu kịch tính. Khi đọc – hiểu cảnh đám tang của lão Gô-ri-ô trong trích đoạn Đám tang lão Gô-ri-ô, giáo viên cũng hướng học sinh chú ý tới thời gian và không gian chiều tàn ảm đạm của đám tang, cùng nghệ thuật kể và tả, từ đó tăng thêm tính bi đát, não lòng cho cảnh đám tang lão Gô-ri-ô. v.v… Khi đọc – hiểu những sự kiện, cảnh tượng trong văn bản tự sự, ngoài những yếu tố lí luận trên, nếu trong phần Tri thức đọc – hiểu cung cấp những yếu tố lí luận khác để giúp khai thác sâu hơn thì giáo viên phải định hướng cho học sinh sử dụng sao cho hữu hiệu nhất. Ví dụ, để đọc – hiểu đoạn trích Đám tang lão Gô-ri-ô nói trên, trong phần Tri thức đọc – hiểu nhắc tới nghệ thuật kể và tả cùng một đoạn văn tham khảo về nghệ thuật tả trong tác phẩm Lão Gô-ri- ô, giáo viên phải hướng học sinh chú ý và sử dụng kiến thức đó như một công cụ giúp cho việc đọc – hiểu dễ dàng và sâu sắc hơn. Qua đó phải hiểu được dụng ý của nhà văn hầu như chỉ kể mà không tả đám tang, để người đọc thấy được một đám tang sơ sài, qua quýt, thiếu tình người, nổi bật rõ số phận thê thảm, bất hạnh của nhân vật chính – lão Gô-ri-ô trong xã hội tư sản mà ở đó đồng tiền ngự trị.  Khi đọc – hiểu về nhân vật quan trọng trong tác phẩm tự sự, chúng ta phải nắm được các phương thức, phương tiện và biện pháp thể hiện nhân vật. Nhân vật văn học chỉ xuất hiện qua sự trần thuật, miêu tả bằng phương tiện nghệ thuật. Các phương thức thể hiện nhân vật hết sức đa dạng. Văn học đa dạng đến đâu, các phương thức, phương tiện thể hiện nhân vật đa dạng đến đó. Trước hết, nhân vật được miêu tả bằng chi tiết. Đó là những biểu hiện mọi mặt của con người mà người ta có thể căn cứ để cảm biết về nó. Hêghen xem chi tiết như những con mắt trổ những cửa sổ để người ta nhìn vào nhân vật. Văn học dùng chi tiết để miêu tả chân dung, ngoại hình, tả hành động, tâm trạng, thể hiện những quá trình nội tâm. Văn học cũng dùng chi tiết để mô tả ngoại cảnh, môi trường, đồ vật xung quanh con người như ở trên chúng ta cũng đã nhắc tới. Do đó, trong quá trình đọc tác phẩm và phân tích nhân vật trong tác phẩm tự sự, chúng ta phải đặc biệt chú ý đến một số chi tiết nghệ thuật để góp phần làm nổi bật hình tượng nhân vật. Ví dụ, trong khi phân tích nhân vật Chí Phèo, giáo viên phải chú ý những chi tiết nghệ thuật sau: chi tiết tiếng chửi của Chí Phèo, gương mặt Chí Phèo, chi tiết bát cháo hành của Thị Nở, chi tiết giọt nước mắt, giọt mồ hôi, chi tiết cái lò gạch ở đầu và cuối tác phẩm,… Đó là những chi tiết rất đắt giá của Nam Cao trong quá trình xây dựng nhân vật điển hình Chí Phèo. Đối với nhân vật Ra-xti-nhắc trong đoạn trích Đám tang lão Gô-ri-ô, khi phân tích nhân vật này cũng phải chú ý chi tiết giọt nước mắt khi chàng trai trẻ khóc thương cho lão Gô-ri-ô ở cuối tác phẩm. Đó là những chi tiết nghệ thuật rất đặc sắc và ý nghĩa giúp giáo viên và học sinh thâm nhập sâu hơn vào nội tâm của nhân vật, hiểu sâu sắc về nhân vật của tác phẩm. Nhân vật còn được thể hiện qua mâu thuẫn, xung đột, sự kiện. Các mâu thuẫn, xung đột bao giờ cũng có tác dụng làm nhân vật bộc lộ cái bản chất sâu kín nhất của nó. Từ đó, phải chú ý tới mối quan hệ của các nhân vật trong tác phẩm. Sự gặp gỡ đầy kịch tính giữa hai nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục trong Chữ người tử tù đã làm nổi bật vẻ đẹp bất khuất, tài hoa nghệ sỹ cùng cái tâm trong sáng của người anh hùng Huấn Cao; đồng thời cũng cho ta thấy một viên quản ngục khác lạ đầy bản lĩnh, biết yêu, biết trân trọng cái đẹp với tấm lòng biệt nhỡn liên tài hiếm có trong xã hội lúc bấy giờ. Hay sự gặp gỡ giữa Chí Phèo và thị Nở bỗng làm cho Chí Phèo trở nên hiền lành, bắt đầu một sự hoàn lương, phục sinh, nhưng chính sự từ chối của thị làm Chí tỉnh người, càng uống càng tỉnh và nhận ra hết những bi kịch đau đớn của đời mình. Tuy nhiên, nhân vật thường bộc lộ mình nhiều nhất qua việc làm, hành động, ý nghĩ. Tiếng chửi của Chí Phèo cất lên ngay từ đầu tác phẩm đã đánh dấu một bước trượt dài của hắn trên con đường tha hoá. Hay hành động đi thẳng tới nhà bá Kiến, đòi quyền làm người và vung dao giết bá Kiến rồi tự kết liễu đời mình của Chí ở cuối truyện đã cho thấy sự vùng dậy hết sức mạnh mẽ, quyết liệt của lương tâm, phần người trong Chí… Nhân vật có thể được miêu tả một cách trực tiếp, cũng có thể được miêu tả gián tiếp qua sự cảm nhận của mọi người xung quanh đối với nhân vật, qua đồ vật, môi trường mà nhân vật sống. Nhân vật còn được thể hiện bằng các phương tiện kết cấu, ngôn ngữ, bằng các phương thức miêu tả riêng của thể loại và từng kiểu nhân vật. Ví dụ khi phân tích nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù, giáo viên thường khai thác các khái niệm như: nhân vật chính (Huấn Cao và viên quản ngục), ngôn ngữ nhân vật (nói với viên quản ngục như thế nào, qua đó thể hiện tính cách nhân vật, cá tính nhân vật), các tình tiết (đứng rỗ gông; thản nhiên nhận rượu, thịt; suy tư về viên quản ngục; … cũng để thấy tính cách nhân vật), sử dụng bút pháp lí tưởng hóa khi xây dựng nhân vật Huấn Cao, nguyên mẫu (lấy nguyên mẫu từ Cao Bá Quát), hình tượng nghệ thuật (tượng trưng cho cái cao cả, cái chân – thiện – mĩ,…). Hay khi tìm hiểu nhân vật Chí Phèo, chúng ta cũng phải khai thác và vận dụng các yếu tố lí luận như: nhân vật điển hình, lời nửa trực tiếp, ngôn ngữ nhân vật, ngôn ngữ người trần thuật, kết thúc, kết cấu, cá tính nhân vật,… để đọc – hiểu sâu hơn về nhân vật. Đối với nhân vật Chí Phèo – một nhân vật điển hình của tác phẩm, phần Tri thức đọc – hiểu đã cung cấp cho chúng ta một vài kiến thức lí luận cần thiết và hữu ích để tìm hiểu sâu và toàn diện hơn như: thế nào là nhân vật điển hình, lời nói nửa trực tiếp,… để thấy được thành công của Nam Cao khi xây dựng nhân vật này. Từ khái niệm đó, học sinh có thể hiểu thêm về khái niệm nhân vật điển hình, so sánh với một số nhân vật khác và tìm ra tính điển hình của nhân vật Chí Phèo ở những phương diện nào,… Qua đó, bổ sung thêm tri thức LLVH cho học sinh để có thể nhận xét, nhận diện một cách chính xác, khoa học về kiểu nhân vật trong tác phẩm văn học. Như vậy, nhân vật trong tác phẩm tự sự nói riêng và trong văn học nói chung là hình thức văn học để phản ánh hiện thực. Hình thức ấy rất đa dạng để thể hiện các khía cạnh vô cùng phong phú của đời sống. Khi đọc – hiểu các văn bản tự sự, chúng ta phải chú ý sử dụng và khai thác những kiến thức LLVH như: nhân vật chính, lời đối thoại, lời độc thoại, ngôn ngữ nhân vật, nguyên mẫu, tình tiết, người kể chuyện, người trần thuật, cá tính nhân vật, giọng điệu, hình tượng nghệ thuật, kết thúc, kết cấu, lí tưởng hóa, lời nửa trực tiếp, ngôn ngữ người trần thuật, nhân vật điển hình,… Dù là nhân vật trong tác phẩm tự sự nhưng xét một cách cụ thể, nhân vật trong thể loại tiểu thuyết sẽ có những điểm khác với tác phẩm thuộc thể loại truyện ngắn hay truyện vừa. Do đó, chúng ta phải nắm vững các đặc điểm của những thể loại rất gần nhau này, có những hướng đi linh hoạt, sinh động tuỳ vào kiểu loại nhân vật trong từng thể loại. Truyện ngắn gần với tiểu thuyết hơn cả bởi hình thức tự sự tái hiện cuộc sống đương thời. Tác giả truyện ngắn thường hướng tới khắc hoạ một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn con người. Chính vì vậy, so với tiểu thuyết, trong truyện ngắn thường rất ít nhân vật, ít sự kiện phức tạp. Chỗ khác biệt quan trọng giữa tiểu thuyết và truyện ngắn là, nếu nhân vật chính của tiểu thuyết thường là một thế giới thì nhân vật truyện ngắn là một mảnh nhỏ của thế giới. Truyện ngắn thường không nhằm tới việc khắc hoạ những tính cách điển hình có cá tính đầy đặn, nhiều mặt trong tương quan với hoàn cảnh. Nhân vật truyện ngắn thường là hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội, ý thức xã hội hoặc trạng thái tồn tại của con người. Mặt khác, do đó truyện ngắn lại có thể mở rộng diện nắm bắt các kiểu loại nhân vật đa dạng của cuộc sống, chẳng hạn như chức nghiệp, xuất thân, gia đình, bạn bè,… những kiểu loại mà trong tiểu thuyết thường hiện ra thấp thoáng trong các nhân vật phụ. Dựa vào đặc điểm về nhân vật trong tiểu thuyết và truyện ngắn để có cách thức đọc – hiểu nhân vật trong các truyện ngắn như Hai đứa trẻ, Chữ người tử tù, Chí Phèo, Đời thừa – Nam Cao, Người trong bao – Sê-khốp,… sẽ không giống hoàn toàn với cách ta phân tích các nhân vật trong các trích đoạn tiểu thuyết Hạnh phúc của một tang gia, Đám tang lão Gô-ri-ô, Người cầm quyền khôi phục uy quyền (trích Những người khốn khổ – Huy-gô),… Ngoài ra, một số yếu tố LLVH khác để tìm hiểu thể loại truyện ngắn cũng có những nét khác biệt so với tiểu thuyết và truyện vừa mà chúng ta cần hiểu rõ: kết cấu của truyện ngắn thường là một sự tương phản, liên tưởng; bút pháp trần thuật thường là chấm phá; yếu tố có ý nghĩa quan trọng bậc nhất của truyện ngắn là chi tiết có dung lượng lớn và hành văn mang ẩn ý, tạo cho tác phẩm những chiều sâu chưa nói hết; giọng điệu, cái nhìn cũng hết sức quan trọng, làm nên cái hay của truyện ngắn, v.v… Cái chính của truyện ngắn là gây một ấn tượng sâu đậm về cuộc đời và tình người. Khi đọc – hiểu các tác phẩm văn học thuộc thể loại tự sự, ta phải có ý thức khai thác các yếu tố LLVH mang đặc trưng của thể loại, vận dụng một cách khoa học và linh hoạt, tránh sự rập khuôn, cứng nhắc mà làm mất đi chất văn chương của tác phẩm. b) Đối với văn bản trữ tình  Khai thác các yếu tố LLVH để định hướng cho đọc – hiểu văn bản trữ tình Cách xác định những vấn đề quan trọng để đọc – hiểu một văn bản trữ tình có phần khó khăn và nhiều hướng đi hơn. Nhưng chúng ta vẫn có thể dựa vào những khái niệm lí luận để việc đọc – hiểu thuận lợi và hợp lí. Trước hết, chúng ta có thể khai thác yếu tố thể loại trong loại thể trữ tình. Ví dụ các bài thơ Tự tình (bài II) – Hồ Xuân Hương, Thu điếu (Câu cá mùa thu) – Nguyễn Khuyến đều được viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. Đây là một thể thơ đã quen thuộc đối với học sinh trong các chương trình ở lớp dưới, các em đã có một kiến thức nhất định về thể thơ này và giáo viên dễ dàng giúp học sinh vận dụng những kiến thức đó để xác định bố cục của tác phẩm. Cách đơn giản nhất là đi theo bố cục vốn có của thể thất ngôn bát cú Đường luật: đề – thực – luận – kết để đọc – hiểu tác phẩm. Riêng đối với bài Thu điếu, ngoài cách đọc – hiểu tác phẩm theo bố cục như trên, dựa vào nhan đề của bài, tưởng tượng bài thơ là một bức tranh câu cá mùa thu, học sinh sẽ nhận ra trong bức tranh đó có cảnh thu và tình thu. Đây là cách phân tích theo kết cấu của bài thơ. Bài thơ Chiều tối trong tập Nhật kí trong tù được xác định viết theo thể tứ tuyệt cổ điển. Từ đó, giáo viên hướng dẫn học sinh gợi nhớ lại kiến thức về thể thơ tứ tuyệt đã được học từ các lớp dưới, nhất là bố cục của thể thơ này và đưa ra cách đọc – hiểu thống nhất: 2 câu đầu và 2 câu sau. Đây là cách phân tích bài thơ theo bố cục, thông dụng và đơn giản nhất. Tuy nhiên, thi phẩm này còn có cách khai thác khác, theo kết cấu của bài thơ: Bức tranh ngoại cảnh và Bức tranh tâm cảnh. Nhưng đến bài Lai Tân của Người, mặc dù cũng viết theo thể tứ tuyệt nhưng lại không nên đi theo bố cục 2 câu đầu và 2 câu sau như bài Chiều tối, lúc này lại phải căn cứ vào nội dung của cả bài và phân bố thành 2 phần: 3 câu đầu và câu kết. Như vậy, chúng ta vừa kết hợp đặc điểm của thể loại lại vừa dựa vào nội dung của cả văn bản. Đó đều là các khái niệm LLVH mà giáo viên nên khai thác khi định hướng bài giảng của mình. Đối với thơ mới, vấn đề về đặc điểm thể loại hầu như ít được khai thác để xác định bố cục của bài giảng. Nhưng giáo viên vẫn có thể dựa vào một số khái niệm LLVH để định hướng đọc – hiểu văn bản. Bài Vội vàng của Xuân Diệu chẳng hạn, trước đây người ta chú ý nhiều đến mạch cảm xúc của bài thơ để phân chia đề mục 3 phần: 1. Tình yêu cuộc sống mãnh liệt – 2. Sự nuối tiếc, lo sợ của thi nhân – 3. Lời giục giã vội vàng. Giờ đây, trong phần Hướng dẫn học bài của sách giáo khoa Ngữ văn 11 – chương trình nâng cao có gợi ý, bên cạnh mạch cảm xúc, bài thơ còn tuân theo một bố cục khá rõ ràng, thể hiện mạch triết luận sâu sắc và chặt chẽ. Vậy dựa vào đâu để tìm mạch triết luận ấy? Đó là khai thác nhan đề Vội vàng của tác phẩm. Đây là một quan niệm sống của Xuân Diệu, vậy tác giả đã đưa ra những ý gì có tính triết luận để dẫn tới quan niệm sống đó? Trả lời được câu hỏi gợi mở này, học sinh đã tự tìm thấy mạch triết luận của bài thơ: Vì sao phải vội vàng (bao gồm 2 dòng cảm xúc đầu) – và Vội vàng là phải làm sao (gồm dòng cảm xúc sau). Có lẽ đó là cách triển khai toàn diện và sâu sắc nhất các vấn đề trọng tâm của bài thơ dựa vào các khái niệm lí luận như: bố cục, kết cấu, nội dung, nhan đề… Một khái niệm lí luận quen thuộc được khai thác như một chiếc chìa khóa để đi vào bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, đó là khái niệm không gian nghệ thuật. Giáo viên dẫn dắt học sinh tự xác định không gian, cảnh tượng trong mỗi khổ thơ, từ đó có thể thấy rõ được kết cấu của tác phẩm. Kết hợp với nội dung, các em có thể tự đặt tiêu đề cho từng phần trong việc đọc – hiểu văn bản văn học này: Cảnh vườn tược thôn Vĩ – Cảnh sông trăng – Cảnh mờ ảo, xa xăm. Và thêm một đề mục: Các yếu tố liên kết bài thơ. Hay bài Tương tư - Nguyễn Bính, cách phân chia đề mục cho bài giảng chỉ có thể dựa vào sự vận động của cảm xúc hay diễn biến tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ. Muốn tìm ra được dòng cảm xúc ấy, giáo viên và học sinh phải nhập tâm, đồng cảm, phải biến lời thơ ấy thành tiếng lòng của chính mình. Đi theo mạch cảm xúc sâu kín bên trong của tác phẩm trữ tình nghĩa là đi theo kết cấu của văn bản để định hướng cho bài giảng của mình. Khác với đặc trưng của loại thể tự sự, để tìm ra những đề mục quan trọng, định hướng cho bài giảng về tác phẩm trữ tình một cách hợp lí, khoa học mà vẫn đảm bảo được chất trữ tình, chúng ta cần hướng học sinh dựa vào khai thác những yếu tố LLVH như: thể loại, kết cấu, bố cục, nhan đề, nội dung, dòng cảm xúc,…  Khai thác yếu tố LLVH để đi sâu đọc – hiểu văn bản trữ tình Khi đọc – hiểu sâu hơn các văn bản trữ tình, giáo viên thường hay chú ý tới các yếu tố lí luận như: nhà thơ, khổ thơ, đoạn thơ, dòng thơ, câu thơ, thể thơ, nhân vật trữ tình (cái tôi trữ tình), biện pháp nghệ thuật, cảm hứng chủ đạo, kết cấu, đề từ, giọng điệu, thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật, luật thơ, nhạc điệu, nhịp điệu, niêm, thi nhãn, từ, vần, … Trong văn học, yếu tố giọng điệu gắn liền với tình điệu có ý nghĩa phong cách là một khái niệm nằm trong thi pháp nói chung chứ không phải chỉ riêng ở trong thơ. Khái niệm giọng điệu vừa được biểu hiện ở phương diện ngữ âm: trầm, bổng, trong, đục, nhanh, chậm, dài, ngắn… vừa được biểu hiện ở phương diện phong cách: nóng, lạnh, nhu, cương; khoan thai hay dồn dập sôi nổi; trân trọng hay mỉa mai khinh bỉ; phê phán hay ngợi ca, yêu thương hay căm giận… Phân tích tác phẩm văn chương mà bỏ qua giọng điệu, tức là tước đi cái phần rất quan trọng tạo nên bản sắc độc đáo của tác phẩm. Khi dạy đọc – hiểu thơ, phải chú ý đến giọng điệu của bài thơ bằng cách yêu cầu học sinh đọc theo giọng điệu của bài, nghĩa là chú ý đến cả yếu tố nhịp điệu khi đọc. Bởi vì thơ không có nhịp điệu, nhạc điệu thì không phải là thơ hay nói như tác giả Nguyễn Viết Chữ sinh mệnh của thơ trữ tình là âm điệu [13, tr.136]. Do đó, phương pháp, biện pháp đầu tiên dạy học tác phẩm trữ tình nói chung là phải chú ý tới việc đọc, đọc cho “vang nhạc sáng hình”. Phương pháp “đọc sáng tạo” cùng biện pháp “đọc diễn cảm” có một vị trí đặc biệt quan trọng, thiếu nó hoặc chưa đủ, chưa đúng âm điệu thì xem như giờ dạy học tác phẩm trữ tình có xác mà chưa có hồn. Tác phẩm trữ tình xao động, phập phồng, thắc thỏm ở đằng sau mỗi câu chữ … chỉ có nhờ âm điệu … thì nhà thơ, người dạy, người học … mới cộng hưởng được với nhau và nó trở thành tiếng nói đồng ý đồng tình (Tố Hữu). Ví như khi yêu cầu học sinh đọc bài Vội vàng, giáo viên phải hướng dẫn học sinh biết phân chia giọng điệu cho phù hợp với từng phần theo mạch cảm xúc đã xác định ở trên: phần đầu đọc giọng phấn chấn, rạo rực, vui tươi – phần tiếp theo đọc giọng hơi trầm xuống, nuối tiếc, đau đớn, tuyệt vọng – phần kết đọc nhanh, giục giã. Khi xác định đúng giọng đọc là học sinh bắt đầu thâm nhập vào tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình, bắt đầu nắm được cái hồn của bài thơ. Hay như bài Đây thôn Vĩ Dạ cũng cần có sự thay đổi giọng đọc thể phần nào thấy diễn biến tâm trạng của nhân vật trữ tình: khổ đầu đọc với giọng vui tươi, rạo rực – khổ 2 đọc với giọng buồn, da diết, khắc khoải – khổ cuối đọc với giọng trăn trở, băn khoăn. Ngay trong chỉ một câu thơ mở đầu tác phẩm, giáo viên muốn cho học sinh hiểu được những sắc thái nghĩa khác nhau của một câu hỏi: Sao anh không về chơi thôn Vĩ? cũng phải yêu cầu học sinh tưởng tượng và đọc lên với những giọng điệu khác nhau. Như vậy, yếu tố về giọng điệu rất quan trọng đối với việc bắt đầu đi vào cảm thụ tác phẩm trữ tình. Giáo viên nên chú ý nhiều hơn yếu tố này và khai thác nó có hiệu quả trong việc đọc – hiểu văn bản trữ tình. Muốn vậy, giáo viên phải tập và rèn cho mình giọng đọc thật tốt, trôi chảy, đúng sắc thái biểu cảm và yêu cầu học sinh đọc, nhân xét, sửa chữa giọng đọc sao cho hiệu quả nhất. Tuy nhiên, khi khai thác yếu tố giọng điệu, chúng ta phải chú ý đặc điểm giọng điệu ở từng thể loại văn học khác nhau: thơ giàu nhạc tính, nhưng mỗi bài thơ thường chỉ có một giọng, một bè vì nó chỉ là tiếng nói đơn giọng của chủ thể trữ tình; tiểu thuyết hay truyện ngắn thường mang nhiều giọng điệu, nhà văn không chỉ cất lên tiếng nói của mình mà còn phải hoá thân nói bằng tiếng nói của nhân vật. Vì vậy, phân tích yếu tố giọng điệu trong tác phẩm trữ tình không giống với trong tác phẩm tự sự. Trong tác phẩm Tràng giang của Huy Cận, có một yếu tố cũng rất đáng lưu ý, đó là yếu tố đề từ – câu viết in nghiêng ngay dưới nhan đề bài thơ. Tiếc rằng, sách giáo khoa không đưa ra khái niệm đề từ và cho thấy ý nghĩa của những câu đề từ trong một tác phẩm văn học. Đề từ có hình thức rất đa dạng và phong phú, nhằm hướng người đọc vào ý đồ nghệ thuật của tác giả hoặc tư tưởng của tác phẩm. Giáo viên phải cung cấp kiến thức lí luận này cho học sinh để từ đó xác định cảm hứng chủ đạo của toàn bộ bài thơ là nỗi nhớ, nỗi bâng khuâng lan tỏa khắp không gian đất trời và lòng người. Dựa vào đó, các em xác định đúng giọng điệu xuyên suốt bài thơ: bâng khuâng, buồn, sầu mênh mang… Đây là dòng đề từ đã khơi nguồn cảm hứng cho tác giả trong quá trình sáng tạo. Cảm hứng này đã được phát triển trong toàn bộ bài thơ và kết lại trong những dòng cuối của tác phẩm. Yếu tố đề từ này chúng ta có thể gặp trong Vội vàng nhưng 4 dòng thơ đầu này chỉ có tính chất như lời đề từ, chứ chưa được Xuân Diệu đặt là lời đề từ. Hay sau này, ở chương trình Ngữ văn lớp 12, khi đọc – hiểu bài Tiếng hát con tàu của nhà thơ Chế Lan Viên, các em sẽ gặp lại lời đề từ qua 4 dòng thơ đầu của tác phẩm. Một yếu tố hết sức quan trọng mà ta cần khai thác, tìm hiểu trong tác phẩm trữ tình đó là nhân vật trữ tình (cũng gọi là chủ thể trữ tình, cái tôi trữ tình). Như ta đã biết, ở tác phẩm trữ tình, thế giới chủ quan của con người, cảm xúc, tâm trạng, ý nghĩ được trình bày trực tiếp và làm thành nội dung chủ yếu. Nội dung ấy được thể hiện và gắn liền với hình tượng nhân vật trữ tình. Đó là hình tượng người trực tiếp thổ lộ suy nghĩ, cảm xúc, tâm trạng trong tác phẩm. Nhân vật trữ tình không có diện mạo, hành động, lời nói, quan hệ cụ thể như nhân vật tự sự và kịch. Nhưng nhân vật trữ tình cụ thể trong giọng điệu, cảm xúc, trong cách cảm, cách nghĩ. Qua những trang thơ ta như gặp tâm hồn người, tấm lòng người. Cũng cần phải phân biệt nhân vật trữ tình và nhân vật trong thơ trữ tình. Nhân vật trong thơ trữ tình là đối

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLVVHPPDH037.pdf