Mô hình thi hành án, thời hiệu thi hành án, thủ tục thi hành án trong Dự thảo Luật thi hành án dân sự

Trước hết, cần phải nghiên cứu thêm để xác định bản chất và làm rõ nội hàm của một số thuật ngữ quan trọng liên quan đến thủ tục thi hành án trong Dự thảo Luật THADS, như: từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án; trả lại đơn yêu cầu thi hành án; hoãn, tạm đình chỉ thi hành án; đình chỉ thi hành án; kết thúc thi hành án. Đối với mỗi loại thủ tục cần làm rõ thời điểm áp dụng, căn cứ áp dụng, hậu quả pháp lý khi áp dụng. Trên cơ sở đó cần phải bổ sung vào Điều 4, Dự thảo Luật THADS phần giải thích về các thuật ngữ này.

doc7 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2863 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Mô hình thi hành án, thời hiệu thi hành án, thủ tục thi hành án trong Dự thảo Luật thi hành án dân sự, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Mô hình thi hành án, thời hiệu thi hành án, thủ tục thi hành án trong Dự thảo Luật thi hành án dân sự[1] Việc tập hợp và pháp điển hoá các quy định về thi hành án dân sự hiện nay, thiết lập cơ sở pháp lý cho việc thi hành án dân sự nhằm bảo vệ một cách có hiệu quả các quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự là một yêu cầu cấp thiết. Để đóng góp ý kiến cho việc xây dựng các quy định trong Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (Dự thảo Luật THADS), chúng tôi xin trao đổi một số vấn đề về mô hình thi hành án, thời hiệu thi hành án và các quy định liên quan đến thủ tục thi hành án dân sự. Dự thảo Luật THADS 1. Mô hình thi hành án Tham khảo pháp luật tố tụng dân sự của một số nước trên thế giới cho thấy, ở nhiều nước, việc thi hành án do Thừa phát lại thực hiện. Chẳng hạn, ở Pháp, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg, Nhà nước trao cho Thừa phát lại trách nhiệm thi hành các bản án dân sự do Toà án tuyên. Thừa phát lại không phải là công chức nhà nước, được hành nghề theo quy chế tự do và hưởng thù lao từ lệ phí thi hành án thu được theo tỷ lệ nhất định. ở Pháp, Thừa phát lại chịu trách nhiệm trước Toà án về những sai phạm chuyên môn và chịu trách nhiệm trước các tổ chức chuyên môn của nghề hoặc trước Viện trưởng Viện công tố bên cạnh Toà sơ thẩm thẩm quyền rộng về những sai phạm kỷ luật của mình[2]. Ngược lại, Thụy Điển, Trung Quốc, Nga, Thái Lan, Singapore và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước đây lại theo mô hình thi hành án công, tổ chức thi hành án bao gồm hệ thống các cơ quan thuộc bộ máy nhà nước, các Chấp hành viên là công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Còn một số nước như Nhật Bản, Đức, Hà Lan, Áo, Thuỵ Sỹ... lại theo mô hình tổ chức thi hành án bán công, việc thi hành án do viên chức thi hành án đảm nhiệm, trên nguyên tắc tự lấy thu bù đắp chi phí thi hành án. Xét thực tiễn thi hành án ở Việt Nam dưới thời kỳ Pháp thuộc, việc thi hành án án không do cơ quan thi hành án của Nhà nước thực hiện mà do Thừa phát lại đảm nhiệm. Thừa phát lại do Nhà nước bổ nhiệm nhưng không phải là công chức nhà nước, không hưởng lương từ ngân sách nhà nước mà được trả thù lao từ các khoản lệ phí thu được từ người được thi hành án theo một tỉ lệ nhất định. Từ năm 1950, trên cơ sở Điều 19, Sắc lệnh số 85/SL ngày 22/5/1950 về cải cách bộ máy tư pháp và Luật Tố tụng thì việc thi hành án dân sự được giao Toà án đảm nhiệm. Cho đến năm 1993, sau khi Nhà nước ban hành Pháp lệnh Thi hành án ngày 21/4/1993, thì việc tổ chức thi hành án dân sự được bàn giao cho cơ quan thi hành án dân sự thực hiện, các Toà án không còn đảm nhận công tác thi hành án dân sự nữa. Sau nhiều năm áp dụng mô hình thi hành án công do các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện, bên cạnh những ưu điểm, nó cũng bộc lộ những hạn chế, dẫn tới quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án không được bảo đảm, việc thi hành án bị kéo dài. Do vậy, trong Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Bộ Chính trị đã chỉ rõ phải “... từng bước xã hội hoá hoạt động thi hành án”. Tiếp theo đó, Nghị quyết số 49 NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 2/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng xác định “... làm thí điểm ở một số địa phương về chế định Thừa phát lại, từng bước xã hội hoá các hoạt động bổ trợ tư pháp”. Hiện nay, việc xây dựng các quy định về xã hội hoá công tác thi hành án dân sự trong Dự thảo Luật THADS cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, việc tổ chức thí điểm về Thừa phát lại chưa được triển khai, nên chưa có cơ sở thực tiễn để đánh giá và áp dụng, do đó chưa nên quy định vấn đề này trong Dự thảo Luật THADS. Có ý kiến cho rằng, cần quy định nguyên tắc xã hội hoá trong Dự thảo Luật, làm cơ sở cho việc thực hiện thí điểm. Thiết nghĩ, việc thiết lập mô hình thi hành án tư nhân để cạnh tranh công bằng với thi hành án nhà nước sẽ rất có lợi cho người dân, các cơ quan thi hành án phải tự nỗ lực để khẳng định uy tín của mình, tình trạng quan liêu, kém hiệu quả sẽ bị đẩy lùi. Xét thực tiễn tố tụng ở Việt Nam hiện nay, bên cạnh Toà án tư pháp thì việc giải quyết tranh chấp thương mại thông qua Trọng tài thương mại đã phát huy được hiệu quả tích cực, tiếp đến là mô hình công chứng tư cũng là nút gỡ quan trọng cho việc cải cách thủ tục hành chính. Mô hình Thừa phát lại đã từng là mô hình thi hành án dân sự duy nhất được áp dụng dưới thời Pháp thuộc một cách có hiệu quả. Do vậy, cần xây dựng trong Dự thảo Luật THADS các quy định mang tính nền tảng về xã hội hoá thi hành án dân sự, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai áp dụng trên thực tiễn.  Cụ thể là, nếu cho phép thành lập tổ chức Thừa phát lại để cạnh tranh công bằng với cơ quan thi hành án nhà nước thì cần phải xây dựng trong Dự thảo Luật THADS các quy định về Thẩm phán chuyên trách đôn đốc, theo dõi công tác thi hành án dân sự có thẩm quyền ra các quyết định liên quan đến thi hành án. Các quy định này nhằm gắn trách nhiệm của Toà án trong việc xét xử và thi hành án, đồng thời khắc phục được sự lệ thuộc của tổ chức Thừa phát lại vào cơ quan thi hành án nhà nước. Bởi vì nếu quan niệm Thừa phát lại chỉ được thực hiện một số công việc thi hành án theo uỷ quyền của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án đồng thời chỉ có “một số quyền hạn của Chấp hành viên” và trường hợp cần áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành án thì “phải có quyết định của Thủ trưởng cơ quan thi hành án nơi thi hành án”[3] thì trên thực tế, tổ chức Thừa phát lại không thể độc lập, tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc thực thi nhiệm vụ thi hành án. Có thể nhận thấy rằng, sẽ khó có sự cạnh tranh công bằng thực sự giữa các chủ thể có mối liên hệ phụ thuộc. Do vậy, cần xem đây là vấn đề cốt yếu, mang tính đột phá trong cải cách công tác thi hành án hiện tại cần được quy định trong Dự thảo Luật THADS chứ không còn là vấn đề cần nghiên cứu trong tương lai nữa. 2. Thời hiệu thi hành án Nghiên cứu pháp luật tố tụng nước ngoài cho thấy, nhiều nước trên thế giới như Pháp, Đức, Thụy Điển, Nhật Bản... đều quy định thời hiệu thi hành án dài hơn so với pháp luật về thi hành án dân sự hiện hành của Việt Nam. Cụ thể là theo pháp luật tố tụng của Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức thì thời hiệu thi hành án là 30 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Pháp luật tố tụng dân sự Nhật Bản quy định thời hiệu thi hành án là 10 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. ở Việt Nam, Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 quy định thời hiệu thi hành án là 3 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật. Thực tiễn xét xử và thi hành án cho thấy, có những trường hợp người được thi hành án không yêu cầu thi hành án trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật. Sau khi hết thời hạn này, đương sự mới có đơn yêu cầu thi hành án thì về nguyên tắc, cơ quan thi hành án sẽ trả lại đơn yêu cầu thi hành án với lý do thời hiệu yêu cầu thi hành án đã hết. Theo quy định tại Điều 247, Bộ luật Dân sự năm 2005 thì người phải thi hành án và những người đang chiếm hữu những tài sản là đối tượng của việc thi hành án (cưỡng chế trả nhà, quyền sử dụng đất, cưỡng chế giao đồ vật) cũng không thể đương nhiên trở thành sở hữu chủ của tài sản theo thời hiệu, trong khi đó người được thi hành án cũng không có quyền yêu cầu thi hành án và quyền khởi kiện lại để đòi tài sản nữa. Trong thực tiễn giải quyết án kiện dân sự tại Toà án, Toà án nhân dân tối cao cũng đã có hướng dẫn để đảm bảo quyền về tài sản cho chủ sở hữu “... đối với trường hợp đã có bản án, quyết định về chia thừa kế, nay đương sự khởi kiện đòi phần tài sản đã được chia thì Toà án thụ lý, giải quyết theo quan hệ đòi quyền sở hữu tài sản. Đối với trường hợp đã có bản án, quyết định về đòi nhà cho thuê, nay đương sự khởi kiện đòi lại nhà thì Toà án thụ lý giải quyết theo quan hệ đòi nhà cho ở nhờ”[4]. Thực chất hướng dẫn này cũng chỉ là một giải pháp tình thế nhằm lấp lỗ hổng của pháp luật về thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án. Nếu nhà làm luật quy định một thời hiệu yêu cầu thi hành án dài hơn thì trong những trường hợp này, đương sự sẽ không mất thời gian, công sức để khởi kiện lại và Toà án cũng không cần phải xét xử lại vụ việc mà về bản chất là không có gì thay đổi.   Tiếp thu kinh nghiệm của các nước, đồng thời để đảm bảo sự thống nhất giữa các quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự và các quy định của pháp luật dân sự Việt Nam về việc xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu, chúng ta cần sửa đổi các quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án cho phù hợp. Điều 32, Dự thảo Luật THADS hiện nay đã quy định một thời hiệu yêu cầu thi hành án dài hơn là 5 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật. Thế nhưng, sửa đổi này cũng không khắc phục được những bất cập đã phân tích ở trên. Thiết nghĩ, sẽ là hợp lý hơn nếu quy định theo hướng thời hiệu thi hành án đối với các bản án, quyết định về động sản là 10 năm, về bất động sản là 30 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 32, Dự thảo Luật THADS thì “Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của Luật này thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án”. Như vậy, theo quy định này, nếu người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án thì thời gian hoãn thi hành án không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án. Thiết nghĩ, các quy định về thời hiệu trong thi hành án dân sự phải được xây dựng phù hợp với các nguyên tắc chung về thời hiệu được quy định trong Bộ luật Dân sự. Theo tinh thần quy định tại Điều 161, Điều 162, Bộ luật Dân sự năm 2005 thì thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan sẽ không được tính vào thời hiệu; thời hiệu được bắt đầu lại nếu các bên đương sự thoả thuận được với nhau. Xét việc người được thi hành án đồng thuận cho người phải thi hành án hoãn việc thực hiện nghĩa vụ là một hành động thiện chí, nhưng không có nghĩa là người được thi hành án từ bỏ quyền yêu cầu thi hành án của mình. Do vậy, chúng tôi cho rằng, sẽ là hợp lý hơn nếu coi trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án là một căn cứ để bắt đầu lại thời hiệu yêu cầu thi hành án. 3. Thủ tục thi hành án Các thuật ngữ liên quan đến thi hành án Trước hết, cần phải nghiên cứu thêm để xác định bản chất và làm rõ nội hàm của một số thuật ngữ quan trọng liên quan đến thủ tục thi hành án trong Dự thảo Luật THADS, như: từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án; trả lại đơn yêu cầu thi hành án; hoãn, tạm đình chỉ thi hành án; đình chỉ thi hành án; kết thúc thi hành án. Đối với mỗi loại thủ tục cần làm rõ thời điểm áp dụng, căn cứ áp dụng, hậu quả pháp lý khi áp dụng. Trên cơ sở đó cần phải bổ sung vào Điều 4, Dự thảo Luật THADS phần giải thích về các thuật ngữ này. Bản án, quyết định được thi hành  Theo điểm đ Khoản 1 Điều 3, Dự thảo Luật THADS thì những bản án, quyết định được thi hành bao gồm: “Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ cạnh tranh mà sau 30 ngày kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện ra Toà án”. Như vậy, theo logic thì cần sửa điểm e Khoản 1 điều này theo hướng sau: những bản án, quyết định được thi hành bao gồm “... Quyết định của Trọng tài thương mại Việt Nam mà sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định trọng tài mà các bên không yêu cầu Toà án huỷ quyết định trọng tài”. Ngoài ra, theo quy định tại các Điều 301, Điều 310, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 thì khi xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, Hội đồng xét xử chỉ ra quyết định chứ không ra bản án. Do vậy, quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 37 Dự thảo Luật THA với nội dung: Chi cục thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành “Bản án, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Toà án nhân dân cấp tỉnh nơi Chi cục thi hành án đóng trụ sở” là không chính xác. Cần phải sửa lại điểm c Khoản 1 Điều 37, Dự thảo Luật THADS như sau: Chi cục thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành “Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Toà án nhân dân cấp tỉnh nơi Chi cục thi hành án đóng trụ sở”. Trả lại đơn yêu cầu thi hành án Theo suy luận logic, khi nghiên cứu quy định tại Điều 57 Dự thảo Luật THADS thì trả lại đơn yêu cầu thi hành án được áp dụng sau khi đã có quyết định thi hành án mà người phải thi hành án không thể thi hành án do không có điều kiện thi hành án (điều kiện về tài sản, về thu nhập, bố trí công việc cho người lao động...). Khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành thì người được thi hành án có quyền tiếp tục yêu cầu thi hành án. Như vậy, việc thi hành án chỉ tạm thời gián đoạn chứ chưa kết thúc và về bản chất có thể coi đây là việc hoãn thi hành án. Do vậy, việc coi “Có quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án” là một căn cứ để kết thúc thi hành án như quy định tại Khoản 3 Điều 52, Dự thảo Luật THADS là không phù hợp. Như đã phân tích, việc trả đơn theo Điều 57, Dự thảo Luật THADS về bản chất là việc hoãn thi hành án. Tuy nhiên, việc hoãn thi hành án trong trường hợp này khác với các trường hợp thông thường khác ở chỗ, cơ quan thi hành án không mặc nhiên ra quyết định tiếp tục thi hành án mà việc thi hành án được tiếp tục thi hành khi người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án. Nguồn gốc của vấn đề là ở chỗ quan niệm việc xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án là thuộc về người được thi hành án hay cơ quan thi hành án. Nếu nhà làm luật coi rằng việc xác minh điều kiện thi hành án là trách nhiệm của cơ quan thi hành án thì trong những trường hợp nêu trên sau khi ra quyết định hoãn thi hành án (thay vì trả lại đơn yêu cầu), nếu có căn cứ cho rằng người phải thi hành án có điều kiện thi hành thì cơ quan thi hành án sẽ ra quyết định tiếp tục thi hành án mà không cần có đơn tiếp tục yêu cầu thi hành án của đương sự.  Từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án Theo quy định tại Điều 36, Dự thảo Luật THADS thì cơ quan thi hành án từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án trong các trường hợp: người yêu cầu thi hành án không có quyền yêu cầu thi hành án; cơ quan thi hành án được yêu cầu không có thẩm quyền tổ chức thi hành án; đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án. Theo tinh thần của điều luật này thì việc từ chối nhận đơn được áp dụng khi cơ quan thi hành án chưa ra quyết định thi hành án và yêu cầu thi hành án không hội đủ những điều kiện để thụ lý mà pháp luật đã quy định. Thực chất của việc từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án là việc cơ quan thi hành án từ chối không thụ lý vụ việc thi hành án mà đương sự yêu cầu. Việc sử dụng thuật ngữ “từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án” là để phân biệt với trường hợp “trả lại đơn yêu cầu thi hành án” mà chúng ta đã phân tích ở trên. Nếu coi các căn cứ “trả lại đơn yêu cầu thi hành án” theo Điều 57, Dự thảo là căn cứ để hoãn thi hành án thì chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng thuật ngữ “trả lại đơn yêu cầu thi hành án” cho các căn cứ tại Điều 36, Dự thảo Luật THADS hiện nay. Theo điểm b Khoản 1 Điều 36, Dự thảo Luật THADS thì Cơ quan thi hành án sẽ từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án nếu “Cơ quan thi hành án được yêu cầu không có thẩm quyền tổ chức thi hành án”. Vậy cần phải làm rõ là “không có thẩm quyền” ở đây được hiểu là sự việc không thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án nhận đơn theo lãnh thổ, theo cấp hay sự việc hoàn toàn thuộc thẩm quyền của một cơ quan nhà nước khác. Nếu sự việc không thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án nhận đơn theo lãnh thổ, theo cấp thì cơ quan thi hành án này sẽ từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án và hướng dẫn đương sự nộp đơn yêu cầu tại cơ quan thi hành án có thẩm quyền hay ra quyết định uỷ thác thi hành án? Thiết nghĩ, sẽ hợp lý hơn nếu sửa đổi quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 36, Dự thảo Luật THADS theo hướng cơ quan thi hành án từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án nếu “sự việc được yêu cầu không thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án dân sự”. Nếu sự việc không thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án nhận đơn theo lãnh thổ, theo cấp thì cơ quan thi hành án này sẽ ra quyết định uỷ thác thi hành án cho cơ quan thi hành án có thẩm quyền thi hành. Nếu sau khi đã ra quyết định thi hành án mới phát hiện căn cứ này thì cơ quan thi hành án có thể vận dụng điểm a Khoản 1 Điều 39, Dự thảo Luật THADS để ra quyết định thu hồi quyết định về thi hành án do thẩm quyền ra quyết định thi hành án không đúng, đồng thời ra quyết định uỷ thác thi hành án. Đình chỉ thi hành án Về bản chất, đình chỉ thi hành án là việc cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án quyết định ngừng hẳn việc thi hành án do đối tượng của việc thi hành án không còn hoặc do có những căn cứ khác làm cho cơ quan thi hành án không thể tiếp tục thi hành án. Quyết định này sẽ dẫn tới hậu quả là cơ quan thi hành án sẽ ra quyết định kết thúc thi hành án. Điều 56, Dự thảo Luật THADS hiện nay cũng chỉ đề cập tới các căn cứ đình chỉ thi hành án do đối tượng của việc thi hành án không còn. Thiết nghĩ, cần phải có những quy định bổ sung theo hướng nếu sau khi đã có quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án mới phát hiện ra các căn cứ từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án theo Điều 36, Dự thảo Luật THADS thì Cơ quan thi hành án sẽ ra quyết định đình chỉ thi hành án. Cụ thể là cơ quan thi hành án sẽ ra quyết định đình chỉ thi hành án nếu sau khi đã có quyết định thi hành án mới phát hiện được người yêu cầu thi hành án không có quyền yêu cầu thi hành án; sự việc được yêu cầu không thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án dân sự; đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án. Thu hồi quyết định về thi hành án Theo Khoản 1 Điều 39, Dự thảo Luật THADS thì “Người có thẩm quyền ra quyết định về thi hành án ra quyết định thu hồi quyết định về thi hành án trong các trường hợp thẩm quyền, thủ tục ra quyết định về thi hành án không đúng; quyết định về thi hành án có sai lầm dẫn tới thay đổi nội dung vụ việc; căn cứ ra quyết định về thi hành án không còn”. Như vậy, các quy định tại điều luật này còn thiếu tính cụ thể, nên cần có những quy định bổ sung để làm rõ các căn cứ ra quyết định về thi hành án là các căn cứ nào? Cơ chế uỷ thác thi hành án Theo quy định tại Điều 61, Dự thảo Luật THADS thì trong trường hợp cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án nhưng xét thấy cần ủy thác thì phải ra quyết định thu hồi một phần hoặc toàn bộ quyết định thi hành án và ra quyết định ủy thác cho nơi có điều kiện thi hành. Tuy nhiên, Dự thảo Luật THADS lại thiếu vắng các quy định về cơ chế uỷ thác tiếp khi cơ quan thi hành án nhận được uỷ thác không có điều kiện tổ chức thi hành án. Do vậy, cần phải nghiên cứu bổ sung các quy định về cơ chế này trong Dự thảo theo hướng, cơ quan thi hành án nhận ủy thác, nếu xét thấy người phải thi hành án không có tài sản hoặc không cư trú, làm việc hay có trụ sở ở địa phương mình thì giải quyết như sau: - Trong trường hợp cơ quan thi hành án đã ủy thác chủ động ra quyết định thi hành thì cơ quan nhận ủy thác phải ủy thác tiếp cho cơ quan thi hành án nơi có điều kiện thi hành; - Trong trường hợp cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của người được thi hành án thì ra quyết định trả lại đơn yêu cầu và hướng dẫn đương sự gửi đơn yêu cầu đến cơ quan thi hành án nơi có điều kiện thi hành. Cơ quan thi hành án nơi có điều kiện thi hành án phải ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của đương sự. /.  [1]Dự thảo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo 11, Luật Thi hành án dân sự. [2] “L'Huissier de Justice,  Tài liệu do Hội đồng Thừa phát lai Pháp ấn hành tháng 2/1994, tr. 4. [3] Điều 14 Dự thảo 11 Luật Thi hành án dân sự. Rất tiếc là hiện nay các quy định về xã hội hoá thi hành án dân sự không còn được quy định trong bản Dự thảo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện nữa. [4] Báo cáo công tác ngành Toà án năm 2000 và phương hướng nhiệm vụ công tác Toà án năm 2001, tr. 36, 37.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docMô hình thi hành án, thời hiệu thi hành án, thủ tục thi hành án trong Dự thảo Luật thi hành án dân sự.doc
Tài liệu liên quan