Tiểu luận Bàn thêm về việc dạy văn bản Người con gái Nam Xương- Nguyễn Dữ - Ngữ văn 9

Bi kịch ở đây là sự xung đột giữa một bên Vũ Nương là người phụ nữ luôn chugn thủy với chồng, điều này được thể hiện ở thời gian khi mới về làm dâu : " Nàng cũng giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa" , nó lại càng được khẳng định khi nàng thay chống chăm sóc bà mẹ chồng khi bị ốm đau : " Bà mẹ cũng vì nhớ con mà dần sinh ốm. Nàng hết sức thuốc thang, lễ bái thần phật và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn ", nàng đã đối xử với mẹ chồng " Như đối với cha mẹ đẻ của mình " . Điều đó khiến cho bà trong phút lâm chung đã cảm động : " Ngắn đai có số, tươi héo bởi trời. Mẹ không phải không muốn đợi chồng con về, mà không gắng ăn miếng cơm, miếng cháo đặng cùng vui sum họp . Chồng con nơi xa xôi chưa biết sống chết thế nào, không thể về đền ơn được. Sau này, trời xét lòng lành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ". Rõ ràng trong lời nói của bà cụ, bà mong con trai bà khi trở về sẽ thay bà đền đáp tấm lòng thảo thơm của cô con dâu đối với bà.

 

doc6 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 7379 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Bàn thêm về việc dạy văn bản Người con gái Nam Xương- Nguyễn Dữ - Ngữ văn 9, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
A. Lý do chọn đề tài : Về văn bản " Chuyện người con gái Nam Xương " của Nguyễn Dữ, từ trước đến nay đã có khá nhiều bài viết. Qua thực tế giảng dạy, chúng tôi muốn mạnh dạn được trao đổi một số vấn đề mà cho đến nay nhiều tài liệu vẫn chưa đề cập đến( hoạc có nói đến nhưng cũng rất sơ lược - hoạc có khi không thống nhất), đó là : 1. Nghệ thuật phục bút và tác dụng của nghệ thuật phục bút trong việc xây dựng tình huống truyện. 2. Bi kịch và cách xây dựng bi kịch trong văn bản. 3. Kết thúc có hậu của văn bản B. Giải quyết đề tài : I. Vấn đề nghệ thuật phục bút và tác dụng của nghệ thuật phục bút trong việc xây dựng tình huống truyện : Theo ông Hà Như Chi - tác giả của " Việt Nam văn học giảng luận " (Nhà xuất bản Tia Sáng - Sài Gòn - 1968) thì nghệ thuật phục bút(hay còn có một cách gọi khác là nghệ thuật ẩn phục) là cách mà ở đó, người sáng tạo văn chương(nhà văn, thơ) bằng tài năng và sự khéo léo của mình đã cố tình gài sẵn một cách có dụng ý các chi tiết nhằm phục vụ cho một ý đồ nghệ thuật nào đó. Nếu nói như vậy thì trong " Chuyện người con gái Nam Xương ", nhà văn Nguyễn Dữ cũng có sử dụng nghệ thuật phục bút để nhằm dẫn dắt các tình tiết truyện tới cái kết cục bi thảm của Vũ Nương(trong tình huống thứ nhất của văn bản : Vũ Nương và câu chuyện oan khuất của nàng). Những chi tiết sau đây đã lần lượt được gài sẵn, nhưng bằng nghệ thuật của nhà văn, chúng ta thấy nó xuất hiện rất tự nhiên mà nếu không tinh mắt thì cũng rất khó phát hiện - đó là : + Trương Sinh là người : - " Có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức" - " Tuy là con nhà hào phú nhưng không có học, nên tên phải ghi trong sổ lính đi vào loại đầu" Những chi tiết này có thể nói thêm về đặc điểm và hoàn cảnh của Trương : - Hay ghen - Vô học - Xa vợ(vì phải đi lính) + Bà mẹ Trương Sinh đã chết khi anh ta đi lính trở về. + Việc làm vô tình của Vũ Nương : chỉ bóng mình trên tường và bảo với con đó là cha của nó. + Lời nói vô tư của đứa con. Vì sao nói đó là những chi tiết được sắp xếp theo lối ẩn phục ? Bởi vì nếu như không có những chi tiết này được gài sẵn từ trước thì cũng sẽ không có bi kịch xảy ra với Vũ Nương(kể cả thiếu một trong những chi tiết ấy thì bi kịch cũng khó có thể xảy ra). * Chúng ta thử đặt ra các tình huống : 1. Nếu Trương Sinh là người có học thì anh ta sẽ phát hiện ra những điều vô lý trong lời nói của đứa con - bởi vì người gì mà kỳ lạ đến mức : " Trước đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả ". 2. Nếu Trương Sinh không phải là người : " Có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức" thì cũng sẽ không xảy ra việc không chịu nói cái điều đứa con đã nói : " Nàng hỏi chuyện kia ai nói ra thì lại dấu không kể lời con nói" mà cứ đổ cho vợ phản bội mình : " Tính chàng hay ghen, nghe con nói vậy, đinh ninh là vợ hư, mối nghi ngờ ngày càng sâu, không có gì gỡ ra được". 3. Cứ cho là Trương Sinh vô học, hay ghen nhưng nếu không có thời gian đi lính(xa vợ con) thì cũng sẽ không có việc Vũ Nương đêm đêm chỉ bóng đùa con, không có việc đứa con nhầm cái bóng trên vách là cha mình và cũng vì vậy cũng không có lý do gì để nghi ngờ vợ là không chung thủy. Có thể nói, thời gian xa vợ vì phải đi lính là mảnh đất tốt để làm cho cái mầm ghen cố hữu trong con người anh ta sinh sôi, nảy nở. Và khi có điều kiện thuận lợi là nó bùng phát. Mà điều kiện đó chính là lời nói vô tư, hồn nhiên của đứa con " vừa học nói ". 4. Cứ cho Trương Sinh là người vô học, hay ghen và phải xa vợ vì đi lính nhưng khi anh ta trở về mà mẹ anh ta còn sống thì cũng không thể xảy ra bi kịch đau lòng như trên. Nói tóm lại, bằng nghệ thuật phục bút, nhà văn Nguyễn Dữ đã khéo léo sắp xếp các chi tiết một cách nghệ thuật nhằm dẫn dắt câu chuyện đến cái tất yếu sẽ xảy ra : bi kịch quá oan khuất của nàng Vũ Thị Thiết. II. Vấn đề bi kịch và cách xây dựng bi kịch trong văn bản : 1. Bi kịch là gì ? " Bi kịch là sự xung đột ở mức độ căng thẳng và quyết liệt giữa ước mơ, khát vọng, hoài bão và khả năng thực tế thực hiện ước mơ, khát vọng, hoài bão đó " (Thuật ngữ nghiên cứu văn học - Đại học sư phạm Vinh - 1980) 2. Cách xây dựng bi kịch trong văn bản " Chuyện người con gái Nam Xương " a. Trong " Chuyện người con gái Nam Xương", căn cứ vào đặc trưng thể loại tự sự, chúng ta thấy có hai tình huống chính ứng với hai cuộc đời của nhân vật Vũ Nương : - Tình huống thứ nhất : Vũ Nương và câu chuyện oan khuất của nàng. - Tình huống thứ hai : chuyện lu kỳ của Vũ Nương sau khi nàng chết. b. ở tình huống thứ nhất : + Bi kịch ở đây là sự xung đột giữa một bên Vũ Nương là người phụ nữ luôn chugn thủy với chồng, điều này được thể hiện ở thời gian khi mới về làm dâu : " Nàng cũng giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa" , nó lại càng được khẳng định khi nàng thay chống chăm sóc bà mẹ chồng khi bị ốm đau : " Bà mẹ cũng vì nhớ con mà dần sinh ốm. Nàng hết sức thuốc thang, lễ bái thần phật và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn ", nàng đã đối xử với mẹ chồng " Như đối với cha mẹ đẻ của mình " . Điều đó khiến cho bà trong phút lâm chung đã cảm động : " Ngắn đai có số, tươi héo bởi trời. Mẹ không phải không muốn đợi chồng con về, mà không gắng ăn miếng cơm, miếng cháo đặng cùng vui sum họp ….. Chồng con nơi xa xôi chưa biết sống chết thế nào, không thể về đền ơn được. Sau này, trời xét lòng lành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ". Rõ ràng trong lời nói của bà cụ, bà mong con trai bà khi trở về sẽ thay bà đền đáp tấm lòng thảo thơm của cô con dâu đối với bà. Tục ngữ Việt Nam có câu Thương chồng mới khóc mụ gia Chứ tôi với mụ có bà con chi Nói như vậy không phải là nói Vũ Nương đối xử với mẹ chồng không thành tâm. Nhưng cũng phải thấy rằng, nàng đối xử tốt với mẹ chồng, coi bà như cha mẹ đẻ của mình cũng xuất phát từ lòng yêu thương, chung thủy với chồng. Với một bên là nàng bị chồng nghi ngờ là không chung thủy : + Bi kịch còn là sự xung đột giữa một bên là niềm ước mong rất bình dị mà bất cứ người phụ nữ có chồng nào cũng có quyền được mong ước : luôn có chồng bên cạnh, sống hạnh phúc với chồng(ước mong này được thực hiện một cách kín đáo qua việc làm " ngày thường, ở một mình, nàng hay đùa con, trỏ bóng mình mà bảo là cha Đản") . Với một bên là bị chồng nghi ngờ là không chung thủy " mắng nhiếc và đánh đuổi đi". c. ở tình huống thứ hai : Bi kịch ở đây là sự xung đột giữa ước muốn trở về cuộc sống trần gian và thực tế không thể trở về. + Qua lời trò chuyện với Phan Lang(người cùng làng), ta thấy nàng quyết trở về : - "Vũ Nương ứa nước mắt khóc, rồi quả quyết đổi giọng mà rằng : có lẽ không thể gửi hình ẩn bóng ở đây được mãi để mang tiếng xấu xa. Vả chăng, ngựa Hồ gầm gió Bắc, chim Việt đậu cành Nam. Cảm vì nỗi ấy, tôi tất phải tìm về có ngày". - " Vũ Nương nhân đó cũng gửi một chiếc hoa vàng mà dặn : - Nhờ nói hộ với chàng Trương, nếu còn nhớ chút tình xưa nghĩa cũ, xin lập một đàn giải oan ở bến sông, đốt cây đèn thần chiếu xuống nước, tôi sẽ trở về". + Và nàng đã thực sự từ thế giới thủy cung trở về trần gian : " Rồi quả thấy Vũ Nương ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng ở giữa dòng, theo sau có đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng rưc rỡ đầy sông ". Nhưng đến phút cuối cùng, nàng không thể trở về : - " Chàng vội gọi, nàng vẫn ở giữa dòng mà nói vọng vào : - "Thiếp cảm ơn đức linh phi, đã thề sống chết cũng không bỏ. Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa". Rồi trong chốc lát, bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất " Vì sao Vũ Nương đã nhất quyết trở về nhưng rồi cuối cùng lại không thể trở về ? Có phải như nàng nói : " Cảm ơn đức linh phi, thề sống chết cũng không bỏ". Hay vì một lý do khác ? Vậy lý do đó là gì ? Phải chăng Vũ Nương không dám trở về ? Sự xung đột này đã làm nên bi kịch thứ hai trang văn bản " Chuyện người con gái Nam Xương ". Và chính nhờ hai bi kịch ấy đã làm rõ chủ đề của tác phẩm : " Là câu chuyện về số phận oan nghiệt của một người phụ nữ có nhan sắc, có đức hạnh dưới chế độ phong kiến, chỉ vì một lời nói ngây thơ của con trẻ mà bị nghi ngờ, bị sỉ nhục, bị đẩy đến bước đường cùng, phải tự kết liễu cuộc đời mình để giải tỏ tấm lòng trong sạch" (Sách giáo viên Ngữ văn 9 - tập I - NXB Giáo dục) Và cũng chính từ hai bi kịch này, người sáng tạo tác phẩm như muốn nói lên một hiện thực phũ phàng : trong cái xã hội phong kiến thối nát và bất công ấy, người phụ nữ không bao giờ có được hạnh phúc thực sự. III. Vấn đề kết thúc có hậu của " Chuyện người con gái Nam Xương " : 1. " Chuyện người con gái Nam Xương " có phải kết thức có hậu không ? Về vấn đề này, một số tài liệu tham khảo có nói đến nhưng chứa đựng khá nhiều mâu thuẫn. 2. Sách giáo viên Ngữ văn 9 - tập I có viết : " Điều quan trọng hơn là những yếu tố kỳ ảo đó đã tạo nên một phần kết thúc nào có hậu cho tác phẩm " (trang 50). Nhưng cũng chính trong trang viết này người viết lại nói : " Tính bi kịch của truyện vẫn tiềm ẩn ở ngay trong cái lung linh kỳ ảo này. Và điều đó một lần nữa khẳng định niềm thương cảm của tác giả đối với số phận bi thảm của người phụ nữ trong chế độ phong kiến ". 3. Sách Thiết kế bài giảng Ngữ văn 9 - tập I - NXB Giáo dục - 2005 thì ý mâu thuẫn bộc lộ ngay trong một câu văn : " Đó là cách kết thúc có hậu vừa không công thức, ly kỳ hấp dẫn, bất ngờ, gieo vào lòng người đọc nhiều thương cảm ". Từ những ý kiến trên, chúng tôi thấy chẳng lẽ tác phẩm chứa đựng " tính bi kịch" ngay cả ở những dòng cuối của văn bản và chính điều đó đã tạo nên trong người đọc " nhiều thương cảm" đối với " số phận bi thảm của người phụ nữ trong xã hội phong kiến" là kiểu kết thúc có hậu ? 4. Từ xung đột bi kịch ở tình huống thứ hai của văn bản, chúng tôi thấy không đồng tình với ý kiến cho rằng " việc Vũ Nương không thể trở về nhân gian được nữa" mà phải chấp nhận cái cảnh (như nàng đã nói với Phan Lang) : " thà già ở chốn làng mây khung nước, chứ còn mặt mũi nào về nhìn thấy người ta nữa " là kết thúc có hậu. C. Kết luận Từ thực tế giảng dạy chúng tôi nhận thấy, nếu khi giảng văn bản "Chuyện người con gái Nam Xương", giáo viên biết khai thác một cách hợp lý các vấn đề trên, đồng thời linh hoạt vận dụng năng lực "xoáy" và " lướt" trong giờ giảng văn thì sẽ tạo được hiệu quả giảng dạy cao hơn, bài giảng chất lượng hơn, học sinh hứng thú học hỏi hơn. Trên đây là một số vấn đề chúng tôi thấy cần phải trao đổi để việc tìm hiểu văn bản "Chuyện người con gái Nam Xương" có chiều sâu hơn. Không dám gọi là sấng kiến. Rất mong tìm được sự đồng thuận của các bạn đồng nghiệp. Người viết Hoàng Quốc Tuấn

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docBàn thêm về việc dạy văn bản Người con gái Nam Xương- Nguyễn Dữ - Ngữ văn 9.doc