Tiểu luận Đương sự trong vụ án dân sự

Quyền và nghĩa vụ này xuất phát từ nguyên tắc ” Cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự” quy định tại Điều 6 BLTTDS.

Đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, khi đương sự giao nộp chứng cứ Toà án phải lập biên bản có chữ ký của người nhận và dấu của Toà án (Điều 84 BLTTDS). Đương sự có quyền nộp chứng cứ ở bất cứ giai đoạn tố tụng nào. Đây chính là khó khăn của Toà án và cũng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến phải cải sửa án. Để khắc phục tình trạng này, ở cấp sơ thẩm, Thẩm phán cần phải thông báo cho đương sự biết những chứng cứ, tài liệu còn thiếu yêu cầu đương sự nộp bổ sung (Điều 85 BLTTDS). Với tinh thần mới ,BLTTDS nhấn mạnh nghĩa vụ chứng minh của đương sự. Nếu đương sự không nộp hoặc nộp không đầy đủ chứng cứ thì phải chịu hậu quả của việc không nộp hoặc nộp không đầy đủ (Điều 84 BLTTDS).

 

doc9 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 3281 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Đương sự trong vụ án dân sự, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐƯƠNG SỰ TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ Posted on 08/03/2010 by Civillawinfor THS. NGUYỄN VIỆT CƯỜNG  -  Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao Kế thừa và phát triển các quy định của các Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế, lao động trước đây (gọi chung là các pháp lệnh tố tụng), Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) có 7 điều (từ Điều 56 đến Điều 62) quy định đương sự trong vụ án dân sự. Bài viết này nhằm nghiên cứu làm rõ khái niệm này. 1. Khái niệm Đương sự trong vụ án dân sự Điều 56 Bộ luật TTDS quy định: “ Đương sự trong vụ án dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. So với các pháp lệnh tố tụng thì khái niệm “đương sự” trong BLTTDS mở rộng hơn. Pháp lệnh tố tụng dân sự quy định: Các đương sự là công dân, pháp nhân. Pháp lệnh tố tụng kinh tế quy định đương sự là cá nhân, pháp nhân. Với quy định này, các tổ chức không có tư cách pháp nhân như tổ hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp hợp danh… không phải là đương sự. Rõ ràng quy định như trên không bao quát được tất cả các chủ thể tham gia quan hệ dân sự đã được quy định trong Bộ luật dân sự. Với quy định trong điều 56 BLTTDS đã khắc phục được những thiếu sót trong các pháp lệnh tố tụng và đã bao quát được tất cả các chủ thể tham gia quan hệ dân sự đã được quy định trong BLDS. - Đương sự là cá nhân bao gồm công dân Việt Nam, người có quốc tịch nước ngoài, người không có quốc tịch. Điều 57 BLTTDS đã đưa ra khái niệm năng lực pháp luật Tố tụng dân sự vào lực hành vi tố tụng dân sự của công dân Việt Nam mà các pháp lệnh tố tụng trước đây chưa nêu Bộ luật quy định: đương sự là người từ đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, trừ người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Đương sự là người chưa đủ sáu tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự thì không có năng lực hành vi tố tụng, họ không thể tự mình tham gia tố tụng dân sự, việc bảo vệ quyền và lợi ích của những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện. Đối với đương sự là người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi thì việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do đại diện hợp pháp của họ thực hiện. Đối với đương sự là người từ đủ 15 tuối đến chưa đủ 18 tuổi đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình được tự mình tham gia tố tụng về những việc có liên quan đến quan hệ lao động hoặc quan hệ dân sự đó. Quy định này xuất phát từ quy định trong Bộ luật lao động (BLLĐ) và Bộ luật dân sự (BLDS), vì theo BLLĐ người đủ 15 tuổi có quyền ký kết hợp đồng lao động. Còn BLDS quy định trường hợp người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có tài sản riêng đủ để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ, thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không đòi hỏi phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật. Ngoài ra BLTTDS quy định nếu “pháp luật có quy định khác” thì căn cứ vào các quy định đó để xác định năng lực hành vi tố tụng của đương sự. Ví dụ: Luật Hôn nhân và gia đình quy định: tuổi kết hôn của nữ là từ 18 tuổi. Như vậy, người nữ chưa đủ 18 tuổi vẫn có quyền tự mình tham gia tố tụng về quan hệ hôn nhân và gia đình. - Đương sự là cơ quan bao gồm các cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân. Cơ quan tham gia tố tụng dân sự thông qua người đại diện theo pháp luật ( thủ trưởng cơ quan) hoặc đại diện theo ủy quyền. Thông thường một cơ quan gồm nhiều bộ phận cấu thành về nguyên tắc nếu những bộ phận cấu thành này không có quyền độc lập về tài sản thì các bộ phận này không thể tham gia tố tụng với tư cách đương sự, ví dụ: Tòa án nhân dân tối cao có nhiều bộ phận khác nhau trong đó có 5 Tòa chuyên trách và 3 Tòa phúc thẩm hoạt động độc lập, nhưng không có quyền độc lập về tài sản. Do đó các Tòa này không thể tham gia tố tụng với tư cách đương sự, mà đương sự phải là TANDTC. Tuy nhiên, đối với những bộ phận trong cơ quan nhưng lại có quyền độc lập về tài sản, có quyền tham gia các quan hệ dân sự với tư cách độc lập thì theo chúng tôi bộ phận này có quyền tham gia tố tụng dân sự độc lập. Ví dụ: Báo pháp luật của Bộ Tư pháp là một đơn vị của Bộ Tư pháp, nhưng đơn vị này có thẩm quyền ký hợp đồng lao động với phóng viên, có quyền độc lập tham gia các giao dịch dân sự trên cơ sở tài chính độc lập, vì vậy họ có toàn quyền tham gia tố tụng với tư cách là đương sự. - Đương sự là tổ chức bao gồm: tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Tổ chức tham gia tố tụng dân sự thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Tổ chức là pháp nhân hoặc không phải là pháp nhân. Có thể tham gia Tố tụng dân sự với tư cách là đương sự. Trường hợp tổ chức có nhiều bộ phận thì chỉ những bộ phận hoàn toàn độc lập về tài chính mới có tư cách đương sự. Ví dụ: Tổng công ty có văn phòng, có phòng kế toán tài vụ… và các công ty thành viên thì văn phòng, phòng tài vụ… không thể tham gia tố tụng với tư cách đương sự. Nhưng các công ty thành viên, nếu đủ đi ều kiện là pháp nhân được tham gia tố tụng dân sự với tư cách đương sự. Vấn đề đặt ra là xác định tư cách tham gia Tố tụng dân sự của Hộ gia đình, dòng họ. Hộ gia đình, dòng họ hình thành trên cơ sở huyết thống, tập quán chứ không do cơ quan có thẩm quyền cho phép hay công nhận, nên hộ gia đình dòng họ tham gia tố tụng dân sự với tư cách đương sự là cá nhân. Ví dụ: dòng họ Nguyễn ở thôn X tranh chấp nhà thờ từ đường với người đang quản lý, sử dụng nhà đó, thì các bên tranh chấp trong vụ án này phải được xác định là cá nhân. Dòng họ phải có người đại diện tham gia tố tụng, Tòa án chỉ chấp nhận khi người đại diện có sự ủy quyền của những người trong dòng họ theo theo hình thức thích hợp. Đối với cơ quan, tổ chức nước ngoài thì năng lực pháp luật tố tụng dân sự được xác định theo pháp luật của nước cơ quan, tổ chức đó được thành lập, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định khác. Đối với tổ chức quốc tế thì năng lực pháp luật tố tụng dân sự được xác định trên cơ sở điều ước Quốc tế là căn cứ để thành lập tổ chức đó, quy chế hoạt động của tổ chức Quốc tế hoặc điều ước Quốc tế đã được ký kết với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (Điều 408 BLTTDS) 2. Khái niệm nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Điều 56 BLTTDS đưa ra khái niện nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan mà các pháp lệnh tố tụng trước đó chưa nêu. a. Nguyên đơn trong vụ án dân sự không những “là người khởi kiện, người được cá nhân, cơ quan, tổ chức do BLTTDS quy định khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích của người đó bị xâm phạm”, mà nguyên đơn còn “là cơ quan, tổ chức khởi kiện để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách”. Ví dụ: cơ quan bảo vệ tài nguyên, môi trường khởi kiện doanh nghiệp, doanh nghiệp này đã làm ô nhiêm môi trường. Cơ quan bảo vệ tài nguyên, môi trường khởi kiện không phải vì lợi ích của cơ quan họ mà là lợi ích xã hội đây là điểm khác giữa nguyên đơn là người khởi kiện, vì lợi ích của họ, với nguyên đơn khởi kiện không phải vì lợi ích của họ. Cá nhân, cơ quan tổ chức vì lợi ích của người khác mà khởi kiện để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được khởi kiện, thì người khởi kiện sẽ là nguyên đơn. Ví dụ: ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc người cha phải thực hiện cấp dưỡng cho con chưa thành niên. Công đoàn cấp trên khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho tập thể người lao động. Trong những trường hợp này người khởi kiện tham gia vụ án với tư cách là người đại diện của nguyên đơn. b. Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc cá nhân cơ quan, tổ chức khác do BLTTDS quy định khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự. c. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi nghĩa vụ của họ. Chỉ được xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu giải quyết vụ án họ được hưởng quyền lợi hoặc họ phải thực hiện nghĩa vụ. 3. Quyền và nghĩa vụ của các đương sự. Khác với các pháp lệnh trước đó, BLTTDS có một điều (Điều 58) quy định quyền và nghĩa vụ của đương sự, đây là quyền và nghĩa vụ chung cho các đương sự, ngoài quyền và nghĩa vụ chung này, còn có các điều quy định quyền và nghĩa vụ riêng, đặc thù của từng đương sự, bao gồm: nguyên đơn (Điều 59), của bị đơn (Điều 60), của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (Điều 61), kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng (Điều 62). Điều 58 quy định 20 quyền và nghĩa vụ của đương sự, trong đó có một số quyền cơ bản cần lưu ý. a. Cung cấp chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Quyền và nghĩa vụ này xuất phát từ nguyên tắc ” Cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự” quy định tại Điều 6 BLTTDS. Đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, khi đương sự giao nộp chứng cứ Toà án phải lập biên bản có chữ ký của người nhận và dấu của Toà án (Điều 84 BLTTDS). Đương sự có quyền nộp chứng cứ ở bất cứ giai đoạn tố tụng nào. Đây chính là khó khăn của Toà án và cũng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến phải cải sửa án. Để khắc phục tình trạng này, ở cấp sơ thẩm, Thẩm phán cần phải thông báo cho đương sự biết những chứng cứ, tài liệu còn thiếu yêu cầu đương sự nộp bổ sung (Điều 85 BLTTDS). Với tinh thần mới ,BLTTDS nhấn mạnh nghĩa vụ chứng minh của đương sự. Nếu đương sự không nộp hoặc nộp không đầy đủ chứng cứ thì phải chịu hậu quả của việc không nộp hoặc nộp không đầy đủ (Điều 84 BLTTDS). b. Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ, quản lý chứng cứ cung cấp chứng cứ cho mình để giao nộp cho Toà án. Đây là một quyền tố tụng mới của đương sự. Tương ứng là nghĩa vụ của cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc giải quyết vụ án của đương sự phải cung cấp cho đương sự những tài liệu chứng cứ đó khi đương sự yêu cầu c. Đề nghị Toà án xác minh, thu thập chứng cứ của vụ án mà tự mình không thể thực hiện được. Quy định này nhằm khắc phục những trường hợp đương sự không có khả năng, điều kiện để thu thập chứng cứ. Tuy nhiên để tránh tình trạng đương sự không chịu tự thu thập chứng cứ trước khi yêu cầu Toà án thu thập chứng cứ, Điều 94 BLTTDS quy định "Đương sự yêu cầu Toà án tiến hành thu thập chứng cứ phải làm đơn ghi rõ vấn đề cần chứng minh; chứng cứ cần thu thập; lý do vì sao tự mình không thu thập được; họ, tên địa chỉ của cá nhân, tên địa chỉ của cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ chứng cứ cần thu thập đó". Đương sự cũng có quyền đề nghị Toà án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá tài sản, có quyền khiếu nại với Viện kiểm sát về những chứng cứ mà Toà án đã xác minh, thu thập theo yêu cầu của đương sự. Đây là quyền mới của đương sự mà các Pháp lệnh tố tụng chưa quy định. Theo BLTTDS thì VKS chỉ tham gia phiên toà sơ thẩm đối với những vụ án do Toà án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại. Vì vậy nếu đương sự gửi cho Toà án khiếu nại về việc Toà án thu thập, xác minh chứng cứ thì Toà án phải chuyển khiếu nại đó cho Viện kiểm sát cùng cấp để VKS xem xét có tham gia hay không tham gia phiên toà sơ thẩm. d. Được biết và ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do các đương sự khác xuất trình hoặc do Toà án thu thập. Pháp lệnh tố tụng dân sự, kinh tế chỉ quy định các đương sự "được biết các chứng cứ do bên kia cung cấp". Pháp lệnh tố tụng lao động quy định "được đọc, sao chép và xem các tài liệu chứng cứ do bên đương sự khác cung cấp". So với các Pháp lệnh tố tụng thì BLTTDS đã kế thừa và mở rộng quy định này. Song, một vấn đề đặt ra làm cách nào để đương sự thực hiện được quyền trên? Đối với những đương sự có Luật sư bảo vệ thì luật sư có quyền nghiên cứu hồ sơ (Điều 64 BLTTDS) nên thông qua luật sư, đương sự có thể biết được những chứng cứ, tài liệu của bên kia cung cấp và những chứng cứ tài liệu do Toà án thu thập. Còn đương sự không có luật sư bảo vệ, BLTTDS không quy định đương sự có quyền "nghiên cứu hồ sơ". Tuy nhiên BLTTDS đã quy định đương sự có quyền "nhận thông báo hợp lệ để thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình". Vì vậy, theo chúng tôi Toà án cần phải có biện pháp thông báo cho đương sự biết được các tài liệu chứng cứ của nhau, thì quy định trên mới có ý nghĩa. Theo Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số điểm Phần thứ I BLTTDS thì đương sự chỉ được yêu cầu ghi chép, sao chụp tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án trước khi toà mở phiên toà xét xử vụ án và họ phải làm đơn ghi rõ các tài liệu chứng cứ cần ghi chép, sao chụp gửi cho Toà án. Nếu đương sự là người không biết chữ thì Toà án lập biên bản ghi rõ yêu cầu của họ và họ phải ký tên hoặc điểm chỉ vào biên bản đó. Mặt khác để bảo vệ những bí mật về đời tư của các đương sự, cũng như các bí mật về kinh doanh… Toà án chỉ công bố tài liệu chứng cứ liên quan đến vụ án, không liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư. Đây là những vấn đề mà luật pháp của nhiều nước trên thế giới đều quy định. BLTTDS quy định: "toà án không công bố công khai chứng cứ có liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của cá nhân theo yêu cầu chính đáng của đương sự" (khoản 2 Điều 97 BLTTDS) đ. Đề nghị Toà án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Điểm mới so với các pháp lệnh tố tụng trước đây là đương sự không những có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi Toà án đã thụ lý vụ án, mà trong trường hợp do tình thế khẩn cấp cần phải bảo vệ ngay bằng chứng, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra đương sự có quyền yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện. Trong một số biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 102 BLTTDS nếu đương sự yêu cầu áp dụng thì phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá trị tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện. 3. Quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn. Ngoài những quyền và nghĩa vụ đã được nêu chung ở Điều 58 BLTTDS, nguyên đơn còn có các quyền và nghĩa vụ riêng được quy định tại Điều 59 BLTTDS trong đó có một số quyền đáng chú ý: a. "Rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện". Khác với các Pháp lệnh tố tụng dân sự, kinh tế, lao động, BLTTDS quy định nguyên đơn có quyền rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, nhưng quyền này cũng bị hạn chế ở chỗ nguyên đơn chỉ được thực hiện quyền này trước khi xét xử sơ thẩm hay tại phiên toà sơ thẩm. Trong trường hợp này Toà án căn cứ vào Điều 192, hay Điều 218 BLTTDS ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hay đình chỉ xét xử. Còn trước khi xử phúc thẩm hoặc tại phiên toà phúc thẩm, nguyên đơn tự nguyện rút đơn khởi kiện thì phải được sự đồng ý của bị đơn. Nếu bị đơn không đồng ý thì Toà án cũng không thể chấp nhận yêu cầu rút đơn khởi kiện của nguyên đơn (khoản 1 Điều 269 BLTTDS). Quy định này nhằm tránh tình trạng nguyên đơn bị thua kiện tại cấp sơ thẩm nên rút đơn khởi kiện để kéo dài việc tranh chấp đó. Vì nguyên đơn rút đơn khởi kiện vẫn có quyền khởi kiện lại nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn. b. Thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện Quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chỉ được chấp nhận trước khi mở phiên toà sơ thẩm. Tại phiên toà sơ thẩm nguyên đơn chỉ được thay đổi, bổ sung yêu cầu không được vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu (Điều 218 khoản 1 BLTTDS). Quy định này xuất phát từ nguyên tắc bị đơn có quyền biết được những yêu cầu của nguyên đơn để chuẩn bị những tài liệu, chứng cứ, lý lẽ phản bác lại những yêu cầu của nguyên đơn. Tuy nhiên cần phải hiểu yêu cầu khởi kiện ban đầu là yêu nguyên đơn đưa ra trước khi mở phiên toà chứ không phải yêu cầu ghi trong đơn khởi kiện. c. Đề nghị Toà án tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Đây là một quy định mới về quyền của nguyên đơn mà các pháp lệnh tố tụng trước đó chưa quy định. Vấn đề đặt ra là nguyên đơn có quyền yêu cầu Toà án tạm đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp nào? Có quan điểm cho rằng nguyên đơn chỉ được đề nghị Toà án tạm đình chỉ giải quyết vụ án nếu có một trong các quy định từ khoản 1 đến khoản 4 Điều 189 hoặc những trường hợp khác mà pháp luật quy định cụ thể. Theo chúng tôi nếu sau khi thụ lý vụ án mà xảy ra những trường hợp quy định tại Điều 189 BLTTDS thì bắt buộc Toà án phải ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, chứ không đòi hỏi phải có yêu cầu của nguyên đơn. Vì vậy nếu cho rằng nguyên đơn chỉ có quyền yêu cầu Toà án tạm đình chỉ giải quyết vụ án trong những trường hợp quy định tại Điều 189 thì không cần thiết phải quy định đó là quyền riêng của nguyên đơn mà bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có quyền này. Luật quy định quyền trên cho nguyên đơn là xuất phát từ nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự. Đương sự khởi kiện thì họ cũng có quyền đề nghị Toà án tạm đình chỉ giải quyết việc của họ. Tuy nhiên, theo chúng tôi cũng cần quy định trong những trường hợp nào Toà án mới chấp nhận đề nghị của nguyên đơn, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng đương sự lợi dụng vào quy định đó để kéo dài vụ án, làm mất thời gian và những tốn kém về vật chất cho Toà án và đương sự khác (bị đơn, người có quyền, nghĩa vụ liên quan). Thực tế sẽ có những trường hợp nếu nguyên đơn không đi kiện thì hết thời hiệu khởi kiện, nhưng khi khởi kiện họ vẫn chưa thu thập được chứng cứ cần thiết để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của họ, hay trường hợp sau khi khởi kiện họ lại phải đi công tác… vì vậy họ phải đề nghị Toà án tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Trong những trường hợp này theo chúng tôi có thể chấp nhận đề nghị của nguyên đơn. Đây là vấn đề cần có sự hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền. d. Nghĩa vụ của nguyên đơn. Nguyên đơn đã được Toà án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và theo Điều 192 thì Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dù nguyên đơn có lý do hay không có lý do. Đây là điểm mới khác với các quy định trong các pháp lệnh tố tụng trước đây. Trước đây Toà án chỉ đình chỉ khi nguyên đơn vắng mặt không có lý do chính đáng. Cần lưu ý việc đình chỉ giải quyết vụ án đối với nguyên đơn đã được Toà án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt chỉ áp dụng trong trường hợp triệu tập đến phiên toà để xét xử. Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động có quy định Toà án triệu tập nguyên đơn đến hoà giải, nếu đã triệu tập hợp lệ mà nguyên đơn vắng mặt lần thứ hai không có lý do chính đáng thì Toà án đình chỉ giải quyết vụ án. BLTTDS không có quy định này. Trong đó quy định những vụ án không thể hoà giải được (Điều 182) có nêu "Đương sự không thể tham gia hoà giải được vì lý do chính đáng". Như vậy trong buổi hoà giải nếu nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt có lý do chính đáng thì coi như vụ án không tiến hành hoà giải được. Theo chúng tôi hoà giải cũng là để giải quyết vụ án, vì vậy nếu nguyên đơn đã đươc triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, Tòa án ra quyết định "đình chỉ giải quyết vụ án" là hợp lý. 4. Quyền và nghĩa vụ của bị đơn. Ngoài những quyền và nghĩa vụ chung của đương sự, bị đơn còn có những quyền và nghĩa vụ: - Chấp nhận hay bác bỏ những yêu cầu của nguyên đơn; - Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị trừ với nghĩa vụ mà nguyên đơn yêu cầu; - Được Toà án thông báo về việc bị khởi kiện; - Bị đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Toà án giải quyết vắng mặt bị đơn; Những quyền và nghĩa vụ trên đây của bị đơn là sự kế thừa những quy định trong các pháp lệnh tố tụng trước đó. Tuy nhiên cũng có một vài điểm khác so với các quy định trước đây. Cụ thể: a. Đối với quyền phản tố của bị đơn không đòi hỏi bị đơn phải phản tố trong cùng một quan hệ pháp luật. Quyền phản tố của bị đơn được chấp nhận trong các trường hợp sau: a1. Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ của nguyên đơn. Ví dụ: A đòi B bồi thường thiệt hại. B phản tố yêu cầu A trả nợ, nếu việc B cho A vay đã đến ngày phải trả. a2. Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu yêu cầu của nguyên đơn. Ví dụ: A (NLĐ) khởi kiện yêu cầu huỷ quyết định sa thải và buộc B (NSDLĐ) bồi thường những ngày không được làm việc. B phản tố yêu cầu A bồi thường phí đào tạo với lý do A trước khi đi đào tạo A cam kết nếu vi phạm kỷ luật bị sa thải thì phải bồi thường phí đào tạo. Nếu Toà án chấp nhận yêu cầu phản tố của B sẽ loại trừ yêu cầu khởi kiện của A. a3. Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết được chính xác và nhanh hơn. Ví dụ: A kiện đòi nhà cho thuê và tiền thuê nhà còn thiếu, B phản tố đòi A trả tiền thế chân. Đối với những yêu cầu phản tố của bị đơn chỉ được Toà án chấp nhận khi bị đơn làm đúng như yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. b. Về nghĩa vụ của bị đơn. Khác với các pháp lệnh tố tụng trước đây BLTTDS quy định nếu bị đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vắng mặt thì dù vắng mặt có lý do hay không có lý do Toà án vẫn giải quyết vắng mặt bị đơn. BLTTDS tách nghĩa vụ bị đơn phải phạt một khoản tiền do đã được Toà án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thành một điều luật riêng trong Chương Xử lý các hànhvi cản trở hoạt động tố tụng dân sự. 5. Quyền, nghĩa vụ của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Ngoài các quyền và nghĩa vụ của đương sự được quy định tại Điều 58 BLTTDS; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có thể có yêu cầu độc lập hoặc tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn. Theo Điều 177 BLTTDS trong trường hợp người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc bên bị đơn thì họ có quyền yêu cầu độc lập khi có các điều kiện sau: - Việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi của họ; - Yêu cầu độc lập của họ có liên quan đến vụ án đang được giải quyết; - Yêu cầu độc lập của họ được giải quyết trong cùng một vụ án làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn. Theo khoản 3 Điều 201 trong trường hợp Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu độc lập của người có quyền và lợi ích liên quan do họ đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt tại phiên toà, thì người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu đó, nếu còn thời hiệu. SOURCE: TẠP CHÍ NGHỀ LUẬT SỐ 2 NĂM 2006

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docĐương sự trong vụ án dân sự.doc
Tài liệu liên quan