Tiểu luận Hệ thống pháp luật hợp đồng của Việt Nam hiện nay, một số sai sót thường gặp khi giao kết hợp đồng

Các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng được quy định từ Điều 318 đến Điều 373 BLDS 2005 bao gồm: cầm cố tài sản, thế chấp tài sản (bao gồm cả cầm cố, thế chấp bằng tài sản của người thứ ba), đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lãnh và tín chấp. Theo các quy định của pháp luật hiện hành thì các bên trong hợp đồng có quyền tự chủ, tự do cam kết và tự do thoả thuận đồng thời các bên cũng phải tự chịu trách nhiệm đối với các cam kết, thoả thuận của mình. Điều này được thể hiện rõ nhất trong các quy định về giao kết, thực hiện hợp đồng cầm cố, thế chấp và bảo lãnh. Trong số các biện pháp thực hiện nghĩa vụ dân sự thì các biện pháp cầm cố và thế chấp thường được các bên áp dụng nhiều nhất. Do đó, BLDS đã quy định rất cụ thể về vấn đề này. BLDS thể hiện quan điểm bên cầm cố, thế chấp tuy bị hạn chế một số quyền nhưng họ cũng có những quyền tự chủ nhất định, nhất là trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

doc13 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2374 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Hệ thống pháp luật hợp đồng của Việt Nam hiện nay, một số sai sót thường gặp khi giao kết hợp đồng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU Pháp luật về hợp đồng chiếm một vị trí rất quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, hầu hết các giao dịch trong xã hội, dù có mục đích kinh doanh hay nhằm đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt thông thường, đều liên quan đến hợp đồng. Chính vì lẽ đó mà các chế định về hợp đồng và các vấn đề liên quan đến hợp đồng trong Bộ luật Dân sự năm 2005 chiếm một vị trí nòng cốt với hơn 300 điều trên tổng số 777 điều. Mục đích của pháp luật về hợp đồng là nhằm bảo vệ quyền tự do ý chí của các bên. Quyền tự do ý chí này chỉ bị hạn chế bởi một số ngoại lệ nhằm bảo vệ trật tự công hoặc nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của bên thứ ba. Pháp luật về hợp đồng của Việt Nam hiện nay được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Kinh doanh bảo hiểm…, tuy nhiên, Bộ luật Dân sự được coi là luật gốc quy định các vấn đề chung về hợp đồng, là nền tảng cho pháp luật về hợp đồng, điều chỉnh các quan hệ hợp đồng được xác lập trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tự thoả thuận và tự chịu trách nhiệm. Các quy định về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự được áp dụng chung cho tất cả các loại hợp đồng, không phân biệt hợp đồng dân sự hay hợp đồng kinh tế, hợp đồng có mục đích kinh doanh hay hợp đồng nhằm đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, khi tham gia thỏa thuận và ký kết hợp đồng, các bên tham giam ký kết hợp đồng thường không để ý đến những sai sót dẫn đến thiệt hại ngoài ý muốn cho các bên tham gia hợp đồng. Chính vì vậy, bài viết “Hệ thống pháp luật hợp đồng của Việt Nam hiện nay. Một số sai sót thường gặp khi giao kết hợp đồng” đóng góp một phần nhỏ trong chế định pháp luật hợp đồng, cũng như giúp các bên tham gia giao kết hợp đồng tránh được những sai sót, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của các bên tham gia quan hệ hợp đồng. CHƯƠNG I HỆ THỐNG PHÁP LUẬT HỢP ĐỒNG CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY Bộ luật Dân sự quy định những vấn đề chung về hợp đồng như khái niệm hợp đồng, giao kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng, chấm dứt hợp đồng… còn các luật chuyên ngành thì chỉ quy định các vấn đề mang tính đặc thù của hợp đồng trong các lĩnh vực khác nhau. Trong phạm vi bài viết, chỉ xin đề cập đến một số vấn đề quan trọng về pháp luật hợp đồng. 1. Khái niệm về hợp đồng Theo Điều 388 – Bộ luật dân sự quy định về Khái niệm hợp đồng dân sự như sau: Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Như vậy hợp đồng được hiểu là sự thể hiện ý chí của các bên bằng việc thoả thuận với nhau về quyền và nghĩa vụ của các bên, xác định khi nào và trong điều kiện nào thì các quyền và nghĩa vụ này được xác lập, được thay đổi và chấm dứt. Các chủ thể tham gia hợp đồng có thể là cá nhân hoặc pháp nhân hoặc các loại chủ thể khác. Khách thể của hợp đồng chính là đối tượng của hợp đồng, có thể là tài sản, hàng hoá hoặc dịch vụ. Nguyên tắc quan trọng và được pháp luật bảo vệ là nguyên tắc tự do thoả thuận, bình đẳng và thiện chí trong việc giao kết, thực hiện hợp đồng, không phân biệt mục đích của hợp đồng là kinh doanh thu lợi nhuận hay nhằm phục vụ cho tiêu dùng. 2. Hình thức của hợp đồng Về nguyên tắc, các bên có quyền tự do quyết định hình thức của hợp đồng. Hình thức hợp đồng có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, trừ một số trường hợp pháp luật yêu cầu hợp đồng phải được thể hiện bằng hình thức nhất định nhằm đảm bảo trật tự công, ví dụ như hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được thể hiện bằng văn bản. Để phù hợp với xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và việc ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, pháp luật cũng ghi nhận hình thức của hợp đồng có thể được thể hiện thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu và hình thức này được coi là hợp đồng bằng văn bản. Trong trường hợp pháp luật yêu cầu hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó. Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác thì nhìn chung, hợp đồng không bị coi là vô hiệu nếu có vi phạm về hình thức. 3. Về ký kết hợp đồng và việc uỷ quyền ký kết hợp đồng BLDS xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng trên cơ sở công nhận hiệu lực của cam kết, thoả thuận của các bên, không phụ thuộc vào hình thức của hợp đồng. Do đó, về mặt nguyên tắc, hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết của bên được đề nghị. Hợp đồng cũng xem như được giao kết khi hết thời hạn trả lời mà bên nhận đề nghị vẫn im lặng, nếu các bên có thoả thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết. Trên cơ sở hình thức của hợp đồng, pháp luật cũng quy định cụ thể đối với từng trường hợp, ví dụ, đối với hợp đồng được giao kết bằng lời nói thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm các bên đã thoả thuận về nội dung của hợp đồng; đối với hợp đồng được giao kết bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản. Về mặt nguyên tắc, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng được tính từ thời điểm giao kết, tuy nhiên vẫn có các ngoại lệ đó là khi các bên có thoả thuận khác, ví dụ hợp đồng được các bên ký vào ngày 01/01/2009 nhưng các bên thoả thuận là hợp đồng được coi là ký kết vào ngày 01/02/2009 hoặc khi pháp luật có quy định khác, ví dụ theo pháp luật về đất đai thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng thế chấp là thời điểm đăng ký. Vấn đề uỷ quyền ký kết hợp đồng không được BLDS quy định cụ thể, tuy nhiên, vì hợp đồng là một dạng của giao dịch dân sự cho nên có thể áp dụng các quy định về việc uỷ quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Theo đó cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể uỷ quyền cho người khác xác lập, thực hiện hợp đồng theo chế định người đại diện. 4. Về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng Theo quy định của Điều 405 BLDS thì hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết trừ trường có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Tuy nhiên, BLDS lại không quy định thế nào là "được giao kết hợp pháp", do đó phải áp dụng Điều 122 BLDS về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự vì hợp đồng là một trong những hình thức giao dịch dân sự. Giao dịch dân sự được coi là có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau: + Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự; + Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; + Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện. Ngoài các điều kiện trên đây, nếu pháp luật quy định giao dịch phải được thể hiện bằng một hình thức cụ thể, ví dụ phải thể hiện bằng văn bản, thì hình thức của giao dịch là điều kiện có hiệu lực của giao dịch. Như vậy, khi hợp đồng có đủ 3 điều kiện trên thì sẽ có hiệu lực trừ một số trường hợp mà pháp luật yêu cầu hợp đồng phải tuân theo một hình thức nhất định. 5. Về điều kiện vô hiệu của hợp đồng Theo quy định của Điều 410 BLDS thì vấn đề hợp đồng vô hiệu sẽ được áp dụng theo các quy định từ Điều 127 đến Điều 138 BLDS bao gồm các trường hợp sau: Thứ nhất, giao dịch bị vô hiệu khi không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 122 của BLDS bao gồm: người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự; mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện. Ngoài ra, nếu pháp luật yêu cầu giao dịch phải được thể hiện bằng một hình thức cụ thể nào đó thì hình thức của giao dịch cũng là điều kiện có hiệu lực của giao dịch. Thứ hai, giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội. Điều này có nghĩa rằng nếu giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì bị vô hiệu. Vi phạm điều cấm của pháp luật có nghĩa là vi phạm những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định, ví dụ như hành vi buôn bán chất ma tuý. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng. Thứ ba, giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo. Nếu một giao dịch dân sự được xác lập một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo đó bị vô hiệu, tuy nhiên giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực trừ khi nó cũng bị vô hiệu theo các quy định khác của BLDS. Luật cũng quy định trường hợp giao dịch được xác lập một cách giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch đó cũng bị vô hiệu. Thứ tư, giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, toà án có thể tuyên bố giao dịch đó là vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện, ví dụ một người bị tâm thần, không có khả năng nhận thức được hành vi của mình đã kí hợp đồng để bán nhà cho một người khác, giao dịch này bị coi là vô hiệu vì trong trường hợp này người bị tâm thần không thể tự mình giao dịch được mà cần phải có người đại diện của họ. Thứ năm, giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn. Khi một bên có lỗi vô ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch dân sự mà xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của giao dịch đó, nếu bên kia không chấp nhận thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu. Thứ sáu, giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe doạ. Theo quy định của BLDS thì lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch nên đã xác lập giao dịch đó. Đe doạ trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thịêt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con mình. Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe doạ thì có quyền yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu. Thứ bảy, giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu, ví dụ, một người có năng lực hành vi dân sự bình thường nhưng đã ký hợp đồng mua bán tài sản trong lúc say rượu, không nhận thức được hành vi của họ thì trong trường hợp này hợp đồng bị coi là vô hiệu nếu người đó yêu cầu toà án tuyên hợp đồng đó là vô hiệu. Thứ tám, giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức. Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức của giao dịch là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì khi có yêu cầu, toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn, quá thời hạn đó mà các bên không thực hiện thì giao dịch đó bị vô hiệu. Ngoài các quy định trên, BLDS còn có quy định về hợp đồng dân sự vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được, đó là trong trường hợp ngay từ thời điểm ký kết, hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được vì lí do khách quan thì hợp đồng này bị vô hiệu. Trong trường hợp khi giao kết hợp đồng mà một bên biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được nhưng không thông báo cho bên kia biết nên bên kia đã giao kết hợp đồng thì phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, trừ trường hợp bên kia biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được. 6. Về chấm dứt hợp đồng và trách nhiệm của bên vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng Theo quy định của BLDS thì hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp sau: Thứ nhất, hợp đồng đã được hoàn thành: đó là khi các bên đã thực hiện xong các nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, khi đó hợp đồng chấm dứt. Thứ hai, theo thoả thuận của các bên: ví dụ A thuê B trồng cho A một ruộng lúa trong thời hạn 1 tuần, hết 1 tuần B vẫn chưa trồng xong ruộng lúa nhưng A chấp nhận coi như B đã trồng xong và trả tiền cho B. Hợp đồng thuê trồng lúa chấm dứt. Thứ ba, cá nhân giao kết hợp đồng chết, phán nhân hoặc chủ thể khác chấm dứt mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể đó thực hiện. Đây là loại hợp đồng mà người có nghĩa vụ, do tính chất đặc thù, phải tự họ thực hiện mà không thể chuyển giao cho người khác. Thứ tư, hợp đồng bị huỷ bỏ,: Một bên trong hợp đồng có quyền huỷ bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại cho bên kia khi bên kia vi phạm hợp đồng và việc vi phạm đó là điều kiện huỷ bỏ mà các bên đã thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Tuy nhiên, bên huỷ bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc huỷ bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Khi hợp đồng bị huỷ bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền. Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị huỷ bỏ phải bồi thường thiệt hại. Thứ năm, hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng nếu các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt, các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán. Nếu hợp đồng bị đơn phương chấm dứt do lỗi của một bên thì bên có lỗi phải bồi thường thiệt hại cho bên kia. Thứ sáu, hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn và các bên có thể thoả thuận thay thế đối tượng khác hoặc bồi thường thiệt hại. Ví dụ, A ký hợp đồng mua ngôi nhà của B nhưng sau đó ngôi nhà không may bị cháy nên B không thể giao nhà cho A được. B có thể thoả thuận bán cho A ngôi nhà khác hoặc bồi thường thiệt hại cho A nếu A bị thiệt hại do B không thể thực hiện hợp đồng. 7. Về các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng Các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng được quy định từ Điều 318 đến Điều 373 BLDS 2005 bao gồm: cầm cố tài sản, thế chấp tài sản (bao gồm cả cầm cố, thế chấp bằng tài sản của người thứ ba), đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lãnh và tín chấp. Theo các quy định của pháp luật hiện hành thì các bên trong hợp đồng có quyền tự chủ, tự do cam kết và tự do thoả thuận đồng thời các bên cũng phải tự chịu trách nhiệm đối với các cam kết, thoả thuận của mình. Điều này được thể hiện rõ nhất trong các quy định về giao kết, thực hiện hợp đồng cầm cố, thế chấp và bảo lãnh. Trong số các biện pháp thực hiện nghĩa vụ dân sự thì các biện pháp cầm cố và thế chấp thường được các bên áp dụng nhiều nhất. Do đó, BLDS đã quy định rất cụ thể về vấn đề này. BLDS thể hiện quan điểm bên cầm cố, thế chấp tuy bị hạn chế một số quyền nhưng họ cũng có những quyền tự chủ nhất định, nhất là trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. CHƯƠNG II MỘT SỐ SAI SÓT THƯỜNG GẶP KHI GIAO KẾT HỢP ĐỒNG 1. Sai sót về năng lực giao kết hợp đồng Sai sót về năng lực giao kết hợp đồng là việc các bên nhầm tưởng rằng mình có thẩm quyền ký kết hợp đồng nhưng thực tế không phải. Ví dụ: một công ty được cấp một khu đất để sản xuất nhựa nhưng không sử dụng đến, nên cho một công ty khác thuê để xây khách sạn. Trong trường hợp này nếu ký kết thì hợp đồng sẽ vô hiệu vì bên cho thuê không có quyền cho thuê lại khu đất này để sử dụng vào mục đích khác, hơn nữa nếu kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chưa chắc bên cho thuê đã có chức năng cho thuê bất động sản. 2. Sai sót về người đại diện ký hợp đồng Các lỗi thông thường là người không phải là người đại diện theo pháp luật của công ty nhưng vấn đứng ra thay mặt công ty ký các hợp đồng mà không có văn bản ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của công ty. Tuy nhiên, có một sai sót mà ít ai để ý. Đó là khi giao kết các hợp đồng có giá trị lớn, nhất là các hợp đồng đầu tư (mua cổ phần của công ty khác,…), các bên cứ nghĩ rằng người đại diện theo pháp luật của công ty ký là hợp đồng có hiệu lực. Nhưng thực tế chưa chắc, bởi vì đối với những hợp đồng có giá trị lớn, ví dụ có giá trị bằng hoặc hơn 30% giá trị tài sản của công ty được ghi nhận trong báo cáo tài chính gần nhất thì phải được Hội đồng quản trị phê chuẩn. Tỷ lệ này có thể nhỏ hơn tùy vào qui định trong điều lệ của mỗi công ty. 3. Nội dung của hợp đồng trái pháp luật Dạng sai sót này là phổ biến nhất, bởi vì các bên không nắm được hết các qui định của luật điều chỉnh. Nhiều hợp đồng lao động, người sử dụng lao động buộc người lao động phải đặt cọc tiền và hàng tháng trích 15% lương để làm tiền đặt cọc (qui định này là trái luật) hoặc trong các hợp đồng mua bán hàng hóa, các bên thỏa thuận mức phạt lên đến 30% giá trị hợp đồng trong khi pháp luật quy định mức phạt tối đa chỉ là 8% giá trị nghĩa vụ bị vi phạm thô. 4. Kỹ thuật soạn thảo hợp đồng Nhiều hợp đồng bị mắc lỗi kỹ thuật soạn thảo, có thể là cố ý cũng có thể là vô ý, tùy từng hoàn cảnh. Các lỗi kỹ thuật phổ biến là: - Ngôn ngữ sử dụng không rõ ràng, trong sáng và nhất quán, sử dụng những câu không rõ nghĩa hoặc gây ra nhiều cách hiểu khác nhau. - Sử dụng sai thuật ngữ: ví dụ rất nhiều hợp đồng sử dụng từ “đặt cọc” tương đương với từ “tạm ứng trước”. Về mặt kinh doanh thì có thể coi là như vậy nhưng về mặt pháp lý thì khác nhau hoàn toàn. Nếu tạm ứng trước mà các bên không có qui định gì thêm và khi không thể giao kết hay thực hiện được hợp đồng thì các bên sẽ hoàn trả lại tiền tạm ứng trước…Nhưng nếu là “đặt cọc” thì phải bồi thường, cụ thể: Bên đặt cọc mà có lỗi dẫn đến không giao kết hoặc thực hiện được hợp đồng sẽ mất số tiền đặt cọc hoặc nếu do lỗi của bên nhận đặt cọc thì sẽ bị phạt hai hoặc nhiều lần tiền đặt cọc tùy theo thỏa thuận của các bên. - Các nội dung, điều khoản trong hợp đồng mẫu thuẫn nhau: Vấn đề này rất dễ xảy ra với các hợp đồng lớn, đồ sộ do nhiều bộ phận soạn thảo. - Không tương thích hóa nội dung của hợp đồng chuẩn với luật áp dụng: Các bên thường sử dụng mẫu hợp đồng chuẩn quốc tế trong các giao dịch lớn như hợp đồng tổng thầu, hợp đồng thuê tài chính,…tuy nhiên nhiều khi các bên cho rằng hợp đồng mẫu đã quá chuẩn mực không cần thay đổi gì thêm mà quên đi một kỹ thuật quan trọng đó là chuyển hóa nó thành một hợp đồng có hiệu lực và tương thích với luật áp dụng. - Hợp đồng là văn kiện ghi nhận và xác lập những cam kết, thỏa thuận, quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên, đồng thời nó cũng là một văn bản nêu lên những phương án giải quyết những tình huống trong tương lai. Do vậy đòi hỏi các bên phải có khả năng dự đoán những sự kiện có thể xẩy ra để xử lý. Nhưng nhiều hợp đồng không đảm bảo được chức năng này. - Hợp đồng quá sơ sài, không có giá trị trong việc giải quyết các vướng mắc, tranh chấp. Những hợp đồng này thường được ký kết trên cơ sở sự tin cậy lẫn nhau. Tuy nhiên nếu xảy ra bất đồng, thì sẽ gây khó khăn cho các bên trong việc vận dụng để giải quyết. 5. Bỏ qua một số thủ tục bắt buộc Một số hợp đồng muốn có hiệu lực thì phải được thông qua một số thủ tục luật định như công chứng, đăng ký, phê chuẩn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhưng các bên lại bỏ qua các thủ tục quan trọng này. CHƯƠNG 3 MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM KHẮC PHỤC SAI SÓT KHI GIAO KẾT HỢP ĐỒNG Trước những sai sót thường gặp khi giao kết hợp đồng nêu trên, để hạn chế thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của các bên tham gia quan hệ hợp đồng, tôi đề xuất một số giải pháp như sau: 1. Hoàn thiện pháp luật hợp đồng - Cần kịp thời điều chỉnh sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật một cách đầy đủ hơn, chặt chẽ hơn, chế tài mạnh hơn để những bên vi phạm hợp đồng không còn tái phạm và là tiếng chuông cảnh báo cho những ai có ý định lợi dụng “lỗ hổng” của pháp luật hợp đồng. - Phải có những quy định chặt chẽ hơn về hợp đồng để hạn chế các bên tham gia ký kết hợp đồng lợi dụng sơ hở để thu lợi bất chính 2. Công tác tuyên truyền pháp luật Cần triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về pháp luật, đặc biệt là pháp luật về hợp đồng, đảm bảo cho các bên tham gia vào quan hệ hợp đồng nắm rõ các quy định của pháp luật hợp đồng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các sai sót khi tham gia thỏa thuận và ký kết hợp đồng. 3. Nâng cao công tác quản lý nhà nước về hợp đồng. Cơ quan có chức năng ở địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động, diễn biến tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng. Nắm bắt một cách kịp thời tình hình thực hiện pháp luật cũng như phát hiện sớm các sai phạm. Xử lý thích đáng đối với các trường hợp có dấu hiệu trái pháp luật. Các cơ quan chức năng ở các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để phát hiện và xử lí kịp thời. KẾT LUẬN Hợp đồng có vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội; là một trong những hình thức pháp lý chủ yếu để công dân thực hiện quyền tự do thỏa thuận. Thông qua hợp đồng mà quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng được thiết lập và xác định rõ ràng. Do vậy việc kí kết và thực hiện hợp đồng là một vấn đề rất quan trọng đối với các bên tham gia hợp đồng. Tuy nhiên để không bị xâm phạm các quyền và lợi ích khi tham gia vào hợp đồng, việc tìm hiểu kĩ các quy định về hợp đồng là một việc rất cần thiết. Hợp đồng thể hiện sự thỏa thuận của đôi bên nên một trong các bên đều có quyền đưa ra những điều kiện của mình và đi đến thống nhất với bên còn lại chứ cứ để mặc bên kia “đặt đâu ngồi đó” thì sẽ gây thiệt. Và quan trọng hơn hết, chính bản thân mỗi người cần chủ động xem kỹ hợp đồng nhằm trách những sai sót không đáng có trước khi đặt bút ký vào hợp đồng.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docPhap luat hop dong.doc
Tài liệu liên quan