Tiểu luận Vai trò của các tổ chức quốc tế khu vực trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế

MỤC LỤC

Trang

MỞ ĐẦU 1

I. Khái niệm về hòa bình, an ninh quốc tế 2

II. Vai trò của các tổ chức quốc tế khu vực

trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế 3

1. Các tổ chức quốc tế khu vực đã thành lập các hệ thống

an ninh khu vực nhằm ngăn ngừa, ngăn chặn và loại trừ các

hành vi đe doạn và phá hoại hòa bình 3

a. Hệ thống an ninh châu Âu 4

b. An ninh tập thể trong Công đồng các quốc gia độc lập 5

c. An ninh khu vực Châu Á Thái Bình Dương 7

2. Thực hiện các biện pháp giải trừ quân bị 8

3. Thực hiện các biện pháp củng cố lòng tin 9

4.Giải quyết ổn thỏa các mối bất đồng, tranh chấp giữa

các nước thành viên bằng phương pháp hòa bình 11

KẾT LUẬN 13

TÀI LIỆU THAM KHẢO 14

MỤC LỤC 15

 

 

doc15 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 4634 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Vai trò của các tổ chức quốc tế khu vực trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU Tổ chức quốc tế khu vực đang dần trở thành một cái tên không còn xa lạ đối với thế giới nữa. Bước những bước dài và chắc chắn trong suốt thời gian qua, các tổ chức quốc tế khu vực đang dần khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. Các tổ chức này đang ngày càng tham gia mạnh mẽ hơn vào sự vận động của toàn thế giới, từ kinh tế cho đến xã hội, môi trường, khu vực mậu dịch…. Một trong những vấn đề thể hiện rõ nhất tầm quan trọng của các tổ chức quốc tế khu vực đó là việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế hiện nay. Bối cảnh quốc tế ngày nay đòi hỏi các quốc gia phải cùng hợp tác và đấu tranh, nhằm chống nguy cơ chiến tranh và chạy đua vũ trang, bảo vệ hòa bình cho thế giới, giữ gìn ngôi nhà chung của toàn nhân loại. Nếu như trước đây các quốc gia có thể tự mình bảo đảm an ninh hoặc trông cậy vào sự giúp đỡ hạn chế của một vài đồng minh thì ngày nay khả năng tự giải quyết một cách đơn phương ấy đã trở lên khó khăn trong môi trường thế giới ngày càng gia tăng sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia. Không chỉ khoác lên mình một trách nhiệm nặng nề, các tổ chức quốc đang dần tỏ rõ được vai trò to lớn của mình trong lĩnh vực này. Một lĩnh vực có ý nghĩa sống còn không chỉ với mỗi quốc gia, mỗi khu vực mà là đối với toàn thể nhân loại đang sinh sống trên hành tinh này. Khái niệm về hòa bình, an ninh quốc tế Theo tổng thư kí Liên hiệp quốc Boutros Ghali, gìn giữ hòa bình là việc triển khai các hoạt động quân sự và đan sự để thiết lập sự hiện diện của Liên hiệp quốc tại nơi có vấn đề với sự chấp thuận trước của tất cả các bên liên quan. Nói cách khác, gìn giữ hòa bình là “ sử dụng các lực lượng do nhiều quốc gia đóng góp để đạt nhiều mục tiêu khác nhau : quan sát giới tuyến ngừng bắn và giám sát ngừng bắn, cách ly các lực lượng xung đột, thúc đẩy thực hiện luật pháp và trật tự, cung cấp hỗ trợ giữ gìn nhân đạo”. Đây là biện pháp giám sát hiệp định đình chiến giữa các bên, trong khi các nhà ngoại giao cố gắng thương lượng giải quyết hòa bình toàn diện hoặc các quan chức đang nỗ lực thực hiện giải quyết hòa bình đã thỏa thuận. An ninh quốc tế bao gồm các biện pháp được các quốc gia và tổ chức quốc tế thực hiện để đảm bảo sự sống còn chung và sự an toàn. Những biện pháp này bao gồm các hoạt động quân sự và các hiệp định ngoại giao như các hiệp ước và công ước. An ninh quốc tế và an ninh quốc gia luôn gắn liền với nhau. Điều kiện phát triển và tương quan của các mối quan hệ quốc tế hiện hành đòi hỏi phải có những biện pháp và cơ chế pháp lý quốc tế cần thiết, trong đó tồn tại hệ thống an ninh tập thể vừa có tính khu vực, vừa có tính toàn cầu, với việc sử dụng hiệu quả các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp và xung đột quốc tế, kết hợp thực hiện liên tục các biện pháp giải trừ quân bị và củng cố lòng tin bằng nhiều hoạt động cụ thể giữ gìn hòa bình và an ninh quốc tế. An ninh tập thể là hệ thống biện pháp chung của cả cộng đồng quốc tế hay của một nhóm quốc gia trong cùng khu vực địa lý nhất định, được áp dụng nhằm ngăn ngừa hoặc loại trừ mối đe dọa hòa bình và chặn đứng hành vi xâm lược hoặc các hành vi phá hoại hòa bình khác. Mỗi hệ thống an ninh tập thể được thành lập bằng một điều ước quốc tế có nội dung riêng. Các quốc gia thành viên của mỗi hệ thống an ninh tập thể có thể thực hiện nghĩa vụ giúp đỡ các thành viên khác trong trường hợp bị tấn công vũ trang từ phía quốc gia thứ ba (ngoài các nước thành viên), bởi vì sự tấn công vào một quốc gia thành viên được coi là sự tấn công vào mọi thành viên của cả hệ thống. Luật quốc tế phân chia hệ thống an ninh tập thể thành hai loại là an ninh toàn cầu và an ninh khu vực. Vai trò của các tổ chức quốc tế khu vực trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế Các tổ chức quốc tế khu vực đã thành lập các hệ thống an ninh khu vực nhằm ngăn ngừa, ngăn chặn và loại trừ các hành vi đe dọa và phá hoại hòa bình Ngoài hệ thống an ninh tập thể toàn cầu, Hiến chương Liên hợp quốc còn cho phép thiết lập hệ thống giữ gìn hòa bình và an ninh ở phạm vi khu vực. Hiến chương đã dành chương VIII để quy định về các điều ước và các tổ chức quốc tế khu vực trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến giữ gìn hòa bình và an ninh trong từng khu vực địa lý, với điều kiện những điều ước và tổ chức quốc tế này cùng các hoạt động của nó phải phù hợp với mục đích và nguyên tắc của Liên hợp quốc. Hệ thống an ninh khu vực là một bộ phận của hệ thống an ninh toàn thế giới. Hiến chương Liên hợp quốc xác định rõ mối quan hệ qua lại giữa Hội đồng bảo an với các điều ước và tổ chức quốc tế khu vực. Hội đồng bảo an thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện háp hòa bình trong khuôn khổ các điều ước quốc tế và tổ chức khu vực. Theo Hiến chương, Hội đồng bảo an có quyền sử dụng các điều ước và tổ chức quốc tế khu vực vào các hoạt động cưỡng chế dưới sự điều khiển của mình. Tuy nhiên, không một hành động cưỡng chế nào có thể được thực hiện trên cơ sở điều ước quốc tế khu vực hay do tổ chức quốc tế khu vực quy định nếu không được Hội đồng bảo an cho phép, trừ những biện pháp được áp dụng nhằm cản trở sự phục hồi của chính sách xâm lược từ phía các nước trong Chiến tranh thế giới thứ II đã chống các nước đồng minh. Hệ thống an ninh khu vực đã đóng góp được những thành quả đáng kể trong việc duy trì hòa bình, an ninh khu vực nói riêng và toàn cầu nói chung. Đi sâu tìm hiểu về ba hệ thống an ninh khu vực để biết được rõ hơn về những thành tựu của họ thông qua những hoạt động cụ thể: Hệ thống an ninh Châu Âu Hệ thống an ninh châu Âu được thiếp lập trong khuôn khổ Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE). Tiền thân của OSCE là Hội nghị an ninh và hợp tác châu Âu, ra đời từ năm 1975 tại Hensinhki. Từ năm 1992 Hội nghị đã phát triển và chuyển thành Tổ chức quốc tế khu vực. Như tên gọi của mình, mục đích chính của OSCE là: Tạo lập những điều kiện về bảo đảm an ninh bền vững, dài lâu; Hợp tác trong lĩnh vực an ninh, giải trừ quân bị, ngăn ngừa và loại trừ các cuộc xung đột vũ trang ở châu Âu; Xây dựng châu Âu thành một Châu lục hòa bình, ổn định và phát triển. Để thực hiện mục đích của mình, trong trường hợp có xung đột vũ trang OSCE có thể ra quyết định tiến hành hoạt động giữ gìn hòa bình, do Hội đồng Bộ trưởng hoặc Hội đồng lãnh đạo thường trực của OSCE thông qua. Khi ấy OSCE sẽ thành lập nhóm quan sát viên quân sự hoặc lực lượng vũ trang và gửi lực lượng này đến vùng có xung đột để thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Thành phần và số lượng quân tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của OSCE do các nước thành viên cung cấp. Hoạt động gìn giữ hòa bình của OSCE có thể được tiến hành trong trường hợp có xung đột giữa các nước thành viên của Tổ chức cũng như khi có xung đột trong nội bộ mỗi nước thành viên. Nhiệm vụ chính của hoạt động này là: kiểm soát về thực hiện thỏa thuận ngừng bắn; theo dõi việc rút quân đội; giúp đỡ giữ gìn trật tự an ninh; giúp đỡ nhân đạo v.v… Hoạt động gìn giữ hòa bình của OSCE được tiến hành có tính đến vai trò của Liên hợp quốc một cách thích đáng. Mõi khi tiến hành hoạt động gìn giữ hòa bình, Chủ tịch OSCE phải thông báo đầy đủ cho Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Đến nay, OSCE đã có những kinh nghiệm nhất định trong hoạt động gìn giữ hòa bình ở các khu vực và phạm vi khác nhau. Sứ mệnh lịch sử của nó đã được thể hiện ở Bôxnhia và Hécxêgôvina, Khorvatia, Extônhia, Látvia, Grudia, Manđôvia, Côxôvô v.v… Năm 1996, OSCE đã ra Tuyên bố Lixabon “Về mô hình an ninh chung và toàn diện của châu Âu thế kỷ XXI”, đặt cơ sở nền tảng cho an ninh chung của toàn châu Âu. Tuyên bố đề ra việc xây dựng không gian an ninh thống nhất theo quan điểm an ninh châu Âu là không chia sẻ. Nền an ninh này cần phải xuất phát từ đặc thù của mỗi quốc gia thành viên và mỗi quốc gia đều có quyền tự do lựa chọn hoặc thay đổi phương thức bảo đảm an ninh cho mình. Nguyên tắc xây dựng an ninh quốc gia phải dựa trên cơ sở an ninh chung của cả châu lục, không một quốc gia nào có quyền xây dựng an ninh của mình mà làm thiệt hại đến an ninh của các quốc gia thành viên khác. Tuyên bố Stambun ngày 19-11-1999, Hiến chương An ninh châu Âu, Văn kiện Viên đối với việc đàm phán về các biện pháp củng cố lòng tin và an ninh đã đặt cơ sở pháp lý cho việc hình thành hệ thống tổng thể của an ninh châu Âu thế kỷ XXI. Hiến chương an ninh châu Âu là văn kiện duy nhất, thực tế là một bản Hiến pháp của châu Âu mới. Hiến chương thừa nhận OSCE là tổ chức chủ yếu về hòa bình giải quyết tranh chấp ở khu vực và là công cụ chính trong việc ngăn chặn các cuộc xung đột, giải quyết khủng hoảng và khôi phục hòa bình sau xung đột. Hiến chương đưa ra đề nghị hợp tác rộng rãi giữa OSCE và các tổ chức có thẩm quyền ở châu Âu, có khả năng bảo đảm hòa bình và ổn định trong khu vực. An ninh tập thể trong Cộng đồng các quốc gia độc lập Vấn đề bảo đảm an ninh của các quốc gia mới trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) xuất hiện từ sau khi Liên Xô chấm dứt tồn tại (tháng 12-1991). Trong khuôn khổ SNG, hàng loạt điều ước quốc tế quan trọng về lĩnh vực này đã được ký kết. Bước đi đầu tiên trong lĩnh vực bảo đảm an ninh của SNG là ngay trong năm 1992 các nước đã ký kết Hiệp định về lực lượng vũ trang thống nhất của SNG trong thời kỳ quá độ và đặc biệt là Hiệp ước về an ninh tập thể (gồm 7 nước tham gia), trong đó các bên cam kết giúp đỡ nhau trong trường hợp bị xâm lược. Điều ước quốc tế quan trọng nhất về an ninh trong khuôn khổ SNG là “Hiến chương Cộng đồng các quốc gia độc lập”. Hiến chương xác định nghĩa vụ của các nước thành viên thực hiện những thỏa thuận trong lĩnh vực an ninh. Trong trường hợp có đe dọa an ninh, các nước thành viên nhanh chóng thương thuyết với nhau để áp dụng những biện pháp nhằm loại trừ đe dọa, bao gồm cả việc sử dụng lực lượng vũ trang theo trình tự thực hiện quyền tự vệ cá thể hoặc tập thể, phù hợp với Điều 51 Hiến chương Liên hợp quốc và đồng thoài tiến hành các hoạt động gìn giữ hòa bình. Trên cơ sở Hiệp ước an ninh tập thể, SNG đã thành lập Hội đồng an ninh tập thể, bao gồm nguyên thủ quốc gia và tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang của 9 nước thành viên Hiệp ước. Hội đồng thực hiện chức năng phối hợp quan điểm và hành động của các nước thành viên Hiệp ước trong trường hợp có đe dọa an ninh, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của một hoặc một số nước hoặc có sự đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế; áp dụng mọi biện pháp cần thiết nhằm duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh trong khu vực. Vì nhiều lý do khác nhau cuối cùng thì hệ thống an ninh tập thể SNG không được thiết lập, dù rằng một số bước đi theo hướng này đã được thực hiện: Bước đi đầu tiên, năm 1995 Hội đồng An ninh tập thể đã thông qua “ Quan điểm an ninh tập thể của thành viên Hiệp ước về an ninh tập thể năm 1992”, trong đó có các hướng hợp tác ưu tiên của các quốc gia nhằm củng cố an ninh tập thể, đó là: giải trừ quân bị, biện pháp củng cố lòng tin; tiến hành hoạt động gìn giữ hòa bình; bảo vệ biên giới của tất cả các quốc gia thành viên v.v… Bước đi thứ hai, ngày 10-2-1995 Nguyên thủ quốc gia của 8 nước thành viên SNG (Ácm ênia, Bêlar út, Grudia, Nga, Tad ưkitxtan, Turkmenhixtan, Ud ơb êkixtan và Ucraina) đã cùng nhau ký kết Hiệp định về thành lập hệ thống phòng thủ phòng không thống nhất. Đây thực tế là hệ thống phòng thủ thống nhất đầu tiên của Cộng đồng các quốc gia độc lập. Có hiệu quả hơn cả trong hoạt động của SNG là hoạt động gìn giữ hòa bình trên cơ sở Hiệp định về các phái đoàn quan sát viên quân sự và Lực lượng tập thể gìn giữ hòa bình năm 1992. Để giải quyết xung đột, theo Hiệp định, SNG thành lập phải đoàn quan sát viên quân sự và lực lượng tập thể gìn giữ hòa bình trong SNG. Lực lượng này được thành lập theo quyết định của Hội đồng nguyên thủ quốc gia thành viên, theo nguyên tắc consensus, với sự đồng ý của tất cả các bên xung đột cũng như với điều kiện đạt được thỏa thuận giữa họ về ngừng bắn và ngừng các hoạt động thù địch. Lực lượng gìn giữ hòa bình của SNG không được sử dụng vào các hoạt động tác chiến. Quy chế của nó là chỉ được sử dụng vũ khí trong trường hợp đặc biệt, với mục đích bảo đảm an ninh của binh lính và nhân viên ở mức độ phòng thủ; trong trường hợp có biểu hiện dùng vũ lực ngăn cản thực hiện chức năng gìn giữ hòa bình; nhằm chống lại sự tấn công vũ trang của các nhóm khủng bố, biệt kích và thổ phỉ; nhằm bảo vệ thường dân khỏi mọi sự xâm hại đên tính mạng và sức khỏe. Trong thời gian từ 1992 – 1997, SNG đã bốn lần triển khai hoạt động gìn giữ hòa bình ở Nam Ôxêtia (Liên bang Nga), ở Prinhextrốpve (Mônđavia), ở Tadưkixtan, ở Ápkhadia (Grudia) Cho đến nay, vấn đề xây dựng hệ thống an ninh tập thể của Cộng đồng các quốc gia độc lập để bảo đảm hòa bình và an ninh trong khu vực vẫn còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Điều này còn tùy thuộc vào mức độ hợp tác của các nước thành viên SNG. An ninh khu vực chấu Á – Thái bình dương Nhằm mục đích tạo lập hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương, các nước trong k hu vực đã tìm kiếm cơ chế thích hợp để cùng nhau hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Ý tưởng về việc thành lập một “Diễn đàn an ninh khu vực Đông Nam Á” đã được nêu ra đầu tiên tại Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN thường kỳ hằng năm, diễn ra trong các ngày 23 và 24 – 7 – 1993, Hội nghị đã ra Thông cáo chung, trong đó có riêng một tiêu đề về “hợp tác an ninh và chính trị” được đặt ở vị trí đầu tiên trong tất cả các vấn đề được nêu ra trong Thông cáo. Tháng 7 – 1994, trong khuôn khổ ASEAN, một diễn đàn an ninh khu vực được thành lập, có tên gọi là “Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)”. Hiện nay, tham gia Diễn đàn có 10 nước thành viên ASEAN và 11 thành viên ngoài ASEAN: Trung Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Mỹ, Ôxtr âylia, Nga, Niu Dilân và EU. Tại diễn đàn lần thứ nhất ( tháng 7 – 1994), các thành viên đã nhất trí thông qua mục đích và nguyên tắc của Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông – Nam Á (thường gọi là Hiệp ước Bali), được ký kết giữa các nước ASEAN ngày 24-2-1976. Mục đích của Hiệp ước Bali là thúc đẩy việc tạo lập hòa bình ổng định, hữu nghị và hợp tác. Các nguyên tắc được khẳng định trong Hiệp ước là tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc của tất cả các nước, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; hợp tác có hiejeu quả. Hiệp ước Bali hiện nay được mở cho tất cả các quốc gia ký kết. Ngay từ năm 1994, tại Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ nhất, các nước đã đạt được thỏa thuận về cơ cấu của Diễn đàn, theo đó hàng năm sẽ tổ chức các cuộc họp bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên ARF sau cuộc họp ngoại trưởng các nước thành viên ASEAN. Trong khuôn khổ Diễn đàn, đã diễn ra các cuộc gặp không chính thức của các nhóm chuyên gia, tổ chức các hội nghị quốc tế với thành phần tham gia rộng rãi. Thực hiện biện pháp giải trừ quân bị Từ nửa sau thế kỷ XX, vấn đề giải trừ quân bị trở thành vấn đề có tầm quan trọng sống còn đối với cộng đồng nhân loại. Bài học thực tiễn quan hệ quốc tế cho thấy những cuộc chạy đua vũ trang đã dẫn đến thảm họa và đau thương cho nhân dân ở nhiều nơi trên thế giới. Đó là chưa nói đến mức độ nguy hiểm của chạy đua vũ khí hạt nhân còn có thể dẫn đến thảm họa khôn lường cho cả hành tinh chúng ta. Nguyên tắc giải trừ quân bị lần đầu tiên được đề cập trong Hiến chương Liên hợp quốc, tại các điều 11, 26 và 47. Điều 17 Hiến chương quy định: Đại hội đồng xem xét những nguyên tắc hợp tác chung, nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, kể cả nguyên tắc giải trừ quân bị và hạn chế vũ trang. Như vậy, theo Hiến chương, nguyên tắc giải trừ quân bị nằm trong danh sách các nguyên tắc chung của hợp tác nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Nội dung của nguyên tắc giải trừ quân bị đặt ra cho các quốc gia những nghĩa vụ pháp lý quốc tế phải nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định hiện hành về giải trừ quân bị. Do đây là vấn đề có tầm quan trọng sống còn đối với nhân loại, nên việc thực hiện giải trừ quân bị được các nước hưởng ứng mạnh mẽ. Tổ chức quốc tế khu vực cũng có một vai trò đáng kể trong quá trình này. Vai trò của các tổ chức quốc tế khu vực thể hiện trong việc thành lập các diễn đàn khu vực thảo luận xung quanh vấn đề này, từ đó, đi đến ký kết các hiệp ước cũng như quy chế cụ thể. Điển hình của quá trình này đó là một số hiệp ước như: Hiệp ước về Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân năm 1995;Hiệp ước về cấm vũ khí nguyên tử ở Châu Mĩ LaTinh năm1967, Hiệp ước về khu vực phi hạt nhân Nam Thái Bình Dương năm 1985, , Hiệp ước về Châu Phi không có vũ khí hạt nhân năm 1996… Những hiệp ước này đã quy định nghĩa vụ của các quốc gia trong khu vực không phổ biến, không thử, không sản xuất, không sở hữu, sử dụng vũ khí hạt nhân và không cho phép nước khác triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước mình. Thực hiện các biện pháp củng cố lòng tin Khái niệm các biện pháp củng cố lòng tin được đề cập trong Văn kiện cuối cùng của Hội nghị an ninh và hợp tác châu Âu năm 1975, trong nhiều nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong các điều ước quốc tế đa phương và song phương. Các biện pháp củng cố lòng tin là các biện pháp tổ chức – kỹ thuật riêng biệt do các quốc gia cùng nhau xây dựng, nhằm đạt tới sự hiểu biết lẫn nhau, giảm trừ đối kháng quân sự, ngăn chặn các cuộc tấn công bất ngờ hoặc các cuộc xung đột không tuyên bố, trong đó có xung đột hạt nhân. Đó là các biện pháp quan sát, thông báo,thông tin, trao đổi thông tin về vũ khí, về lực lượng vũ trang và hoạt động quân sự. Những biện pháp này được đề cập tới trong các điều ước quốc tế ở phạm vi khác nhau. Các biện pháp củng cố lòng tin còn được thể hiện trong quá trình xây dựng an ninh chung của châu Âu. Chẳng hạn, Văn kiện cuối cùng của Hội nghị An ninh và Hợp tác châu Âu năm 1975 đã khẳng định các quốc gia sẽ thường xuyên thông tin cho nhau về các cuộc tập trận lớn và các cuộc di chuyển quân lớn cũng như các cuộc tập trận nhỏ nhưng diễn ra ở gần biên giới. Các biện pháp củng cố lòng tin được triển khai tích cực và thường xuyên trong khuôn khổ Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu cũng như trong khuôn khổ Diễn đàn khu vực ASEAN từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX đến nay. Chẳng hạn, tại Diễn đàn lần thứ hai (năm 1995) đã thành lập hai nhóm công tác để soạn thảo “Các biện pháp củng cố lòng tin và duy trì hòa bình”. Tháng 4-1999, tại Vlaidivôxtốc (Liên bang Nga) đã diễn ra Hội nghị quốc tế về an ninh toàn diện và hợp tác ở Châu Á – Thái Bình Dương”. Hội nghị đã ra Tuyên bố hòa hợp Thái Bình Dương, trong đó nêu rõ nguyên tắc thiện chí tuân thủ luật quốc tế. Theo thời gian, Diễn đàn khu vực ASEAN đã từng bước phát triển và đạt được những mục tiêu đề ra, chuyển từ xây dựng các biện pháp củng cố lòng tin qua phát triển ngoại giao phòng ngừa đến việc chuẩn bị các công cụ giải quyết tranh chấp khu vực. Diễn đàn khu vực ASEAN thực chất đã chuyển sang cơ chế đối thoại nhiều bên ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Nó thực sự giữ vai trò to lớn trong quá trình phát triển sự hiểu biết lẫn nhau và củng cố lòng tin, thúc đẩy thiết lập và mở rộng hợp tác nhằm củng cố hòa bình, ổn định trong khu vực. Giải quyết ổn thỏa các mối bất đồng, tranh chấp giữa các nước thành viên bằng phương pháp hòa bình Văn bản pháp lý của một số tổ chức quốc tế khu vực có quy định về trình tự, thủ tục và hệ thống các biện pháp hòa bình giải quyết các tranh chấp giữa các thành viên của mình. Việc sử dụng tổ chức quốc tế khu vực để giải quyết tranh chấp quốc tế có thể được thực hiện theo sáng kiến của các quốc gia tranh chấp, thành viên của các tổ chức quốc tế này; theo sáng kiến của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc hoặc theo quy định của tổ chức quốc tế khu vực. Theo Hiến chương của Liên đoàn các nước Ả Rập, Hội đồng Liên đoàn có thể đóng vai trò hòa giải, trung gian, thậm chí có thể thực hiện cả chức năng trọng tài. Giữ vai trò quan trọng nhất trong việc giải quyết các vấn đề của thế giới Ả Rập thuộc về Hội nghị thường kỳ các nhà đứng đầu nhà nước các quốc gia Ả Rập. Trong Hiến chương của Tổ chức thống nhất châu Phi (nay là Liên minh châu Phi – AU) đã quy định, việc giải quyết hòa bình các tranh chấp cần phải được thực hiện bằng biện pháp đàm phán, trung gian, hòa giải và trọng tài (Điều 3). Hội nghị các nhà đứng đầu nhà nước và chính phủ, cơ quan cao nhất của AU có quyền thông qua các quyết định về các vấn đề quan trọng của châu Phi, trong đó có các tranh chấp về lãnh thổ và các xung đột về biên giới. Cơ quan này cùng với Hội đồng bộ trưởng các nước châu Phi đã thông qua các nghị quyết về việc điều chỉnh các tranh chấp biên giới giữa Xômali và Kênia, Êtiôpia và Xômali, Angiêri và Maroc trong đó khuyến nghị các quốc gia đàm phán trực tiếp nhằm mục đích giải quyết các tranh chấp và kiến nghị các giải quyết cụ thể. Trong số các cơ quan chính của AU còn có Ủy ban thường trực về trung gian, hòa giải và trọng tài ( Điều 7 và 19 Hiến chương của Tổ chức thống nhất châu phi). Thành phần và chức năng của Ủy ban này được quy định trong Nghị định thư – một phần của Hiến chương AU. Nếu các bên tranh chấp đồng ý chuyển giao vụ tranh chấp cho Ủy ban giải quyết theo thủ tục trọng tài thì phán quyết trọng tài có hiệu lực bắt buộc đối với các bên trong vụ tranh chấp (Điều 28 Nghị định thư). Hiến chương Tổ chức các nước châu Mỹ và Hiệp ước Bôgôta năm 1948 quy định thủ tục chi tiết tiến hành hòa giải, trung gian, điều tra… Các văn bản pháp lý quốc tế này dành cho các cơ quan chính của Tổ chức các nước châu Mỹ như Hội đồng thường trực, Hội nghị tham vấn các bộ trưởng ngoại giao một phạm vi thẩm quyền rộng lớn trong quá trình giải quyết hòa bình các tranh chấp như cho phép Hội đồng thường trực quyền được thành lập tòa trọng tài không có sự tham gia của bên tranh chấp. KẾT LUẬN Thực tiễn hoạt động của các tổ chức khu vực trong thời gian qua đã ngày càng khẳng định vai trò của các tổ chức đó trong việc duy trì hòa bình và anh ninh quốc tế. Bước sang thế kỷ 21, thế giới chưa thể chứng kiến sự hòa bình toàn diện mà còn gặp phải những thách thức lớn hơn. Sự xuất hiện của một loại các chủ nghĩa cực đoan và sự trỗi dậy mạnh mẽ của các quốc gia đang phát triển đặt ra cho nhân loại những khó khăn mới trên con đường hòa bình và phát triển. Các tổ chức quốc tế khu vực cũng không nằm ngoài dòng chảy đó. Mặc dù đã phần nào đạt đựợc một số thành tựu như ngăn chặn và đẩy lùi một sô các âm mưu chống phá, hạn chế các xung đột không đáng có cũng như gây dựng được sự tin cậy với cộng đồng quốc tế nhưng nó cũng vẫn còn gặp một số hạn chế cần khắc phục như nội bộ các quốc gia trong khu vực… Tuy nhiên, với những bước tiến vượt bậc trong thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21, không ai có thể phủ nhận được vai trò quan trọng của các tổ chức quốc tế khu vực hiện nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật quốc tế, Nxb.CAND, Hà Nội, 2007. 2. Khoa Luật – Đại học quốc gia Hà Nội, Giáo trình luật quốc tế, Nxb.ĐHQG, Hà Nội, 2007. 3. Lê Mai Anh & Trần Văn Thắng, Luật quốc tế - Lí luận và thực tiễn, Nxb.Giáo dục, Hà Nội, 2001. 4. Đặc san 60 năm Liên hợp quốc, Tạp chí Luật học, 2005. 5. Nguyễn Quốc Hùng & Nguyễn Hồng Quân, Liên Hiệp Quốc và lực lượng hìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc , Nxb Chính trị quốc gia. 6. www.beyondintractability.org/essay/role_igo/ 7. en.wikipedia.org/wiki/ MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU 1 I. Khái niệm về hòa bình, an ninh quốc tế 2 II. Vai trò của các tổ chức quốc tế khu vực trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế 3 1. Các tổ chức quốc tế khu vực đã thành lập các hệ thống an ninh khu vực nhằm ngăn ngừa, ngăn chặn và loại trừ các hành vi đe doạn và phá hoại hòa bình 3 a. Hệ thống an ninh châu Âu 4 b. An ninh tập thể trong Công đồng các quốc gia độc lập 5 c. An ninh khu vực Châu Á Thái Bình Dương 7 2. Thực hiện các biện pháp giải trừ quân bị 8 3. Thực hiện các biện pháp củng cố lòng tin 9 4.Giải quyết ổn thỏa các mối bất đồng, tranh chấp giữa các nước thành viên bằng phương pháp hòa bình 11 KẾT LUẬN 13 TÀI LIỆU THAM KHẢO 14 MỤC LỤC 15

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docViệc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế hiện nay(Công pháp quốc tế).doc
Tài liệu liên quan