Tiểu luận Vấn đề ly thân trong pháp luật các nước và Việt Nam

MỤC LỤC

Tiêu Đề Trang

ĐẶT VẤN ĐỀ 2

GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ 2

I. Những vấn đề chung về ly thân 2

1.1. Nguồn gốc và quan điểm của các nước về ly thân 3

1.2. Căn cứ ly thân và hậu quả pháp lý của ly thân 4

II. Vấn đề ly thân trong pháp luật Các nước và Việt Nam 5

2.1.Vấn đề ly thân theo pháp luật một số nước 5

2.1.1 . Pháp luật của Pháp 5

2.1.2. Pháp luật của Thái Lan 7

2.1.3. Pháp luật của Canađa 8

2.2.Vấn đề ly thân trong pháp luật Việt Nam 8

III. Pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam có cần thiết phải quy định ly thân trong pháp luật hay không? 13

3.1.Ý kiến tham khảo 13

3.2.Ý kiến cá nhân 14

KẾT THÚC VẤN ĐỀ 15

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 16

 

 

doc16 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2991 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Vấn đề ly thân trong pháp luật các nước và Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC Tiêu Đề Trang ĐẶT VẤN ĐỀ Hiện nay cuộc sống vợ chồng rất phức tạp và không thể tránh khỏi những mâu thuẫn xích mích giữa hai vợ chồng dẫn đến hôn nhân rơi vào tình trạng bế tắc. Tuy nhiên, vì nhiều lí do khác nhau mà họ không muốn ly hôn để chấm dứt quan hệ vợ chồng trước pháp luật hoàn toàn, do đó họ chọn giải pháp ly thân. Vậy ly thân là như thế nào, ly thân xuất phát từ đâu, tại sao họ lại chọn ly thân, có nên quy định ly thân trong luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam hay không, … Ở bài viết này là sự hiểu biết và ý kiến cá nhân của em về những vấn đề đó. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ I. Những vấn đề chung về ly thân Ly thân là dấu hiệu căn bản của khủng hoảng hôn nhân. Sống ly thân không phải khi nào cũng có ý nghĩa là một trong hai người đi ở chỗ khác. Trong cùng một căn hộ người ta vẫn có thể sống ly thân bằng cách ăn riêng, ngủ riêng.v.v… Có lẽ đó là hình thức hay gặp nhất của ly thân vì nó đơn giản và không ồn ào, lại khó bị người khác phát hiện. Do vậy quy mô của hiện tượng này không thể xác định được dù chỉ bằng số liệu tương đối. 1.1. Nguồn gốc và quan điểm của các nước về ly thân Ly thân là chấm dứt nghĩa vụ sống chung giữa vợ chồng trong khi quan hệ hôn nhân không chấm dứt. Theo học thuyết Mác – Lênin về hôn nhân và gia đình thì vấn đề ly thân có nguồn gốc từ tôn giáo. Theo quan điểm của hội Thiên chúa, việc lấy vợ, lấy chồng của nam, nữ là do “Chúa” tạo lập, hôn nhân có tính “bất khả đoạn tiêu”, vợ chồng phải “ăn đời ở kiếp” với nhau, không được ruồng bỏ nhau, quan điểm của giáo hội thường cấm vợ chồng ly hôn. Tuy nhiên, hôn nhân là hiện tượng xã hội có nội dung khá đa dạng. Trong thực tế cuộc sống chung giữa vợ và chồng có nhiều trường hợp vì nhiều nguyên nhân, lí do, động cơ mà nảy sinh xung đột, mâu thuẫn sâu sắc, vợ chồng không muốn hoặc không thể sống chung. Pháp luật theo quan điểm tôn giáo thường cấm vợ chồng ly hôn và chế định ly thân được quy định trong luật với mục đích ban đầu coi ly thân là giải pháp nhằm giải tỏa xung đột trong đời sống vợ chồng, tạo điều kiện cho vợ chồng “sống riêng”. Ly thân được đặt ra để giải quyết mối quan hệ vợ chồng của những người theo công giáo khi giữa vợ chồng đã có những mâu thuẫn mà không thế sống chung vì luật giáo hội cấm ly hôn. Mặc dù vậy, ly thân không phải là chỉ để áp dụng riêng cho những người theo công giáo. Do đó, nhiều người không theo công giáo cũng lựa chọn giái pháp ly thân để giải quyết quan hệ vợ chồng khi cuộc sống chung không được như ý. Dần dần, chế định ly thân được áp dụng rộng rãi, một số nước áp dụng chế định ly thân như một giai đoạn chuyển tiếp trước khi đi đến ly hôn. Hiện nay trên thế giới có nhiều nước công nhận quyền được ly thân của vợ chồng và quy định về ly thân. Một số nước phân biệt ly thân về pháp lý với ly thân thực tế. Ly thân về pháp lý là trường hợp vợ chồng yêu cầu ly thân và Tòa án ra quyết định công nhận ly thân. Ly thân thực tế là trường hợp vợ chồng tự nguyện sống riêng mà chưa có quyết định của một có quan thẩm quyền . Pháp luật một số nước quy định ly thân thực tế là một trong những căn cứ để giải quyết cho vợ chồng ly hôn, ví dụ: pháp luật Singapore, Philippin, Pháp, Canađa… Pháp luật một số nước không quy định ly thân như: Việt Nam, Trung Quốc , Nhật Bản… 1.2. Căn cứ ly thân và hậu quả pháp lý của ly thân Pháp luật của mỗi quốc gia quy định về căn cứ ly thân có khác nhau. Nhìn chung, pháp luật các nước đều quy định căn cứ ly thân giống như căn cứ ly hôn. Hậu quả pháp lý về ly thân về bản chất là hoàn toàn khác với hậu quả pháp lý về ly hôn. Ly thân không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng mà chỉ chấm dứt việc sống chung. Tuy nhiên, do vợ chồng không cùng sống chung với nhau nên phát sinh vấn đề là giải quyết về tài sản và con chung. Những nước mà pháp luật quy định vợ và chồng có tài sản chung thì khi ly thân tài sản chung được chia. Nguyên tắc chia tài sản chung giống như khi vợ chồng ly hôn. Một nguyên tắc mà các quốc gia đều áp dụng là ly thân sẽ dẫn đến biệt sản. Về vấn đề con chung thì các nước đều quy định phương thức giải quyết giống như khi vợ chồng ly hôn. Ly thân chấm dứt khi vợ chồng về chung sống với nhau. Trong trường hợp này thì chế độ biệt sản chỉ chấm dứt khi vợ chồng có thỏa thuận bằng văn bản (hợp đồng). Nếu bản án ly thân đã được chuyển thành bản án ly hôn theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật thì các bên chấm dứt quan hệ vợ chồng. Các vấn đề về tài sản, về con chung giải quyết theo quy định chung về ly hôn. II. Vấn đề ly thân trong pháp luật Các nước và Việt Nam 2.1.Vấn đề ly thân theo pháp luật một số nước 2.1.1 . Pháp luật của Pháp Có thể tuyên bố ly thân theo yêu cầu của một bên hoặc của hai vợ chồng trong những trường hợp có các căn cứ giống ly hôn. Người bị kiện trong vụ ly hôn có thể có đơn phản tố xin ly thân, người bị kiện trong vụ ly thân có thể có đơn phản tố xin ly hôn. Nếu nhận được cả đơn ly hôn và ly thân thì thẩm phán tuyên bố cho ly hôn do lỗi của cả hai bên. Các thủ tục ly thân có thể áp dụng theo thủ tục ly hôn. Hậu quả pháp lý của ly thân là không chấm dứt hôn nhân nhưng chấm dứt nghĩa vụ ở chung. Nếu vợ mang tên chồng thì có thể vẫn được giữ tên đó, nếu chồng ghi họ của vợ liền tên mình thì vợ có thể yêu cầu không cho chồng dùng họ của mình nữa. Nếu ly thân do hai người cùng yêu cầu thì họ có thể ghi trong bản thỏa thuận khước từ quyền thừa kế mà họ được hưởng theo quy định của pháp luật. Ly thân dẫn đến tách riêng về tài sản. Thời điểm có hiệu lực của ly thân giống như ly hôn. Khi ly thân, một bên có nghĩa vụ cấp dưỡng cho bên có khó khăn, túng thiếu mà không tính đến lỗi của bên nào. Các vấn đề khác giống như hậu quả của ly hôn. Chấm dứt hôn nhân: Nếu vợ chồng tự nguyện về vơi nhau thì ly thân chấm dứt. Phải có công chứng thư xác nhận sự quay về chung sống vơi nhau. Chế đọ tài sản vẫn riêng biệt, trừ khi vợ chồng thỏa thuận một chế đọ tài sản trong hôn nhân mới. Theo yêu cầu của vợ chồng , bản ly thân sẽ được chuyển thanh ly hôn nếu việc ly thân kéo dài 3 năm. Trong mọi trường hợp việc ly thân có thể chuyển thành ly hôn theo yêu cầu của hai vợ chồng. Điều 255 Bộ Luật dân sự của nước Cộng hòa Pháp: Thẩm phán có thể cho phép: 1. Cho phép vợ chồng ở riêng; 2. Giao cho một bên sử dụng nhà ở và đồ đạc của gia đình; hoặc phân chia việc sử dụng đó cho cả 2 bên; 3. Ra lệnh giao lại cho mỗi bên quần áo và vật dụng cá nhân; 4. Ấn định tiền cấp dưỡng và khoản tạm ứng về lệ phí tư pháp mà một bên phải trả cho bên kia; 5. Cấp cho mỗi bên khoản tạm ứng về phần của họ được hưởng trong khối tài sản chung, nếu thấy cần thiết. Thông thường, pháp luật của nhà nước tư sản quy định về ly thân và hậu quả pháp lí của ly thân rất chặt chẽ. Tòa án giải quyết ly thân thường dựa trên cơ sở lỗi của vợ, chồng. Hậu quả pháp lí của ly thân không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng trước pháp luật, chỉ tạm thời chấm dứt một số quyền và nghĩa vụ giữa vợ chồng theo luật định. Khi ly thân, vợ chồng rơi vào tình trạng “biệt cư” họ được miễn nghĩa vụ “đồng cư” trong nhà, vợ chồng không còn sống chung với nhau, họ được quyền ở riêng. Hậu quả pháp lí của ly thân đặt vợ chồng rơi vào tình trạng “biệt sản”. Khi ly thân, tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia mỗi bên vợ, chồng được nhận một phần tài sản trong khối tài sản chung theo quyết định của tòa án; phần tài sau này thuộc quyền sở hữu riêng của vợ, chồng; tức là chế độ cộng đồng tài sản (tài sản chung của vợ chồng) chấm dứt khi vợ chồng sống ly thân. Tuy nhiên, ly thân không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng trước pháp luật, giữa vợ và chồng vẫn ràng buộc trách nhiệm đối với nhau và với con chung: Vợ chồng vẫn phải chung thủy với nhau, không được kết hôn với người khác, phải có nghĩa vụ đóng góp phí tổn vào nhu cầu đời sống chung của gia đình, nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng con chung… Sau một thời gian vợ chồng sống ly thân, nếu xung đột, mâu thuẫn vợ chồng đã được dàn xếp, vợ chồng có quyền yêu cầu tòa án hủy bỏ bản án ly thân trước đây và tái hợp chung sống bình thường. Nếu không thể tái hợp được trong thời gian sống ly thân (thông thường theo quy định của pháp luật là từ 3 năm đến 5 năm), vợ chồng có quyền yêu cầu tòa án sửa đổi án ly thân trước đây thành án ly hôn để được chấm dứt quan hệ vợ chồng trước pháp luật. 2.1.2. Pháp luật của Thái Lan Pháp luật Thái Lan quy định về ly thân hết sức mờ nhạt. Trong Chương quy định về quan hệ vợ chồng chỉ có một Điều có liên quan đến ly thân, Bộ Luật Dân sự Thái Lan Điều 1462 có quy định: “Khi sức khỏe về thể xác hoặc tinh thần hoặc hạnh phúc của vợ chồng bị lâm nguy, nếu cứ tiếp tục chung sống, thì cặp vợ chồng bị lâm nguy đó có thể yêu cầu Tòa án cho phép ly thân khi còn hiểm họa đó đe dọa; và trong trường hợp này, Tòa án có thể ra quyết định là vợ hoặc chồng phải cung cấp một số tiền vừa phải phù hợp với hoàn cảnh cụ thể để phụng dưỡng người kia”. Theo Điều luật này thi khi sức khỏe (thể xác và tinh thần) hoặc hạnh phúc của vợ hoặc chồng bị lâm nguy nếu cứ tiếp tục sống chung thì vợ chồng có quyền yêu cầu Tòa án cho phép ly thân khi còn bị hiểm họ đó đe dọa. Khi tuyên bố ly thân Tòa án có thể quy định hoặc một người phải cung cấp một số tiền vừa phải phù hợp với hoàn cảnh cụ thể để phụng dương người kia. 2.1.3. Pháp luật của Canađa Tòa án tuyên bố ly thân khi ý nguyện sống chung của vợ chồng đã bị vi phạm nghiêm trọng như: vợ hoặc chồng hoặc cả vợ và chồng đưa ra chứng cứ có nhiều sự việc làm cho việc duy trì cuộc sống chung khó chấp nhận; hoặc khi vợ chồng đã ở riêng hoặc một trong hai người thấy không thể sống chung được vơi người kia; hoặc vợ chồng cùng có đơn yêu cầu thuận tình ly thân thì không cần đưa ra lý do, Tòa án tuyên bố cho ly thân nếu thấy sự thỏa thuận đó là có thật và bảo đảm được lợi ích của hai bên và của con cái. Hiệu lực của ly thân: Vợ chồng không có nghĩa vụ sống chung, chia tài sản của vợ, chồng; Tòa án căn cứ vào hoàn cảnh của hai người để tuyên bố việc tặng cho của hai vợ chồng khi kết hôn không còn hiệu lực; một bên phải cấp dưỡng cho bên kia theo quyết định của Tòa án căn cứ vào hoàn cảnh, nhu cầu, năng lực của mỗi bên, những thỏa thuận giữa họ , tình trạng sức khỏe, nghĩa vụ gia đình, khả năng tìm việc…Các bên có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con. Tuy nhiên, Tòa án quy định việc trông nom, nuôi dưỡng giáo dục con vì lợi ích của con cái có căn cứ vào sự thỏa thuận của cha mẹ. Việc chấm dứt ly thân khi cả hai người tự nguyện trở lại sống chung vơi nhau, khi đó , chế độ tài sản riêng biệt vẫn tồn tại trừ khi vợ chồng chọn một chế đọ tài sản khác bằng hôn ước. 2.2.Vấn đề ly thân trong pháp luật Việt Nam Trong pháp luật phong kiến Việt Nam, vấn đề ly thân hoàn toàn không được dự liệu vì nó trái với tập quán truyền thống của gia đình Việt Nam. Theo tập quán truyền thống của gia đình Việt Nam, quan hệ hôn nhân được xác lập dựa trên cơ sở tình cảm yêu thương chân chính của nam và nữ; vợ chồng yêu thương nhau, cùng nhau thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm với gia đình, với con cái. Nguyên tắc không bình đẳng giữa vợ và chồng của pháp luật phong kiến Việt Nam đã cột chặt người phụ nữ, người vợ vào gia đình nhà chồng theo quan điểm “thuyền theo lái, gái theo chồng”; người vợ thường vô năng lực chỉ được ở riêng nếu chồng cho phép. Sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, trước năm 1945, chính quyền bù nhìn đã ban hành ba bộ luật dân sự, áp dụng riêng trên ba miền Bắc – Trung – Nam. Chế độ hôn nhân và gia đình theo ba bộ luật dân luật này phần nhiều dựa trên Bộ dân luật Pháp (1804). Tuy nhiên, vấn đề ly thân chỉ được quy định một cách giản đơn trong Bộ dân luật giản yếu (1883) ở Nam Kì. Bộ dân luật Bắc Kì (1931) và Bộ dân luật Trung Kì (1936) không quy định về ly thân. Trong thiên thứ VI về ly hôn của Bộ dân luật giản yếu (1883) nêu rõ: “Trong các trường hợp có thể xin ly hôn được, vợ chồng cũng có thể xin ly thân. Đơn ấy sẽ được thẩm cứu và xử như trong vụ ly hôn. Sau này cũng có thể khởi tố xin ly hôn và căn cứ vào duyên cớ đã nại ra để xin ly thân”. Ở miền Nam nước ta trước ngày giải phóng (từ năm 1945 – 1975), chế độ ngụy quyền Sài Gòn cũng ban hành một số văn bản luật, trong đó có quy định vấn đề ly thân dưới thời Ngô Đình Diệm như: Luật gia đình năm 1959 và Sắc luật 1964. Bộ luật gia đình ngày 2/1/1959 dưới chế độ Ngô Đình Diệm, tại Điều 55 đã quy định rõ cấm vợ chồng không được ly hôn, việc ly hôn chỉ đặt ra trong trường hợp đặc biệt và phải do chính tổng thống quyết định. Từ điều 56 đến Điều 69 của Bộ luật này có quy định việc ly thân: những duyên cớ có (lỗi) để vợ chồng yêu cầu ly thân và hiệu lực của việc ly thân. Sắc luật số 15/64 ngày 23/7/1964 quy định về giá thú, tử hệ và tài sản cộng đồng thay thế Bộ luật gia đình dưới chế độ Ngô Đình Diệm. Sắc luật này vừa chấp nhận cho vợ chồng ly thân đồng thời công nhận quyền ly hôn của vợ chồng (chương II từ Điều 62 đến Điều 99 đã quy định về ly thân, ly hôn). Theo các văn bản pháp luật này thì vợ chồng muốn ly thân khi có các căn cứ phù hợp với quy định của pháp luật. Khi bản án tuyên bố cho vợ chồng ly thân có hiệu lực pháp luật thì vợ chồng chấm dứt nghĩa vụ “đồng cư”, tức là vợ chồng không còn nghĩa vụ sống chung với nhau trong khi quan hệ hôn nhân giữa họ vẫn tồn tại. Mặc dù pháp luật quy định về ly thân nhưng chế định này ít được áp dụng trong thực tế, bởi vì quy định này không phù hợp với phong tục Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay thuật ngữ “ly thân” lại được sử dụng khá phổ biến trong đời sống, mặc dù không đúng nghĩa pháp lý của thuật ngữ này. Thuật ngữ “ly thân” thường được sử dụng để chỉ những trường hợp vợ chồng do có mâu thuẫn nên đã ở riêng hay thậm chí có trường hợp vợ chồng vẫn ở chung với nhau nhưng “không có quan hệ vợ chồng” với nhau. Thực ra, trong trường hợp này là “ly thân” trên cơ sở thực tế Bộ luật Dân sự ngày 20/12/1972 của ngụy quyền Sài Gòn thay thế Sắc luật số 15/64. Bộ dân luật này cũng quy định cho vợ chồng vừa được li hôn vừa có quyền yêu cầu li thân. Điều 170 của Bộ luật này đã quy định các duyên cớ (lỗi) để vợ chồng xin li hôn hoặc li thân. Trong tiết III nói về li thân, từ Điều 202 đến điều 206 quy định thủ tục; hậu quả của li thân. Hệ thống pháp luật Dân sự và Hôn nhân và gia đình của Nhà nước ta từ cách mạng tháng Tám (1945) đến nay không quy định vấn đề ly thân của vợ chồng. Vì vậy, nếu thực tế vợ chồng yêu cầu Tòa án công nhận ly thân thì tòa án bác yêu cầu của họ. Có một số quan điểm cho rằng quy định tại Điều 18 Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 1986 chấp nhận việc ly thân của vợ chồng. Tuy nhiên, điều luật này chỉ quy định việc thanh toán tài sản chung của vợ chồng khi hôn nhân đang tồn tại, nếu vợ chồng có yêu cầu và có lí do chính đáng. Quy định này xuất phát từ thực tế khách quan, có một số trường hợp vì một lí do nào đó dẫn tới việc vợ chồng có xung đột nhưng không muốn ly hôn mà chỉ muốn ở riêng và có yêu cầu chia tài sản chung (Nghị quyết số 01/HĐTP ngày 20/01/1988 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, hướng dẫn TAND các cấp áp dụng một số quy định của luật Hôn nhân và gia đình 1986). Quy định này đã góp phần giải quyết ổn thỏa một số mâu thuẫn gia đình, đảm bảo quyền lợi chính đáng về tài sản của vợ, chồng. Tuy nhiên, hạn chế của Điều 18 Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 1986 là chưa định rõ hậu quả pháp lí; các quyền và nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của vợ chồng được hiểu và áp dụng thế nào sau khi tòa án đã chia tài sản chung của vợ chồng. Cũng có nhiều quan điểm cho rằng luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 đã gián tiếp thừa nhận chế định ly thân giữa vợ và chồng của chế độ cũ bằng việc cho phép chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân quy định tại “Điều 29: Chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân 1. Khi hôn nhân tồn tại, trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lí do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung; việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. 2. Việc chia tài sản chung của vợ chồng nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản không được pháp luật công nhận.” Nhưng quan điểm này là hoàn toàn sai lầm bởi bản chất của ly thân và chia tài sản chung vợ chồng trong thời kì hôn nhân là hoàn toàn khác nhau. Mặc dù giữa ly thân và chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 có một số điểm giống nhau như: quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng không chấm dứt, vợ chồng không được kết hôn với người khác nhưng có điểm khác nhau cơ bản: Thứ nhất: Về điều kiện áp dụng Chia tài sản chung của vợ chồng khi hôn nhân đang tồn tại chỉ có thể thực hiện được trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng, hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung dưới hình thức văn bản, nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết còn lí do ly thân chỉ dựa vào yếu tố lỗi để làm căn cứ giải quyết vấn đề ly thân. Thứ hai: về hậu quả pháp lí Theo luật Điều 30 Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000, vợ chồng có quyền yêu cầu chia một phần hoặc toàn bộ khối tài sản chung. Chỉ những phần đã chia thuộc tài sản riêng của vợ, chồng. Phần tài sản còn lại ko chia vẫn thuộc tài sản chung của vợ chồng. Điều này cho thấy chế độ sở hữu chung của vợ chồng không chấm dứt. Còn vấn đề ly thân, theo Điều 168 Dân luật Sài Gòn thì “cộng đồng tài sản chấm dứt vì án ly thân hay biệt sản”. Như vậy, khi ly thân thì tài sản của vợ chồng được tách biệt hoàn toàn và thuộc sở hữu riêng của mỗi người. Thứ ba: Pháp luật dưới chế độ cũ coi ly thân như một bước quá độ trước khi ly hôn. Khoảng thời gian ly thân chính là giải pháp để vợ chồng có thể hàn gắn lại cuộc sống chung. Sau 3 năm có án ly thân, mỗi bên vợ chồng có thể xin hoán cái oán ấy thành ly hôn mà không cần phải xét đến lí do ly hôn nữa (Điều 99 Bộ Dân luật Sài Gòn. Như vậy, ly thân có thể là lý do để được ly hôn. Lý do xin chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân không phải là căn cứ để vợ chồng thể được ly hôn. Khi có đơn xin ly hôn thì Tòa án căn cứ vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được… để giải quyết cho ly hôn hay không (Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam). Thứ tư: mục đích Mục đích của ly thân là giải pháp tạm thời giải tỏa xung đột vợ chồng, tạo cho vợ chồng có khoảng thời gian sống riêng cần thiết để cân nhắc kỹ lại mối quan hệ của họ trước khi đi đến quyết định li hôn còn chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân là nhằm ổn định quan hệ hôn nhân khi chưa cần thiết phải ly hôn, đảm bảo quyền lợi chính đáng về tài sản của vợ chồng, các thành viên trong gia đình của người khác. Như vậy, mặc dù có một số điểm giống nhau nhưng mục đích và bản chất thì hoàn toàn khác nhau. Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 quy định không phải là gián tiếp quy định về ly thân. III. Pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam có cần thiết phải quy định ly thân trong pháp luật hay không? 3.1.Ý kiến tham khảo Trong tạp chí Luật học số 6 năm 1997, TS. Nguyễn Văn Cừ nêu ý kiến về việc có nên cho ly thân vào Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam hay không. Ông đã viết như sau: “Ngay từ khi mới ra đời, những văn bản pháp luật đầu tiên mà Nhà nước ta ban hành đã ghi nhận quyền bình đẳng nam nữ (Điều 9 – Hiến pháp 1946), xóa bỏ quyền “trừng giới” của người gia trưởng, công nhận và thực hiện quyền bình đẳng giữa vợ chồng. Từ đó đến nay, sự nghiệp giải phóng phụ nữ đã đạt được những thành tựu vĩ đại trong xã hội ta. Trong quan hệ pháp luật giữa vợ và chồng, vợ chồng có quyền ở chung hay ở riêng, “Chỗ ở của vợ chồng do vợ chồng lựa chọn, không bị ràng buộc bởi phong tục tập quán” (Điều 13 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986); “Nơi cư trú của vợ chồng là nơi vợ chồng sống chung, vợ chồng có thể có nơi cư trú khác nhau, nếu có thỏa thuận”(Điều 51 BLDS của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam).Vợ chồng trước tiên là công dân có quyền lựa chọn chỗ ở. Vấn đề ở chung hay ở riêng là quyền của vợ, chồng bình đẳng không bị lệ thuộc vào ý chí của nhau hay ý chí của người khác. Điều này còn phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh nghề nghiệp của từng cặp vợ chồng, có thể vợ ở nơi này, chồng ở nơi khác, vợ chồng ở riêng hay ở chung là thuộc quyền nhân thân của vợ chồng. cũng có vợ chồng ở chung nhưng giận hờn, mâu thuẫn nhỏ mong muốn ở riêng thì vợ chồng lại phải yêu cầu tòa án cho họ được ly thân, sau đó nếu tái hợp sống chung với nhau vợ chồng lại cần phải yêu cầu tòa án hủy bỏ bản án ly thân … Như vậy theo chúng tôi không nhất thiết phải đưa ly thân vào Luật hôn nhân và gia đình … ”. 3.2.Ý kiến cá nhân “Ly thân” mang nghĩa mỗi vợ chồng một nơi, tạm thời không cùng chung sống trong một ngôi nhà nhưng họ chưa chấm dứt quan hệ vợ chồng trước pháp luật. Thực tế hiện nay nhiều cặp vợ chồng sống chung một ngôi nhà như các cặp vợ chồng bình thường khác nhưng cũng trong tình trạng “ly thân”, không thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của vợ chồng đối với nhau vì nhiều lý do khác nhau (như vì con chung hay vì chức vụ của mình không muốn mọi người bàn tán,…). Hơn nữa cũng có vợ chồng vì điều kiện hoàn cảnh, nghề nghiệp mà không thể cùng chung sống mà phải trong tình trạng “mỗi người một nơi”, mỗi người có quyền bình đẳng và tự do cá nhân riêng không thể ép buộc họ cùng chung sống được. Do có lí do nhất định nào đó nên họ không chọn giải pháp chấm dứt hoàn toàn quan hệ vợ chồng trước pháp luật nên theo ý kiến cá nhân em không nhất thiết phải đưa ly thân vào Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam. KẾT THÚC VẤN ĐỀ Trong cuộc sống hôn nhân, thực trạng còn nhiều vấn đề giữa hai vợ chồng mà không nhất thiết luật pháp cần can thiệp. Nó mang ý muốn chung của cả hai người và họ có thể tự thỏa thuận được với nhau. Ly thân là một trong số những vấn đề đó. Hơn nữa ly thân có thể giúp cho mâu thuẫn của cặp vợ chồng được hòa giải. Theo thống kê tìm hiểu thì 70% các cặp vợ chồng hiện nay ly hôn rồi lại có ý muốn tái hợp cùng người vợ, chồng cũ. Như vậy nếu hai vợ chồng tự thỏa thuận lựa chọn giải pháp ly thân cũng là tự mở cho cuộc hôn nhân của mình một lối thoát. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. TS Ngô Thị Hường. Tập bài giảng: Pháp luật hôn nhân và gia đình một số nước trên thế giới. 2. TS Nguyễn Văn Cừ. Tạp chí luật học số 6 năm 1997 3. Nhà pháp luật Việt – Pháp, Bộ Luật Dân sự của nước cộng hòa pháp, Nxb Chính Trị Quốc Gia năm 1998 4. Bộ Luật Dân sự và thương mại Thái Lan, Nxb Chính Trị Quốc Gia năm 1995 (các quyển I – VI) Một số trang internet có nội dung liên quan.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docBài tập học kỳ- HN& GĐ - Vấn đề ly thân trong pháp luật Các nước và Việt Nam.doc
Tài liệu liên quan