Câu hỏi 50: Bị đau ngực đột ngột nghi nhồi máu cơ tim cấp? có thể dùng các thuốc đông y (như viên An cung hoàn) để cho cấp cứu không?
Nhồi máu cơ tim cấp là một cấp cứu nội khoa, cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Các biện pháp điều trị hiện đại (như can thiệp động mạch vành thì đầu) có thể cứu sống bạn và đưa bạn trở về cuộc sống bình thường nếu như bạn được can thiệp kịp thời. Sớm được chút nào thì cơ hội sống sót và chất lượng cuộc sống sau này của bạn sẽ tăng thêm chút đó ! Do vậy, nếu bạn xuất hiện các triệu chứng đau ngực đột ngột, bạn hãy gọi xe cấp cứu ngay và đến cơ sở y tế gần nhất. Chậm trễ trong điều trị có thể dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Các thuốc Đông y (như viên An cung hoàn) không hề có vai trò rõ ràng trong điều trị bệnh lý mạch vành nói chung và nhồi máu cơ tim cấp nói riêng. Do vậy, không nên uống thuốc Đông y nếu bạn nghĩ mình bị nhồi máu cơ tim. Thời gian tìm kiếm và uống những loại thuốc không cần thiết sẽ là lãng phí chút thời gian quý báu để điều trị triệt để bệnh mạch vành của bạn.
65 trang |
Chia sẻ: Chử Khang | Ngày: 28/03/2025 | Lượt xem: 18 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu 100 Câu hỏi tim mạch, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
nên mang theo một bản tóm tắt bệnh án của mình, gồm cả bản ghi điện tâm đồ gần đây và các thuốc đang sử dụng (tên thuốc, liều lượng). Bạn cũng cần mang đủ cơ số thuốc để uống trong quá trình đi xa, tốt nhất là nên mang dư ra một chút, phòng trường hợp bạn sẽ quay về chậm hơn dự kiến. Thuốc nên để trong hộp có dán nhãn. Điều này sẽ giúp ích cho các bác sỹ nếu không may xảy ra cấp cứu đối với bạn. Bạn nên để thuốc trong hành lý xách tay. Nếu bạn thất lạc hành lý ký gửi, bạn vẫn có thuốc uống.
Trong chuyến du lịch, bạn cần hạn chế tham gia các hoạt động đòi hỏi phải gắng sức nhiều. Lưu ý các triệu chứng tức ngực, khó thở, mệt, thỉu, vã mồ hôi, khi gắng sức. Nếu bạn gặp những triệu chứng ấy, hãy liên hệ ngay với cơ sở y tế tại chỗ.
Câu hỏi 56: Sau khi chụp động mạch vành, bác sỹ bảo tôi bị hẹp 50% một nhánh. Điều này có nguy hiểm không? Có thuốc nào làm hết hẹp động mạch vành không?
Nếu bị hẹp 50% một nhánh động mạch vành nghĩa là bạn đã có tình trạng xơ vữa động mạch. Tuy nhiên mức độ hẹp này chưa nguy hiểm đến mức cần phải can thiệp (đặt stent mạch vành, phẫu thuật làm cầu nối chủ vành). Hiện tại chưa có thuốc điều trị nào có khả năng làm hết hẳn hẹp động mạch vành. Nhưng uống thuốc có vai trò rất quan trọng để làm giảm tiến triển của bệnh. Bạn cần đến khám bác sỹ định kỳ và uống thuốc đều theo đơn. Bạn cũng cần thay đổi lối sống (bỏ thuốc lá, tăng cường hoạt động thể lực, tránh béo phì,), kiểm soát số đo huyết áp, số đo đường huyết, số đo mỡ máu để ngăn ngừa các cơn đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim.
Câu hỏi 57: Các biện pháp nào để xác định bị bệnh động mạch vành?
Với bệnh nhân có bệnh động mạch vành, triệu chứng đầu tiên thường là cơn đau thắt ngực. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân không đau ngực hoặc cơn đau không điển hình. Nếu nghi ngờ bạn có bệnh mạch vành, bác sỹ có thể yêu cầu bạn làm một số thăm dò để xác định bệnh.
Điện tâm đồ
Điện tâm đồ là biện pháp đơn giản nhất để tìm các dấu hiệu của bệnh mạch vành. Điện tâm đồ có thể có các biểu hiện thiếu máu cơ tim hay hoại tử cơ tim, các biến chứng của bệnh mạch vành như dày thành tim, giãn buồng tim rối loạn nhịp tim. Điện tâm đồ là một thăm dò không chảy máu, đơn giản, ít tốn kém, có thể tiến hành trong vòng 5 phút. Tuy nhiên có khá nhiều trường hợp có bệnh mạch vành mà điện tâm đồ lại không biến đổi. Ngược lại, điện tâm đồ có thể biến đổi trong khi bạn lại không có bệnh mạch vành (trường hợp nữ giới, bệnh nhân béo phì, tăng huyết áp). Lưu giữ các điện tâm đồ cũ để so sánh và xác định những biến đổi mới cho phép nâng cao khả năng phát hiện bệnh mạch vành.
Siêu âm tim
Siêu âm tim đánh giá vận động các thành tim. Nếu bạn có bệnh động mạch vành, vùng cơ tim được cấp máu bởi nhánh mạch vành đó sẽ không được cấp đủ oxy. Vùng cơ tim đó sẽ có hiện tượng rối loạn vận động so với các vùng khác (có thể giảm vận động hoặc hoàn toàn không vận động). Siêu âm tim cũng là một thăm dò không chảy máu, tuy nhiên đòi hỏi phương tiện hiện đại (máy siêu âm) cũng như bác sỹ được đào tạo chuyên khoa. Mặt khác siêu âm tim thường chỉ phát hiện được bệnh mạch vành ở giai đoạn muộn khi bệnh đã gây ra các rối loạn vận động buồng tim.
Nghiệm pháp gắng sức
Nghiệm pháp gắng sức là biện pháp kinh điển để chẩn đoán bệnh mạch vành. Như chúng ta đã biết, khi nghỉ ngơi thì động mạch vành dù bị hẹp vẫn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu oxy của cơ thể. Khi phải gắng sức, nhu cầu oxy cơ thể tăng lên, và khi đó mới lộ ra các dấu hiệu thiếu máu cơ tim. Thầy thuốc có thể yêu cầu bạn bằng chạy trên thảm chạy, hoặc đạp xe tại chỗ với tốc độ tăng dần, hoặc họ sẽ truyền thuốc cho bạn để gây tình trạng gắng sức thực nghiệm.. Tình trạng thiếu máu cơ tim khi gắng sức sẽ được ghi nhận và đánh giá bằng một số biện pháp như điện tâm đồ gắng sức, siêu âm tim gắng sức, hoặc xạ hình cơ tim gắng sức. Qua đó, thầy thuốc đánh giá bạn có khả năng bị bệnh mạch vành hay không và mức độ như thế nào.
Thăm dò chẩn đoán hình ảnh
Các thăm dò chẩn đoán hình ảnh, như chụp cắt lớp vi tính đa dãy động mạch vành, chụp cộng hưởng từ tim, chụp phóng xạ tưới máu cơ tim ngày càng được ứng dụng rộng rãi để chẩn đoán sớm động mạch vành. Chụp cắt lớp vi tính đa dãy mạch vành đã khá phổ biến ở các trung tâm tim mạch lớn trong nước. Phim chụp sẽ cung cấp hình ảnh giải phẫu của mạch vành, cho biết mức độ vôi hóa mạch vành, nhánh mạch vành bị hẹp, mức độ hẹp, cũng như các bất thường giải phẫu khác.
Thông tim và chụp động mạch vành
Thông tim và chụp động mạch vành là biện pháp hiện đại nhất để chẩn đoán bệnh mạch vành. Thủ thuật này được tiến hành trong phòng tim mạch can thiệp với các thiết bị chụp mạch và màn huỳnh quang tăng sáng hiện đại. Qua đường động mạch quay hoặc động mạch đùi, bác sĩ sẽ đưa một ống thông lên tim của bạn vào nhánh động mạch vành. Qua ống thông đó bác sỹ sẽ tiêm một dung dịch đặc biệt là chất cản quang vào động mạch vành của bạn. Chất cản quang cho phép bác sỹ nhìn thấy hình dạng, kích thước mạch vành trên màn huỳnh quang, đánh giá vị trí hẹp và mức độ hẹp mạch vành. Chụp động mạch vành qua da là một biện pháp thăm dò chảy máu, tuy nhiên hoàn toàn không đau đớn (không cần gây mê, chỉ cần gây tê tại chỗ) và rất hiếm gặp biến chứng.
Tuy nhiên tất cả các biện pháp để xác định bệnh mạch vành đã nêu chỉ có thể đánh giá được bệnh lý mạch vành tại thời điểm thăm khám trong khi bệnh mạch vành là bệnh lý tiến triển liên tục theo thời gian, do vậy bạn cần lưu ý đi khám định kỳ, áp dụng các biện pháp phòng bệnh để kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành và tư vấn bác sỹ chuyên khoa tim mạch bất cứ khi nào có các biểu hiện nghi ngờ bệnh mạch vành.
Câu hỏi 58: Xin cho biết các biện pháp chữa bệnh động mạch vành?
Khi có chẩn đoán xác định bệnh động mạch vành, bác sỹ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cho bạn, tùy theo căn nguyên và mức độ nặng của bệnh. Điều trị bệnh mạch vành bao gồm: tái thông mạch vành bị hẹp (bằng đặt stent hoặc phẫu thuật), điều trị nội khoa, và thay đổi lối sống.
Tái thông mạch vành bị hẹp
Có hai biện pháp tái thông mạch vành bị hẹp là can thiệp động mạch vành qua da (nong bóng, đặt stent) và phẫu thuật làm cầu nối chủ vành.
Can thiệp mạch vành qua da là một thủ thuật, trong đó bác sỹ sử dụng một ống thông chuyên dụng luồn từ động mạch quay hoặc động mạch đùi lên tim, đi vào các nhánh động mạch vành bị hẹp. Qua ống thông đó, bác sỹ có thể đưa bóng vào nong rộng mạch vành ra và sau đó đặt vào lòng mạch một khung giá đỡ bằng kim loại (gọi là stent), nhằm mục đích giữ cho lòng mạch không bị hẹp lại. Thủ thuật đặt stent mạch vành là một thủ thuật tiến hành qua da, chỉ cần gây tê tại chỗ, không cần gây mê. Thời gian thủ thuật kéo dài từ 45 phút cho đến 120 phút, tùy trường hợp. Chỉ định can thiệp động mạch vành qua da cho những bệnh nhân có tổn thương giải phẫu có thể can thiệp được, hoặc những bệnh nhân có nhiều bệnh lý kết hợp khiến cho không thể chịu đựng được một cuộc mổ tim.
Phẫu thuật làm cầu nối chủ-vành là một phãu thuật nhằm tái thông dòng chảy mạch vành, nhờ đó cải thiện dòng máu nuôi cơ tim. Khi phẫu thuật, bác sỹ sẽ sử dụng một đoạn động mạch hoặc tĩnh mạch “lành lặn”, không bị hẹp từ chính cơ thể của bạn để nối từ động mạch chủ đến nhánh mạch vành bị hẹp. Cầu nối này sẽ đảm đương vai trò vận chuyển máu giàu oxy đến nuôi cơ tim. Trong một cuộc mổ, phẫu thuật viên có thể làm nhiều cầu nối chủ-vành cho tất cả các mạch vành bị hẹp nặng.
Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa nhằm hạn chế tiến triển của bệnh, cải thiện lượng máu nuôi cơ tim. Thầy thuốc có thể cho bạn uống các loại thuốc sau:
Thuốc chống ngưng tập tiểu cầu như aspirin để ngăn ngừa hình thành cục máu đông trong lòng mạch vành
Chẹn beta giao cảm: Thuốc làm chậm nhịp tim, hạ huyết áp, giảm nhu cầu oxy cơ tim
Thuốc hạ mỡ máu: làm giảm xơ vữa mạch máu, ngăn ngừa hình thành huyết khối
Nitroglycerin: thuốc làm giảm đau ngực nhờ làm giãn mạch vành bị hẹp, tăng cường tưới máu cơ tim
Thuốc ức chế men chuyển: hạ huyết áp, cải thiện chức năng tim
Các thuốc để điều trị các bệnh kèm theo như tăng huyết áp, đái tháo đường
Thay đổi lối sống
Một lối sống lành mạnh có thể giúp hạn chế tiến triển của bệnh mạch vành. Các biện pháp thay đổi lối sống bao gồm:
Thay đổi chế độ dinh dưỡng: hạn chế chất béo, đồ ăn mặn, giảm cân nặng
Tập thể dục đều đặn và tăng cường hoạt động thể lực
Bỏ hoàn toàn thuốc lá bao gồm cả việc tránh hít khói thuốc từ người khác (hay còn gọi là hút thuốc lá bị động)
Nhận biết và kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu
Câu hỏi 59: Bệnh thấp tim là gì? Nguyên nhân gây bệnh? Bệnh có nguy hiểm không?
Thấp tim là bệnh lý viêm tự miễn, xuất hiện sau khi nhiễm khuẩn đường họng miệng. Vi khuẩn gây bệnh là liên cầu gây tan huyết nhóm A. Trong vòng 2 đến 3 tuần sau nhiễm liên cầu vùng hầu họng, nếu không được điều trị đầy đủ, bệnh có thể tiến triển thành thấp tim.
Bệnh thấp tim phổ biến nhất ở lứa tuổi từ 5-15 tuổi, dù bệnh có thể xuất hiện ở trẻ nhỏ hơn và cả người lớn. Tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ nam và nữ là như nhau.
Thấp tim có thể gây các biến chứng nặng nề ở não, tim, khớp, da. Ở tim, thấp tim để lại những hậu quả kéo dài như viêm tim, dày dính van tim. Lâu dần sẽ dẫn tới tổn thương van tim, suy tim, rối loạn nhịp tim, đột quỵ, thậm chí tử vong.
Mặc dù ngày nay hiếm gặp ở các nước phát triển, thấp tim vẫn còn phổ biến ở các nước đang phát triển, nhất là những nơi có điều kiện vệ sinh và dinh dưỡng kém như châu Phi hay Nam Á. Ở Việt Nam, tỉ lệ thấp tim đã giảm nhiều nhưng vẫn có nhiều bệnh nhân phải đến viện với di chứng tổn thương van tim, hậu quả của việc bị thấp tim lúc trẻ.
Câu hỏi 60: Con tôi 8 tuổi bị sưng đau khớp gối 2 bên, như vậy có phải cháu bị bệnh thấp tim hay không? Làm thế nào xác định được?
Trong giai đoạn sớm của bệnh, thấp tim thường gây viêm, đau các khớp nhỡ và nhỏ, bao gồm cả khớp gối. Tuy nhiên nếu con bạn chỉ bị sưng đau khớp gối thì chưa thể khẳng định cháu bị thấp tim.
Khả năng con bạn bị thấp tim tăng lên nếu cháu có thêm các biểu hiện sau: bệnh xuất hiện sau một đợt viêm họng, trẻ có sốt, sưng nóng đau nhiều khớp, có ban đỏ trên da hoặc các nốt nhỏ dưới da.
Để khẳng định hoặc loại trừ chắc chắn bệnh thấp tim, bạn cần đưa con đến khám tại các cơ sở chuyên khoa tim mạch. Các bác sỹ sẽ cho cháu làm xét nghiệm máu, ghi điện tâm đồ, làm siêu âm tim để khẳng định cháu có bị thấp tim hay không. Các xét nghiệm máu quan trọng là: xét nghiệm tìm kháng thể chống liên cầu (phản ứng ASLO), công thức máu, máu lắng, CRP.
Câu hỏi 61: Con tôi được chẩn đoán bệnh thấp tim, bác sỹ nói cần tiêm phòng lâu dài? Vậy tiêm phòng thấp tim có tác dụng gì? Có nguy hiểm gì không? Tiêm đến khi nào?
1. Tác dụng của tiêm phòng thấp:
Tại Việt Nam, hiện nay, thấp tim vẫn là nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh van tim. Thấp tim gây ra bởi các vi khuẩn thuộc nhóm liên cầu, đặc biệt sau viêm họng do liên cầu từ vài tuần đến vài tháng, dẫn đến tổn thương các cấu trúc van tim, tiến triển dần gây dày, co kéo, vôi hóa tổ chức van tim. Nhờ sự phát triển nhanh của nhiều loại kháng sinh, tỉ lệ thấp tim ngày nay đang có xu hướng giảm rõ rệt. Tuy nhiên tỉ lệ thấp tim ở Việt Nam còn cao.
Bản chất của bệnh thấp tim rất hay tái phát, đặc biệt trong thời kỳ thiếu nhi và thanh niên, mà mỗi lần tái phát làm cho bệnh tim có thể nặng lên các tổn thương van tim tiến triển nhanh hơn. Tuy nhiên, thấp tim có thể phòng ngừa được bằng cách giáo dục tốt chế độ vệ sinh phòng bệnh, khi có viêm họng do liên cầu cần điều trị sớm, đầy đủ, và đặc biệt, khi phát hiện bị thấp tim cần được quản lý theo dõi chặt chẽ tại các cơ sở y tế và tiêm phòng thấp đầy đủ. Tiêm phòng thấp là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa thấp tim tái phát, hạn chế tiến triển của bệnh van tim do thấp.
2. Những nguy cơ của tiêm phòng thấp
Thuốc dùng để tiêm phòng thấp là penicillin tác dụng chậm. Cũng giống như các kháng sinh khác, tác dụng không mong muốn của thuốc có thể gặp đầu tiên là phản ứng dị ứng với thuốc biểu hiện ở các mức độ từ nhẹ như mẩn ngứa, nổi mề đay, nặng hơn có thể có biểu hiện shock phản vệ. Trước khi tiêm phòng thấp, tất cả các bệnh nhân đều được thử phản ứng trước, nhằm làm giảm thiểu nguy cơ xảy ra phản ứng không mong muốn với thuốc. Một số tác dụng phụ khác cũng có thể gặp là đau vị trí tiêm, do tiêm không đúng kĩ thuật, chảy máu, hay tiêm vào thần kinh ngồi (ít gặp)
3.Thời gian tiêm phòng thấp
Bắt đầu tiêm phòng thấp ngay sau khi điều trị đợt thấp tim cấp
Thời gian tiêm dự phòng thấp thay đổi tuỳ theo tình trạng bệnh: Thấp tim lần đầu hay tái phát nhiều lần, bệnh thấp tim có ảnh hưởng đến tim và các van tim hay chưa, mức độ ảnh hưởng đến van tim như thế nào
Thông thường thời gian phòng thấp tùy theo từng bệnh nhân cụ thể:
+ Thấp tim có viêm cơ tim, để lại di chứng van tim: Dự phòng ít nhất đến 40 tuổi, có thể suốt đời.
+ Thấp tim có viêm tim nhưng chưa để lại di chứng van tim: ít nhất 10 năm cho đến tuổi trưởng thành, một số trường hợp lâu hơn.
+ Thấp tim không có viêm tim: phòng liên tục trong 5 năm, nếu trong 5 năm có 1 lần tái phát thì phòng đến 21 tuổi hoặc lâu hơn tùy trường hợp.
Câu hỏi 62: Van tim là gì? Bệnh van tim là gì?
1.Van tim là gì :
Quả tim bình thường có 4 buồng tim là hai tâm nhĩ ở trên và hai tâm thất ở dưới, giữa các buồng tim có các cấu trúc đảm bảo cho tuần hoàn máu chỉ đi theo một chiều người ta gọi là các van tim. Giữa nhĩ trái và thất trái được ngăn với nhau bởi van hai lá cho máu đi một chiều từ nhĩ trái xuống thất trái, dòng máu từ thất trái qua van động mạch chủ vào động mạch chủ đưa máu đi nuôi toàn cơ thể. Giữa nhĩ phải và thất phải ngăn cách với nhau bởi van ba lá cho máu đi một chiều từ nhĩ phải xuống thất phải, dòng máu từ thất phải qua van động mạch phổi vào động mạch phổi đưa máu lên phổi để trao đổi oxy. Như vậy quả tim bình thường có 4 cấu trúc van tim là van động mạch chủ, van động mạch phổi, van hai lá và van ba lá đảm bảo cho dòng máu luân chuyển theo một chu trình sinh lý.
2. Bệnh van tim
Hệ thống van tim là các cấu trúc đảm bảo cho máu lưu chuyển giữa các buồng tim theo một chu trình nhất định. Bình thường các van tim này là các cấu trúc thanh mảnh, mềm mại, cấu tạo bởi các lá van tim, và được cố định bằng các dây chằng, cột cơ. Vì một nguyên nhân nào đó, các lá van này mất đi độ mềm mại, thanh mảnh, bị dầy lên, dính vào nhau, hoặc vôi hóa (như trong bệnh van tim do thấp) hoặc các dây chằng cố định van tim bị sa xuống, đứt (như trong nhồi máu cơ tim) làm cho các van này không hoạt động được bình thường dẫn đến các bệnh lý van tim. Khi các van tim trở nên dày và cứng hoặc dính các mép van làm hạn chế khả năng mở của van tim, gây cản trở dòng máu, hiện tượng này gọi là hẹp van tim. Khi các van tim đóng lại không kín do giãn vòng van, thoái hoá, dính, co rút hoặc các dây chằng van tim quá dài làm cho dòng máu có thể trào ngược lại trong thời kỳ đóng van gây ra hiện tượng này gọi là hở van tim. Các tổn thương trên có thể gặp ở tất cả các van tim, có thể do nguyên nhân bẩm sinh hoặc mắc phải. Các tổn thương van tim (hẹp hoặc/và hở van) đều có thể gây ra các rối loạn huyết động (tức là rối loạn lưu chu
Các file đính kèm theo tài liệu này:
100_cau_hoi_tim_mach.doc