Mục lục
Nội dung Số trang
A. ĐẶT VẤN ĐỀ 1
B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ 1
I.Cơ sở pháp lí. 1
II. Thực trạng mối quan hệ của đại biểu Quốc hội với cử tri 3
1. Về hình thức tiếp xúc cử tri 3
2. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thúc đẩy mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri 5
3. Việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri 5
4. Mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm với cử tri. 6
5. Mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội chuyên trách với cử tri. 6
III. Phương hướng tăng cường mối quan hệ giữa đại biểu Quốc Hội với cử tri. 6
C. KẾT THÚC VẤN ĐỀ 8
10 trang |
Chia sẻ: lethao | Lượt xem: 3117 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài tập lớn hiến pháp, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BÀI LÀM
A. ĐẶT VẤN ĐỀ
Theo tinh thần của Lênin các đại biểu Quốc Hội là những người : “Tự mình công tác, tự mình áp dụng những luật pháp của mình, tự mình kiểm tra lấy những tác dụng của luật pháp ấy, tự mình chịu trách nhiệm trước cử tri của mình”. Đại biểu Quốc Hội là những công dân ưu tú trong các lĩnh vực hoạt động của Nhà nước và xã hội được nhân dân cả nước tín nhiệm bầu ra bằng tổng tuyển cử tự do. Đó là những đại biểu chân chính của nhân dân. Các đại biểu Quốc Hội được bầu ra để thay mặt nhân dân ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Việc xây dựng mối quan hệ giữa đại biểu Quốc Hội với cử tri là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình đổi mới, có nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh cần sự sâu sát của các đại biểu Quốc Hội với cuộc sống của cử tri. Chính vì vậy em xin chọn đề bài : “Phân tích mối quan hệ giữa đại biểu Quốc Hội và cử tri theo pháp luật hiện hành”.Trong quá trình làm bài do kiến thức còn hạn chế nên em không tránh khỏi những sai sót, kính mong nhận được sự góp ý của các thầy cô giáo để bài viết của em được hoàn thiện hơn.
Em xin chân thành cảm ơn!
B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I.Cơ sở pháp lí.
Thông qua bản Hiến pháp năm 1992 và Luật tổ chức Quốc Hội ta có thể thấy rõ mối quan hệ của Đại biểu Quốc Hội và cử tri. Điều 97 Hiến Pháp 1992 có quy định : “Đại biểu Quốc Hội là người đại diện cho ý, chí nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước. Đại biểu Quốc Hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri với Quốc Hội và các cơ quan hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Quốc Hội; trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri; xem xét đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện các quyền đó. Đại biểu Quốc Hội phổ biến và vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc Hội.” Để cụ thể hoá Điều 97 của Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội đã quy định: “đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát cuả cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri” (Điều 51). Như vậy, Luật tổ chức Quốc hội đã phát triển mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri là phải liên hệ chặt chẽ với cử tri nhưng cũng phải thường xuyên tiếp xúc với cử tri. Ngoài ra, mỗi năm ít nhất một lần đại biểu Quốc hội phải báo cáo trước cử tri về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình. Cử tri có thể trực tiếp hoặc thông qua Mặt trận Tổ quốc yêu cầu đại biểu báo cáo công tác, có thể nhận xét đối với việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội.
Điều 12 của Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội quy định: “đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tiếp xúc cử tri theo chương trình tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội. Trong trường hợp không thể tham gia tiếp xúc cử tri thì đại biểu Quốc hội báo cáo với Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội có thể tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc”.
Để hoạt động tiếp xúc cử tri trở thành hoạt động thường xuyên, đi vào thực chất và đa dạng các hình thức tiếp xúc, ngày 10/9/2004, Uỷ ban thường vụ Quốc hội phối hợp với Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có Nghị quyết liên tịch số 06/2004/NQLT/UBTVQH11-ĐCTUBTWMTTQVN ban hành Hướng dẫn về việc đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, trong đó quy định “Ngoài những đợt tiếp xúc cử tri theo định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội, đại biểu Quốc hội cần tiếp xúc cử tri cả ở nơi cư trú và nơi làm việc; tiếp xúc cử tri theo các chuyên đề, lĩnh vực mà đại biểu Quốc hội quan tâm hoặc trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri”.
Như vậy, các quy định của Hiến pháp, Luật và các văn bản liên quan đến mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri chủ yếu nhấn mạnh hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội. Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội là một trong những hoạt động rất quan trọng không thể thiếu được của đại biểu Quốc hội, nó là cầu nối thông tin để đại biểu Quốc hội có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Việc đổi mới và tăng cường mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri là một yêu cầu khách quan nhằm đáp ứng nhiệm vụ ngày càng cao của cơ quan dân cử trong đó có tổ chức Quốc hội. Căn cứ vào đó ta thấy được địa vị pháp lí đặc biệt của đại biểu Quốc Hội, họ vừa là người đại diện cho nhân dân vừa là đại biểu cấu thành cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đại biểu Quốc Hội là cầu nối quan trọng giữa chính quyền nhà nước với nhân dân. Đại biểu Quốc Hội vừa chịu trách nhiệm trước cử tri vừa chịu trách nhiệm trước cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đại biểu Quốc Hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân nơi ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước; là người thay mặt cho nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc Hội.
II. Thực trạng mối quan hệ của đại biểu Quốc hội với cử tri
Mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri thực chất là việc đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri để phản ánh với Quốc hội và để nắm thông tin phục vụ cho hoạt động đại biểu của mình. Qua theo dõi thực tiễn hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, ta thấy rằng từ nhiều khoá Quốc hội đến nay, nhìn chung các Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức cho các đại biểu tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp là khá nề nếp. Và cứ mỗi kỳ họp thì chúng ta thu nhận được rất nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri tập hợp lại để báo cáo tại kỳ họp. Và chính từ những ý kiến, kiến nghị đó mà chúng ta báo cáo với Quốc hội, đây là cơ sở để Quốc hội thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như là thực hiện việc giám sát, đánh giá về những hoạt động chung của Chính phủ và các cơ quan tư pháp trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, chúng ta cũng đều nhận rõ vấn đề mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri cũng như chất lượng tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội còn nhiều vấn đề phải bàn và phải tiếp tục nâng cao. Mối quan hệ này vẫn là mối quan hệ một chiều, thụ động, bởi lẽ đại biểu Quốc hội vẫn tiếp xúc cử tri theo định kỳ trước và sau kỳ họp là chủ yếu, mà không đa dạng các hình thức tiếp xúc cử tri. Ta có thể thấy được tình trạng này ở một số mặt sau :
1. Về hình thức tiếp xúc cử tri
Hiện nay có 2 hình thức tiếp xúc cử tri, đó là Hội nghị tiếp xúc cử tri và gặp gỡ, tiếp xúc cá nhân hoặc nhóm cử tri. Hội nghị tiếp xúc cử tri lại được chia thành Hội nghị tiếp xúc cử tri theo định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội tại địa phương nơi đại biểu Quốc hội ứng cử, Hội nghị tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc và Hội nghị tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Qua báo cáo tình hình tiếp xúc cử tri của các Đoàn đại biểu Quốc hội cho thấy hình thức Hội nghị tiếp xúc cử tri đang được dùng phổ biến, mà chủ yếu là tiếp xúc định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội. Từ đó có tình trạng ở nhiều nơi, trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc Hội có qua nhiều gương mặt “cử tri chuyên nghiệp”. Những cử tri chuyên nghiệp thường là người lớn tuổi, về hưu, các đồng chí đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể…đến nhiều. Những bức xúc của cử tri mà đại biểu Quốc Hội ghi nhận được từ các cuộc tiếp xúc, chủ yếu là của tầng lớp này. Vì thế, bao nhiêu lâu nay, những ý kiến kiến nghị của tri vẫn xoay quanh chính sách cho cán bộ, trợ cấp thêm cho gia đình chính sách, cần tiếp tục chống tham nhũng, Nhà nước cần đầu tư mạnh hơn cho cơ sở hạ tầng, hãy giảm giá đầu vào cho sản xuất và tìm đầu ra cho nông sản… Những ý kiến, kiến nghị của những cử tri chuyên nghiệp này, khiến những đại biểu Quốc Hội chưa tiếp xúc, chưa cần lắng nghe, chưa cần ghi nhận cũng đã biết. Ý kiến, kiến nghị của các cử tri chuyên nghiệp này, gần như chỉ cung cấp thông tin một chiều cho đại biểu Quốc Hội trong khi đó đại biểu Quốc Hội đang muốn có nhiều góc nhìn về đời sống, xã hội. Lâu nay, các phương tiện truyền thông vẫn nói mong muốn chính đáng của cử tri là đại biểu Quốc Hội hãy lắng nghe, hãy thấu hiểu cử tri. Nhưng vấn đế đặt ra là đại biểu Quốc Hội muốn hiểu về giáo dục thì cần được tiếp xúc với giáo viên, học sinh, sinh viên. Muốn hiểu người nông dân bị thu hồi đất thì phải gặp người mất đất… đại biểu Quốc Hội cần tiếp xúc cử tri thực chất hơn. Đấy là hạn chế làm họ chưa lắng nghe được ý kiến của đông đảo cử tri.
Qua theo dõi cho thấy, việc tiếp xúc cử tri tại nơi làm việc và nơi cư trú mới chỉ được thực hiện một cách cá biệt. Tuy nhiên, hiệu quả và tác dụng của hình thức tiếp xúc này là rất rõ rệt. Những cử tri tại nơi đại biểu Quốc hội làm việc và cư trú qua tiếp xúc đều rất phấn khởi bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng của mình với mong muốn đại biểu Quốc hội sẽ là cầu nối để cử tri có thể thực hiện quyền làm chủ của mình. Từ đó cho thấy việc đa dạng hoá các hình thức tiếp xúc cử tri là rất cần thiết và cấp bách để từng bước nâng cao chất lượng của công tác tiếp xúc cử tri nói riêng và tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa đại biểu Quốc hội và cử tri nói chung.
Ngoài ra, việc tiếp xúc cử tri hiện nay vẫn là tiếp xúc một chiều, đại biểu Quốc hội chủ động tiếp xúc khi có nhu cầu mà chưa có sự chủ động nào từ phía cử tri. Nhiều năm qua, Quốc Hội và đại biểu Quốc Hội đã nỗ lực đổi mới tiếp xúc cử tri. Nhưng cũng cần phải đổi mới việc cử tri tiếp xúc với đại biểu Quốc Hội. Sự nỗ lực cần đến từ hai phía và phải ngang nhau mới có thể tạo ra bước ngoặt lớn về mối quan hệ giữa đại biểu Quốc Hội và cử tri, cho chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc Hội và Quốc Hội. Đại biểu Quốc Hội Nguyễn Minh Thuyết kể, có lần ông tiếp xúc với cử tri Lạng Sơn, một cụ già gần 90 tuổi đã nói : “Tôi đi bầu cử Quốc Hội từ hồi khóa I, mà đây là lần đầu tiên được thấy một đại biểu Quốc Hội bằng xương bằng thịt đấy!”
2. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thúc đẩy mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri
Mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri là gắn bó hữu cơ, nhưng để mối quan hệ này thực chất và có hiệu quả thì vai trò tổ chức, giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức hữu quan là rất quan trọng, có tính chất cầu nối để thúc đẩy mối quan hệ này có cả chiều rộng và chiều sâu.
Với thực tiễn tiếp thời gian qua, có thể nói vai trò của Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Mặt trận tổ quốc các cấp là rất quan trọng. Điều đó được thể hiện trong trong việc xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri; tổ chức thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; việc phân công các đại biểu Quốc hội trong Đoàn tiếp xúc cử tri tại các đơn vị bầu cử ở địa phương; việc phối hợp với các cơ quan tuyên truyền ở địa phương để thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung, thời gian, địa điểm các cuộc tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội với cử tri. Hơn thế nữa các tổ chức này đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc xây dựng chương trình, tổ chức thực hiện chương trình, chủ trì các cuộc tiếp xúc và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.
3. Việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri là một nhiệm vụ rất quan trọng của các cơ quan, tổ chức hữu quan, có tác động lớn đến mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri. Nhìn chung các kiến nghị của cử tri đã được các đại biểu tập hợp đầy đủ và các Bộ, ngành đều nghiêm túc trả lời các vấn đề mà cử tri quan tâm. Tuy nhiên, cũng còn tồn tại ở một số địa phương chỉ có khoảng 60% ý kiến, kiến nghị của cử tri được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, trả lời một cách có nghiêm túc; 20% vừa trả lời, vừa giải thích; 20% còn lại chỉ được hứa, hoặc im lặng…
4. Mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm với cử tri.
Các đại biểu Quốc Hội kiêm nhiệm sau kì họp thường tập trung giải quyết công việc của cơ quan mình nên công tác tiếp xúc cử tri là hạn chế. Hầu hết các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm chỉ sắp xếp thời gian định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội. Bên cạnh đó, nhiều vị đại biểu Quốc hội vẫn chưa quan tâm đúng mức trong việc thực hiện trách nhiệm tiếp xúc cử tri, chưa tự mình xây dựng kế hoạch tìm đối tượng và hình thức tiếp xúc cử tri cũng như là chưa lưu tâm đến việc giải quyết ý kiến, kiến nghị. Một tình trạng dễ thấy là rất nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri do đại biểu Quốc hội nêu lên bị các cơ quan đùn đẩy hoặc là né tránh.
5. Mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội chuyên trách với cử tri.
Các đại biểu Quốc hội chuyên trách có điều kiện thuận lợi hơn trong mối quan hệ, tiếp xúc với cử tri. Đó là điều kiện về thời gian, có điều kiện tiếp cận các nội dung, các báo cáo mà Quốc hội đưa ra bàn nghị sự để xem xét. Từ đó, việc tăng cường mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri, phải bắt đầu từ trách nhiệm của mỗi đại biểu Quốc hội nói chung và các đại biểu Quốc hội chuyên trách nói riêng. Có đại biểu chuyên trách ở mỗi địa phương nên hoạt động tiếp xúc cử tri nói riêng được cải tiến, chất lượng nâng lên đáng kể, giảm dần tính hình thức đơn điệu và ngày càng thiết thực hiệu quả, hình thức tiếp xúc cử tri có đa dạng và linh hoạt hơn. Ngoài ra, đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn như một đại biểu Quốc hội trong Đoàn là có trách nhiệm tiếp xúc cử tri do Đoàn đại biểu Quốc hội phân công. Mặt khác, với vai trò là chủ trì, điều phối việc thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương có tác động rất tích cực thúc đẩy, hỗ trợ các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm tăng cường trách nhiệm hoạt động tiếp xúc cử tri của mình.
III. Phương hướng tăng cường mối quan hệ giữa đại biểu Quốc Hội với cử tri.
Trước hết chúng ta cần khắc phục căn bệnh hình thức đã ăn sâu vào ý thức trong việc tiếp xúc cử tri, hạn chế việc tiếp xúc cử tri chuyên nghiệp hoặc đại cử tri. Cần đa dạng hóa hình thức tiếp xúc như tiếp xúc cử tri trước và sau kì họp; tiếp nhận, xử lí đơn thư; tiếp dân theo định kì; theo chuyên đề theo nhóm đối tượng; nơi công tác, sinh sống; khảo sát thực địa, thị sát; họp đại diện các hộ dân; qua các phương tiện thông tin đại chúng; liên hệ cử tri qua trang web, điện thoại; gặp gỡ công dân trong cuộc sống hàng ngày, gặp gỡ các tổ chức nghiên cứu độc lập, chuyên gia; hỏi ý kiến cá nhân, phỏng vấn; điều tra dư luận xã hội…
Cũng không kém phần quan trọng chúng ta cần phải nâng cao chất lượng đại biểu Quốc Hội cùng việc tăng cường đại biểu Quốc Hội chuyên trách.Cần phải qui định rõ ràng tiêu chuẩn của những người ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Ngoài các quy định về năng lực, trình độ, cần quy định thêm về tiêu chuẩn có điều kiện để tham gia các hoạt động của Quốc hội như thời gian, sức khoẻ và tâm huyết với công tác và được đào tạo các kỹ năng hoạt động Quốc hội như kỹ năng tiếp xúc cử tri, kỹ năng giám sát…Bên cạnh đó cần phải tăng cường số lượng và chất lượng của các đại biểu Quốc hội chuyên trách. Cần phải chuẩn bị nhân sự đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ngay từ khi chuẩn bị bầu cử. Các vị đại biểu Quốc hội cần chủ động sắp xếp thời gian và chủ động trong công tác này và yêu cầu Văn phòng giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp với các cơ quan ở địa phương triển khai và coi đây là một tiêu chuẩn khi xem xét đánh giá các hoạt động của đại biểu Quốc hội hàng năm.
Mặt khác, đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan, đơn vị, tổ chức hữu quan cần phối hợp tốt để chuẩn bị và tổ chức chu đáo các hội nghị tiếp xúc cử tri cũng như phục vụ các cuộc gặp gỡ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri. Có thể nói các cơ quan này là những đầu mối rất quan trọng, góp phần vào việc tăng cường mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri.
Cũng rất cần thiết cải tiến trao đổi thông tin hai chiều giữa đại biểu và cử tri, thu thập thông tin từ cử tri, đồng thời phản hồi cho cử tri biết cơ quan dân cử và đại biểu dân cử cần gì ở cử tri, đã và đang làm gì cho cử tri.
Cuối cùng, cần đẩy mạnh công tác giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Các vị đại biểu Quốc hội cần tích cực đôn đốc, theo dõi tình hình giải quyết của các cơ quan mà mình đã chuyển ý kiến đến để kịp thời thông báo với cử tri, nếu cần có thể tự mình tìm hiểu và trao đổi với cơ quan có thẩm quyền để làm rõ vấn đề, bảo đảm quyền lợi của cử tri.
Hiện nay, chúng ta đã có trang thông tin “Hỏi-đáp: Kết nối cử tri với đại biểu Quốc hội” được Văn phòng Quốc hội hợp tác với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam khai trương chiều 23/3. Theo TS. Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, các nội dung của trang thông tin này có tính chất “mở” để người dân có thể tham gia bình luận, góp ý kiến về các vấn đề “hỏi-đáp”. Trang thông tin nay giúp đại biểu Quốc Hội có thể nhanh chóng nắm bắt được những kiến nghị của của tri, kịp thời có những biện pháp giải quyết từ đó thực hiện tốt hơn nữa chức năng đại diện cho nhân dân. Ngược lại với công dân, trang thông tin này là cơ sở hỗ trợ để người dân có thể biết được những quan điểm cũng như quá trình hoạt động của các đại biểu Quốc hội, tạo cơ hội cho người dân thực hiện quyền được thông tin. Đây cũng là diễn đàn thảo luận về các vấn đề của đất nước.
C. KẾT THÚC VẤN ĐỀ
Tóm lại, việc xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa đại biểu Quốc Hội và cử tri trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết. Nhìn vào tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh – người là một vị đại biểu Quốc Hội mấu mực, trong suốt thời gian hoạt động Người đến với nhân dân, lắng nghe nhân dân. Bác đã từng nói : “Là người đại biểu của nhân dân, phải thật sự đi sâu, đi sát nhân dân hiểu rõ nỗi khổ của dân, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ có chính sách phù hợp”. Ngày nay, các đại biểu Quốc Hội học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh càng cần phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa trong việc trau dồi tư cách của người đại biểu của nhân dân, để nhân dân tín nhiệm từ đó mối quan hệ hữu cơ giữa hai bên càng bền chặt và phát triển. Do kiến thức còn hạn chế nên bài viết chưa được hoàn chỉnh, em rất mong được các thầy cô trong tổ bộ môn đánh giá và đóng góp để bài viết của em thêm hoàn thiện.
Một lần nữa em xin chân thành cảm ơn!
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
A,Sách và các văn bản luật có liên quan.
1.Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hiến pháp Việt Nam, Nxb.CAND, Hà Nội, 2008, 2009.
2.Khoa luật - Đại học quốc gia Hà Nội, Giáo trình luật hiến pháp Việt Nam, Nxb.ĐHQG, Hà Nội, 2005.
3.Viện nghiên cứu nhà nước và pháp luật, Bình luận khoa học hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb.KHXH, Hà Nội, 1995.
4.Hiến pháp năm 1992; năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001)
5. Luật tổ chức Quốc Hội số 30/2001/QH10
6. Nghị quyết liên tịch số 06/2004/NQLT/UBTVQH11-ĐCTUBTWMTTQVN ban hành Hướng dẫn về việc đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri
7. Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội.
B,Các website
1.www.na.gov.vn.
2.www.chinhphu.vn
3.www.dangcongsan.vn
4. www.baodientu.chinhphu.vn
5.www.nguoidaibieu.com.vn
Mục lục
Nội dung Số trang
A. ĐẶT VẤN ĐỀ 1
B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ 1
I.Cơ sở pháp lí. 1
II. Thực trạng mối quan hệ của đại biểu Quốc hội với cử tri 3
1. Về hình thức tiếp xúc cử tri 3
2. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thúc đẩy mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri 5
3. Việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri 5
4. Mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm với cử tri. 6
5. Mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội chuyên trách với cử tri. 6
III. Phương hướng tăng cường mối quan hệ giữa đại biểu Quốc Hội với cử tri. 6
C. KẾT THÚC VẤN ĐỀ 8
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Bài tập lớn hiến pháp.doc