Bàn về việc rút quyết định kháng nghị, quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm

Về thủ tục, cần quy định người rút quyết định kháng nghị giám đốc thẩm phải gửi ngay quyết định rút kháng nghị cho Tòa án đã ra bản án hoặc quyết định bị kháng nghị, Tòa án xét xử giám đốc thẩm, người bị kết án và những người có quyền và lợi ích liên quan đến việc kháng nghị (tương tự như quy định tại khoản 1 Điều 277 BLTTHS); người rút quyết định kháng nghị giám đốc thẩm tại phiên tòa phải gửi ngay thông báo rút kháng nghị cho Tòa án đã ra bản án hoặc quyết định bị kháng nghị và những người có quyền và lợi ích liên quan đến việc kháng nghị không có mặt tại phiên tòa. Việc gửi quyết định rút kháng nghị và thông báo rút kháng nghị tại phiên Tòa giám đốc thẩm cho các chủ thể khác để báo cáo hoặc theo dõi không cần quy định trong BLTTHS mà có thể được quy định tại văn bản dưới luật.

doc5 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2527 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bàn về việc rút quyết định kháng nghị, quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Bàn về việc rút quyết định kháng nghị, quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm I. Việc rút quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, quyết định kháng nghị tái thẩm 1. Việc rút quyết định kháng nghị giám đốc thẩm Theo quy định tại khoản 3 Điều 277 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) “trước khi bắt đầu phiên tòa giám đốc thẩm, người đã kháng nghị có quyền… rút kháng nghị”. Điều luật chỉ quy định chủ thể và thời điểm rút kháng nghị giám đốc thẩm. Theo chúng tôi, nói đến rút kháng nghị giám đốc thẩm còn phải đề cập đến nội dung, hình thức, thủ tục rút kháng nghị và hậu quả của rút kháng nghị. a. Chủ thể rút kháng nghị Chủ thể rút kháng nghị giám đốc thẩm là người đã kháng nghị. Điều 275 BLTTHS quy định các chủ thể có quyền rút kháng nghị giám đốc thẩm bao gồm: - Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) đã kháng nghị bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án các cấp1; - Chánh án Tòa án quân sự trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương đã kháng nghị bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án quân sự cấp dưới; - Chánh án tòa án Nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng viện kiểm sát Nhân dân cấp tỉnh, Chánh án tòa án quân sự cấp quân khu, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu đã kháng nghị bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án cấp dưới. Ngoài ra, Phó viện Trưởng viện kiểm sát, phó chánh án tòa án được uỷ nhiệm kháng nghị giám đốc thẩm (Khoản 1 Điều 36 và khoản 1 Điều 38 BLTTHS) cũng là chủ thể rút kháng nghị. Có quan điểm cho rằng chỉ cần quy định thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm cho Viện trưởng VKSNDTC và Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự Trung ương (VKSQSTW)2 Quan điểm này phù hợp với quan hệ chế ước giữa Viện kiểm sát và tòa án, đồng thời phù hợp định hướng tổ chức lại hệ thống tòa án theo cấp xét xử được đặt ra trong Nghị quyết 49 của Bộ chính trị3. Chúng tôi tán thành quan điểm này, việc quy định Viện trưởng VKSNDTC, Viện trưởng VKSQSTW và những người được họ uỷ quyền kháng nghị đồng thời là người rút kháng nghị được chúng tôi coi là tiền đề cho những đề xuất khác. b. Thời điểm rút kháng nghị Theo quy định của BLTTHS hiện hành, việc rút kháng nghị giám đốc thẩm không được thực hiện tại phiên tòa mà chỉ được thực hiện trước khi bắt đầu phiên tòa. Chúng tôi đề nghị bổ sung quy định về việc rút kháng nghị tại phiên tòa giám đốc thẩm với lý do tại phiên tòa, sau khi nghe trình bày bản thuyết trình về vụ án, các ý kiến, quan điểm về việc giải quyết vụ án (Khoản 2 Điều 282 BLTTHS), người đã kháng nghị mới thấy kháng nghị không có căn cứ hoặc trái pháp luật. Trong trường hợp này không nên tiếp tục khiên cưỡng duy trì kháng nghị. Do đó, cần quy định quyền rút kháng nghị tại phiên tòa. Nếu người đã kháng nghị mà uỷ quyền cho người khác tham gia phiên tòa mà người được uỷ quyền thấy kháng nghị không có căn cứ hoặc trái pháp luật thì đề nghị hoãn phiên tòa để người đã kháng nghị xem xét và quyết định. Đề xuất này cũng phù hợp với hướng dẫn tại khoản 2 Điều 56 Quy chế về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 960/2007/QĐ-VKSTC ngày 17/9/2007 của Viện trưởng VKSNDTC4: “… Phó viện trưởng và kiểm sát nên tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm về những vấn đề đã được Viện trưởng cho ý kiến. Nếu phải thay đổi cơ bản quan điểm đã được Viện trưởng cho ý kiến thì đề nghị hoãn phiên tòa để báo cáo Viện trưởng xem xét và quyết định”. (Khoản 2 Điều 281 BLTTHS chỉ quy định hoãn phiên tòa trong trường hợp Hội đồng giám đốc thẩm biểu quyết đồng ý và không đồng ý với kháng nghị mà không có loại ý kiến nào được quá nửa tổng số thành viên của Uỷ ban thẩm phán, Hội đồng thẩm phán tán thành. Theo chúng tôi, cần quy định thêm trường hợp hoãn phiên theo đề nghị của người được uỷ quyền tham gia phiên tòa khi thấy kháng nghị không có căn cứ hoặc trái pháp luật để người đã kháng nghị xem xét và quyết định). Việc hoãn phiên tòa để người đã kháng nghị xem xét, quyết định tiếp tục giữ nguyên kháng nghị (có thể bổ sung chứng cứ, lập luận) hay rút kháng nghị tuy làm cho việc giải quyết vụ án kéo dài nhưng cần thiết vì điều đó thể hiện sự cân nhắc, thận trọng trong kháng nghị và xét xử. Với định hướng tổ chức lại hệ thống tòa án theo cấp xét xử, không còn nhiều cấp giám đốc thẩm như hiện nay, thì sự cân nhắc, thận trọng càng được đòi hỏi mạnh mẽ hơn. c. Nội dung, hình thức và thủ tục rút kháng nghị BLTTHS không quy định nội dung, hình thức và thủ tục rút kháng nghị giám đốc thẩm. Điều 54 Quy chế số 960 ngày 17/9/2007 quy định trước khi bắt đầu phiên tòa giám đốc thẩm Viện trưởng Viện kiểm sát đã kháng nghị rút kháng nghị có quyền rút kháng nghị bằng văn bản nêu rõ lý do. Quyết định rút kháng nghị được gửi cho Tòa án sẽ xét xử giám đốc thẩm và hồ sơ vụ án; Tòa án đã ra bản án hoặc quyết định bị kháng nghị; người bị kết án và những người có quyền và lợi ích liên quan đến việc kháng nghị; Viện kiểm sát cấp trên để báo cáo và Viện kiểm sát cấp dưới, Viện kiểm sát đã đề nghị kháng nghị, vụ (hoặc phòng) kiểm sát giam giữ cải tạo và vụ (hoặc phòng) kiểm sát thi hành án để theo dõi. Trong trường hợp Viện trưởng VKSNDTC uỷ quyền cho Phó Viện trưởng phụ trách khối ký kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp tỉnh thì quyết định rút kháng nghị phải gửi cho Viện trưởng VKSNDTC để báo cáo. Hướng dẫn của Quy chế cần được tham khảo để pháp điển hoá nội dung, hình thức và thủ tục rút kháng nghị giám đốc thẩm. Về hình thức, cần quy định việc rút kháng nghị giám đốc thẩm trước khi bắt đầu phiên Tòa phải làm thành văn bản; việc rút kháng nghị giám đốc thẩm tại phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa; trong trường hợp hoãn phiên Tòa giám đốc thẩm để người đã kháng nghị xem xét việc rút kháng nghị thì quyết định rút kháng nghị cũng phải làm thành văn bản. Về nội dung, cần quy định việc rút kháng nghị phải nêu rõ lý do. Về thủ tục, cần quy định người rút quyết định kháng nghị giám đốc thẩm phải gửi ngay quyết định rút kháng nghị cho Tòa án đã ra bản án hoặc quyết định bị kháng nghị, Tòa án xét xử giám đốc thẩm, người bị kết án và những người có quyền và lợi ích liên quan đến việc kháng nghị (tương tự như quy định tại khoản 1 Điều 277 BLTTHS); người rút quyết định kháng nghị giám đốc thẩm tại phiên tòa phải gửi ngay thông báo rút kháng nghị cho Tòa án đã ra bản án hoặc quyết định bị kháng nghị và những người có quyền và lợi ích liên quan đến việc kháng nghị không có mặt tại phiên tòa. Việc gửi quyết định rút kháng nghị và thông báo rút kháng nghị tại phiên Tòa giám đốc thẩm cho các chủ thể khác để báo cáo hoặc theo dõi không cần quy định trong BLTTHS mà có thể được quy định tại văn bản dưới luật. d. Hậu quả của việc rút kháng nghị BLTTHS mặc dù có quy định về thời điểm và chủ thể rút kháng nghị giám đốc thẩm nhưng lại không quy định hậu quả của việc rút kháng nghị. Có quan điểm đề nghị bổ sung quy định về hậu quả của việc rút kháng nghị giám đốc thẩm như sau: “Trường hợp người có quyền kháng nghị rút toàn bộ quyết định kháng nghị thì việc giám đốc thẩm phải được đình chỉ nếu không có kháng nghị khác”5. Chúng tôi đồng ý với quan điểm trên và đề nghị quy định thêm thẩm quyền quyết định đình chỉ giám đốc thẩm và việc gửi, thông báo quyết định đình chỉ giám đốc thẩm. Về thẩm quyền, cần quy định quyết định đình chỉ giám đốc thẩm tại phiên tòa thuộc về Hội đồng giám đốc thẩm, trước khi bắt đầu phiên tòa thuộc về thẩm phán được phân công chủ toạ phiên tòa. (BLTTHS hiện hành không có quy định về thẩm phán chủ tọa phiên tòa giám đốc thẩm, nhưng thực tế, tất cả các quyết định giám đốc thẩm đều ghi rõ tên thẩm phán chủ toạ phiên tòa. Vì vậy, cần có quy định chính thức về chủ toạ phiên tòa giám đốc thẩm). Về việc gửi, thông báo quyết định đình chỉ giám đốc thẩm cần quy định tương tự khoản 2 Điều 288 BLTTHS: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ giám đốc thẩm, Tòa án xét xử giám đốc thẩm phải gửi quyết định đình chỉ giám đốc thẩm cho người bị kết án, người kháng nghị, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan công an nơi đã xử sơ thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc. Hội đồng thẩm phán TANDTC cũng cần ban hành mẫu quyết định đình chỉ giám đốc thẩm. 2. Việc rút quyết định kháng nghị tái thẩm BLTTHS không quy định việc rút kháng nghị tái thẩm. Trong thực tế có trường hợp đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa thấy kháng nghị không có căn cứ nên không thể giữ nguyên quan điểm kháng nghị nhưng cũng không thể rút kháng nghị. Ví dụ: Vào 13h30’ ngày 22/7/1988, Vũ Văn Dũng cùng đồng bọn hiếp dâm chị Vũ Thị M tại hang đá nhà thờ Phát Diệm. Sau khi phạm tội, Dũng tự thú và khai báo gian dối họ tên là Trần Văn Dũng. Khi được tại ngoại, Dũng bỏ trốn khỏi địa phương. Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử vắng mặt và kết án bị cáo Trần Văn Dũng 6 năm tù về tội hiếp dâm. Dũng kháng cáo xin giảm hình phạt. Tòa án cấp phúc thẩm đã xét xử vắng mặt bị cáo và giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm đối với Trần Văn Dũng. Tòa án đã ra quyết định thi hành án phạt tù đối với Trần Văn Dũng. Cơ quan công an đã ra lệnh truy nã đối với Trần Văn Dũng vào các năm 1992, 1999 và 2001. Sau khi bị bắt vào ngày 09/10/2001 theo lệnh truy nã, Dũng khai họ tên thật là Vũ Văn Dũng. Qua lời khai của Dũng và các tài liệu xác minh theo thủ tục tái thẩm có căn cứ xác định Trần Văn Dũng có họ tên thật là Vũ Văn Dũng, con ông Vũ Đình Thi và bà Trần Thị Hiên, là người phạm tội hiếp dâm năm 1988 và đã bị tòa án kết án 6 năm tù. Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm đề nghị huỷ bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm để điều tra lại với lý do bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm xác định không đúng họ của bị cáo. Tại phiên tòa tái thẩm, đại diện viện kiểm sát thấy tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm xét xử đúng người, đúng tội và đúng pháp luật; việc sai lầm của các Tòa án này về họ của bị cáo chỉ cần sửa lại bằng cách đính chính bản án, chứ không cần huỷ bản án để điều tra lại như kháng nghị tái thẩm yêu cầu. Tuy nhiên, BLTTHS không quy định Việc rút kháng nghị tái thẩm nên đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị Hội đồng tái thẩm giữ nguyên bản án phúc thẩm để Tòa án cấp phúc thẩm đính chính họ của người bị kết án theo đúng kết quả xác minh. Hội đồng tái thẩm căn cứ Điều 296 và Điều 298 BLTTHS quyết định không chấp nhận kháng nghị tái thẩm và giữ nguyên bản án phúc thẩm; yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm đính chính bản án phúc thẩm cho đúng họ tên bị cáo và bố mẹ của bị cáo6. Việc đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa đề nghị Hội đồng tái thẩm giữ nguyên bản án phúc thẩm là ngược lại với kháng nghị thực chất của việc đề nghị này là rút lại quan điểm trong kháng nghị. Nhưng do BLTTHS không quy định việc rút kháng nghị tái thẩm, không có cơ sở pháp lý để đình chỉ tái thẩm nên Hội đồng tái thẩm buộc phải quyết định không chấp nhận kháng nghị. Vì vậy, BLTTHS cần quy định về rút kháng nghị tái thẩm với nội dung tương tự như quy định về rút kháng nghị giám đốc thẩm. II. Việc rút quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm, quyết định không kháng nghị tái thẩm Trong trường hợp có căn cứ và còn thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì người có quyền kháng nghị phải ra quyết định kháng nghị. Ngược lại, nếu không có căn cứ, hoặc có căn cứ nhưng đã hết thời hạn kháng nghị thì người có quyền kháng nghị phải trả lời cho người hoặc cơ quan, tổ chức đã phát hiện bản án, quyết định cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm biết lý do của việc không kháng nghị. Như vậy, đa số trường hợp, việc không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thể hiện dưới hình thức “thông báo”. Duy nhất việc không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thể hiện dưới hình thức “quyết định” là trường hợp Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC khi xem xét bản án tử hình trước khi thi hành thấy không có căn cứ kháng nghị. Đoạn 2 khoản 1 Điều 258 BLTTHS quy định trong thời hạn 2 tháng, kể từ ngày nhận được bản án và hồ sơ vụ án tử hình, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC phải quyết định kháng nghị hoặc “quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm”. Quyết định không kháng nghị là cơ sở (hoặc một trong các cơ sở) để thi hành hình phạt tử hình7. Do đó, theo chúng tôi cần bổ sung từ “quyết định” vào khoản 2 Điều 258 BLTTHS như sau: “Bản án tử hình được thi hành, nếu Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC ra quyết định không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm”. BLTTHS hiện hành, trong khi quy định về quyết định kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm theo thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành nhưng lại không quy định việc rút quyết định này. Thực tế cho thấy Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC sau khi ra quyết định không kháng nghị có thể rút lại quyết định. Ví dụ: Huỳnh Văn M bị tòa án cấp sơ thẩm phạt tử hình về tội giết người, 3 năm tù về tội hiếp dâm, tổng hợp hình phạt của cả hai tội là tử hình. tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm về tội danh và hình phạt đối với M. Hội đồng giám đốc thẩm tại Uỷ ban thẩm phán TANDTC8 cũng giữ nguyên quyết định của bản án phúc thẩm đối với M. Ngày 31/8/2001 Chánh án TANDTC có quyết định không kháng nghị và ngày 04/10/2001 Viện trưởng VKSNDTC cũng có quyết định không kháng nghị quyết định giám đốc thẩm của Uỷ ban thẩm phán TANDTC đối với M. Sau khi có các quyết định nói trên, gia đình người bị kết án có nhiều đơn khiếu nại, một số đại biểu Quốc hội và lãnh đạo một số cơ quan chức năng cũng có văn bản đề nghị TANDTC và VKSNDTC xem xét lại vụ án. Tại quyết định kháng nghị số 35/HS-TK ngày 18/8/2003, Chánh án TANDTC rút quyết định không kháng nghị số 125/TK ngày 31/8/2001 của Chánh án TANDTC, đề nghị Hội đồng thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm giảm hình phạt cho M xuống tù chung thân9. Tại phiên tòa giám đốc thẩm, Viện trưởng VKSNDTC cũng rút quyết định không kháng nghị số 130/KSXXHS ngày 04/10/2001 của Viện trưởng VKSNDTC10. Vụ án trên được giải quyết trước khi BLTTHS năm 2003 có hiệu lực pháp luật nhưng những vấn đề pháp lý đặt ra vẫn còn nguyên giá trị: cần bổ sung vào BLTTHS hiện hành quy định về việc rút quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm theo thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành trong trường hợp quyết định không kháng nghị không có căn cứ hoặc trái pháp luật. 1. Trừ quyết định của Hội đồng thẩm phán TANDTC vì đây là quyết định của cơ quan xét xử cao nhất. 2. Phan Thị Thanh Mai, “Giám đốc thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam”, Luận án tiến sỹ luật học, Hà Nội, 2007, Tr. 157-163. 3. Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ chính trị ngày 02/06/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. 4. Sau đây viết tắt là Quy chế Số 960 5. Phan Thị Thanh Mai, “Giám đốc thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam”, Luận án tiến sỹ luật học, Hà Nội, 2007, Tr. 165. 6. Quyết định tái thẩm số 17/HĐTP-HS ngày 29/9/2004 của Hội đồng thẩm phán TANDTC. 7. Trường hợp người bị kết án không xin ân giảm thì bản án tử hình được thi hành nếu tòa án xử sơ thẩm đã nhận được quyết định không kháng nghị của Chánh án TANDTC và quyết định không kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC; hoặc đã nhận được quyết định giám đốc thẩm hoặc quyết định tái thẩm của TANDTC giữ nguyên bản án tử hình. Trường hợp người bị kết án xin ân giảm thì bản án tử hình được thi hành nếu tòa án xử sơ thẩm đã nhận được quyết định không kháng nghị của Chánh án TANDTC, quyết định không kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC và bản sao quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình; hoặc đã nhận được quyết định giám đốc thẩm hoặc quyết định tái thẩm của TANDTC giữ nguyên bản án tử hình và bản sao quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình. 8. Theo quy định tại Điều 248 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 1988, Uỷ ban thẩm phán TANDTC là một cấp giám đốc thẩm xét lại những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAQSTW, tòa hình sự, tòa phúc thẩm TANDTC. 9. Theo quy định tại điểm 4 Điều 254 và Điều 257 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, hội đồng giám đốc thẩm có quyền sửa bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật. 10. Quyết định giám đốc thẩm số 05/2004/HĐTP-HS ngày 24/02/2004 của Hội đồng thẩm phán TANDTC. Tạp chí Tạp chí số 6/2007

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docNghiên cứu việc rút quyết định kháng nghị, quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.doc
Tài liệu liên quan