Thay đổi nhận thức về vai trò của không gian buôn làng
đối với việc bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống của các tộc
người Tây Nguyên
Cho đến nay, giới hoạch định chính sách và giới quản lý văn hóa
ở trung ương, địa phương chưa thực sự nhận ra vai trò trọng yếu của
không gian buôn làng như là không gian thực hành, nuôi dưỡng và trao
truyền các giá trị văn hóa tộc người. Để khắc phục hạn chế này, cần
xem qui hoạch, bảo tồn không gian buôn làng là nhiệm vụ hàng đầu
trong qui trình bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống.
3.3.2. Thay đổi nhận thức về vai trò của du lịch cộng đồng
trong phát triển kinh tế và bảo tồn vốn văn hóa địa phương
Chính quyền địa phương cần xây dựng một lộ trình với các bước
đi cụ thể nhằm qui hoạch, xây dựng các tuyến du lịch cộng đồng trên cơ
sở phát huy giá trị văn hóa của một số buôn Ê Đê trên địa bàn thành
phố mà trước hết và chủ yếu là các buôn thuộc xu hướng bảo tồn không
gian văn hóa buôn làng.
27 trang |
Chia sẻ: mimhthuy20 | Lượt xem: 725 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Biến đổi không gian văn hóa buôn làng ê đê ở Buôn Ma Thuột từ sau 1975 đến nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
hóa của cộng đồng buôn làng.
1.2.2.2. Cấu trúc không gian buôn làng Tây Nguyên
Không gian văn hóa buôn làng là một chỉnh thể không gian được
cấu thành bởi 4 yếu tố:
- Không gian sản xuất: nơi cung cấp các nguồn lợi từ tự nhiên
(đất, nước, hệ thực vật và động vật, khoáng sản ...) mà con người có
quyền tiếp cận, khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu sinh tồn. Theo Julian
Steward (1902-1972), qua thời gian, các mô hình, chiến lược sinh kế
của các cộng đồng đã thay đổi để thích ứng với một môi trường sống;
7
- Không gian cư trú: nơi ở của các hộ gia đình trong cộng đồng,
nơi diễn ra toàn bộ đời sống dân sự thường nhật;
- Không gian sinh hoạt cộng đồng: nơi diễn ra các sinh hoạt chung
của cộng đồng, trong đó đáng chú ý là nhà cộng đồng (communal house)
và khu vui chơi, giải trí;
- Không gian sinh hoạt tín ngưỡng: nơi con người tổ chức các sinh
hoạt tín ngưỡng để tạo nên sự giao tiếp giữa thế giới thực với thế giới
tâm linh.
Theo quan điểm của Radcliffe-Brown (1881-1955), sự liên kết
chức năng giữa các thành tố trong cấu trúc không gian văn hóa buôn làng
là cơ sở duy trì toàn bộ đời sống văn hóa của cộng đồng buôn làng. Khi
sự liên kết này không còn diễn ra thì cấu trúc không gian bị phá vỡ, đời
sống của cộng đồng bị đảo lộn. Để tái cân bằng đời sống, cộng đồng tất
yếu phải đi tìm các thành tố mới và chấp nhận tồn tại trong một không
gian mới đã trở nên xáo trộn so với không gian cũ. Lúc này, sự tương tác
thường xuyên giữa các chủ thể cũ và mới đã mở đường cho quá trình tiếp
biến văn hóa trong một không gian sinh tồn vốn đã trở nên đa chủ thể, đa
văn hóa.
1.3. Cấu trúc không gian buôn làng Ê Đê truyền thống
1.3.1. Không gian cư trú
Người Ê Đê thường cư trú trên những địa thế tương đối bằng
phẳng, cao ráo, đất đai màu mỡ, gần nguồn nước để phục vụ cho sản
xuất và sinh hoạt. Nhà truyền thống của người Ê Đê là một ngôi nhà dài
(sang), được định hướng theo trục Bắc - Nam, có hai bộ phận chính:
phòng chung (gah) và các phòng riêng (ôk). Nhà sàn dài là nơi ở của
một gia đình mẫu hệ mở rộng, gồm nhiều gia đình nhỏ và mỗi hộ gia
đình sinh hoạt trong một ngăn buồng của ngôi nhà. Những người có vai
trò điều phối đời sống gia đình là vợ chồng bà chủ nhà (pô sang) - thường
là người chị cả và dăm dei (tạm dịch là ông cậu) - những người anh/em
trai ruột hoặc anh/em trai họ của mẹ.
1.3.2. Không gian sản xuất
8
Không gian sản xuất của một buôn Ê Đê thường rộng hơn khu cư
trú nhiều lần, gồm rừng tự nhiên, rẫy (rừng tự nhiên đã được khai hoang để
trồng trọt) và các sông suối, đầm lầy. Đại diện cho quyền sở hữu của cộng
đồng buôn làng là pô lăn. Pô lăn, về danh nghĩa, là người đàn bà quản lí đất
đai của dòng họ, buôn làng. Nhưng trên thực tế, chồng của bà mới là người
hành sự công việc, cũng là chủ bến nước, chủ làng. Trên không gian sản
xuất, người Ê Đê làm rẫy theo hình thức hưu canh luân khoảnh.
1.3.3. Không gian sinh hoạt cộng đồng
Bến nước là trung tâm sinh hoạt cộng đồng của mỗi buôn Ê Đê.
Ngoài chức năng hàng đầu là cung cấp nguồn nước sinh hoạt, bến nước
là một nơi gặp gỡ quan trọng nhất của các thành viên trong làng. Theo
quan niệm của người Ê Đê, mỗi bến nước đều có một vị thần trông coi,
cai quản nên vào tháng 3 dương lịch hàng năm, các buôn Ê Đê thường
tổ chức lễ cúng bến nước (tuk pin ea) để cầu mưa thuận, gió hòa.
Cùng với bến nước, bản thân ngôi nhà sàn dài của các hộ gia đình
cũng “kiêm nhiệm” thêm chức năng của một không gian sinh hoạt cộng
đồng. Các cuộc lễ hiến sinh trong nhà sàn là dịp gặp gỡ giữa thành viên
trong gia đình với dòng họ, buôn làng.
1.3.4. Không gian sinh hoạt tín ngưỡng
Từ lăng kính “vạn vật hữu linh”, người Ê Đê nhìn thấy các yang
(thần linh) hiện diện khắp nơi trong không gian sinh tồn của con người:
trong rừng thiêng, trên rẫy, ngoài bến nước, ngoài nghĩa địa, trong nhà sàn.
Trên các không gian này, đã diễn ra các nghi lễ - lễ hội nông nghiệp và
nghi lễ - lễ hội vòng đời.
1.4. Khái quát về các buôn được lựa chọn nghiên cứu
1.4.1. Buôn Alê A
Buôn Alê A thuộc phường Ea Tam (thành phố Buôn Ma Thuột).
Về vị trí địa lý, buôn Alê A nằm ở vùng trung tâm thành phố Buôn Ma
Thuột. Về cơ cấu nghề nghiệp, do thiếu đất nông nghiệp, người dân Alê
A lựa chọn 2 nguồn sinh kế chính là làm công chức nhà nước và làm
thuê công nhật. Về mức sống, theo xếp loại của chính quyền địa
phương, buôn Alê A nằm ở mức trung bình. Về cơ cấu tín ngưỡng - tôn
9
giáo, nhóm Thiên Chúa giáo và Tin Lành ở buôn Alê A (60,66%)
chiếm tỷ lệ áp đảo so với nhóm tín ngưỡng truyền thống (39,34%).
1.4.2. Buôn Ea Bông
Buôn Ea Bông thuộc xã Cư Êbur. Về vị trí địa lý, buôn Ea Bông
thuộc vùng phụ cận/ngoại ô của thành phố Buôn Ma Thuột. Về cơ cấu
nghề nghiệp, người Ea Bông thuần túy sống bằng nghề nông (thâm
canh cây cà phê, trồng lúa nước và chăn nuôi). Về mức sống, buôn Ea
Bông được xếp hạng trung bình khá. Về cơ cấu tín ngưỡng - tôn giáo, ở
Ea Bông, nhóm tín ngưỡng truyền thống là nhóm vượt trội (63,47%) so
với các nhóm tôn giáo (36,53%).
1.4.3. Buôn Akô Dhông
Akô Dhông thuộc phường Tân Lợi. Về vị trí địa lý, buôn Ako
Dhông ở vùng cận trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột. Về cơ cấu
nghề nghiệp, người dân Ako Dhông kết hợp giữa thâm canh cây cà phê
và cung cấp dịch vụ (cho thuê đất, phòng trọ, du lịch cộng đồng). Về
mức sống, buôn Ako Dhông được xếp hạng khá. Về cơ cấu tín ngưỡng
- tôn giáo, Ako Dhông là một buôn thuần túy Thiên Chúa giáo (100%).
Tiểu kết chương 1
Khái niệm không gian văn hóa buôn làng hàm chỉ một thực thể
không gian đóng vai trò như là không gian sáng tạo, thực hành và nuôi
dưỡng các giá trị văn hóa của cộng đồng buôn làng. Về mặt cấu trúc,
không gian văn hóa buôn làng là một chỉnh thể gồm 4 thành tố có mối
quan hệ tương hỗ: không gian sản xuất, không gian cư trú, không gian
sinh hoạt cộng đồng và không gian sinh hoạt tín ngưỡng.
Để phân tích quá trình biến đổi không gian văn hóa buôn làng của
cộng đồng Ê Đê ở Buôn Ma Thuột từ sau 1975 đến nay, luận án vận dụng
quan điểm “lõi văn hóa” của lý thuyết sinh thái học văn hóa, quan điểm
“tiếp biến văn hóa” của lý thuyết biến đổi văn hóa và quan điểm “liên kết
chức năng”, “cân bằng hệ thống” của lý thuyết chức năng.
Chương 2: SỰ VẬN ĐỘNG CỦA CÁC THÀNH TỐ CẤU THÀNH
KHÔNG GIAN VĂN HÓA BUÔN LÀNG Ê ĐÊ
10
2.1. Bối cảnh tác động đến không gian văn hóa buôn làng Ê
Đê ở Buôn Ma Thuột từ sau 1975 đến nay
2.1.1. Chính sách phát triển của nhà nước
2.1.1.1. Quốc hữu hóa tài nguyên đất rừng
Sau 1975, ở Buôn Ma Thuột nói riêng, và Tây Nguyên nói
chung, nhà nước tiến hành quốc hữu hóa toàn bộ tài nguyên đất, rừng
và giao cho các nông lâm trường quản lý.
2.1.1.2. Tập thể hóa và giải thể hợp tác xã nông nghiệp
Giai đoạn 1978 - 1980, nhà nước đã vận động các dân tộc tại chỗ
ở Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên chuyển sang kinh tế tập thể - thông
qua hình thức tập đoàn và hợp tác xã nông nghiệp. Đến cuối thập niên
1980, mô hình hợp tác xã được giải thể, đất sản xuất được chia đều cho
các nhóm di cư và các nhóm dân tộc thiểu số tại chỗ.
2.1.1.3. Phát triển cây công nghiệp
Sau 1975, trong bối cảnh nhà nước khuyến khích người dân
đẩy mạnh thâm canh cây công nghiệp, Buôn Ma Thuột đã nổi lên như
là thủ phủ cà phê của Đắk Lắk và Tây Nguyên nhờ chất lượng và
hương vị cà phê đặc biệt của nó.
2.1.1.4. Mở rộng đô thị
Sau 1975, Buôn Ma Thuột đã trải qua một quá trình chuyển đổi
mạnh mẽ. Năm 1995, thị xã Buôn Ma Thuột được nâng cấp lên qui mô
thành phố, trở thành đô thị loại II vào năm 2005 và đô thị loại I vào
năm 2010. Theo dự kiến, đến năm 2020, Buôn Ma Thuột sẽ trở thành
đô thị trực thuộc Trung ương, cũng là đô thị trung tâm của vùng Tây
Nguyên.
2.1.2. Phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội
Trong hai thập niên gần đây, Buôn Ma Thuột đã thu được
những tiến bộ đáng kể về tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu
kinh tế. Theo số liệu của UBND Thành phố Buôn Ma Thuột, giai đoạn
2001 - 2008, mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của thành
phố đạt trên 12%. Các thành tựu kinh tế của thành phố đã thúc đẩy
những tiến bộ trong lĩnh vực văn hóa, xã hội. Về cơ sở hạ tầng, Buôn
11
Ma Thuột đã nhựa hoá 100% các trục đường giao thông liên thôn và
các trục giao thông nội thôn - buôn, 100% đường phố chính và 80%
đường hẻm đã được chiếu sáng, 90% hộ gia đình khu vực nội thành và
22,8% hộ gia đình khu vực ngoại thành được sử dụng nước sạch, tỷ lệ
sử dụng điện thoại đạt mức 124 máy/100 dân. Bên cạnh đó, công tác
giảm nghèo đạt kết quả tốt: tỷ lệ hộ giảm nghèo trung bình/năm trong
giai đoạn 2010 - 2015 là 1,2% và tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 giảm xuống
còn 0,9%.
2.1.3. Chuyển dịch cơ cấu dân cư và dân tộc
Trong các thập niên qua, Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của
nhiều luồng di cư trong cả nước. Hiện nay, ở Buôn Ma Thuột có 40 tộc
người cùng sinh sống, trong đó, người Kinh và các nhóm thiểu số phía
Bắc chiếm tỷ lệ gần 90%. Nhóm dân tộc tại chỗ - với thành phần chủ yếu
là người Ê Đê chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu dân cư của thành phố:
11,21% (38.660/344.637).
2.1.4. Chuyển dịch cơ cấu tôn giáo
Bằng nhiều con đường, từ trước 1975, các tôn giáo lớn như
Phật giáo, Tin Lành, Thiên Chúa giáo đã du nhập vào Buôn Ma Thuột.
Hiện nay, bức tranh tôn giáo của Buôn Ma Thuột khá phong phú về loại
hình, thu hút đông đảo các nhóm dân tộc tham gia. Cộng đồng người
Kinh chiếm tỷ lệ lớn trong nhóm tín đồ Phật giáo và Thiên chúa giáo.
Ngược lại, cộng đồng dân tộc tại chỗ lại áp đảo trong cơ cấu tín đồ Tin
Lành.
2.2. Biến đổi không gian sản xuất
2.2.1. Sự thay đổi chế độ sở hữu, quản lý và sử dụng đất
Sau 1975, bước chuyển đầu tiên trong không gian sản xuất của các
làng Ê Đê ở Buôn Ma Thuột là sự thay đổi chế độ sở hữu, quản lý và sử
dụng đất: từ sở hữu cộng đồng buôn làng chuyển sang sở hữu tập thể và
từ sở hữu tập thể chuyển sang sở hữu tư nhân, mở đường cho những thay
đổi trong chiến lược sinh kế của mỗi cộng đồng.
2.2.2. Những thay đổi trong văn hóa sản xuất
2.2.2.1. Từ trồng lúa khô chuyển sang canh tác lúa nước
12
Từ cuối thập niên 1980, trước triển vọng lương thực của cây lúa
nước, các buôn Ê Đê ở Buôn Ma Thuột đã bỏ hẳn tập tục canh tác lúa
khô trên đất rẫy để chuyển sang trồng lúa nước dưới ruộng thấp.
2.2.2.2. Từ sản xuất tự túc chuyển sang thâm canh cây công nghiệp
Bước ngoặt sinh kế quan trọng nhất ở các buôn Ê Đê sau 1975 là
việc chuyển sang thâm canh cây công nghiệp (chủ yếu là cây cà phê)
theo hướng hàng hóa. Hiện nay, đối với các buôn còn nhiều đất sản
xuất như Ea Bông và Ako Dhông, cà phê không chỉ chiếm tỷ lệ tuyệt
đối trong cơ cấu diện tích nông nghiệp của buôn mà cũng là nguồn thu
cơ bản của các hộ gia đình. Đối với các buôn thiếu đất như buôn Alê A,
người dân phải tìm đến các chiến lược sinh kế phi nông nghiệp.
2.2.3. Hệ quả của sự thay đổi không gian sản xuất
2.2.3.1. Cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân
Mô hình thâm canh cây công nghiệp là một bước chuyển lớn
trong không gian sản xuất, đã góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh
thần cho người Ê Đê ở Buôn Ma Thuột. Cây cà phê được chính người
dân nhìn nhận như một loại cây trồng giúp họ thoát nghèo và làm giàu.
Ở các cộng đồng được nghiên cứu, tỷ lệ giảm nghèo liên tục giảm qua
các năm. Ngoài ra, quá trình thâm canh cà phê - với các công đoạn
phức tạp của nó, đã góp phần hình thành tính năng động xã hội cho
những người nông dân Ê Đê ở Buôn Ma Thuột.
2.2.3.2. Sự mai một của tri thức dân gian và các nghi lễ nông
nghiệp
Việc áp dụng mô hình thâm canh cây công nghiệp theo hướng hàng
hóa trên một không gian sản xuất ngày càng bị thu hẹp đã khiến cho các tri
thức nông nghiệp truyền thống của người Ê Đê không còn điều kiện áp
dụng và dần bị rơi rụng. Bên cạnh đó, hệ thực vật truyền thống cũng ngày
một vắng bóng. Tri thức dân gian về chăm sóc sức khỏe cũng được thay
thế bằng mạng lưới y tế của nhà nước và tư nhân. Các chiến lược sinh kế
mới còn tác động trực tiếp đến số phận của các nghi lễ nông nghiệp
truyền thống. Ngày nay, người Ê Đê ở Buôn Ma Thuột không còn thực
hiện các lễ cúng thần lúa theo chu kì sinh trưởng của loài cây này.
13
Những thay đổi trong thực hành các nghi lễ nông nghiệp tất yếu
kéo theo sự thất thoát của vốn di sản cồng chiêng vì sinh hoạt cồng
chiêng luôn gắn liền với hoạt động nghi lễ, lễ hội. Nhìn chung, từ sau
1975 đến nay, di sản cồng chiêng Ê Đê ở Buôn Ma Thuột và Đắk Lắk
đã suy giảm nhanh chóng về số lượng bộ cồng chiêng, nghệ nhân đánh
cồng chiêng, nghệ nhân chỉnh chiêng, số lượng bài bản. Đồng thời,
không gian, thời gian, bối cảnh, mục đích của sinh hoạt cồng chiêng
cũng bị đảo lộn.
Ngoài ra, sự thay đổi chế độ sở hữu tài nguyên cũng gián tiếp giải
thể thiết chế tự quản buôn làng truyền thống. Ở từng buôn, thiết chế tự
quản truyền thống được thay thế bằng một bộ máy quản trị mới gồm
trưởng buôn, phó buôn, bí thư chi bộ và hội trưởng các đoàn thể quần
chúng. Dấu vết truyền thống chỉ còn sót lại qua nhân vật già làng - một
chức danh phi quan phương và tổ hòa giải mà chức năng chủ yếu là giải
quyết các mâu thuẫn trong buôn.
2.2.3.3. Sự thay đổi của các tiêu chí, nguyên tắc cơ bản trong
hôn nhân
Trong tiêu chí kết hôn của người Ê Đê hiện nay, đất là nhân tố quan
trọng bậc nhất. Đất góp phần làm tăng hay giảm giá trị và mức độ chủ động
của một người khi đến tuổi kết hôn, đặc biệt là người con gái. Tình trạng đất
đai khan hiếm còn gián tiếp phá vỡ nguyên tắc cư trú bên nhà vợ sau
hôn nhân - vốn là nguyên tắc đặc trưng của chế độ mẫu hệ.
2.3. Biến đổi không gian cư trú
2.3.1. Biến đổi loại hình gia đình và phong cách kiến trúc
2.3.1.1. Gia đình mở rộng phân rã thành các gia đình hạt nhân
Đầu thập niên 1980, nhà nước tổ chức định canh định cư cho các
làng Tây Nguyên. Với người Ê Đê, định cư có nghĩa là chuyển từ hình
thức gia đình mẫu hệ mở rộng sang hình thức gia đình hạt nhân. Nói khác
đi, các hộ gia đình nhỏ sẽ tách khỏi hộ lớn để trở thành các hộ độc lập.
2.3.1.2. Từ nhà sàn dài truyền thống chuyển sang nhà sàn “hạt nhân”
Cùng với quá trình tách hộ, người Ê Đê đã chuyển từ nhà sàn dài
truyền thống sang cư trú trong các nhà sàn nhỏ, tương ứng với qui mô
14
của hộ gia đình hạt nhân. So với nhà sàn dài truyền thống, nhà sàn “hạt
nhân” không chỉ thu nhỏ về qui mô, mà còn “phá cách” về kết cấu,
hướng nhà, nguyên vật liệu và nguyên tắc sử dụng...
2.3.1.3. Từ nhà sàn “hạt nhân” chuyển sang nhà bê tông
Từ sau năm 2000, bê tông hóa nhà ở thực sự trở thành một phong
trào ở các buôn Ê Đê. Trong giai đoạn này, sự xuống cấp của nhà sàn
càng khiến nhiều hộ gia đình quyết định lựa chọn nhà xây. Tương quan
giữa nhà sàn và nhà xây thay đổi nhanh chóng. Đến nay, theo thống kê
của Phòng dân tộc thành phố, nhà sàn chỉ còn chiếm tỷ lệ 1-2% trong
cơ cấu nhà ở của các buôn.
2.3.2. Biến đổi cơ cấu dân tộc
Sau 1975, các dòng nhập cư liên tục đổ về Buôn Ma Thuột đã
làm thay đổi cơ cấu dân dân tộc ở các làng Ê Đê. Đặc biệt, từ sau thập
niên 1990, cơ cấu dân tộc trong các buôn Ê Đê thay đổi rõ rệt. Số lượng
người Kinh dần dần ngang bằng rồi vượt trội so với người Ê Đê.
2.3.3. Hệ quả của sự biến đổi không gian cư trú
2.3.3.1. Những thay đổi trong đời sống gia đình và hôn nhân
a) Tính độc lập của các hộ gia đình hạt nhân
Sau khi tách hộ, gia đình nhỏ (boh gõ) không còn là một phần tử
khăng khít của gia đình lớn như xưa kia mà độc lập về nơi ở cũng như
về kinh tế. Trong một chừng mực nhất định, quá trình tách hộ vô hình
trung đã hình thành ý thức cá nhân và ý thức tư hữu của người Ê Đê
hiện đại.
b) Sự thay đổi về quyền thừa kế và phân chia tài sản
Ngày nay, trong các gia đình Ê Đê, quyền thừa kế này đang có
xu hướng dịch chuyển từ người con gái cả sang người con gái út. Khi
bố mẹ phân chia tài sản và đất đai, cô út bao giờ cũng được nhận phần
hơn so với các anh, chị lớn. Bên cạnh đó, sự phân chia tài sản cũng
đang có xu hướng thay đổi trên bình diện giới tính: con trai cũng được
hưởng một phần tài sản của bố mẹ, kể cả đất sản xuất.
2.3.3.2. Tiếp biến văn hóa giữa người Ê Đê và người Kinh
15
Thực chất của tiếp biến văn hóa là nhóm Ê Đê tiếp nhận các giá
trị, khuôn mẫu của nhóm Kinh và biến thành các giá trị, khuôn mẫu của
chính họ. Tiếp biến văn hóa biểu hiện trên nhiều phương diện căn bản
của cuộc sống: kiến trúc, ẩm thực, trang phục, sinh hoạt tín ngưỡng, lựa
chọn nghề nghiệp, sản xuất, ...
2.4. Biến đổi không gian sinh hoạt cộng đồng
2.4.1. Các không gian truyền thống
Nhìn chung, sau 1975, các không gian sinh hoạt cộng đồng
truyền thống ở các buôn Ê Đê đều lần lượt biến mất. Ea Bông và Ako
Dhông là những trường hợp đặc biệt khi còn giữ được một góc rừng
đầu nguồn và bến nước cộng đồng.
2.4.2. Sự xuất hiện của nhà văn hóa mới
Về lý thuyết, nhà văn hóa mới ra đời nhằm lấp “khoảng trống”
chức năng mà các không gian cũ để lại. Nhưng trên thực tế, nhà văn
hóa chủ yếu thực hiện chức năng của một không gian hành chính, chưa
góp phần đáp ứng các nhu cầu văn hóa đa dạng của cộng đồng.
2.4.3. Hệ quả của sự biến đổi không gian sinh hoạt cộng đồng
2.4.3.1. Lễ cúng bến nước đối diện nguy cơ suy tàn
Hiện nay, trong số 33 buôn Ê Đê ở Buôn Ma Thuột, buôn Ea
Bông và buôn Ko Tam (xã Ea Tul) là 2 trường hợp hiếm hoi còn tổ
chức lễ cúng bến nước. Tuy nhiên, trong khi lễ cũng bến nước ở buôn
Ko Tam mang sắc thái du lịch thì việc duy trì lễ cũng bến nước ở buôn
Ea Bông trong thời gian tới đang là một khả năng để ngỏ.
2.4.3.2. Cộng đồng thiếu không gian thực hành văn hóa
Với các làng Ê Đê ở Buôn Ma Thuột hiện nay, trong khi các
không gian truyền thống đã biến mất (rừng thiêng, bến nước) thì không
gian mới (nhà văn hóa) chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu sinh hoạt
của cộng đồng. Hệ quả, cộng đồng thiếu một không gian thực hành văn
hóa tộc, kéo theo nguy cơ mai một các giá trị văn hóa đặc sắc và cơ bản
của tộc người.
2.4.3.3. Lớp trẻ thiếu tri thức về truyền thống tộc người
16
Việc thiếu vắng không gian thực hành văn hóa đã làm hạn chế sự
hiểu biết truyền thống của lớp trẻ, dẫn đến nguy cơ đứt đoạn giá trị, đứt
đoạn văn hóa do thiếu tính kế thừa giữa các thế hệ.
2.5. Biến đổi không gian sinh hoạt tín ngưỡng
2.5.1. Sự “lên ngôi” của các không gian mới
2.5.1.1. Nhà thờ Thiên chúa và cộng đồng Ê Đê Thiên Chúa giáo
Mặc dù đã tạo dựng được các cơ sở hoạt động vững chắc ở Buôn
Ma Thuột từ cuối thập niên 1950, nhưng cho đến trước 1975, Thiên
Chúa giáo chưa tạo được ảnh hưởng lớn trong cộng đồng Ê Đê sở tại.
Tuy nhiên, sau 1975, đặc biệt trong thời kì bao cấp, số tín đố Ê Đê đi
rửa tội và tham gia sinh hoạt ở nhà thờ Mẫu Tâm ngày càng nhiều, dẫn
đến sự hình thành cộng đồng Ê Đê Thiên Chúa giáo ở Buôn Ma Thuột
với tôn chỉ sinh hoạt theo hướng kết hợp giữa giáo lý Thiên Chúa với
văn hóa Ê Đê truyền thống.
2.5.1.2. Nhà thờ Tin Lành và cộng đồng Ê Đê Tin Lành
Người Ê Đê ở Buôn Ma Thuột tiếp xúc với Đạo Tin Lành sớm
hơn Thiên Chúa giáo. Trước Giải phóng, cộng đồng tín đồ Ê Đê ở Buôn
Ma Thuột đã xây được nhà thờ và gây dựng hội thánh ở một số buôn.
Sau 1975, xu hướng chuyển sang đạo Tin Lành của người Ê Đê ở Buôn
Ma Thuột tiếp tục duy trì và phát triển mạnh nhất từ thập niên 1990
trở lại đây. Về mặt nghi lễ và các thực hành văn hóa liên quan, đạo Tin
Lành và tín ngưỡng truyền thống của người Ê Đê thuộc về hai thế giới
quan, hai thái cực rất khác nhau.
2.5.2. Những thay đổi trong không gian nghĩa địa
2.5.2.1. Khu dân cư tiến sát nghĩa địa
Sau 1975, quá trình phát triển đô thị và quá trình bùng nổ dân số
đã làm cho khu dân cư của các buôn Ê Đê ngày càng tiến sát nghĩa địa
của buôn. Vì thế, các quan niệm và nguyên tắc qui định sự đối lập
phương hướng giữa khu dân cư (hướng Đông) và khu nghĩa địa (hướng
Tây) từng có hiệu lực mạnh mẽ trong quá khứ ngày càng trở nên mờ
nhạt.
2.5.2.2. Xu hướng bê tông hóa trong kiến trúc nghĩa địa
17
Kể từ thời định canh định cư, đặc biệt từ thập niên 1990, do ảnh
hưởng của người Kinh, mộ xây đã xuất hiện và dần trở thành mô típ
kiến trúc chủ đạo trong các nghĩa địa Ê Đê ở Buôn Ma Thuột.
2.5.2.3. Các thực hành mới trong nghĩa địa
Cái mới thứ nhất là nguyên tắc thân tộc không còn ý nghĩa trong
việc xác định vị trí của các ngôi mộ; Cái mới thứ hai là người Ê Đê ở
Buôn Ma Thuột không còn phân biệt cái “chết dữ” và cái chết thông
thường. Cả hai kiểu chết đều được người sống thực hiện các nghi lễ
tương tự nhau; Cái mới thứ ba là tục tảo mộ của người Kinh đã bén rễ
trong nghĩa địa của người Ê Đê ở Buôn Ma Thuột.
2.5.3. Hệ quả của sự biến đổi không gian tín ngưỡng
2.5.3.1. Sự suy tàn của lễ hội bỏ mả và nghệ thuật điêu khắc nhà mồ
Sau 1975, tuy kịch bản ở từng buôn khác nhau, nhưng về cơ bản,
từ thập niên 1990, người Ê Đê ở Buôn Ma Thuột hầu như không còn
làm lễ bỏ mả. Sự biến mất của lễ bỏ mả tất yếu kéo theo sự suy tàn của
nghệ thuật tượng nhà mồ Ê Đê.
2.5.3.2. Sự kết hợp giữa tín ngưỡng truyền thống và tôn giáo
Mặc dù có những khác biệt nhất định giữa tín ngưỡng truyền
thống và các tôn giáo mới, trong các buôn Ê Đê vẫn diễn ra xu hướng
kết hợp các khuôn mẫu của tín ngưỡng truyền thống và tôn giáo trong
một số thực hành văn hóa quan trọng.
Tiểu kết chương 2
Sau 1975, dưới tác động của bối cảnh chính trị - kinh tế - xã hội
mới, Buôn Ma Thuột đã bước vào một thời kì phát triển hết sức sôi
động. Ngày nay, Buôn Ma Thuột không chỉ là thủ phủ hành chính -
kinh tế của toàn vùng Tây Nguyên, mà còn là một không gian đa dạng
bậc nhất Tây Nguyên trên các khía cạnh tộc người, tôn giáo, văn hóa.
Bối cảnh ấy đã tác động sâu sắc đến không gian văn hóa buôn làng của
người Ê Đê trên địa bàn thành phố.
Với người Ê Đê ở Buôn Ma Thuột, quá trình biến đổi không
gian văn hóa buôn làng diễn ra trước hết trên bình diện không gian sản
xuất. Dĩ nhiên, không gian sản xuất thay đổi đã ảnh hưởng đến các
18
phương diện khác trong đời sống cộng đồng: thiết chế tự quản truyền
thống, tri thức dân gian, kiến trúc, hôn nhân, lễ hội, các sinh hoạt diễn
xướng (đánh cồng chiêng, kể khan, hát dân ca), kể cả việc tìm kiếm các
tôn giáo mới như Thiên Chúa giáo, Tin Lành.
Song hành với không gian sản xuất, không gian cư trú của
người Ê Đê ở Buôn Ma Thuột đã trải qua một quá trình thay đổi mạnh
mẽ, gần như chưa có tiền lệ trong lịch sử: gia đình mẫu hệ mở rộng
được chia nhỏ thành các hộ gia đình hạt nhân; tính thuần nhất tộc
người trong quá khứ được thay thế bằng tình trạng cư trú đa tộc
người; nhà sàn truyền thống dần được thay thế bằng các kiểu kiến trúc
hiện đại. Bên trong bộ khung kiến trúc, một nếp sống mới cũng hình
thành theo các chuẩn mực của văn hóa Kinh...
Những thay đổi trong không gian sản xuất và không gian cư trú
tất yếu kéo theo những thay đổi trong không gian sinh hoạt cộng đồng
và tín ngưỡng. Hiện nay, chức năng qui tụ cộng đồng của các không
gian truyền thống được “chuyển giao” cho nhà văn hóa. Tuy nhiên,
nhà văn hóa chưa góp phần thỏa mãn các nhu cầu văn hóa đa dạng
của con người. Trong bối cảnh đó, nhà thờ tôn giáo đã nổi lên như
một tâm điểm của đời sống dân sự của nhiều cộng đồng Ê Đê.
Chương 3: XU HƯỚNG VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA TỪ QUÁ TRÌNH
BIẾN ĐỔI KHÔNG GIAN VĂN HÓA BUÔN LÀNG Ê ĐÊ
3.1. Các xu hướng biến đổi không gian văn hóa buôn làng
3.1.1. Xu hướng giải thể không gian văn hóa buôn làng, suy
thoái các giá trị văn hóa truyền thống
Các buôn thuộc xu hướng này có đặc điểm chung là không gian
văn hóa buôn làng bị xáo trộn mạnh, đối diện nguy cơ mai một các giá
trị văn hóa tộc người. Buôn Alê A thuộc xu hướng này.
3.1.2. Xu hướng duy trì không gian văn hóa buôn làng, bảo tồn
các giá trị văn hóa truyền thống
Các buôn thuộc xu hướng này có đặc điểm chung là không gian văn
hóa buôn làng truyền thống vẫn được bảo lưu trong một chừng mực nhất
19
định, do đó, các giá trị văn hóa truyền thống còn tồn tại, phát huy trong đời
sống cộng đồng. Ea Bông và Ako Dhông nằm trong xu hướng này.
3.2. Những vấn đề đặt ra từ sự biến đổi không gian văn hóa
buôn làng Ê Đê
3.2.1. Nhu cầu bảo tồn văn hóa truyền thống của các cộng
đồng Ê Đê
Sau 1975, mặc dù không gian văn hóa buôn làng đã trải qua
nhiều thay đổi và người dân đã tiếp nhận nhiều giá trị, khuôn mẫu mới
thông qua con đường tiếp biến văn hóa nhưng từ đời sống của các cộng
đồng vẫn toát lên một vấn đề nổi bật: nhu cầu bảo tồn các giá trị văn
hóa truyền thống của người Ê Đê.
3.2.2. Tính cấp thiết của việc qui hoạch, bảo tồn không gian văn
hóa buôn làng
Kết quả phân tích trong chương 2 cho thấy: có một sự tương
ứng nhất định giữa mức độ bảo tồn không gian buôn làng với mức độ
duy trì các sinh hoạt văn hóa truyền thống ở các cộng đồng. Vì vậy,
chúng tôi cho rằng, một trong những vấn đề đặt ra từ thực tiễn biến
đổi không gian văn hóa buôn làng của người Ê Đê ở Buôn Ma Thuột
là gắn qui hoạch, bảo tồn không gian buôn làng với qui hoạch không
gian đô thị.
3.2.3. Thiếu cơ chế tương t
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 5_tom_tat_luan_an_278_1854834.pdf