Trò chơi này sẽ tạo được hiệu quả khi áp dụng vào phần củng cố bài học hoặc các tiết ôn tập lịch sử. Đối tượng tham gia trò chơi có thể là một cá nhân học sinh hoặc nhóm học sinh. người dẫn chương trình có thể là giáo viên hoặc một đại diện học sinh của lớp.
Bước 1: Người dẫn chương trình có thể thực hiện thao tác trình chiếu hoặc dùng bảng phụ có hình một bông hoa, mỗi cánh hoa là một dữ liệu ( câu hỏi) để học sinh trả lời tìm ra đáp án; nhụy hoa là mật mã,
Bước 2: Sau đó học sinh thi đua nhau trả lời tất cả các câu hỏi ở từng cánh hoa.Giáo viên cho học sinh tìm mói liên hệ giữa các dữ kiện đó để giải mã ở nhụy hoa.
Bước 3: Giáo viên chiếu đáp án lên máy chiếu hoặc hoàn thành bảng phụ.Nhận xét và tuyên dương nhóm, học sinh tích cực trong trò chơi.
Tùy theo mỗi giáo viên mà biểu tượng của trò chơi có thể không là bông hoa mà là một biểu tượng đặc biệt khác. Nhưng đòi hỏi biểu tượng phải mang tính thẩm mĩ, thu hút được sự chú ý của học sinh.
10 trang |
Chia sẻ: vudan20 | Lượt xem: 720 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chuyên đề Áp dụng một số trò chơi gây hứng thú cho học sinh trong giờ học Lịch sử 7, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
CHUYÊN ĐỀ
Tên chuyên đề:
ÁP DỤNG MỘT SỐ TRÒ CHƠI
GÂY HỨNG THÚ CHO HỌC SINH TRONG GIỜ HỌC LỊCH SỬ 7
PHẦN I
ĐẶT VẤN ĐỀ:
Lịch sử là một môn khoa học xã hội có nội dung kiến thức lớn. Tiết học lịch sử không chỉ đòi hỏi học sinh có kĩ năng phát hiện nhanh mà còn có kĩ năng ghi nhớ. Bởi môn học này sẽ giúp học sinh tiếp cận với nhiều sự kiện lịch sử, nhiều nhân vật lịch sử vĩ đại không chỉ của dân tộc mà của cả thế giới từ cổ đại đến hiện đại. Do đó, khi học lịch sử yêu cầu các em phải nhớ và hiểu nội dung bài học một cách chính xác, đầy đủ thậm chí phải tái hiện một cách sinh động các sự kiện lịch sử vừa được tiếp cận. Đây là những đòi hỏi không đơn giản đối với trình độ của học sinh Trung học cơ sở mà đặc biệt là học sinh khối 7. Bởi chương trình lịch sử khối 7 giúp học sinh nắm bắt khái quát lịch sử thế giới Trung đại và lịch sử Việt Nam kéo dài từ thế kỉ X đến giữa thế kỉ XIX, một giai đoạn lịch sử hoàn toàn không gần gủi với thời đại mà các em đang sống. Vì thế để có thể dạy và học tốt lịch sử 7, đòi hỏi sự cần cù, chịu khó của cả giáo viên và học sinh. Giáo viên phải là người định hướng, hướng dẫn, động viên, khích lệ. Học sinh phải là chủ thể trung tâm, chủ động tìm kiếm và lĩnh hội kiến thức dưới sự giúp đỡ của giáo viên.
Với vai trò là một giáo viên giảng dạy bộ môn lịch sử nói chung và dạy lịch sử 7 nói riêng, để học sinh tiếp thu nhanh, nhớ lâu các sự kiện lịch sử, theo tôi người giáo viên phải phát huy được tính tích cực của học sinh, phải tạo được hứng thú cho học sinh trong giờ học. Trò phải hứng thú, say mê; thầy phải phát huy được tính tích cực của trò, phải khơi dậy niềm say mê ở trò.
Qua quá trình tự nghiên cứu trong giảng dạy và qua sự trao đổi, học hỏi bạn bè, đồng nghiệp, tôi nhận thấy việc áp dụng đa dạng các trò chơi lịch sử để tạo được hứng thú học tập ở học sinh, góp phần nâng cao chất lượng dạy học ở bộ môn lịch sử là điều cần thiết. Đó chính là lí do tôi đã nghiên cứu đưa ra ý tưởng thực hiện chuyên đề: “Áp dụng một số trò chơi gây hứng thú cho học sinh trong giờ học lịch sử 7” với hy vọng qua những thể nghiệm thực tế, bản thân sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn trong dạy học, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn lịch sử.
PHẦN II
GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. Cơ sở lí luận:
Lê-nin đã viết: "Lịch sử bao giờ cũng phong phú về nội dung, cũng đa dạng về nhiều mặt, cũng sinh động hơn điều mà chúng ta hình dung được". Vì vậy, muốn học sinh học tốt được môn lịch sử thì mỗi thầy, cô giáo không phải chỉ truyền đạt, giảng giải theo các tài liệu trong SGK, trong sách hướng dẫn, hay tài liệu chuẩnmột cách rập khuôn, máy móc làm cho học sinh học tập một cách thụ động. Nếu chỉ dạy như vậy thì việc dạy và học sẽ diễn ra một cách đơn điệu, tẻ nhạt và kết quả sẽ không cao. Yêu cầu hiện nay là phải đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Vì vậy, trong giờ học giáo viên phải gây hứng thú cho học sinh bằng cách lôi cuốn các em vào các trò chơi.Trò chơi học tập khác với trò chơi rèn luyện sức khỏe và giải trí, trò chơi học tập nhằm hướng tới sự thông hiểu kiến thức gắn với các nội dung học tập cụ thể của môn học, bài học, lớp học và có những đặc điểm sau:
- Nội dung trò chơi phải gắn với kiến thức, kĩ năng, thái độ của môn học hoặc một bài học cụ thể.
- Mỗi trò chơi thường được diễn ra trong không gian và thời gian nhất định của một giờ học.
- Mọi học sinh đều thu nhận được những nội dung học tập chứa đựng trong trò chơi phù hợp với trình độ và lứa tuổi.
Khi giáo viên đưa ra các trò chơi trong giờ học một cách thường xuyên, khoa học thì chắc chắn chất lượng sẽ được nâng cao.
II. Cơ sở thực tiễn:
Trong thực tế, qua quá trình giảng dạy và dự giờ đồng nghiệp, tôi nhận thấy việc dạy học lịch sử hiện nay không lấy gì làm vui. Còn nhiều học sinh chưa thực sự yêu thích bộ môn lịch sử, giờ học đối với các em là 45 phút tra tấn, nhàm chán, uể oải. Nhiều học sinh chỉ học đối phó tức thời, năng lực tiếp thu còn hạn chế, chưa nắm bắt được các sự kiện lịch sử và hoàn toàn không tái hiện được diễn biến sự kiện lịch sử theo yêu cầu của giáo viên, thậm chí lẫn lộn các sự kiện dẫn đến hiện tượng “ Râu ông này cắm càm bà kia”.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những thực trạng này. Có thể do điều kiện trang thiết bị dạy học còn thiếu thốn chưa đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy theo phương pháp mới. Có thể do một số đồng nghiệp còn chưa dám mạnh dạn thể nghiệm những phương pháp, những hình thức tổ chức dạy học, những kĩ thuật dạy học tích cực mới bởi còn e ngại tính hiệu quả của nó hoặc e ngại học sinh không quen với cách học mớiNgoài ra sự hạn chế về kĩ năng hợp tác, kĩ năng hoạt động, kĩ năng tổng hợp các sự kiện lịch sử để ghi nhớ có hệ thống nội dung bài học ở học sinh cũng là rào cản lớn cho quá trình đổi mới phương pháp ở đơn vị. Xuất phát từ những thực tế đó, ý tưởng áp dụng trò chơi trong dạy học lịch sử sẽ đem đến nhiều tác động tốt, góp phần cải thiện thái độ và kết quả học tập của học sinh, khiến cho tiết học lịch sử không còn tẻ nhạt, nhàm chán mà trở nên vui vẻ khơi dậy được hứng khởi của cả thầy và trò.
III. Giải pháp
1. Chuẩn bị trước tiết học.
Áp dụng bất kì trò chơi nào, muốn phát huy tính tích cực chủ động, hứng thú học tập thì khâu chuẩn bị là khâu không kém phần quan trọng. Sự chuẩn bị không chỉ dành riêng cho người học- học sinh hoặc giáo viên mà là sự phối kết hợp chuẩn bị từ hai phía.
a/ Đối với giáo viên:
- Chuẩn bị tốt tài liệu, phương tiện, thiết bị dạy học.
- Dự kiến nội dung, phương pháp, thời gian thích hợp để thực hiện trò chơi.
- Soạn hệ thống câu hỏi hợp lí để có thể phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Người giáo viên tránh hỏi lan man, hỏi vụn vặt mà các câu hỏi phải được chắt lọc và sắp xếp có hệ thống phù hợp với đặc điểm đối tượng tiếp nhận. Các câu hỏi rất đa dạng nhưng đều nhằm khơi gợi hoạt động tự bộc lộ và đồng sáng tạo của học sinh.
b/ Đối với học sinh: là chuẩn bị nội dung cần tìm hiểu trong tiết sắp học. Tuy nhiên, việc chuẩn bị của học sinh sẽ không đạt được hiệu quả nếu như thiếu đi vai trò hướng dẫn của người thầy. Giáo viên cần lựa chọn nội dung, vấn đề trọng tâm và phù hợp với từng đối tượng học sinh để yêu cầu các em chuẩn bị. Việc chuẩn bị có thể thực hiện theo nhóm hay cá nhân tùy từng đơn vị kiến thức. việc chuẩn bị của học sinh sẽ quyết định sự thành bại của việc thực hiện các trò chơi trong cả quá trình dạy-học.
2. Quy trình thực hiện các trò chơi
2.1.Trò chơi ô chữ:
Là sự thiết kế một hệ thống ô chữ lịch sử với các ô chữ hàng ngang và một ô chữ hàng dọc. Mỗi ô chữ hàng ngang là một đơn vị kiến thức trong bài học và sẽ có một chữ cái chìa khóa. Mỗi ô chữ hàng ngang có một câu hỏi để học sinh giải đáp. Sau khi giải hết các ô chữ hàng ngang với các chữ cái xuất hiện, học sinh sẽ tìm được ô chữ hàng dọc. Ô chữ hàng dọc sẽ là nội dung kiến thức cơ bản nhất của bài học.
Thực hiện:
Trò chơi ô chữ có thể thực hiện để củng cố kiến thức bài cũ khởi động đi vào bài mới hoặc củng cố kiến thức sau mỗi bài học hoặc phần học.
Người dẫn chương trình của trò chơi có thể là giáo viên hoặc một học sinh của lớp. mỗi lớp được chia thành 2 đến 3 nhóm tùy thuộc vào dung lượng của trò chơi và thời gian tiết học. cụ thể gồm các bước sau đây:
Bước 1: Người dẫn chương trình trình chiếu các ô chữ, thông qua luật chơi.
Bước 2: Đại diện mỗi nhóm luân phiên chọn ô chữ, tìm hiểu gợi ý hoặc câu hỏi của từng ô chữ để tìm ra đáp án.
Bước 3: Sau khi giải đáp các ô chữ, tìm ra ô chữ hàng dọc (ô chữ chìa khóa).
Bước 4: Người dẫn chương trình thông qua đáp án.
Bước 5: Giáo viên nhận xét và tuyên dương nhóm làm tốt.
Ví dụ: Dạy bài: Phong trào Tây Sơn (Phần II Khởi nghĩa nông dân Tây Sơn)
Ô chữ gồm 9 ô chữ hàng ngang và một ô chữ hàng dọc:
-Ô chữ hàng dọc: có 9 chữ cái: Đây là cách đánh giặc của ta?
-Hàng ngang1: có 8 chữ cái: Quân Tây sơn đánh tan quân xâm lược Xiêm trên sông này?
-Hàng ngang 2: có 7 chữ cái: Tháng 9-1773, Quân Tây sơn đánh chiếm phủ này?
-Hàng ngang 3: có 7 chữ cái: Chính quyền học Nguyễn ở Đàng Trong đóng tải phủ này?
-Hàng ngang 4: có 9 chữ cái: Ai là người chỉ huy đánh ta quân Xiêm?
-Hàng ngang 5: có 10 chữ cái: Trong tình thế bất lợi ai là người đề nghị giảng hòa?
-Hàng ngang 6: có 6 chữ cái: Sau khi tiến vào Gia Định, Nguyễn Huệ cho đóng bản doanh trại tài đâu?
- Hàng ngang 7: có 7 chữ cái: Đây là cù lao lớn nhất ở Rạch Gầm- Xoài Mút?
- Hàng ngang 8: có 4 chữ cái: Nguyễn Ánh đã cầu cứu nước này để đánh quân Tây Sơn?
- Hàng ngang 9: có 9 chữ cái: Ai là người cầu cứu vua Xiêm đem quân xâm lược nước ta?
Đáp án
-Hàng ngang1: có 8 chữ cái: SÔNG TIỀN
-Hàng ngang 2: có 7chữ cái: QUY NHƠN
-Hàng ngang 3: có 7 chữ cái: PHÚ XUÂN
-Hàng ngang 4: có 9 chữ cái: NGUYỄN HUỆ
-Hàng ngang 5: có 10 chữ cái: NGUYỄN NHẠC
-Hàng ngang 6: có 6 chữ cái: MỸ THO
-Hàng ngang 7: có 7 chữ cái: THỚI SƠN
-Hàng ngang 8: có 4 chữ cái: XIÊM
-Hàng ngang 9: có 9 chữ cái: NGUYỄN ÁNH
-Hàng dọc : THỦY CHIẾN
2.2 Trò chơi “giải mã lịch sử”:
Đây là trò chơi mà giáo viên chuẩn bị các dữ kiện lịch sử, các dữ kiện đó có liên quan đến một sự kiện hay một nhân vật lịch sử được coi là “mật mã”. Mỗi dữ kiện là một câu hỏi gợi ý để học sinh trả lời. Sau khi tìm được các dữ kiện, học sinh sẽ có căn cứ để xác định các dữ kiện đó có liên quan đến một sự kiện hay nhân vật lịch sử của “mật mã.”
Thực hiện:
Trò chơi này sẽ tạo được hiệu quả khi áp dụng vào phần củng cố bài học hoặc các tiết ôn tập lịch sử. Đối tượng tham gia trò chơi có thể là một cá nhân học sinh hoặc nhóm học sinh. người dẫn chương trình có thể là giáo viên hoặc một đại diện học sinh của lớp.
Bước 1: Người dẫn chương trình có thể thực hiện thao tác trình chiếu hoặc dùng bảng phụ có hình một bông hoa, mỗi cánh hoa là một dữ liệu ( câu hỏi) để học sinh trả lời tìm ra đáp án; nhụy hoa là mật mã,
Bước 2: Sau đó học sinh thi đua nhau trả lời tất cả các câu hỏi ở từng cánh hoa.Giáo viên cho học sinh tìm mói liên hệ giữa các dữ kiện đó để giải mã ở nhụy hoa.
Bước 3: Giáo viên chiếu đáp án lên máy chiếu hoặc hoàn thành bảng phụ.Nhận xét và tuyên dương nhóm, học sinh tích cực trong trò chơi.
Tùy theo mỗi giáo viên mà biểu tượng của trò chơi có thể không là bông hoa mà là một biểu tượng đặc biệt khác. Nhưng đòi hỏi biểu tượng phải mang tính thẩm mĩ, thu hút được sự chú ý của học sinh.
Ví dụ: Dạy bài” Quang Trung xây dựng đất nước
Phần củng cố bài học, giáo viên đưa ra một bông hoa có 5 cánh, mỗi cánh hoa là một dữ kiện, nhụy hoa là mật mã.
*Giáo viên nêu câu hỏi để học sinh trả lời tìm ra các dữ kiện trên mỗi cánh hoa.
- Cánh hoa1: Năm nổ ra cuộc khợi nghĩa Tây Sơn?
- Cánh hoa 2: Một chiến thắng của nghĩa quân Tây Sơn năm 1785?
- Cánh hoa 3: Nghĩa quân Tây Sơn đại phá quân Thanh vào năm nào?
-Một cơ quan thời Tây Sơn dùng có nhiệm vụ dịch sách chữ Hán sang chữ Nôm?
- Cánh hoa 5: Ban bố nào có tác dụng phục hồi kinh tế nông nghiệp thời Tây Sơn?
* Cho học sinh lựa chọn để trả lời trả lời các câu hỏi ở từng cánh hoa.
* Sau khi tìm được các đáp án ở từng cánh hoa, giáo viên cho học sinh tìm mối liên hệ giữa các dữ kiện đó để giải mật mã ở nhụy hoa.
* Giáo viên nhận xét và biểu dương học sinh.
Đáp án:
Cánh hoa 1: năm 1771
Cánh hoa 2: Rạch Gầm –Xoài Mút.
Cánh hoa 3: Năm 1789
Cánh hoa 4: Viện sùng chính.
Cánh hoa 5: Chiếu khuyến nông.
Nhụy hoa: Vua Quang Trung.
2.3 Trò chơi “ngôi sao may mắn”:
Giáo viên soạn các câu hỏi có liên quan nội dung bài học hoặc nội dung quan trọng mà giáo viên cần nhấn mạnh cho học sinh chiếu trên màn chiếu hoặc bảng phụ đã được chuẩn bị với những ngôi sau lớn nhỏ, màu sắc khác nhau hoặc đánh số để học sinh dễ chọn. Mỗi ngôi sao sẽ tương ứng với một câu hỏi.Trong đó sẽ có một ngôi sao may mắn.
Thực hiện
Trò chơi này được sử dung ở phần kiểm tra bài cũ cũng vừa ôn tập lại kiến thức cho học sinh trong tiết làm bài tập lịch sử . Giáo viên chia lớp thành 2 đội và mỗi đội chọn người đại diện chơi.
Bước 1: Giáo viên chia nhóm, thông qua luật chơi.
Bước 2: Học sinh lần lượt chọn ngôi sao để trả lời câu hỏi,mỗi câu trả lời đúng sẽ được 10 điểm, trả lời sai không có điểm, chọn ngay ngôi sao may mắn không có câu hỏi vẫn được 10 điểm và được tiếp tục chọn ngôi sao khác trả lời.
Bước 3: Sau khi 2 đội lần lượt chọn hết các ngôi sao. Giáo viên tổng hợp lại số điểm và biểu dương đội chiến thắng, động viên đội thua cố gắng ở lần sau.
Ví dụ: dạy bài: Làm bài tập lịch sử tuần 9 tiết 17:
*Giáo viên chuẩn bị 7 ngôi sao trong đó có 6 ngôi sao có câu hỏi và một ngôi sao may mắn.
*Giáo viên chia lơp thành 2 đội và mỗi đội cử người đại diện.
* Giáo viên chiếu trên màn chiếu hoặc bảng phụ đã được chuẩn bị với những ngôi sao đã được đánh số thứ tự .Mỗi ngôi sau sẽ tương ứng với một câu hỏi.Trong đó sẽ có một ngôi sao may mắn.
- Ngôi sao 1: Vì sao nhà Tống xâm lược nước ta?
TL: Giữa thế kỉ XI, nhà Tống gặp khó khăn ngân khố cạn kiệt, tài chính nguy ngập, nội bộ mâu thuẫn, nhân dân đói khổ nhiều nơi nổi dậy, bị hai nước Liêu-Hạ quấy nhiễu.
-Ngôi sao 2: Đứng trước âm mưu của nhà Tống Nhà Lý đã làm gì?
TL: Tiến công để phòng vệ.
-Ngôi sao 3: Ai là người trực tiếp chỉ huy cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống?
TL: Lý Thường Kiệt.
-Ngôi sao 4: là ngôi sao may mắn.
-Ngôi sao 5: Quân Tống do ai chỉ huy tiến vào nước ta?
TL: Quách Quỳ, Triệu Tiết.
-Ngôi sao 6: Lý Thường Kiệt chọn nơi nào để làm phòng tuyến? Tại sao?
TL: Chọn sông Như Nguyệt vì đây là con sông chặn ngang tất cả các ngã đường bộ từ Quảng Tây (TQ) vào Thăng Long.
-Ngôi sao 7: Nêu ý nghĩa của chiến thắng Như Nguyệt?
TL: Quân Tống bỏ mộng xâm lược Đại Việt; Nền độc lập, tự chủ của Đại Việt được bảo vệ.
* Sau khi học sinh lần lược trả lời các câu hỏi của từng ngôi sao. Giáo viên tổng hợp biểu dương học sinh.
2.4 Trò chơi “Thi ghi nhớ sự kiện”:
Giáo viên chuẩn bị sẵn một sự kiện lịch sử hoặc nhân vật lịch sử và phiếu học tập. Sau đó từ sự kiện hay nhân vật lịch sử đó học sinh tìm các sự kiện liên quan vào phiếu học tập.
Thực hiện
Trò chơi này có thể được áp dụng trong quá trình củng cố qua bài học, qua một phần ôn tập, làm bài tập lịch sử hoặc có thể áp dụng ngay trong quá trình tìm hiểu một phần của bài mới.
* Áp dụng đối với phần củng cố và làm bài tập lịch sử
Bước 1: Giáo viên chia lớp thành 2 đội và mỗi đội chọn 3 học sinh để chơi còn lại là cổ động viên.
Bước 2: Giáo viên nêu ra một sự kiện lịch sử hoặc một nhân vật lịch sử.
Bước 3: Giáo viên cho học sinh ghi tất cả các sự kiện có liên quan đến sự kiện hoặc nhân vật lịch sử mà giáo đã cho trong khoảng thời gian nhất định.
Bước 4: Tổng hợp lại, đội nào ghi được nhiều sự kiện liên quan đúng và nhiều nhất sẽ là đội chiến thắng.Giáo viên nhận xét chung và biểu dương.
Ví dụ1: Dạy bài:Sự suy sụp của nhà Trần cuối thế kỉ XIV (phần II), sử dụng ở phần củng cố.
*Giáo viên chia lớp thành 2 đội và mỗi đội chọn 3 học sinh.
* Trong thời gian 2 phút, học sinh ghi vào giấy những sự kiện có liên quan đến Hồ Quý Ly.
-Năm 1400 Hồ Quý Ly lên làm vua, đổi quốc hiệu là Đại Ngu –nhà Hồ thành lập.
-Đưa ra một số cải cách :
+ Chính trị: Cải tổ hàng ngũ võ quan, đổi tên một số đơn vị hành chánh.
+ Kinh tế, tài chính: Phát hành tiền giấy thay tiền đồng, ban hành chính sách hạn điền, quy định lại biểu thuế đinh, thuế ruộng.
+ Xã hội: ban hành chính sách hạn nô, năm đói kém bắt nhà giàu bán thóc cho dân.
+ Văn hó giáo dục:Bắt nhà sư dưới 50 tuổi phải hoàn tục, dịch sách chữ hán sang chữ Nôm, yêu cầu mọi người phải học.
+ Quân sự: Thực hiện một số biện pháp nhằm tăng cường củng cố quân sự và quốc phòng.
-Hồ Quý Ly là người người có tài, yêu nước.
* Giáo viên yêu cầu học lên dán kết quả của đội mình lên bảng.
* Giáo viên chiếu hoặc đọc kết quả cùng học sinh kiểm tra bài làm của 2 đội. Nhận xét kết thúc trò chơi.
Ví dụ 2: Dạy tiết 10 làm bài tập lịch sử (phần lịch sử thế giới).
*Giáo viên chia lớp thành 2 đội và mỗi đội chọn 3 học sinh.
* Giáo viên chiếu trên màn chiếu hoặc đọc về dữ kiện xã hội phong kiến phương Đông.
* Trong thời gian 2 phút, học sinh ghi vào giấy những sự kiện có liên quan đến xã hội phong kiến phương Đông.
-Thời gian hình thành: trước công nguyên.
-Cơ sở kinh tế chủ yếu là nông nghiệp kết hợp với chăn nuôi và một số nghề thủ công.
-Giai cấp chính: địa chủ và nông dân lĩnh canh.
- Các quốc gia phong kiến phương Đông: Trung Quốc, Ấn Độ, các quốc gia phong kiến Đông Nam Á.
* Giáo viên yêu cầu học lên dán kết quả của đội mình lên bảng.
* Giáo viên chiếu hoặc đọc kết quả cùng học sinh kiểm tra bài làm của 2 đội. Nhận xét kết thúc trò chơi.
* Áp dụng đối với một phần của bài mới
Áp dụng vào phần này đòi hỏi sự tham gia của tất cả các thành viên của lớp để có thể ghi nhớ, tái hiện lại một sự kiện lịch sử mà các em đã tìm hiểu qua quá trình soạn bài ở nhà.
Bước 1: Giáo viên có thể chia lớp ra từ 3 đến 4 nhóm nhỏ. Mỗi nhóm đều được phát một phiếu học tập như nhau.
Bước 2: Trong thời gian qui định các thành viên nhóm cùng hoạt động, bổ sung hoàn chỉnh các chi tiết của một sự kiện mà giáo viên nêu ra.
Bước 3: Sau thời gian qui định, học sinh sẽ dán kết quả của nhóm. So sánh kết quả, tìm ra nhóm thực hiện tốt nhất. Nhóm ghi đầy đủ, chính xác nhất sẽ là nhóm thắng cuộc.
Bước 4: Giáo viên nhận xét, tuyên dương, ghi nhận kết quả.
Ví dụ: Giáo viên có thể cho dữ liệu là một cuộc kháng chiến, một cuộc khởi nghĩa, học sinh sẽ hoạt động ghi nhận các khía cạnh: nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa hoặc ghi nhận các giai đoạn của một cuộc kháng chiến theo trình tự thời gian.
Hay khi dạy bài “ Quang Trung xây dựng đất nước”, giáo viên có thể cho học sinh ghi nhận lại những cải cách của nhà vua trong một lĩnh vực nhất định nào đó.
Tuy nhiên dù áp dụng ở phần nào thì để thực hiện thành công hoạt động này, giáo viên phải có sự định hướng chuẩn bị cho học sinh từ trước, học sinh phải nghiêm túc trong quá trình chuẩn bị bài mới.
PHẦN III
KẾT LUẬN
Với phương châm “ Học mà chơi, chơi mà học” việc thực hiện chuyên đề “Áp dụng một số trò chơi gây hứng thú cho học sinh trong giờ học lịch sử 7” sẽ góp phần mang lại sự hứng thú cho học sinh trong học tập. Giúp cho giáo viên có thêm những kinh nghiệm quý giá và những kĩ năng tổ chức giờ học mang tính hiệu quả hơn. Đồng thời chuyên đề cũng sẽ gợi ra những ý tưởng mới về việc áp dụng nhiều biện pháp mới lạ nhằm cải thiện hơn nữa phương pháp dạy học lịch sử góp phần thực hiện tốt lời dạy của Bác:
Dân ta phải biết sử ta,
cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong nghiên cứu, trao đổi, tổng hợp ý tưởng với hy vọng chuyên đề sẽ mang đến nhiều hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên với góc độ thực tế của nhóm, của đơn vị, chuyên đề vẫn còn nhiều hạn chế về ý tưởng, về cách thức tổ chức thực hiện. Rất mong nhận được sự đóng góp của đồng nghiệp để chuyên đề được hoàn thiện hơn.
Duyệt của Tổ trưởng Người viết
DUYỆT CỦA BAN GIÁM HIỆU
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Chuyen de Lich su 7_12516966.doc