V. Các biện pháp đã tiến hành để giải quyết vấn đề:
Xuất phát từ việc nghiên cứu kỹ về chức năng và nhiệm vụ của người giáo viên chủ nhiệm, về tiêu chuẩn giáo viên chủ nhiệm kết hợp với những kinh nghiệm đã tích lũy cùng với những hiểu biết về học sinh, đặc biệt là học sinh chưa ngoan, đồng thời kết hợp qua thực tế làm công tác chủ nhiệm của giáo viên, nhóm chúng tôi đã đúc kết được một số phương pháp giáo dục học sinh chưa ngoan ở lớp chủ nhiệm. Sau đây là những biện pháp mà chúng tôi áp dụng để giáo dục học sinh chưa ngoan:
1. Tìm hiểu từng đối tượng học sinh:
Người giáo viên chủ nhiệm phải nắm rõ được tình hình của lớp thông qua:
- Sơ yếu lý lịch mà giáo viên chủ nhiệm yêu cầu học sinh ghi đầu năm, chú ý cảm tưởng của từng học sinh.
- Các giáo viên bộ môn giảng dạy lớp năm trước.
- Gặp gỡ, trao đổi với học sinh trong các buổi lao động tổng vệ sinh đầu năm.
Việc làm này để bước đầu tìm hiểu, phát hiện các học sinh cốt cán cũng như học sinh chưa ngoan. Từ đó, có thể kiện toàn đội ngũ cán bộ lớp và phát huy các mặt mạnh, hạn chế mặt yếu kém của lớp.
6 trang |
Chia sẻ: binhan19 | Lượt xem: 756 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chuyên đề: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm trong việc giáo dục đạo đức học sinh cá biệt, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Chuyên đề :
NÂNG CAO VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM CỦA GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM
TRONG VIỆC GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC HỌC SINH CÁ BIỆT
A. Phần mở đầu
Giáo dục đạo đức học sinh là công việc vô cùng nan giải đối với đội ngũ cán bộ giáo viên, đặc biệt là đối với người giáo viên chủ nhiệm lớp. Bởi lẽ, không phải lớp nào tất cả các em đều chăm ngoan, thực hiện tốt nội quy, nề nếp của trường, lớp như mong muốn của giáo viên.Tuy nhiên, nếu làm tốt điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của nhà trường, đồng thời góp phần thực hiện phong trào thi đua trong nhà trường hiện nay là: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Qua thực tế giảng dạy và làm công tác chủ nhiệm ở trường, chúng tôi nhận thấy việc giáo dục học sinh nói chung và giáo dục học sinh chưa ngoan ở lớp chủ nhiệm nói riêng vô cùng khó khăn về mọi mặt. Chúng tôi luôn băn khoăn, trăn trở: Do đâu mà trong lớp có những em thường hay vi phạm nội quy, nề nếp, đạo đức? Các kinh nghiệm, các biện pháp chúng tôi giáo dục học sinh lớp chủ nhiệm đã thực sự hiệu quả chưa? Với tình hình chung hiện nay, phải xử trí thế nào để đạt được mục tiêu hình thành nhân cách học sinh toàn diện về Đức - Trí - Thể - Mỹ? Vì vậy, trong quá trình làm công tác chủ nhiệm chúng tôi luôn tìm phương pháp giáo dục đạo đức phù hợp để góp phần hạn chế những học sinh cá biệt trong lớp.
Những năm gần đây, về lý luận cũng như thực tế đã có nhiều nghiên cứu về vấn đề giáo dục học sinh cá biệt. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có sự nghiên cứu đầy đủ để tạo ra sự định hướng thống nhất về hình thức, biện pháp giáo dục có hiệu quả.
Xuất phát từ tình hình thực tế của nhà trường nói chung, của lớp chủ nhiệm nói riêng, nhóm chúng tôi cùng nhau thực hiện chuyên đề:“ Nâng cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm trong việc giáo dục đạo đức học sinh cá biệt” nhằm góp phần vào việc giảm dần số lượng học sinh chưa ngoan, nâng cao hiệu quả đào tạo của nhà trường hiện nay.
B.Phần nội dung
I. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu của chuyên đề:
- Đối tượng nghiên cứu của chuyên đề là học sinh trường Trung học phổ thông Nguyễn Chí Thanh.
- Các lớp thực hiện nghiên cứu chuyên đề là 12A10, 12A5, 11A5.
- Học sinh cá biệt trong chuyên đề này mà chúng tôi xác định là học sinh chưa ngoan, học sinh có những biểu hiện không tốt về đạo đức, thường xuyên vi phạm nội quy của trường, lớp
II. Mục đích nghiên cứu chuyên đề:
Việc giáo dục nhân cách cho học sinh, đặc biệt là công tác giáo dục học sinh chưa ngoan, là việc làm không thể thành công trong một sớm một chiều, bởi giáo dục là cả một quá trình, mà trong đó có sự tham gia của gia đình, nhà trường, xã hội, đăc biệt là sự nỗ lực của bản thân các em.
Chúng tôi nghiên cứu chuyên đề này nhằm nâng cao nhận thức và hạn chế học sinh chưa ngoan của lớp chủ nhiệm. Qua đó, góp phần kéo giảm tỷ lệ học sinh vi phạm đạo đức, nội quy ở nhà trường cũng như ngoài xã hội. Đồng thời, qua nghiên cứu nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của người giáo viên chủ nhiệm trong việc giáo dục đạo đức học sinh chưa ngoan.
III. Cơ sở lý luận:
Giáo dục đạo đức học sinh nói chung và giáo dục học sinh chưa ngoan nói riêng là một quá một quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch đến học sinh nhằm hình thành và bồi dưỡng về hành vi, thói quen, đạo đức, hình thành những nét tính cách của con người mới phù hợp mục đích giáo dục.
Giáo dục đạo đức học sinh đặc biệt giáo dục học sinh chưa ngoan có vị trí hàng đầu trong toàn bộ công tác giáo dục ở nhà trường. Bác Hồ đã dạy: “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả đức lẫn tài. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc rất quan trọng”. Do vậy, giáo dục học sinh chưa ngoan giữ vị trí then chốt trong nhà trường. Công tác giáo dục đạo đức tốt sẽ là cơ sở để nâng cao giáo dục toàn diện.
IV. Thực trạng, nguyên nhân của vấn đề:
Nhìn chung đa số học sinh của trường đều ham học và chăm ngoan, đáp ứng được yêu cầu đào tạo. Bên cạnh đó, vẫn có một bộ phận học sinh chưa ngoan. Biểu hiện của sự chưa ngoan ở các em vô cùng phức tạp và đa dạng như: Văng tục, chửi thề, không vâng lời cha mẹ, thầy cô, không trung thực, trốn học để chơi game online, gây gổ đánh nhau, luôn có nguy cơ bỏ học, xem thường nội quy trường lớp,
Ở góc độ chủ quan và khách quan, học sinh chưa ngoan theo chúng tôi có thể do chịu ảnh hưởng từ những nguyên nhân sau:
- Đó là sự thiếu quan tâm chăm sóc, cưng chiều thái quá đối với con cái của một bộ phận cha mẹ học sinh đã vô tình tạo điều kiện cho con em sống trong môi trường tự do, tự lập nhưng thiếu định hướng trong khi bên ngoài xã hội có quá nhiều cám dỗ. Có những gia đình học sinh, cha mẹ do đi làm ăn xa vô tình quên đi việc giáo dục đạo đức cho con, đẩy hết trách nhiệm về phía nhà trường.
- Hội nhập kinh tế quốc tế đã xâm nhập vào nước ta những sản phẩm đồi trụy phản nhân văn, gieo rắc lối sống tự do buông thả. Các tệ nạn xã hội không ngừng ảnh hưởng đến nhân cách và lối sống của các em.
- Sự phát triển của công nghệ thông tin, học sinh ngày càng được tiếp xúc với nhiều luồng thông tin qua mạng nhất là game online mang tính bạo lực, luồng văn hóa ngoại lai, đồi trụy. Điều này, đã ảnh hưởng không ít đến hành vi của các em, các em chọn cho mình một tính cách khá kì quặc để khẳng định cá tính như hành động đại ca, hoặc có lời nói không phù hợp
- Ở lứa tuổi THPT, các em muốn khẳng định bản thân, phát triển tự ý thức, có đời sống tình cảm xúc cảm phong phú nhưng thiếu kinh nghiệm và kỹ năng sống, suy nghĩ chưa đúng đắn.Các em đang trong giai đoạn hoàn thiện nhân cách nên đôi khi chưa phân biệt được tốt xấu, đúng sai, chưa có tính tự chủ nên dễ bị lôi cuốn vào những việc xấu.
- Chương trình học quá tải, học sinh phải học nhiều, thời gian nghỉ ngơi ít nên cảm thấy mệt mỏi, chán trường chán lớp.Tinh thần căng thẳng, áp lực học tập, không được vui chơi giải trí thích hợp dẫn đến dễ bức xúc trong các mối quan hệ.
- Công tác chủ nhiệm lại không được quan tâm sâu sát. Người giáo viên phải bộn bề lo toan của cuộc sống nên sự quan tâm đến học trò còn hạn chế. Khoảng cách thầy trò ngày càng xa hơn nên chưa hiểu được tâm tư, tình cảm nguyện vọng của các em.Vì vậy, việc sửa chữa uốn nắn chưa kịp thời, đôi khi các em gặp các vướng mắc trong cuộc sống mà không chia sẻ được.Việc phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội chưa thường xuyên.
- Một số học sinh có cha mẹ bất hòa hoặc cha mẹ li thân, li dị, hoặc cha (mẹ) có vợ (chồng) khác,
V. Các biện pháp đã tiến hành để giải quyết vấn đề:
Xuất phát từ việc nghiên cứu kỹ về chức năng và nhiệm vụ của người giáo viên chủ nhiệm, về tiêu chuẩn giáo viên chủ nhiệm kết hợp với những kinh nghiệm đã tích lũy cùng với những hiểu biết về học sinh, đặc biệt là học sinh chưa ngoan, đồng thời kết hợp qua thực tế làm công tác chủ nhiệm của giáo viên, nhóm chúng tôi đã đúc kết được một số phương pháp giáo dục học sinh chưa ngoan ở lớp chủ nhiệm. Sau đây là những biện pháp mà chúng tôi áp dụng để giáo dục học sinh chưa ngoan:
1. Tìm hiểu từng đối tượng học sinh:
Người giáo viên chủ nhiệm phải nắm rõ được tình hình của lớp thông qua:
- Sơ yếu lý lịch mà giáo viên chủ nhiệm yêu cầu học sinh ghi đầu năm, chú ý cảm tưởng của từng học sinh.
- Các giáo viên bộ môn giảng dạy lớp năm trước.
- Gặp gỡ, trao đổi với học sinh trong các buổi lao động tổng vệ sinh đầu năm.
Việc làm này để bước đầu tìm hiểu, phát hiện các học sinh cốt cán cũng như học sinh chưa ngoan. Từ đó, có thể kiện toàn đội ngũ cán bộ lớp và phát huy các mặt mạnh, hạn chế mặt yếu kém của lớp.
2. Lập kế hoạch cho lớp:
Giáo viên chủ nhiệm cùng cán bộ lớp lập kế hoạch hoạt động của lớp và phổ biến cho lớp sau đó thông qua buổi sinh hoạt lớp. Cụ thể là nội dung thi đua của các tổ trong lớp, việc thực hiện nội quy của lớp, quyền và nhiệm vụ của mỗi cá nhân, phát động phong trào thi đua (có sơ kết, tổng kết ở cuối mỗi học kỳ). Các nội dung này bám sát vào nội quy của trường và các nội dung thi đua của Đoàn trường như xoay quanh việc thực hiện đồng phục, truy bài đầu giờ, thực hiện nội quy trường lớp, rèn luyện tác phong, tập thể dục giữa giờ,
Sau khi hoàn chỉnh kế hoạch, giáo viên chủ nhiệm phổ biến và hướng dẫn cán bộ lớp cách làm việc, cách quản lý tổ viên của tổ mình. Nêu rõ nhiệm vụ của từng thành viên trong Cán bộ lớp từ lớp trưởng, lớp phó học tập, lớp phó lao động, lớp phó trật tự, lớp phó văn thể mỹ đến các tổ trưởng, các cán sự bộ môn. Nội dung này cần phổ biến trước tập thể lớp nhằm thể hiện tính công khai, dân chủ trước học sinh. Mặt khác còn nhằm đưa tập thể lớp vào ổn định nề nếp và hơn hết là nhằm giúp các học sinh chưa ngoan phần nào nhận thức được vai trò, nhiệm vụ của mình trong tập thể lớp.
3. Lập kế hoạch giáo dục học sinh chưa ngoan:
Trên cơ sở lý luận, sau khi đã thực hiện được 2 bước nói trên giáo viên chủ nhiệm vừa vạch ra vừa thực hiện kế hoạch tiếp theo tùy tình hình diễn biến của
các học sinh chưa ngoan. Chú ý tập trung vào những việc sau:
a) Cần nắm rõ số lượng học sinh chưa ngoan của lớp.
b) Tìm hiểu kỹ và phân loại học sinh chưa ngoan đầy đủ và chính xác về:
- Hoàn cảnh sống từng học sinh, điều kiện kinh tế gia đình của học sinh, sự quan tâm của cha mẹ, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình,
- Những đặc điểm thể chất, sinh lý từng học sinh.Thể trạng bình thường hay không.
- Những đặc điểm về tâm lý: khả năng nhận thức, nhu cầu giao tiếp, tình cảm như: cởi mở hay lầm lì, ưu tư, nóng nảy, luôn nghĩ mình bị mọi người “cô lập”, “bỏ rơi”,
- Nắm được tính cách và hành vi đạo đức từng học sinh: lười học, ba hoa, không trung thực, cách ứng xử với mọi người xung quanh
- Nắm được sở trường và sở thích của học sinh: khả năng ca hát, bóng đá, bơi lội, chơi game, yêu thích thơ văn,
- Đặc biệt cần chú trọng đến mối quan hệ của học sinh với những thanh thiếu niên bên ngoài và học sinh chưa ngoan khác trong nhà trường.
c) Thực hiện thường xuyên công tác phối hợp:
Cần kết hợp chặt chẽ ba môi trường giáo dục: Gia đình - Nhà trường - Xã hội.
- Với cha mẹ học sinh: Thường xuyên gặp gỡ và trao đổi với cha mẹ học sinh bằng nhiều hình thức như: đến thăm nhà học sinh, mời cha mẹ học sinh đến trường dự họp để thông báo mức độ vi phạm, những biểu hiện sai lệch cần được uốn nắn, khắc phục. Nhưng cần lưu ý rằng phải giao tiếp ở một góc độ cởi mở, tâm lý, tế nhị nhưng chân tình, tránh sự dồn dập, gay gắt. Có như vậy giáo viên chủ nhiệm mới tạo được với phụ huynh sự tin tưởng và tận tâm hợp tác để giáo dục con em họ tốt hơn.
- Với Ban giám hiệu: Tham mưu thường xuyên, nhờ sự “trợ giúp” kịp thời của Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng khi cần thiết nhằm có những giải pháp thiết thực, phù hợp từng thời điểm hoặc nhờ Ban giám hiệu trao đổi riêng với các học sinh chưa ngoan xem như là “đưa lên cấp cao hơn” đối với những trường hợp thường xuyên tái phạm lại lỗi cũ sau nhiều lần đã được xử lý ở lớp.
- Với tổ chức Đoàn thanh niên: Trong các hoạt động vui chơi, giải trí, các hoạt động ngoài giờ, nhiều em học sinh chưa ngoan lại tỏ ra xông xáo, thể hiện sở thích, năng lực của bản thân. Qua đó, có thể tùy theo khả năng từng đối tượng mà giao nhiệm vụ, mà phân công để các em cùng tham gia với tập thể. Từ đó, cảm giác bị “cô lập”, bị bỏ rơi của các em sẽ được xóa dần.
- Với giáo viên bộ môn: Giáo viên bộ môn có một phần trách nhiệm đối với việc giáo dục học sinh chưa ngoan ở các lớp. Khi lên lớp, cần chú ý đến các đối tượng học sinh này, cần tìm cách tạo ra “cơ hội học tập tốt” bằng các câu hỏi dễ hay bài tập đơn giản. trong quá trình giảng dạy thường có lời khen khi các em có sự tiến bộ dù rất ít.
d) Phân công, giao nhiệm vụ cho cán bộ lớp:
Cán bộ lớp là những người có thời gian gần gũi, tiếp xúc với các học sinh chưa ngoan trong lớp nhiều nhất. Do vậy, giao nhiệm vụ cho các thành viên trong cán bộ lớp quan sát và quan tâm, giúp đỡ các học sinh chưa ngoan dưới sự hướng dẫn, giám sát của giáo viên chủ nhiệm là việc làm rất hợp tình hợp lý. Bằng hình thức “Đôi bạn cùng tiến”, học sinh giỏi sẽ nhận trách nhiệm kèm học sinh yếu, cả trong rèn luyện đạo đức. Ở đây đòi hỏi người giáo viên chủ nhiệm phải thật tinh ý, sáng suốt, Thông qua Cán bộ lớp, giáo viên chủ nhiệm càng hiểu rõ hơn về từng đối tượng học sinh, về các học sinh chưa ngoan của lớp.
4. Thực hiện kế hoạch giáo dục học sinh chưa ngoan:
Khi đã hiểu rõ từng đối tượng học sinh của mình quản lý và thường xuyên thực hiện công tác phối hợp, việc giáo dục học sinh chưa ngoan ở lớp chủ nhiệm sẽ phần nào giảm bớt được khó khăn nan giải. Để kế hoạch giáo dục học sinh chưa ngoan đạt hiệu quả, người giáo viên chủ nhiệm cần:
4.1 Biết lắng nghe: Giáo viên chủ nhiệm luôn giữ mối quan hệ gần gũi, thân thiết với học sinh, đặc biệt là với học sinh chưa ngoan, hãy khuyến khích các em nói ra những điều mình nghĩ bằng nhiều cách khác nhau. “Lắng nghe và thấu hiểu” là điều mà các học sinh chưa ngoan thật sự rất cần ở giáo viên chủ nhiệm.
4.2 Biết quan tâm: Giáo viên chủ nhiệm quan tâm bằng cách trò chuyện, hỏi thăm hoàn cảnh gia đình học sinh, về bạn bè thân của các em, biết được sở thích, cá tính cũng như thái độ, sự lễ phép của học sinh đối với người lớn. Kêu gọi và yêu cầu các học sinh khác trong lớp quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ bạn mình, không nên xem thường hay cô lập các bạn chưa ngoan đó. Dưới sự hỗ trợ của cán bộ lớp, giáo viên chủ nhiệm luôn theo dõi được những biểu hiện hàng ngày của học sinh chưa ngoan, tránh được sự kết luận về vấn đề nào đó thiếu chính xác làm tổn thương đến tâm lý và tình cảm của các em.
4.3 Có uy tín với học sinh và đồng nghiệp về chuyên môn và tư cách đạo đức, tác phong sinh hoạt: Uy tín của giáo viên có tác động mạnh mẽ đến việc giáo dục đạo đức học sinh cũng như việc hình thành ý thức và hành vi của học sinh. Vì vây, giáo viên phải không ngừng bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức tác phong nhà giáo để tạo được tầm ảnh hưởng đối với các học sinh chưa ngoan.
4.4 Động viên và định hướng: Thông thường các học sinh chưa ngoan không định hướng được mình cần rèn luyện thế nào để giúp ích bản thân và hoàn thành nhiệm vụ học tập. Mặt khác, một trong những nguyên nhân chủ yếu làm học sinh chưa ngoan đều bắt đầu từ sự học kém, dẫn đến bất mãn, chán học rồi bỏ mặt mọi việc. Chính vì vậy, giáo viên chủ nhiệm là người giúp học sinh biết định hướng và động viên, khích lệ các em trên tinh thần “Kiến tha lâu cũng đầy tổ”, “Có công mài sắt có ngày nên kim”. Hãy tìm và tuyên dương những mặt tốt ở các em dù nhỏ thay vì cứ phê bình khi các em sai phạm.
4.5 Là “Người bạn lớn”: Giáo viên chủ nhiệm hãy là “Người bạn lớn” của học sinh. Chính điều này làm cho học sinh chưa ngoan thấy mình không hề bị “bỏ rơi”, tình cảm thầy trò được hình thành, tạo điều kiện thuận lợi cho những tâm sự, chia sẻ. Khi đó những lời động viên, những định hướng của giáo viên chủ nhiệm sẽ đạt hiệu quả cao.
4.6 Vui tính: Ngoài những điều trên, giáo viên chủ nhiệm cần phải có óc khôi hài, luôn vui vẻ với mọi người, kể cả học sinh chưa ngoan. Điều này giúp cho học sinh có cảm giác dễ gần với giáo viên, dễ sẻ chia tâm sự, mối quan hệ giữa thầy trò tránh được sự căng thẳng.
4.7 Đặt chữ “Tâm” lên hàng đầu: Người giáo viên được xem là “Kỹ sư tâm hồn”. Chính cái “Tâm” của người giáo viên chủ nhiệm sẽ giúp cho họ có đủ kiên nhẫn để thực hiện hết trách nhiệm của mình. Đó là năng lực để cảm hóa học sinh. Việc dùng nhân cách để giáo dục nhân cách chính là việc người thầy dùng nhân cách của mình để tác động vào học sinh, dạy học sinh bằng chính nhân cách của mình.
C.Phần kết luận
I. Những bài học kinh nghiệm:
Giáo dục học sinh chưa ngoan là một việc làm khó khăn và phức tạp, đòi hỏi người giáo viên luôn có sự nhiệt tình, trách nhiệm, kiên trì, sáng tạo. Tất cả sự cố gắng và nỗ lực của chúng ta là mong muốn cho học sinh chưa ngoan có thề thay đổi nhận thức, hành vi, có sự chuyển biến trong việc rèn luyện để trở thành người con ngoan trong gia đình, là người công dân tốt của xã hội.
Qua nghiên cứu cơ sở lý luận cũng như phân tích thực trạng ở trên, chúng tôi đã áp dụng những biện pháp giáo dục đạo đức học sinh chưa ngoan trong công tác chủ nhiệm ở trường.Thực tế cho thấy, nếu người giáo viên luôn tận tâm làm công tác này sẽ hạn chế học sinh chưa ngoan của lớp mình.Tất nhiên, trong quá trình thực hiện chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng chúng tôi sẽ cùng bàn bạc, trao đổi , rút kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện chuyên đề.
II. Ý nghĩa của chuyên đề:
Chuyên đề “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm trong việc giáo dục đạo đức học sinh cá biệt” nhằm định hướng về những hình thức, những biện pháp giáo dục có hiệu quả các đối tượng học sinh chưa ngoan.
Thông qua chuyên đề giúp các em hình thành và phát triển nhân cách con người mới, trở thành người có ích cho xã hội.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Chuyen de to Su Dia GDCD_12301711.doc