Không ít người phụ nữ luôn đòi hỏi sự công bằng từ đàn ông, nhưng khi có một công việc như sửa chữa điện, nước thì lại nói rằng đó là công việc của đàn ông. Những suy nghĩ kiểu như “chuyện thời sự là chuyện của đàn ông, đàn bà cần gì quan tâm” hay như “con gái thì phải biết nấu nướng thêu thùa để sau này về nhà chồng” vẫn còn rất phổ biến trong nữ giới cho nên khi xã hội đã công nhận, nam giới chịu nhường bước thì dường như người phụ nữ vẫn chưa chịu tiến lên.
9 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 18945 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Bất bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Bất bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay
Mở đầu
Lý do chọn đề tài
Theo số liệu thống kê của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFP), dân số thế giới đã lên đến 6,5 tỉ người (năm 2005). Mỗi ngày có hơn 70.000 nữ thanh thiếu niên kết hôn và khoảng 40.000 phụ nữ sinh con. ở Việt Nam, theo số liệu thống kê năm 2005, dân số đã lên tới hơn 82 triệu người, tăng 1,43% so với năm trước đó. Trong đó phụ nữ chiếm 51,8% dân số và 52% lực lượng lao động. Tuy nhiên, sự mất bình đẳng nam - nữ trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng trong nhiều lĩnh vực vẫn đang là thực tế.
ở nước ta hiện nay, tuy đã bước vào một thời đại mới, bước vào một kỷ nguyên mới, nhưng hiện tượng phụ nữ bị đánh đập, bị lạm dụng… vẫn đang diễn ra khá phổ biến. Vấn đề bất bình đẳng giới cũng như vấn đề giải phóng phụ nữ được nhà nước ta, các ban ngành và toàn xã hội quan tâm sâu sắc.
Đây không phải là một vấn đề còn mới mẻ, nhưng cũng không phải là vấn đề cũ kỹ và có lẽ sẽ không bao giờ là một vấn đề bị coi là “lỗi thời”. Khi chọn đề tài này người viết muốn đi sâu vào nghiên cứu nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay, và chỉ xin đưa ra một số giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này.
Đối tượng nghiên cứu của đề tài
Hiện nay, có rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học nghiên cứu về vấn đề này, mặt khác như chúng ta cũng nhận thấy, trên các phương tiện thông tin đại chúng như đài, báo, truyền hình… luôn đăng tải các nghiên cứu, các cuộc khảo sát cũng như nhiều thông tin về vấn đề bất bình đẳng giới. Các nghiên cứu cũng đã nêu lên được những nguyên nhân dẫn tới việc bất bình đẳng giới cũng như đưa ra được những kiến nghị, giải pháp nhằm dần dần xoá bỏ hiện tượng này trong xã hội Việt Nam.
Song, trong các nghiên cứu trước đây các tác giả chưa đi sâu vào những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới, đặc biệt trong đó có nguyên nhân chủ quan của bản thân người phụ nữ. Vì vậy trong đề tài này người viết xin đi sâu vào nghiên cứu những nguyên nhân của hiện tượng bất bình đẳng giới trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay.
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài
Người viết muốn làm rõ khái niệm bình đẳng giới, bất bình đẳng giới, từ đó đi sâu làm rõ những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới ở nước ta hiện nay nhằm đưa ra những giải pháp góp phần làm giảm tình trạng này ở Việt Nam .
Phương pháp nghiên cứu
Đề tài có sử dụng một số phương pháp như: phương pháp điều tra xã hội học, nghiên cứu tài liệu và quan sát thực tế.
Phạm vi nghiên cứu đề tài
Đề tài nghiên cứu tình trạng bất bình đẳng giới ở Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Kết cấu nội dung của đề tài.
Nội dung của đề tài dự kiến gồm 3 phần:
Chương 1: Hiện tượng bất bình đẳng giới trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay.
Chương 2: Nguyên nhân của bất bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay.
Chương 3: Một số giải pháp nhằm giảm tình trạng bất bình đẳng giới ở nước ta hiện nay.
Nội dung chính
Chương 1: Hiện tượng bất bình đẳng giới trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay.
Khái niệm Bình đẳng và Bình đẳng giới.
Khái niệm Bình đẳng
Khái niệm bình đẳng có nhiều định nghĩa và phạm vi áp dụng. Theo nghĩa hẹp, những người đạt đến cấp độ như nhau dừa trên một số tiêu chí được sử dụng để đánh giá cần phải được hưởng những quyền lợi giống nhau. ở đây, chúng ta hiểu Bình đẳng nghĩa là tạo ra môi trường công bằng, để cho những người rất khác nhau được hưởng những điều kiện cơ bản giống nhau.
Khái niệm Bình đẳng giới
Theo Liên Hợp Quốc, bình đẳng giới có nghĩa là phụ nữ và nam giới được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người và có cơ hội đóng góp và thụ hưởng những thành quả phát triển của quốc gia trên các mặt chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá.
Như vậy ta có thể rút ra được khái niệm bất bình đẳng giới: nghĩa là phụ nữ không được hưởng những điều kiện cũng như đóng góp những thành quả phát triển của quốc gia trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá như nam giới.
2. Bất bình đẳng giới trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay.
Con người từ bao đời nay vẫn luôn hướng về Chân, Thiện, Mỹ. Và cũng từ bao đời nay họ luôn đấu tranh cho chính nghĩa, công lý và sự bình đẳng. Song cái bình đẳng mà con người đã đang và sẽ đấu tranh cho liệu trong đó có bình đẳng giới hay không?
ở nước ta, trong thời kỳ phong kiến người phụ nữ, con gái đã không có quyền được yêu, không có quyền quyết định cuộc đời mình và luôn được giáo dục rằng “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, trong gia đình người cha hay người con trai quyết định tất cả các công việc lớn bé. Như vậy từ xưa, người phụ nữ đã chẳng có một chỗ đứng nào trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
Còn ngày nay vị trí của người phụ nữ Việt Nam ở đâu? Đây dường như một câu hỏi khó trả lời, bởi ngoài không ít những phụ nữ thành đạt trong cuộc sống thì cũng có không ít phụ nữ vẫn đang là nạn nhân của hiện tượng Bất bình đẳng giới. Công cuộc cải cách của nước ta đã nâng cao cuộc sống của phụ nữ, song quan khoảng cách và quan điểm dập khuôn về giới vẫn tồn tại.
Theo như báo cáo về vấn đề “Khác biệt giới trong nền kinh tế chuyển đổi ở Việt Nam”, do Uỷ ban vì sự Tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Thế giới (FAO) phối hợp công bố (2002), thì mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng về bình đẳng giới song phụ nữ và trẻ em gái vẫn thiệt thòi hơn nam giới và trẻ em trai trong một số lĩnh vực:
Số phụ nữ làm công ăn lương ít hơn nam giới. Tỷ lệ phụ nữ làm công ăn lương chỉ bằng khoảng hơn một nửa so với nam giới.
Mức lương của phụ nữ thấp hơn nam giới, kể cả trong lĩnh vực ngành nghề. Mức lương bình quân thực tế theo giờ công lao động của phụ nữ chỉ bằng khoảng 80% so với nam giới. Tuy tình trạng này hiện nay không hoàn toàn là phổ biến, nhưng rõ ràng trong một số lĩnh vực, phụ nữ được trả lương thấp hơn nam giới đối với cùng một loại công việc. Phụ nữ còn chủ yếu tập trung trong các ngành nghề đồi hỏi kỹ năng ở mức độ thấp như giáo viên hay lao động thủ công, và cơ hội phụ nữ được bố trí vào các vị trí quản lý ở cấp cao thì ít hơn nam giới.
Thời gian phụ nữ dành cho công việc nhà không được thù lao gấp đôi nam giới. Số giờ công lao động hưởng lương của nam giới và phụ nữ là tương đương nhau. Tuy nhiên thời gian phụ nữ dành cho việc nhà lại gấp đôi nam giới, đây là những công việc không được thù lao. Như vậy phụ nữ có rất ít học không có thời gian để tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí, văn hoá, xã hội và tiếp tục nâng cao trình độ học vấn.
Điều kiện dinh dưỡng của phụ nữ kém hơn so với nam giới. Phụ nữ trưởng thành, đặc biệt là phụ nữ ở các vùng nông thôn, các gia đình nghèo và các dân tộc thiểu số, vẫn có nhiều khả năng bị suy yếu sức khỏe kinh niên hơn nam giới.
Phụ nữ vẫn còn gặp nhiều trở ngại hơn nam giới trong việc tiếp cận với các nguồn tín dụng, đặc biệt vì phụ nữ thường không có tài sản thế chấp như đất đai. Mặc dù luật đất đai ở Việt Nam không phân biệt đối xử với phụ nữ, song những tập quán phổ biến làm cho họ bị yếu thế hơn. Quyền sử dụng đất thường chỉ đứng tên người chồng.
Ngoài những những thông tin trong báo cáo trên, rõ ràng trên thực tế người phụ nữ vẫn gặp nhiều trở ngại hơn so với nam giới trong việc tham gia vào các công việc cũng như các hoạt động xã hội. Đặc biệt tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực giới vẫn đang tồn tại ở nhiều nơi.
Chương 2: Nguyên nhân của bất bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay
Nói đến nguyên nhân của tình trạng bất bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay phải kể đến trước tiên đó là tư tưởng “trọng nam khinh nữ” dường như đã ăn khá sâu vào trong suy nghĩ, nếp sống của người Việt. Tuy đã bước vào thế kỷ 21, song không thể phủ nhận rằng vẫn có rất nhiều người mang nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, đặc biệt là vẫn tồn tại ở các làng quê. Phụ nữ Việt Nam hiện nay vẫn chịu trách nhiệm chính trong các công việc gia đình. Theo thông báo chính thức của Uỷ ban Quốc gia vì sự tiến bộ của của phụ nữ , thời gian lao động của nữ giới thường cao hơn nam giới 3 – 4h mỗi ngày. Khoảng thời gian vượt trội này chính là công việc nội trợ không tên và không được trả công. ở nông thôn và miền núi, những nơi dân trí thấp, phụ nữ dân tộc thiểu số còn phải làm quần quật từ sáng sớm cho đến nửa đêm, “thức khuya, dậy sớm”.
Về phía nam giới, thì dường như họ luôn tìm cách biện minh cho tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn dọng trong họ, họ luôn coi rằng đàn ông phải làm những công việc lớn lao khác còn những việc trong gia đình thì được họ coi là “việc vặt”, và đã là việc vặt thì phụ nữ phải lo. Thực tế cho thấy ngay từ khi còn nhỏ trong gia đình đã có sự phân biệt con trai con gái của cha mẹ, khi trẻ em gái đòi một sự công bằng nào đó từ cha mẹ như phân chia việc nhà: nấu cơm, rửa bát, quét nhà… thì thường nhận được từ cha mẹ những câu đại loại như: Đó là việc của con gái, hay em (anh) là con trai cơ mà. Và như vậy ngay từ bé những trẻ em gái đã được uốn nắn theo một mẫu hình phụ nữ truyền thống đó là sinh ra để phục vụ đàn ông.
Nhìn chung đối với người Việt Nam chúng ta, mặc dù ở mức độ ít hay nhiều thì dường như trong nếp nghĩ, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại phổ biến.
Hơn nữa, từ xưa đến nay, người ta vẫn quan niệm rằng hạnh phúc của người phụ nữ là được hi sinh vì chồng con, nhiều khi quan niệm này khắt khe đến mức nhiều người còn gắn nó với đạo đức, và nếu như ai thành đạt trong những công việc xã hội mà lơ là công việc gia đình vẫn bị coi là chưa đủ đức Hạnh.
Tuy nhiên nếu chỉ quy trách nhiệm trong vấn đề “trọng nam khinh nữ” lên đầu nam giới thì đó chỉ là phiến diện. Một nguyên nhân sâu xa mà từ trước đến nay ít ai quan tâm đến, đó chính là bản thân người phụ nữ.
Cũng gần như vậy, từ xưa đến nay, nam giới thường là người đi làm kiếm tiền cho gia đình, còn phụ nữ thì ở nhà cơm nước nuôi chồng con. Một phần vì thể chất của nam giới khi sinh ra khoẻ hơn người phụ nữ. Rồi thì bây giờ người ta cũng quen với hình ảnh đấy nên muốn thay đổi cũng không phải là chuyện dễ dàng. Cho dù nam giới có chịu thay đổi suy nghĩ về vai trò của mình thì người phụ nữ cũng phải nhìn nhận được vai trò của mình trong xã hội.
Không ít người phụ nữ luôn đòi hỏi sự công bằng từ đàn ông, nhưng khi có một công việc như sửa chữa điện, nước… thì lại nói rằng đó là công việc của đàn ông. Những suy nghĩ kiểu như “chuyện thời sự là chuyện của đàn ông, đàn bà cần gì quan tâm” hay như “con gái thì phải biết nấu nướng thêu thùa để sau này về nhà chồng”… vẫn còn rất phổ biến trong nữ giới cho nên khi xã hội đã công nhận, nam giới chịu nhường bước thì dường như người phụ nữ vẫn chưa chịu tiến lên.
Hay như trong chính giới trẻ hiện nay thôi, vẫn còn có những bạn gái suy nghĩ kiểu như “con trai gì mà chẳng ga lăng tẹo nào”, “con trai gì mà yếu xìu thế”, “con trai thì phải làm việc này đi”…, khi đi chơi thì, “con trai thì phải xách đồ đạc chứ”, hay con trai thì phải lái xe vì “mẹ đánh đau không bằng ngồi sau con gái”… Như vậy có phải là phía nữ giới đang phủ nhận quyền bình đẳng của mình hay không?
Rõ ràng chính trong bản thân phía nữ giới cũng chưa nhận thức được đầy đủ những quyền lợi của chính bản thân mình, cho nên tình trạng bất bình đẳng vẫn diễn ra, bạo lực gia đình vẫn còn là một bài toán khó cho toàn xã hội.
Xã hội nói chung, nam giới nói riêng nhận thức được vấn đề bình đẳng giới vẫn là chưa đủ, mà chỉ đến khi nào chính những người phụ nữ cũng nhận thức được vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của mình thì lúc đó bài toán Bình đẳng giới mới giải quyết được.
Chương 3: Một số giải pháp.
Trên lĩnh vực giáo dục
Giáo dục trẻ em, cả trai và gái những kỹ năng cơ bản để có thể sống tự lập và giúp đỡ những người khác trong gia đình.
Giáo dục trẻ em tư tưởng bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của xã hội và gia đình.
Trên lĩnh vực truyền thông đại chúng
Loại bỏ những ấn phẩm cổ xuý cho quan niệm phụ nữ phải hi sinh, nhượng nhịn, phục vụ nam giới.
Phát hành những tài liệu kêu gọi sự bình đẳng trong gia đình.
Nêu lên và phê phán những hiện tượng bất bình đẳng giới như bạo lực giới, bạo lực gia đình, nạn buôn bán phụ nữ… trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cũng như có hình phạt thích đáng cho những hành động vi phạm quyền bình đẳng giới.
Tuyên truyền, phổ biến những kiến thức về bình đẳng giới rộng rãi, tới các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, các vùng miền núi, các dân tộc ít người. Đặc biệt là cần nâng cao nhận thức của phụ nữ về vai trò, quyền lợi, vị trí của mình trong xã hội.
Kết luận
Hiện nay trên thế giới có 65/121 triệu trẻ em gái bị thất học, 600 triệu phụ nữ bị mù chữ trong khi con số này ở nam giới chỉ là 320 triệu. Cứ 3 phụ nữ thì có một người bị đánh đập, bị ép buộc quan hệ tình dục hoặc bị lạm dụng. Báo cáo của UNFP cho thấy, riêng ở châu á, do quan niệm trọng nam khinh nữ vẫn còn nặng nề nên 60 triệu bé gái đã bị “biến mất” khỏi cộng đồng ngay sau khi thai phụ xác định được giới tính, bất chấp các luật lệ cấm xác định giới tính và phá thai chọn lọc giới tinh.
Cũng theo UNFP thì Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong việc đảm bảo quyền bình đẳng như: 92% các bé gái được đi học tiểu học, tỉ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh đang tiếp tục giảm xuống, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là nữ chiếm khoảng 27 – 28 % tổng số đại biểu, và như vậy Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đại biểu là nữ trong Quốc hội cao nhất châu á.
Bình đẳng giới ở Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan, trong đó mới đây nhất, ngày 02/06/2006 dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật bình đẳng giới. Và như Bà Hà Thị Khiết, Chủ tịch Uỷ ban vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã nói: “Bình đẳng giới không chỉ là vấn đề của phụ nữ - đó là một vấn đề quan trọng trong công cuộc phát triển ở Việt Nam. Nó đảm bảo cho nhu cầu và ưu tiên của mọi người dân được lưu ý tới và toàn thể nhân dân Việt Nam – nam giới, phụ nữ, trẻ em trai, trẻ em gái - đều được hưởng thụ các thành tựu của đất nước một cách bình đẳng”.
Tóm lại, xét đến cùng, không bao giờ có bình đẳng tuyệt đối về mặt vật lý vì đơn giản chúng ta bất bình đẳng về mặt sinh học. Vậy nên khái niệm bình đẳng giới nên được xây dựng từ xuất phát điểm tôn trọng và thừa nhận khách quan sự khác biệt về mặt sinh học giữa hai giới, về trách nhiệm đối với sự trường tồn của cộng đồng,dân tộc và nhân loại trong mối quan hệ hài hoà với môi trường tự nhiên.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 21146.doc