Chương 1: Khái quát nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới (1986-2002) và một số nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. 4
I. Khái quát nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay. 4
1. Sự phát triển kinh tế ở Việt Nam trong những năm qua. 4
1.1. Thành tựu đạt được. 5
1.2. Những tồn tại và yếu kém. 8
2. Đóng góp của các nhân tố tiêu dùng, đầu tư, xuất nhập khẩu vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. 11
2.1. Bản chất của tăng trưởng kinh tế. 11
2.2. Tính các chỉ tiêu đóng góp vào quá trình tăng trưởng kinh tế. 17
2.3. Các nhân tố đóng góp vào tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. 22
2.3.1. Nhân tố tiêu dùng. 22
2.3.2. Nhân tố đầu tư. 24
2.3.3. Nhân tố xuất, nhập khẩu. 26
2.3.4. Phân tích tổng hợp các nhân tố đóng góp vào quá trình tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. 30
II. Các nhân tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. 33
1. Các lý thuyết chính xác định các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng kinh tế. 33
1.1. Lý thuyết tăng trưởng tân cổ điển. 34
1.2. Lý thuyết tăng trưởng của Keynes và tân Keynes. 36
1.3. Lý thuyết tăng trưởng nội sinh. 38
2. Mô hình tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển. 41
3. Mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. 42
Chương II: Phân tích ảnh hưởng của các nhân tố cơ bản đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam. 44
76 trang |
Chia sẻ: huong.duong | Lượt xem: 5752 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Các nhân tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới kinh tế từ năm 1986 đến nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
hần đóng góp 5,03% của tiêu dùng thì riêng tiêu dùng cá nhân đã làm GDP tăng 4,67% trong khi tiêu dùng của Chính phủ chỉ làm GDP tăng 0,36%. Như vậy trong đóng góp của tiêu dùng, vai trò của tiêu dùng cá nhân chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối còn vai trò của tiêu dùng Chính phủ thì không đáng kể. Tiếp đến, xem xét các chỉ tiêu trong khối “đóng góp vào tăng trưởng GDP (tỷ lệ tương đối, % của tỷ lệ tăng trưởng GDP)’’, cho thấy tỷ lệ tăng trưởng kinh tế năm 2002 hoàn toàn nhờ vào tăng tổng cầu nội địa (118,79%) trong đó hai nhóm nhân tố nội địa chính là tiêu dùng cá nhân và tích lũy tài sản (66,29% và 47,42%), tiêu dùng Chính phủ chỉ tạo ra 5,08% của tỷ lệ tăng trưởng GDP chung là 7,04%. Khu vực xuất nhập khẩu đã đóng góp âm cho tỷ lệ tăng trưởng GDP (-26,25%), mặc dù xuất khẩu đã có đóng góp lớn (69,11%) vào tỷ lệ tăng trưởng GDP chung nhưng nhập khẩu lại tạo ra -95,36% tỷ lệ tăng trưởng GDP.
Phân tích cho cả thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay, có thể đưa ra một số nhận xét như sau:
- Trước năm 1988, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào cầu nội địa, vai trò của hoạt động xuất nhập khẩu rất thấp: trong khi tổng cầu nội địa tạo ra 143,12% tỷ lệ tăng GDP (tương ứng với 5,2% trong số 3,63%) thì xuất khẩu chỉ tạo ra 21,7% và nhập khẩu giảm 103,23% làm cho đóng góp chung của khu vực kinh tế đối ngoại vào tỷ lệ tăng trưởng GDP là âm: -81,53%. Việc thực hiện tăng trưởng chủ yếu dựa vào cầu nội địa là do có nguồn viện trợ dồi dào của khối Liên Xô cũ. Phân tích sâu hơn cho thấy: năm 1987, đóng góp quan trọng nhất trong tổng cầu nội địa là nhân tố tích lũy tài sản tạo được 93,8% tỷ lệ tăng trưởng GDP; tiếp đến là tiêu dùng cá nhân: 35,48%; cuối cùng mới là tiêu dùng chính phủ: 13,84%.
- Từ năm 1988, khi quan hệ kinh tế đối ngoại được mở rộng thì vai trò của nhân tố bên ngoài đã tăng lên rất mạnh: trong khi cầu nôi địa chỉ tạo ra 73,32% tỷ lệ tăng trưởng GDP so với mức 143,12% năm 1987, thì khu vực kinh tế đối ngoại đã có mức đóng góp dương là 14,81%. Tình hình diễn biến tương tự đến năm 1992: cầu nội địa liên tục tạo ra khoảng 63 – 83,52% tỷ lệ tăng trưởng GDP (trung bình đạt 76%/năm) và còn lại là đóng góp của khu vực ngoại thương. Trong thời kỳ 1988-1992, do bị cắt viện trợ từ khối Liên Xô cũ, Việt Nam đã buộc phải chuyển sang phát triển dựa đồng thời vào cầu trong nước và cầu nước ngoài. Đối với cầu trong nước trong thời kỳ này, vai trò quan trọng nhất tạo ra tỷ lệ tăng trưởng GDP thuộc về tiêu dùng cá nhân; tiếp đến là tiêu dùng Chính phủ và sau cùng mới đến tích luỹ tài sản. Như vậy quan hệ thứ tự này khác với giai đoạn trước cải cách.
- Năm 1993 đánh dấu một sự thay đổi lớn về chiến lược tăng trưởng kinh tế. Các số liệu trong bảng 2 chỉ ra trong thời kỳ 1993-1998, Việt Nam đã trở lại phát triển dựa hoàn toàn vào cầu nội địa, tỷ trọng đóng góp chung của khu vực kinh tế đối ngoại vào tăng trưởng GDP liên tục âm trừ năm 1997 khi Việt Nam chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế tài chính khu vực Châu á: khu vực này đã tạo ra 13,95% tỷ lệ tăng trưởng GDP, tính trung bình cho cả thời kỳ này là -18,4%; ngược lại, đóng góp của nhân tố cầu trong nước đã tăng lên rất mạnh: trung bình đạt tới 115,4%. Như vậy, không những toàn bộ tăng trưởng kinh tế là do cầu nội địa tạo ra mà nó còn bù đắp lại phần giảm tăng trưởng do nhập khẩu quá nhiều. Phân tích chi tiết hơn cho thấy thời kỳ này, tích luỹ tài sản (đầu tư) lại trở thành nhân tố quan trọng nhất tạo ra quá trình tăng trưởng (đóng góp trung bình tới 54,3%/năm) trong khi tiêu dùng cá nhân bị đẩy xuống (đóng góp 53,8%/năm) và nhân tố tiêu dùng Chính phủ vẫn là nhân tố có đóng góp ít nhất (7,3%/năm). Chiến lược tăng trưởng trong thời kỳ này được thực hiện nhờ có luồng nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ dồi dào dựa trên những nguồn thu ngoại tệ rất lớn gồm xuất khẩu dầu mỏ, kiều hối, viện trợ ODA và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng nhanh. Tuy nhiên, lý thuyết về cán cân thanh toán quốc tế cho rằng một quá trình phát triển mà dựa hoàn toàn vào tăng trưởng cầu nội địa như vậy sẽ không thể phát triển bền vững.
- Thâm hụt ngoại thương và cán cân thanh toán quốc tế lên đến đỉnh điểm năm 1995-1996 đã buộc Việt Nam phải điều chỉnh chính sách phát triển kinh tế từ năm 1997-1998 và quá trình này được đẩy nhanh nhờ tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ Châu á. Kết quả là năm 1999, đóng góp của khu vực xuất nhập khẩu vào tăng trưởng kinh tế đã tăng mạnh: nếu như tỷ lệ tăng trưởng GDP năm 1999 là 4,77% thì riêng khu vực xuất nhập khẩu đã tạo ra 3,01% chiếm 63,15% tỷ lệ tăng trưởng trong khi đó cầu trong nước chỉ tạo ra 1,77% (chiếm 37,05%). Nhưng từ năm 2000 đến nay tình thế lại đảo ngược với sự đóng góp mạnh mẽ hơn của tổng cầu nội điạ vào tỷ lệ tăng trưởng GDP so với khu vực xuất nhập khẩu. Đặc biệt, vai trò của cầu nội địa tăng vọt trong năm 2000 là do nhân tố tích luỹ tài sản để đầu tư (tạo ra 44,07%tỷ lệ tăng GDP) còn tiêu dùng cá nhân chỉ tạo ra 31,3% nhưng đến năm 2002 thì tiêu dùng cá nhân lại có đóng góp mạnh hơn (tạo ra 66,29%tỷ lệ tăng GDP); tích luỹ tài sản chỉ tạo ra 47,42%.
Tóm lại, vai trò của các nhân tố đóng góp cho quá trình tăng trưởng kinh tế nước ta đã có nhiều thay đổi lớn trong thời kỳ đổi mới. Nếu như trong thời kỳ đầu cải cách (1988-1992), tiêu dùng nội địa và khu vực kinh tế đối ngoại đều đóng vai trò quan trọng đối với quá trình tăng trưởng thì trong thời kỳ tăng trưởng cao (1993-1998), nhân tố cơ bản tạo ra quá trình tăng trưởng lại là cầu nội địa mà chủ yếu là đầu tư (trong đó vai trò của vốn đầu tư nước ngoài rất lớn) và tiêu dùng cá nhân; ngược lại khu vực kinh tế đối ngoại đã có đóng góp âm tới tỷ lệ tăng trưởng trong thời kỳ này. Riêng năm 1999, vai trò của khu vực kinh tế đối ngoại tăng lên rõ rệt trong khi vai trò của cầu nội địa lại giảm và từ năm 2000 đến nay tình thế lại diễn ra tương tự như thời kỳ 1993-1998.
II. Các nhân tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
1. Các lý thuyết chính xác định các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng kinh tế.
Như chúng ta đã biết, các mô hình tăng trưởng kinh tế đều có mục đích giải thích nguồn gốc của sự tăng trưởng, nó thể hiện mối quan hệ giữa các yếu tố sản xuất (đầu vào) được sử dụng với mức sản lượng đầu ra (mức tăng trưởng). Có thể kể đến 3 dòng lý thuyết chính là tân cổ điển, Keynes và tân Keynes và tăng trưởng nội sinh. Theo các cách tiếp cận khác nhau, họ đã đưa ra một số mô hình tăng trưởng kinh tế dưới đây được các nước đang phát triển quan tâm.
1.1. Lý thuyết tăng trưởng tân cổ điển.
Cuối thế kỷ XIX là thời kỳ đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, hàng loạt phát minh khoa học và nguồn tài nguyên đã được khai thác để phục vụ cho quá trình sản xuất và thời kỳ này được coi là điểm mốc đánh dấu cho sự ra đời của trường phái tân cổ điển.
Lý thuyết cổ điển được xây dựng trên cơ sở giả định rằng nền kinh tế luôn đạt tới trạng thái cân bằng trong điều kiện toàn dụng lao động, do đó quá trình tăng trưởng kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào tích luỹ vốn và gia tăng lực lượng lao động. Học thuyết Keynes sơ khai lại cho rằng cần phải có những điều kiện nhất định thì mới có toàn dụng lao động chứ không phải đạt được một cách tự nhiên, tuy nhiên những phân tích của Keynes chỉ nhằm vào những điều kiện toàn dụng lao động trong ngắn hạn. Để xem xét các nhân tố tạo ra quá trình tăng trưởng bền vững, các nhà kinh tế tân cổ điển, mở đầu là Roy Harrod ở Anh và Evsay Domar ở Mỹ đã đưa ra một phương pháp tiếp cận mới.
Vào giữa thế kỷ XX, trong khi các nhà kinh tế cổ điển chỉ xem xét duy nhất khía cạnh cung của vốn đầu tư và Keynes chỉ tập trung vào khía cạnh cầu trong bối cảnh ngắn hạn, thì Harrod và Domar xem xét đồng thời 2 khía cạnh cung và cầu của quá trình đầu tư. Theo quan điểm của 2 ông, trường phái Keynes không thể phân tích được quá trình tăng trưởng cân bằng dài hạn vì đặt thấp vai trò của nhân tố vốn trong khi trên thực tế, đầu tư có tác động hai mặt rất rõ nét cả về phía cung và phía cầu: về phía cung, đầu tư là nhân tố đầu vào quan trọng của quá trình sản xuất, làm tăng khối lượng tài sản cố định từ đó làm tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế; về phía cầu, đầu tư sẽ làm tăng thu nhập và khuyến khích tiêu dùng do đó sẽ làm tăng cầu và kích thích sản xuất. Nếu đầu tư vừa làm tăng năng lực sản xuất, vừa làm tăng thu nhập thì nó sẽ làm tăng cả hai vế trong phương trình cân bằng và tạo ra tỷ lệ tăng trưởng cần thiết. Đặc biệt, 2 ông cho rằng đầu tư ròng trong bất kỳ thời kỳ nào cũng ngang bằng tiết kiệm ròng; thu nhập còn lại sau khi tiêu dùng sẽ được chuyển thành tiết kiệm và được đưa vào đầu tư, sau quá trình này tổng cung và tổng cầu sẽ tự động cân bằng.
Xét phía cung của đầu tư, Harrod-Domar cho rằng năng lực sản xuất của nền kinh tế phụ thuộc vào đầu tư mới theo quan hệ sau:
(1)
Trong đó: là sản lượng tăng thêm; I là đầu tư và p là năng suất tiềm năng trung bình của vốn.
Đặc trưng quan trọng nhất của phương trình (1) là năng suất tiềm năng p: tức là khi p càng cao thì nền kinh tế càng có khả năng tăng trưởng nhanh. Chia cả hai vế của phương trình (1) cho Y thu được phương trình:
(2)
Đặt thì g chính là tỷ lệ tăng trưởng.
Vì tiết kiệm là nguồn gốc của đầu tư cho nên về mặt lý thuyết thì đầu tư (I) luôn bằng tiết kiệm (S). Nếu gọi s là tỷ lệ tiết kiệm trong GDP thì:
Từ đó ta có phương trình: g=s*p (3)
Nếu gọi k là tỷ số gia tăng giữa vốn - đầu ra thì ta sẽ có:
(4)
ở đây, k được gọi là hệ số ICOR, nó phản ánh trình độ kỹ thuật của sản xuất và là số đo năng lực sản xuất của đầu tư. Từ đó ta có phương trình cuối cùng là:
(5)
Phương trình nhìn từ phía cung cho thấy vốn đầu tư là nhân tố chính xác định tỷ lệ tăng trưởng và tiết kiệm quốc gia là nguồn gốc của đầu tư.
Về phía cầu, Harrod – Domar sử dụng khái niệm nhân tử Keynes, họ cho rằng thu nhập quốc gia là hàm của đầu tư gia tăng hơn là của bản thân đầu tư và nếu đầu tư trong năm sau không tăng so với năm trước thì thu nhập quốc gia năm sau sẽ không thể tăng so với năm trước.
Như vậy Harrod – Domar đã vạch ra một mô hình tăng trưởng cho các nước đang phát triển đó là tăng trưởng dài hạn với mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững phải dựa vào việc tích lũy vốn cho đầu tư.
1.2. Lý thuyết tăng trưởng của Keynes và tân Keynes.
Vào những năm 30 của thế kỷ XX khủng hoảng kinh tế và thất nghiệp diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng. Năm1936, Keynes đã xuất bản cuốn sách nổi tiếng bàn về nguyên nhân của cuộc đại suy thoái của chủ nghĩa tư bản lúc đó với tiêu đề: “Lý thuyết chung về việc làm, lãi suất và tiền tệ”. Về ngắn hạn, xuất phát điểm của lý thuyết Keynes là nguyên tắc cầu thực. Ông sử dụng lý luận về việc làm và sản lượng do cầu quyết định để giải thích mức sản lượng thấp và thất nghiệp cao kéo dài trong những năm 30 ở hầu hết các nước công nghiệp phương Tây, do đó lý thuyết này còn được gọi là lý thuyết trọng cầu. Theo Ông, tổng việc làm phụ thuộc vào tổng cầu thực, cầu thực này lại phụ thuộc vào chi tiêu có nguồn gốc từ thu nhập. Do nhấn mạnh vai trò của cầu nên Keynes tập trung vào xử lý cầu gộp, cầu gộp được chia làm 2 thành phần là: cầu tiêu dùng và cầu đầu tư. Trong khi cầu tiêu dùng được xem là ổn định với thu nhập thì cầu đầu tư biến động rất phức tạp và phụ thuộc vào hiệu quả đầu tư, tuy nhiên nhà nước vẫn có thể tác động trực tiếp vào cả hai thành phần này để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Theo Keynes, trong ngắn hạn thì đầu tư luôn luôn ngang bằng với tiết kiệm nhưng cơ chế xác định 2 chỉ tiêu này hoàn toàn khác nhau. Trong khi tiết kiệm phụ thuộc vào thu nhập thì đầu tư lại phụ thuộc vào lãi suất; phương trình cân bằng tiết kiệm - đầu tư cho phép xác định đồng thời thu nhập và lãi suất, hợp thành đường cong IS nổi tiếng (I(r)=S(Y)). Khi đầu tư tăng thì cầu thực của nền kinh tế tăng làm cho sản xuất tăng (trong điều kiện nền kinh tế chưa sử dụng hết công suất). Do đó, Chính phủ có thể chủ động tăng chi tiêu ngân sách cho đầu tư, nhất là đầu tư vào các dự án công cộng, làm tăng đầu tư chung của toàn nền kinh tế kéo theo tổng cầu tăng, mở ra quá trình tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.
Đóng góp chủ yếu của lý thuyết Keynes là trong phân tích kinh tế ngắn hạn. Trong dài hạn, nhìn chung Keynes vẫn sử dụng những nguyên tắc cơ bản của lý thuyết tân cổ điển: các mô hình kinh tế vĩ mô theo lý thuyết Keynes vẫn coi tiết kiệm là nguồn gốc của đầu tư và đầu tư là nhân tố quyết định quá trình tăng trưởng dài hạn.
Hàm sản xuất trong mô hình Keynes có dạng gộp như sau:
Y = f(K, L)
Trong đó: Y là kết quả sản xuất (sản lượng),
K là vốn cố định và L là lao động.
Trong mô hình này L được xem là biến ngoại sinh và nó ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng do đó khi số người tham gia lao động tăng lên thì sản xuất sẽ tăng. Đối với tiết kiệm và đầu tư, Keynes đồng ý với các nhà kinh tế tân cổ điển là tiết kiệm chịu ảnh hưởng của thu nhập chứ không phải là lãi suất do đó nếu đầu tư giảm thì thu nhập giảm dẫn tới tiết kiệm giảm gây ra sự thiếu hụt nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn tiếp theo. Keynes cũng cho rằng đầu tư là nhân tố then chốt để tăng trưởng và thực hiện toàn dụng lao động nhưng ông cho rằng không tồn tại cơ chế tự động giữ tiết kiệm và đầu tư luôn ở mức cân bằng. Từ đây, ông đề cao vai trò của Chính phủ: Chính phủ có thể kích thích đầu tư thông qua tăng thâm hụt ngân sách; khi đầu tư tăng thì sản xuất và việc làm tăng, kéo theo tăng nhu cầu; nhu cầu tăng sẽ lại kích thích sản xuất để đáp ứng cầu làm cho tăng trưởng kinh tế nhanh hơn.
Tuy nhiên, các giả thuyết cơ bản của lý thuyết Keynes đã không phù hợp với các nước đang phát triển ví dụ như để chính sách tăng trưởng dựa vào kích cầu thắng lợi Keynes đòi hỏi nền kinh tế phải luôn trong tình trạng cung lớn hơn cầu nhưng điều này là không hiện thực tại các nước đang phát triển, nơi nền kinh tế còn phổ biến là sản xuất nhỏ, công nghiệp rất yếu kém, cung luôn luôn không đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu,… Do đó các nhà kinh tế sau Keynes đã đi sâu nghiên cứu, phát triển lý thuyết Keynes để giải thích những vấn đề về tăng trưởng dài hạn phù hợp với các nước đang phát triển.
1.3. Lý thuyết tăng trưởng nội sinh.
Mô hình tăng trưởng ngoại sinh được phát triển bởi nhiều tác giả như Samsey (1928), Swan (1956) và đặc biệt là Solow (1956) đã chứng minh vai trò của từng yếu tố vốn, lao động, công nghệ trong tăng trưởng kinh tế và đã giải thích được nguồn gốc của sự tăng trưởng trong những năm 50-60. Theo nhận định của nhiều nhà kinh tế, sự tăng trưởng nhanh của những nước NICs dựa phần lớn vào sự huy động các nguồn lực đầu vào như lao động, tư bản chứ không phải dựa vào hiệu qủa của việc sử dụng các nguồn lực đó. Song từ những năm 70 đã có những nhận định về sự tăng trưởng kinh tế của những nước công nghiệp mới, đó là sự tăng trưởng kinh tế không chỉ phụ thuộc vào sự tăng trưởng của các nguồn lực vật chất, của năng suất mà là làm thế nào để duy trì được năng suất nhân tố tổng hợp mà chỉ với mô hình tăng trưởng ngoại sinh thì không giải thích được bởi vì các giả định của mô hình ngoại sinh tỏ ra còn quá đơn giản so với thế giới hiện thực như giả định rằng: nền kinh tế chỉ có 2 khu vực là hộ gia đình và doanh nghiệp; vai trò Chính phủ chưa được tính đến hoặc họ giả định chỉ có một loại tư bản (tư bản vật chất) song trong thế giới hiện thực có nhiều loại tư bản khác nhau như: tư bản hiện vật, vốn nhân lực, tư bản của khu vực tư nhân, tư bản của khu vực công cộng,…; thêm nữa mô hình tăng trưởng ngoại sinh đánh giá cao vai trò của công nghệ nhưng lại coi công nghệ là biến ngoại sinh, không lý giải nó và các yếu tố quyết định nó. Do vậy đến thập kỷ 70 và 80, các nhà kinh tế đã đưa ra mô hình tăng trưởng nội sinh nhằm khắc phục các khiếm khuyết của mô hình tăng trưởng tân cổ điển.
Cách tiếp cận của mô hình tăng trưởng nội sinh là biến yếu tố ngoại sinh thành nội sinh. Các tác giả như Romer(1986), Lucas(1988) và Rabelo (1991) đã đưa tiến bộ công nghệ từ biến ngoại sinh trong mô hình tăng trưởng tân cổ điển thành biến nội sinh trong mô hình tăng trưởng nội sinh. Theo mô hình này, tăng trưởng xuất phát từ những nỗ lực đổi mới trong sản xuất, trong đó đổi mới mang tính nội sinh, nó phụ thuộc vào việc lựa chọn các phương thức sản xuất mới để sản xuất ra các loại sản phẩm mới đáp ứng được nhu cầu của thị trường tiềm năng. Sự lựa chọn này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quy mô dân số, trình độ công nghệ hiện tại và khả năng đổi mới công nghệ trong tương lai. Như vậy, sự tăng trưởng về cơ bản sẽ đạt được từ những yếu tố ngoại sinh, nhưng lại được tạo ra trong quá trình tác động qua lại lẫn nhau giữa sự cải tiến và đổi mới của các đơn vị sản xuất. Theo quan điểm này thì lý thuyết tăng trưởng nội sinh đã trở lại với lý thuyết phát triển của Schumpeter(1991), đó là coi đổi mới là động lực của sự tăng trưởng. Theo các nhà kinh tế hậu Schumpeter và những người theo thuyết tăng trưởng nội sinh, các sáng kiến cải tiến thường có xu hướng tập trung theo ngành công nghệ và theo hình thức tổ chức sản xuất, nên nhiều khi chỉ một sáng kiến mang tính đột phá căn bản, chẳng hạn tạo ra một sản phẩm mới , một công nghệ mới có khả năng áp dụng rộng rãi, thì có thể đem lại một quá trình tăng trưởng dài hạn. Ví dụ điển hình là trường hợp phát minh ra máy hơi nước, đường sắt, ô tô, máy bay, máy tính và hệ thống Internet như hiện nay. Như vậy, 2 khía cạnh tạo ra sáng kiến và phổ biến rộng rãi sáng kiến tự chúng đã hòa hợp với nhau tạo thành thuyết kinh tế nội sinh hoàn chỉnh.
Theo lý thuyết tăng trưởng nội sinh, nền kinh tế của mỗi quốc gia có những đặc thù riêng nên mức độ tiếp cận các luồng trí thức, mức độ tham gia trao đổi hàng hóa, sản phẩm sẽ khác nhau do vậy, các quốc gia không có cùng một nhịp độ tăng trưởng kinh tế dài hạn và con đường dẫn đến sự tăng trưởng cũng rất đa dạng, phong phú. Từ đó Chính phủ có thể đề ra đường lối, chính sách phát triển đất nước cho phù hợp với đặc điểm, điều kiện của nước mình. Như vậy, Chính phủ có tiềm năng hoặc là rất lớn hoặc là rất yếu trong việc tác động tới tăng trưởng trong dài hạn bằng các hoạt động của mình như thuế khóa, duy trì trật tự, an ninh và luật pháp, cung cấp các dịch vụ cơ sở hạ tầng, đảm bảo luật sở hữu trí tuệ và các quy định về thương mại quốc tế, thị trường tài chính và nhiều khía cạnh khác của nền kinh tế…
Mô hình tăng trưởng nội sinh đã chỉ ra nhiều kênh ngoại sinh qua đó cho phép Chính phủ có thể tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả tích cực tới tăng trưởng kinh tế trong đó cần phải kể đến kênh vốn đầu tư và vốn nhân lực: trong đó vốn sản xuất đóng vai trò quan trọng nhất tới tăng trưởng và là nhân tố tiền đề tạo cơ sở cho sự ra đời và tích tụ các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ phục vụ cho quá trình sản xuất; mặt khác, dù rằng công nghệ đã được khẳng định là có vai trò rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế thế nhưng tiến bộ về công nghệ lại không thể tách rời với chất lượng của nguồn nhân lực; khi có công nghệ hiện đại, với vốn nhân lực làm chủ được các loại công nghệ đó thì nền kinh tế mới có bước nhẩy vọt về tăng trưởng.
2. Mô hình tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển.
Tăng trưởng kinh tế luôn là sự câu thúc đối với các nước đang phát triển song các nhân tố có ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng có lẽ nan giải nhất vẫn là vốn, công nghệ và lao động. Tuy nhiên, sự khác nhau về điều kiện tự nhiên, dân số, thu nhập quốc dân, năng lực sản xuất, lựa chọn chiến lược phát triển,… đã dẫn đến sự phân hóa của các quốc gia này thành những nhóm nước có trình độ phát triển cao thấp khác nhau. Trong đó tăng trưởng kinh tế ở khu vực Đông á được các nhà nghiên cứu đề cập đến nhiều nhất, đặc biệt là những nguyên nhân dẫn đến sự thành công kinh tế ở các nước này.
Từ năm 1965 đến năm 1990, các nước thuộc khu vực Đông á đã đạt được sự phát triển cao và bền vững, 23 nước của khu vực này có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn các khu vực khác trên thế giới. Phần lớn sự tăng trưởng thành công thuộc về 8 nước: Nhật Bản, 4 nước “ con hổ” gồm Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và 3 nước công nghiệp mới(NIEs) của Đông Nam á là Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Từ năm 1960, 8 nước này đã đạt được tỷ lệ tăng trưởng gấp 2 lần các khu vực khác của Đông Nam á, xấp xỉ 3 lần các nước Mỹ La Tinh và Nam á; giữa những năm 1960-1985, thu nhập thực tế trên đầu người đã tăng hơn 4 lần ở Nhật Bản và 4 nước “ con hổ”, tăng gấp đôi ở 3 nước Đông Nam á.
Sự thành công của những nước này có nguồn gốc từ đầu tư của tư nhân trong nước và sự phát triển nhanh chóng của vốn nhân lực - là những nguồn lực cơ bản của tăng trưởng. Tiết kiệm nội địa ở mức cao đảm bảo cho những nước này duy trì được mức đầu tư cao, trung bình hơn 20% GDP trong giai đoạn 1960- 1990. Điều này là phù hợp với lý thuyết tăng trưởng của tân cổ điển. Mặt khác, các quốc gia này đã biết khai thác triệt để tư bản nước ngoài với các lợi thế so sánh của mình để đạt tới tốc độ tăng trưởng cao và lâu bền. Các nước này đã thông qua nhập khẩu đầu tư trực tiếp nước ngoài để tiếp thu công nghệ tiên tiến của thế giới, và sau đó, trong quá trình sản xuất, họ đã chuyển hoá chúng thành công nghệ của mình để cuối cùng tự phát minh ra công nghệ mới rồi đưa vào sản xuất cho xuất khẩu. Với chu trình khép kín: nhập khẩu - sản xuất - xuất khẩu, các nước đang phát triển tiên tiến nhất đã từng bước nắm bắt được công nghệ hiện đại của thế giới, rút ngắn dần khoảng cách với các nước có nền kinh tế phát triển.
Một nhân tố nữa đóng góp cho sự tăng trưởng thành công ở các nước này là tập trung phát triển nông nghiệp và cải tiến năng suất lao động trong khi đó tỷ lệ tăng trưởng dân số lại giảm dần so với các nước đang phát triển khác trên thế giới làm thu nhập bình quân đầu người hàng năm tăng lên.
Trên thực tế, không thể có một mô hình phát triển chung cho các nước đang phát triển rất đa dạng này. Mỗi một thời kỳ, tuỳ theo đặc điểm kinh tế của mỗi nước và việc lựa chọn mô hình tăng trưởng kinh tế phù hợp sẽ tạo ra bước tăng trưởng thần kỳ.
3. Mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.
Từ đầu những năm 90, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam liên tục được cải thiện. Tăng trưởng nhanh trong thời kỳ này chủ yếu dựa vào vốn đầu tư sản xuất. Đầu tư ước tính tăng từ 15% GDP năm 1991 tới 25,5% GDP năm 1994 và đạt mức cao nhất vào năm 1997 là 28,3% GDP trong đó có sự đóng góp của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chính phủ cũng tăng chi tiêu đầu tư tư bản vào khoảng 7% năm 1994 từ mức thấp 3% vào năm 1991. Như vậy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam phù hợp với lý thuyết tăng trưởng tân cổ điển.
Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ khu vực năm 1997-1998. Vốn đầu tư cho sản xuất đã giảm mạnh làm tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam có xu hướng giảm mạnh. Từ năm 1999 đến nay tăng trưởng ở Việt Nam đã được phục hồi do thực hiện chính sách kích cầu của chính phủ do đó tăng trưởng ở Việt Nam cũng phù hợp với lý thuyết Keynes.
Ngoài ra tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam còn phù hợp với lý thuyết tăng trưởng nội sinh, thể hiện ở việc đầu tư theo chiều sâu, nâng cao vai trò của khoa học công nghệ kỹ thuật, tạo được môi trường, chính sách cho việc thúc đẩy, chuyển giao công nghệ thông qua các chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài và tận dụng, phát triển năng lực sản xuất trong nước.
Như vậy mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam là một mô hình tăng trưởng hỗn hợp dựa theo 3 dòng lý thuyết tăng trưởng chính là tân cổ điển, Keynes và tăng trưởng nội sinh.
Chương II
Phân tích ảnh hưởng của các nhân tố cơ bản đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Mục đích của chương này là áp dụng toán học vào phân tích những nhân tố quyết định tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Một trong những mục tiêu phân tích là xác minh sự phù hợp của quá trình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam với lý thuyết tăng trưởng kinh tế được đề cập ở chương I. ở phần cuối cùng của chương I đã khẳng định mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới là sự tổng hợp của 3 dòng lý thuyết tăng trưởng chính: tân cổ điển, Keynes và tân Keynes và tăng trưởng nội sinh. Như vậy, xuất phát từ mô hình lý thuyết, dựa vào bối cảnh kinh tế xã hội Việt Nam đưa ra mô hình các biến số có tính đến ảnh hưởng của các biến số này tới quá trình tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Sau khi lựa chọn được mô hình phù hợp, phần tiếp theo sẽ là kết quả ước lượng và một số kết quả rút ra từ mô hình, cuối cùng là các kiến nghị về mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.
I. Lựa chọn mô hình.
Trước tiên, em xin giới thiệu các biến số kinh tế sẽ được sử dụng trong mô hình cũng như cách thức tính toán các biến số này. Số liệu sử dụng cho việc tính toán chủ yếu lấy từ niên giám thống kê của tổng cục thống kê các năm từ 1986 đến 2002 và số liệu được tính theo giá hiện hành.
1. Biến số được giải thích (biến phụ thuộc):
Là tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm (RGDP).
2. Các biến số giải thích (biến độc lập).
2.1. Tỷ lệ đầu tư so GDP (IGDP):
Là tỷ số giữa đầu tư trên GDP (I/GDP). Trong đó I là toàn bộ vốn đầu tư xã hội bao gồm cả vốn của khu vực kinh tế quốc doanh, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh và khu vực đầu tư nước ngoài. Như đã nêu trong chương I, đầu tư có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế theo 2 cách: một mặt là về phía cung nó sẽ làm tăng khả năng sản xuất trong tương lai, một mặt về phía cầu nó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế theo lý thuyết số nhân đầu tư c
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 37053.doc