Mục Lục
1.1 Giới thiệu về Lễ hội làng Giang Xá 1
2.1.Quá trình chuẩn bị 2
2.1.1.Các cuộc họp 2
2.1.2. Lựa chọn hàng đô, chức việc và quá trình luyện tập 5
2.1.3. Các công việc sửa sang, trang trí 11
2.1. 4. Chuẩn bị lễ vật 12
2.2. Các đám rước 20
2.2.1. Rước phụng nghinh hồi đình và rước hoàn cung 20
2.3. Đại tế 23
27 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2572 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Lễ hội làng Giang Xá, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ầu). Khi nghe tiếng trống, hàng đô thống nhất bước chân trái lên hai bước ngắn để tránh rung kiệu, đặc biệt phải lưu ý, mỗi bước chỉ bằng một bàn chân. Trong khi tập, Cán biện phải nhắc nhở mọi người những điều cần tránh khi khiêng kiệu như không được bước bước một, không được bước chân nọ kê chân kia.
Cùng với hàng đô, việc chọn quân cờ cũng được tiến hành. Cờ người vốn là một trò chơi phổ biến của nhiều địa phương mỗi dịp xuân về. Sau nhiều năm gián đoạn không tổ chức được, đến năm 2000, làng Giang Xá mới có điều kiện khôi phục hội cờ truyền thống. Muốn chơi cờ người, trước hết phải lựa chọn những người phụ trách sân cờ, gọi là cụ Tổng cờ và các bà Cai cờ. Từ xưa đến nay, Tổng cờ và Cai cờ ở Giang Xá đều do các bà đảm nhận. Tổng cờ là người bao quát chung toàn bộ quá trình từ lựa chọn quân cờ, luyện tập cho đến khi ra dàn quân trên sân. Cụ Tổng cờ phải là người đã có tuổi (từ 70 trở lên), hiểu biết, có phong thái, dáng vẻ ưa nhìn, gia đình cũng phải thuộc loại khá giả, có của ăn của để. Giúp việc cho cụ Tổng cờ là hai bà Cai cờ, có độ tuổi từ 40 đến 50, cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung như các chức việc khác của làng. Các bà Cai cờ sẽ trực tiếp lựa chọn và huấn luyện quân cờ.
Công việc chọn lựa bắt đầu bằng việc lên danh sách quân cờ. Đội cờ gồm 32 quân, chia làm hai bên, một bên nam và một bên nữ. Toàn bộ quân cờ phải là các nam thanh, nữ tú (trai chưa vợ, gái chưa chồng), đang ở độ tuổi trăng tròn, hoặc18, đôi mươi, gia đình phải còn đủ cả ông bà, cha mẹ và không “vướng bụi” trong thời gian tham gia đóng vai. Để chọn đủ 32 quân cờ, các bà Cai cờ phải đi từng nhà có con trai, con gái đáp ứng đủ tiêu chuẩn và có lời với gia đình cho các cháu ra đình để dân làng chọn tuyển. Công việc tuyển quân cờ mới thực sự cuốn hút và hồi hộp làm sao. Thoạt đầu, phải tiến hành so vai để chọn những người có chiều cao bằng nhau, những người có thân hình cân đối, khuôn mặt có nét, có sắc. Số quân cờ có 32 quân nhưng phải chọn thêm một số người dự bị. Sau khi chọn đủ quân cờ, công việc luyện tập bắt đầu. Cũng giống như hàng đô, quân cờ cũng phải tập sao cho mọi hành động, khi đứng khi ngồi, khi ra khi vào, khi tiến khi thoái, khi sắp hàng khi vào lễ, đều có phép tắc, có thứ tự, chỉ nghe tiếng trống của bà Cai cờ làm hiệu mà thực hiện. Trong quá trình luyện tập, cụ Tổng cờ và các bà Cai cờ phải chú ý quan sát cử chỉ, dáng điệu, nét mặt của từng người để chọn sắm các vai phù hợp. Bao giờ cũng vậy, các vai tướng kể cả tướng nam và tướng nữ phải là những người có dung mạo trội nhất, nét mặt phải sắc sảo, dáng người cũng phải cân đối, có phong độ. Tiếp sau đó phải chọn các vai sĩ, tượng, xe, pháo…Tất cả việc chọn lựa này, phải được giữ bí mật hoàn toàn trong suốt quá trình tập, cho đến mùng 5 tháng Giêng, cụ Tổng cờ mới cho công bố chính thức người nào vào vai nào, ghế nào. Toàn bộ công việc luyện tập chỉ kết thúc trước khi lễ hội diễn ra vài ngày. Khi mọi công việc chuẩn bị cho quân cờ đã hoàn tất, cụ Tổng cờ phải làm lễ trình Thánh và khao quân cờ. Khao quân cờ ngày xưa là phải làm cỗ mặn, làm thật linh đình và mời tất cả quân cờ đến nhà để ăn uống. Ngày nay, việc khao quân được đơn giản hoá rất nhiều, chỉ tổ chức tiệc trà, bánh kẹo. Sau cụ Tổng cờ, tướng ông, tướng bà cũng phải làm lễ trình và chọn ngày khao quân.
Cùng với hàng đô, quân cờ, các bộ phận khác cũng bắt tay vào công việc chuẩn bị cho lễ hội. Phường trống, Phường kèn, Hội Sênh tiền, múa lụa, cờ reo, cờ hiệu…ngày ngày tập trung các thành viên tại sân đình để luyện tập. Mọi người ai cũng cố gắng tập thật chăm chỉ để đến ngày vào hội không xảy ra sơ suất gì kẻo làng chê trách.
Trong lễ hội, ngoài đoàn rước, các hoạt động tế, lễ cũng là một nội dung rất quan trọng. Chính vì vậy, để đảm bảo cho các cuộc tế, lễ diễn ra trang trọng, từ nhiều ngày trước khi vào hội, Ban Bộ lễ phải tổ chức cho các quan viên tế luyện tập thật chu đáo. Ở Giang Xá, Ban Bộ lễ do dân cử ra, gồm có bốn người, độ tuổi từ 60 trở lên, gia đình phải toàn vẹn ông bà, bố mẹ, đồng thời người được cử vào Ban Bộ lễ phải có đạo đức, có tinh thần trách nhiệm cao. Khi một người trong Ban Bộ lễ vướng bụi thì phải xin nghỉ và ba người còn lại sẽ làm thay phần việc của ông ta. Trong trường hợp Ban Bộ lễ chỉ còn lại hai người thì làng sẽ cử thêm người vào Ban Bộ lễ để đảm bảo công việc. Ban Bộ lễ có trách nhiệm quán xuyến toàn bộ công việc lễ tiết của làng, chịu trách nhiệm tổ chức việc tế, lễ, kiểm tra lễ vật do Ban Khánh tiết chuẩn bị, nếu chưa đúng yêu cầu thì nhắc Ban Khánh tiết làm lại.
Dưới Ban Bộ lễ là Ban Chấp sự, chịu trách nhiệm trực tiếp về tế, lễ. Ban này gồm 22 người, độ tuổi từ 45 trở lên, cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung về gia đình và cá nhân như các chức việc khác. Trong suốt thời gian dài trước đây, khi làng còn bát giáp, những người trong Ban Chấp sự là do các giáp cử ra. Họ phải trải qua một quá trình luyện tập rất công phu. Theo truyền thống của làng, các nam thanh niên đến tuổi 16, 17 tuổi đã bắt đầu được học tế, học lễ. Cứ vào những đêm tháng Tám sáng trăng, trai làng trong các giáp lại tập trung tại các nhà có sân rộng để học tế, lễ do một cụ cao tuổi, thông hiểu việc làng hướng dẫn. Cùng với thời gian, làng trải qua nhiều thay đổi, nhưng việc lễ nghĩa vẫn luôn được bảo lưu. Ban Chấp sự dưới sự chỉ huy của ông Chủ tế vẫn duy trì toàn bộ các nghi thức trong việc tế tự của làng. Là người giữ trọng trách quan trọng, thay mặt cho dân làng thực hiện các nghi lễ với thần thánh, ông chủ tế phải được lựa chọn rất kỹ lưỡng, phải là người trên 60 tuổi, còn khoẻ mạnh, ngoại hình cân đối, dung mạo nghiêm trang, sáng sủa, không có khuyết tật, gia đình của Chủ tế cũng phải là người sống lâu đời ở làng, bản thân ông ta cũng phải song toàn, đông con nhiều cháu và có đủ cả con trai, con gái. Dưới sự hướng dẫn của Chủ tế và Ban Bộ lễ, trước lễ hội nhiều ngày, quan viên tế ở làng cũng luyện tập như các bộ phận khác. Ở Giang Xá, việc tế lễ ở đình, đền phải tuân thủ theo những quy tắc rất chặt chẽ, vì thế khi học, ông Chủ tế phải hướng dẫn tỷ mỉ cho Ban Chấp sự từ cách làm lễ Thập bái, cách đi đứng sao cho trông thật khoan thai mà vẫn trang nghiêm, cách để tay khi dâng rượu, dâng hương, cách quỳ ở chiếu…tất đều phải thực hiện sao cho đều, cho đẹp, cho thật nhịp nhàng với tiếng nhạc của phường bát âm, của chiêng, trống điểm trên sân tế.
Toàn bộ quá trình chuẩn bị được diễn ra thật khẩn trương, sôi nổi. Các bộ phận đều cố gắng tập trung làm tốt công việc của mình. Ngày mùng 10 tháng Giêng, sau khi đã luyện tập đâu ra đấy, tất cả hàng đô, chức việc tập trung tại đình để duyệt lại lần cuối để ngày hôm sau vào đám đảm bảo không xảy ra sơ suất gì. Trong buổi tập này, dùng đủ các đồ trần thiết như đi rước thật, hàng đô, chức việc cũng mũ áo chỉnh tề, quan viên tế vào sân đình tập tế, tất cả mọi việc chuẩn bị thật chu đáo mới yên tâm về nghỉ để ngày hôm sau vào việc thực sự.
2.1.3. Các công việc sửa sang, trang trí
Từ giữa tháng Chạp, không khí chuẩn bị cho lễ hội đã tràn ngập trên mọi nẻo đường, ngõ xóm của làng. Khu vực đình, đền là trung tâm chính của lễ hội được chú ý sửa sang cho thật phong quang, đẹp đẽ. Thông thường, đình, đền do cụ Từ trông nom. Theo lệ làng từ xưa đến nay, cụ Từ phải là người nguyên quán ở làng, có độ tuổi từ 60 trở lên, không có khuyết tật, gia đình song toàn, và phải có con trai để giúp việc. Cụ Từ có trách nhiệm trông nom đèn nhang, lễ bái quanh năm, bảo quản tài sản, đồ thờ ở đình, đền. Trước ngày lễ hội, cụ từ phải kiểm tra lại toàn bộ khu vực xung quanh đình, đền, chỗ nào hư hỏng thì phải báo ngay cho Ban Khánh tiết để lên kế hoạch tu sửa. Càng đến gần ngày hội, công việc sửa sang càng khẩn trương, Ban Khánh tiết cho người quét vôi lại toàn bộ các bức tường ở đình, ở đền sao cho thật mới, thật đẹp. Các câu đối trên cột trụ hoa biểu, trên bình phong đều được sơn lại. Trong khi đó, cụ Từ cùng gia nhân mang cho mang toàn bộ đồ tế khí ra, dùng nước gừng để lau chùi cho sạch sẽ.
Đến ngày mùng 9 tháng Giêng, các công việc sửa sang lại đình, đền đã hoàn tất, mọi người bắt tay vào việc trang trí. Ngoài sân đình, Ban Khánh tiết cho dựng 3 phong du, một ở chính giữa sân để làm nơi trải chiếu tế, còn hai bên tả, hữu làm chỗ cho các cụ Thượng và các vãi bà ngồi dự lễ. Cách đó không xa, ở cuối sân, một vài người làm công việc lồng các tàn, tán, lọng vào khung. Lọng được may bàng vải vàng (dùng cho Thượng đẳng thần), đường kính khoảng 1,2 m. Dưới lọng vàng được treo những gù bông nhiều màu sắc. Những chiếc lọng nhỏ hơn nhưng được quây bằng vải đỏ và vàng (một lớp vàng lại đến một lớp đỏ, may so le nhau), kết thành hình trụ cao xấp xỉ 1m, thường gọi là tàn. Cũng dạng như tàn nhưng ngắn hơn được gọi là tán.
Ở trong đình, các ông Trưởng Hội Đồng canh đến nhận trang phục hàng đô, chức việc cho hội mình để chuẩn bị cho buổi tập cuối cùng ngày mai. Kiệu Giá văn, kiệu Thánh, nhang án, choé nước cũng được trang trí thật đẹp mắt và đặt trong lòng giữa của đình.
Ngày mùng 10, khi hai lá cờ đại được dựng lên ở giữa sân đình, không khí trong xóm làng càng trở lên nhộn nhịp hơn và linh thiêng hơn. Trước cửa đình, đền, cụ Từ và gia nhân cho treo tấm màn sen (tấm vải vàng có thêu hoa sen) lên. Dưới chân màn sen, ở sân đình, bày một chiếc bàn nhỏ, hai bên bàn bày hai giá gươm cẩn. Phía sau giá gươm, ngựa và voi đã được trang trí yếm thêu, đeo quả nhạc, cả hai đều được đặt trên bệ gỗ có bánh xe để kéo. Toàn bộ đồ trần thiết đã sẵn sàng, chỉ chờ sau buổi duyệt là chuyển về đền cho đoàn rước sáng hôm sau.
Không chỉ có ở đình, đền, không khí nô nức chuẩn bị cho lễ hội còn xuất hiện trong từng gia đình, từng ngõ xóm. Theo lệ làng, trước ngày vào đám, tất cả các ngõ xóm đều phải tổ chức quét dọn, khơi thông cống rãnh, tu bổ đường xá cho thật phong quang, sạch sẽ. Các gia đình cũng quét dọn lại nhà cửa. Xóm làng như đẹp hơn khi chuẩn bị vào hội.
Tại bốn ngõ xóm chính nằm trên con đường mà đoàn rước sẽ đi qua, dân trong xóm cho dựng những chiếc cổng bái vọng. Cổng được dựng bằng tre, phía trên và hai bên cột đều treo các câu đối bằng chữ Hán do người trong xóm viết. Chính giữa cổng, bên dưới bày một nhang án trên có đặt lư hương, nến, bình hoa, mâm ngũ quả. Hai bên cổng bái vọng có thể trang trí thêm bằng hai cành lá dừa được tết khá đẹp mắt, hay bày thêm những cành đào, cây quất cho thêm vẻ trang trọng. Từ khi được dựng lên, lúc nào tại cổng bái vọng cũng phải có một vài cụ Thượng là người trong xóm đứng túc trực tại ban thờ để lo việc đèn nhang, hương khói. Cổng bái vọng là nơi các cụ cao tuổi vì điều kiện sức khoẻ không thể tham gia đoàn rước, hay các gia đình có tang không được ra chốn đình trung làm lễ vọng để tỏ lòng thành kính với Đức Thánh.
Từ các ngõ xóm cho tới từng gia đình, không khí nhộn nhịp của lễ hội đã len lỏi vào khắp nơi, cảnh quan làng xóm trở nên đẹp hơn, rực rỡ hơn, cũng như lòng người đang náo nức chờ đón lễ hội.
2.1. 4. Chuẩn bị lễ vật
Hội làng muốn long trọng phải có lễ vật thờ. Toàn bộ việc chuẩn bị lễ vật cho hội làng là do Ban Khánh tiết đảm nhận. Theo lệ làng, hàng năm những người lên tuổi tròn 50, 60, cho đến 100 phải nộp một khoản tiền gọi là tiền chiết can. Trước đây, tất cả những người lên tuổi tròn như vậy đến ngày mùng 4 Tết, lễ Khánh thọ của làng, đều phải sửa lễ ra đền. Lễ vật gồm có 50 khẩu trầu, một chai rượu, một bánh pháo. Ngày nay dân làng thấy làm như vậy có phần lãng phí nên cho tổ chức mừng thọ chung, mỗi độ tuổi chỉ sửa một cơi trầu để làm lễ trình Thánh, còn lại chuyển thành tiền, gọi là chiết can. Tiền chiết can theo quy định của làng là 20.000 đồng một người. Số tiền chiết can thu được, cùng với các khoản công đức mà nhân dân đóng góp tại đình, đền làng giao cho Ban Khánh tiết để lo tu lễ cả năm, chuẩn bị lễ vật cho tất cả các tuần tiết của làng.
Theo đúng phong tục của làng, mọi việc biện lễ phải do Ban Khánh tiết đảm nhiệm toàn bộ, nhưng do quy mô lễ hội lớn với số lượng lễ vật lại nhiều, một mình Ban Khánh tiết không thể kham nổi. Chính vì vậy, từ trước lễ hội một tháng, Ban Khánh tiết phải tìm một số gia đình trong làng thông thạo việc làm các loại bánh trái và đặt họ làm giúp. Sau khi Ban Khánh tiết đã có lời, gia đình bắt tay vào việc chuẩn bị các nguyên vật liệu cần thiết, toàn bộ công việc này ngày nay diễn ra rất nhanh chóng, chỉ khoảng vài ngày. Sau khi có đủ nguyên liệu, chiều ngày mùng 10, công việc làm bánh được bắt đầu.
Ngày nay, lễ vật thờ ở Giang Xá đã được đơn giản hoá đi rất nhiều, cỗ của làng chỉ là cỗ chay với bốn loại vật phẩm chính là bánh bác, bánh cốm, bánh dày và chè kho.
Bánh bác là loại bánh chỉ có duy nhất ở làng Giang Xá. Bánh bác ra đời từ khi nào cho đến nay cũng không ai còn nhớ chính xác nữa. Tương truyền, trước khi hưng binh khởi nghĩa đánh đuổi giặc Lương, Lý Bí cho quân sĩ đi khắp nơi thu nhận các loại bánh để làm “lương khô”, khi đó nhân dân Giang Xá đã làm ra bánh bác, loại bánh làm từ bột nếp, có thể để được lâu ngày mà không hỏng.
Bánh bác hình tròn với ba lớp màu, vỏ bánh có hai màu đỏ, trắng đan xen, nhân bánh màu vàng, trông vừa đẹp lại lạ mắt. Nguyên liệu để làm bánh bác là gạo nếp cái hoa vàng, đậu xanh, mật đường, gấc, lá chuối và dây để giàng buộc. Muốn làm bánh bác, trước hết phải chọn loại nếp thật ngon, nhặt hết các hạt tẻ, hạt kẹ, sau đó đem ngâm rồi xay thành bột nước. Bột trước khi làm phải được lọc kỹ qua túi vải cho hết nước, rồi chia làm hai phần. Một phần để trắng, một phần trộn với gấc chín để tạo thành màu đỏ. Sau khi chia xong, bột phải được nhào thật kỹ cho thấu, đặc biệt là phần bột trộn gấc phải thật đều, thật dẻo, tránh để màu sắc chỗ đậm chỗ nhạt. Toàn bộ quá trình làm chín bột bằng lửa được gọi là “bác” bánh. Trước khi bác trên chảo, bột được chia thành các quả tròn, mỗi quả khoảng 750 g. Kỹ thuật làm bánh bác khó nhất là bác bánh trên chảo gang. Khi bác bánh, người làm phải biết điều chỉnh ngọn lửa để giữa nhiệt độ, không được để lửa quá to dễ làm cháy bánh, lượng mỡ cho vào cũng chỉ vừa đủ láng mặt chảo, không được cho quá nhiều hay quá ít. Trong quá trình bác bánh, phải thường xuyên lật mặt bánh để cho bánh chín đều và không bị “lên da”. Tên gọi của bánh có thể cũng bắt nguồn từ kỹ thuật làm bánh này chăng ?
Sau khi thấy bánh đã chín, đặc biệt phần bánh có trộn gấc đã lên màu đỏ tươi thì nhấc bánh ra khỏi chảo, cho vào lá chuối tươi để ủ cho “lại bánh”, nếu trời rét ủ khoảng hai tiếng, trời nóng thì ủ 4 đến 5 giờ.
Nhân bánh bác được làm từ đậu xanh và đường hay mật. Để làm nhân bánh, trước hết phải ngâm đậu xanh và đãi cho sạch vỏ rồi đem thổi chín. Sau đó cho đường hay mật vào đánh cho thật kỹ và đặt lên bếp đun nhỏ lửa (như làm chè kho), đổ ra mâm để thật nguội (nếu gói bánh lúc nhân còn nóng sẽ bị chua) rồi xe tròn để làm nhân.
Khi bánh ủ đã dẻo, lấy ra dàn đều trên khay (trên khay đã rắc một lớp vừng rang để trang trí cho đẹp mắt), lớp màu đỏ để ngoài cùng, tiếp đến là lớp trắng, cuối cùng là nhân đậu. Các lớp phải dàn thật đều, tránh chỗ dày, chỗ mỏng. Sau đó cuộn thật nhẹ nhàng, vừa cuộn vừa sửa để tày bánh được tròn đều, đến mép ngoài của các lớp bột thì phải khéo léo mím chúng vào với nhau sao cho không thấy đường nối. Tày bánh hoàn thiện có chiều dài khoảng 25 cm, đường kính khoảng 6 cm. Khâu cuối cùng là dùng lá chuối tươi và giấy gói cuộn bên ngoài, lấy dây giàng buộc cho bánh tròn đều là hoàn tất.
Loại bánh thứ hai là bánh cốm. Bánh cốm ở Giang Xá không làm bằng cốm tươi hay cốm khô như ở các nơi khác, bánh được làm bằng gạo nếp đã được nhuộm màu. Để làm bánh cốm, trước hết cũng phải chọn gạo nếp ngon như làm bánh bác. Gạo đãi sạch mới đem ra trộn màu. Để tạo ra màu xanh và mùi thơm của cốm, phải dùng lá thơm (còn gọi là lá nếp). Lá thơm được rửa thật sạch, giã nhuyễn và lọc lấy nước. Sau khi gạo ráo nước, đổ nước lá thơm vào và trộn thật đều. Gạo đã được nhuộm màu, chuyển sang màu xanh như hạt cốm, tiếp theo cho gạo vào đồ thành xôi. Khi xôi chín, phải để thật nguội mới bắt đầu trộn đường. Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, để có được một tày bánh cốm ngon, ngọt vừa phải thì 1,5 kg gạo nếp phải trộn với 1 kg đường. Sau khi trộn đều đường với xôi, đặt lên bếp đun. Đây là khâu quan trọng nhất trong toàn bộ quá trình làm bánh, người làm bánh phải đun thật nhỏ lửa và liên tục quấy đều để tránh làm cháy bánh. Đun đến khi nào đường tan hết và trở nên cô đặc thì bắc xuống và để nguội.
Nhân bánh cốm cũng được làm như nhân bánh bác. Khi gói bánh, trải lá lên khay, dàn đều vỏ bánh lên trên rồi vét một rãnh giữa rồi cho nhân vào, sau đó cũng cuốn như khi gói bánh bác. Bánh cốm sau khi hoàn thành có màu xanh và mùi thơm của lá nếp gần giống như mùi cốm non, có hình dáng tròn đều rất đẹp mắt.
Bánh dày là loại bánh phổ biến ở nhiều nơi, nhưng ở Giang Xá bánh dày được làm rất công phu, đặc biệt là khi nó được làm ra để dâng lên Đức Thánh. Nguyên liệu chính để làm bánh dày cũng là gạo nếp loại ngon, được chọn kỹ càng. Gạo được đồ thành xôi. Xôi vừa đồ xong, phải giã ngay khi còn nóng. Giã bánh dày ở Giang Xá không dùng cối mà giã trên một chiếc “buồm” cói. Chiếc buồm là một hình tròn có đường kính khoảng một mét, bề mặt của buồm được quét một lớp lòng đỏ trứng để tránh bị dính khi giã. Chày để giã bánh dày được làm bằng gỗ, dài khoảng 1 mét, đầu chày được bịt bằng mo cau. Tuy nhiên, không để nguyên cả miếng mo cau mà phải tước nhỏ thành từng sợi rồi đan thành tấm, sau đó mới bịt vào đầu chày và dùng dây buộc lại ở bên trên. Giã bánh phải giã thật đều tay, một người giã còn một người lật. Khi xôi đã được giã thành bột thật mịn, thật dẻo mới bắt đầu “bắt” thành bánh. Bánh dày khi hoàn thành phải có hình tròn đều, đường kính khoảng 8 đến 10 cm, cứ hai chiếc bánh dày kẹp thành một đôi, hai mặt ngoài lót bằng miếng lá chuối cắt thành hình tròn hay trang trí thêm chữ “Thọ” bằng giấy màu đỏ cho đẹp mắt.
Loại lễ vật cuối cùng là chè kho. Nguyên liệu để làm chè kho rất đơn giản, chỉ gồm đậu xanh và đường. Nhưng để có được đĩa chè vừa ngon vừa đẹp mắt lại đòi hỏi một kỹ thuật khá phức tạp. Trước hết phải chọn loại đậu xanh mới thu hoạch, các hạt đậu phải đều, vỏ hạt căng, bóng. Sau khi chọn được đậu, đem xay rồi đãi sạch vỏ và đem đồ. Đậu đồ vừa chín tới, nghiền cho thật mịn rồi mới trộn đường. Sau đó đặt lên bếp đun nhỏ lửa. Nấu chè kho cũng giống như làm nhân bánh bác hay nhân bánh cốm nhưng không đun kỹ lửa bằng, chỉ đun đến khi bột sánh lại là được. Khi múc chè ra đĩa, lắc nhẹ đĩa để mặt chè được mịn và bóng. Cuối cùng, trang trí vừng rang hay chữ “Thọ” bằng giấy điều lên trên.
So với trước đây, toàn bộ quá trình chuẩn bị lễ vật cho hội làng ngày nay đã được đơn giản hoá đi rất nhiều. Theo lời các cụ kể lại, trước cải cách ruộng đất, khi làng còn bát giáp, mọi việc hành lễ đều do các giáp đảm nhiệm. Trong làng có tám giáp, mỗi giáp đều có khoảng trên 4 mẫu ruộng được chia đều cho các gia đình để canh điền biện lễ. Đến năm làng mở hội, các giáp đều phải đóng góp lễ vật, nếu làng mở đám dài ngày thì mỗi giáp chuẩn bị lễ một ngày, nếu mở đám ngắn ngày thì có thể hai giáp cùng làm một ngày. Tuy nhiên không phải tất cả các gia đình trong giáp đều có vinh dự được đóng cỗ thờ, mỗi giáp chỉ có một nhà được tu lễ mà thôi. Nhà tu lễ của giáp là nhà năm đó sinh được con trai, sau khi sức cơi trầu xin vào giáp thì được giáp giao cho một sào ruộng để cày cấy lấy sản phẩm tu lễ và được vinh dự nâng cỗ thờ. Theo lệ làng ngày xưa, lễ vật thờ phải bao gồm cả cỗ mặn và cỗ chay, chính vì vậy cũng có năm một giáp có tới hai nhà tu lễ, một nhà sửa cỗ mặn và một nhà sửa cỗ chay. Sau khi đã được giáp giao cho vinh dự chuẩn bị cỗ thờ, từ cuối tháng Chạp, gia đình đó phải lo chuẩn bị toàn bộ vật liệu cần thiết dành cho việc làm cỗ như gạo nếp, đậu xanh, mật…Đến gần ngày vào đám cũng là lúc gia đình chuẩn bị xong. Trước hôm dâng lễ một ngày, nhà tu lễ phải dựng một cái rạp ở sân, xung quanh quây màn đỏ, chỉ có nam giới mới được vào trong rạp đó, còn phụ nữ và trẻ em tuyệt đối không được tham dự vào việc chuẩn bị lễ vật. Đến ngày làm cỗ, gia đình phải mời những người trong giáp tới làm giúp, những người này cũng phải là nam giới, có tay nghề chuyên môn, biết việc, tất cả những người đến làm giúp đều mặc áo the khăn gỗ và phải hoàn toàn chay tịnh.
Số lượng lễ vật ngày xưa cũng lớn hơn và cầu kỳ hơn rất nhiều. Riêng cỗ chay phải gồm từ 12 đến 14 loại bánh, ngoài bánh bác, bánh cốm, bánh dày và chè kho còn nhiều loại bánh đặc sản khác với kỹ thuật chế biến rất cầu kỳ như : bánh mật, bánh bỏng, bánh ngũ sắc, bánh xu xê, bánh chưng tày, bánh gai, bánh bột lọc… Trong đó bánh mật là loại bánh đặc biệt, đòi hỏi rất khắt khe về nguyên liệu cũng như quy trình chế biến. Nguyên liệu để làm bánh mật là bột gạo tẻ thơm và mật giọt (phải là mật mía de mới quý). Gạo tẻ sau khi xay thành bột phải lọc kỹ và để lắng. Sau đó cho bột và mật giọt vào nồi, một cân bột lọc thì cho bốn cân mật. Để quấy được một nồi bánh mật quả là kỳ công. Ngoài làm bánh phải vừa đun vừa quấy thật đều tay. Chiếc nồi để nấu bánh mật là một nồi đồng to, thường được các gia đình gìn giữ từ hai, ba đời nên đáy nồi trở nên rất mỏng, trong khi làm nếu không cẩn thận thì rất dễ làm thủng. Chính vì vậy khi quấy bánh, người làm phải tỳ nhẹ tay xuống cái đũa cả để cho nó vừa sát cái trôn nồi và đưa thật nhẹ nhàng. Bình thường để quấy được một nồi bánh mật phải mất 2/3 ngày. Bánh mật khi làm xong, phải thật dẻo mịn và trong như thạch. Bánh mật cũng gói tày ống tròn như bánh bác, kích thước cũng bằng nhau. Khi cắt bánh để bày cỗ, bánh trong suốt, màu đỏ hồng, nhìn đã thấy mát tận đáy lòng.
Ngoài bánh mật, nhiều loại bánh đặc sản khác của địa phương đã từng là niềm tự hào từ bao đời nay của người dân Giang Xá. Chỉ tiếc rằng đến ngày nay, các loại bánh này không còn hiện diện trên kiệu cỗ của làng mỗi dịp hội hè nữa.
Cùng với cỗ chay, trước đây, hội làng không thể thiếu cỗ mặn. Việc chuẩn bị cỗ mặn còn công phu hơn rất nhiều. Cỗ mặn theo quy định của làng là 1 cân lợn (theo cân của làng, bằng khoảng 30 cân móc hàm) và 30 cân gạo xôi. Để chuẩn bị cỗ thờ, sau khi được giáp giao nhiệm vụ, nhà tu lễ phải mua một con lợn đực thuộc loại lợn ỉ, mõm ngắn, mông lồng bàn, lông đen tuyền về nuôi. Từ khi mua lợn về, cả nhà phải gọi là “ông ỉn”, chuồng nuôi cũng phải quét dọn cho sạch sẽ, cắm cữ ở cửa không cho ai vào xem. Nếu thấy “ông ỉn” bỏ ăn, gia đình phải thắp hương ở cửa chuồng để cầu cho “ông ỉn” ăn ngon ngủ yên, chóng lớn. Đến ngày được nâng lễ, nhà tu lễ phải mời họ hàng nội ngoại đến làm giúp, cũng phải dựng rạp ở sân như làm cỗ chay, trước cửa rạp để chậu nước gừng để những người làm giúp tẩy uế. Vào 3, 4 giờ sáng ngày rước cỗ, phải tắm rửa cho “ông ỉn” thật sạch sẽ, mời “ông” lên một cái giá đỡ như cái chõng để ông nằm sấp, bốn chân chìa ra bốn góc, dùng trạc đỏ để buộc lại, trên lưng phủ vải đỏ, chỉ để hở cái đầu. Sau đó cho bốn người mặc áo the, khăn gỗ, thắt lưng bó que khiêng ra đứng bên ngoài giọt gianh đình để làm lễ. Làm lễ xong, cụ Từ lấy chén rượu trước cửa ngai Thánh đưa cho ông Giáp trưởng của giáp có lễ, ông này mang xuống dội vào mồm, vào lưng “ông ỉn”, gọi là làm lễ Tỉnh sinh. Sau đó lại khiêng về nhà tu lễ để làm thịt, khi thịt lấy một ít tiết và một ít lông gáy để sau làm lễ “phế mao huyết”.
Từ ngày bát giáp mất đi, Ban Khánh tiết thay cho các nhà tu lễ làm công việc đóng cỗ. Cùng với việc giảm thiểu về mặt số lượng, quy trình đóng cỗ ngày nay cũng trở nên đơn giản hơn trước rất nhiều. Toàn bộ việc làm bánh giờ đây được giao cho các gia đình chuyên nghề trong làng làm giúp, sau khi hoàn thành đủ số lượng bánh cần thiết, chiều mùng 10 tháng Giêng, Ban Khánh tiết mới chuyển về nhà đóng cỗ để làm nốt phần việc của mình.
Nhà đóng cỗ được chọn lựa khá kỹ, chủ nhà phải là thành viên của Ban Khánh tiết (không nhất thiết phải là Trưởng ban), có đạo đức, vợ chồng song toàn, bên cạnh đó, nhà đóng cỗ phải có sân rộng, ngõ rộng để thuận tiện cho việc rước cỗ sau này.
Sau khi các loại bánh được chuyển về, Ban Khánh tiết bắt tay vào việc đo và cắt bánh. Trước đây, khi đóng cỗ, mỗi giáp đều có một que đo làm bằng gỗ, được son thếp vàng để đo cắt bánh. Các khoanh bánh, kể cả bánh cốm và bánh bác, khi cắt ra phải thật đều, mỗi khoanh dài khoảng 12 cm, không khoanh nào được dài hơn, cũng không khoanh nào được ngắn hơn. Bánh cắt xong, cứ ba khoanh bày vào một đĩa, xen lẫn cả bánh bác và bánh cốm cho đẹp mắt. Bánh dày cũng được chồng lên nhau thành từng khối cao 12cm rồi dùng que cố định lại.
Mọi công việc chuẩn bị đã xong, kiệu cỗ được mang ra đặt trang trọng trên chiếc sập giữa nhà. Kiệu cỗ hay còn gọi là mâm xe, được làm theo kiểu mâm bồng hình khối tròn, nhưng không có chân, kiệu cao 1m2 (không kể phần quai), phần đáy cao khoảng 60 cm, phía trên đặt ba khay tròn, mỗi khay có thành cao 15 cm, tạo thành ba tầng. Bên thành của mỗi tầng kiệu đều trổ bốn ô cửa to, dài khoảng 18 cm và bốn ô cửa nhỏ dài khoảng10cm. Hai bên kiệu có hai quai tròn để lồng đòn khiêng. Toàn bộ kiệu được sơn màu nâu thẫm. Riêng hai đòn khiêng được chạm trổ đầu rồng khá tinh xảo. Trước đây, mỗi giáp đều có hai kiệu cỗ như vậy để ở nhà thờ giáp. Đến nay, cả làng chỉ còn lại hai chiếc kiệu, dùng trong những dịp đại đám.
Chỉ đạo việc đóng cỗ cùng với Ban Khánh tiết là hai cụ thất, những người thông thạo việc làng, có sức khoẻ và đạo đức, được dân làng tín nhiệm. Khi
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- VHOA (45).doc