Đề tài Một số biện pháp nâng cao kỹ năng vận động theo nhạc cho trẻ 5- 6 tuổi

Vận động là công cụ để giúp trẻ thể hiện bài hát do đó với mỗi bản nhạc hay bài hát mang đến cho trẻ, tôi cùng trẻ phân tích nội dung, giai điệu, cấu trúc của bài hát để lựa chọn loại hình vận động phù hợp. Với những bài hát rõ nhịp, phách, có giai điệu tươi vui, có cấu trúc cân đối tôi có thể lựa chọn hình thức vận động theo nhịp, phách, hoặc các loại hình tiết tấu. Ví dụ như với bài hát “ Cháu yêu cô chú công nhân” tôi chọn hình thức vận động theo tiết tấu chậm. Bài hát “ Bọn mình là anh nghệ sĩ” tôi chọn hình thức vận động theo tiết tấu phối hợp.

 

doc10 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 17957 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Một số biện pháp nâng cao kỹ năng vận động theo nhạc cho trẻ 5- 6 tuổi, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đặt vấn đề. Lý do chọn đề tài. Âm nhạc là loại hình nghệ thuật xuất hiện rất sớm trong lịch sử xã hội loài người và là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống, đặc biệt là đối với trẻ thơ. Nhà sư phạm Xu – Khôm- Linxki đã nói: “ Tuổi thơ không thể thiếu âm nhạc giống như không thể thiếu trò chơi hay truyện cổ tích. Âm nhạc là một phương tiện kì diệu và tế nhị nhất để truyền đạt lời kêu gọi của những cái tốt đẹp và nhân đạo. Nó dẫn dắt trẻ vào thế giới của điều thiện, tạo ra sự đồng cảm và là một phương tiện bồi dưỡng năng lực sáng tạo của trí tuệ mà không một phương tiện nào sánh được ”. Đối với trẻ, âm nhạc là cả một thế giới kì diệu, đầy xúc cảm với những lời ca, giai điệu trầm bổng, sự phong phú của âm hình tiết tấu, sự ngỗ nghĩnh của các hình tượng, sự nhịp nhàng, uyển chuyển, sự khoẻ khoắn của các vận động. Âm nhạc là phương tiện phát triển năng lực thẩm mỹ, đạo đức, trí tuệ, thể chất cho trẻ, tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện nhân cách . Với vai trò như vậy, âm nhạc đã trở thành một nội dung cần thiết trong chương trình giáo dục mầm non, trong đó hoạt động dạy trẻ vận động theo nhạc đóng vai trò quan trọng. Vận động theo nhạc là hoạt động phối hợp giữa âm nhạc với các động tác nhảy múa hoặc sử dụng đồ chơi âm nhạc gõ đệm theo nhạc. Hoạt động này giúp trẻ phát triển cảm giác về nhịp điệu, sự khéo léo, khả năng phản ứng nhanh và đúng các ấn tượng nghe được trong âm nhạc. Ngoài ra nó còn thoả mãn nhu cầu tình cảm của trẻ, giúp trẻ được bộc lộ cảm xúc, giao tiếp với bạn bè. “Các động tác múa giúp trẻ có những kỹ năng vận động đẹp, từ đó biết so sánh lựa chọn vẻ đẹp của múa”( Phạm Thị Hoà- Giáo dục âm nhạc mầm non). Trên thực tế, trẻ mẫu giáo rất thích được vận động theo nhạc nhưng những kỹ năng vận động của trẻ còn rất đơn điệu, chưa mang tính nghệ thuật do một số giáo viên chưa biết cách tổ chức và chưa tạo điều kiện để trẻ được vận động theo nhạc. Xuất phát từ những quan điểm trên và với mong muốn nâng cao kỹ năng vận động theo nhạc cho trẻ, tôi mạnh dạn đi sâu nghiên cứu đề tài: “ Một số biện pháp nâng cao kỹ năng vận động theo nhạc cho trẻ 5- 6 tuổi”. 2. Mục đích nghiên cứu: - Đưa ra một số biện pháp nâng cao kỹ năng vận động theo nhạc cho trẻ 5- 6 tuổi. - Một số kết quả đạt được. - Một số bài học kinh nghiệm. 3. Nhiệm vụ nghiên cứu: - Phân tích, tổng hợp các tài liệu về giáo dục âm nhạc cho trẻ mầm non. - Quan sát hoạt động vận động theo nhạc của trẻ 5- 6 tuổi ở trường mầm non. - Đưa ra một số biện pháp nâng cao kỹ năng vận động theo nhạc cho trẻ 5- 6 tuổi. - Tổng hợp một số kết quả đạt được. - Đưa ra một số bài học kinh nghiệm trong việc nâng cao kỹ năng vận động cho trẻ. Nội dung 1. Cơ sở lý luận của đề tài Trẻ mẫu giáo rất thích âm nhạc, nhất là vận động theo nhạc. Các bài hát, bản nhạc tạo cho trẻ những xúc cảm mạnh mẽ, thôi thúc trẻ có những vận động phù hợp với đặc tính của âm nhạc. Nhà chỉ huy nhạc nổi tiếng Lô- Tô- Kôpxki đã nói “ khi nghe nhạc cả người lớn và trẻ em đều muốn cử động theo nhịp, tiết tấu. Tay họ đung đưa, chân gõ nhịp, đầu lắc lư theo nhạc. Nhiều khi các em vừa nghe nhạc vừa ngẫu hứng những điệu múa có tiết tấu độc đáo của riêng mình”. Trẻ 5- 6 tuổi, các cơ chi đã linh hoạt, nhu cầu vận động của trẻ ngày càng lớn, đồng thời các hệ cơ quan trong cơ thể trẻ đã hoàn thiện, các chức năng tâm lý như: xúc cảm, tình cảm, ghi nhớ, chú ý ... đã có chủ định, trẻ đã có thể ghi nhớ và thể hiện lại các vận động phức tạp.Trong độ tuổi này, trẻ đã biết chuyển động nhịp nhàng theo tính chất âm nhạc, biết thay đổi bước chuyển động theo điệu nhạc. Trẻ đã có thể thực hiện các động tác múa chuyển động nhẹ nhàng một mình hoặc phối hợp các động tác với nhóm bạn. Trẻ cũng đã có thể ghi nhớ một số động tác liên hoàn theo bản nhạc hoặc lời hát. Trẻ cũng có thể thực hiện đúng, đẹp, diễn cảm các động tác quy định và bước đầu biết sáng tạo một số động tác cho riêng mình. Trẻ 5- 6 tuổi cũng có thể sử dụng thành thạo các dụng cụ âm nhạc gõ đệm cho hát. Với những đặc điểm tâm sinh lý như vậy, cô giáo cần tạo mọi điều kiện cho trẻ được vận động theo nhạc để thoã mãn nhu cầu vận động của trẻ và góp phần năng cao kỹ năng vận động cho trẻ. Giáo dục âm nhạc là hoạt động mang tính nghệ thuật. ở trường mầm non, giáo dục âm nhạc được tiến hành thông qua các dạng hoạt động: ca hát, vận động theo nhạc, nghe hát, trò chơi âm nhạc. Trong đó vận động theo nhạc được tiến hành ở hoạt động có chủ đích hoặc ở mọi thời điểm trong ngày của trẻ và trong các ngày hội, ngày lễ. Cô giáo cần tận dụng mọi cơ hội để rèn luyện và nâng cao kỹ năng vận động theo nhạc cho trẻ. 2. Thực trạng: Trẻ mầm non rất yêu thích âm nhạc nhưng nhiều trẻ chưa có kỹ năng vận động theo nhạc. Một số trẻ còn nhút nhát, chưa mạnh dạn khi vận động cộng với các kỹ năng vận động của trẻ còn đơn điệu, chưa mang tính nghệ thuật. Khi nghiên cứu đề tài này tôi cũng gặp một số thuận lợi và khó khăn sau: Thuận lợi: Trẻ rất thích được vận động theo nhạc. Bản thân giáo viên luôn yêu nghề, mến trẻ, yêu thích ca hát và được đánh giá là có năng khiếu âm nhạc. - Luôn được sự quan tâm của Ban giám hiệu nhà trường cùng với sự ủng hộ, giúp đỡ của các bạn đồng nghiệp. Khó khăn: Kỹ năng vận động theo nhạc của trẻ lớp tôi còn hạn chế. Kết quả khảo sát chất lượng giai đoạn 1 cho thấy: + 60 - 70% trẻ biết vận động và sử dụng nhạc cụ gõ đệm cho bài hát theo nhịp, phách, tiết tấu. +60 - 65 % trẻ có kỹ năng múa minh hoạ một số bài hát trong chương trình. + 40 - 45% trẻ có khả năng thể hiện các bài múa, thể dục nhịp điệu, ...trong các chương trình văn nghệ của nhà trường. + 70- 80% trẻ mạnh dạn, tự tin khi vận động. - Tôi là giáo viên trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy, nghệ thuật lên lớp chưa cao. - Cơ sở vật chất của nhà trường còn hạn chế (chưa có phòng hoạt động âm nhạc riêng cho trẻ). Đứng trước thực trạng đó, tôi đã suy nghĩ, xây dựng và áp dụng một số biện pháp nâng cao kỹ năng vận động theo nhạc cho trẻ, góp phần nhỏ bé vào sự phát triển toàn diện của trẻ. 3. Các biện pháp. Lựa chọn loại hình vận động và xây dựng các động tác vận động phù hợp. Vận động là công cụ để giúp trẻ thể hiện bài hát do đó với mỗi bản nhạc hay bài hát mang đến cho trẻ, tôi cùng trẻ phân tích nội dung, giai điệu, cấu trúc của bài hát để lựa chọn loại hình vận động phù hợp. Với những bài hát rõ nhịp, phách, có giai điệu tươi vui, có cấu trúc cân đối tôi có thể lựa chọn hình thức vận động theo nhịp, phách, hoặc các loại hình tiết tấu. Ví dụ như với bài hát “ Cháu yêu cô chú công nhân” tôi chọn hình thức vận động theo tiết tấu chậm. Bài hát “ Bọn mình là anh nghệ sĩ” tôi chọn hình thức vận động theo tiết tấu phối hợp. Còn với những bài hát có hình tượng nghệ thuật đẹp, có giai điệu tình cảm tha thiết, tôi lựa chọn hình thức múa. Những đoạn nhạc, những bài hát sôi động tôi có thể cho trẻ tập những bài thể dục nhịp điệu hay các động tác Orebic khoẻ khoắn. Sau khi lựa chọn hình thức vận động, tôi cùng trẻ xây dựng các động tác cụ thể phù hợp. Việc lựa chọn loại hình vận động và các động tác phù hợp với tính chất âm nhạc sẽ giúp cho quá trình lĩnh hội các kỹ năng vận động của trẻ sẽ thuận lợi hơn, mang lại hiệu quả cao hơn. 3.2. Chính xác hoá các động tác vận động. Đây là biện pháp quan trọng giúp trẻ nắm vững kỹ năng vận động. Vận động theo nhạc là hoạt động mang tính sáng tạo nên trước khi định hướng các động tác vận động, tôi thường tạo cơ hội cho trẻ được bộc lộ khả năng sáng tạo của mình và cho trẻ thực hiện thử. Với những bài vận động theo nhịp, phách, tiết tấu trẻ đã biết, tôi để cho trẻ nhớ lại hình thức vận động và thực hiện thử ghép vào lời hát. Sau đó tôi chính xác lại bằng cách thực hiện động tác cho trẻ quan sát kết hợp với lời giải thích ngắn gọn giúp trẻ nắm vững kỹ năng vận động. Chẳng hạn như khi cho trẻ vận động bài hát “Tay thơm tay ngoan” tôi cho trẻ suy nghĩ một vài động tác theo ý của mình và cho một đến hai trẻ thực hiện thử.. Sau đó tôi cùng trẻ nhận xét, đánh giá xem động tác đó có phù hợp với lời hát và tính chất nhạc không. Nếu phù hợp tôi có thể lựa chọn động tác đó của trẻ cùng với những động tác tôi định hướng để tổng hợp thành một hệ thống các động tác liên hoàn theo bài hát. Và để trẻ thực hiện đúng, chính xác và dễ dàng tiếp nhận các động tác, tôi thực hiện lại cho trẻ quan sát kết hợp dùng lời phân tích, giải thích những động tác khó, đòi hỏi tính nghệ thuật. Hoặc như khi tôi cho trẻ vận động theo tiết tấu phối hợp bài hát “ Bọn mình là anh nghệ sĩ”, tôi để trẻ nhớ lại cách vỗ theo tiết tấu phối hợp và cho 1 trẻ thực hiện thử .Sau đó, tôi chính xác lại hình thức vận động này bằng cách thực hiện vỗ câu hát đầu tiên kết hợp dùng lời giải thích ngắn gọn vì bài hát này có nhịp lấy đà, phách mạnh rơi vào tiếng thứ hai trong câu hát ( Bọn mình). Với việc hướng dẫn chính xác của tôi nên tất cả trẻ trong lớp đều thực hiện đúng và hay bài hát này theo tiết tấu phối hợp làm tăng hiệu quả của giờ hoạt động. Việc chính xác hoá động tác bằng cách phân tích và giải thích giúp trẻ nắm vững các kỹ năng vận động, khắc sâu ấn tượng, nhận biết một cách xúc cảm các động tác, bài múa, góp phần nâng cao khả năng vận động theo nhạc cho trẻ. . Tạo sự hứng thú cho trẻ trong quá trình vận động theo nhạc. Vận động theo nhạc là quá trình trẻ thực hành, trải nghiệm và cảm thụ nghệ thuật. Để quá trình vận động không bị đơn điệu, gây mệt mỏi và sự chán nản cho trẻ, tôi tổ chức cho trẻ thực hiện vận động dưới nhiều hình thức thi đua có lồng yếu tố vui chơi. Ví dụ như khi cho trẻ thực hiện vận động theo tiết tấu phối hợp bài hát “Bọn mình là anh nghệ sĩ”, tôi tổ chức cuộc thi tài giữa các nhóm nghệ sĩ: nhóm nghệ sĩ trống, nhóm nghệ sĩ đàn ghi ta... và thi đua giữa các tổ . Sau đó tôi cho trẻ bình chọn nghệ sĩ xuất sắc nhất. Qua việc tổ chức thi đua sôi động như vậy, trẻ lớp tôi rất hứng thú vận động và rất mạnh dạn tự tin thể hiện khả năng của mình. Và để giúp trẻ hứng thú hơn tôi còn sử dụng đa dạng các dụng cụ âm nhạc trong quá trình trẻ vận động. Ngoài các dụng cụ âm nhạc do nhà trường cung cấp, tôi còn sử dụng các loại dụng cụ do tôi và trẻ cùng làm từ lon bia, gáo dừa, thanh tre....cùng với những chiếc mũ âm nhạc xinh xắn tạo không khí âm nhạc sôi động. Với những bài múa, thể dục nhịp điệu tôi cũng sử dụng một số dụng cụ phù hợp với lời bài hát, hình tượng âm nhạc trong bài như lựa chọn trang phục, các vòng tay, dây hoa, vải lụa, bông tay, nơ... Việc sử dụng hợp lý các dụng cụ âm nhạc trong quá trình trẻ vận động làm tăng hứng thú, phát huy tính tích cực vận động của trẻ, từ đó nâng cao hiệu quả của quá trình vận động. 3.4.Tạo nhiều cơ hội cho trẻ vận động theo nhạc. Tôi không chỉ cho trẻ vận động theo nhạc trong các giờ hoạt động có chủ đích chuyên biệt mà tôi luôn tạo nhiều cơ hội và điều kiện cho trẻ được vận động theo nhạc ở mọi lúc mọi nơi. Chẳng hạn như trong giờ thể dục sáng, tôi thay những động tác khởi động khô cứng theo hiệu lệnh của cô giáo bằng một số vận động theo nhạc với một số bài hát phù hợp với chủ điểm. Ví dụ như trong chủ điểm “ ngành nghề”, tôi chọn bài hát “Em thích làm chú bộ đội” có tiết tấu đơn giản, rõ ràng về nhịp phách để cho trẻ tập đi giống các chú bộ đội hành quân thay cho các động tác khởi động bằng hiệu lệnh của cô giáo. Với bài hát này tôi hướng dẫn trẻ phách mạnh bước chân phải, phách nhẹ bước chân trái, và thể hiện một số động tác theo lời bài hát như động tác vác súng trên vai...Bằng việc cho trẻ đi hay bước theo nhạc trong giờ thể dục giúp trẻ thêm hoạt bát và là cơ sở của vận động chính xác theo nhạc. Ngoài các giờ hoạt động chung có nội dung trọng tâm dạy vận động theo nhạc, tôi còn sử dụng vận động theo nhạc vào các hoạt động khác như khám phá khoa học, làm quen với toán, tạo hình... một mặt để gây hứng thú cho trẻ vào giờ học, thay đổi trạng thái hoạt động của trẻ trong quá trình học tập đồng thời giúp trẻ có thêm cơ hội thực hành, ôn luyện, củng cơ các kỹ năng vận động theo nhạc. Chẳng hạn như khi cho trẻ làm quen với các con vật tôi có thể cho trẻ vận động theo bài hát “Vật nuôi”.... Trong hoạt động chiều tôi cũng dành thời gian để rèn và dạy trẻ vận động theo nhạc. Tôi có thể ôn luyện một số vận động trẻ đã đựơc học trong các giờ hoạt động có chủ đích hoặc có thể cùng trẻ xây dựng một số bài múa phục vụ cho các hoạt động lễ hội, hội thi, hội diễn. Như vậy ở trường mầm non, từ lúc trẻ đến trường cho đến khi bố mẹ đón âm nhạc luôn xuất hiện bên trẻ. Do vậy giáo viên cần tận dụng các thời điểm trong ngày để rèn luyện kỹ năng vận động theo nhạc cho phù hợp với đặc điểm tiếp nhận của trẻ. Trong trường mầm non thường tổ chức các ngày hội , ngày lễ, các hội thi, hội diễn, đây cũng là những cơ hội để trẻ thể hiện khả năng vận động theo nhạc của mình. Trẻ có thể tham gia các tiết mục múa, orebic, các bài thể dục nhịp điệu với những động tác đòi hỏi có tính nghệ thuật. Việc biểu diễn các tiết mục này trong các ngày lễ, hội giúp trẻ mạnh dạn, tự tin, tạo cho trẻ niềm vui, những cảm xúc mạnh mẽ, tăng cường khả năng cảm thụ âm nhạc và góp phần năng cao kỹ năng vận động theo nhạc của trẻ. Ngoài ra tôi còn tạo điều kiện cho trẻ được xem các tiết mục múa, orebic, thể dục nhịp điệu trong các chương trình thiếu nhi qua băng đĩa. Bằng hình thức này giúp trẻ được học hỏi thêm nhiều kỹ năng vận động theo nhạc mang tính nghệ thuật, tích luỹ thêm vốn kỹ năng vận động của trẻ, giúp trẻ bíêt so sánh, lựa chọn vẻ đẹp của các động tác vận động. Phát triển năng khiếu vận động theo nhạc của trẻ. Mỗi trẻ là một cá thể riêng biệt với các đặc điểm tâm sinh lý khác nhau, do đó khả năng vận động theo nhạc của từng trẻ khác nhau. Trong đó có một số trẻ có năng khiếu vận động theo nhạc. Trong lớp tôi có một số cháu có khả năng tiếp nhận nhanh các kỹ năng vận động và có khả năng thể hiện đúng, đẹp các vận động theo nhạc. Ví dụ như cháu Ngọc Oanh, Mỹ Ngọc, Hải Anh, Khánh Linh...Với các cháu này, tôi thường dành thêm thời gian để giúp các cháu tập luyện và phát triển năng khiếu của mình. Tôi thường chọn các cháu để tập luyện các tiết mục múa, thể dục nhịp điệu, orebic...để biểu diễn trong các hội thi, hội diễn và trong các ngày hội, ngày lễ, còn những trẻ khác sẽ là những thành viên cùng tham gia. Ngoài ra tôi còn cho các bé làm quen với một số điệu múa cơ bản qua đĩa hình và dạy trẻ một số động tác múa đơn giản, phù hợp như : hái đào, guộn đèn, lắc mông, đánh cồng, nhún giật, mõ mời... để nâng cao kỹ năng vận động theo nhạc của trẻ. Kết quả đạt được. Qua việc vận dụng các biện pháp trên vào việc đạy trẻ vận động theo nhạc, tôi thu được một số kết quả sau: - 100% trẻ thích tham gia các vận động theo nhạc. - 90- 95% trẻ biết sử dụng các dụng cụ để gõ đệm cho bài hát theo nhịp, phách, tiết tấu. - 80 - 90% trẻ có kỹ năng múa minh hoạ một số bài hát trong chương trình. - 70 - 75% trẻ có khả năng thể hiện các bài múa, thể dục nhịp điệu... trong các chương trình văn nghệ. - 100% trẻ mạnh dạn, tự tin khi vận động theo nhạc. Như vậy kỹ năng vận động theo nhạc của trẻ ở lớp tôi đã được nâng lên rõ rệt. Bản thân tôi qua quá trình tổ chức cho trẻ vận động theo nhạc cũng đã tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm cho mình và được rèn luyện khả năng âm nhạc của bản thân. 5. Bài học kinh nghiệm. Sau khi thực hiện các biện pháp trên, tôi rút ra bài học kinh nghiệm : 5.1. Cô giáo cần tận dụng mọi cơ hội để cho trẻ vận động theo nhạc. 5.2. Dựa vào đặc điểm tâm sinh lý của trẻ và căn cứ vào tính chất âm nhạc, cô giáo cùng trẻ lựa chọn hình thức vận động và thiết kế các động tác vận động phù hợp. 5.3. Khi dạy trẻ vận động theo nhạc, giáo viên cần làm mẫu và phân tích động tác rõ ràng. 5.4. Tạo và duy trì sự hứng thú của trẻ trong quá trình vận động theo nhạc. 5.5. Cần quan tâm phát hiện và bồi dưỡng những trẻ có năng khiếu vận động theo nhạc. Trên đây là một số kinh nghiệm của tôi trong việc nâng cao kỹ năng vận động theo nhạc cho trẻ. Rất mong được sự tham gia, góp ý của ban thi đua xét duyệt nhà trường, ban thi đua phòng giáo dục huyện Thuỷ Nguyên để tôi có thêm nhiều kinh nghiệm hay hơn nữa, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục âm nhạc trong trường mầm non. Tôi xin chân thành cảm ơn. Lưu Kiếm, ngày 25 tháng 3 năm 2009 Người viết Nguyễn Thị Mơ

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docMột số biện pháp nâng cao kỹ năng vận động theo nhạc cho trẻ 5- 6 tuổi.doc
Tài liệu liên quan