A. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI - 1 -
B.CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN - 3 -
1. Mục tiêu của môn Đạo đức lớp 3 - 3 -
2. Dạy học đổi mới, phát huy tính tích cực và tương tác của học sinh - 3 -
3. Thực tế dạy học - 4 -
C. QUÁ TRÌNH VÀ CÁC BIỆN PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ TÀI - 6 -
1. Xác định mục tiêu của tiết dạy - 6 -
2. Sưu tầm và sử dụng thông tin bám sát nội dung bài dạy - 6 -
3. Sử dụng băng hình - 12 -
4. Tổ chức trò chơi - 16 -
KẾT QUẢ THU ĐƯỢC TỪ ĐỀ TÀI - 17 -
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ - 18 -
21 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2607 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Một số biện pháp tạo hứng thú học tập cho học sinh trong giờ dạy Đạo đức Tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước (tiết 1) lớp 3, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Lí DO CHọN Đề TàI
Cùng với sự phát triển của mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hoá ngày một cao, con người thế kỷ 21 đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường tương đối nặng nề. Một trong những vấn nạn đó là sự ô nhiễm nguồn nước. Do nhiều lí do khác nhau, các nguồn nước trên Trái đất ngày càng cạn kiệt. ước tính có khoảng 1/3 dân số thế giới đang sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Trong khi đó dân số gia tăng với tốc độ chóng mặt. Quá trình đô thị hoá, hoạt sộng sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đang khiến cho nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng. Việc thường xuyên sử dụng các nguồn nước không đảm bảo trong sinh hoạt nhất là nguồn nước bị nhiễm hoá chất như nhiễm sắt, asen,…làm gia tăng các bệnh tật như bệnh giun sán, bệnh đường tiêu hoá, bệnh ung thư… Đây quả là một thực tế đáng lo ngại đòi hỏi sự phối hợp hành động của con người trên toàn thế giới.
Từ nhiều năm nay, giáo dục cho học sinh ý thức bảo vệ môi trường đã được tích hợp trong nội dung của nhiều môn học ở tiểu học. Đạo đức là một trong những môn học thể hiện rõ nhất điều này. Môn Đạo đức với tư cách là môn học đặc thù – vừa mang tính chất dạy học, vừa mang tính chất giáo dục, có nhiệm vụ hình thành cho học sinh tri thức, thái độ và đặc biệt là kĩ năng, hành vi đạo đức. Những kiến thức mà học sinh tiếp thu được trên lớp phải được thể hiện ở các kĩ năng, hành vi của học sinh trong cuộc sống thường ngày.
Là một giáo viên dạy lớp 3, tôi luôn suy nghĩ trăn trở trước bài dạy “Tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước” để làm sao có thể thực hiện tốt mục tiêu của giờ dạy, giúp các em hiểu rõ vai trò của nước đối với với đời sống con người và những lí do phải tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước. Từ đó các em có thái độ tích cực và thực hiện những hành vi cụ thể để sử dụng hợp lí, giữ gìn và bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này.
Bằng kinh nghiệm dạy học thường ngày của mình, tôi thấy rằng chỉ bằng cách gắn bài dạy với thực tiễn cuộc sống; lựa chọn những tình huống học tập phù hợp với thực tế địa phương để bài dạy đỡ khô khan, xa lạ với các em; khơi gợi hứng thú học tập, phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tự học, tự rèn luyện của học sinh trong giờ giờ dạy mới có thể đạt được những mục tiêu nói trên. Đó cũng chính là vấn đề tôi rất quan tâm và cố gắng thực hiện trong tiết dạy đạo đức này. Bởi vậy tôi đã lựa chọn và thực hiện đề tài:
“ Một số biện pháp tạo hứng thú học tập cho học sinh trong giờ dạy Đạo đức Tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước (tiết 1) lớp 3”
b.Cơ sở lý luận và thực tiễn
1. Mục tiêu của môn Đạo đức lớp 3
Đạo đức là môn học có ý nghĩa quan trọng trong sự hình thành và phát triển nhân cách học sinh.
Môn Đạo đức lớp 3 nhằm giúp học sinh:
Có những hiểu biết ban đầu về một số chuẩn mực hành vi đạo đức và pháp luật phù hợp với lứa tuổi học sinh lớp 3 trong các mối quan hệ với bản thân, gia đình, bạn bè và xã hội.
Từng bước hình thành kĩ năng nhận xét, đánh giá đối với những quan niệm, hành vi, việc làm có liên quan đến các chuẩn mực đã học; kĩ năng lựa chọn và thực hiện các hành vi ứng xử phù hợp với chuẩn mực trong các tình huống đơn giản, cụ thể của cuộc sống.
Bước đầu hình thành thái độ có trách nhiệm đối với lời nói, việc làm của bản thân; tự tin vào khả năng của bản thân; yêu thương ông bà, cha mẹ, anh chị em và bạn bè; biết ơn Bác Hồ và các thương binh liệt sĩ; quan tâm, tôn trọng mọi người; đoàn kết, hữu nghị với thiếu nhi quốc tế, có ý thức bảo vệ cây trồng, vật nuôi và nguồn nước.
2. Dạy học đổi mới, phát huy tính tích cực và tương tác của học sinh
Trong giáo dục, để thúc đẩy được quá trình dạy của thầy và quá trình học của trò cần tuân thủ theo phương pháp phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của người học, tạo cho các em có phương pháp học tập tích cực. Bên cạnh đó, để giờ dạy đạt được kết quả cao, người thầy phải tạo được sự tương tác giữa học sinh và học sinh, giữa học sinh và giáo viên. Đó là học tương tác và dạy tương tác.
Trên thực tế có rất nhiều phương pháp dạy học cụ thể. Song những phương pháp chủ yếu giúp người giáo viên phát huy tốt tính tích cực và tương tác của học sinh trong dạy học Đạo đức là:
Phương pháp Thảo luận nhóm
Phương pháp sắm vai
Phương pháp tổ chức trò chơi
Tuy nhiên những phương pháp trên sẽ phát huy tối đa hiệu quả nếu có những điều kiện sau:
Giáo viên: Giáo viên phải được đào tạo chu đáo để thích ứng với những thay đổi về chức năng, nhiệm vụ rất đa dạng và phức tạp của mình, nhiệt tình với công cuộc đổi mới giáo dục. Giáo viên vừa phải có kiến thức chuyên môn sâu rộng, có trình độ sư phạm lành nghề, biết ứng xử tinh tế, biết sử dụng các công nghệ thông tin vào dạy học, biết định hướng phát triển của học sinh theo mục tiêu giáo dục nhưng cũng đảm bảo được sự tự do của học sinh trong hoạt động nhận thức.
Học sinh: Dưới sự chỉ đạo của giáo viên, học sinh phải dần dần có được những phẩm chất và năng lực thích ứng với phương pháp dạy học tích cực như: hiểu mục đích học tập, tự giác trong học tập, có ý thức trách nhiệm về kết quả học tập của mình và kết quả chung của lớp, biết tự học và tranh thủ học ở mọi nơi, mọi lúc, bằng mọi cách.
Thiết bị dạy học:
Thiết bị dạy học là điều kiện không thể thiếu cho việc triển khai đổi mới phương pháp hướng vào hoạt động tích cực, chủ động của học sinh.
3. Thực tế dạy học
Những giờ dạy Đạo đức trong nhà trường tiểu học nếu người giáo viên không kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học phát huy tính tích cực và tương tác của học sinh trong giờ dạy đồng thời không suy nghĩ tìm tòi làm phong phú cho bài giảng của mình thì sẽ khiến học sinh thấy nhàm chán, giờ học buồn tẻ và không đạt được hiệu quả giáo dục cao.
Mặt khác, vấn đề ô nhiễm môi trường đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước đang trở thành mối quan tâm của con người trên toàn thế giới. Phần lớn các em học sinh trường Đoàn Thị Điểm đều là con em những gia đình khá giả cho nên không phải sống ở những khu vực thường xuyên xảy ra mất nước. Tuy không quá xa lạ với các em nhưng các em cũng khó hình dung được sự khó khăn của những người đang sống trong khu vực bị thiếu nước trầm trọng. Hơn nữa, hằng ngày các em vẫn sử dụng nước nhưng sử dụng nước như thế nào là tiết kiệm, như thế nào là hợp lí thì không phải ai cũng biết.
Xuất phát từ thực tế đó, trong khuôn khổ đề tài, tôi xin được mạnh dạn trình bày những giải pháp của cá nhân tôi trong giờ Đạo đức lớp 3, bài“ Tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước” ( tiết 1) để tạo hứng thú học tập cho các em.
C. Quá trình và các biện pháp thực hiện đề tài
1. Xác định mục tiêu của tiết dạy
Như đã biết, một bài dạy Đạo đức được chia thành hai tiết. Mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy của mỗi tiết cũng khác nhau. Vì vậy việc đầu tiên tôi đã làm là xác định chi tiết mục tiêu của tiết học này. Nếu không xác định rõ mục tiêu dạy học thì rất dễ dẫn đến một là thiếu hai là sa đà, dạy luôn cả nội dung của tiết sau. Tiết dạy của tôi là tiết 1 của bài Đạo đức. Mục tiêu chính của tiết này là hình thành tri thức, thái độ về chuẩn mực hành vi, bước đầu biết nhận xét về hành vi của mình và của người khác. Các mục tiêu này được xác định cụ thể như sau:
Về tri thức:
HS nêu lên được:
Chúng ta cần phải tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước.
Vì sao chúng ta cần phải tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước.
Cách tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước.
Về thái độ:
HS có thái độ phản đối những hành vi sử dụng nước lãng phí và làm ô nhiễm nguồn nước; đồng tình, tán thành những hành vi sử dụng nước hợp lí và những hành vi bảo vệ, không làm nguồn nước bị ô nhiễm.
Về kĩ năng, hành vi:
HS có khả năng nhận xét những hành vi, việc làm liên quan.
2. Sưu tầm và sử dụng thông tin bám sát nội dung bài dạy
Môn Đạo đức là môn học đặc thù vừa mang tính chất dạy học vừa mang tính chất giáo dục. Chính vì thế giờ dạy sẽ trở nên nhàm chán, học sinh sẽ không hứng thú theo dõi bài nếu chỉ cung cấp những thông tin như trong vở bài tập. ở lứa tuổi học sinh lớp 3, ít nhiều các em cũng đã quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường đặc biệt là tình trạng ô nhiễm nguồn nước, khan hiếm nước sạch…khi các vấn đề này được đề cập nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các bài học ở trường. Tuy nhiên, các em chưa thể chủ động tìm hiểu các thông tin về thực trạng vấn đề ô nhiễm nước, khan hiếm nước trên thế giới hiện nay nếu thiếu sự hướng dẫn của giáo viên. Chính vì thế, việc giáo viên cập nhật thông tin có liên quan kết hợp với hướng dẫn học sinh cách tự sưu tầm, tìm hiểu sẽ gây hứng thú và kích thích hoạt động của học trò hơn.
Trong tiết học này, để cung cấp thông tin cho học sinh tôi đã chọn cách làm như sau:
Trong tiết học trước, tôi giao nhiệm vụ cho các con về sưu tầm thông tin, tranh ảnh về tình trạng ô nhiễm nguồn nước và khan hiếm nước sạch hiện nay. Tôi cũng chỉ dẫn những “ địa chỉ” để các em dễ tìm như tìm qua báo, tìm qua trang Google trên mạng internet bằng cách gõ tên những từ khoá bằng Tiếng Việt như “ô nhiễm nguồn nước”, “ khan hiếm nước sạch”,… hoặc bằng tiếng Anh như “ water polution” . Kết quả là các em thu thập được rất nhiều tranh, ảnh, bài viết. Nhiều em còn kể cho tôi nghe những video clip về thực trạng vấn đề này mà em đã được xem qua mạng.
Về những tranh, ảnh, bài viết học sinh sưu tầm được, tôi chọn lọc và dán quanh lớp. Trong suốt tuần lễ đó, các em hào hứng đọc những thông tin mà mình và bạn mình sưu tầm được. Đây là cũng cách để các em chia sẻ thông tin với nhau hết sức tự nhiên.
Tôi cũng yêu cầu các em về nhà tìm hiểu về nguồn nước nơi gia đình con ở ( có sạch không, có đủ dùng không?), những người dân nơi con sống hoặc những người thân của con sử dụng nước thế nào?
Trong tiết dạy của mình, tôi cũng cố gắng cung cấp những tranh ảnh, thông tin mình sưu tầm được cho các em. Cụ thể:
Để học sinh hiểu về vai trò của nước đối với đời sống con người, tôi cho các em quan sát nhanh một số tranh, ảnh và yêu cầu các em nêu tác dụng của nước qua những bức tranh hoặc ảnh đó. Những tranh, ảnh của bài có trong vở bài tập Đạo đức 3 đều không có màu, mờ và khó nhìn. Vì vậy để tạo hứng thú cho học sinh, tôi đã sưu tầm những tranh, ảnh tương tự nhưng màu sắc đẹp hơn, sinh động hơn.
Tranh ảnh SGK
Tranh ảnh GV sưu tầm và sử dụng
Nước sử dụng để tắm, giặt
Nước được sử dụng để tưới cây
Nước được sử dụng để trồng rau (rau muống)
Nước được sử dụng để tưới cho ruộng đồng
Cối giã gạo sử dụng sức nước
Trong bài dạy này, tôi cũng cung cấp thêm tranh ảnh về tình trạng ô nhiễm sông hồ ở Hà Nội hiện nay. Những tranh ảnh được đưa kèm với lời thuyết minh đã gây ấn tượng mạnh đối với các em. Qua đó giáo dục cho các em ý thức bảo vệ nguồn nước.
Hàng loạt sông hồ ở Hà Nội đang “ kêu cứu”
Đây là hình ảnh Hồ Gươm, viên ngọc xanh giữa lòng thủ đô Hà Nội. Hiện nay, viên ngọc ấy đang dần chuyển màu vì những túi rác thải như thế này được ném thẳng xuống hồ.
Đây là hình ảnh những người công nhân đang vớt rác trên hồ Trúc Bạch.
Sông Tô Lịch, con sông có giá trị lớn về lịch sử ngày nay đã trở thành một dòng sông chết và không còn khả năng cung cấp nước sạch.
Sông Hồng đỏ nặng phù sa, dòng sông gắn liền với tên gọi của thủ đô Hà Nội thân thương cũng đang đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm trầm trọng.
Việc sử dụng kênh hình phù hợp, giáo viên vừa giúp học sinh hiểu về tình hình ô nhiễm và khan hiếm nước sạch hiện nay vừa phát huy được vai trò tích cực của các em.
3. Sử dụng băng hình
Để giới thiệu bài và tạo không khí cho tiết học, tôi đã sử dụng đoạn băng gồm hai phóng sự ngắn:
Đoạn băng thứ nhất là tình trạng khan hiếm nước sạch ở Hà Nam. Tại đây người dân phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh để ăn, uống, tắm, giặt,…thậm chí rửa dụng cụ y tế cũng bằng thứ nước này. Việc sử dụng nguồn nước này thường xuyên đã khiến phần lớn người dân nơi đây mắc bệnh tiêu chảy cấp, đau mắt, giun sán,…
Đoạn băng thứ 2 ghi lại cảnh mất nước xảy ra trong một thời gian dài ở ngay quận Hoàn Kiếm của thủ đô Hà Nội. Người dân phải đi tắm giặt nhờ ở nơi khác, phải thức đêm để chờ hứng từng chậu nước, phải đi xin hoặc mua nước sạch về dùng.
Sau khi cho học sinh xem xong băng, tôi hỏi thêm các em: “Con thấy gì qua đoạn băng vừa rồi?” Các em rất hào hứng trả lời.
Con thấy tình trạng khan hiếm nước sạch xảy ra ở nhiều nơi và đã gây ra nhiều khó khăn cho con người.
Con thấy mình rất may mắn vì được sống ở khu vực có đầy đủ nước.
Con thấy ngay ở giữa thủ đô Hà Nội cũng xảy ra tình trạng mất nước khiến người ta phải đi tắm nhờ.
…
Việc sử dụng hai đoạn băng trên đã tạo cho các em những ấn tượng ban đầu về vai trò của nước đối với đời sống của con người và những khó khăn con người gặp phải trong sinh hoạt nếu thiếu nước. Đó chính là biện pháp để tạo hứng thú, thu hút sự chú ý của học sinh vào bài học.
Vào cuối tiết học, tôi cũng sử dụng một đoạn băng ngắn để củng cố bài. Đây là một tư liệu rất thú vị mà tôi đã thu lượm được trong khi sưu tầm thông tin cho bài dạy này. Đó là Bức thư viết năm 2070, tài liệu tuyên truyền về ý thức tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước, tài liệu phổ biến trên Crónica de los Tiempos vào tháng 4 năm 2002. Từ những bức ảnh có kèm lời thuyết minh, tôi cắt bớt những nội dung không phù hợp và chỉnh sửa lại cách diễn đạt cho dễ hiểu với các em. Sau đó đọc và thu âm lời thuyết minh, chèn nhạc nền và ghép ảnh tạo thành đoạn phim. Dưới đây là nội dung bức thư:
“ Chúng tôi đang ở vào năm 2070. Tôi vừa bước sang tuổi 50 nhưng trông đã như 85. Tôi đang bị bệnh nặng về thận vì uống nước quá ít. Tôi nghĩ rằng mình không còn sống được bao lâu nữa. Hiện nay tôi là người già nhất còn sống trong xã hội này. Tôi nhớ rằng lúc tôi năm tuổi, mọi sự khác xa bây giờ. Có rất nhiều cây cối trong công viên và nhà cửa có vườn xanh chung quanh. Tôi có thể tắm thật lâu tuỳ thích và đứng dưới vòi sen nước cả giờ đồng hồ. Hiện nay chúng tôi đành phải lau mình với giấy thấm dầu. Trước đây, phụ nữ hãnh diện vì mái tóc đẹp của mình. Bây giờ thì chúng tôi phải cạo trọc để giữ cho đầu sạch mà không phải dùng nước. Trước đây, cha tôi thường rửa xe với tia nước tuôn ra từ vòi. Hiện nay trẻ em khó tin rằng người ta có thể phí phạm nước vào một việc như thế. Tôi nhớ những lời cảnh báo: “đừng phí phạm nước” nhưng chẳng ai buồn để ý. Người ta nghĩ rằng nguồn nước thì vô tận. Ngày nay, sông, đập, vịnh và nước ngầm hoặc đã ô nhiễm tồi tệ hoặc đã khô cạn rồi. Phong cảnh chung quanh chúng tôi đã trở thành một sa mạc mênh mông. Bệnh đường ruột, bệnh da liễu và bệnh đường tiểu nay đã trở thành những nguyên do chính khiến người ta chết. Công nghiệp tê liệt và tình trạng thất nghiệp tăng cao. Những nhà máy lọc nước muối là nơi tuyển dụng chính. Người ta trả công bằng nước uống thay vì trả lương. Vì không thể giặt đồ nên chúng tôi vứt bỏ chúng và lại làm tăng thêm số lượng rác. Chúng tôi phải trở lại với loại nhà vệ sinh hôi thối như thế kỷ trước kia do hệ thống thải không còn hoạt động vì thiếu nước. Người ta luôn cảm thấy khát khô cổ trên những con đường vắng tanh. Trước đây người ta khuyên một người lớn nên uống tám ly nước mỗi ngày. Hiện nay tôi chỉ được phép uống có nửa ly thôi. Người ta chỉ còn da bọc xương, thân thể gày còm, khô cằn vì thiếu nước. Khi con gái tôi hỏi tôi về thời tôi con trẻ, tôi đã mô tả những khu rừng tuyệt đẹp. Tôi kể cháu nghe về những trận mưa rào, về bông hoa, về cái thú được tắm rửa, được câu cá trên sông hồ. Tôi kể cháu nghe người ta khoẻ mạnh làm sao. Cháu hỏi tôi: “ Cha ơi, vì sao không còn nước nữa?”
Tôi cảm thấy cổ họng mình nghèn nghẹn. Tôi không thể không thấy có tội vì tôi thuộc một thế hệ đã hoàn tất công việc phá hoại môi trường sống của mình do không buồn quan tâm đến những lời cảnh báo mặc dù những lời cảnh báo ấy không phải là ít. Tôi thuộc về thế hệ cuối cùng còn có thể thay đổi được nhưng đã lựa chọn không hành động mảy may. Ngày nay, con cái chúng tôi phải trả giá quá đắt. Ôi, ước gì tôi có thể đi ngược lại thời gian để nói cho nhân loại hiểu điều này, vào thời điểm mà chúng ta còn có thể làm một cái gì đó để cứu lấy hành tinh Địa Cầu của mình.”
Sau khi cho các em xem xong đoạn phim, tôi hỏi thêm: “ Con có suy nghĩ gì sau khi nghe những lời tâm sự vừa rồi?” Kết quả là tôi đã thu được rất nhiều ý kiến thú vị từ phía các em.
Con thấy bức thư này rất cảm động.
Con thấy thật đáng sợ nếu chúng ta không sử dụng nước tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước.
Con nghĩ là con sẽ phải sử dụng nước thật tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước nếu không chúng ta sẽ không có nước sạch để dùng.
Con sẽ kể cho bố mẹ và những người trong gia đình con nghe về bức thư này để mọi người cùng sử dụng nước tiết kiệm.
…
Những suy nghĩ của các em cho thấy các em thực sự ý thức được những hiểm hoạ mà con người sẽ phải đối mặt nếu tiếp tục sử dụng nước lãng phí hoặc vứt rác thải bừa bãi làm ô nhiễm môi trường cũng như ô nhiễm nguồn nước. Tuy nhiên, tôi cũng giải thích thêm để các em hiểu rằng nước có vai trò rất quan trọng đối với con người cũng như mọi sinh vật trên trái đất. Chúng ta không thể không sử dụng nước nhưng hãy sử dụng nước một cách hợp lí và bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này. Ngay từ bây giờ, bằng hành động của mình chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi tương lai đã được cảnh báo ở trên.
4. Tổ chức trò chơi
Trong bài dạy của mình, tôi đã tổ chức trò chơi “ Thử tài của bạn” kết hợp với băng hình để giúp các em biết nhận xét đâu là hành vi đúng, đâu là hành vi sai. Qua đó các em có kĩ năng ứng xử trong thực tế cuộc sống. Đồng thời đây cũng là biện pháp để tạo hứng thú cho các em.
Tôi đưa ra đoạn băng, yêu cầu các em xem kĩ. Sau đó các em sẽ thảo luận nhóm đôi trong 1 phút để đưa ra dự đoán “ Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?” .
Nội dung của đoạn băng như sau: Các bạn học sinh muốn tưới cây, chăm sóc cho công trình măng non của lớp mình nhưng vì mất điện nên không có nước. Một bạn nhìn về phía bình đựng nước uống và nói mình đã có một sáng kiến.
Sau khi xem xong đoạn băng, tất cả các em đều dự đoán: “ Các bạn ấy sẽ lấy nước uống để tưới cây.”
Tôi hỏi thêm: “ Nếu con là bạn thì con có làm như thế không? Vì sao?”
Sau đó tôi chiếu phần tiếp của đoạn băng. Sau khi nhận được ý kiến phản đối từ các bạn trong nhóm rằng lấy nước uống để tưới cây thì rất phí phạm, bạn nhỏ giải thích sáng kiến của bạn là muốn lấy nước thừa ở xô để tưới cây chứ không phải lấy nước uống.
Xem xong đoạn băng, các em đều rất phấn khích vì bất ngờ trước kết thúc của đoạn băng. Có em trầm trồ thán phục : “ Thông minh quá!” Tôi hỏi ngay em này: “ Vì sao con cho rằng các bạn trong đoạn phim thông minh?” Em trả lời: “ Vì con thấy các bạn ấy biết tận dụng nước thừa đổ đi để tưới cây.” Đó cũng chính là câu trả lời mà tôi mong đợi từ các em.
Kết quả thu được từ đề tài
Với sự chuẩn bị chu đáo của thầy và trò, tiết dạy đã đạt được những thành công nhất dịnh. Về phía học sinh, trong cả tiết học, các em rất hứng thú học tập, tham gia vào giờ dạy rất sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp.
Qua khảo sát sau giờ dạy, tôi đánh giá học sinh không chỉ nắm được kiến thức mà còn có thái độ ứng xử phù hợp vào trong những tình huống thực tế trong và ngoài nhà trường.
KếT LUậN Và KHUYếN NGHị
Làm thế nào để tạo được hứng thú cho học sinh trong mỗi tiết lên lớp là suy nghĩ, trăn trở không chỉ của riêng cá nhân tôi mà còn là mong muốn của tất cả những người làm nghề giáo. Bởi lẽ học sinh chỉ nhớ, chỉ yêu thích môn học khi các em thực sự tìm thấy sự thú vị trong mỗi môn học đó. Ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, giáo viên có nhiều cách để làm phong phú thêm cho bài dạy của mình từ đó lôi cuốn học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động dạy học. Tuy nhiên, với khối lượng thông tin đồ sộ như thế, chúng ta cũng cần cân nhắc, lựa chọn để đưa vào minh hoạ cho nội dung bài dạy một cách thích hợp. Mỗi giáo viên, bằng năng lực sư phạm của mình có thể tạo hứng thú cho học sinh trong tiết dạy của mình bằng nhiều cách khác nhau như: sử dụng tranh ảnh, phim, sử dụng phối hợp các phương pháp dạy học kích thích tính tích cực của học sinh,…
Trên đây, tôi đã trình bày những kinh nghiệm nhỏ của mình nhằm tạo hứng thú cho học sinh trong một tiết Đạo đức ở lớp 3. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp để đề tài của tôi được hoàn thiện hơn.
Xin trân trọng cảm ơn!
Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 2009
Người viết
Đỗ Thị Tuyết Nhung
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 22388.doc