Quan điểm chung về phát triển kinh tế biển của Việt Nam trong những năm tới là:
- Xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về kinh tế biển, có cơ cấu kinh tế hiện đại, thực sự làm động lực thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển với tốc độ nhanh. Tạo ra một sự kết hợp kinh tế ven biển, kinh tế trên biển và kinh tế hải đảo với các khu vực nội địa để phát triển nhanh, ổn định và bền vững.
Mở cửa, hợp tác quốc tế để phát triển kinh tế biển và vùng ven biển một cách toàn diện. Phát huy triệt để và có hiệu quả các nguồn lực bên trong, kết hợp với tranh thủ sự hợp tác và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài theo nguyên tắc cùng có lợi, tôn trọng chủ quyền và trên tinh thần chủ động, tích cực mở cửa, hội nhập.
Coi phát triển kinh tế biển và vùng ven biển là động lực để lôi kéo, thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển. Kinh tế biển và vùng ven biển là "hạt nhân" tạo sự chuyển biến cơ bản và toàn diện theo hướng CNH, HĐH. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển và vùng ven biển với bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, tái tạo và phát triển các nguồn tài nguyên biển, đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường sống của vùng biển, ven biển và các hải đảo.
17 trang |
Chia sẻ: netpro | Lượt xem: 2083 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Sử dụng bền vững nguồn tài nguyên biển của vùng kinh tế trọng điểm miền trung dưới góc độ địa lí, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỬ DỤNG BỀN VỮNG NGUỒN TÀI NGUYÊN BIỂN CỦA VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM MIỀN TRUNG DƯỚI GÓC ĐỘ ĐỊA LÍ
1. Đặt vấn đề
Vùng kinh tế trọng điểm (VKTTĐ) miền Trung bao gồm 5 tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Với chuỗi đô thị đang phát triển nằm trải dài trên 558km bờ biển đó là Huế, Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn và các khu kinh tế lớn như: Chân Mây – Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội. Tổng diện tích tự nhiên là 27.976,7 km2 chiếm khoảng 29,1% diện tích tự nhiên vùng Bắc trung bộ và duyên hải Nam Trung Bộ và chiếm khoảng 8,4% diện tích tự nhiên của cả nước. Dân số trung bình năm 2009 là 6,1 triệu người bằng 7,1% dân số cả nước. Dân số đô thị chiếm 33,1% dân số của vùng (tỷ lệ này của cả nước là 29,6%).
VKTTĐ miền Trung, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Trị, phía Nam giáp tỉnh Phú Yên, phía Tây giáp tỉnh KonTum và nước CHDCND Lào và phía Đông giáp biển Đông. Đây là một vị trí chiến lược hết sức quan trọng về địa lý, kinh tế, chính trị, văn hóa và an ninh quốc phòng. Là mặt tiền của cả nước, tiểu vùng sông Mekong và châu Á – Thái Bình Dương. Từ đây, có thể nối với các nước Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar và xa hơn nữa là các nước Nam Á và Tây Nam Trung Quốc qua các trục hành lang Đông – Tây, đường 9, đường 14, đường 24, đường 19. Đi ra thế giới bằng hệ thống các cảng biển nước sâu: Chân Mây, Tiên Sa, Kỳ Hà, Dung Quất, Nhơn Hội và hệ thống các cảng hàng không Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát. Là vùng có trục hạ tầng lớn của đất nước: đường quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt xuyên Việt, đường điện 500 KV, đường cáp quang và vi ba xuyên quốc gia, là khu vực có 13 trường đại học, 4 di sản văn hóa thế giới đó là cố đô Huế, Hội An, Mỹ Sơn, và văn hóa phi vật thể Nhã nhạc cung đình Huế.
Nguồn tài nguyên nổi bật và có thế mạnh nhất của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là tài nguyên biển. Việc khai thác nguồn tài nguyên biển một cách bền vững để phát triển tổng hợp kinh tế biển mang lại hiệu quả kinh tế, hiệu quả môi trường là một trong những chiến lược quan trọng của vùng này.
2. Khái quát về tài nguyên biển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và những hệ lụy của tình hình khai thác tài nguyên biển ở miền Trung hiện nay
2.1. Tài nguyên sinh vật biển
Các tỉnh nằm trong vùng đều có bờ biển dài, vùng biển rộng, có nhiều nguồn lợi về sinh vật biển
a. Về hải sản
- Trữ lượng hải sản khoảng chung của vùng khoảng 500.000 tấn, và có nhiều loại: 600 loài cá, trong đó có 40 loài có giá trị kinh tế cao, 50 loài tôm, 20 loài mực và nhiều loại hải sản khác. Bên cạnh đó vùng còn có hàng trăm nghìn ha mặt nước để nuôi trồng và phát triển nguồn lợi thủy sản. Tổng diện tích tiềm năng nuôi trồng thủy sản của vùng khoảng 65.731 ha, trong đó vùng diện tích nước lợ (các bãi ngang ven biển, ruộng nhiễm mặn) có khoảng 18.920 ha. Riêng vùng biển Đà Nẵng có ngư trường rộng trên 15.000 km², có các động vật biển phong phú trên 266 giống loài, trong đó hải sản có giá trị kinh tế cao gồm 16 loài. Tổng trữ lượng hải sản các loại là 1.136.000 tấn. Hàng năm có khả năng khai thác 150.000 – 200.000 tấn.
- Tuy nhiên, việc khai thác nguồn nguồn lợi biển trong nhiều năm qua đã bộc lộ nhiều vấn đề gây nguy hại cho nguồn tài nguyên này:
+ Đánh bắt quá mức: Việc đánh bắt ở vùng biển gần bờ (cạn hơn 50 mét nước) của nước ta trong 20 năm qua (1981 - 2000) cường độ khai thác ở vùng biển gần bờ tăng rất nhanh, số lượng tàu máy từ 29 ngàn chiếc tăng lên 75 ngàn chiếc; công suất máy tăng từ 454 ngàn mã lực (CV) tăng lên 3.186 ngàn CV nghĩa là: gấp tới 7 lần. Trong khi đó tổng sản lượng hải sản tăng từ 419 ngàn tấn lên 1.281 ngàn tấn chỉ gấp có 3 lần. Xét về mặt năng suất khai thác (tấn/CV/năm) lại giảm dần từ 0,92 (1981) xuống 0,40 (năm 2000). Điều đó chứng tỏ hiện tượng khai thác quá mức ở vùng biển gần bờ là quá rõ ràng và vùng KTTĐ miền Trung cũng nằm trong tình trạng chung đó.
+ Đánh bắt hủy diệt: Hiện nay ngư dân nhiều địa phương vẫn sử dụng chất nổ, chất độc để đánh bắt đã dẫn đến hủy diệt rất nhiều loài sinh vật. Việc sử dụng các loại lưới có kích thước mắt lưới bé đã bắt đi rất nhiều loại có kích thước còn đang tăng trưởng nhanh, đã làm tổn hại rất lớn đến nguồn lợi.
+ Phá hoại nơi cư trú: Việc phá rừng lấy củi, đào ao nuôi tôm thiếu qui hoạch đã dẫn đến phá hoại nơi sinh sống của các ấu trùng tôm, cá và các loài hải sản khác đã làm giảm sút nguồn bổ sung ra ngoài biển khơi. Sự khan hiếm số lượng tôm bố mẹ dẫn đến việc tăng giá tới hàng trăm lần cách đây khoảng trên 10 năm. Hiện nay nhiều công ty đã nhập khẩu tôm bố mẹ từ nước ngoài vào Việt Nam cần được cân nhắc kỹ càng vì kèm theo đó sẽ là những nguồn bệnh chưa có ở Việt Nam. Việc xây dựng các nhà máy thủy điện, các hồ chứa nước và khai thác lâm sản, phun thuốc trừ sâu trong nông nghiệp cùng với việc xây dựng các giàn khoan và các nhà máy lọc dầu ở ven biển chắc chắn ảnh hưởng đến nơi cư trú (Habitat) cần được nghiên cứu và dự báo để tránh những hiểm hoạ khôn lường.
b. Về thực vật biển
- Vùng biển miền Trung các thảm cỏ biển được mệnh danh là "rừng mưa nhiệt đới dưới biển" vì tính phức tạp về cấu trúc và tính đa dạng sinh học đi kèm, cũng như năng suất sinh học rất cao. Một ha cỏ biển mỗi năm tạo ra 25 tấn lá, đủ cung cấp thức ăn cho 40.000 con cá và 50 triệu động vật không xương sống nhỏ, là nơi sinh cư của rùa và heo biển. Đặc biệt là các loại rong tảo biển là nguồn tài nguyên thực phẩm quý giá, nhưng hiện nay một số loại cũng đang bị khai thác tận diệt gây ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái biển
Rong mơ (tên khoa học là Sargassum) là loại tài nguyên có nhiều ở biển nước ta, đặc biệt là các vùng biển ở miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên... Những năm gần đây, rong mơ ngày càng có giá trên thị trường và được người dân sinh sống ven biển quan tâm khai thác bán cho các cơ sở chế biến thực phẩm, phân bón, dược phẩm... Với giá rong mơ (đã phơi khô) trên thị trường hiện nay dao động từ 4000-5000đồng/kg, trung bình mỗi ngày một người khai thác rong mơ có thể kiếm được 400-500 ngàn đồng. Vì thế, ngay từ đầu năm, khi rong mơ đang còn non, nhiều người dân đã kéo đến vùng biển này (nơi có nhiều rong mơ) để khai thác. Trước kia việc khai thác rong mơ chủ yếu được khai thác gần bờ (độ sâu 3 m), thì nay khai thác ở những nơi rất sâu, kể cả ở các rạn san hô quý hiếm cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Quảng Ngãi đang trong tình trạng tận diệt rong mơ: Theo thống kê, chỉ riêng hai xã Bình Hải, Bình Châu của huyện Bình Sơn, hiện mỗi ngày có trên 200 hộ dân khai thác rong mơ. Không chỉ ở huyện Bình Sơn, thời gian gần đây phong trào khai thác rong mơ ở huyện đảo Lý Sơn phát triển một cách ồ ạt.
Theo Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang và Viện Hải dương học Nha Trang, rong mơ gắn chặt với hệ sinh thái san hô và các loài thủy sinh khác. Nếu rong mơ biến mất, môi trường sinh thái biển nơi đó hoàn toàn bị thay đổi theo chiều hướng xấu. Rong mơ là nơi cư trú, sinh sản của nhiều loài hải sản, việc khai thác theo kiểu tận thu như hiện nay khiến nhiều loài hải sản có nguy cơ bị tận diệt.
2.2. Tài nguyên du lịch biển
Các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đều có tiềm năng du lịch biển rất lớn, nhất là các tỉnh:
- Thừa Thiên - Huế nơi có cảnh quan thiên nhiên sông núi, rừng, biển rất kỳ thú và hết sức hấp dẫn với địa danh nổi tiếng như: đèo Hải Vân với núi Bạch Mã nằm trên bờ biển, cửa An Thuận, bãi biển Lăng Cô, Cảnh Dương, đầm phá Tam Giang, đó là vẻ đẹp thân thương của vùng cố đô...
- Đà Nẵng: có những cảnh quan nổi tiếng như đèo Hải Vân cùng với Huế, bán đảo Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, các bãi tắm Mỹ Khê, Non Nước
- Quảng Ngãi: có các cảnh quan Thiên ấn, Niêm Hà, Thiên Bút, Phê Vân, Thạch Bích, Tà Dương, Cổ Luỹ, Cô Thôn, Nước Trong – Ca Đam…, nhiều bãi biển như Mỹ Khê, Sa Huỳnh
- Bình Định: có bán đảo Phương Mai, bãi tắm Hoàng Hậu, Đảo Yến, Quy Hòa, Bãi Dài, Vĩnh Hội, Tân Thanh và một quần thể di tích với những tên gọi đã trở nên quen thuộc như tháp Dương Long, Cánh Tiên, Bánh ít, Bình Tiên, Tháp Đôi
Tất cả đã tạo nên các cụm công trình và các tour du lịch với các loại hình dịch vụ du lịch vui chơi, tắm biển được trang bị tiện nghi cao cấp. Nơi đây đang xây dựng con đường du lịch song hành và các khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế từ 3 đến 5 sao. Cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, di tích lịch sử, văn hoá phong phú,...
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch ở vùng này vẫn chỉ dừng lại ở mức sử dụng những tiềm năng sẵn có, mà chưa đầu tư đúng mức cho việc bảo tồn, tôn tạo tài nguyên một cách thỏa đáng dẫn đến một số thắng cảnh tự nhiên bị biến đổi theo hướng nhân tạo hóa, một số bị phá hủy mất giá trị du lịch. Vấn đề môi trường ở những bãi biển, bãi tắm cũng chưa tốt, nhiều nơi bị ô nhiễm gây ảnh hưởng đến môi trường và hoạt động du lịch.
2.3. Tài nguyên khoáng sản biển
Nước ta có nguồn sa khoáng Titan ven biển khá phong phú với nhiều mỏ và điểm quặng phân bố rải rác hầu hết trong vùng cát ở các tỉnh khu vực miền Trung. Theo thống kê chưa đầy đủ, trữ lượng tài nguyên sa khoáng Titan ven biển khoảng 13.500.000 tấn, chiếm gần 40 % tổng trữ lượng khoáng sản Titan đó được điều tra, đánh giá. Đến nay có trên 40 doanh nghiệp được cấp phép khai thác, tận thu sa khoáng ở 24 khu mỏ với sản lượng tinh quặng từ 300.000-400.000 tấn/năm. Đến nay có trên 40 doanh nghiệp được cấp phép khai thác, tận thu sa khoáng ở 24 khu mỏ với sản lượng tinh quặng từ 300.000-400.000 tấn/năm. Trong số 40 doanh nghiệp khai thác và tận thu sa khoáng Titan ven biển, có 17 DN chuyên ngành của Nhà nước hoặc Công ty cổ phần, 2 Công ty liên doanh với nước ngoài, cũn lại là của Công ty TNHH hoặc doanh nghiệp tư nhân.
Sau hơn 30 năm hoạt động, đến nay trữ lượng sa khoáng Titan ven biển cũng lại giảm nhiều, sản phẩm chủ yếu là tinh quặng thụ chưa qua chế biến, môi trường trong các khu mỏ đó bị suy thoái và ô nhiễm, nhiều nơi đến mức báo động, đất đai bị xói lở, cày xới, địa chất công trình thay đổi, cát bay,... làm ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân, tái tạo cảnh quan môi trường môi sinh, công tác thu hút đầu tư. Vì vậy cần thiết phải nghiên cứu để đưa ra các giải pháp nhằm khai thác, sử dụng hợp lý loại khoáng sản đặc biệt này và bảo vệ môi trường vùng ven biển hết sức nhạy cảm của Việt Nam.
2.4. Giá trị của địa hình bờ biển
- Ngoài điều kiện thuận lợi về nguồn hải sản, vùng kinh tế trọng điểm miền trung có bờ biển trải dài với nhiều vũng, vịnh sâu, rộng, thuận lợi để xây dựng các cảng biển. Trên địa bàn của vùng có hệ thống cảng biển có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế vùng gồm các cảng Chân Mây, Liên Chiểu, Tiên Sa, Kỳ Hà, Dung Quất, Quy Nhơn. Hầu hết các cảng có mức nước sâu và đều có khả năng tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn...
- Tuy nhiên những hệ lụy do hoạt động giao thông vận tải biển đem đến cho môi trường biển cũng không nhỏ, đặc biệt là những sự cố tràn dầu của các tàu chở dầu. Biển Việt Nam đã hứng chịu hàng trăm vụ tràn dầu lớn nhỏ, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái và hoạt động kinh tế biển. Chỉ một vụ tràn dầu vào tháng 2 – 2007 thì mức độ ảnh hưởng đã rất lớn: Ngày 6/2, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực đã có công văn đến chính quyền các tỉnh, thành phố ở miền Trung, cho biết: Đến thời điểm này, tình trạng ô nhiễm môi trường về dầu và dăm gỗ chở trên chiếc xà lan Marco Polo 168 bị thủng đáy chìm ở biển Cù Lao Chàm, Hội An, rất nghiêm trọng và đã lan rộng ra trên vùng biển ven bờ các địa phương từ tỉnh Quảng Trị đến tỉnh Quảng Ngãi. Theo Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung, hơn 200 tấn dầu tràn tại các khu vực biển miền Trung đã được thu gom và chuyển đến khu xử lý của Trung tâm tại Đà Nẵng. Đó là chưa kể đến việc ô nhiễm tại chỗ của các cảng biển.
3. Sử dụng bền vững nguồn tài nguyên biển dưới góc độ địa lí
3.1. Cơ sở khoa học của khai thác bền vững kinh tế biển
Thế giới tự nhiên là một thể tổng hợp thống nhất, nó bao gồm nhiều yếu tố, nhiều thành phần tạo nên như thạch quyển, thủy quyển, khí quyển, thổ nhưỡng quyển, sinh quyển, các thành phần này xâm nhập vào nhau, có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau tạo nên một hệ thống tự nhiên hoàn chỉnh. Hoàn chỉnh đến mức chỉ cần tác động vào một yếu tố, lập tức sẽ kéo theo sự thay đổi của hàng loạt các yếu tố tự nhiên khác, nếu sự tác động quá mạnh mẽ (quá ngưỡng chịu đựng của tự nhiên) thì thể tổng hợp tự nhiên đó sẽ bị biến đổi, tạo nên một thể tổng hợp tự nhiên mới có những đặc điểm khác biệt với hệ thống trước đó. Vì vậy khi khai thác tự nhiên phục vụ cho mục đích kinh tế, muốn đạt được sự bền vững cần thiết phải:
- Nghiên cứu, xem xét, đánh giá tổng hợp các thành phần tự nhiên của lãnh thổ
- Nghiên cứu, đánh giá mức độ tác động, mức độ chi phối giữa các nhân tố tự nhiên để hạn chế những biến đổi do khai thác các yếu tố tự nhiên
- Đánh giá mức độ biến đổi của thể tổng hợp tự nhiên do khai thác ở các mực độ
- Lựa chọn phương thức khai thác hợp lí nhất vừa đảm bảo sự phát triển kinh tế, nhưng không làm biến đổi thể tổng hợp tự nhiên một cách quá mức
- Lựa chọn cơ cấu kinh tế hợp lí vừa tăng trưởng kinh tế nhanh, vừa khai thác hợp lí tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường
Quan điểm chung về phát triển kinh tế biển của Việt Nam trong những năm tới là:
- Xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về kinh tế biển, có cơ cấu kinh tế hiện đại, thực sự làm động lực thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển với tốc độ nhanh. Tạo ra một sự kết hợp kinh tế ven biển, kinh tế trên biển và kinh tế hải đảo với các khu vực nội địa để phát triển nhanh, ổn định và bền vững.
Mở cửa, hợp tác quốc tế để phát triển kinh tế biển và vùng ven biển một cách toàn diện. Phát huy triệt để và có hiệu quả các nguồn lực bên trong, kết hợp với tranh thủ sự hợp tác và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài theo nguyên tắc cùng có lợi, tôn trọng chủ quyền và trên tinh thần chủ động, tích cực mở cửa, hội nhập.
Coi phát triển kinh tế biển và vùng ven biển là động lực để lôi kéo, thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển. Kinh tế biển và vùng ven biển là "hạt nhân" tạo sự chuyển biến cơ bản và toàn diện theo hướng CNH, HĐH. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển và vùng ven biển với bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, tái tạo và phát triển các nguồn tài nguyên biển, đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường sống của vùng biển, ven biển và các hải đảo.
Mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế biển của nước ta là:
- Mở rộng phạm vi khai thác biển xa hơn, sâu hơn, nhằm góp phần đẩy nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế biển và vùng ven biển. Mở rộng quy mô và nâng cao hơn tỷ trọng GDP của kinh tế biển và ven biển, xây dựng cơ cấu ngành nghề hiện đại, công nghiệp và dịch vụ, tạo sự chuyển biến cơ bản và toàn diện cơ cấu kinh tế biển và vùng ven biển theo hướng CNH, HĐH.
- Nâng cao mọi mặt đời sống kinh tế, văn hoá của cư dân vùng biển, giảm nhanh tỷ lệ đói nghèo.
- Nâng tỷ trọng xuất khẩu của kinh tế biển và vùng ven biển trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Hình thành một số ngành và sản phẩm mũi nhọn, tạo nguồn tích luỹ lớn cho nền kinh tế quốc dân, đồng thời có giá trị xuất khẩu cao và ổn định.
- Tập trung ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển các lĩnh vực kinh tế cơ bản có tác động sâu rộng đối với kinh tế, xã hội của vùng biển và quốc gia.
- Phát triển nhanh kinh tế, xã hội ở một số trung tâm đô thị ven biển và hải đảo, làm căn cứ hậu cần đủ mạnh để khai thác các vùng biển khơi.
3.2. Các ngành kinh tế biển ưu tiên của vùng kinh tế trọng điểm miền trung dựa vào ưu thế biển
Từ cơ sở lí luận, thực tế và quan điểm, mục tiêu phát triển kinh tế biển nói trên, việc khai thác và sử dụng hợp lí tài nguyên biển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nên tập trung ưu tiên cho các ngành:
a. Du lịch biển đảo và vùng ven biển
Phát triển du lịch biển, đảo và ven biển nhanh chóng trở thành một ngành kinh tế chủ lực của kinh tế biển, có thứ hạng cao ở khu vực Đông Nam á và thế giới. Đa dạng hoá hợp tác với nước ngoài trong phát triển du lịch biển. Tập trung đầu tư phát triển các loại hình du lịch, vui chơi giải trí chất lượng cao ở các Trung tâm du lịch Huế - Đà Nẵng, Hội An – Quảng Ngãi – Quy Nhơn
Phương hướng chủ yếu phát triển ngành du lịch biển đến năm 2020 phát huy tối đa các ưu thế và nguồn lực bên trong, kết hợp tranh thủ sự hợp tác bên ngoài để phát triển tổng hợp du lịch biển - núi - hải đảo (mà các vùng khác không có), nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch và dịch vụ cao cấp độc đáo, có chất lượng và uy tín cao trên thị trường du lịch trong nước và khu vực Đông Nam á. Hình thành các trung tâm du lịch ven biển lớn tầm cỡ quốc gia và quốc tế ở các khu vực có nhiều điều kiện thuận lợi trên cơ sở phát triển đa dạng các tuyến du lịch và các loại hình du lịch - thể thao - giải trí cả ở trên bờ, trên biển và trên các hải đảo.
Có quy hoạch và khai thác một cách có hiệu quả và bền vững các di sản thiên nhiên và các di sản văn hóa, đa dạng hóa các loại hình du lịch, hình thành các cụm, điểm và tuyến du lịch trong vùng như: cụm du lịch Cảnh Dương - Bạch Mã - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế); các khu du lịch Ngũ Hành Sơn, Bà Nà - Suối Mơ (Đà Nẵng); thánh địa Mỹ Sơn; Khu Mỹ Khê - Sa Huỳnh - Cà Đăm - Vạn Tường; phố cổ Hội An; Quy Nhơn - Tây Sơn; Vĩnh Hội - Tân Thanh gắn với các tuyến, điểm du lịch ở Tây Nguyên, các tuyến du lịch ven biển Sơn Trà - Hội An, và nhiều điểm du lịch ven biển của các tỉnh trong vùng.
Bảo vệ, khôi phục và bảo tồn các cảnh quan tự nhiên, các di tích lịch sử văn hóa Chăm - Pa, di sản văn hoá kiến trúc trên địa bàn các tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng như thánh địa Mỹ Sơn, đô thị cổ Hội An, khu du lịch Tây Sơn…
b. Phát triển kinh tế hàng hải
Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế nói chung và vận chuyển hàng hoá nói riêng, trong giai đoạn đến năm 2020, ngành vận tải biển phải được đầu tư phát triển nhanh và toàn diện cả về hệ thống cảng biển, đội tàu, công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển, dịch vụ cảng và dịch vụ hàng hải… theo hướng CNH, HĐH với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế và mở rộng hợp tác với nước ngoài.
Nhanh chóng xây dựng ngành vận tải biển của vùng thành ngành kinh tế mạnh và hiện đại, tạo tiền đề để tiến nhanh ra đại dương, hỗ trợ và thúc đẩy các ngành, nhất là ngoại thương và các vùng kinh tế trong cả nước phát triển nhanh theo hướng sản xuất hàng hoá quy mô lớn, hướng về xuất khẩu, đồng thời đón trước và bắt kịp những cơ hội phát triển mới của đất nước trong xu thế chung của khu vực và thế giới.
Xây dựng hệ thống cảng biển hiện đại: đây là địa bàn trọng điểm có tiềm năng lớn về phát triển cảng biển và vận tải biển gắn với hệ thống cảng biển cả nước. Phát triển hệ thống cảng biển cùng với hệ thống hạ tầng khác có tính tới sự phát triển của cảng biển trung chuyển Vân Phong là điều kiện tiên quyết để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội trong khu vực. Trong thời gian tới tập trung phát triển:
- Cải tạo nâng cấp cảng Tiên Sa, đưa năng lực thông qua lên 4 triệu tấn/năm
- Xây dựng mới cảng nước sâu Liên Chiểu giai đoạn I có công suất 2 triệu tấn/năm và tiếp tục giai đoạn II nâng công suất lên 8,5 triệu tấn cho thời kỳ tiếp theo.
- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cảng Chân Mây, đảm bảo phát triển thành công khu thương mại Chân Mây một trong những hạt nhân quan trọng thúc đây sự phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên - Huế nói riêng và toàn vùng nói chung.
- Cảng Qui Nhơn, hiện tại đảm nhận 90% hàng hóa qua khu vực, dự kiến tăng thêm bến bảo đảm lượng hàng thông qua là 4 triệu tấn/năm cho tầu trên 3 vạn tấn vào cảng.
- Chú trọng xử lí chất thải đối với môi trường vùng cảng biển, đặc biệt chú trọng chống sự cố tràn dầu
c. Khai thác – nuôi trồng hải sản
Coi phát triển mạnh hải sản là một trong những hướng đi ưu thế của kinh tế biển và ven biển nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống của cư dân và thay đổi bộ mặt của nông thôn ven biển theo hướng CNH, HĐH, tăng cường tiềm lực an ninh quốc phòng.
Hợp tác với nước ngoài đầu tư công nghệ hiện đại để phát hiện ngư trường phục vụ trực tiếp cho việc đánh bắt có hiệu quả. Giảm thiểu đánh bắt ven bờ, triển khai đánh bắt khơi xa và đánh bắt các đối tượng có giá trị kinh tế cao ở vùng biển quốc tế. Nghiêm cấm sử dụng các phương pháp và phương tiện đánh bắt có hại đối với môi trường và các loài sinh vật biển
Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nghề cá trong mọi lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và dịch vụ mạnh hơn nữa theo định hướng mạnh vào xuất khẩu và CNH, HĐH. Hình thành những vùng sản xuất hàng hoá tập trung trong nuôi trồng thuỷ sản.
Nhanh chóng đưa ngành kinh tế thuỷ hải sản từ một ngành còn mang nặng tính chất công nghiệp khai thác nguyên liệu và nông nghiệp sang một ngành công nghiệp chế biến, chế tác có trình độ chuyên môn hoá, hợp tác hoá, liên hợp hóa ở trình độ cao.
d. Phát triển nông, lâm nghiệp ven biển
Tích cực thực hiện mở mang diện tích nông, lâm nghiệp ở những nơi có điều kiện trên cơ sở khoa học, phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng biển.
Phát triển nông nghiệp sinh thái vùng ven biển mang tính đặc thù cho từng vùng với nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; tiêu biểu là dừa, cây ăn trái, cây lấy dầu kết hợp nuôi trồng thuỷ hải sản. Đối với một số khu vực biển lấn, cần nghiên cứu các loại cây trồng hợp lý để góp phần hạn chế tác động gây hại của biển lấn. Xúc tiến việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế để phát triển các ngành nghề trồng, khai thác và chế biến dược liệu...
3.3. Các giải pháp cho sự phát triển kinh tế biển bền vững ở vùng này
Để đảm bảo thực hiện Chiến lược kinh tế biển nêu trên, một hệ thống các giải pháp trọng yếu cần được triển khai là:
Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển và kinh tế biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt khơi dậy tiềm năng và sức mạnh cộng đồng địa phương bảo vệ môi trường biển
Kết hợp phát triển kinh tế với an ninh quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và an ninh trên biển của từng địa phương trong vùng.
Đẩy mạnh điều tra cơ bản và phát triển khoa học - công nghệ biển, triển khai công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng biển và ven biển.
Nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về biển và kinh tế biển của vùng, xây dựng đầy đủ, đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biển và vùng ven biển như: Chính sách đảm bảo an toàn, an ninh cho các hoạt động kinh tế biển; Chính sách khuyến khích người dân ra biển làm kinh tế; Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển kinh tế biển; Các chính sách liên quan đến đầu tư; Hình thành trung tâm kinh tế biển mạnh của vùng và tiểu vùng
Phát triển nguồn nhân lực có trình độ cho phát triển kinh tế biển của vùng.
Tham gia với các nước trong khu vực đầu tư xây dựng các trạm cảnh báo phòng chống thiên tai, đảm bảo dự báo và cảnh báo sớm các thiên tai có thể xảy ra trên vùng biển, đảm bảo giảm thiểu hậu quả thiên tai.
4. Kết luận
Kinh tế biển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là lĩnh vực hết sức rộng lớn bao trùm trên nhiều mặt như: giao lưu thương mại, đầu tư kinh tế kỹ thuật, sự ra đời hình thành các khu đại công nghiệp, đặc khu kinh tế, các chuỗi đô thị, hệ thống cảng biển, hệ thống dịch vụ du lịch, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống công trình an ninh quốc phòng, hệ thống công trình biển và thềm lục địa, khai thác khoáng sản, công nghiệp khai thác và chế biến hải sản. Biển tác động đến khí hậu và ảnh hưởng lớn đến mùa màng nông, lâm nghiệp… và còn nhiều lĩnh vực khác. Sự hình thành các lĩnh vực kinh tế biển sẽ dẫn đến sự hình thành tiếp theo của khoa học kỹ thuật, dịch vụ, tài chính ngân hàng và dẫn đến sự biến đổi to lớn về mặt đời sống xã hội của vùng. Việc khai thác bền vững tài nguyên biển có ý nghĩa chiến lược to lớn không chỉ riêng đối với miền Trung mà là đối với cả nước
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế - xã hội của nó, NXB KHKT, Hà Nội, 1985
2. Những tác động xã hội – kinh tế của đề án nhà máy lọc dầu Dung Quất đối với miền Trung Việt Nam và vai trò của công tác đào tạo nhân lực, Hội thảo quốc tế về Dung Quất, Đà Nẵng, 1997
3.Lê Thông, Nguyễn Trần Cầu (1993), Cơ sở lí luận và phương pháp nghiên cứu các điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên du lịch biển Việt Nam, Chương trình Biển KT – 03, Hà Nội
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Sử dụng bền vững nguồn tài nguyên biển của vùng kinh tế trọng điểm miền trung.doc