CHƯƠNG 1: QUÁ TRÌNH PHÂN HÓA TƯ TƯỞNG CỦA VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG 2
1. Vài nét về sự thành lập và quá trình hoạt động của Việt Nam Quốc Dân Đảng 2
2. Quá trình phân hóa tư tưởng 2
3. Nguyên nhân dẫn tới sự phân hóa tư tưởng 4
CHƯƠNG 2: QUÁ TRÌNH CHUYỂN BIẾN TƯ TƯỞNG CỦA TRẦN HUY LIỆU 6
1. Vai trò của Trần Huy Liệu trong tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng 6
2. Quá trình chuyển biến tư tưởng của Trần Huy Liệu 6
3. Những nhân tố ảnh hưởng tới sự chuyển biến tư tưởng của Trần Huy Liệu 10
KẾT LUẬN 12
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 13
14 trang |
Chia sẻ: huong.duong | Lượt xem: 1418 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Trần huy liệu và quá trình phân hóa tư tưởng của Việt Nam quốc dân đảng sau khởi nghĩa Yên Bái 1930, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
KHOA LỊCH SỬ
---------------
CHUYÊN ĐỀ
CÁC KHUYNH HƯỚNG TƯ TƯỞNG THỜI CẬN ĐẠI
ĐỀ TÀI: TRẦN HUY LIỆU VÀ QUÁ TRÌNH PHÂN HÓA TƯ TƯỞNG CỦA VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG SAU KHỞI NGHĨA YÊN BÁI 1930
CHƯƠNG 1: QUÁ TRÌNH PHÂN HÓA TƯ TƯỞNG CỦA VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG
1. Vài nét về sự thành lập và quá trình hoạt động của Việt Nam Quốc Dân Đảng
Việt Nam Quốc Dân Đảng là một tổ chức chính trị của giai cấp tư sản được thành lập vào ngày 25 – 12 – 1927, lấy chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn làm tôn chỉ mục đích của Đảng. Quá trình ra đời và hoạt động của tổ chức này có thể chia làm hai thời kỳ: thời kỳ trước và sau năm 1930. Tuy nhiên trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến Việt Nam Quốc Dân Đảng thời kỳ trước năm 1930. Trong quá trình tồn tại của mình, Việt Nam Quốc Dân Đảng đã tổ chức các cuộc bạo động, góp một tiếng nói không nhỏ trong sự nghiệp đấu tranh vì nền độc lập dân tộc. Việt Nam Quốc Dân đảng được coi là tổ chức tiêu biểu nhất cho khuynh hướng chính trị mang tính chất tư sản của tầng lớp tiểu tư sản yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên vào cuối những năm 20 của thế kỷ XX, theo xu thế chung của phong trào cách mạng trên thế giới, bản thân VNQDĐ cũng có những chuyển biến mạnh mẽ.
2. Quá trình phân hóa tư tưởng
Căn nguyên của sự chuyển hóa trước hết nằm ngay trong những hạn chế của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Đó là sự không rõ ràng trong cương lĩnh hành động, quan điểm lỗi thời, nhận thức của đảng viên không thống nhất, tổ chức lỏng lẻo lại phức tạp. Tất cả ngay từ đầu đã báo hiệu trước sự thất bại tất yếu của nó.
Không phải đến sau khởi nghĩa Yên Bái, mới diễn ra sự phân hóa tư tưởng trong nội bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng. Sự phân hóa đó đã tồn tại ngay từ đầu khi tổ chức này được thành lập. Tuy nhiên phải tới sau khởi nghĩa Yên Bái, những mâu thuẫn trong nội bô Việt Nam Quốc Dân Đảng mới bộ lộ rõ nét, bắt đầu từ đây, quá trình phân hóa mới thực sự diễn ra mạnh mẽ và sâu sắc. Sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Bái đã đưa đến sự tan vỡ hoàn toàn của tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng.
Tuy nhiên có một nguyên nhân khách quan nhưng không kém phần quan trọng góp phần làm nên sự thất bại hoàn toàn của Việt Nam Quốc Dân Đảng, đó chính là sự lớn mạnh của phong trào giải phóng dân tộc theo khuynh hướng vô sản. Mà đại diện tiêu biểu nhất thời kỳ này chính là Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Những ưu thế vượt trội của khuynh hướng này khi gặp sự lúng túng trong lý luận cách mạng của Việt Nam Quốc Dân Đảng thì càng có điều kiện lấn át. Và một lẽ tất yếu là những ảnh hưởng của nó sẽ tạo nên một cuộc phân hóa tư tưởng mạnh mẽ giữa những đảng viên Quốc dân đảng.
Những biểu hiện gay gắt nhất của sự chia rẽ trong nôi bộ đảng chính là thông qua các cuộc tranh luận về tư tưởng chính trị và phương pháp cách mạng giữa các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng và những người cộng sản. Về thực chất đây là những hoạt động tuyên truyền nhằm gây ảnh hưởng và thu phục quần chúng của các tổ chức cách mạng này. Quá trình đấu tranh thực sự diễn ra quyết liệt trong các nhà tù đế quốc. Nhằm xuyên tạc chủ nghĩa cộng sản, các anh em Quốc Dân Đảng trong nhà tù Hỏa Lò đã ra tạp chí Bút tiêu sầu, nói chù nghĩa cộng sản là Tam vô (vô tôn giáo, vô gia đình, vô tổ quốc) và tuyên truyền cho chủ nghĩa Tam dân. Đáng chú ý hơn cả là những cuộc bút chiến nảy lửa thiếu chút nữa đã dẫn đến xung đột vũ lực trong nhà tù Hỏa Lò. Không chỉ diễn ra ở Hỏa Lò, mà tại Hòn Cau, những xung đột tương tự cũng diễn ra không kém phần gay gắt. Và kết quả của sự phân hóa này chính là sự tuyên bố ly khai chủ nghĩa Tam dân của 6 thành viên chủ chốt của tổ chức này, bao gồm: Tưởng Dân Bảo, Nguyễn Văn Viên, Hoàng Thúc Dị, Lê Văn Phúc, Nguyễn Phương Thảo và Trần Huy Liệu. Ngược lại với xu hướng tiến bộ trên, một bộ phận khác trong Việt Nam Quốc Dân Đảng vẫn giữ nguyên lập trường dân tộc tư sản và dần dần chuyển sang chủ nghĩa cải lương, đi vào con đường phản cách mạng, có những hành động khủng bố những người cộng sản. Như vậy mặc dù Quốc Dân Đảng Việt Nam đã kết thúc vai trò lịch sử tiến bộ của nó vào năm 1930 khi khởi nghĩa Yên Bái kết thúc, nhưng quá trình phân hóa sau khởi nghĩa của nó vẫn tiếp tục diễn ra trong các nhà tù đế quốc. Và đó là xu thế tất yếu của thời đại – thời đại mà giai cấp tư sản Việt Nam đã không còn đủ khả năng nắm ngọn cờ đấu tranh giải phóng dân tộc, ngọn cờ ấy nay đã đến lúc phải chuyển sang tay giai cấp vô sản.
3. Nguyên nhân dẫn tới sự phân hóa tư tưởng
Nhận thức chính trị của các đảng viên VNQDĐ ngay từ đầu đã không có sự thống nhất. Một điều mà chính những đảng viên của đảng này phải thừa nhận là sự nghèo nàn về lí luận của đảng. Ngay từ khi thành lập đảng đã không thống nhất được Cương lĩnh chính trị cũng như Chương trình hành động của đảng. Do đó dẫn đến sự nhận thức và giải thích có sự khác nhau giữa các cơ sở đảng ở những nơi khác nhau, đặc biệt giữa kỳ bộ Nam Kỳ với Kỳ bộ Bắc Kỳ và Tổng bộ. Trong khi ở Bắc Kỳ, Việt Nam Quốc Dân Đảng thường sử dụng thơ ca yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và tài liệu của trường Đông Kinh Nghĩa Thục… làm tài liệu tham khảo thì tại Nam Kỳ, Trần Huy Liệu và các đồng chí của ông lại mượn tài liệu của Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên làm tài liệu học tập chủ yếu: A.B.C chủ nghĩa cộng sản, Công xã Pari… Do vậy mặc dù vẫn đứng trong hàng ngũ của Việt Nam Quốc Dân Đảng nhưng các đảng viên ở Nam Kỳ cũng đã ít nhiều chịu ảnh hưởng của tư tưởng cộng sản. Điều này được thể hiện rất rõ qua cách giải thích của Trần Huy Liệu về cái mệnh đề gọi là “Trước làm cách mạng quốc gia, sau làm cách mạng thế giới” được đề ra trong Cương lĩnh chính trị của đảng. Trần Huy Liệu đã tiếp cận tư tưởng chính trị của tổ chức Thanh Niên về mối liên hệ biện chứng giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Ngay từ đầu ông và các đồng chí của mình đã có xu hướng quốc tế khi cắt nghĩa: cách mạng thế giới là cứu cánh, cách mạng quốc gia là con đường phải trải qua. Trong khi đó do chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Tam Dân, các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Bắc Kỳ lại hiểu cách mạng thế giới theo quan điểm của Tôn Trung Sơn là giúp đỡ các dân tộc nhỏ yếu làm cách mạng chứ không phải liên hiệp với giai cấp vô sản toàn thế giới.
Một nguyên nhân nữa dẫn tới tình trạng khống thống nhất về mặt chính trị của Việt Nam Quốc Dân Đảng là thành phần xã hôi rất không giống nhau giữa các đảng viên. Do thành phần giai cấp khác nhau, gồm cả tiểu tư sản, tư sản dân tộc, trí thức, địa chủ, binh lính… nên đường lối chính trị của Việt Nam Quốc Dân Đảng được hiểu theo quan điểm riêng của từng giai cấp.
Đặc biệt trong VNQDĐ, bộ phận trí thức tiểu tư sản yêu nước chiếm thành phần chủ yếu, vừa là lực lượng nòng cốt, vừa đóng vai trò lãnh đạo tổ chức đảng. Tính chất “trung gian” khiến cho tầng lớp tiểu tư sản mang trong lòng nó nhiều khả năng chuyển hóa khác nhau. Do không có hệ tư tưởng riêng nên trong phong trào dân tộc tất nhiên nó sẽ hành động hoặc dưới ngọn cờ tư sản hoặc dưới ngọn cờ vô sản. Tương quan giữa tư sản và vô sản sẽ quyết định chiều hướng chuyển hóa của nó. Như vậy chính tính chất “trung gian’ của tầng lớp này cũng là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng phân hóa và chuyển hóa trong tư tưởng chính trị của VNQDĐ.
Nguyên nhân trực tiếp đưa đến sự phân hóa tư tưởng của tổ chức này là cuộc đấu tranh về đường lối chính trị, tư tưởng và lý luận cách mạng giữa các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng và Hội viên của Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên – tổ chức cách mạng theo chủ nghĩa cộng sản tiêu biểu nhất ở Việt Nam lúc bấy giờ. Mặc dù cùng đứng trên trận tuyến là cách mạng dân tộc, tuy nhiên mối quan hệ giữa Việt Nam Quốc Dân Đảng và Hội Việt Nam cách mạng thanh niên còn được hiểu trên một mặt khác, đó là mối quan hệ giữa những tổ chức đại diện cho hai hệ tư tưởng có khuynh hướng phủ định nhau trong phong trào giải phóng dân tộc. Trong mối quan hệ ấy có chứa đựng những cơ sở để thống nhất và chuyển hóa, đó là lập trường dân tộc, nhưng mặt khác không thể dẫn tới sự hòa nhập làm một vì điều này trái với nguyên tắc giai cấp đấu tranh. Chính vì vậy điều tất yếu sẽ dẫn tới một cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa hai khuynh hướng chính trị này, mà đại biểu chính là những đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng và Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.
CHƯƠNG 2: QUÁ TRÌNH CHUYỂN BIẾN TƯ TƯỞNG CỦA TRẦN HUY LIỆU
1. Vai trò của Trần Huy Liệu trong tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng
Trần Huy Liệu ra nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1928 sau khi đảng Thanh niên của ông tan rã. Sau khi ra nhập, ông đã được tổ chức giao nhiệm vụ giữ vai trò là đại biểu của VNQDĐ ở Nam kỳ. Trong quá trình lãnh đạo kỳ bộ Nam kỳ, ông đã có những ảnh hưởng nhất định, giữ vai trò định hướng nhận thức của các đồng chí đảng viên. Dưới sự điều hành của Trần Huy Liệu, các đảng viên VNQDĐ ở Nam kỳ ngay từ đầu đã có phần lìa xa chủ nghĩa Tam dân được coi là tôn chỉ mục đích của đảng. Tuy nhiên Trần Huy Liệu cùng rất nhiều các đồng chí của ông ở Nam Kỳ đã sớm phải lìa xa trường hoạt động sau khi bị bắt vì can tội mưu sát Toàn quyền Pát–xki-ê. Từ đây dánh dấu một chặng đường hoạt động mới của Trần Huy Liệu, nhà tù của bọn đế quốc ở đảo Hòn Cau và Côn Lôn chính là môi trường quan trọng cho những chuyển biến tư tưởng của ông và 5 đồng chí cùng chí hướng với ông.
2. Quá trình chuyển biến tư tưởng của Trần Huy Liệu
Không may mắn giống như các đồng chí khác nhảy vào làm cách mạng đã được gia nhập ngay hàng ngũ của Đảng, để có thể trở thành một đảng viên cộng sản chân chính, Trần Huy Liệu đã phải sống với những mâu thuẫn gay gắt, cái cũ xung đột với cái mới, cái cũ chống lại cái mới một cách bướng bỉnh, dai dẳng và cuối cùng cái mới lấn át cái cũ. Và con đường “phấn đấu trở thành đảng viên cộng sản” của ông thực sự gập ghềnh, khúc khuỷu.
Trước khởi nghĩa Yên Bái, trong tư tưởng của Trần Huy Liệu đã có những nét khác biệt với những đảng viên khác trong tổ chức. Tuy nhiên lúc đó ông chưa có điều kiện để tự mình làm một cuộc cách mạng trong nhận thức cũng như trong hành động. Phải đến thời điểm năm 1930, thất bại của khởi nghĩa Yên Bái có thể nói là một cú hích mạnh mẽ trong quá trình chuyển biến tư tưởng của Trần Huy Liệu. Trần Huy Liệu cũng giống như những anh em tâm huyết của Việt Nam Quốc Dân Đảng vô cùng đau xót trước những tổn thất không thể cứu vãn nổi của đảng, nhưng mặt khác ông cũng sáng suốt nhận ra rằng nếu cứ tiếp tục manh động như thế thì trước sau cũng tự chuốc lấy thất bại mà thôi.
Cuộc đấu tranh tư tưởng của Trần Huy Liệu gắn liền với cuộc đấu tranh gay gắt trong nội bộ những đảng viên VNQDĐ cũng như cuộc đấu tranh giữa VNQDĐ với những người cộng sản trong nhà tù đế quốc.
Sự tiếp xúc với các đồng chí của ông trong các nhà tù đế quốc đã thay đổi hoàn toàn nhận thức của ông về tính thống nhất trong tư tưởng của các đảng viên VNQDĐ. Cũng giống như rất nhiều những đồng chí của mình, Trần Huy Liệu cho rằng đã là người trong một đảng thì tất nhiên tư tưởng và hành động phải thống nhất. Nhưng ngay từ những cuộc tiếp xúc đầu tiên với những anh em được coi là sáng lập, những tay tổ chức đầu tiên, những ủy viên Trung ương hay cán bộ tổ chức các địa phương, Trần Huy Liệu đã nhận thức được một điều rằng: ngay trong nội bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng, sự nhận thức về chủ nghĩa của đảng cũng không nhất quán. Bài báo “Phản đối thuần túy quốc gia chủ nghĩa và phiếm thế giới chủ nghĩa” của Trần Huy Liệu đã trở thành tiêu điểm tranh luận khi đó. Và lẽ tất yếu Trần Huy Liệu trở thành đối tượng công kích của những đảng viên trung thành với chủ nghĩa quốc gia trong VNQDĐ. Cuộc xung đột chỉ thực sự được hòa giải khi những người được coi là có trách nhiệm của tổ chức đã đưa ra các giải thích mang tính bao quát về chủ nghĩa của đảng: trước làm cách mạng dân tộc, sau làm cách mạng thế giới có nghĩa là trừ bỏ những áp bức về chính trị, kinh tế xã hội (cách mạng) để mưu cầu hạnh phúc cho người Việt Nam (cách mạng dân tộc) và người thế giới (cách mạng thế giới).
Cuộc xung đột giữa những người cộng sản và những đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng: Trần Huy Liệu là người hơn ai hết nhận thức được sự đối lập tư tưởng của hai tổ chức này cũng như những bất lợi của tổ chức của mình khi phải đối đầu với những người cộng sản. Ngay từ đầu ông đã nhận thức được rằng nếu như những người cộng sản khi vào tù đã nghĩ ngay tới việc biến nhà tù thành trường học cách mạng thì người Quốc Dân Đảng lúc ấy chỉ nghĩ tới manh động. Trong những bài hồi ký của mình, Trần Huy Liệu đã có dịp ghi lại tỉ mỉ những biểu hiện của sự chia rẽ giữa Việt Nam Quốc Dân Đảng và Cộng sản. Trong số hàng nghìn hàng vạn người thuộc các tổ chức chính trị sau khi bị bắt vào tù, được tham gia các lớp huấn luyện, tư tưởng của mỗi người sẽ có sự chuyển biến, hoặc nhanh chóng, hoặc dần dần tùy theo thành phần giai cấp và đời sống thực tiễn của họ. Hiện tượng này không phải của riêng một đảng nào nhưng với Việt Nam Quốc Dân Đảng do thành phần phức tạp của nó và cũng do đường lối chính trị không nhất quán nên khi đụng độ với tư tưởng của những người cộng sản thì phân hóa càng nhanh.
Tư tưởng mâu thuẫn của Trần Huy Liệu: thời kỳ ở đảo Hòn Cau được coi là thời kỳ chứa đầy những mâu thuẫn trong tư tưởng của ông. Mặc dù không thể chung sống với “phái hữu” của Việt Nam Quốc Dân Đảng, nhưng mặt khác ông vẫn chưa phải là một đảng viên cộng sản. Đó là về tư tưởng, còn tình cảm, ông chưa thể một lúc đoạn tuyệt ngay được với tổ chức cũ. Mặc dù sinh trưởng trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng ông lại chịu ảnh hưởng nhiều của ý thức hệ phong kiến do truyền thống giáo dục của gia đình. Cái tư tưởng “gái trinh không lấy hai chồng” đã ăn sâu trong tư tưởng của ông, níu kéo ông ở lại với Việt Nam Quốc Dân Đảng. Trên hết là những trăn trở về nghĩa vụ của những người còn sống với những người vì lý tưởng của đảng mà hi sinh. Những người may mắn còn sống như ông phải có trách nhiệm làm cho Việt Nam Quốc Dân Đảng mãi mãi trường tồn.
Điều quan trọng lúc này là bản thân Trần Huy Liệu cũng chưa có điều kiện để hiểu hết bản chất của chủ nghĩa cộng sản và những người cộng sản ở ngay cạnh ông. Điều này được thể hiện rõ trên các mặt sau:
Thứ nhất lúc đầu khi đứng trước hai dòng nước phải lựa chọn, ông không có ý định nghiêng hẳn về chủ nghĩa Mác – Lênin mà có ý định vận động một số đồng chí cùng chí hướng, thoát ra khỏi nhà tù, cải tổ Việt Nam Quốc Dân Đảng, đề xướng ra một chủ nghĩa khác, khác với đường lối của Việt Nam Quốc Dân Đảng nhưng cũng không giống với chủ nghĩa cộng sản.
Thứ hai: Mặc dù tiếp xúc ít nhiều với chủ nghĩa cộng sản nhưng cần nhận thấy một thực tế là bản thân Trần Huy Liệu và những người cùng chí hướng với ông không phải đã thực sự hiểu thế nào là chủ nghĩa cộng sản. Nói rõ hơn ông hiểu chủ nghĩa cộng sản không phải trên lập trường giai cấp mà chỉ là sự say mê lý tưởng tốt đẹp của nó mà thôi. Ông vẫn chưa biết kết hợp chủ nghĩa ái quốc chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản, lại vẫn chưa phân biệt được chủ nghĩa quốc gia chống chủ nghĩa đế quốc ở một xứ thuộc địa với chủ nghĩa quốc gia của bọn tư sản cá mập. Ngoài ra ông cũng không biết gì về công tác mặt trận tức là phải đoàn kết những phần tử tiến bộ để chống lại kẻ thù chung là thực dân và đặc biệt ở trong tù là chống chế độ hà khắc và bảo vệ quyền lợi của những người bị áp bức.
Thứ ba: Lập trường không rõ ràng là một điều dễ dàng nhận thấy trong tư tưởng của Trần Huy Liệu thời kỳ này. Một mặt ra sức tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản nhưng vẫn viết bài bài xích những người cộng sản ở ngay bên cạnh. Mặt khác chống chủ nghĩa quốc gia nhưng không nỡ lìa bỏ VNQDĐ, tuyên bố dứt khoát li khai khỏi chủ nghĩa Tam dân nhưng vẫn đứng trong hàng ngũ VNQDĐ.
Kết quả của quá trình giác ngộ: sau 4 năm trăn trở giữa hai con đường cách mạng, cuối cùng Trần Huy Liệu cũng sáng suốt lựa chọn được cho mình một con đường – đó là con đường đi theo chủ nghĩa cộng sản, đứng trên lập trường của giai cấp công nhân để tranh đấu cho quyền lợi của toàn thể nhân dân lao khổ. Cuối năm 1934, trước ngày mãn hạn tù, ông đã trang trải những trăn trở của mình trong một cuốn sách nhỏ nhưng rất nổi tiếng “Tự phê bình”. Trong quyển sách này, ông đã nghiêm túc tự kiểm điểm, trình bày những quan điểm, hành động của bản thân và của VNQDĐ, kèm theo đó là một chương phê bình chủ nghĩa Tam dân. Chuyến tàu chở ông về với đất liền vào một ngày cuối tháng 10 – 1934 không chỉ là con tàu đưa ông về với trường hoạt động cách mạng rộng lớn mà hơn thế còn là con tàu đưa ông đến với chủ nghĩa cộng sản, với con đường cứu nước chân chính. Tất cả những cảm xúc của Trần Huy Liệu lúc này có thể nhìn thấy trong câu văn cuối cùng khép lại con đường “Phấn đấu trở nên một đảng viên cộng sản” của ông: “Dưới ngọn cờ búa liềm, tôi phải chạy mau, phải nhanh chân lên vì thấy mình đã chậm chân mất rồi”.
3. Những nhân tố ảnh hưởng tới sự chuyển biến tư tưởng của Trần Huy Liệu
Bản thân Trần Huy Liệu sinh trưởng trong một gia đình nghèo, rất nghèo nên ông sẵn sàng đứng vào hàng ngũ những người lao khổ. Ngay trong bản thân gia đình ông, dưới ảnh hưởng của người cha, hai anh em Trần Huy Liệu một mặt vẫn vùi đầu vào lối học khoa cử nhưng mặt khác, vẫn hòa nhịp vào trào lưu tiến bộ ở bên ngoài. Ngay từ nhỏ, Trần Huy Liệu đã được tiếp xúc với những tư tưởng yêu nước lớn: từ Trung Quốc dội vào là tư tưởng của Lương Khải Siêu, trong nước ông cũng ít nhiều được tiếp xúc với tư tưởng yêu nước của Phan Bội Châu. Chính từ đây đã hình thành trong ông những khái niệm ban đầu thế nào là cách mạng.
Ngay từ khi bước vào hoạt động cách mạng đã chịu ảnh hưởng của tư tưởng cộng sản. Lãnh đạo đảng bộ Nam kỳ: Trong thời kỳ làm đại biểu cho đảng bộ VNQDĐ ở Nam kỳ ông vẫn gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm cách mạng với Hải Triều, mượn Hải Triều những tài liệu của Đảng Tân việt để tham khảo như: Chủ nghĩa cộng sản ABC, Công xã Pari… Điều quan trọng đây chính là những tài liệu tuyên truyền của VNQDĐ ở Nam kỳ. Điều này hoàn toàn đối lập với cách giải thích cương lĩnh của đảng ở Bắc kỳ. Chính bước khởi động ban đầu này là một yếu tố quan trọng tạo nên sự chuyển biến tư tưởng nhanh chóng và kịp thời của Trần Huy Liệu và một số đồng chí cùng chí hướng với ông. Ngay từ khi mới gia nhập VNQDĐ ông đã bắt đầu phai nhạt tư tưởng “vị chủng sung quốc” rồi. Điều này thể hiện rất rõ trong cách hiểu của ông về tinh thần của bản Chương chình hành động của VNQDĐ: “trước làm cách mạng dân tộc sau làm cách mạng thế giới”. Không độc tôn vị trí của cách mạng dân tộc, Trần Huy Liệu nhận thấy cách mạng thế giới phải là giai đoạn cuối cùng, cách mạng dân tộc là bước đường trải qua. Chính Trần Huy Liệu là người đã viết những câu bất hủ: “Lúc này nếu ai chỉ nói cách mạng quốc gia thì không khỏi chật hẹp cũng như ai chỉ nói cách mạng thế giới thì không khỏi vu khoát”.
Tinh thần tự học bền bỉ trong nhà tù đế quốc: Ngoài việc tham gia các lớp huấn luyện cách mạng, văn hóa có tổ chức, Trần Huy Liệu cũng tự mình kiên trì học chữ Pháp. Chính tinh thần tự học, tự rèn luyện đã giúp ông ngày càng có những nhận thức đầy đủ hơn về chủ nghĩa cộng sản. Các tài liệu cách mạng đã giúp ông lý giải được mối quan hệ giữa chủ nghĩa với tổ chức. Tổ chức đảng là một phương tiện để tiến hành cách mạng. Để đạt được mục đích đó, người cách mạng cần chủ động linh hoạt trong việc áp dụng các phương tiện tiến hành cách mạng, tùy theo tình hình, không thể khư khư ôm lấy một phương tiện nào một khi thấy nó hoàn toàn bất lực. Một người làm cách mạng điều trước tiên là phải trung thành với lý tưởng của đảng và tổ chức mà mình hoạt động trong đó, nhưng một khi đảng xa rời lý tưởng cách mạng thì người làm cách mạng phải có lập trường rõ ràng để chọn cho mình một con đường đúng đắn. Mặc dù lập luận của Trần Huy Liệu khi đó chưa hoàn toàn đầy đủ, chưa nhận thức được vấn đề mấu chốt của Việt Nam Quốc Dân Đảng khi đó chính là tính chất giai cấp của nó, nhưng những nhận thức ban đầu này đã giúp ông giải tỏa được phần nào những băn khoăn về chủ nghĩa cộng sản. Chính từ đây, tư tưởng của Trần Huy Liệu mới được giải quyết một cách dứt khoát.
KẾT LUẬN
Là một trong ba tổ chức cách mạng tiêu biểu ở Việt Nam vào những năm 20, Việt Nam Quốc Dân Đảng có vai trò nhất định trong việc thúc đẩy sự phát triển và chuyển hóa của phong trào giải phóng dân tộc. Có một điều cần phải làm rõ là tại sao cho tới tận cuối năm 1927, tức là khi các khuynh hướng xã hội chủ nghĩa đã phát triển và có ảnh hưởng khá rộng ở trong nước thì một bộ phận những người yêu nước (Trần Huy Liệu, Nguyễn Thái Học,…) vẫn tiếp tục đứng ra ngoài vòng ảnh hưởng đó để đi đến thành lập một tổ chức có tính chất tư sản? Mặc dù là những trí thức tiểu tư sản nhiệt thành yêu nước, nhưng họ cũng là những người chậm nhận thức được sự thay đổi của thời đại. Những ảnh hưởng của tư tưởng Tam dân của Tôn Trung Sơn đã thấm vào da thịt, cho nên khi khởi nghĩa Yên Bái thất bại, các đảng viên của tổ chức này vẫn chưa thức tỉnh. Những người may mắn còn sống sau khởi nghĩa Yên Bái vẫn ôm trong lòng tư tưởng bạo động chủ nghĩa, chờ cơ hội để manh động. Đó chính là một sai lầm mà sau này những người Việt Nam Quốc Dân Đảng đã phải trả một cái giá rất đắt.
Nếu như Phó Đức Chính, Nguyễn Thái Học… là những người có công sáng lập Việt Nam Quốc Dân Đảng thì người ta nhắc nhiều tới Trần Huy Liệu với tư cách là người đi tiên phong cho quá trình chuyển biến tư tưởng của tổ chức này. Có thể nói, cùng các đồng chí của mình thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng khi ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản đã rộng khắp là một sai lầm của Trần Huy Liệu. Nhưng rất may ông đã kịp nhận ra những biến đổi của thời đại, không tự trói buộc mình vào những lý thuyết đã lạc hậu. Sự thức thời đó đã giúp Trần Huy Liệu tránh được bi kịch của thời đại và đưa ông đến được với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Nguyễn Văn Khánh, Việt Nam Quốc Dân Đảng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, NXb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005.
Trần Huy Liệu, Hồi ký Trần Huy Liệu.
Nguyễn Văn Khánh, Việt Nam Quốc Dân Đảng với phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam trước năm 1930, Đại học khoa học xã hội nhân văn, 2004.
Trần Huy Liệu, Văn Tạo, Cách mạng cận đại Việt Nam, Tạp chí Văn sử địa, 1958.
MỤC LỤC
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- BLS1092.doc