MỞ ĐẦU 1
Phần I. Đặc điểm của một bản hợp đồng kinh tế 1
PHẦN I: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ HỢP ĐỒNG KINH TẾ 2
1. Khái niệm hợp đồng kinh tế 2
2. Chủ thể của hợp đồng kinh tế 2
3. Phân loại hợp đồng kinh tế 5
4. Vai trò của hợp đồng kinh tế 8
PHẦN II: ĐẶC ĐIỂM VÀ NỘI DUNG CỦA HỢP ĐỒNG KINH TẾ 11
1. Đặc điểm của một hợp đồng kinh tế 11
2. Nội dung của hợp đồng kinh tế 12
Phần III: TRÌNH BẦY MỘT BẢN HỢP ĐỒNG CỤ THỂ 15
KẾT LUẬN 18
TÀI LIỆU THAM KHẢO 19
20 trang |
Chia sẻ: huong.duong | Lượt xem: 1474 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Trình bày đặc điểm một bản hợp đồng kinh tế và chứng minh những đặc điểm đó qua một bản hợp đồng cụ thể, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU
Ở nước ta hiện nay, nền kinh tế còn tồn tại nhiều thành phần, phát triển bình đẳng, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch của mình, các đơn vị kinh tế thuộc mọi thành phần kinh tế đều phải dựa vào các quan hệ hợp đồng kinh tế. Hợp đồng kinh tế chính là quan hệ trao đổi hàng hóa, dịch vụ hợp pháp tất yếu mà tất cả các đơn vị kinh tế thuộc mọi thành phần kinh tế đều phải thực hiện.
Để thực hiện chức năng kinh tế của mình, Nhà nước ta luôn luôn chú ý đến việc điều chỉnh pháp lý các hoạt động kinh tế của các đơn vị kinh tế, trong đó việc điều chỉnh các quan hệ hợp đồng kinh tế là một nội dung hết sức quan trọng.
Với công cuộc đổi mới nền kinh tế như hiện nay cũng như đổi mới pháp luật về hợp đồng kinh tế, em đã chọn đề tài: "Trình bày đặc điểm một bản hợp đồng kinh tế và chứng minh những đặc điểm đó qua một bản hợp đồng cụ thể ".
Ngoài phần mở đầu và kết luận, bài tiểu luận của em gồm 2 phần chính sau:
Phần I. Đặc điểm của một bản hợp đồng kinh tế
Phần II. Trình bày một bản hợp đồng cụ thể mà em biết.
Tuy đã có nhiều cố gắng trong quá trình nghiên cứu nhưng đây là một đề tài khó, đòi hỏi người nghiên cứu phải có trình độ hiểu biết rộng về mọi lĩnh vực liên quan đến hợp đồng kinh tế. Với trình độ còn hạn hẹp của một sinh viên, chắc chắn bài tiểu luận của em sẽ còn nhiều thiết sót, em kính mong các thầy cô giáo và các bạn sẽ bổ sung thêm ý kiến để bài tiểu luận của em được hoàn thành tốt hơn.
Em xin chân thành cảm ơn!
PHẦN I: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ HỢP ĐỒNG KINH TẾ
1. Khái niệm hợp đồng kinh tế
Trong khoa học pháp lý, kết hợp hợp đồng kinh tế được hiểu theo hai nghĩa:
Theo nghĩa khách quan, hợp đồng kinh tế là tổng hợp những quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ hợp đồng kinh tế giữa các đơn vị kinh tế (còn gọi là chế độ pháp lý về hợp đồng kinh tế hay pháp luật về hợp đồng kinh tế).
Là một chế định đặc thù của pháp luật về kinh doanh, chế độ hợp đồng kinh tế qui định: Các nguyên tắc ký kết hợp đồng kinh tế, điều kiện chủ thể hợp đồng kinh tế, thủ tục và trình tự ký kết hợp đồng kinh tế, các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng kinh tế, các nguyên tắc và nội dung thực hiện hợp đồng kinh tế, các điều kiện và giải quyết hậu quả của việc thay đổi, hủy bỏ, đình chỉ hợp đồng kinh tế, trách nhiệm do vi phạm hợp đồng kinh tế v.v..
Theo nghĩa chủ quan, hợp đồng kinh tế là sự thỏa thuận bằng văn bản, tài liệu giao dịch giữa các bên ký kết về việc thực hiện công việc sản xuất, trao đổi hàng hóa, dịch vụ, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và các thỏa thuận khác có mục đích kéo dài với sự qui định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên để xây dựng và thực hiện kế hoạch của mình (Điều 1 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế ngày 25/09/1989).
2. Chủ thể của hợp đồng kinh tế
Chủ thể của hợp đồng kinh tế là các bên tham gia quan hệ hợp đồng kinh tế hoàn toàn bình đẳng, tự nguyện thỏa thuận để xác lập và thực hiện những quyền và nghĩa vụ đối với nhau.
Theo Điều 2 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, hợp đồng kinh tế được ký kết giữa các bên sau đây:
a- Pháp nhân với pháp nhân
b- Pháp nhân với cá nhân có đăng ký kinh doanh theo qui định của pháp luật
Như vậy, chủ thể của hợp đồng kinh tế ít nhất một bên phải là đơn vị có tư cách pháp nhân, còn bên kia có thể là pháp nhân hoặc cá nhân có đăng ký kinh doanh.
Pháp nhân là một tổ chức có đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Có tài sản riêng và chịu trách nhiệm một cách độc lập bằng các tài sản đó;
- Tự nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật, có thể trở thành nguyên đơn, bị đơn trước tòa án;
- Tồn tại độc lập và được pháp luật công nhận là một tổ chức độc lập.
Cá nhân có đăng ký kinh doanh theo qui định của pháp luật là người đã đăng ký kinh doanh tại cơ quan nhà nước chính sách thẩm quyền theo đúng thủ tục pháp luật qui định và đã được cấp giấy phép kinh doanh (giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh).
Ngoài ra, theo các qui định tại Điều 42,43, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, những người làm công tác khoa học, kỹ thuật, nghệ nhân, hộ kinh tế gia đình, hộ nông dân, ngư dân cá thể, tổ chức và cá nhân nước ngoài tại Việt Nam khi ký kết hợp đồng với một pháp nhân Việt Nam cũng được áp dụng các qui định của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế.
Về chủ thể của hợp đồng kinh tế, trong khoa học pháp lý hiện có quan điểm cho rằng, hợp đồng kinh tế là những hợp đồng có mục đích kinh doanh, vì vậy, nó phải được thiết lập giữa các chủ thể kinh doanh - chủ yếu là giữa các doanh nghiệp với nhau.
Khi tiến hành ký kết hợp đồng kinh tế, mỗi bên tham gia quan hệ hợp đồng chỉ cần cử một đại diện để ký vào hợp đồng kinh tế. Nếu là pháp nhân thì người ký hợp đồng phải là người được bổ nhiệm hoặc được bầu vào chức vụ đứng đầu của pháp nhân và hiện đang giữ chức vụ đó. Nếu là cá nhân có đăng ký kinh doanh theo qui định của pháp luật thì người ký hợp đồng phải là người đứng tên trong giấy phép kinh doanh (đã đăng ký kinh doanh theo đúng qui định của pháp luật và được cấp giấy phép kinh doanh).
Trong trường hợp một bên là người làm công tác khoa học, kỹ thuật, nghệ nhân thì người ký hợp đồng kinh tế phải là người trực tiếp thực hiện công việc trong hợp đồng (nếu có nhiều người cùng làm thì người ký vào bản hợp đồng kinh tế phải do những người làm cùng làm cử bằng văn bản có chữ ký của tất cả những người đó, văn bản này phải kèm theo hợp đồng kinh tế).
Khi một bên là hộ kinh tế gia đình nông dân, ngư dân cá thể thì đại diện ký hợp đồng kinh tế phải là chủ hộ. Khi một bên là tổ chức nước ngoài tại Việt Nam thì đại diện tổ chức đó phải được ủy nhiệm bằng văn bản, nếu là cá nhân nước ngoài ở Việt Nam thì bản thân họ phải là người ký kết các hợp đồng kinh tế.
Đại diện ký kết hợp đồng kinh tế như trên cũng chính là đại diện đương nhiên trong quá trình thực hiện hợp đồng kinh tế và trong tố tụng trước cơ quan tài phán.
Tuy nhiên, người đại diện đương nhiên của các chủ thể hợp đồng kinh tế có thể ủy quyền cho người khác thay mình ký kết, thực hiện hợp đồng kinh tế. Việc ủy quyền có thể theo vụ việc hoặc thường xuyên nhưng phải được thể hiện dưới hình thức bằng văn bản. Việc ủy quyền thường xuyên có thể áp dụng trong trường hợp người đại diện đương nhiên ủy quyền cho cấp phó của mình (hoặc cho người đứng đầu chi nhánh trực thuộc, có tư cách pháp nhân không đầy đủ) theo kỳ hạn cần ủy quyền. Văn bản ủy quyền phải ghi rõ họ, tên, chức vụ của người ủy quyền, người được ủy quyền, số giấy chứng minh thư của người được ủy quyền; tính chất và nội dung ủy quyền, thời hạn ủy quyền và phải có chữ ký xác nhận của cả hai người này. Người được ủy quyền chỉ được phép hành động trong phạm vi được ủy quyền và không được ủy quyền lại cho người khác. Trong phạm vi ủy quyền, người ủy quyền phải chịu trách nhiệm về hành vi của người được ủy quyền như hành vi của chính mình.
Quy định trên đây có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc vì nó vừa giúp cho các đơn vị kinh tế có thể linh hoạt trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế lại vừa ràng buộc trách nhiệm theo nguyên tắc "chịu trách nhiệm cá nhân" đối với người đứng đầu các đơn vị kinh tế.
3. Phân loại hợp đồng kinh tế
Hợp đồng kinh tế được chia thành nhiều loại khác nhau, dựa trên những căn cứ khác nhau như sau:
a) Căn cứ vào tính chất hàng hóa - tiền tệ của mối quan hệ kinh tế, hợp đồng kinh tế được chia làm hai loại, đó là:
* Hợp đồng kinh tế mang tính chất đền bù: Là loại hợp đồng mà theo đó quyền và nghĩa vụ của các bên tương xứng với nhau trong trao đổi hàng hóa, thực hiện dịch vụ và thanh toán. Bản chất của quan hệ hàng hóa - tiền tệ là quan hệ ngang giá, vì vậy, trong loại hợp đồng này tính chất cân đối về quyền và nghĩa vụ của các bên luôn được thể hiện. Loại hợp đồng này phản ánh trực tiếp mối quan hệ hàng hóa - tiền tệ và thường xuyên được sử dụng trong các lĩnh vực mua bán vật tư, tiêu thụ sản phẩm, nghiên cứu khoa học, vận chuyển hàng hóa, xây dựng cơ bản và các lĩnh vực kinh doanh khác.
* Hợp đồng kinh tế mang tính tổ chức: Là loại hợp đồng mà theo đó, trên cơ sở sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các chủ thể kinh tế thỏa thuận thành lập ra một tổ chức kinh tế mới để thực hiện mục đích chung của họ. Tổ chức kinh tế mới này chỉ hoạt động trong phạm vi thỏa thuận giữa các chủ thể.
Hợp đồng kinh tế mang tính tổ chức không phản ánh trực tiếp mối quan hệ hàng hóa - tiền tệ, nó được ký kết nhằm thực hiện các mục tiêu của liên kết kinh tế. Với tính chất tổ chức của nó, loại hợp đồng này không chỉ có hai bên chủ thể mà có nhiều chủ thể cùng tham gia. Các chủ thể này không có sự phân biệt về quan hệ sở hữu và quan hệ quản lý.
Mục tiêu của liên kết kinh tế là tạo ra mối quan hệ kinh tế ổn định. Thông qua các hợp đồng kinh tế hoặc các qui chế hoạt động của từng tổ chức liên kết, các bên ký kết tiến hành phân công sản xuất, chuyên môn hóa và hợp tác hóa nhằm khai thác tốt tiềm năng của từng đơn vị liên kết, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế hoặc tạo ra thị trường chung nhằm bảo vệ lợi ích của nhau, tạo cho nhau có khoản thu nhập cao nhất, đồng thời tăng thu cho ngân sách nhà nước.
b) Căn cứ vào thời hạn thực hiện, hợp đồng kinh tế được chia làm hai loại:
* Hợp đồng kinh tế dài hạn: Là những hợp đồng kinh tế có thời hạn thực hiện trên một năm. Những hợp đồng này không chỉ liên quan đến kế hoạch của một năm mà có thể liên quan đến kế hoạch của nhiều năm.
* Hợp đồng kinh tế ngắn hạn: Là những hợp đồng kinh tế có thời hạn thực hiện từ một năm trở xuống. Một hợp đồng kinh tế dài hạn có thể được cụ thể bằng nhiều hợp đồng kinh tế ngắn hạn (năm, quý, tháng hoặc một số ngày nhất định) nhằm thực hiện từng phần kế hoạch của các đơn vị kinh tế.
Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, để đảm bảo tính ổn định trong quan hệ với bạn hàng, việc ký kết các hợp đồng kinh tế dài hạn là đòi hỏi đặt ra đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự biến động của giá cả và các điều kiện kinh doanh khác cũng buộc các doanh nghiệp phải chú ý đúng mức đến việc xác lập các hợp đồng kinh tế ngắn hạn.
c) Căn cứ vào tính kế hoạch của hợp đồng kinh tế, hợp đồng kinh tế được chia thành hai loại, đó là:
* Hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh: Là loại hợp đồng kinh tế được ký kết theo những chỉ tiêu pháp lệnh được Nhà nước giao. Ký kết và thực hiện các hợp đồng kinh tế loại này là nghĩa vụ của các đơn vị kinh tế đối với nhau và đối với nhà nước. Ký kết hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh là kỷ luật nhà nước. Loại hợp đồng kinh tế này mang tính kế hoạch rất cao. Do tính kế hoạch cao nên tính chất tự nguyện của các chủ thể trong loại hợp đồng này có phần bị hạn chế. Trong cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung, các hợp đồng kinh tế đều được ký kết theo chỉ tiêu pháp lệnh, vì vậy, quyền tự chủ của các đơn vị kinh tế không được phát huy. Trong cơ chế kinh tế thị trường hiện nay, nguyên tắc tự do bình đẳng, tự nguyện của các chủ thể trong quan hệ kinh tế rất được coi trọng. Số lượng các hợp đồng theo chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh có xu hướng ngày càng giảm.
* Hợp đồng kinh tế không theo chỉ tiêu pháp lệnh: Là loại hợp đồng kinh tế được ký kết theo nguyên tắc tự nguyện giữa các chủ thể. Việc ký kết và thực hiện loại hợp đồng này là quyền tự do ý chí của các đơn vị kinh tế, không một tổ chức, cá nhân hay cơ quan nào được áp đặt ý chí của mình đối với các chủ thể hợp đồng. Việc ký kết loại hợp đồng này không phải căn cứ vào các chỉ tiêu pháp lệnh nhưng nó vẫn là cơ sở để xây dựng kế hoạch và là công cụ để thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mỗi đơn vị kinh tế, vì vậy nó vẫn mang tính kế hoạch nhưng ở tầm vĩ mô.
d) Căn cứ vào nội dung cụ thể của mối quan hệ kinh tế, hợp đồng kinh tế bao gồm rất nhiều loại khác:
- Hợp đồng mua bán hàng hóa ;
- Hợp đồng liên doanh liên kết ;
- Hợp đồng vận chuyển (vận tải) ;
- Hợp đồng xây dựng cơ bản ;
- Hợp đồng nghiên cứu khoa học, triển khai kỹ thuật ;
- Các hợp đồng sản xuất và dịch vụ khác ...
4. Vai trò của hợp đồng kinh tế
Với tính chất là một chế định pháp luật, chế độ hợp đồng kinh tế có vai trò hết sức quan trọng trong quản lý nền kinh tế quốc dân, là công cụ pháp lý quan trọng của nhà nước trong xây dựng và phát triển nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Hợp đồng kinh tế góp phần quan trọng trong kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân, củng cố chế độ hạch toán kinh tế, tăng cường quản lý kinh tế, làm cho lợi ích của các đơn vị kinh tế phù hợp với lợi ích chung của nền kinh tế quốc dân, gắn liền công tác quản lý của nhà nước với sự tự chịu trách nhiệm của các đơn vị kinh tế. Hợp đồng kinh tế xác lập và gắn chặt mối quan hệ hợp tác giữa các đơn vị kinh tế, tạo nên sự bình đẳng về mặt pháp lý giữa các thành phần kinh tế, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên ký kết, giúp đỡ các bên xây dựng kế hoạch một cách vững chắc, thực hiện thắng lợi kế hoạch của nhà nước va đơn vị mình với hiệu quả kinh tế cao nhất.
Với tính chất là một quan hệ kinh tế trong kinh doanh, hợp đồng kinh tế có vai trò cực kỳ quan trọng, không thể thiếu được đối với các chủ thể kinh doanh:
* Hợp đồng kinh tế là cơ sở để xây dựng và thực hiện kế hoạch của mỗi đơn vị kinh tế, là cầu nối giữa kế hoạch sản xuất kinh doanh với quan hệ thị trường.
Thông qua việc ký kết các hợp đồng kinh tế, các chủ thể kinh doanh xác lập được căn cứ để xây dựng kế hoạch của mình. Kế hoạch ấy chỉ trở thành phương án hiện thực khi nó được bảo đảm bằng những cam kết hợp đồng. Ngược lại, hợp đồng kinh tế cụ thể hóa, chi tiết hóa nội dung kế hoạch sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh tế, các chỉ tiêu pháp lệnh của nhà nước thành những quyền và nghĩa vụ cụ thể đó chính là việc thực hiện từng phần kế hoạch. Mặt khác, hợp đồng kinh tế với nội dung là quan hệ hàng hóa - tiền tệ luôn luôn phản ánh mối quan hệ thị trường, nó làm cho thị trường vừa là căn cứ, vừa là đối tượng của kế hoạch.
* Hợp đồng kinh tế góp phần quan trọng vào việc củng cố công tác hạch toán kinh tế.
Hạch toán kinh tế là phương pháp kinh doanh dựa trên cơ sở dùng tiền tệ làm thước đo những hao phí và kết quả hoạt động kinh tế, lấy thu bù chi và đảm bảo sản xuất có lãi, dựa trên sự khuyến khích vật chất và chịu trách nhiệm vật chất.
Hạch toán kinh tế phải lấy quan hệ hàng hóa - tiền tệ làm tiền đề, bởi vì trong quan hệ đó tiền tệ phản ánh giá trị của hàng hóa, tức là lượng lao động đã kết tinh trong hàng hóa và được thể hiện thông qua giá cả của hàng hóa đó. Thông qua giá cả của hàng hóa mà đánh giá được kết quả của lao động, tính toán được những chi phí bỏ ra và kết quả thu về trong hoạt động kinh tế. Xuất phát từ lợi ích kinh tế, các đơn vị tiến hành xác lập với nhau những quan hệ hợp đồng kinh tế mà nội dung của nó chính là các quan hệ hàng hóa - tiền tệ làm cơ sở cho hạch toán kinh tế.
Thông qua việc ký kết và thực hiện các hợp đồng kinh tế, các tổ chức kinh tế thực hiện quyền chủ động sản xuất kinh doanh của mình. Quyền chủ động đó biểu hiện sự độc lập về tài sản và nghiệp vụ của chúng, một trong những nguyên tắc quan trọng và là điều kiện để hạch toán kinh tế.
Thông qua chế độ trách nhiệm vật chất, hợp đồng kinh tế củng cố nguyên tắc khuyến khích vật chất và chịu trách nhiệm vật chất trong hạch toán kinh tế. Việc áp dụng các hình thức trách nhiệm vật chất bao gồm phạt hợp đồng và bồi thường thiệt hại sẽ làm giảm lợi ích hạch toán của bên vi phạm hợp đồng, đồng thời khôi phục lợi ích hạch toán cho bên bị vi phạm. Việc áp dụng các hình thức thưởng, phạt trong quan hệ hợp đồng sẽ nâng cao được tinh thần trách nhiệm, phát huy tính chủ động sáng tạo của các đơn vị kinh tế trong sản xuất kinh doanh, đồng thời bảo đảm tuân thủ pháp luật về quản lý kinh tế của nhà nước.
Tóm lại, nghiên cứu vai trò của hợp đồng kinh tế, chúng ta có thể khẳng định rằng hợp đồng kinh tế có vai trò vô cùng quan trọng trong đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, đổi mới kế hoạch hóa, đảm bảo quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh tế, củng cố chế độ hạch toán kinh tế, tăng cường quản lý kinh tế, quản lý thị trường...
PHẦN II: ĐẶC ĐIỂM VÀ NỘI DUNG CỦA HỢP ĐỒNG KINH TẾ
1. Đặc điểm của một hợp đồng kinh tế
Qua định nghĩa ta thấy, thực chất hợp đồng kinh tế là mối quan hệ kinh tế giữa các chủ thể ký kết, đó là mối quan hệ ý chí được xác lập một cách tự nguyện, bình đẳng thông qua hình thức bằng văn bản. Nhưng, khác hẳn với hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế có những đặc điểm riêng sau đây:
a) Về nội dung, hợp đồng kinh tế được ký kết nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh. Đó là nội dung thực hiện các công việc sản xuất, trao đổi hàng hóa, dịch vụ, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật và thỏa thuận khác do các chủ thể tiến hành trong một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình tái sản xuất, từ khi đầu tư vốn đến khi tiêu thụ sản phẩm hoặc hoàn thành dịch vụ nhằm sinh lợi hợp pháp. Kinh doanh là chức năng, nhiệm vụ, là mục tiêu của các đơn vị kinh tế. Vì vậy, mục đích kinh doanh luôn được thể hiện hàng đầu trong các hợp đồng mà các chủ thể kinh doanh ký kết, nhằm xây dựng và thực hiện kế hoạch của mình.
b) Về chủ thể của hợp đồng, theo Điều 2 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế thì hợp đồng kinh tế được ký kết giữa pháp nhân với pháp nhân, hay pháp nhân với cá nhân có đăng ký kinh doanh theo qui định của pháp luật. Như vậy, trong mối quan hệ hợp đồng kinh tế, ít nhất phải có một bên là pháp nhân, còn phía bên kia có thể là pháp nhân, cũng có thể là cá nhân có đăng ký kinh doanh theo qui định của pháp luật và phải ký kết trong phạm vi nghề nghiệp kinh doanh đã đăng ký. Ngoài ra, pháp lệnh còn qui định những người làm công tác khoa học kỹ thuật, nghệ nhân, hộ kinh tế gia đình, hộ nông dân, ngư dân cá thể, các tổ chức và cá nhân nước ngoài ở Việt Nam cũng có thể trở thành chủ thể của hợp đồng kinh tế khi họ ký kết hợp đồng với một pháp nhân.
Trên thực tế hiện nay và xu hướng trong nền kinh tế thị trường, chủ thể chủ yếu của hợp đồng kinh tế là các doanh nghiệp.
c) Về hình thức, hợp đồng kinh tế phải được ký kết bằng văn bản. Đó là bản hợp đồng hay các tài liệu giao dịch mang tính văn bản có chữ ký của các bên xác nhận nội dung trao đổi, thỏa thuận như công văn, đơn chào hàng, đơn đặt hàng, giấy chấp nhận v.v..
Ký kết hợp đồng kinh tế bằng văn bản là một qui định bắt buộc mà các chủ thể của hợp đồng hợp đồng phải tuân theo. Văn bản này là sự ghi nhận rõ ràng về quyền và nghĩa vụ mà các bên đã thỏa thuận với nhau, là cơ sở pháp lý để các bên tiến hành thực hiện các điều đã cam kết, để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra tính hợp pháp của mỗi quan hệ kinh tế và giải quyết các tranh chấp, xử lý các vi phạm nếu có.
d) Hợp đồng kinh tế còn mang tính kế hoạch và phản ánh mối quan hệ giữa kế hoạch với thị trường. Hợp đồng kinh tế được ký kết dựa trên định hướng kế hoạch của nhà nước, nhằm vào việc xây dựng và thực hiện kế hoạch của các đơn vị kinh tế. Trong đó có những hợp đồng kinh tế mà việc ký kết và thực hiện nó phải hoàn toàn tuân theo các chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh của nhà nước. Trong cơ chế quản lý theo phương pháp kế hoạch hóa tập trung thì tính kế hoạch là đặc tính số một của hợp đồng kinh tế. Mặc dù trong giai đoạn hiện nay, Nhà nước ta đã có những thay đổi lớn trong công tác kế hoạch hóa, nhưng tính kế hoạch của hợp đồng kinh tế vẫn tồn tại: "Hợp đồng kinh tế giữa các đơn vị sản xuất kinh doanh vừa là cơ sở để xây dựng kế hoạch, vừa là công cụ pháp lý bảo đảm việc thực hiện kế hoạch" (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng cộng sản Việt Nam).
2. Nội dung của hợp đồng kinh tế
Nội dung của hợp đồng kinh tế là toàn bộ những điều khoản mà các bên đã thỏa thuận, thể hiện quyền và nghĩa vụ ràng buộc giữa các bên với nhau. Về phương diện khoa học pháp lý, căn cứ vào tính chất, vai trò của các điều khoản, nội dung của hợp đồng kinh tế được chia thành ba loại điều khoản như sau:
* Điều khoản chủ yếu: Là những điều khoản cơ bản, quan trọng nhất của một hợp đồng. Khi xác lập hợp đồng, các bên phải thỏa thuận và ghi các điều khoản chủ yếu vào văn bản hợp đồng, nếu không ghi vào hợp đồng thì hợp đồng không có giá trị.
Ví dụ: Trong hợp đồng mua bán, những điều khoản chủ yếu là đối tượng, số lượng, chất lượng, giá cả.
* Điều khoản thường lệ: Là những điều khoản đã được pháp luật ghi nhận, nếu các bên không ghi vào văn bản hợp đồng thì coi như các bên đã mặc nhiên công nhận và có nghĩa vụ thực hiện những qui định đó. Nếu các bên thỏa thuận ghi vào văn bản hợp đồng thì không được ghi trái với những điều đã qui định đó.
Ví dụ: Điều khoản về bồi thường thiệt hại, về khung phạt vi phạm hợp đồng kinh tế.
* Điều khoản tùy nghi: Là những điều khoản do các bên tự thỏa thuận với nhau khi chưa có qui định của nhà nước hoặc đã có quy định nhưng các bên được phép vận dụng linh hoạt vào hoàn cảnh thực tế của mình mà không trái pháp luật. Điều khoản này các bên cũng phải ghi vào văn bản hợp đồng.
Ví dụ: Điều khoản thưởng vật chất, điều khoản áp dụng mức phạt cụ thể khi vi phạm các điều khoản của hợp đồng trong khung phạt mà pháp luật đã qui định.
Theo Điều 12 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, nội dung của hợp đồng kinh tế bao gồm những điều khoản cụ thể như sau:
a- Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng kinh tế; tên, địa chỉ, số tài khoản và ngân hàng giao dịch của các bên; họ tên người đại diện, người đứng tên đăng ký kinh doanh;
b- Đối tượng của hợp đồng kinh tế tính bằng số lượng, khối lượng hoặc giá trị quy ước đã thỏa thuận;
c- Chất lượng, chủng loại, quy cách phẩm chất, tính đồng bộ của sản phẩm hàng hóa hoặc yêu cầu kỹ thuật của công việc;
d- Giá cả;
đ- Bảo hành;
e- Điều kiện nghiệm thu, giao nhận;
g- Phương thức thanh toán;
h- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng kinh tế;
i- Thời hạn, hiệu lực của hợp đồng;
k- Các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng kinh tế;
l- Các thỏa thuận khác.
Trong tất cả các điều khoản trên thì bốn điều khoản a, b, c, d là những điều khoản chủ yếu, bắt buộc phải có trong bất cứ hợp đồng kinh tế nào. Những điều khoản còn lại tùy theo từng loại hợp đồng kinh tế mà chúng có thể là điều khoản chủ yếu hoặc không là điều khoản chủ yếu. Có điều khoản là chủ yếu đối với loại hợp đồng này nhưng lại không phải là chủ yếu đối với loại hợp đồng khác.
Phần III: TRÌNH BẦY MỘT BẢN HỢP ĐỒNG CỤ THỂ
Hợp đồng này đã được sự nhất trí của các bên:
BÊN BÁN: CÔNG TY XNK TỔNG HỢP I
Địa chỉ: 46 Ngô Quyền Hà Nội
Điện thoại: (04) 9717918
Đại diện bởi: Giám đốc
BÊN MUA: CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN QUYẾT THẮNG
Địa chỉ: 50 Nguyễn Hữu Huân Hà Nội
Điện thoại: (04) 8214965
Đại diện bởi: Giám đốc
về những điều khoản sau đây:
ĐIỀU 1: TÊN HÀNG - SỐ LƯỢNG - GIÁ CẢ
SẢN PHẨM GỖ MỸ NGHỆ
ĐƯỢC LÀM BẰNG GỖ LOẠI I & LOẠI II: HƯƠNG, TRẮC, MUN
Tên hàng
Số lượng đơn vị
Đơn giá
FOB HCMC
Thành tiền
USD
Bàn hình chữ nhật và bàn vuông
Bàn làm việc hình chữ nhật
Ghế
Ghế gỗ cẩn đá (bộ 6 cái)
Bộ bàn ghế cẩn (bộ 9 cái)
Bộ bàn ghế cẩn rồng
Ghế cẩn
4
2
25
3
1
1
1
30
40
10
150
400
900
600
120
80
250
450
400
900
600
Tổng cộng
37
2800
Hai ngàn tám trăm Đô la chẵn
ĐIỀU 2: CHẤT LƯỢNG: Như mẫu đã được thỏa thuận
ĐIỀU 3: BAO GÓI: Như lời yêu cầu của bên mua
ĐIỀU 4: GIAO HÀNG: Bằng ô tô tải vào tháng 10 và tháng 11/2002
ĐIỀU 5: THANH TOÁN: Chuyển tiền bằng điện sau khi nhận được vận đơn
ĐIỀU 6: ĐIỀU KHOẢN TỔNG QUÁT:
Hai bên cam kết thực hiện đầy đủ và chặt chẽ bản hợp đồng này. Khi có khó khăn nào, hai bên cùng thảo luận và giải quyết vấn đề, và bất kỳ thay đổi nào liên quan đến hợp đồng sẽ phải được xác nhận bằng văn bản.
Hợp đồng này được lập thành 04 bản bằng tiếng Việt, mỗi bên giữ một nửa, có cùng giá trị ngang nhau.
Hợp đồng được làm ở Hà Nội, ngày 20/8/2002
Thay mặt người mua Thay mặt người bán
Giám đốc Giám đốc
KẾT LUẬN
Pháp luật về hợp đồng kinh tế có vai trò rất quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ kinh tế trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay. Do đó những bất cập trong pháp luật về hợp đồng kinh tế cần phải được giải quyết càng sớm càng tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho các quan hệ kinh tế phát triển góp phần thực hiện có hiệu quả cơ chế kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Qua đó huy động tối đa sự tham gia của mọi thành phần kinh tế vào công cuộc phát triển kinh tế đất nước.
Chúng ta biết rằng lý luận cũng là để phục vụ cho việc giải quyết các vấn đề của thực tiễn. Bất cứ một nghiên cứu nào nếu không đạt được yêu cầu này, sẽ không có giá trị. Em mong rằng bài tiểu luận này cũng góp ích phần nào cho việc đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải tiến quản lý kinh tế, góp phần đưa các quan hệ hợp đồng kinh tế trở thành nề nếp.
Em xin chân thành cảm ơn!
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Giáo trình Luật kinh tế - trường ĐH QLKD
Giáo trình Luật kinh tế - Khoa Luật - Đại học KHXH & NV
Bộ Luật Dân sự 1995
Luật Thương mại 1998
MỞ ĐẦU 1
Phần I. Đặc điểm của một bản hợp đồng kinh tế 1
PHẦN I: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ HỢP ĐỒNG KINH TẾ 2
1. Khái niệm hợp đồng kinh tế 2
2. Chủ thể của hợp đồng kinh tế 2
3. Phân loại hợp đồng kinh tế 5
4. Vai trò của hợp đồng kinh tế 8
PHẦN II: ĐẶC ĐIỂM VÀ NỘI DUNG CỦA HỢP ĐỒNG KINH TẾ 11
1. Đặc điểm của một hợp đồng kinh tế 11
2. Nội dung của hợp đồng kinh tế 12
Phần III: TRÌNH BẦY MỘT BẢN HỢP ĐỒNG CỤ THỂ 15
KẾT LUẬN 18
TÀI LIỆU THAM KHẢO 19
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- I0064.doc