Đề tài Trình bày hiểu biết của em về Lipoprotein

I. Mở đầu 1

1. Tính cấp thiết của đề tài 1

2. Mục đích của đề tài: 1

3. Phạm vi nghiên cứu: 1

4. Bố cục của đề tài: 1

II. Nội dung 2

1. Cấu trúc của lipoprotein 2

2. Phân loại các lipoprotein 5

3. Chuyển hóa của Lipoprotein 9

3.1. Con đường ngoại sinh 9

3.2. Con đường nội sinh 10

3.3. Quá trình vận chuyển ngược Cholesterol 12

4. Những bệnh lý liên quan đến Lipoprotein 14

4.1. Nguyên nhân gây rối loại lipoprotein 15

4.2. Chẩn đoán 16

4.3. Biện pháp hạn chế rối loạn chuyển hóa lipoprotein máu 18

III. Kết luận 19

Tài liệu tham khảo: 20

 

docx22 trang | Chia sẻ: honganh20 | Ngày: 14/02/2022 | Lượt xem: 491 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Trình bày hiểu biết của em về Lipoprotein, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Viện Kỹ thuật Hóa học *** Tiểu luận hóa sinh đại cương Đề tài: “Trình bày hiểu biết của em về Lipoprotein.” Giảng viên hướng dẫn Sinh viên thực hiện Mã số sinh viên Lớp : Ts. Giang Thị Phương Ly : Vũ Thị Thủy : 20175247 : HH.01 – K62 Hà Nội, tháng 5 năm 2020 MỤC LỤC Mở đầu Tính cấp thiết của đề tài Lipid đóng vai trò quan trọng với cơ thể sống, trong đó bao gồm cả con người: cung cấp năng lượng, tham gia cấu trúc tế bào, tham gia các hoạt động chức năng. Trong cơ thể sống, lipid tồn tại dưới các dạng như cholesterol, triglyceride, acid béo tự do và phospholipid. Nguồn cung cấp lipid cho cơ thể chúng ta chủ yếu lấy từ thức ăn. Lipid cung cấp một lượng calories khoảng gấp đôi glucid và protid với cùng khối lượng. Tại ruột, chúng được nhũ hóa nhờ acid mật, thủy phân rồi sau đó được hấp thu và vận chuyển về gan theo đường tĩnh mạch cửa. Tuy nhiên, bản chất của lipid là kị nước(không tan trong nước) vì vậy chúng được vận chuyển trong máu nhờ các lipoprotein. Lipoprotein đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận chuyển Lipid trong cơ thể. Lipoprotein được mô tả vào năm 1929 bởi Machebocuf với dạng hình cầu. Lipid liên kết với protein bằng liên kết Van der Waals. Đường kinh cảu hình cầu vào khoảng 100-500A. Mục đích của đề tài: Đề tài nghiên cứu tìm hiểu về cấu tạo và thành phần của lipoprotein, phân loại protein trong cơ thể, cơ chế hoạt động và chuyển hóa các loại lipoprotein và những bệnh lý thường gặp liên quan đến lipoprotein trong cơ thể. Phạm vi nghiên cứu: Nghiêm cứu đề tài lipoprotein trong phạm vi những kiến thức hóa sinh đã học trên lớp và tìm hiểu các tài liệu liên đến lipoprotein trên các bài báo, trang mạng và sách vở liên quan (sách y sinh, dược, hóa học,) Bố cục của đề tài: Bố cục đề tài gồm các phần: Cấu trúc của lipoprotein Phân loại lipoprotein Chuyển hóa lipoprotein trong cơ thể Các bệnh lý liên quan đến lipoprotein Nội dung Cấu trúc của lipoprotein Lipoprotein là gì? Lipoprotein là một chất được cấu tạo từ lipid và protetin. Lipid là phần không tan trong nước, tuy nhiên khi nó kết hợp với protein, nó có thể được vận chuyển trong cơ thể, mang cholesterol đến các mô trong cơ thể và ngược lại. Theo mô hình của Shen (1977), phân tử lipoprotein gồm: apoprotein và phospholipid chiếm phần vỏ bên ngoài, phần trung tâm gồm triglycerid và cholesterol este, giữa 2 phần là cholesterol tự do. Phần vỏ có chiều dày khoảng 1 nm, phân cực và đảm bảo tính hoà tan của phân tử lipoprotein trong huyết tương. Hình 1: cấu trúc của lipoprotein Phospholipid là một loại lipid và là thành phần chính của tất cả các màng tế bào. Chúng có thể tạo thành lớp kép lipid vì đặc tính lưỡng phần của chúng. Cấu trúc của phân tử phospholipid thường bao gồm hai axit béo, còn gọi là "đuôi kỵ nước", và một "đầu ưa nước" cấu tạo từ một nhóm phosphate. Hai thành phần được nối với nhau bởi một phân tử glycerol. Các nhóm phosphate có thể được sửa đổi với các phân tử hữu cơ đơn giản như choline, ethanolamin hoặc serine. Hình 2: cấu tạo của phospholipid Cholesterol và triglycerid máu là các thành phần chất béo ở trong máu. Chúng thường được gọi là các thành phần mỡ của máu hay chính xác hơn là Lipide máu. Cholesterol là chất giống như mỡ có ở màng tế bào mọi bộ phận của cơ thể từ hệ thần kinh đến gan, tim. Cơ thể sử dụng Cholesterol để tạo các hocmon, axit mật, vitamin D và nhiều chất khác. Khoảng 30% lượng cholesterol của cơ thể là từ thức ăn chúng ta ăn vào cung cấp, 70% còn lại là do cơ thể sản xuất ra. Cơ thể sản xuất mọi loại cholesterol cần thiết cho cơ thể. Cholesterol tuần hoàn trong máu, nhưng tự bản thân không thể di chuyển đựợc trong máu vì Cholesterol và máu không thể kết hợp với nhau được do đó mà chúng phải nhờ đến các lipoprotein vận chuyển trong máu. Hình 2: công thức cấu tạo của cholesterol Triglyceride là dạng khác của mỡ được tìm thấy trong máu và trong thức ăn. Các yếu tố làm tăng Triglyceride là thứa cân béo phì, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, ít hoạt động thể lực, ăn quá nhiều chất bột (chiếm > 60% năng lượng ăn vào). Tăng Triglyceride giới hạn (150 -199 mg/dl) hay ở mức cao (200 - 499 mmg/dl) làm tăng nguy cơ tim mạch, khi Triglyceride tăng rất cao > 500 mg/dl thì có nguy cơ cao bị viêm tụy. Hình 3: công thức của triglycerid Các protein khác nhau do cấu trúc của chuỗi peptid quyết định, ít nhất đã có 9 loại protein khác nhau được tìm thấy trong các lipoprotein huyết tương người. Phần protein của lipoprotein giữ vai trò quyết định chất nhận diện chúng ở màng tế bào hoặc hoạt hóa các enzym của chúng. Người ta đặt tên cho các thành phần protein trong lipoprotein là apolipoprotein (ApoLp). Người ta đặt tên các chữ cái A, B, C cho các ApoLp chiếm tỉ lệ cao trên lipoprotein, D, E cho các ApoLp chiếm tỉ lệ ít hơn. ApoLp A, C lại có các nhóm phụ A-I, A-II và C-I, C-II, C-III. ApoLp B có 2 dạng phân tử khác nhau B-48, B-100. ApoLp E cũng có các dạng phân tử là E-2, E-3, E-4. Phân loại các lipoprotein Lipoprotein được phân loại theo một số đặc tính lý hóa: tỷ trọng, phân tách bằng điện di với các giá khác nhau, hoặc phân loại bằng một số polyanion (heparin, sulfat dextran) hoặc theo tính đặc hiệu về miễn dịch. Hình 4: Phân loại lipoprotein theo đường kính và tỷ trọng *Hệ thống phân loại hay được sử dụng nhất là phân loại theo tỷ trọng, lipoprotein được phân thành 5 loại sau: Chylomiron (CM) HDL (high density lipoprotein – lipoprotein tỷ trọng cao) LDL (low density lipoprotein – lipoprotein tỷ trọng thấp) IDL (intermediate density lipoprotein – lipoprotein tỷ trọng trung gian) VLDL (very low density lipoprotein – lipoprotein tỷ trọng rất thấp) Chylomicron (CM): Đây là loại lipoprotein với hàm lượng lipid cao nhất, vì vậy tỷ trọng của nó là nhỏ nhất. ApoB-48, apoE và apoC-II là các apoprotein chủ yếu của loại lipoprotein này. CM chỉ có mặt trong huyết tương một thời gian ngắn (khoảng vài giờ) sau bữa ăn giàu lipid, nhiệm vụ vận chuyển triglycerid trong thức ăn từ ruột tới gan. Loại này do thời gian tồn tại ít nên không gây nên các rối loạn trong cơ thể dù nhiều hay ít. Lipoprtein tỷ trọng cao (HDL): HDL được tạo thành ở gan và ruột non, nó giàu protein, hàm lượng lipid thấp. HDL có vai trò vận chuyển cholesterol ở các mô ngoại vi về gan để thoái hóa thành acid mật. Cholesterol của HDL được xem là cholesterol tốt vì chúng giúp bảo vệ thành mạch, giảm nguy cơ xơ vữa. Một số nghiên cứu cho rằng, HDL giúp loại trừ các mảng xơ vữa, hạn chế các mảng xơ vữa này phát triển. HDL - (cholesterol có ích), khi nó cao giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, ngược lại, khi HDL thấp thì khả năng mắc bệnh tăng lên. Lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL): Là sản phẩm thoái hóa của VLDL trong máu, giàu cholesterol và cholesterol ester. Apoprotein của LDL là apoB-100. LDL có vai trò vận chuyển cholesterol đến các mô. Cholesterol trong LDL được coi là cholesterol xấu vì nó tham gia vào sự hình thành và phát triển các mảng xơ vữa động mạch, gây nên các bệnh tim mạch nguy hiểm. Lipoprotein tỷ trọng trung gian (IDL): IDL chính là dạng chuyển hóa trung gian giữa LDL và VLDL. VLDL sau khi giải phóng trigycerid, nhận thâm cholesterol ester và mất đi apoC sẽ chuyển thành IDL.IDL nhanh chóng bị thoái hóa thành LDL. Lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL): Là sản phẩm thoái hóa của VLDL trong máu, giàu cholesterol và cholesterol ester. Apoprotein của LDL là apoB-100. LDL có vai trò vận chuyển cholesterol đến các mô. Cholesterol trong LDL được coi là cholesterol xấu vì nó tham gia vào sự hình thành và phát triển các mảng xơ vữa động mạch, gây nên các bệnh tim mạch nguy hiểm. Ngoài ra, trong cơ thể còn có một lượng nhỏ lipoprotein (a): là loại LDL có thêm loại apolipoprotein a được gọi là Apo(a) Hình 5: thành phần cấu trúc của các loại lipoprotein Bảng 1: Đặc điểm về tỷ trọng, kích thước và thành thần từng loại lipoprotein Bảng 2: Tỷ lệ các thành phần trong lipoprotein Bảng 3:Nguồn gốc chức năng của từng apolipoprotein chính Chuyển hóa của Lipoprotein Quá trình chuyển hóa của lipoprotein trong cơ thể có liên quan chặt chẽ đến quá trình vận chuyển lipid. Chuyển hóa của lipoprotein bao gồm: con đường nội sinh, con đường ngoại sinh và chu trình vận chuyển ngược Cholesterol. Con đường ngoại sinh Bước 1: sự hình thành Chylomicron Con đường ngoại sinh giúp vận chuyển hiệu quả nguồn lipid có từ thức ăn. Triglycerid trong thức ăn bị phân hủy bởi lipase có trong dịch ruột và được nhũ tương hóa bởi acid mật tạo thành thể micelle. Cholesterol, acid béo, vitamin tan trong dầu được hấp thu ở phần đầu ruột non. Cholesterol và retinol được ester hóa ở trong tế bào biểu mô ruột tạo ra cholesteryl ester và retinyl ester. Chỉ các acid béo từ 12C trở lên khi kết hợp với triglycerid và ApoB-48 ở ruột non, cholesterryl ester, retinyl ester, cholesterol mới hình thành chylomicron. Bước 2: Sự hình thành Chylomicron tồn dư. Các chylomicron được bài tiết vào hệ lympho ruột và được đưa trực tiếp vào vòng tuần hoàn. Chúng đến mô ngoại vi trước khi đến gan. Khi di chuyển trong mao mạch, chylomicron tương tác với lipoprotein lipase. Đây là enzym gắn trên proteoglycan ở bề mặt các tế bào ngoại vi mô mỡ, tim, cơ. Sự tương tác này là triglycerid của chylomicron bị phân hủy và giải phóng acid béo tự do. ApoC-II trên chylomicron lấy từ HDL khi lưu thông trong máu có vai trò hoạt hóa cho lipoprotein lipase thực hiện quá trình trên. Các acid béo giải phóng ra được hấp thu bởi các tế bào mỡ và cơ, sau đó hoặc được cung cấp năng lượng cho mô đó, hoặc được ester hóa tạo thành triglycerid. Một số acid béo tự do giải phóng ra có thể kết hợp với albumin trước khi bị hấp thu vào tế bào và được vận chuyển đến mô khác. Trong quá trình này, chylomicron bị giảm kích thước do phần lõi sơ nước bị thủy phân, còn phần thân nước (phospholipid, cholesterol) và Apolipoprotein ở bề mặt được chuyển tới HDL. Người ta gọi chylomicron này là chylomicron tồn dư. Bước 3: Sự thoái hóa của Chylomicron tồn dư. Chylomicron tồn dư nhanh chóng tách khỏi vòng tuần hoàn do bị giữ lại ở gan thông qua tương tác giữa ApoE và receptor đặc hiệu. Do vậy, chylomicron và chylomicron tồn dư có rất ít trong máu sau 12 giờ, trừ trường hợp bệnh nhân bị rối loại chuyển hóa chylomicron. Hình 6: quá trình chuyển hóa bằng con đường ngoại sinh Con đường nội sinh Con đường nội sinh trong chuyển hóa của lipoprotein có liên quan đến loại lipoprotein có ApoB được tạo ra từ gan và chuyển hóa của lipoprotein này. Bước 1: Sự hình thành VLDL mới sinh. VLDL cũng tương tự với chylomicron về thành phần protein nhưng chứa ApoB-100 nhiều hơn ApoB-48 và có tỷ lệ cholesterol/triglycerid cao hơn. Triglycerid của VLDL được tạo ra từ quá trình ester hóa acid béo chuỗi dài ở gan. Triglycerid này được gắn với các thành phần khác là ApoB-100, cholesteryl ester, phospholipid, vitamin E nhờ microsomal triglycerid transfer protein (MTTP) ở gan và hình thành nên VLDL mới sinh. MTTP có vai trò rất quan trọng trong quá trình này, đây là một loại protein ở gan được mã hóa bởi gen MTTP. Hiện nay, người ta đã xác định được rất nhiều những đột biến trên gen này là nguyên nhân gây nên các bệnh rối loạn chuyển hóa lipoprotein. Bước 2: Sự hình thành IDL. VLDL mới sinh được bài tiết vào huyết tương, được nhận thêm ApoE và các loại ApoC từ HDL trở thành VLDL trưởng thành. Triglycerid của VLDL cũng bị lipoprotein lipase ở ngoại biên thủy phân giống triglycerid của chylomicron. Do đó VLDL trưởng thành trở thành VLDL tồn dư, hay còn gọi là IDL với kích thước nhỏ hơn VLDL trưởng thành. Bước 3: Sự thoái hóa của IDL và sự tạo thành LDL. 40-60% IDL được gan thâu tóm nhờ việc gắn ApoE trên IDL với receptor LDL ở gan. Phần còn lại của IDL biến đổi thành LDL nhờ lipoprotein lipase ở ngoại vi. Trong quá trình này, triglycerid bị thủy phân gần hết còn các apolipoprotein trừ ApoB-100 được vận chuyển đến các lipoprotein khác. Lượng cholesterol trong LDL chiếm hơn một nửa lượng cholesterol trong huyết tương. Khoảng 70% LDL gắn với receptor LDL ở gan và được tách khỏi huyết tương. Hình 7: quá trình chuyển hóa băng con đường nội sinh Quá trình vận chuyển ngược Cholesterol Tất cả các tế bào trong cơ thể đều có thể tổng hợp cholesterol. Trong đó, chỉ có tế bào gan và tế bào biểu mô ruột là có khả năng bài tiết cholesterol vào mật hoặc dịch ruột. Trong gan, cholesterol có thể được bài tiết trực tiếp vào mật, hoặc biến đổi thành acid mật. Cholesterol ở các tế bào ngoại vi được vận chuyển về gan thông qua chu trình vận chuyển cholesterol ngược (reverse cholesterol transport) nhờ vai trò của HDL. Quá trình chuyển hoá này có tên gọi như vậy là do bản chất của quá trình là vận chuyển cholesterol từ ngoại vi về gan, trong khi con đường chuyển hoá ngoại sinh, nội sinh đều là quá trình vận chuyển cholesterol ngoại sinh (từ thức ăn) và nội sinh (từ gan) đến các mô ngoại vi. Bước 1: Sự tạo thành HDL mới sinh - hình đĩa. HDL mới sinh được tổng hợp ở gan và ruột. Khởi đầu của quá trình là ApoA-I được gan và ruột bài tiết dưới dạng phân tử ApoA-I nghèo lipid. Sau đó phân tử này kết hợp với cholesterol và phospholipid lấy từ các tế bào ngoại vị hoặc đại thực bào. Quá trình lấy cholesterol và phospholipid là nhờ vai trò của loại protein màng là ATP binding cassette protein Al(ABCA1). Đây là protein có ở thành phần mang các tế bào ngoại vi và đại thực bảo. Ngoài ra, phân tử ApoA-I nghèo lipid trên có thể lấy cholesterol từ các lipoprotein khác. Quá trình này dẫn đến hình thành loại HDL hình đĩa. Bước 2: Sự hình thành HDL trưởng thành - hình cầu. Cholesterol tự do trên HDL hình đĩa được chuyển thành cholesteryl ester nhờ LCAT (lecithin cholesterol acyl transferase), một loại enzym trong huyết tương được gắn vào HDL. Cholesteryl ester này di chuyển vào phần lõi của HDL, kết quả là HDL từ hình đĩa chuyển thành hình cầu. Quá trình trên xảy ra rất nhanh vì vậy giải thích tại sao hầu hết các HDL tìm thấy trong huyết tương có hình cầu nhiều hơn là hình đĩa. Quá trình tạo ra các HDL có chửa ApoA-I và ApoA-II cũng tương tự với quá trình tạo ra HDL chỉ có ApoA-I như trên. Bước 3: Quá trình vận chuyển cholesterol từ HDL trưởng thành đến gan. Trong quá trình lưu thông trong huyết tương, HDL có thể nhận thêm các apolipoprotein và lipid từ bề mặt của chylomicron và VLDL theo quá trình chuyển hoá nội sinh và ngoại sinh đã trình bày ở phần trên. Cholesterol trong HDL có thể được vận chuyển đến gan bằng con đường trực tiếp hoặc gián tiếp. Gián tiếp thông qua CETP (cholesteryl ester transfer protein), khi đó cholesteryl ester được chuyển từ HDL đến các lipoprotein có chứa ApoB và ngược lại triglycerid được chuyển đến HDL. Sau đó lipoprotein chứa ApoB vận chuyển cholesteryl ester đển gắn vào receptor LDL ở gan. Con đường trực tiếp là: HDI đến gắn vào receptor SR-BI (Scavenger receptor class BI) hay còn gọi là receptor HDL. Đây là receptor ở trên bề mặt tế bào gan. Khi đó cholesterol được hấp thu trực tiếp vào tế bào. Hình 8: quá trình chuyển hóa bằng quá trình vận chuyển ngược cholesterol Những bệnh lý liên quan đến Lipoprotein Hiện nay khi càng ngày xuất hiện càng nhiều thức ăn nhanh chứa đầy dầu mỡ thì bên cạnh đó tỷ lệ người dân Việt Nam mắc các bệnh liên quan đến tim mạch ngày càng tăng cao. Một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch đó là rối loạn Lipoprotein – căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ các hợp chất bản chất là lipid. Các bệnh lý về lipoprotein hầu như đều liên quan đến rối loạn chuyển hóa lipoprotein - Xơ vữa động mạch, cao huyết áp - Bệnh mạch vành - Rối loạn lipoprotein máu - Gan nhiễm mỡ 4.1. Nguyên nhân gây rối loại lipoprotein 4.1.1. Rối loạn lipoprotein tiên phát Rối loạn lipoprotein tiên phát do đột biến gen làm tăng tổng hợp quá mức cholesterol (TC), triglicerid (TG), LDL-c hoặc giảm thanh thải TC, TG, LDL-c hoặc giảm tổng hợp HDL-c hoặc tăng thanh thải HDL-L. Rối loạn lipoprotein tiên phát thường xảy ra sớm ở trẻ em và người trẻ tuổi, ít khi kèm thể trạng béo phì, gồm các trường hợp sau: - Tăng triglycerid tiên phát: Là bệnh cảnh di truyền theo gen lặn, biểu hiện lâm sàng thường người bệnh không bị béo phì, có gan lách lớn, cường lách, thiếu máu giảm tiểu cầu, nhồi máu lách, viêm tụy cấp gây đau bụng. - Tăng lipoprotein hỗn hợp: Là bệnh cảnh di truyền, trong gia đình có nhiều người cùng mắc bệnh. Tăng lipoprotein hỗn hợp có thể do tăng tổng hợp hoặc giảm thoái biến các lipoprotein. Lâm sàng thường béo phì, ban vàng, kháng insulin, đái đường típ 2, tăng acid uric máu. 4.1.2. Rối loạn lipoprotein thứ phát Nguyên nhân của rối loạn lipoprotein thứ phát do lối sống tĩnh tại, dùng nhiều bia-rượu, thức ăn giàu chất béo bão hòa. Các nguyên nhân thứ phát khác của rối loạn lipoprotein như đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, suy giáp, xơ gan, dùng thuốc thiazid, corticoides, estrogen, chẹn beta giao cảm. Tăng triglycerid thứ phát gây: + Đái tháo đường: thường tăng triglycerid máu do hoạt tính enzyme lipoprotein lipase giảm. Nếu glucose máu được kiểm soát tốt thì triglycerid sẽ giảm sau vài tuần. Tăng TG máu là yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch ở người bệnh đái tháo đường + Cường cortisol (Hội chứng Cushing): có tình trạng giảm dị hóa các lipoprotein do giảm hoạt tính enzyme lipoprotein lipase. Tình trạng này càng rõ hơn trong trường hợp kèm kháng insulin và đái tháo đường. + Sử dụng estrogen: ở phụ nữ dùng estrogen thời gian dài, có sự gia tăng TG do tăng tổng hợp VLDL. Trong thai kỳ, nồng độ estrogen tăng cũng làm gia tăng TG gấp 2-3 lần và sẽ trở lại mức bình thường sau sinh khoảng 6 tuần. + Nghiện rượu: làm rối loạn lipoprotein, chủ yếu tăng triglycerid. Đặc biệt, rượu làm tăng đáng kể nồng độ triglycerid máu ở những người tăng sản TG nguyên phát hoặc thứ phát do các nguyên nhân khác. Hội chứng Zieve tăng TC máu, rượu chuyển thành acetat làm giảm sự oxyd hóa acid béo ở gan nên acid béo tham gia sản xuất TG gây gan nhiễm mỡ và tăng sản xuất VLDL, chức năng gan giảm dẫn đến giảm hoạt tính enzyme LCAT (Lecithin cholesterol acyltransferase: enzyme ester hóa cholesterol) nên cholesterol ứ đọng trong hồng cầu làm vỡ hồng cầu gây thiếu máu tán huyết. + Bệnh thận: trong hội chứng thận hư, tăng VLDL và LDL do gan tăng tổng hợp để bù và lượng protein máu giảm do thải qua nước tiểu. TG tăng do albumin máu giảm nên acid béo tự do gắn với albumin cũng giảm, acid béo tự do tăng gắn vào lipoprotein làm cho sự thủy phân TG của các lipoprotein này bị giảm. Bảng 4: phân loại rối loạn lipid máu theo WHO/Fredrickson 4.2. Chẩn đoán 4.2.1. Lâm sàng Rối loạn lipoprotein là bệnh lý sinh học, xảy ra sau một thời gian dài mà không thể nhận biết được, vì rối loạn không có triệu chứng đặc trưng. Phần lớn triệu chứng lâm sàng của rối loạn lipid máu chỉ được phát hiện khi nồng độ các thành phần lipid máu cao kéo dài hoặc gây ra các biến chứng ở các cơ quan như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, các ban vàng ở mi mắt, khuỷu tay, đầu gối, rối loạn lipoprotein có thể gây viêm tụy cấp. Rối loạn lipoprotein thường được phát hiện muộn trong nhiều bệnh lý khác nhau của nhóm bệnh tim mạch - nội tiết - chuyển hóa. 4.2.1.1 Một số dấu chứng đặc hiệu ở ngoại biên của tăng lipid máu - Cung giác mạc (arc cornea): Màu trắng nhạt, hình vòng tròn hoặc không hoàn toàn, định vị quanh mống mắt, chỉ điểm tăng TC (typ 2a hoặc 2b), thường có giá trị đối với người dưới 50 tuổi. - Ban vàng (xanthelasma): Định vị ở mí mắt trên hoặc dưới, khu trú hoặc lan tỏa, gặp ở typ 2a hoặc 2b. - U vàng gân (tendon xanthomas): Định vị ở gân duỗi của các ngón và gân Achille và vị trí các khớp đốt bàn ngón tay, đặc hiệu của typ 2a. - U vàng dưới màng xương (periostea xanthomas): Tìm thấy ở củ chày trước, trên đầu xương của mỏm khuỷu, ít gặp hơn u vàng gân. - U vàng da hoặc củ (cutaneous or tuberous xanthomas): Định vị ở khuỷu và đầu gối. - Dạng ban vàng lòng bàn tay (palmar xanthomas): Định vị ở các nếp gấp ngón tay và lòng bàn tay. 4.2.1.2. Một số dấu chứng nội tạng của tăng lipid máu - Nhiễm lipid võng mạc (lipemia retinalis): Soi đáy mắt phát hiện nhiễm lipid võng mạc (lipemia retinalis) trong trường hợp Triglycerides máu cao. - Gan nhiễm mỡ (hepatic steatosis): Từng vùng hoặc toàn bộ gan, phát hiện qua siêu âm hoặc chụp cắt lớp, thường kèm tăng TG máu. - Viêm tụy cấp: Thường gặp khi TG trên 10 gam/L, dạng viêm cấp, bán cấp phù nề, amylase máu không hoặc tăng vừa phải. - Xơ vữa động mạch: Là biến chứng lâu dài của tăng lipoprotein, thường phối hợp với tăng lipoprotein không biết trước đó, có thể phối hợp với một số yếu tố nguy cơ khác như thuốc lá, đái tháo đường. Tổn thương động mạch có khẩu kính trung bình và lớn như tổn thương động mạch vành và tai biến mạch máu não thường liên quan nhiều hơn so với viêm tắc động mạch hai chi dưới (ưu tiên đến thuốc lá). 4.2.2. Cận lâm sàng - Định lượng bilan lipid: Các thông số lipid tăng lên sau ăn, nên để chẩn đoán chính xác rối loạn lipoprotein, cần phải lấy máu vào buổi sáng khi chưa ăn (khi đói). Các thông số thường được khảo sát: Cholesterol (TC) máu, Triglycerid (TG), LDL-Cholesterol (LDL-c), HDL-Cholesterol (HDL-c). - Chẩn đoán rối loạn lipoprotein được gợi ý khi có một số dấu chứng của rối loạn lipoprotein trên lâm sàng như thể trạng béo phì, ban vàng, các biến chứng ở một số cơ quan như TBMMN, bệnh mạch vành Chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm các thông số lipid khi có một hoặc nhiều rối loạn như sau: + Cholesterol máu > 5,2 mmol/L (200mg/dL) + Triglycerid > 1,7 mmol/L (150mg/dL) + LDL-cholesterol > 2,58mmol/L (100mg/dL) + HDL-cholesterol < 1,03mmol/L (40 mmol/L) Biện pháp hạn chế rối loạn chuyển hóa lipoprotein máu Khi các thành phần lipoprotein trong máu bị rối loạn, gây nên bệnh lý rối loạn lipid máu, hay còn được biết đến là mỡ máu cao, máu nhiễm mỡ. Đây chính là nguyên nhân gây nên các bệnh lý tim mạch như xơ vữa động mạch, nghẽn mạch tim, tai biến mạch máu não... Khi bị mỡ máu cao, bệnh nhân cần có một chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý, ví dụ như: Các thức ăn có hàm lượng lipid thấp, ăn nhiều rau xanh, hoa quả giúp giảm lượng cholesterol được đưa vào cơ thể. Hạn chế các đồ chiên xào, dầu mỡ. Không nên ăn mỡ động vật, thay vào đó hãy dùng dầu thực vật làm từ đậu nành, dầu hướng dương hay dầu ô liu... vì đây là những thành phần chất béo không no, cơ thể dễ hấp thu hơn. Ăn những thực ăn giúp đốt cháy lượng mỡ trong cơ thể như gừng, hành tây, trà... Hạn chế ăn thịt, hãy tăng cường ăn cá và các thức ăn từ đậu. Hạn chế nội tạng động vật vì hàm lượng cholesterol rất cao. Không rượu bia, thuốc lá vì đây là những nguyên nhân làm nặng hơn tình trạng bệnh. Tăng cường tập thể dục thể thao để đốt cháy calo, giảm lượng mỡ trong cơ thể. Kết luận Lipoprotein có vai trò rất quan trọng trong việc vận chuyển và chuyển hóa lipid trong cơ thể người. Qua bài tiểu luận này sẽ phần nào giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thành phần cấu tạo, phân loại, cơ chế hoạt động của lipoprotein trong cơ thề người. Ngoài ra, bài tiểu luận còn giúp chúng ta hiểu biết về các bệnh lý liên quan đến lipoprotein, chuyển hóa lipid trong cơ thể người và biện pháp hạn chế sự rối loạn chuyển hóa. Tài liệu tham khảo: https://www.healcentral.org/roi-loan-lipoprotein-mau/ https://trungtamthuoc.com/n/cau-tao-va-phan-loai-liporotein-n840.html https://hoc-y.blogspot.com/2019/04/cac-xet-nghiem-anh-gia-roi-loan-lipid.html Nxb Y học – Dược lý học, tập 2. Nxb Y học – Giáo trình giải phẫu sinh lý

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docxde_tai_trinh_bay_hieu_biet_cua_em_ve_lipoprotein.docx
Tài liệu liên quan