Tên doanh nghiệp là tên hoặc danh hiệu mà một người hoặc một pháp nhân có thể dùng trong thương nghiệp của mình. Tên là cơ sở để phân biệt với doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác từ đó nhà nước áp dụng những hình thức và biện pháp quản lý khác nhau. Luật doanh nghiệp có quy định rõ về vấn đề đặt tên doanh nghiệp : Tên doanh nghiệp (Điều 31);Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp(Điều 32); Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt của doanh nghiệp (Điều 33); Tên trùng và tên gây nhầm lẫn (Điều 34). Ngoài ra, nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/04/2010 quy định rất cụ thể và chi tiết về đăng kí tên Doanh nghiệp tại chương III, từ điều 13 đến điều 18.
5 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2748 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là tài liệu rất quan trọng nhằm xác định năng lực pháp lý của doanh nghiệp, là cơ sở để doanh nghiệp đó được pháp luật quản lý và bảo hộ. Để được cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh, doanh nghiệp phải đáp ứng những điều kiện nhất định. Những điều kiện này được quy định tại Điều 24 Luật doanh nghiệp năm 2005 : “Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khi có đủ các điều kiện sau đây :
1. Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không thuộc lĩnh vực cấm kinh doanh;
2. Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại các điều 31, 32, 33 và 34 của Luật này;
3. Có trụ sở chính theo quy định tại khoản 1 Điều 35 của Luật này;
4. Có hồ sơ đăng ký kinh doanh hợp lệ theo quy định của pháp luật;
5. Nộp đủ lệ phí đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Lệ phí đăng ký kinh doanh được xác định căn cứ vào số lượng ngành, nghề đăng ký kinh doanh; mức lệ phí cụ thể do Chính phủ quy định.”
Đi vào phân tích cụ thể từng điều kiện, ta thấy rằng :
Điều kiện thứ nhất : Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không thuộc lĩnh vực cấm kinh doanh.
Ngành, nghề cấm kinh doanh là những ngành, nghề không được đầu tư, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ vì kho kinh doanh các ngành nghề này sẽ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong, mỹ tục Việt Nam và sức khỏe của nhân dân, làm hủy hoại tài nguyên, phá hủy môi trường. Điều kiện này tức là ngành, nghề đăng kí kinh doanh phải không nằm trong danh sách pháp luật cấm kinh doanh được quy định tại Khoản 1 Điều 4, Nghị định của chính phủ số 139 ngày 5/9/2007 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp. Khoản 1, Điều 4 quy định 15 mục những ngành nghề bị cấm kinh doanh như : Kinh doanh vũ khí quân dụng; Kinh doanh chất ma túy các loại; Kinh doanh các loại thực vật, động vật hoang dã, Kinh doanh mại dâm, Kinh doanh dịch vụ tổ chức đánh bạc …..Các ngành, nghề cấm kinh doanh khác được quy định tại các luật, pháp lệnh và nghị định chuyên ngành.
Việc kinh doanh các ngành, nghề quy định tại khoản 1 Điều này trong một số trường hợp đặc biệt áp dụng theo quy định của các luật, pháp lệnh hoặc nghị định chuyên ngành liên quan. (Khoản 2, điều 5, nghị định 139 ngày 5/9/2005).
Đây là điều kiện tiên quyết, quan trọng thể hiện tinh thần đề cao pháp chế của pháp luật.
Thứ 2, Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại các điều 31, 32, 33 và 34 của Luật doanh nghiệp 2005.
Tên doanh nghiệp là tên hoặc danh hiệu mà một người hoặc một pháp nhân có thể dùng trong thương nghiệp của mình. Tên là cơ sở để phân biệt với doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác từ đó nhà nước áp dụng những hình thức và biện pháp quản lý khác nhau. Luật doanh nghiệp có quy định rõ về vấn đề đặt tên doanh nghiệp : Tên doanh nghiệp (Điều 31);Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp(Điều 32); Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt của doanh nghiệp (Điều 33); Tên trùng và tên gây nhầm lẫn (Điều 34). Ngoài ra, nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/04/2010 quy định rất cụ thể và chi tiết về đăng kí tên Doanh nghiệp tại chương III, từ điều 13 đến điều 18.
Thứ 3, Doanh nghiệp phải có trụ sở chính theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Doanh nghiệp : “Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc, giao dịch của doanh nghiệp; phải ở trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, tên phố (ngõ phố) hoặc tên xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).” Ghi đầy đủ và cụ thể như vậy để cơ quan nhà nước có thể quản lý chặt chẽ hơn, hạn chế tình trạng doanh nghiệp ma, doanh nghiệp chuyên lừa đảo hoặc kinh doanh trái pháp luật.
Thứ 4, Doanh nghiệp có hồ sơ đăng ký kinh doanh hợp lệ theo quy định của pháp luật. Việc đăng kí kinh doanh của doanh nghiệp được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như : Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh; Thông tư số 14/2010/TT-BKH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Hướng dẫn một số nội dung về hồ sơ, trình tự thủ tục đăng ký kinh doanh theo qui định tại Nghị định số 43/2010/NĐ-CP, ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh; Thông tư liên tịch số 05/2008/TTLT/BKH-BTC-BCA hướng dẫn cơ chế phối hợp giữa cơ quan giải quyết đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và đăng ký con dấu đối với doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật doanh nghiệp; Nghị định số 87/2005/NĐ-CP Về đăng ký kinh doanh hợp tác xã….Hồ sơ đăng kí của các loại hình kinh tế khác nhau là khác nhau, tuy nhiên bất cứ hồ sơ đăng kí doanh nghiệp nào cũng phải tuân thủ đầy đủ, chính xác với những quy định trong các văn bản quy phạm đó.
Thứ 5, Phải nộp đủ lệ phí đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước hoặc tổ chức được ủy quyền phục vụ công việc quản lý Nhà nước trong đăng kí kinh doanh. Lệ phí đăng kí kinh doanh được quy định như sau : Hộ kinh doanh cá thể: 30.000 VNĐ; Doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh: 100.000 VNĐ; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần: 200.000 VNĐ; 20.000 VNĐ đối với trường hợp thay đổi giấy nội dung chứng nhận.
Thỏa mãn đồng thời tất cả các điều kiện trên một doanh nghiệp mới được cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh. Đó là minh chứng thể hiện sự công nhận của nhà nước về sự tồn tại của doanh nghiệp, được pháp luật quản lý và bảo vệ. Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã và đang hoàn thiện hơn nữa những quy định về điều kiện để được cấp giấy chứng nhận kinh doanh. Với hệ thống quy phạm được quy định chặt chẽ và khoa học sẽ tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo tin tưởng để thu hút vốn nước ngoài, đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế của đất nước.
Tài liệu tham khảo :
Giáo trình Luật Thương mại (Tập 1), NXB CAND, Hà Nội, 2010.
Luật Doanh nghiệp
Nghị định số 139/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp.
Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/04/2010 về Đăng ký doanh nghiệp.
Thông tư số 14/2010/TT-BKH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Hướng dẫn một số nội dung về hồ sơ, trình tự thủ tục đăng ký kinh doanh theo qui định tại Nghị định số 43/2010/NĐ-CP, ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.docx