II. Đọc – hiểu văn bản
1. Bốn dòng thơ đầu: Những mâu thuẫn giằng xé trong tâm trạng nhân vật trữ tình.
* Dòng 1 và dòng 2
- Mở đầu bài thơ bằng những lời bộc bạch trực tiếp, chân thành, không ồn ào, mà trầm lắng, giản dị: "Tôi yêu em".
- Lối xưng hô “tôi – em”: cách nói trang trọng tạo sắc thái vừa như muốn gần gũi, vừa như giữ khoảng cách.
- “Ngọn lửa tình”: không có trong nguyên bản, cụm từ do người dịch sử dụng gợi ý cho từ “tắt”. Thể hiện tình yêu say mê, dai dẳng và nồng nàn trong tâm hồn, như ánh lửa rực cháy.
- “Chưa tắt hẳn trong lòng tôi”: lời thú nhận rụt rè, chân thật về một tình cảm bền bỉ tha thiết, yêu em dù em có đoái hoài hay không.
- Giọng điệu chậm dãi, dè dặt, ngập ngừng và không dễ dàng.
=> Nhân vật trữ tình bộc lộ tình cảm như một lời tỏ tình trang trọng nhưng e ngại. Đồng thời muốn khẳng định tình yêu ấy dù là trong quá khứ hay hiện tại thì vẫn luôn nồng cháy, mãnh liệt và đã được thời gian minh chứng.
10 trang |
Chia sẻ: binhan19 | Lượt xem: 682 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Giáo án Ngữ văn 11 tiết 103: Tôi yêu em A.X. Pu – skin, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Ngày soạn: 08/03/2018
Ngày dạy: 12/03/2018
Tuần: 28
Người hướng dẫn:Giáo viên Phạm Thị Lan Anh
Người soạn:Nguyễn Ngọc Anh
Tiết 103: TÔI YÊU EM
A.X. PU – SKIN
I/ MỤC TIÊU CẦN ĐẠT
1, Về kiến thức:
- Cảm nhận được vẻ đẹp trong sáng của bài thơ cả về nội dung tâm tình lẫn ngôn từ nghệ thuật.
2, Về kĩ năng:
- Nắm được cách đọc hiểu một văn vản thơ nước ngoài, có kĩ năng ứng xử trước tình huống khó về tình cảm.
3, Về thái độ:
- Có cái nhìn bao dung và tích cực trong tình cảm, trân trọng vẻ đẹp của tình yêu.
4, Các năng lực cần có cho học sinh:
- Năng lực cảm thụ văn học, giải mã văn bản.
- Năng lực vận dụng kiến thức văn học vào cuộc sống.
- Năng lực giải quyết các tình huống đặt ra.
- Năng lực giao tiếp, v.v
II/ CHUẨN BỊ CỦA GIÁO VIÊN VÀ HỌC SINH
1, Chuẩn bị của giáo viên:
- Giáo án, SGK Ngữ văn 11 tập 2, SGV.
- Tranh ảnh liên quan nội dung bài học.
- Câu hỏi thảo luận nhóm.
2, Chuẩn bị của học sinh:
Chuẩn bị bài ở nhà theo các yêu cầu sau:
- Soạn bài “Tôi yêu em” theo hướng dẫn học bài trong SGK Ngữ văn 11 tập 2.
- Chuẩn bị SGK, vở soạn, vở ghi trên lớp.
III/ TIẾN TRÌNH DẠY HỌC
A. Ổn định tổ chức: (1phút).
- Ổn định lớp học.
- Kiểm tra sĩ số.
B. Kiểm tra bài cũ: (2phút).
- Kiểm tra bài soạn.
C. Dạy và học bài mới:
1, Hoạt động 1 – khởi động (5phút).
MỤC TIÊU: - Tạo được tâm thế hứng thú và sẵn sàng cho HS để chuẩn
bị vào bài mới.
NHIỆM VỤ: - HS theo dõi và thực hiện các yêu cầu của GV.
PHƯƠNG PHÁP VÀ KĨ THUẬT: - Phương pháp vấn đáp.
- Phương pháp đối thoại, v.v
TIẾN TRÌNH:
Hoạt động của GV và HS
Nội dung cần đạt
- GV cho HS xem một số hình ảnh và tư liệu về tác giả Pu - skin, cùng một số tác phẩm tiêu biểu của ông. Sau đó, GV dẫn dắt HS vào bài mới:
GV: Tình yêu là một trong những nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca nhân loại. Và khi nói về tình yêu người ta thường nhắc đến những gì đẹp nhất, trong sáng nhất và hạnh phúc nhất. Nhưng tình yêu lại là một thứ tình cảm phức tạp, đa chiều và có nhiều cung bậc cảm xúc, nó có thể đưa bạn trở thành một thiên thần và cũng có thể khiến bạn thành một quỷ dữ. Chính vì vậy điều mà thơ ca hướng đến là những lí tưởng về tình yêu lí trí và thánh thiện. “Tôi yêu em” của Puskin là một bài thơ như thế. Chỉ với tám dòng thơ bộc bạch, chân thành tác phẩm đã chinh phục được độc giả nhân loại. Vẻ đẹp và giái trị của “Tôi yêu em” đã vượt ra khỏi biên giới nước Nga và trở thành một sản phẩm tinh thần của mọi thời đại. Và hôm nay, cô và cả lớp sẽ cùng đi tìm hiểu bài thơ tình nổi tiếng của Puskin “Tôi yêu em” để hiểu hơn về vẻ đẹp và giá trị của nó.
- HS chú ý quan sát và lắng nghe
- GV tạo được tâm thế hứng khởi vào bài mới cho học sinh, đồng thời cung cấp cho HS những cái nhìn rõ hơn về tác giả Pu – skin.
2, Hoạt động 2 – hình thành kiến thức mới (25phút)
MỤC TIÊU: - Giúp HS cảm nhận được vẻ đẹp trong sáng của bài thơ cả về nội dung tâm tình lẫn ngôn từ nghệ thuật.
- Giúp HS tìm hiểu, ghi nhớ được cuộc đời và sự nghiệp của tác giả Pu – skin. NHIỆM VỤ: - HS theo dõi và thực hiện các yêu cầu của GV theo hoạt
động nhóm để tìm hiểu bài thơ.
PHƯƠNG PHÁP VÀ KỸ THUẬT: - Phương pháp đối thoại.
- Phương pháp nêu và giải quyết vấn đề, v.v
TIẾN TRÌNH:
Hoạt động của GV và HS
Nội dung cần đạt
- Thao tác 1: Hướng dẫn tìm hiểu khái quát về tác giả, tác phẩm.
Tìm hiểu về tác giả?
+ Tiểu sử
+ Thành tựu
+ Phong cách nghệ thuật
Tìm hiểu về tác phẩm?
+ Hoàn cảnh ra đời
+ Nhan đề
+ Bố cục
- GV nhận xét, bổ sung và chốt ý kết luận.
- Mời HS đọc diễn cảm bài thơ.
- GV yêu cầu HS đọc chú thích SGK và giới thiệu thêm về phần dịch nghĩa.
+ Dòng 1 và 7: Từ “yêu” dùng ở thì quá khứ, đẩy tình yêu vào kỉ niệm quá vãng.
+ Dòng 7, 8: cấu trúc so sánh “như thếnhư thế” nhằm nhấn mạnh sự mạnh liệt chân thành của tình cả và quyết tâm của lí trí.
+ Dòng 8: dùng từ “người khác” có ý thừa nhận tôi không thể mang lại hạnh phúc cho em, cầu chúc cho người khác mang lại hạnh phúc cho em.
Gợi mở:
+ Tôi ở đây là ai?
+ Cặp đại từ nhân xưng tôi – em giúp em hiểu gì về mối quan hệ của 2 người này?
Đại từ Tôi có nhiều nghĩa:
+ Có thể là Puskin.
+ Có thể là trái tim yêu của những chàng trai,
Puskin là người thư kí trung thành của những trái tim ấy.
Cặp đại từ nhân xưng “Tôi - em”:
+ Gợi mối quan hệ giữa nhân vật trữ tình với đối tượng có khoảng cách vừa gần vừa xa, vừa đằm thắm vừa dang dở
+ Là tình yêu đơn phương của chàng trai.
- Thao tác 2 : Hướng dẫn HS đọc hiểu văn bản.
GV: chia lớp thành 2 nhóm
* Nhóm 1: Tìm hiểu 4 câu thơ đầu
HS làm việc theo nhóm theo những gợi ý sau:
- Trong câu thơ mở đầu, tôi muốn nói điều gì?
- Cảm nhận về hình ảnh "ngọn lửa tình"?
- Em có nhận xét gì về giọng điệu?
- Qua đó, em hiểu gì về tình yêu của chàng trai?
GV liên hệ với những câu thơ trong "Tự hát" của Xuân Quỳnh:
Trong cái hữu hạn ngắn ngủi của cuộc đời, tình yêu trở thành vĩnh cửu:
Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.
- Sau lời khẳng định tình yêu ở 2 dòng thơ đầu, mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình ở 2 dòng thơ sau có gì thay đổi? Đó là tiếng nói của lí trí hay tình cảm?
- Theo em, bên trong những lời nặng ý chí đó, tâm trạng của nhân vật tôi như thế nào?
GV liên hệ với những câu thơ trong "Yêu" của Xuân Diệu:
Khi tình yêu không được đáp trả, nó sẽ đem lại những cơn đau, những nỗi cô đơn:
Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu
Cho rất nhiều xong nhận chẳng bao nhiêu
Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết.
- 4 dòng thơ đầu cho em thấy nét gì đáng quý ở nhân vật tôi?
*Nhóm 2: Tìm hiểu 4 câu thơ còn lại
HS làm việc theo nhóm theo những gợi ý sau
- Nhân vật tôi có hoàn toàn lí trí? Đọc 4 dòng cuối và cho biết mạch cảm xúc khác gì 4 dòng đầu?
- Em có nhận xét gì về nhịp thơ? Nhà thơ sử dụng những từ ngữ nào để thể hiện sự mâu thuẫn đó?
- Qua việc diễn tả những tâm trạng của nhân vật trữ tình như vậy, em có thể hiểu gì về Puskin?
- GV: Lòng ghen tuông dễ làm cho con người mất bình tĩnh, không sáng suốt để phân biệt tốt – xấu, đúng – sai, dễ dẫn tới bi quan, chán nản, tuyệt vọng. Liệu nhân vật trữ tình trong bài thơ có bị nỗi ghen tuông hạ thấp không?
- GV: Chia tay, nghĩ tốt về nhau đã quý, luôn cầu chúc cho nhau điều tốt lành còn cao quý hơn...
- Lời chúc của nhân vật trữ tình nói lên điều gì?
- Thao tác 3: Khái quát về phương diện nội dung và nghệ thuật.
1. Rút ra những nhận xét gì về nội dung và nghệ thuật của bài thơ này?
I. Tìm hiểu chung
1. Tác giả
- Tiểu sử: A.X.Puskin (1799 – 1837), là nhà thơ vĩ đại có ý nghĩa to lớn trong lịch sử văn hóa văn học Nga.
- Thành tựu: thi sĩ lừng danh, tác giả tiểu thuyết bằng thơ, bi kịch lịch sử, ông viết trường ca, truyện ngắn truyện ngụ ngôn, Tất cả các tác phẩm đều có giá trị xuất sắc. Puskin là người khởi đầu cho chủ nghĩa hiện thực Nga.
- Phong cách sáng tác: thể hiện vẻ đẹp tâm hồn Nga khao khát tự do và tình yêu, một tiếng nói Nga trong sáng thuần khiết bằng cách thể hiện giản dị chân thực.
2. Tác phẩm
- Hoàn cảnh ra đời: Lúc ở Petechbua năm 1828 Puskin ngỏ lời cầu hôn với một thiếu nữ xinh đẹp tên là Ô-lê-nhi-na nhưng không được đáp lại. Nên 1829 bài thơ ra đời bày tỏ tình cảm chân thành của nhà thơ.
- Nhan đề:
Trong thơ Puskin, có một số bài thơ không đặt tiêu đề. Vì thế có người gọi đó là bài thơ Vô đề. Dịch giả đã lấy điệp khúc “Tôi yêu em” làm tiêu đề cho bài thơ này.
+ Bốn dòng thơ đầu:
Chàng trai khẳng định tình yêu có lẽ chưa hoàn toàn lụi tắt trong lòng mình nhưng không muốn làm vướng bận người mình yêu vì bất cứ lí do gì.
+ Bốn dòng thơ cuối:
Chàng trai bộc lộ những sắc thái của tình yêu, đồng thời bày tỏ tấm lòng nhân ái, cao thượng của mình.
II. Đọc – hiểu văn bản
1. Bốn dòng thơ đầu: Những mâu thuẫn giằng xé trong tâm trạng nhân vật trữ tình.
* Dòng 1 và dòng 2
- Mở đầu bài thơ bằng những lời bộc bạch trực tiếp, chân thành, không ồn ào, mà trầm lắng, giản dị: "Tôi yêu em".
- Lối xưng hô “tôi – em”: cách nói trang trọng tạo sắc thái vừa như muốn gần gũi, vừa như giữ khoảng cách.
- “Ngọn lửa tình”: không có trong nguyên bản, cụm từ do người dịch sử dụng gợi ý cho từ “tắt”. Thể hiện tình yêu say mê, dai dẳng và nồng nàn trong tâm hồn, như ánh lửa rực cháy.
- “Chưa tắt hẳn trong lòng tôi”: lời thú nhận rụt rè, chân thật về một tình cảm bền bỉ tha thiết, yêu em dù em có đoái hoài hay không.
- Giọng điệu chậm dãi, dè dặt, ngập ngừng và không dễ dàng.
=> Nhân vật trữ tình bộc lộ tình cảm như một lời tỏ tình trang trọng nhưng e ngại. Đồng thời muốn khẳng định tình yêu ấy dù là trong quá khứ hay hiện tại thì vẫn luôn nồng cháy, mãnh liệt và đã được thời gian minh chứng.
* Dòng 3 và dòng 4
- Từ “nhưng”: tình cảm đó khiến em phải bận lòng, nhân vật đã ý thức được tình yêu của mình, làm thay đổi suy nghĩ của nhân vật. Ở đó có sự giằng xé giữa cái tôi còn yêu và cái tôi quyết dứt bỏ tình yêu.
- “Hay hồn em phải gợn bóng u hoài”: tôi không muốn làm em buồn vì bất cứ điều gì, lí trí lên tiếng nhắc nhở tôi rằng cần phải dập tắt ngọn lửa tình yêu để không làm người yêu buồn.
- Hai từ “bận lòng, bóng u hoài” đã cho ta thấy được sự éo le trong quan hệ tình cảm của nhân vật trữ tình. Phải chăng tình yêu của tôi đã không đem lại hạnh phúc, niềm vui cho người mình yêu mà chỉ toàn là nỗi buồn, bận lòng.
=> Bày tỏ nỗi buồn trong tình yêu, thật lòng suy nghĩ cho người mình yêu. Hay đây còn là lời chia tay, dùng lí trí kìm giữ lại tình cảm âm ỉ trong lòng vì một điều quan trọng hơn, đó là sự thanh thản bình yên cho người mình yêu.
Tình cảm đơn phương không được đền đáp vừa buồn, vừa chân thành và cao đẹp, vượt ra khỏi sự vị kỉ.
2. Bốn dòng thơ cuối: Những cung bậc cảm xúc khi yêu và sự cao thượng trong tình yêu.
Dòng 5, 6: Những diễn biến cung bậc cảm xúc phức tạp tinh tế trong tình yêu đơn phương.
- Điệp khúc “tôi yêu em” tiếp nối mạch cảm xúc chủ đạo. Dù lí trí đã mách bảo phải dập tắt tình yêu, nhưng đối lập là tình cảm thực, trái tim không nghe lời, vì tình yêu vỡ òa, và quá mãnh liệt.
- Trạng thái tình cảm liên tục thay đổi: “âm thầm, không hi vọng, rụt rè”: bởi vì đây là tình yêu đơn phương không dám tiến tới xa hơn, không muốn người mình yêu bận lòng.
- “Hậm hực lòng ghen”: Biểu hiện của tình yêu chân thành mãnh liệt, đau đớn vì nỗi ghen tuông dày vò, dẫu ghen nhưng chẳng có danh phận với nhau, không có quyền để ghen.
- Nhịp thơ nhanh, ngắt nhịp nhiều ở “khi, lúc” kết hợp từ chỉ trạng thái tình cảm biến đổi liên tục.
Diễn tả thành công bi kịch lí trí và tình cảm đối lập cái có (tình cảm của tôi) và cái không có (tình cảm em dành cho tôi), giữa mơ ước (được em yêu) và cái không sự thật vô vọng (em không hề yêu tôi).
Các cung bậc cảm xúc dạng hòa lẫn với nhau và chực òa vỡ. Có sự đấu tranh mâu thuẫn giữa tình cảm và lí trí, nỗi đau khổ vô vọng tột cùng.
Dòng 7, 8: Sự cao thượng trong tình yêu.
- “Tôi yêu em”: láy lại lần thứ 3, chàng trai vượt lên trên nỗi ghen tuông ích kỉ và cảm giác u ám của bản thân để khẳng định lại tình yêu “chân thành”, “đằm thắm” của mình đã được minh chứng trong sáu câu thơ trên.
- Cấu trúc so sánh “như thếnhư thế” nhằm nhấn mạnh sự mạnh liệt chân thành của tình cả và quyết tâm của lí trí.
- Dòng cuối: được xem như mấu chốt của bài thơ, là sự thăng hoa của một tình yêu buồn, coi hạnh phúc, niềm vui của người mình yêu là quan trọng hơn cả.
- “Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”: trái tim độ lượng chân thành, thái độ tích cực, cao thượng trong tình yêu. Chỉ cần em được hạnh phúc dù là bên người khác thì tôi cũng mãn nguyện, đau buồn này tôi xin nhận để đổi lấy nụ cười trên môi em.
à Bài thơ dường như là lời từ giã của một tình yêu không thành, một mối tình đơn phương thấm đượm nỗi buồn vô vọng nhưng nét đặc biệt ở chỗ: lời từ giã cuối cùng lại trở thành lời giãi bày, bộc bạch một tình yêu chẳng thể nào nguôi ngoai, vẫn sôi nổi, nồng nàn mang trong mình một tâm hồn bao dung nhân ái cao thượng.
III. Tổng kết
1. Nghệ thuật
- Ngôn ngữ giản dị, tinh tế, sâu sắc, trong sáng.
- Giọng điệu khi thì nhanh, dồn dập, lúc lại chậm dãi để bộc lộ được hết dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình.
- Sử dụng điệp từ, lặp, hay so sánh để nhấn mạnh tình yêu của tôi giành cho em.
2. Nội dung
Thấm đượm nỗi buồn của mối tình vô vọng, nhưng là nỗi buồn trong sáng của một tâm hồn yêu đương chân thành, mãnh liệt, nhân hậu, vị tha.
3, Hoạt động 3 – luyện tập (5phút).
MỤC TIÊU: - Giúp HS củng cố và luyện tập được bài học ngay trên lớp.
NHIỆM VỤ: - HS thực hiện các yêu cầu của GV.
PHƯƠNG PHÁP VÀ KỸ THUẬT: - Phương pháp thuyết trình.
- Phương pháp nêu và giải quyết vấn đề, v.v
TIẾN TRÌNH:
Hoạt động của GV và HS
Nội dung cần đạt
- Bài thơ gợi cho các em những cảm nghĩ gì về tâm hồn Pu – skin.
- Rèn luyện cho HS khả năng viết đoạn văn và củng cố, bổ sung kiến thức cho HS.
4, Hoạt động 4 – vận dụng (2phút).
MỤC TIÊU: - Củng cố, giải đáp và để HS học bài về nhà.
NHIỆM VỤ: - HS có nhiệm vụ thực hiện các yêu cầu của GV.
PHƯƠNG PHÁP: - Hoạt động cá nhân hoặc nhóm.
TIẾN TRÌNH:
Hoạt động của GV và HS
Nội dung cần đạt
- Sưu tầm thêm các tác phẩm của nhà văn Puskin về tình yêu và chọn ra một văn bản mà em thích nhất để phân tích ngắn gọn.
- Rèn luyện cho HS khả năng viết đoạn văn và củng cố, bổ sung kiến thức cho HS.
5, Hoạt động 5 – mở rộng (5phút).
MỤC TIÊU: - Giúp HS mở rộng vốn kiến thức.
NHIỆM VỤ: - HS thực hiện theo yêu cầu của GV.
PHƯƠNG PHÁP VÀ KỸ THUẬT: - Phương pháp nêu và giải quyết vấn đề.
- Phương pháp vận dụng kiến thức văn học vào cuộc sống, v.v
TIẾN TRÌNH:
Hoạt động của GV và HS
Nội dung cần đạt
- Hiện nay, trên mạng xã hội có rất nhiều đoạn video được đăng tải lên với nội dung các học sinh đánh ghen nhau. Vậy ý kiến của em như thế nào khi đánh giá về hiện tượng này và quan điểm cá nhân về thái độ tích cực trong tình yêu.
- Giúp HS rèn luyện khả năng vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống, khả năng thuyết trình ngay tại lớp.
- Củng cố kiến thức hơn cho các em.
D. Củng cố: 2phút
- Cho HS đọc ghi nhớ trong SGK Ngữ Văn lớp 11 tập 2 trang 60.
E. Hướng dẫn học bài: (1phút)
- GV yêu cầu HS về nhà học thuộc ghi nhớ và làm bài tập về nhà.
- Chuẩn bị bài thơ số 28 của R. Ta – go.
Nhận xét của giáo viên hướng dẫn:
Chữ kí của GV hướng dẫn Chữ kí của GS thực tập
(Kí và ghi rõ họ tên) (Kí và ghi rõ họ tên)
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Tuan 26 Toi yeu em_12315316.docx