Giáo dục đạo đức sinh thái vì sự phát triển bền vững cho con người và giới tự nhiên

Quan điểm “phát triển bền vững” được Hội đồng Môi trường và Phát

triển thế giới do cựu thủ tướng Nauy –G.H.Brunđơlan làm Chủ tịch

đưa ra vào năm 1987 là: “Những thế hệ hiện tại cần đáp ứng nhu

cầu của mình sao cho không phương hại đến khả năng của thế hệ

tương lai đáp ứng nhu cầu của họ”(3). Hội Nghị Liên hợp quốc về

Môi trường và Con người tại Stốckholm, năm 1972 đã tuyên bố:

“Bảo vệ và cải thiện môi trường con người là một vấn đề lớn có ảnh

hưởng đến phúc lợi của mọi dân tộc và phát triển kinh tế trên toàn

thế giới”(4). Năm 1992, Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và

Phát triển Rio –92 tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc bảo

vệ môi trường vì sự phát triển của con người.

pdf8 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2793 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Giáo dục đạo đức sinh thái vì sự phát triển bền vững cho con người và giới tự nhiên, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC SINH THÁI VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CHO CON NGƯỜI VÀ GIỚI TỰ NHIÊN PHAN THỊ HỒNG DUYÊN(*) Giáo dục đạo đức sinh thái vì sự phát triển bền vững cho con người và giới tự nhiên, trước hết phải xuất phát từ sự nhận thức đúng đắn mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, xây dựng một cách có ý thức hoạt động thực tiễn của con người phù hợp với quy luật của tự nhiên. Giáo dục đạo đức sinh thái phải được coi là một quá trình giáo dục về nhận thức khoa học, đạo đức, thẩm mỹ, chính trị trong lĩnh vực sinh thái nhằm trang bị cho con người khả năng chủ động, tích cực tham gia vào hoạt động cải tạo, bảo vệ môi trường tự nhiên trên cơ sở nắm vững ý thức đạo đức sinh thái, quan hệ đạo đức sinh thái, hành vi đạo đức sinh thái. Nhận thức đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa con người và thế giới, xác định một cách có ý thức các hoạt động thực tiễn của con người phù hợp với quy luật của tự nhiên, đó chính là cơ sở để giải quyết vấn đề môi trường sinh thái. Cuộc sống luôn chứng tỏ rằng, bất cứ kế hoạch, hành động nào trong cuộc sống của con người cũng phải dựa trên sự hiểu biết đúng đắn và vận dụng đúng những quy luật của tự nhiên, Hơn 100 năm trước, Ph.Ăngghen đã từng cảnh báo: “Chúng ta hoàn toàn không thống trị được giới tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác, như một người sống bên ngoài giới tự nhiên, mà trái lại, bản thân chúng ta, với cả xương thịt, máu mủ và đầu óc chúng ta, là thuộc về giới tự nhiên, chúng ta nằm trong lòng giới tự nhiên, và tất cả sự thống trị của chúng ta đối với giới tự nhiên là ở chỗ chúng ta, khác với tất cả các sinh vật khác, là chúng ta nhận thức được quy luật của giới tự nhiên và có thể sử dụng được những quy luật ấy một cách chính xác”(1). Theo đó, để có thể điều chỉnh được mối quan hệ giữa con người và và tự nhiên, trước hết chúng ta phải nhận thức được những quy luật tồn tại và phát triển của giới tự nhiên và sau đó, phải biết vận dụng đúng đắn, chính xác những quy luật đó vào quá trình hoạt động thực tiễn của xã hội, mà quan trọng nhất là vào lĩnh vực sản xuất ra của cải vật chất(2). Trong thời đại hiện nay, môi trường và bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề bức xúc, một vấn đề mang tính toàn cầu. Mục tiêu hành động của cả cộng đồng nhân loại là tự giác điều chỉnh tác động của mình vào tự nhiên, bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững cho cả con người lẫn giới tự nhiên.Vậy, làm thế nào để con người khai thác giới tự nhiên, phát triển kinh tế mà vẫn đảm bảo được sự phát triển bền vững cho cả con người lẫn giới tự nhiên? Đó là một câu hỏi lớn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, cũng như đối với nước ta. Phát triển là một quá trình tăng trưởng bao gồm nhiều yếu tố cấu thành khác nhau, như kinh tế, chính trị, văn hoá, khoa học, kỹ thuật,… Mục tiêu của phát triển là nâng cao chất lượng cuộc sống con người, cải tạo điều kiện sống, làm cho con người ít phụ thuộc hơn vào tự nhiên, tạo lập nên cuộc sống công bằng, dân chủ, bình đẳng giữa các thành viên trong xã hội. Sự phát triển kéo theo nhiều vấn đề khác và do vậy, nó buộc chúng ta phải quan tâm đến việc xem xét, đánh giá mối quan hệ giữa con người và giới tự nhiên, đến phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Hơn lúc nào hết, con người cần phải nhận thức được rằng, tài nguyên trên trái đất không phải là vô cùng, vô tận mà có thể khai thác theo ý muốn của mình mãi được. Trong khi khai thác tự nhiên, con người đã thải ra môi trường một lượng chất thải lớn của sản xuất và sinh hoạt, đã vượt quá giới hạn điều chỉnh của động vật, thực vật thuộc chu trình sinh học. Nên con người cần phải sống hài hoà với thiên nhiên; phải tính toán đến lợi ích chung của cả cộng đồng, của các thế hệ tương lai; phải đầu tư thích đáng cho việc bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển. Tất cả những yêu cầu này đã dẫn đến sự ra đời quan điểm sống mới của con người – “phát triển bền vững”. Quan điểm “phát triển bền vững” được Hội đồng Môi trường và Phát triển thế giới do cựu thủ tướng Nauy – G.H.Brunđơlan làm Chủ tịch đưa ra vào năm 1987 là: “Những thế hệ hiện tại cần đáp ứng nhu cầu của mình sao cho không phương hại đến khả năng của thế hệ tương lai đáp ứng nhu cầu của họ”(3). Hội Nghị Liên hợp quốc về Môi trường và Con người tại Stốckholm, năm 1972 đã tuyên bố: “Bảo vệ và cải thiện môi trường con người là một vấn đề lớn có ảnh hưởng đến phúc lợi của mọi dân tộc và phát triển kinh tế trên toàn thế giới”(4). Năm 1992, Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển Rio – 92 tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường vì sự phát triển của con người. Ở nước ta, Luật bảo vệ môi trường (Điều 3) đã nêu rõ: “Phát triển bền vững là phát triển nhằm đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng được nhu cầu của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”(5). Có thể nói, “phát triển bền vững” dưới quan điểm sinh thái học đó là sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Vì mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, cần phải hướng vào việc khai thác có hiệu quả đối với môi trường tự nhiên, trong khi vẫn tránh được sự huỷ hoại và khả năng tái tạo lâu dài của giới tự nhiên. Để phát triển bền vững, cần phải quan tâm đến sự bền vững cả về mặt sinh thái lẫn về mặt xã hội. Bền vững về mặt sinh thái là cần phải tận dụng và tái tạo các nguồn tài nguyên có thể tái sinh; cần phải khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên sao cho có hiệu quả cao mà vẫn đảm bảo được sự cân bằng sinh thái, tránh được sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và sự suy thoái về môi trường. đồng thời giảm đến mức tối thiểu về ô nhiễm môi trường. Bền vững về mặt xã hội là phải làm thế nào để vừa đạt được tăng trưởng kinh tế, vừa đảm bảo được những vấn đề xã hội, xây dựng được một cuộc sống lành mạnh và giữ vững được ổn định xã hội. Chúng ta chỉ có thể thực hiện được điều đó khi ý thức đạo đức sinh thái được đề cao, hành vi đạo đức sinh thái được thực hiện, trở thành nếp sống thường nhật trong mỗi chúng ta. Trong giai đoạn hiện nay, do nhu cầu ngày càng tăng của đời sống vật chất, môi trường sống được mở rộng về mọi phía, thì ngược lại, môi trường tự nhiên ngày càng bị thu hẹp. Những tình trạng, như cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên (đất, nước, không khí, rừng, biển, khoáng sản,…), ô nhiễm môi trường sống đã và đang trở thành vấn đề bức xúc. Việc kiểm soát, phòng ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường; sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ đa dạng sinh học của các hệ sinh thái; bảo đảm cuộc sống lành mạnh cho con người đang trở thành những vấn đề cấp bách. Việc giải quyết những vấn đề này để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng sống của con người là mục tiêu bền vững và là việc làm cần thiết của mọi tổ chức, cá nhân và xã hội. Trong mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, giáo dục môi trường đóng vai trò đặc biệt quan trọng. “Giáo dục môi trường là làm cho mỗi người và cộng đồng hiểu được bản chất của môi trường tự nhiên và nhân tạo, hiểu được tương tác của các mặt sinh học, vật lý, hoá học, xã hội, kinh tế và văn hoá, có được tri thức, thái độ và kỹ năng thực tế để tham gia có hiệu quả và có trách nhiệm vào việc dự đoán và giải quyết các vấn đề môi trường và quản lý chất lượng của môi trường”(6). Cũng như mọi hình thức giáo dục khác, giáo dục đạo đức sinh thái là một quá trình giáo dục về nhận thức khoa học, đạo đức, thẩm mỹ, chính trị trong lĩnh vực sinh thái, cùng với những hình thức và biện pháp giáo dục thích hợp nhằm trang bị cho mỗi con người khả năng chủ động, tích cực tham gia vào hoạt động cải tạo, bảo vệ môi trường tự nhiên. Để giáo dục đạo đức sinh thái có kết quả thì việc giáo dục này cần phải được tiến hành ở mọi thành tố của nó, từ ý thức đạo đức đến thực tiễn đạo đức và quan hệ đạo đức mà chủ yếu là quan hệ lợi ích và hành vi đạo đức hiện thực. Giáo dục đạo đức sinh thái phải hướng tới mục tiêu tạo ra mối quan hệ hài hoà giữa con người – xã hội và tự nhiên, giúp con người tự giác nhận thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình để từ đó, có những hành vi ứng xử phù hợp với tự nhiên. Ý thức đạo đức sinh thái được thừa nhận là “hệ thống quan điểm, quan niệm của con người về hệ sinh thái và ý thức về trách nhiệm của con người trong hệ sinh thái đó”(7). Còn ý thức sinh thái là “sự nhận thức một cách tự giác của con người về tự nhiên (các yếu tố của tự nhiên và quy luật hoạt động của chúng), về vị trí, vai trò của con người trong mối quan hệ với tự nhiên và về trách nhiệm, nghĩa vụ của con người trong việc điều khiển một cách có ý thức mối quan hệ đó”(8). Điều này chỉ có thể làm được bằng con đường giáo dục. Nâng cao nhận thức về môi trường, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội thông qua các hình thức tập huấn, đào tạo, hội thảo, truyền thông, thông tin trên báo, đài…, đưa chương trình giáo dục môi trường vào các bậc học phổ thông trong nhà trường, xây dựng mô hình xanh hoá trường học nhằm cung cấp cho con người những tri thức sinh thái cần thiết, từ đó hình thành nên ý thức sinh thái mới. Quan hệ đạo đức sinh thái được biểu hiện ra ở quan hệ lợi ích, lợi ích của cả chủ thể đạo đức (con người) lẫn khách thể đạo đức (giới tự nhiên). Vấn đề đặt ra ở đây là, con người cần phải ý thức được một cách đúng đắn vị trí, vai trò của mình trong mối quan hệ với tự nhiên, cần phải giải quyết một cách hài hoà mối quan hệ lợi ích giữa con người và giới tự nhiên. Không chỉ thế, con người còn cần phải thay đổi thái độ đối với giới tự nhiên, từ thái độ khai thác, bóc lột sang khai thác đi đôi với xây dựng và bảo vệ, tái tạo và tôn trọng giới tự nhiên. Hành vi đạo đức sinh thái là sự biểu hiện cao nhất của đạo đức sinh thái, là sự tổng hợp của tất cả các yếu tố hợp thành đạo đức sinh thái; ý thức sinh thái, quan hệ đạo đức sinh thái và thực hiện đạo đức sinh thái. Hành vi đạo đức sinh thái được điều chỉnh bởi một hệ thống các chuẩn mực và giá trị đạo đức sinh thái, thể hiện sự thống nhất trong chủ thể đạo đức những nhu cầu khách quan của xã hội, những hoạt động tự giác, tích cực của con người trong việc khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Hành vi đạo đức sinh thái là cách ứng xử của con người đối với hệ sinh thái. Hành vi đạo đức sinh thái có thể là tự giác hoặc tự phát, được điều chỉnh, quy định bởi những chuẩn mực, quy tắc đạo đức sinh thái nhất định. Hành vi đạo đức sinh thái cao nhất, hoàn hảo nhất và cũng bao trùm nhất là sự tự giác của con người trong việc tuân thủ nghiêm ngặt các điều luật đã được ghi rõ trong Luật bảo vệ môi trường của nước ta năm 1994. Như vậy, có thể nói, phát triển kinh tế, tăng nguồn của cải vật chất là để thoả mãn nhu cầu tự nhiên của con người, chứ không phải là ra sức bóc lột, tước đoạt tự nhiên và bất chấp sự mất cân bằng sinh thái của giới tự nhiên. Đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi quan niệm trong cách ứng xử với tự nhiên, từ khai thác theo kiểu thống trị tự nhiên sang khai thác vì mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo sự phát triển hài hoà và cùng phát triển của con người, xã hội và giới tự nhiên. Công ước quốc tế đã khẳng định: “Nếu chúng ta có đầy đủ kiến thức hơn và hành động khôn ngoan hơn, chúng ta có thể giành được cho chính bản thân chúng ta và con cháu chúng ta một cuộc sống tốt đẹp hơn trong một môi trường đáp ứng nhiều hơn mọi nhu cầu và hy vọng của con người”(9). Chúng ta cần phải bình tĩnh, sáng suốt và khách quan nhìn lại các hành vi của mình đối với môi trường tự nhiên, không chỉ bằng khối óc thông minh, mà còn bằng cả trái tim yêu thương. Phải biết đối mặt với những “vật chất” vừa nhìn thấy được, vừa không nhìn thấy được của môi trường tự nhiên để tìm ra biện pháp, cách thức, lối sống thích hợp, hài hoà giữa con người và tự nhiên, đảm bảo sức khoẻ và hạnh phúc lâu bền.r (*) Thạc sĩ, Đại học Hoa Lư, Ninh Bình. (1) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.20. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.655. (2) Xem: Phạm Thị Ngọc Trầm. Môi trường sinh thái. Vấn đề và giải pháp. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.112. (3) Dẫn theo: Lưu Đức Hà, Nguyễn Ngọc Sinh. Quản lý môi trường cho sự phát triển bền vững. Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.7. (4) Các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường (Việt – Anh). Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.18. (5) Luật bảo vệ môi trường. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.9. (6) Dẫn theo: Vũ Minh Tâm. Văn hoá sinh thái, nhân văn và hệ thống tự nhiên, con người, xã hội. Tạp chí Khoa học xã hội, số 6, 2006, tr.33. (7) Phạm Văn Boong. Ý thức sinh thái và sự phát triển lâu bền. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.52. (8) Phạm Thị Ngọc Trầm. Vấn đề xây dựng đạo đức sinh thái trong điều kiện kinh tế thị trường. Tạp chí Triết học, số 3, 2002, tr.20. (9) Các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường (Việt – Anh). Sđd., tr.10.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdftriet_hoc_29__7915.pdf
Tài liệu liên quan