Giới thiệu danh nhân triết học -Alfred North Whitehead nhà siêu hình học của thế kỷ XX

Khi xây dựng học thuyết của mình trên cơ sở phê phán “sai lầm của khái

niệm vị trí thuần tuý” của Niutơn, A.N.Whitehead cho rằng, điểm sai lầm

của vật lý học Niutơn là ở lý thuyết vị trí đơn thuần. Niutơn đã đi theo

đường lối của Đêmôcrít khi giả định bản chấtcủa sự vật là các hạt vật

chất tồn tại độc lập trong không gian, chiếm một vị trí đơn thuần trong

không gian. Bác bỏ quan điểm này, ông cho rằng, trong số các yếu tố sơ

đẳng của thiên nhiên mà kinh nghiệm của chúng ta có thể nắm bắt được,

không có bất cứ yếu tố nào chiếm một vị trí đơn thuần. Khái niệm về một

nguyên tử biệt lập là sản phẩm trừu tượng hoá của trí tuệ. Đồng nhất cái trừu

tượng với cái cụ thể chính là sai lầm của Niutơn và A.N.Whitehead gọi đó là

nguỵ luận đặt sai chỗ cái cụ thể hay thuyết vịtrí đơn thuần.

pdf7 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2008 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Giới thiệu danh nhân triết học -Alfred North Whitehead nhà siêu hình học của thế kỷ XX, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
GIỚI THIỆU DANH NHÂN TRIẾT HỌC - ALFRED NORTH WHITEHEAD NHÀ SIÊU HÌNH HỌC CỦA THẾ KỶ XX Alfred North Whitehead (1861 – 1947) – nhà triết học, lôgíc học, toán học, phương pháp luận khoa học và lý luận giáo dục người Anh. Ông học tại trường Sherborn và Trinity ở Cambridge. Sự nghiệp khoa học của ông bao gồm ba giai đoạn chính, hai ở Anh và một ở Mỹ. Ngay sau khi tốt nghiệp Trường Trinity, ông được giữ lại trường và giảng dạy toán học trong 25 năm liền. Đây là giai đoạn ông hợp tác với B.Russell viết chung tác phẩm nổi tiếng Những nguyên lý toán học(1). Từ năm 1911 đến năm 1924, ông chuyển đến London dạy toán học ứng dụng và cơ học tại Đại học London. Trong thời gian này, ông được bầu là thành viên của Hội khoa học Hoàng gia và Viện Hàn lâm Anh. Từ năm 1924 đến năm 1936, ông đến Mỹ, chuyên tâm nghiên cứu và giảng dạy triết học tại Đại học Havard và là giáo sư danh dự của trường này cho đến cuối đời. A.N.Whitehead được thừa nhận là nhà siêu hình học của thế kỷ XX, bởi điều mà ông quan tâm trong khoa học tự nhiên hiện đại là hàng loạt vấn đề của chính triết học và siêu hình học. Vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, khi khoa học tự nhiên hiện đại đã có sự phát triển mạnh mẽ, bùng nổ các phát minh và đạt được những đỉnh cao mới, A.N.Whitehead cùng với H.Berson (1859 – 1941, nhà triết học Pháp) đã đặt ra những câu hỏi và các giả định siêu hình về phương thức tư duy của khoa học. Không giống như một số nhà tư tưởng thời kỳ này phản ứng chống lại tinh thần khoa học, A.N.Whitehead thừa nhận khoa học đã giúp con người trong việc làm chủ thiên nhiên. Những tiên đề chính của khoa học thời kỳ này là: thiên nhiên gồm những vật thể vật chất chiếm chỗ trong không gian; vật chất là chất liệu cơ bản không thể giản lược được và mọi vật được cấu thành từ đó. Khuôn mẫu tư duy phân tích được đề cao, do vậy, bản chất và sự vận động của tự nhiên được các nhà khoa học cho là giống như cái máy. Mọi sự vật đặc thù trong tự nhiên giống như các bộ phận của một cái máy lớn. Các vật thể chuyển động trong không gian phù hợp với các quy tắc chính xác của toán học. Bản chất của con người cũng được nhìn nhận theo tư duy máy móc này, con người không còn tự do ý chí nữa. Điều đó đã khiến A.N.Whitehead đặt ra vấn đề: liệu thực tại, bản chất của sự vật có đúng như khoa học giả định không? Thế giới tự nhiên có thực là bao gồm các vật thể bất động chiếm chỗ trong không gian không? Trí tuệ của con người liệu có khả năng khám phá ra sự sắp xếp có trật tự và một cách máy móc của các sự vật như lý luận khoa học và lôgíc toán học mô tả không? Làm thế nào mà tự nhiên lại phát sinh ra cái mới nếu thực tại cơ bản của nó là vật chất và các phần khác nhau của nó được tổ chức một cách máy móc, chặt chẽ? Hay nói ngắn gọn, vật chất bất động làm thế nào có thể vượt qua trạng thái tĩnh của chúng và “tiến hoá”? Làm thế nào để có thể giải thích kinh nghiệm cụ thể của đời sống bằng một tự nhiên không sự sống? Và, làm thế nào để có thể giải thích tự do của con người trong một vũ trụ hoàn toàn máy móc? Trước những vấn đề đó, A.N.Whitehead cho rằng, vào thời kỳ này, các nhà khoa học đã không ý thức được việc các ý tưởng mà họ đưa ra ngày càng nhiều sẽ tạo thành một tập hợp những ý tưởng mâu thuẫn với các ý tưởng của Niutơn vốn đang chi phối tư tưởng của các nhà khoa học và làm nên các cách diễn tả của họ. Khi khoa học tự nhiên ngày càng có nhiều phát hiện mới, khái niệm mới thì càng dẫn đến những mâu thuẫn giữa tự nhiên và khoa học. Chính vì vậy, A.N.Whitehead chủ trương đi từ lĩnh vực khoa học đến siêu hình học bằng cách rút ra những “hệ luỵ” của khoa học vật lý mới xuất hiện. Không bác bỏ khoa học, nhưng theo ông, siêu hình học và khoa học có thể làm giầu cho nhau và triết học có thể đặt ra cùng với chân lý khoa học một loại nhận thức khác mà người ta có thể gọi là chân lý siêu hình học. Khi mọi tri thức triết học và khoa học được kết hợp theo cách như vậy sẽ giúp cho chúng nâng tầm vị thế của mình lên cao hơn nữa. A.N.Whitehead còn thách thức khoa học đương thời, khi ông giả định rằng, liệu khoa học có thể trở thành cội nguồn nhận thức đầy đủ, duy nhất và tìm cách chứng minh được những giới hạn của mình là gì và siêu hình học có thể cung cấp, bổ sung những kiến giải độc đáo gì cho những giới hạn của khoa học (2). Khi xây dựng học thuyết của mình trên cơ sở phê phán “sai lầm của khái niệm vị trí thuần tuý” của Niutơn, A.N.Whitehead cho rằng, điểm sai lầm của vật lý học Niutơn là ở lý thuyết vị trí đơn thuần. Niutơn đã đi theo đường lối của Đêmôcrít khi giả định bản chất của sự vật là các hạt vật chất tồn tại độc lập trong không gian, chiếm một vị trí đơn thuần trong không gian. Bác bỏ quan điểm này, ông cho rằng, trong số các yếu tố sơ đẳng của thiên nhiên mà kinh nghiệm của chúng ta có thể nắm bắt được, không có bất cứ yếu tố nào chiếm một vị trí đơn thuần. Khái niệm về một nguyên tử biệt lập là sản phẩm trừu tượng hoá của trí tuệ. Đồng nhất cái trừu tượng với cái cụ thể chính là sai lầm của Niutơn và A.N.Whitehead gọi đó là nguỵ luận đặt sai chỗ cái cụ thể hay thuyết vị trí đơn thuần. A.N.Whitehead đã đưa ra quan điểm của mình về thực tại cụ thể khi triển khai một hình thức mới của thuyết nguyên tử. Dựa trên những thành tựu mới nhất của vật lý học lượng tử, thuyết tương đối và thuyết tiến hoá, ông đã rút ra những hệ luận từ những phát hiện mới này. Quan điểm của A.N.Whitehead về thực tại khác với thuyết nguyên tử của Đêmôcrít và Niutơn về hai phương diện. Một là, ông gạt bỏ khái niệm nguyên tử, vì lịch sử phát triển của khái niệm này cho thấy nguyên tử có nội dung chỉ vật chất cứng, không sự sống và do đó, các nguyên tử không thẩm thấu vào nhau được, các quan hệ giữa chúng luôn là quan hệ bên ngoài. Hai là, ông thay thế khái niệm nguyên tử bằng thuật ngữ các thực thể hiện tính hay các cơ hội hiện tính. Các thực thể hiện tính này không giống các nguyên tử vô sinh, nó là “các mảng sống trong đời sống thiên nhiên”. Nghĩa là, chúng không bao giờ tồn tại biệt lập, mà có quan hệ mật thiết với toàn thể môi trường sống tràn ngập quanh chúng ta. Khác với học thuyết duy vật dựa trên nguyên tử luận của Đêmôcrít và quan niệm máy móc về thiên nhiên của Niutơn, A.N.Whitehead cho rằng, thiên nhiên là một cơ thể sống. Do vậy, khi chúng ta nói về Thượng đế hay về “vật liệu tầm thường nhất của tồn tại” thì giữa chúng vẫn có cùng một nguyên lý – nguyên lý sự sống tồn tại trong mọi vật, bởi “các thực thể hiện tính - cũng gọi là các cơ hội hiện tính - là các sự vật thực sự cơ bản cấu thành vũ trụ”(3). Không chỉ quan tâm tới vấn đề bản thể luận trong triết học, với ý đồ khắc phục sự khủng hoảng trong vật lý học bằng cách thừa nhận tính biến đổi và tính bất biến của tự nhiên, A.N.Whitehead đã đi đến quan niệm coi tự nhiên như là một “quá trình”. Với định nghĩa tự nhiên như là “kinh nghiệm”, ông đã được thừa nhận là nhà triết học theo chủ nghĩa thực tại mới. Quan điểm của ông về thực tại được thể hiện qua học thuyết cơ hội hiện tính của mình. Theo ông “cơ hội hiện tính” không phải là một sự vật vật chất, mà là một kinh nghiệm. Do vậy, các cơ hội không “tồn tại”, mà chúng “diễn ra”. Sự khác biệt này là ở chỗ, “tồn tại” có nghĩa là không thay đổi, còn “diễn ra” hàm chứa sự thay đổi năng động. “Cơ hội hiện tính” biểu thị các thực thể liên tục thay đổi. Cả chủ thể và đối tượng đều ở trong một tiến trình biến đổi và mỗi kinh nghiệm của chủ thể đều ảnh hưởng đến bản thân chủ thể. Do vậy, nếu Hêraclít nói, không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông là đúng thì điều đó cũng đúng khi chúng ta nói, không ai có thể suy nghĩ hai lần giống nhau, vì sau mỗi kinh nghiệm, người đó đã trở thành một người khác. Và, theo ông, điều này còn đúng cho toàn thể thiên nhiên, vì thiên nhiên bao gồm các “cơ hội hiện tính” hay tập hợp của các “cơ hội hiện tính”. Nếu toàn thể thực tại được cấu thành từ các “cơ hội hiện tính”, các “giọt kinh nghiệm” thì thiên nhiên là một cơ thể sống liên tục ở trong tình trạng biến đổi, “vũ trụ là một sự sáng tạo tiến tới cái mới”(4). Trong các quan điểm triết học xã hội, A.N.Whitehead còn thừa nhận ý niệm là sức mạnh dẫn dắt lịch sử. Đặc biệt, ông đã tuyệt đối hoá vai trò của các cá nhân – các nhà khoa học và khẳng định họ phải là những người lãnh đạo thế giới. Không chỉ thế, với tư cách một nhà lý luận giáo dục, ông còn đưa ra nhiều ý tưởng mang tính đột phá trong nền giáo dục bảo thủ của nước Anh đương thời. Năm 1916, với tư cách Chủ tịch Hội toán học, ông đã viết một bài diễn văn nổi tiếng “Những mục tiêu của giáo dục”. Nhận thấy nền giáo dục nước Anh đang trì trệ, ông cho rằng, mục đích của giáo dục không phải là nhồi nhét kiến thức, mà là kích thích và hướng dẫn sự tự khai mở của người học. Văn hoá là một hoạt động tư tưởng, là sự tiếp nhận cái đẹp cùng cảm tính nhân đạo và do vậy, những “mảnh vụn thông tin” không liên quan gì đến nó. Những tư tưởng mới của A.N.Whitehead về giáo dục tuy ít có hiệu quả đối với thói quen bảo thủ của nền giáo dục Anh, nhưng nó đã truyền cảm hứng sáng tạo cho nhiều người làm giáo dục ở Anh và ở Mỹ sau đó. Tóm lại, có thể nói, A.N.Whitehead là một triết gia Anh – Mỹ có ảnh hưởng khá lớn vào nửa đầu của thế kỷ XX. Trong hệ thống triết học của ông còn thể hiện những điều mâu thuẫn: một là, ông nghiên cứu và cung cấp công cụ lôgíc toán, lý cho sự ra đời và vận động của triết học phân tích mà sau này B.Rátxen tiếp tục kế thừa. Tôn chỉ của cuộc “vận động phân tích” này là “chống lại siêu hình học”. Nhưng chính A.N.Whitehead lại xây dựng một hệ thống siêu hình học đồ sộ. Hai là, A.N.Whitehead có nhiều thành tựu lớn trong nghiên cứu toán học và lôgíc học, nhưng ông lại có tư tưởng hoài nghi đối với tính chính xác của toán học, có ý kiến bất đồng đối với sự “phân tích ngữ nghĩa phiền toái” của lôgíc học. Ba là, A.N.Whitehead đã xây dựng hệ thống triết học, siêu hình học của mình dựa trên những thành tựu của khoa học đương thời, nhưng ông cũng là người rất sùng đạo, có nhiều cảm tình đối với tôn giáo và tìm cách dung hoà khoa học với tôn giáo. Trong sự nghiệp khoa học của mình, A.N.Whitehead đã để lại cho nhân loại nhiều tác phẩm mà cho đến nay, vẫn còn là đề tài nghiên cứu cho nhiều học giả, như Treatise on Universal Algebra (1898 – Luận về đại số học phổ quát); An Introduction to Mathematics (1911 – Dẫn nhập vào toán học); Principia Mathematica (1910 – 1913 – Nguyên lý toán học); An Enquiry Concerning the Principles of Natural Knowledge (1919 – Nghiên cứu về những nguyên tắc của tri thức tự nhiên); The Concept of Nature (1920 – Khái niệm về tự nhiên); Science and the Modern World (1925 – Khoa học và thế giới hiện đại); Process anh Reality: An Essay in Cosmology (1929 – Tiến trình và thực tại: Vũ trụ luận); Adventures of Ideas (1933 – Những cuộc phiêu lưu của tư tưởng)./. THS. VŨ MẠNH TOÀN (Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam) (1) Principia Mathematica (1910 – 1913 – Nguyên lý toán học). Tác phẩm gồm 3 tập viết chung với học trò của ông là B.Russell, được viết bằng ký hiệu Peano do Whitehead sáng tạo ra, sau đó B. Russell hoàn thiện. Tác phẩm này đã tạo nên danh tiếng về toán học cho cả B.Russell và Whitehead (2) Xem: Samuel Enoch Stumpf. Lịch sử triết học và các luận đề (Đỗ Văn Thuấn, Lưu Văn Hy dịch). Nxb Lao động, Hà Nội, 2004, tr. 342 - 343. (3) Xem: Samuel Enoch Stumpf. Sđd. tr. 350 (4) Xem: Samuel Enoch Stumpf. Sđd. tr. 350 – 351.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdftriet_hoc_30__6347.pdf
Tài liệu liên quan