Hoàn lưu và mưa trên khu vực Việt Nam thời kỳ front Mei-Yu: Vai trò của dòng xiết trên cao

Mưa mô phỏng tích lũy sau 24, 48, 72, và 96 giờ tích phân được chỉ ra trong Hình 2, với

sự phù hợp rất tốt so với mưa quan trắc bằng vệ tinh TRMM (hình vẽ không đưa ra). Trong các

ngày này rất nhiều trạm ở Bắc Bộ, nam Trung Bộ, và Nam Bộ quan trắc được lượng mưa hơn

25 mm ngày-1. Có thể quan sát thấy mưa Mei-yu dưới dạng dải rất rõ phát triển cùng với sự

phát triển của front từ miền trung Trung Quốc đến Nhật Bản. Điều đáng nói là hầu khắp lãnh

thổ Việt Nam và khu vực Biển Đông đều xuất hiện mưa lớn với lượng mưa thậm chí còn lớn

hơn lượng mưa Mei-yu trên lãnh thổ Trung Quốc.

pdf10 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 1851 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hoàn lưu và mưa trên khu vực Việt Nam thời kỳ front Mei-Yu: Vai trò của dòng xiết trên cao, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Tự nhiên và Công nghệ 27, Số 1S (2011) 244-253 244 Hoàn lưu và mưa trên khu vực Việt Nam thời kỳ front Mei-yu: Vai trò của dòng xiết trên cao Nguyễn Minh Trường1,*, Vũ Thanh Hằng1, Bùi Hoàng Hải1, Công Thanh1, Lê Thị Thu Hà2 1 Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN, 334 Nguyễn Trãi, Hà Nội, Việt Nam 2 Trung tâm Quốc gia Dự báo Khí tượng Thủy văn, Số 4 Đặng Thái Thân, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam Nhận ngày 29 tháng 4 năm 2011 Tóm tắt. Sử dụng số liệu tái phân tích NCAR-NCEP cho mô hình RAMS mô phỏng đợt hoạt động của front Mei-yu từ ngày 10 đến 14 Tháng Sáu năm 2005 cho thấy hệ thống front Mei-yu có khả năng dẫn đến sự xuất hiện mưa lớn trên khu vực Việt Nam. Kết quả mô phỏng chỉ ra là front phát triển cùng với sự phát triển của dòng xiết trên cao. Khi giảm vận tốc dòng xiết trên cao ở biên phía đông và phía tây dẫn đến rãnh lạnh trên cao giảm biên độ rõ rệt trên khu vực Nhật Bản, đồng thời quan sát thấy các nhiễu động qui mô vừa xuất hiện trong nửa dưới tầng đối lưu liên quan tới biến đổi qui mô vừa của lượng mưa tích lũy. Điều này cho thấy dòng xiết trên cao đã kích thích và dẫn đường các nhiễu động qui mô vừa ở các mực thấp như các nghiên cứu quan trắc đã mô tả. Từ khóa: Front Mei-yu, mưa Mei-yu, dòng xiết trên cao, nhiễu động qui mô vừa. 1. Mở đầu Trong hoàn lưu gió mùa mùa hè Đông Á có một hiện tượng rất nổi tiếng được biết đến với tên gọi front Mei-yu (hay Baiu trong Tiếng Nhật). Hiện tượng này được các nhà khí tượng Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, và Nhật Bản nghiên cứu rất nhiều vì đây là hệ thống thời tiết có ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế-xã hội (high-impact weather system) và cũng là nhân tố rất quan trọng trong cán cân nước của các quốc gia nơi nó hình thành. Front Mei-yu thường được nghiên cứu dưới hai khía cạnh là mùa Mei-yu và thời tiết gắn với front Mei-yu. _______  Tác giả liên hệ. ĐT: 0912075253. E-mail: truongnm@vnu.edu.vn Ví dụ, Wang và NNK [1] sử dụng mô hình khí hậu khu vực phân giải cao để mô phỏng mưa trong mùa Mei-yu từ 26 Tháng Tư đến 31 Tháng Tám năm 1998. Kết quả mô phỏng 4 tháng cho thấy mưa do front Mei-yu trên lưu vực sông Yangtze (26○-32○N, 110○-122○E) không phải do đối lưu đóng vai trò chủ yếu, ngược lại mưa đối lưu có vai trò chi phối trên miền nam Trung Quốc. Sampe và Xie [2] nghiên cứu cảnh báo môi trường qui mô lớn thuận lợi cho mùa Meiyu và chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa bình lưu nóng và chuyển động thẳng đứng. Về khía cạnh thời tiết, Chien và NNK [3] đã đánh giá kỹ lưỡng kỹ năng dự báo mưa của mô hình MM5 và cho thấy rằng trong mùa Mei-yu N.M. Trường và nnk. / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Tự nhiên và Công nghệ 27, Số 1S (2011) 244-253 245 1998 có rất nhiều hệ thống đối lưu qui mô vừa (MCS) phát triển dọc theo front và di chuyển về phía Đài Loan. Zhang và NNK [4] cũng sử dụng mô hình MM5 để mô tả các điều kiện cho sự hình thành các tổ chức qui mô vừa tồn tại trong MCS, ví dụ như dòng chảy xiết qui mô vừa mực thấp và trên cao, áp thấp và áp cao qui mô vừa… Cũng nghiên cứu các cấu trúc bên trong và sự phát triển của front Mei-yu có thể kể đến là Chen và NNK [5]. Các tác giả này đã phân tích cơ chế hình thành dòng xiết mực thấp, sự tăng cường và rút lui của front Mei-yu gần Đài Loan. Kết quả chỉ ra rằng xoáy thế được tạo ra và ẩn nhiệt được giải phóng bởi MCS có vai trò đáng chú ý và cùng với sự thích ứng tới cân bằng địa chuyển được cho là những cơ chế chính. Về vai trò của dòng ẩm, Qian và NNK [6] cho thấy là dòng ẩm từ vịnh Bengal có vai trò quan trọng trong lượng mưa Mei-yu năm 1998. Vị trí của cao áp cận nhiệt tây Thái Bình Dương có vai trò nhất định khi nó góp phần quyết định nguồn ẩm từ đâu tới, Biển Đông hay vịnh Bengal [7]. Cần nhấn mạnh rằng trong rất nhiều trường hợp, Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu cũng như hệ quả thời tiết của front Mei-yu bởi vì front này sẽ giới hạn qui mô hoạt động và tầm ảnh hưởng ở phía bắc của các dòng gió tây nam là dòng mang lượng ẩm rất lớn từ Ấn Độ Dương thổi qua bán đảo Đông Dương. Đáng tiếc là hiện tượng này và mức độ ảnh hưởng của nó hầu như chưa được các nhà khí tượng Việt Nam quan tâm và nghiên cứu. Vì vậy, trong nghiên cứu này chúng tôi xem xét một số khía cạnh của đợt front Mei-yu xảy ra từ ngày 10 đến 14 Tháng Sáu năm 2005. Mục 2 tiếp theo sẽ mô tả số liệu sử dụng và cấu hình thực nghiệm để mô phỏng front Mei- yu sử dụng mô hình RAMS. Một số kết quả và bình luận được đưa ra trong Mục 3. Cuối cùng là phần kết luận. 2. Số liệu và cấu hình thực nghiệm Trong nghiên cứu này, mô hình RAMS được sử dụng để mô phỏng đợt front Mei-yu xảy ra từ ngày 10 đến 14 Tháng Sáu năm 2005. Tâm miền tính đặt tại 35oN - 108oE, sử dụng phép chiếu cực. Cấu hình miền tính bao gồm 207 x 161 điểm lưới theo phương vĩ tuyến và kinh tuyến với 30 mực theo phương thẳng đứng. Khoảng cách giữa các điểm lưới ngang là 45 km. Lớp dưới cùng dày 100 m, độ dày các lớp tiếp theo bằng độ dày lớp ngay sát bên dưới nhân với 1,15. Khi độ dày lớp đạt 1200 m, các lớp tiếp theo đó sẽ được gán bằng 1200 m. Bước thời gian tích phân là 30 s, các sơ đồ tham số hóa đối lưu và sơ đồ bức xạ được kích hoạt 5 phút một lần. Sơ đồ tham số hóa đối lưu là sơ đồ Kain-Fritsch do Truong và NNK [8] cải tiến. Mô hình được ban đầu hóa sử dụng số liệu tái phân tích NCAR-NCEP của NOAA (National Oceanic and Atmospheric Administration). Bộ số liệu này bao gồm nhiệt độ khí quyển, độ ẩm tương đối, độ cao địa thế vị, trường gió kinh hướng và vĩ hướng được cho trên 17 mặt đẳng áp với độ phân giải ngang 2,5 o x 2,5 o. Các điều kiện biên trong quá trình tích phân được cập nhật 6 h một lần cũng sử dụng các trường tái phân tích này. Nhiệt độ mặt nước biển sử dụng cho ban đầu hóa mô hình là nhiệt độ mặt biển trung bình tuần với độ phân giải 1o x 1o. 3. Kết quả và thảo luận 3.1. Sự phát triển của front Mei-yu Trên Hình 1 đưa ra kết quả mô phỏng trường nhiệt độ thế ảo và vector gió mực 700 hPa cho các ngày 10-13 Tháng Sáu năm 2005 lúc 1200 UTC. Theo đó, trong ngày đầu một thấp nóng quan sát thấy ở rìa đông nam cao nguyên Tibet và một front Mei-yu kéo dài từ N.M. Trường và nnk. / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Tự nhiên và Công nghệ 27, Số 1S (2011) 244-253 246 miền trung Trung Quốc đến Nhật Bản (Hình 1a). Trong hai ngày tiếp theo, thấp nóng phát triển cùng với một rãnh lạnh di chuyển về phía đông dẫn đến sự phát triển của front trên Nhật Bản (Hình 1b,c). Điều đáng nói là thấp nóng ảnh hưởng rõ rệt đến miền bắc Việt Nam nhưng nó chưa bao giờ được các nhà khí tượng Việt Nam nhắc đến với tư cách là một cấu thành trong hệ thống front Mei-yu. Trong ngày cuối, một rãnh tái thiết lập ở phía bắc Trung Quốc và một chu kỳ phát triển mới bắt đầu (Hình 1d). Hình 1. Nhiệt độ thế ảo và vector gió mực 700 hPa lúc 1200 UTC các ngày 10 (a), 11 (b), 12 (c), và 13 (d) theo mô phỏng của mô hình RAMS. Đường đẳng trị cách nhau 1,5oK. Trong các ngày này gió tây ôn đới thịnh hành ở phía bắc front Mei-yu, trong khi đó gió tây đến tây nam nhiệt đới (dòng xiết mực thấp) phát triển và thổi qua khu vực Việt Nam, là nguồn cung cấp ẩm quan trọng cho front. Ngoài ra, một dòng gió tây ở rìa nam cao nguyên Tibet thổi qua Myanma đến Việt Nam, được cho là có khả năng mang theo các nhiễu động qui mô vừa, cũng được quan sát thấy. Trên mực 300 hPa, rãnh lạnh khơi sâu hơn nhiều tạo ra dòng xiết trên cao thổi từ phía bắc cao nguyên Tibet đến Nhật Bản và các đoạn front rất mạnh, kéo dài, phát triển cùng với sự phát triển của dòng xiết trên cao (hình vẽ không đưa ra). N.M. Trường và nnk. / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Tự nhiên và Công nghệ 27, Số 1S (2011) 244-253 247 3.2. Mưa Mei-yu Mưa mô phỏng tích lũy sau 24, 48, 72, và 96 giờ tích phân được chỉ ra trong Hình 2, với sự phù hợp rất tốt so với mưa quan trắc bằng vệ tinh TRMM (hình vẽ không đưa ra). Trong các ngày này rất nhiều trạm ở Bắc Bộ, nam Trung Bộ, và Nam Bộ quan trắc được lượng mưa hơn 25 mm ngày -1 . Có thể quan sát thấy mưa Mei- yu dưới dạng dải rất rõ phát triển cùng với sự phát triển của front từ miền trung Trung Quốc đến Nhật Bản. Điều đáng nói là hầu khắp lãnh thổ Việt Nam và khu vực Biển Đông đều xuất hiện mưa lớn với lượng mưa thậm chí còn lớn hơn lượng mưa Mei-yu trên lãnh thổ Trung Quốc. Một dải mưa lớn tồn tại trên khu vực giữa Biển Đông gắn với dòng xiết mực thấp như đã nói ở trên. Điều này có ý nghĩa trong thực tiễn là nếu các trung tâm dự báo của Trung Quốc và Nhật Bản cảnh báo/dự báo sự xuất hiện của front Mei-yu/Baiu thì các nhà khí tượng Việt Nam cần lưu ý vì rất có khả năng sẽ xuất hiện mưa lớn diện rộng trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, theo hiểu biết của chúng tôi, thì chưa bao giờ các nhà khí tượng Việt Nam cảnh báo mưa lớn có gắn với “front Mei- yu”. Một điều thú vị khác là mặc dù mưa lớn quan trắc thấy trên một lãnh thổ rộng lớn của Đông Á và Đông Nam Á nhưng trên khu vực Ấn Độ lại hầu như không xuất hiện mưa lớn diện rộng. Điều này một lần nữa minh chứng là gió mùa Đông Á không phải là sự phát triển đơn giản về phía đông của gió mùa Ấn Độ [9]. Hình 2. Mưa mô phỏng tích lũy 24 (a), 48 (b), 72 (c), và 96 (d) giờ, tính từ 0000 UTC ngày 10 tháng sáu năm 2005. N.M. Trường và nnk. / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Tự nhiên và Công nghệ 27, Số 1S (2011) 244-253 248 3.3. Vai trò của dòng xiết trên cao Trong các nghiên cứu về front và mùa Mei- yu, các tác giả luôn nhận thấy sự xuất hiện của dòng xiết trên cao [7]. Để đánh giá vai trò của dòng xiết trên cao, trong nghiên cứu này vận tốc gió sẽ được làm giảm bởi   -1 -1 45 0,3 45 , 45 ms , 45 ms V V V V V V       chỉ được áp dụng trên vùng biên phía đông và phía tây của miền tính. Như vậy chỉ có phần vận tốc gió lớn hơn 45 m s-1 bị làm giảm một lượng 70% trong khi hướng gió vẫn được giữ nguyên, hay nói cách khác là không làm thay đổi hội tụ/phân kỳ về hướng. Phương trình trên cũng đảm bảo rằng chỉ có vận tốc gió ở vùng biên phía đông và phía tây với độ cao tối thiểu trên mực 500 hPa mới bị làm giảm. Vì vùng biên phía đông và phía tây nằm rất xa khu vực front Mei-yu cần quan tâm do vậy giả thiết là chúng không gây ảnh hưởng vào vùng trung tâm. Để thuận tiện, mô phỏng này được ký hiệu là Jmod còn mô phỏng trong các mục trước được ký hiệu là Ctrl. Hiệu nhiệt độ thế ảo mực 300 hPa giữa hai mô phỏng Ctrl và Jmod được chỉ ra trong Hình 3. Có thể thấy là trong ngày đầu tiên khi dòng xiết trên cao chưa phát triển thì chênh lệch nhiệt độ không lớn lắm, với vùng “làm lạnh” ở rìa lạnh và “đốt nóng” ở rìa nóng của front Mei-yu. Hai ngày tiếp theo, vùng “làm lạnh” phát triển trên khu vực Nhật Bản (Hình 3b,c). Điều này cho thấy khi dòng xiết trên cao suy yếu thì biên độ rãnh lạnh khu vực Đông Á giảm đi, và do đó các mặt đẳng nhiệt độ thế nghiêng ít hơn. Trong ngày cuối, khi một rãnh mới được thiết lập trên khu vực phía bắc lãnh thổ Trung Quốc thì phân bố vùng “đốt nóng” và “làm lạnh” phức tạp hơn (Hình 3d). Rất rõ là qui mô dọc front của các vùng này có thể đạt đến qui mô synốp nhưng qui mô ngang qua front của chúng nói chung chỉ là qui mô vừa. Điều này rất đáng chú ý đối với các nghiên cứu về front và sẽ được đề cập đến trong một nghiên cứu khác. N.M. Trường và nnk. / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Tự nhiên và Công nghệ 27, Số 1S (2011) 244-253 249 Hình 3. Hiệu nhiệt độ thế ảo mực 300 hPa giữa Ctrl và Jmod lúc 1200 UTC các ngày 10 (a), 11 (b), 12 (c), và 13 (d) theo mô phỏng của mô hình RAMS. Giá trị dương cho bởi vùng mờ, giá trị âm là đường nét liền. Đẳng trị cách nhau 0,75oK. Để xem xét ảnh hưởng của việc làm giảm vận tốc dòng xiết trên cao đến các quá trình trong nửa dưới tầng đối lưu, Hình 4 đưa ra hiệu nhiệt độ thế ảo mực 700 hPa giữa hai mô phỏng Ctrl và Jmod. Tại 700 hPa vận tốc gió chắc chắn không đạt tới 45 m s-1 do vậy các biến đổi ở đây là do dòng xiết trên cao ảnh hưởng tới. Trong ngày đầu tiên khi dòng xiết trên cao chưa phát triển mạnh thì hầu như không có sự khác biệt đáng kể nào xảy ra (Hình 4a). Tuy nhiên, trong hai ngày tiếp theo có thể thấy sự xuất hiện luân phiên theo cả không gian và thời gian của các khu vực “đốt nóng” và “làm lạnh” qui mô vừa trong khu vực front Mei-yu và dòng xiết mực thấp (Hình 4b,c). Mặc dù vậy, hiệu ứng “đốt nóng” và “làm lạnh” ở 700 hPa có trễ so với mực 300 hPa (so sánh Hình 3b, 4b; 3c, 4c). Trong ngày cuối, khi rãnh lạnh tái thiết lập nhanh chóng ở phía bắc lục địa Trung Quốc thì phân bố các khu vực “đốt nóng” và “làm lạnh” là rất rõ với qui mô thậm chí đạt tới qui mô cận synốp. Như vậy, sự ảnh hưởng của cường độ dòng xiết trên cao có thể lan xa về phía nam đến các vĩ độ thấp như Việt Nam trong nửa dưới tầng đối lưu. Điều này phù hợp với nghiên cứu cảnh báo của Sampe và Xie [2] dựa trên các nguồn số liệu tái phân tích là dòng xiết trên cao có thể kích thích sự hình thành và dẫn đường các nhiễu động qui mô vừa di chuyển theo dòng trung bình trong khu vực front Mei- yu. Mặc dù vậy các nghiên cứu sâu hơn cần được tiến hành để có thể lý giải được hiện tượng này. N.M. Trường và nnk. / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Tự nhiên và Công nghệ 27, Số 1S (2011) 244-253 250 Hình 4. Giống Hình 3, ngoại trừ cho mực 700 hPa. Chênh lệch lượng mưa tích lũy 24, 48, 72, và 96 giờ giữa mô phỏng Ctrl và Jmod được đưa ra trong Hình 5. Việc giảm cường độ dòng xiết trên cao không đơn thuần chỉ làm tăng hoặc giảm lượng mưa mô phỏng tích lũy mà ngược lại có thể thấy đồng thời các khu vực tăng và giảm lượng mưa. Cũng giống như trường nhiệt độ thế ảo mực 700 hPa, hiệu lượng mưa tích lũy giữa hai tình huống mô phỏng thể hiện rõ ở qui mô vừa. Trong hai ngày đầu, chênh lệch là không nhiều (Hình 5a,b), ngược lại trong hai ngày cuối chênh lệch lượng mưa mô phỏng tích lũy là đáng kể (Hình 5c,d). Điều này một lần nữa minh họa hiệu ứng qui mô vừa của dòng xiết trên cao. Đáng chú ý là khi giảm cường độ dòng xiết trên cao lại dẫn đến sự tăng của lượng mưa trên khu vực trung tâm bán đảo Đông Dương, nơi dòng xiết mực thấp thổi qua. Nguyên nhân có thể là do tăng hội tụ ẩm ở khu vực này. 4. Kết luận Front Mei-yu/Baiu nói chung và mưa Mei- yu/Baiu nói riêng là hệ thống thời tiết có ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế-xã hội và cũng là nhân tố rất quan trọng trong cán cân nước của các quốc gia nơi nó hình thành như Trung Quốc, Hàn Quốc, và Nhật Bản. Do vậy chúng là hệ thống nổi tiếng trong hoàn lưu gió mùa mùa hè Châu Á và nhận được rất nhiều sự đầu tư nghiên cứu trong nhiều thập kỷ qua của các quốc gia nói trên. Việt Nam là một quốc gia N.M. Trường và nnk. / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Tự nhiên và Công nghệ 27, Số 1S (2011) 244-253 251 nằm gần khu vực hoạt động của front Mei-yu nhưng câu hỏi liệu thời tiết khu vực Việt Nam có bị ảnh hưởng bởi hoạt động của hệ thống này hay không chưa bao giờ được đặt ra nhằm nghiên cứu một cách thấu đáo. Hình 5. Giống Hình 3, ngoại trừ cho mưa mô phỏng tích lũy 24 (a), 48 (b), 72 (c), và 96 (d) giờ. Trong nghiên cứu này, đợt front Mei-yu từ ngày 10 đến 14 Tháng Sáu năm 2005 được xem xét. Kết quả mô phỏng cho thấy front Mei-yu mực 700 hPa được thể hiện dưới dạng một dải các đường nhiệt độ thế ảo dày xít kéo dài từ miền trung Trung Quốc đến Nhật Bản. Đồng thời một thấp nóng tồn tại ở rìa đông nam của cao nguyên Tibet. Khi thấp nóng này phát triển thì đoạn front trên lục địa Trung Quốc suy yếu trong khi một rãnh lạnh khơi sâu trên bờ lục địa Á-Âu, làm tăng cường độ front ở phía nam Nhật Bản. Khi rãnh di chuyển về phía đông, front trên lục địa Trung Quốc có cơ hội tái thiết lập và mạnh lên. Dòng xiết mực thấp gió tây- tây nam thổi qua Việt Nam hướng về phía đoạn front trên khu vực Nhật Bản, là nguồn cung cấp ẩm cho hệ thống front. Trên mực 300 hPa, dòng xiết trên cao thổi qua phía bắc cao nguyên Tibet đến Nhật Bản, đồng thời front Mei-yu được quan sát thấy phát triển cùng với sự phát triển của dòng xiết trên cao. N.M. Trường và nnk. / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Tự nhiên và Công nghệ 27, Số 1S (2011) 244-253 252 Kết quả mô phỏng mưa cho thấy là mưa Mei-yu được tổ chức tốt thành dạng dải kéo dài từ miền trung Trung Quốc đến Nhật Bản. Cũng giống như nhiều trường hợp front Mei-yu khác, một vùng mưa lớn xuất hiện trên thung lũng sông Yangtze, nơi có đập thủy điện lớn nhất trên thế giới. Đây chính là một trong những lý do lớn nhất khiến các nhà khí tượng Trung Quốc quan tâm đến loại front này. Đáng nhấn mạnh là trong thời kỳ này mưa lớn diện rộng xuất hiện trên hầu khắp lãnh thổ Việt Nam, thậm chí dải mưa lớn trên khu vực trung tâm Biển Đông, dọc theo dòng xiết mực thấp, có lượng mưa còn lớn hơn mưa Mei-yu ở trung tâm Trung Quốc. Dưới góc độ dự báo tác nghiệp, các nhà khí tượng Việt Nam không thể không quan tâm đến các dự báo/cảnh báo front Mei-yu/Baiu của các trung tâm ở Trung Quốc và Nhật Bản trong mùa gió mùa mùa hè. Sự suy yếu dòng xiết trên cao thông qua việc làm giảm vận tốc dòng xiết trên biên phía đông và phía tây cho thấy sự xuất hiện các khu vực “làm lạnh” ở rìa lạnh và “đốt nóng” ở rìa nóng của front trên mực 300 hPa. Vùng “làm lạnh” mạnh nhất xảy ra trên khu vực Nhật Bản cho thấy dòng xiết trên cao suy yếu sẽ dẫn tới việc làm giảm biên độ của rãnh lạnh gần bờ Đông Á. Các khu vực này có qui mô vĩ hướng đạt tới qui mô synốp, trong khi theo chiều kinh hướng chúng chỉ tương đương với qui mô vừa. Mặc dù dòng xiết trên cao tồn tại ở độ cao ít nhất là trên mực 500 hPa, nhưng kết quả mô phỏng cho thấy sự xuất hiện luân phiên theo cả không gian và thời gian của các nhiễu động qui mô vừa trong nửa dưới tầng đối lưu. Kết quả là dẫn tới sự tăng, giảm lượng mưa tích lũy xảy ra ở qui mô vừa. Điều này minh chứng rõ ràng vai trò của dòng xiết trên cao trong việc kích thích và dẫn đường các nhiễu động qui mô vừa đã được ghi nhận trong các nghiên cứu cảnh báo trước đây. Mặc dù vậy, nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này sẽ được chúng tôi đề cập đến trong các nghiên cứu tiếp theo. Lời cảm ơn Nghiên cứu này được sự hỗ trợ của đề tài NAFOSTED mã số 105.10-2010.09. Số liệu tái phân tích NCEP-NCAR được NOAA cung cấp trên trang Web ftp://ftp.cdc.noaa.gov/pub/Datasets/ncep.reanal ysis/. Số liệu nhiệt độ bề mặt biển được lấy từ ftp://ftp.emc.ncep.noaa.gov/cmb/sst/oisst_v2/. Tài liệu tham khảo [1] Wang, Y., O. L. Sen, B. Wang, A highly resolved regional climate model (IPRC-RegCM) and its simulation of the 1998 severe precipitation event over China. Part I: Model description and verification of simulation. J. Climate 16 (2003) 1721. [2] Sampe, T., S-P. Xie, Large-scale dynamics of the Meiyu-Baiu rainband: Environmental forcing by the westerly jet. J. Climate 23 (2010) 113. [3] Chien, F.-C., Y.-H. Kuo, M.-J. Yang, Precipitation forecast of MM5 in the Taiwan area during the 1998 Mei-yu season, Wea. Forecasting, 17 (2002) 739. [4] Zhang, Q.-H., K.-H. Lau, Y.-H. Kuo, S.-J. Chen, A numerical study of a mesoscale convective system over the Taiwan strait. Mon. Wea. Rev., 131 (2003) 1150. [5] Chen, G. T.-J., C.-C. Wang, and L.-F. Lin, A diagnostic study of a retreating Mei-yu front and the accompanying low-level jet formation and intensification. Mon. Wea. Rev., 134 (2006) 874. [6] Qian, J.-H., W.-K. Tao, K.-M. Lau, Mechanisms for torrential rain associated with the Mei-yu development during SCSMEX 1998. Mon. Wea. Rev., 132 (2004) 3. [7] Ninomiya, K., Y. Shibagaki, Multi-scale features of the Meiyu-Baiu front and associated precipitation systems. J. Meteor. Soc. Japan 85 (2007) 103. [8] Truong, N. M., T. T. Tien, R. A. Pielke Sr., C. L. Castro, G. Leoncini, A modified Kain-Fritsch scheme and its application for simulation of an extreme precipitation event in Vietnam. Mon. Wea. Rev., 137 (2009) 766. [9] Yihui, D., J. C. L. Chan, The East Asian summer monsoon: An overview. Meteorol. Atmos. Phys., 89 (2005) 117. N.M. Trường và nnk. / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Tự nhiên và Công nghệ 27, Số 1S (2011) 244-253 253 Large-scale circulation and precipitation over Vietnam region during the Mei-yu period: The role of the upper-level jet Nguyen Minh Truong1, Vu Thanh Hang1, Bui Hoang Hai1, Cong Thanh1, Le Thi Thu Ha2 1 Faculty of Hydro-Meteorology & Oceanography, Hanoi University of Science, VNU, 334 Nguyen Trai, Hanoi, Vietnam 2 National Center for Hydro-Meteorological Forecasting, 4 Dang Thai Than, Hoan Kiem, Hanoi, Vietnam Using the NCAR-NCEP reanalysis data to simulate the Mei-yu front occurring from 10 to 14 June 2005, the Regional Atmospheric Modeling System (RAMS) model gives simulations which show that the Mei-yu front may lead to heavy rainfall over all Vietnam region. It also appears that the development of the front coincides with the intensification of the upper-level jet. When the upper-level jet is artificially weakened at the western and eastern boundary regions, the amplification of the cold trough is remarkably reduced over Japan and mesoscale disturbances are observed in the lower troposphere, which associate with mesoscale changes in the accumulative rainfall. These demonstrate that the upper-level jet may excite and steer the mesoscale disturbances at lower levels as suggested by previous observational studies. Keywords: Mei-yu front, Mei-yu precipitation, upper-level jet, mesoscale disturbances.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfnghien_cuu_thuy_van_96__8472.pdf
Tài liệu liên quan