Khái niệm lỗi trong trách nhiệm dân sự

Trở lại với khái niệm lỗi trong khoa học pháp lý cũng như trong pháp luật dân sự Việt Nam. Theo quan điểm của chúng tôi trong Luật dân sự không thể coi lỗi là trạng thái tâm lý, là nhận thức của chủ thể đối với hành vi và hậu quả do hành vi đó gây ra. Ví dụ theo hợp đồng mua bán hàng hóa thì người mua phải trả tiền khi nhận hàng. Nếu người mua không trả tiền tức là có lỗi và phải chịu trách nhiệm dân sự do luật định. Không thể dùng trạng thái tâm lý để định giá lỗi của người mua như quan niệm truyền thống về lỗi. Để xác định lỗi của người mua chúng ta sử dụng tiêu chí khác, tiêu chí đó là đối với người bình thường khi mua hàng thì phải thanh toán, thế nhưng người này đã không thanh toán tiền mua hàng, vì vậy bị coi là có lỗi, lỗi này được coi là lỗi cố ý. Một ví dụ khác, một người cho người khác (không có bằng lái) mượn xe máy nhưng không hỏi người này có bằng lái hay chưa, và người này khi lưu thông gây tai nạn. Đương nhiên theo luật thì người cho mượn xe phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cùng người mượn xe.

doc8 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2890 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Khái niệm lỗi trong trách nhiệm dân sự, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
KHÁI NIỆM LỖI TRONG TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ ) Trong khoa học pháp lý tồn tại quan điểm cho rằng cơ sở phát sinh trách nhiệm pháp luật dân sự là các yếu tố cấu thành vi phạm pháp luật dân sự. Một trong những yếu tố cấu thành đó là lỗi của người vi phạm. Theo nguyên tắc chung thì lỗi là điều kiện cần thiết để áp dụng trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ dân sự. Chính vì vậy mà quy phạm về trách nhiệm do có lỗi được đưa vào Bộ Luật dân sự. Khoản 1 Điều 309 Bộ Luật dân sự 1995 (BLDS) quy định rằng, người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự thì phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Mặc dù pháp luật dân sự coi lỗi là điều kiện tiên quyết để áp dụng trách nhiệm dân sự nhưng lại không đưa ra định nghĩa rõ ràng về lỗi. Điều này đã gây ra một số bất cập trong việc xác định trách nhiệm khi có hành vi vi phạm pháp luật dân sự, đặc biệt là trong trách nhiệm dân sự liên đới. Trong một số giáo trình luật dân sự cũng như trong một số ấn phẩm pháp lý khác các tác giả định nghĩa lỗi như là căn cứ để xác định trách nhiệm dân sự dựa trên trạng thái tâm lý và mức độ nhận thức của một người đối với hành vi của mình và hậu quả do hành vi đó gây ra [1]. Khi so sánh khái niệm lỗi ở trên với định nghĩa lỗi trong khoa học luật hình sự cũng như so sánh khoản 2 Điều 309 BLDS 1995 với Điều 9 và Điều 10 Bộ Luật hình sự 1985 (BLHS) chúng ta nhận thấy rằng các tác giả trên và người soạn thảo khoản 2 Điều 309 BLDS 1995 đã lấy toàn bộ ý tưởng dùng để xây dựng yếu tố lỗi trong cấu thành tội phạm được quy định trong BLHS. Theo quan điểm của chúng tôi thì cách xác định và đánh giá lỗi để áp dụng trách nhiệm dân sự hoàn toàn khác với cách xác định và đánh giá lỗi để truy cứu trách nhiệm hình sự. Trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự là hai chế định hoàn toàn khác nhau và được xây dựng trên những nguyên tắc hoàn toàn khác nhau, vì vậy không thể xây dựng định nghĩa lỗi trong trách nhiệm dân sự dựa trên cơ sở định nghĩa lỗi trong trách nhiệm hình sự.  Theo quan điểm của chúng tôi thì cần thiết phải có một định nghĩa đúng đắn về lỗi trong pháp luật dân sự. Theo Luật La Mã, lỗi (Culpa) là sự không tuân thủ hành vi mà pháp luật yêu cầu: “Không có lỗi nếu như tuân thủ tất cả những gì được yêu cầu”. Trong Luật La Mã, lỗi cũng được phân chia thành lỗi cố ý (dolus) và lỗi vô ý (culpa) và nói chung giống quy định của khoản 2 Điều 309 BLDS Việt Nam. Tuy nhiên trong Luật La Mã có một điều khác biệt đó là trong trường hợp lỗi cố ý thì thỏa thuận của các bên về miễn trừ trách nhiệm không có hiệu lực. Trong Luật La Mã lỗi vô ý được nói đến nhiều hơn bởi rằng lỗi cố ý đã quá rõ ràng để áp dụng trách nhiệm. Được coi là lỗi vô ý nếu như không nhìn thấy trước được những gì mà mọi người chu đáo, cẩn thận có thể nhìn thấy. Lỗi vô ý cũng được chia thành hai loại. Lỗi vô ý không đáng kể tức là người có lỗi không thể hiện mức độ quan tâm chu đáo mà một người chủ nhân hậu hay một người đứng đầu chu đáo phải có. Lỗi vô ý nghiêm trọng tức là khi người có lỗi không thể hiện được mức độ quan tâm cần phải có ở tất cả mọi người trong hoàn cảnh tương tự, mà trong hành động (không hành động) của họ không thể hiện được sự hiểu biết tất cả những gì mà những người bình thường khác đều biết được [2]. Các Luật gia La Mã xây dựng kiểu người chu đáo và cần mẫn để làm tiêu chuẩn khi xác định mức độ quan tâm, chu đáo của người vi phạm trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình cũng như mức độ trách nhiệm của họ. Vì lỗi vô ý không đáng kể là sự không tuân thủ những tiêu chuẩn do các luật gia La Mã quy định nên loại lỗi này được gọi là lỗi theo tiêu chuẩn trừu tượng.  Các nhà làm luật La Mã còn nói đến một loại lỗi vô ý nữa tức là lỗi được xác định theo tiêu chuẩn cụ thể. Khi người vi phạm không thực hiện sự quan tâm phải có như khi thể hiện nó trong công việc của mình. Như vậy Luật La Mã không đả động gì đến trạng thái tâm lý của chủ thể đối với hành vi của mình và hậu quả do hành vi đó gây ra khi xác định lỗi. Chúng ta thấy rằng các luật gia La Mã trên cơ sở các điều kiện thực tế thời bấy giờ đã đưa ra khái niệm lỗi hợp lý trong trách nhiệm dân sự. Khái niệm lỗi trong Luật dân sự cũng như trong khoa học pháp luật dân sự của các nước Châu Âu lục địacơ bản giống với khái niệm lỗi được định nghĩa trong luật dân sự La Mã. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi rằng các hệ thống pháp luật nói trên được xây dựng trên cơ sở các quy định của Luật La Mã. Pháp luật của các nước Châu Âu lục địa coi lỗi của người vi phạm nghĩa vụ là điều kiện cơ bản của trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ. Luật dân sự của các nước này xuất pháp từ nguyên tắc suy đoán có lỗi, tức là người vi phạm phải chứng minh rằng mình không có lỗi. Ví dụ: Điều 1147 BLDS Cộng hòa Pháp, Mục 282 BLDS của Đức, đều quy định: người có quyền chỉ phải chứng minh rằng người có nghĩa vụ không thực hiện hay thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình. Mặc dù pháp luật của các nước nói trên không định nghĩa khái niệm lỗi, nhưng có quy định các hình thức lỗi khác nhau: Cố ý và vô ý. Để phân biệt các hình thức lỗi, người ta sử dụng tiêu chí là mức độ quan tâm chu đáo mà người có nghĩa vụ cần phải thể hiện khi thực hiện nghĩa vụ. Ở đây các nhà làm luật không nói đến khả năng của một người có nghĩa vụ cụ thể mà chỉ nói đến những tiêu chuẩn trừu tượng: Đó là sự thể hiện sự quan tâm lo lắng phù hợp với tập quán lưu thông dân sự hoặc đặc trưng của người chủ cần mẫn. Trong luật dân sự của Đức tiêu chuẩn quan tâm đúng đắn của thương gia lương thiện được sử dụng để xác định lỗi của người vi phạm nghĩa vụ (Mục 346 BLDS Đức). Trong một số nghĩa vụ riêng biệt mang tính chất không hoàn lại người ta sử dụng tiêu chí ít khắt khe hơn trong việc đánh giá hành vi của người vi phạm nghĩa vụ, cụ thể là mức độ quan tâm mà người có nghĩa vụ thể hiện trong công việc của chính mình, để thay thế cho tiêu chuẩn trừu tượng là sự quan tâm đặc trưng của người chủ tốt hoặc phù hợp với tập quán của lưu thông dân sự kinh tế. Quan điểm này được thể hiện trong các quy phạm điều chỉnh trách nhiệm dân sự theo hợp đồng gửi giữ, ủy quyền và một số loại khác. Đặc điểm chung của pháp luật các nước Châu Âu lục địa là trao cho các bên của quan hệ nghĩa vụ quyền tự xác định cơ sở miễn trừ trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên theo nguyên tắc thì thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm dân sự của các bên do lỗi cố ý được coi là không có hiệu lực. Ví dụ: Mục 276 BLDS Đức. Trong mọi trường hợp khi người vi phạm muốn được miễn trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ thì họ phải chứng minh rằng mình không có lỗi. Theo nguyên tắc, người vi phạm nghĩa vụ đạt được mục đích này chỉ trong trường hợp nếu họ chứng minh được rằng nghĩa vụ không được thực hiện là do những yếu tố khách quan không phụ thuộc họ gây ra. Điều này có nghĩa là các yếu tố khách quan nói trên làm cho việc thực hiện nghĩa vụ trở thành không thể được. Các yếu tố miễn trừ trách nhiệm dân sự của người vi phạm nghĩa vụ do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo pháp luật của các nước Châu Âu lục địa được gọi là yếu tố bất khả kháng. Theo nguyên tắc này, người vi phạm được miễn trừ trách nhiệm nếu chứng minh được rằng việc thực hiện nghĩa vụ là hoàn toàn không thể được. Luật pháp và thực tiễn xét xử ở các nước này luôn theo nguyên tắc: Pacta sunt servanda (ví dụ Điều 1134 BLDS Pháp), tức là không có lỗi, không có trách nhiệm. Tòa án không xem xét những viện cớ của người vi phạm nghĩa vụ về các lý do như: sự thay đổi giá cả thị trường, điều kiện kỹ thuật, việc người thứ ba không thực hiện nghĩa vụ đối với người vi phạm, và những yếu tố khác làm cho việc thực hiện nghĩa vụ trở nên khó khăn hơn. Nguyên tắc Pacta sunt servanda phù hợp với các nước công nghiệp phát triển bởi vì nền kinh tế ở các nước này tương đối ổn định, không có những cuộc khủng hoảng trầm trọng, sự tự do cạnh tranh được pháp luật bảo đảm ở một mức độ cao [3]. Khác với pháp luật của các nước châu Âu lục địa, pháp luật của các nước Anh – Mỹ không coi lỗi là điều kiện tiên quyết để áp dụng trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ. Mức độ và hình thức của lỗi hoàn toàn không có ý nghĩa trong việc xác định phạm vi mức độ của trách nhiệm. Trên góc độ pháp lý đối với người vi phạm nghĩa vụ hoàn toàn không quan trọng khi sự vi phạm là có chủ ý, vô ý hay hoàn toàn không có lỗi. Những ngoại lệ của nguyên tắc này không đề cập đến những quy định chủ yếu của trách nhiệm dân sự. Lỗi chỉ được xem xét khi xác định phạm vi bồi thường thiệt hại theo trách nhiệm ngoài hợp đồng, nhưng chỉ trong một số trường hợp. Như vậy nguyên tắc lỗi không ảnh hưởng đến phạm vi bồi thường thiệt hại vẫn là nguyên tắc bất biến. Nguyên tắc cơ bản của pháp luật Anh là hợp đồng phải được thực hiện trong mọi trường hợp và không phụ thuộc vào lỗi của người vi phạm. Nếu một người nào đã nhận lấy nghĩa vụ theo hợp đồng thì không thể từ chối thực hiện nó. Nguyên tắc này được gọi là trách nhiệm tuyệt đối. Trách nhiệm tuyệt đối về mặt lôgic xuất phát từ nội dung và bản chất của hợp đồng trong luật pháp Anh. Hợp đồng được coi như là lời hứa, sự đảm bảo của bên con nợ đối với chủ nợ. Ở đây con nợ không phải bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thực tế mà chỉ bảo đảm việc nhập vào tài sản của chủ nợ một số tiền nhất định. Theo quan điểm này thì việc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ không thể xảy ra, bởi vì tiền bao giờ cũng có thể trả được, trừ trường hợp con nợ bị phá sản. Pháp luật Mỹ không điều chỉnh thủ tục áp dụng các hình thức lỗi khác nhau đối với một số loại nghĩa vụ hợp đồng riêng biệt mà quy định cơ sở miễn trừ trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ. Ví dụ: Điều 2 – 613 Bộ Luật thương mại thống nhất của Mỹ quy định rằng để thực hiện hợp đồng cần phải có hàng hóa tại thời điểm ký kết hợp đồng. Trong trường hợp hàng hóa bị thiệt hại không phải do lỗi của bất kỳ một bên nào trước thời điểm rủi ro được chuyển cho người mua, nếu hàng hóa bị thiệt hại toàn bộ thì hợp đồng mất hiệu lực; nếu hàng hóa bị thiệt hại một phần và không còn phù hợp với điều kiện của hợp đồng thì người mua có thể yêu cầu kiểm tra hàng hóa và theo sự lựa chọn của mình hoặc coi hợp đồng mất hiệu lực hoặc tiếp nhận hàng hóa và yêu cầu giảm giá, tuy nhiên trong trường hợp này người mua sẽ mất quyền yêu cầu đối với người bán về chất lượng của hàng hóa. Tóm lại, pháp luật Anh - Mỹ không coi lỗi là căn cứ phát sinh trách nhiệm dân sự, vì vậy họ không đưa ra định nghĩa khái niệm lỗi. Còn Luật La Mã và các nước Châu Âu lục địa coi lỗi là căn cứ phát sinh trách nhiệm dân sự, tuy nhiên họ không định nghĩa lỗi trên cơ sở trạng thái tâm lý của chủ thể mà khi xem xét lỗi họ dựa trên tiêu chuẩn mức độ quan tâm của chủ thể đến việc thực hiện nghĩa vụ của mình. Trở lại với khái niệm lỗi trong khoa học pháp lý cũng như trong pháp luật dân sự Việt Nam. Theo quan điểm của chúng tôi trong Luật dân sự không thể coi lỗi là trạng thái tâm lý, là nhận thức của chủ thể đối với hành vi và hậu quả do hành vi đó gây ra. Ví dụ theo hợp đồng mua bán hàng hóa thì người mua phải trả tiền khi nhận hàng. Nếu người mua không trả tiền tức là có lỗi và phải chịu trách nhiệm dân sự do luật định. Không thể dùng trạng thái tâm lý để định giá lỗi của người mua như quan niệm truyền thống về lỗi. Để xác định lỗi của người mua chúng ta sử dụng tiêu chí khác, tiêu chí đó là đối với người bình thường khi mua hàng thì phải thanh toán, thế nhưng người này đã không thanh toán tiền mua hàng, vì vậy bị coi là có lỗi, lỗi này được coi là lỗi cố ý. Một ví dụ khác, một người cho người khác (không có bằng lái) mượn xe máy nhưng không hỏi người này có bằng lái hay chưa, và người này khi lưu thông gây tai nạn. Đương nhiên theo luật thì người cho mượn xe phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cùng người mượn xe. Chúng ta hãy xem xét lỗi của từng người. Lỗi của người cho mượn xe là không xử sự như những người bình thường khác, tức là đã không quan tâm đến việc người mượn xe có bằng lái hay không, rõ ràng lỗi ở đây được thể hiện bằng mức độ quan tâm chứ không phải sự nhận thức đối với hành vi. Giả sử người cho mượn xe biết người mượn xe không có bằng lái nhưng vẫn cho mượn thì theo quan niệm lỗi là trạng thái tâm lý thì người cho mượn nhận thức được hành vi cho mượn của mình và nhận thức được hậu quả có thể xảy ra khi người điều khiển xe máy không có bằng lái. Sự nhận thức ở đây mang tính trừu tượng và không dựa trên một tiêu chí cụ thể nào. Còn nếu xem xét lỗi là mức độ quan tâm của chủ thể thì sẽ đơn giản hơn nhiều và có tiêu chí cụ thể để đánh giá sự quan tâm đó. Tiêu chí đó được thể hiện là không một người bình thường nào lại cho người không có bằng lái mượn xe máy khi mà theo quy định của pháp luật người điều khiển xe máy phải có bằng lái. Như vậy người cho mượn xe đã không hành động như những người bình thường khác, vì vậy bị coi là có lỗi. Đối với người mượn xe xác định theo mức độ quan tâm cẩn thận của chủ thể thì tiêu chí để xác định lỗi của người này là: Tất cả những người bình thường khác sẽ không điều khiển xe máy phân khối lớn khi không có bằng, vì vậy không có bằng lái vẫn điều khiển xe máy thì bị coi là có lỗi. Trong Luật dân sự, nhiều trường hợp hành vi vi phạm nghĩa vụ diễn ra trong một quá trình và có thể nói là không liên quan gì đến trạng thái tâm lý hay nhận thức của người vi phạm. Ví dụ theo hợp đồng gửi giữ tài sản, người giữ tài sản phải chịu trách nhiệm khi tài sản bị hư hỏng hay mất mát. Việc tài sản bị hỏng hay mất mát rõ ràng do lỗi của người giữ tài sản. Ở đây tiêu chí để xác định lỗi của người giữ tài sản không phải là trạng thái tâm lý hay sự nhận thức mà là mức độ quan tâm của người giữ tài sản đến việc thực hiện nghĩa vụ của mình. Nói một cách khác trong trường hợp này người giữ tài sản bị coi là có lỗi vì đã không thể hiện được sự quan tâm chu đáo mà bất kỳ một người bình thường nào trong hoàn cảnh tương tự cần phải có để thực hiện nghĩa vụ của mình. Khác với nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự trong nhiều trường hợp được áp dụng do hành vi của người khác gây ra. Điều 625 BLDS 1995 quy định rằng, trường học, bệnh viện, các tổ chức khác nếu có lỗi trong việc quản lý thì phải liên đới cùng cha mẹ, người giám hộ bồi thường thiệt hại do người chưa đủ 15 tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự gây ra cho người khác trong thời gian trường học, bệnh viện, các tổ chức khác quản lý những người đó; nếu trường học, bệnh viện, các tổ chức khác không có lỗi thì cha mẹ, người giám hộ phải bồi thường. Theo điều luật này, việc xác định lỗi của trường học, bệnh viện hay các tổ chức khác rõ ràng không thể dựa trên cơ sở trạng thái tâm lý hay sự nhận thức của các tổ chức đó đối với hành vi của người dưới 15 tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự và hậu quả do hành vi đó gây ra, mà lỗi của các tổ chức nói trên phải được xác định dựa trên cơ sở mức độ quan tâm mà các tổ chức đó biểu hiện khi thực hiện nghĩa vụ quản lý người dưới 15 tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự. Theo quan điểm của chúng tôi, nếu xác định lỗi của pháp nhân dựa trên cơ sở trạng thái tâm lý tức là nhận thức của chủ thể, trong trường hợp này nhận thức của pháp nhân là một việc hết sức khó khăn trong luật dân sự. Bộ Luật dân sự, khoản 2 Điều 309 chỉ quy định chung chung hai hình thức lỗi. Trong khoa học pháp lý vấn đề lỗi của pháp nhân trong việc vi phạm nghĩa vụ dân sự chưa được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng. Theo quan điểm của một số luật gia thì không thể coi lỗi của các nhân viên riêng biệt là lỗi của pháp nhân, mà lỗi của pháp nhân là lỗi của cả tập thể như là một thể thống nhất [4]. Một số khác lại cho rằng lỗi của pháp nhân chỉ có thể được biểu hiện qua hành vi có lỗi của các thành viên pháp nhân khi thực hiện nghĩa vụ lao động nghề nghiệp của mình. Ví dụ: lỗi của Công ty kinh doanh trong việc chậm giao hàng do thiếu nhân công hay máy móc bị hỏng được thể hiện trong hành vi có lỗi của người lãnh đạo, người này đã không áp dụng kịp thời những biện pháp để khắc phục những thiếu sót sai lầm trong hoạt động của công ty mình. Lỗi của pháp nhân cũng có thể được thể hiện trong hành vi có lỗi của công nhân khi gia công những sản phẩm không phù hợp.  Khi phân tích các quan điểm trên chúng ta thấy rằng chúng đều có một điểm chung đó là lỗi của pháp nhân được xây dựng trên cơ sở trạng thái tâm lý sự nhận thức hoặc là của một cá nhân riêng biệt hoặc là của tập thể thống nhất, đối với hành vi của mình và hậu quả của nó. Sở dĩ có các quan điểm nói trên là vì tất cả các tác giả đó đều quan niệm lỗi là trạng thái tâm lý của người thực hiện hành vi trái luật. Một người khi thực hiện công việc của mình theo hợp đồng lao động với pháp nhân đã gây thiệt hại cho người thứ ba thì rõ ràng người này phải chịu trách nhiệm trước pháp nhân bởi đã thực hiện không đúng nghĩa vụ lao động được quy định trong hợp đồng. Trong trường hợp này, người vi phạm có thể chịu trách nhiệm hình sự nếu hành vi trái luật đó có đầy đủ các dấu hiệu của tội phạm và hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm dân sự trước người thứ ba, chỉ có pháp nhân hay tổ chức quản lý người đó phải chịu trách nhiệm trước người thứ ba. Như vậy chúng ta thấy rằng lỗi của pháp nhân trong trường hợp này không phải là trạng thái tâm lý hay là sự nhận thức mà là pháp nhân không quan tâm một cách đúng mức đến hành động của nhân viên mình.  Theo quan điểm của chúng tôi, trong khoa học pháp lý của Việt Nam, khái niệm lỗi được xây dựng trên cơ sở trạng thái tâm lý do ảnh hưởng của các luật gia của Liên Xô cũ mà các luật gia này xây dựng khái niệm lỗi trên hai phương pháp nghiên cứu sau đây: Thứ nhất, việc đưa vào khoa học Luật dân sự một cách gượng ép những qui định và phương pháp nghiên cứu các môn khoa học khác: như tâm lý học, khoa học Luật hình sự… thúc đẩy sự xuất hiện quan điểm về lỗi được nói ở trên. Các luật gia của Liên Xô cũ cho rằng, mặc dù lỗi là một khái niệm pháp lý nhưng chỉ với sự giúp đỡ của các thủ pháp pháp lý thì không thể làm rõ bản chất của nó, bởi vì những nguyên tắc cơ bản của triết học về tự do ý chí và sự cần thiết về sự hoạt động tích cực của con người trong sự tác động thay đổi thế giới khách quan là tiền đề tâm lý chung của khái niệm lỗi. Thứ hai, việc xuất hiện quan điểm về trạng thái tâm lý của lỗi trong trách nhiệm dân sự được xác định bởi hệ tư tưởng trong xã hội Xô Viết. Việc lý giải về mặt tâm lý khái niệm lỗi khẳng định một cách có thuyết phục rằng, lỗi là một khái niệm có tính lịch sử, giai cấp. Mỗi giai cấp có quan niệm của mình về luật pháp, về luân lý được sinh ra bởi những quan hệ sản xuất nhất định. Mỗi giai cấp có một quan niệm riêng của mình về lỗi như căn cứ của trách nhiệm [5]. Trên cơ sở phân tích các quan điểm khác nhau cũng như quy định của các hệ thống pháp luật khác nhau chúng ta thấy rằng không thể xây dựng định nghĩa khái niệm lỗi dựa trên cơ sở thái độ tâm lý và nhận thức của chủ thể trách nhiệm dân sự đối với hành vi của mình và hậu quả do hành vi đó gây ra. Theo quan điểm của chúng tôi phải xây dựng khái niệm lỗi dựa trên sự quan tâm, chu đáo của chủ thể đối với việc thực hiện nghĩa vụ của mình. Một cá nhân hay pháp nhân, được coi là không có lỗi nếu khi áp dụng tất cả mọi biện pháp để thực hiện đúng nghĩa vụ đã biểu hiện sự quan tâm chu đáo mà tính chất của nghĩa vụ và điều kiện lưu thông dân sự yêu cầu đối với họ./. ================== Chú thích:  [1] Xem: Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập 2 do Nguyễn Minh Tuấn chủ biên, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 1997, tr 45.  [2] Luật Tư pháp La Mã, sách giáo khoa do I.B.Novisky, I.C.Petersky chủ biên, Moscow, 1996, tr 347 - 350. Bản tiếng Nga.  [3] Vasilev, Luật dân sự và thương mại của các nước tư bản, Moscow, 1993, tr 289. Bản tiếng Nga.  [4] Maivayev G.K, Lỗi trong luật dân sự Xô Viết, Kiev, 1955, tr 216. Bản tiếng Nga.  [5] Maivayev G.K, Lỗi trong luật dân sự Xô Viết, Kiev, 1955, tr 216. Bản tiếng Nga.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docKhái niệm lỗi trong trách nhiệm dân sự.doc
Tài liệu liên quan