Nhận xét: triệu chứng cơ năng dị ứng mũi ở mẫu nghiên cứu rất rõ ràng,
85,63% BN có cả 4 triệu chứng: ngứa mũi, hắt hơi, sổ mũi và nghẹt mũi.
93,13% Có 2 triệu chứng ngứa mũi + nhảy mũi và một trong 2 triệu chứng
nghẹt mũi và sổ mũi và 98,75% Có triệu chứng sổ mũi và một trong 3 triệu
chứng: ngứa mũi, nhảy mũi và nghẹt mũi. Trong 4 triệu chứng trên thì hắt
hơi, sổ mũi chiếm tỷ lệ rất cao: 98,75%.
38 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 1867 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Khảo sát tỷ lệ bệnh hen kèm theo ở bệnh nhân viêm mũi xoang mạn có biểu hiện dị ứng và skin prick test dương tính, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
KHẢO SÁT TỶ LỆ BỆNH HEN KÈM THEO Ở BỆNH NHÂN
VIÊM MŨI XOANG MẠN CÓ BIỂU HIỆN DỊ ỨNG
VÀ SKIN PRICK TEST DƯƠNG TÍNH
TÓM TẮT
Đặt vấn đề: nhiều giả thuyết cho rằng viêm mũi dị ứng và hen là một bệnh,
xảy ra ở hai vị trí khác nhau trên đường hô hấp. Trên thế giới, có khá nhiều
nghiên cứu dịch tễ học về mối liên quan giữa hai bệnh hen và viêm mũi dị
ứng, tại Việt Nam, vẫn chưa có nghiên cứu nào về mối liên quan giữa 2 bệnh
này.
Mục tiêu: Khảo sát tỷ lệ bệnh hen kèm theo và những triệu chứng gợi ý hen
thường gặp ở bệnh nhân viêm mũi xoang mạn có biểu hiện dị ứng và skin
prick test dương tính.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: thiết kế nghiên cứu tiền cứu, mô tả,
cắt ngang. Cỡ mẫu N=160. Tiêu chuẩn chọn mẫu: những bệnh nhân từ 16
tuổi trở lên viêm mũi xoang mạn có triệu chứng dị ứng mũi và skin prick test
(SPT) dương tính với một trong 3 dị nguyên: Blomia tropicalis (B.T),
Dermatophagoides farinae (D.F), Dermatophagoides pteronyssinus (D.P).
Tất cả bệnh nhân trong mẫu được khám và đo chức năng hô hấp tìm bệnh
hen.
Kết quả: Tỷ lệ hen phế quản ở bệnh nhân viêm mũi xoang có biểu hiện dị
ứng và SPT dương là 30%. Những triệu chứng gợi ý hen thường gặp ở bệnh
nhân viêm mũi xoang có biểu hiện dị ứng và SPT dương là: ho, nặng ngực
về đêm.
Kết luận: Tỷ lệ hen phế quản kèm theo ở bệnh nhân viêm mũi xoang có biểu
hiện dị ứng và SPT dương là 30%. Những triệu chứng gợi ý hen thường gặp
ở bệnh nhân viêm mũi xoang mạn có biểu hiện dị ứng và SPT dương là: ho,
nặng ngực về đêm.
ASBTRACT
RISK OF ASTHMA IN SUBJECTS WITH ALLERGIC
RHINOSINUSITIS: A CROSS-SECTIONAL STUDY FROM 7/2007 TO
8/2008 AT ENT HOSPITAL, HCMCITY, VIETNAM
Tran Doan Trung Cang, Nguyen Thi Ngoc Dung, Le Thi Tuyet Lan
* Y Hoc TP. Ho Chi Minh * Vol. 13 – Supplement of No 1 - 2009: 256 -
263
Objective: The aim of this cross-sectional study was to investigate the
prevalence of the coexistence of asthma in patients suffering from allergic
rhinosinusitis and having positive skin prick test (SPT) reaction.
Methods: Cross-sectional study of patients over 16 years of age, who
completed a detailed questionnaire and underwent skin prick test (SPT) and
lung function tests.
Results: Of 160 patients with allergic rhinosinusitis symptoms and having
positive SPT, the prevalence of positive SPT reaction with three testing
allergens are: D. pteronyssinus (90%), D. farinae (83.75%) and B. tropicalis
(71.25%). Between them, 142 patients (88.75%) had SPT positive with
multiple allergens in which 90 patients (56.25%) with three allergens and 52
patients (32.5%) with two allergens. Of 160 patients had to undergo lung
function tests, 30% (48/160pts) had suggestive asthma. Nocturnal cough
(79.2%) and chest tightness (25%) were the most common symptoms in
those patients.
Conclusion: With the patients who had allergic rhinosinusitis symptoms, the
most common aetiologic allergen was D. pteronyssinus (90%). Among 160
allergic rhinosinusitis patients who had the evidence of asthma clinically and
SPT positive, 48 patients (30%) had restricted lung function test that
suggested asthma. The most common symptoms of asthma were nocturnal
cough and chest tightness (p<0.05).
ĐẶT VẤN ĐỀ
Hen và viêm mũi dị ứng là hai bệnh thường xảy ra đồng thời, vì thế nhiều
giả thuyết cho rằng đó là một bệnh, xảy ra ở hai vị trí khác nhau trên đường
hô hấp. Hen là biểu hiện bệnh ở đường hô hấp dưới và viêm mũi dị ứng là
biểu hiện bệnh ở đường hô hấp trên (1). Viêm mũi dị ứng và hen dị ứng là
hai bệnh xuất phát từ phản ứng miễn dịch qua trung gian IgE, thường khởi
phát từ những yếu tố dị ứng như: phấn hoa, phấn của một số loài cây cỏ, bụi
nhà, lông xúc vật như chó, mèo, khói thuốc lá… Tuy nhiên, ở bệnh nhân vừa
viêm mũi dị ứng vừa hen, điều trị bằng thuốc kháng histamine và
glucocorticoids xịt mũi chỉ có khả năng làm giảm triệu chứng hen, mà không
thể điều trị triệt để bệnh hen. Chính vì vậy, khi bệnh nhân cùng một lúc vừa
viêm mũi dị ứng vừa hen chúng ta phải có kế hoạch điều trị kết hợp thì kết
quả sẽ tốt hơn. Trên thế giới, có khá nhiều nghiên cứu dịch tễ học về mối
liên quan giữa hai bệnh hen và viêm mũi dị ứng. Khoảng 78% bệnh nhân
hen có kèm viêm mũi dị ứng và 38% bệnh nhân viêm mũi dị ứng có kèm
hen, 64% trường hợp viêm mũi có trước hen trong nhóm bệnh nhân vừa
viêm mũi vừa hen. Điều này cho thấy viêm mũi dị ứng có thể là yếu tố nguy
cơ gây ra hen. Trong một nghiên cứu khác theo dõi suốt 23 năm, nhóm viêm
mũi dị ứng có tần suất hen nhiều gấp 3 lần so với nhóm không viêm mũi (1).
Tại Việt Nam, vẫn chưa có nghiên cứu nào về mối liên quan giữa 2 bệnh
này, trong khi một thực trạng tại Việt Nam là các bác sĩ tại khoa khám bệnh
luôn làm việc trong tình trạng quá tải, thời gian dành cho một bệnh nhân rất
ít để có thể chẩn đoán được một bệnh chứ chưa nói đến là bệnh nhân bị cùng
một lúc hai bệnh. Do đó, để thuận lợi hơn trong việc chẩn đoán và điều trị
bệnh, chúng tôi tiến hành nghiên cứu khảo sát tỷ lệ bệnh hen kèm theo ở
bệnh nhân viêm mũi dị ứng, tuy nhiên vì điều kiện y tế hiện nay tại TPHCM
chưa đủ để chẩn đoán xác định viêm mũi dị ứng nên chúng tôi tiến hành
nghiên cứu tỷ lệ bệnh hen kèm theo ở bệnh nhân viêm mũi xoang mạn có
biểu hiện dị ứng trên lâm sàng và nghiệm pháp châm trên da (skin prick test)
dương tính để có kế hoạch điều trị phối hợp đúng đắn cho bệnh nhân, mang
lại kết quả tốt nhất, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.
Mục tiêu nghiên cứu
* Mục tiêu tổng quát:
Khảo sát tỷ lệ bệnh hen kèm theo và những triệu chứng gợi ý hen thường
gặp ở bệnh nhân viêm mũi xoang mạn có biểu hiện dị ứng và skin prick test
dương tính.
* Mục tiêu chuyên biệt:
- Xác định những bệnh nhân viêm mũi xoang mạn có biểu hiện dị ứng và
skin prick test dương tính
- Xác định những triệu chứng gợi ý hen thường gặp ở bệnh nhân viêm mũi
xoang mạn có biểu hiện dị ứng và skin prick test dương tính.
- Xác định tỷ lệ bệnh hen kèm theo ở bệnh nhân viêm mũi xoang mạn có
biểu hiện dị ứng và skin prick test dương tính.
ĐỐI TƯỢNG - PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Thiết kế nghiên cứu
Tiền cứu mô tả cắt ngang.
Cỡ mẫu
Áp dụng công thức tính cỡ mẫu: Þ N = 94
Đối tượng nghiên cứu
* Tiêu chuẩn chọn mẫu
Viêm mũi xoang có biểu hiện dị ứng là viêm mũi xoang mạn tính có triệu
chứng chảy nước mũi và một trong ba triệu chứng ngứa mũi, hắt hơi và
nghẹt mũi và skin prick test dương tính (triệu chứng viêm mũi dị ứng theo
tiêu chuẩn IPAG) .
Tất cả những bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM
phù hợp với tiêu chuẩn viêm mũi xoang có biểu hiện dị ứng, từ 16 tuổi trở
lên, đồng ý tham gia nghiên cứu.
* Tiêu chuẩn loại trừ:
1. Những bệnh nhân dưới 16 tuổi
2. Đã sử dụng thuốc kháng dị ứng trong vòng 5 ngày trước khi làm SPT
3. Bệnh nhân có thai
4. Bệnh nhân không đo được chức năng hô hấp
5. Những bệnh nhân không thể ngưng được thuốc kháng histamine vì triệu
chứng quá nặng.
6. Không đồng ý tham gia nghiên cứu
* Phương pháp nghiên cứu:
Phương tiện tiến hành nghiên cứu:
- Bộ thuốc thử gồm 5 lọ dụng dịch:
Lọ 1: Histamine hydrochloride (10mg/ml)
Lọ 2: Phenolated glycero-saline
Lọ 3: Blomia tropicalis (B.T)
Lọ 4: Dermatophagoides farinae (D.F)
Lọ 5: Dermatophagoides pteronyssinus (D.P)
Các bước tiến hành
Tất cả những bệnh nhân đến khám tại phòng khám bệnh viện Tai Mũi Họng
được chẩn đoán viêm mũi xoang mạn tính và có những biểu hiện dị ứng
được chuyển đến phòng khám dị ứng.
Tại đây, bệnh nhân được hỏi bệnh sử và khám lâm sàng đầy đủ. Dùng bảng
câu hỏi để đánh giá các triệu chứng và xác định bệnh nhân có triệu chứng dị
ứng(3).
Làm skin prick test với ba dị nguyên: Dermatophagoides pteronyssinus,
Dermatophagoides farinae và Blomia tropicalis cùng với một chứng âm và
một chứng dương. Vị trí làm test là mặt trong cẳng tay.
- Cách đọc kết quả chứng dương: đường kính của quầng đỏ sau 20-30 phút >
3mm được xem là dương tính.
- Cách đọc kết quả chứng âm: đường kính của vị trí châm kim sau 20-30
phút < 3mm.
- Cách đọc kết quả tại vị trí thử dị nguyên (lọ 3, lọ 4, lọ 5): đọc kết quả là
dương tính khi:
+ Đường kính của vị trí châm kim lớn hơn ít nhất 3mm so với chứng âm và
+ Đường kính của vị trí châm kim ít nhất bằng một nửa đường kính nốt
chứng dương.
Làm các xét nghiệm góp phần chẩn đoán dị ứng mũi xoang: phết mũi tìm
bạch cầu ái toan, vị trí phết ở niêm mạc cuốn dưới, huyết đồ (theo kỹ thuật
thường quy bằng máy đếm tế bào) tìm số lượng bạch cầu ái toan trong máu,
chụp Blondeau, Hirtz, chụp CT các xoang.
Sau khi có chẩn đoán viêm mũi xoang mạn theo tiêu chuẩn Dolan và tiêu
chuẩn đọc CT xoang đã nêu trong phần tổng quan y văn, có biểu hiện triệu
chứng dị ứng trên lâm sàng (có triệu chứng chảy nước mũi và có một trong
ba triệu chứng ngứa mũi, hắt hơi, nghẹt mũi) và skin prick test (+), các tiêu
chuẩn chọn mẫu nêu trên đều đạt, bệnh nhân sẽ được được đưa vào lô
nghiên cứu.
Những bệnh nhân trong lô nghiên cứu sẽ được giới thiệu đến Bệnh viện Đại
Học Y Dược TP.HCM (cơ sở 1) để khám chuyên khoa hô hấp tìm bệnh hen.
Tại Bệnh viện Đại Học Y Dược, bệnh nhân sẽ được hỏi bệnh sử, trả lời bảng
câu hỏi (phụ lục 2) và khám lâm sàng đầy đủ.
Bệnh nhân được chụp phim phổi thẳng, đo chức năng hô hấp dựa theo tiêu
chuẩn của Hiệp hội lồng ngực Hoa Kỳ.
Đánh giá các thông số: thể tích khí thở ra tối đa trong 1 giây (FEV1), đo
dung tích sống gắng sức (FVC), xác định tỷ lệ FEV1/FVC, đo lưu lượng
đỉnh (PEF) và so sánh với các chỉ số bình thường theo bảng số liệu tính được
dựa theo công thức Knudson (Phụ lục 3). Đo lại FVC, FEV1, FEV1/FVC,
PEF sau khi hít thuốc đồng vận b2 (thuốc giãn phế quản).
Để chẩn đoán hen, phải dựa vào bệnh sử, khám lâm sàng và đo chức năng hô
hấp. Tiêu chuẩn chẩn đoán:
- Trả lời có với 1 trong 7 câu hỏi ở phần phụ lục bảng câu hỏi về hen phế
quản.
- Chức năng hô hấp có hội chứng tắc nghẽn, nghĩa là có một trong những
tiêu chuẩn sau
* FEV1 < 80% hoặc PEF < 80%
* Thử nghiệm giãn phế quản (+): FEV1 tăng ≥ 12% hoặc PEF tăng ≥ 15%
sau hít thuốc giãn phế quản 15 phút – 20 phút.
* Trong những trường hợp khó chẩn đoán, có triệu chứng lâm sàng và tiền
căn rõ ràng, nhưng đo hô hấp ký cho kết quả bình thường thì hẹn bệnh nhân
tái khám sau 2-4 tuần để đo lại. Nếu chức năng hô hấp lần đo lại vẫn trong
giới hạn bình thường thì sẽ đo PEF sáng, chiều để so sánh. Công thức tính sự
thay đổi sáng và chiều:
% thay đổi
Kết luận có hen phế quản khi: % thay đổi > 10%.
Bệnh nhân sẽ mang kết quả hô hấp ký về BV Tai Mũi Họng. Cuối cùng sẽ
thu được kết quả gồm 2 nhóm:
Nhóm 1: số bệnh nhân viêm mũi xoang có biểu hiện dị ứng và skin prick test
(+) bị hen kèm theo
Nhóm 2: số bệnh nhân viêm mũi xoang có biểu hiện dị ứng skin prick test
(+) không kèm hen.
Từ đó tính ra tỷ lệ bệnh nhân viêm mũi xoang có biểu hiện dị ứng và skin
prick test (+) bị hen kèm theo.
Khi phân tích số liệu, bệnh nhân sẽ được chia làm 4 nhóm theo tiêu chuẩn
phân loại viêm mũi dị ứng mới của ARIA: (1) Dị ứng từng đợt, nhẹ; (2) Dị
ứng từng đợt, trung bình - nặng; (3) Dị ứng dai dẳng, nhẹ; (4) Dị ứng dai
dẳng trung bình - nặng. Sau đó, so sánh tỷ lệ hen giữa các nhóm.
KẾT QUẢ
Những đặc điểm về dịch tễ học
Bảng 1. Đặc điểm của mẫu về giới
Số lượng bệnh nhân
Tỷ lệ %
Nam
67
41,88%
Nữ
93
58,12%
Tổng cộng
160
100%
Bảng 2. Tỷ lệ của từng triệu chứng trong mẫu nghiên cứu
Số lượng bệnh nhân
Tỷ lệ
Ngứa mũi
152
95%
Hắt hơi
158
98,75%
Sổ mũi
158
98,75%
Nghẹt mũi
145
90,63%
Có cả 4 triệu chứng
137
85,63%
Có 2 triệu chứng ngứa mũi + nhảy mũi và một trong 2 triệu chứng nghẹt mũi
và sổ mũi
149
93,13%
Có triệu chứng sổ mũi và một trong 3 triệu chứng: ngứa mũi, nhảy mũi và
nghẹt mũi
158
98,75%
Nhận xét: triệu chứng cơ năng dị ứng mũi ở mẫu nghiên cứu rất rõ ràng,
85,63% BN có cả 4 triệu chứng: ngứa mũi, hắt hơi, sổ mũi và nghẹt mũi.
93,13% Có 2 triệu chứng ngứa mũi + nhảy mũi và một trong 2 triệu chứng
nghẹt mũi và sổ mũi và 98,75% Có triệu chứng sổ mũi và một trong 3 triệu
chứng: ngứa mũi, nhảy mũi và nghẹt mũi. Trong 4 triệu chứng trên thì hắt
hơi, sổ mũi chiếm tỷ lệ rất cao: 98,75%.
Bảng 3. Tỷ lệ dương tính của từng dị nguyên sau khi làm Skin prick test
Dị nguyên
Số bệnh nhân
làm test
Số BN kết quả
dương tính
Tỷ lệ
B. tropicalis
160
114
71,25%
D. farinae
160
134
83,75%
D. pteronyssinus
160
144
90%
Nhận xét: số BN dương tính với dị nguyên D. pteronyssinus chiếm tỷ lệ cao
nhất (90%).
Bảng 4. Tỷ lệ dương tính của một và nhiều dị nguyên sau khi làm Skin prick
test
Dị nguyên
B.T
D.F
D.P
B.T+D.F
B.T+D.P
D.F+D.P
B.T+D.F+D.P
Tần số
114
134
144
99
104
119
90
Tổng số
160
160
160
160
160
160
160
Tỷ lệ %
71,25
83,75
90
61,87
65
74,37
56,25
Nhận xét: Tỷ lệ bệnh nhân có kết quả SPT dương tính với D.P cao nhất là
90%. Tỷ lệ BN dương tính với hỗn hợp cả 3 dị nguyên là 56,25%, dương
tính với hỗn hợp D.F và D.P là 74,37%.
Bảng 5. Tỷ lệ hen trên bệnh nhân viêm mũi xoang mạn có biểu hiện dị ứng
và SPT (+)
Tần số
Tỷ lệ %
Hen
48
30%
Không hen
112
70%
Tổng
160
100%
Bảng 6. Mối liên quan giữa hen và phân loại viêm mũi dị ứng theo ARIA
Tần số bệnh nhân hen
Tần số bệnh nhân không hen
Số bệnh nhân của từng phân loại
Tỷ lệ %
Từng đợt, nhẹ
3
6
9
33,33
Từng đợt, TB-nặng
17
41
58
29,31
Dai dẳng, nhẹ
3
8
11
27,27
Dai dẳng, TB-nặng
25
57
82
30,49
Tổng cộng
48
112
160
30
Nhận xét: Không có sự khác biệt có ý nghĩa về tỷ lệ hen ở 4 nhóm BN theo
phân loại ARIA (p>0,05).
Bảng 7. So sánh mức độ liên quan giữa các triệu chứng gợi ý hen
Triệu chứng
Hen
Không hen
Likelihood ratio (LR)
Ho gây thức giấc
33
3
2,29
Tức ngực, nặng ngực về đêm
7
2
0,73
Khò khè
3
4
0,21
Ho + tức ngực, nặng ngực
5
1
1,04
Tổng
48
10
BÀN LUẬN
Đặc điểm về triệu chứng của mẫu nghiên cứu
Trên lâm sàng, phim Blondeau-Hirtz và phim CT, 100% trường hợp trong
mẫu nghiên cứu có biểu hiện tình trạng viêm xoang mạn tính. Kết quả chụp
phim Blondeau, Hirtz biểu hiện cũng theo nhiều dạng khác nhau như: nhiều
nhất là mờ xoang hàm, mờ xoang sàng, kế đến là dầy niêm mạc xoang hàm.
Trên phim CT thì biểu hiện dầy niêm mạc xoang rất rõ ràng, tất cả các
trường hợp có chụp CT xoang trong nghiên cứu của chúng tôi đều cho thấy
biểu hiện dầy niêm mạc xoang hàm, xoang sàng 2 bên, ngoài ra còn phát
hiện thêm nhiều bất thường về cấu trúc khác như: vẹo vách ngăn, concha
bullosa, điểm tiếp xúc vách ngăn-cuốn mũi. Tuy nhiên, bệnh lý viêm xoang
trong những trường hợp này là không nặng.
Tỷ lệ các triệu chứng dị ứng mũi như: ngứa mũi (95%), nhảy mũi (98,75%),
chảy mũi (98,75%) và nghẹt mũi (90,63%) đều cao (> 90%). Trong đó, số
bệnh nhân có cả bốn triệu chứng đạt 85,63% và số bệnh nhân có triệu chứng
sổ mũi và có một trong 3 triệu chứng còn lại là ngứa mũi, hắt hơi và nghẹt
mũi (theo IPAG) chiếm 98,75%. Biểu hiện dị ứng ở mũi của những bệnh
nhân trong mẫu nghiên cứu này phần lớn đều rõ ràng: đầu tiên là triệu chứng
ngứa mũi thường được bệnh nhân mô tả ngứa trong hai lỗ mũi, có khi phải
lấy tay giụi mũi hoặc lấy ngón tay ngoáy mũi. Sau khi giụi mũi thì hắt hơi
liên tục từ 5 cái đến 20 – 30 cái rồi sau đó chảy nước mũi trong. Sau khoảng
15-20 phút, bệnh nhân thấy nghẹt mũi lúc đầu 1 bên dần dần nghẹt cả 2 bên.
Nếu so sánh với nghiên cứu của Erkka Valovirta thì tỷ lệ ngứa mũi là 70%,
chảy nước mũi là 77% và nghẹt mũi là 75% (5) sự khác biệt đối với cả 3
triệu chứng này đều có ý nghĩa (p < 0,001). Điều này có thể lý giải là vì ông
nghiên cứu triệu chứng dị ứng mũi ở bệnh nhân đã được chẩn đoán hen
trước trong khi đó chúng tôi nghiên cứu trên những bệnh nhân có biểu hiện
về mũi xoang trước.
Bảng 8. So sánh từng triệu chứng của nghiên cứu với tác giả Erkka Valovirta
Tác giả
Triệu chứng
Erkka Valovirta (2006)
Trung Cang
(2008)
Giá trị p
Ngứa mũi
70%
95%
P < 0,001
Sổ mũi
77%
98,75%
Nghẹt mũi
75%
90,63%
Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ bệnh nhân có vấn đề về giấc ngủ trong
48 bệnh nhân có bệnh hen phế quản đi kèm chiếm 41,67%, trái lại ở nhóm
nghiên cứu của Erkka Valovirta thì tỷ lệ bệnh nhân cùng một lúc bị viêm
mũi dị ứng và hen có vấn đề giấc ngủ là 79% (5). Sự khác biệt này có ý
nghĩa (p < 0,001). Điều này có thể là do nghiên cứu của Erkka Valovirta có
khác với chúng tôi, ông nghiên cứu tỷ lệ những bệnh nhân có triệu chứng
viêm mũi dị ứng ở nhóm đã được chẩn đoán xác định hen phế quản. Như
chúng ta đã biết, triệu chứng hen thường xảy ra về đêm, do đó, bệnh nhân sẽ
có vấn đề giấc ngủ nhiều hơn nghiên cứu của chúng tôi. Những ảnh hưởng
đến chất lượng cuộc sống khác như: Giảm hoạt động thể thao, thư giãn và
giảm khả năng làm việc trong nghiên cứu của chúng tôi cũng có tỷ lệ lần
lượt là: 22,92% và 43,75%. So sánh với nghiên cứu của Erkka Valovirta thì
tỷ lệ này là 75% và 69%. Điều này cũng có thể là vì bệnh hen liên quan đến
vấn đề vận động thể lực nhiều hơn viêm mũi dị ứng mà nghiên cứu của ông
trên toàn bộ bệnh nhân hen nên sự khác biệt với nghiên cứu của chúng tôi có
ý nghĩa (p < 0,001). Tuy nhiên, những than phiền về tình trạng khó chịu thì
nghiên cứu của chúng tôi là 62,5% trong khi nghiên cứu của Erkka Valovirta
là 57%, sự khác biệt này không có ý nghĩa (p = 0,441). Điều này có thể hiểu
rằng bệnh viêm mũi dị ứng và hen phế quản đều gây ra cảm giác khó chịu ở
bệnh nhân cũng tương tự nhau.
Bảng 9. So sánh biểu hiện suy giảm chất lượng cuộc sống của nghiên cứu
này với Erkka Valovirta
Tác giả
Triệu chứng
Erkka Valovirta (2006)
Trung Cang (2008)
Giá trị p
Khó ngủ
79%
41,67%
P < 0,001
Giảm vận động thể lực, thư giãn
75%
22,92%
P < 0,001
Giảm khả năng làm việc, học tập
69%
43,75%
P < 0,001
Cảm giác khó chịu
57%
62,5%
P = 0,441
Nói đến bệnh dị ứng là phải nói đến tiền căn dị ứng, nhưng trong nghiên cứu
của chúng tôi chỉ có 99 (61,88%) trường hợp trên 160 trường hợp có tiền
căn gia đình: bố, mẹ hoặc anh chị em ruột bị dị ứng mũi. Tỷ lệ này dựa trên
sự trả lời theo hiểu biết của bệnh nhân. Trong nghiên cứu của A Navarro thì
tiền căn gia đình viêm mũi dị ứng chỉ là 33% trong số 89,5% bệnh nhân
viêm mũi dị ứng (2). Điều này cho thấy viêm mũi dị ứng không hẳn là một
bệnh di truyền.
Thử nghiệm da cho thấy tỷ lệ dương tính với D. farinae và D. pteronyssinus
cao hơn B. tropicalis. Điều này cũng phù hợp với nghiên cứu của Anthony
PW Yuen ở Hồng Kông năm 2007(7). Trong số 651 bệnh nhân có SPT
dương (dương tính với ít nhất một trong 6 nhóm dị nguyên: Bụi, con gián,
lông mèo, lông chó, nấm mốc và phấn hoa) thì riêng nhóm bụi, ông thử với
3 loại: D. pteronyssinus, D. farinae và B. tropicalis. Kết quả của ông là nhóm
bệnh nhân dương tính với B. tropicalis ít hơn 2 nhóm kia. Đặc biệt là với
hỗn hợp D. pteronyssinus và D. farinae, nghiên cứu của Anthony PW Yuen
(7) cho thấy dương tính lên đến 99% là phù hợp với nghiên cứu của chúng
tôi: 99,4% (p = 0,634).
Bảng 10. So sánh tỷ lệ dương tính với những dị nguyên của nghiên cứu này
với nghiên của Anthony PW Yuen
Anthony PW Yuen
N = 651
Trung Cang
N = 160
Giá trị p
Hỗn hợp D. pteronyssinus và D. farinae
99%
99,4%
P = 0,634
Mối liên quan giữa những triệu chứng gợi ý hen và hen
Trong 3 triệu chứng: ho gây thức giấc, tức nặng ngực và khò khè (bảng 7)
thì LR của triệu chứng ho gây thức giấc là cao nhất (2,29) nên nhiều khả
năng liên quan đến bệnh hen kèm theo nhiều hơn các triệu chứng khác. Kế
đến LR của triệu chứng vừa ho vừa có tức, nặng ngực cao thứ 2 (1,04).
Những triệu chứng tức, nặng ngực và khò khè có liên quan rất ít đến bệnh
hen kèm theo.
Mối liên quan giữa hen và những biểu hiện dị ứng mũi
Tỷ lệ hen trong nhóm bệnh nhân có SPT dương với B.T, D.F và D.P lần lượt
là: 32,33%, 29,85% và 31,25%. Nếu so sánh tỷ lệ hen trên từng loại dị
nguyên thì thấy sự khác biệt không có ý nghĩa (p1 = 0,147, p2 = 0,925 và p3
= 0,301). Tỷ lệ hen giữa các dị nguyên cũng xấp xỉ nhau, điều này cho thấy
khi bệnh nhân có SPT dương với B.T, D.F hoặc D.P đều có khả năng bị hen
như nhau.
Tỷ lệ hen trên từng triệu chứng viêm mũi như: ngứa mũi, hắt hơi, sổ mũi và
nghẹt mũi cũng không có sự khác biệt. Điều này cho thấy 4 triệu chứng
chính của viêm mũi dị ứng không có ý nghĩa trong việc hướng bệnh nhân
đến việc chẩn đoán hen.
Về phân loại viêm mũi dị ứng theo tiêu chuẩn ARIA, tỷ lệ hen ở các nhóm
phân bố khá đồng đều, từng đợt, nhẹ là 33,33%, từng đợt, TB-nặng là
29,31%, dai dẳng, nhẹ là 27,27% và dai dẳng, TB-nặng là 30,49%. Tỷ lệ hen
chung ở đây là: 30%.
Bảng 11. Tỷ lệ hen theo từng phân loại
Hen
Không hen
Số lượng
Tỷ lệ %
Từng đợt, nhẹ
3
6
9
33,33
Từng đợt, TB-nặng
17
41
58
29,31
Dai dẳng, nhẹ
3
8
11
27,27
Dai dẳng, TB-nặng
25
57
82
30,49
Tổng cộng
48
112
160
30
Tỷ lệ bệnh nhân có biểu hiện viêm mũi dị trung bình-nặng ở trạng thái từng
đợt hay dai dẳng cao hơn bệnh nhân có biểu hiện viêm mũi dị ứng nhẹ và tỷ
lệ bệnh hen kèm theo trong các nhóm này cũng tương đương với 2 nhóm kia
nhưng có ý nghĩa hơn vì số lượng nhiều hơn.
Tỷ lệ bệnh hen phế quản ở bệnh nhân viêm mũi dị ứng và SPT (+) là 30%,
trong khi nghiên cứu của Jonathan Corren năm 1997 thì tỷ lệ này là 38%.
Điều này có thể giải thích là do số loại dị nguyên thực hiện SPT trong
nghiên cứu của chúng tôi còn hạn chế, chỉ gồm 3 loại B.T, D.F và D.P nên
đã loại ra một số trường hợp viêm mũi xoang mạn dị ứng với các kháng
nguyên khác. Tương tự như vậy, tỷ lệ hen của chúng tôi thấp hơn Vũ Minh
Thục (35,5%)(6) và Riccardo Polosa (46,1%)(4).
KẾT LUẬN
Qua nghiên cứu trên 160 bệnh nhân, chúng tôi nhận thấy
Viêm mũi xoang mạn có biểu hiện dị ứng:
- Về triệu chứng lâm sàng: hầu hết những bệnh nhân trong mẫu nghiên cứu
đều có triệu chứng sổ mũi và có 1 trong 3 triệu chứng còn lại là: nhảy mũi,
ngứa mũi và nghẹt mũi (98,75%).
- Về triệu chứng cận lâm sàng: tất cả những bệnh nhân đều thể hiện tình
trạng viêm xoang mạn trên phim Blondeau, Hirtz và CT.
- Skin prick test: Tất cả bệnh nhân trong mẫu nghiên cứu đều dương tính với
ít nhất một trong 3 loại dị nguyên B. tropicalis, D. farinae và D.
pteronyssinus. Trong đó, tỷ lệ dương tính với D. pteronyssinus cao nhất
(90%).
Mối liên quan giữa hen phế quản và viêm mũi xoang có biểu hiện dị ứng và
SPT dương:
- Tỷ lệ hen chung của cả nhóm viêm mũi xoang có biểu hiện dị ứng và SPT
dương là 30%.
- Tỷ lệ hen của riêng từng phân loại theo tiêu chuẩn ARIA cũng gần giống
nhau: (1) Từng đợt, nhẹ: 33,33%; (2) Từng đợt, trung bình nặng: 29,31%;
(3) Dai dẳng, nhẹ: 27,27%; (4) Dai dẳng, trung bình nặng: 30,49%.
- Những triệu chứng gợi ý hen thường gặp ở bệnh nhân viêm mũi xoang có
biểu hiện dị ứng và SPT dương là: ho, tức, nặng ngực về đêm.
- Triệu chứng khò khè thường gặp trong bệnh hen lại không thường gặp ở
bệnh nhân Tai Mũi họng có bệnh hen đi kèm, có lẽ những bệnh nhân có khò
khè thường đến với chuyên khoa hô hấp nhiều hơn.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 85_7608.pdf