Khóa luận Quốc âm thi tập – sự kết tinh nét đặc sắc về nghệ thuật thơ nôm Nguyễn Trãi

MỤC LỤC

 

PHẦN MỞ ĐẦU 1

1. Lý do chọn đề tài 1

2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu 2

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 7

4. Phương pháp nghiên cứu 7

5. Bố cục khoá luận 7

PHẦN NỘI DUNG 8

CHƯƠNG I. NGUYỄN TRÃI - “KHÍ PHÁCH”, “TINH HOA” CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM 8

1.1. Vài nét về thời đại và con người Nguyễn Trãi 8

1.1.1. Thời đại Nguyễn Trãi - những biến động lớn lao 8

1.1.2. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác thơ văn của Nguyễn Trãi 10

1.2. Nguyễn Trãi trong lịch sử phát triển văn hoá, văn học Việt Nam 14

1.2.1. Nguyễn Trãi – người chiến sĩ xuất sắc trên mặt trận văn hoá 14

1.2.2. Quốc âm thi tập – nhịp cầu nối thơ ca dân gian và thơ ca bác học 18

CHƯƠNG II. QUỐC ÂM THI TẬP – SỰ KẾT TINH NÉT ĐẶC SẮC VỀ NGHỆ THUẬT THƠ NÔM NGUYỄN TRÃI 21

2.1. Nhìn lại thơ Nôm trong tiến trình phát triển thơ ca của dân tộc 21

2.2. Những biểu hiện đặc sắc về nghệ thuật thơ Nôm Nguyễn Trãi 24

2.2.1. Đề tài đa dạng và độc đáo 24

2.2.2. Ngôn ngữ thơ trong sáng, giản dị 34

2.2.3. Hình ảnh thơ mang hơi thở của cuộc sống đời thường 43

2.2.4. Sự cách tân trong thể thơ, vần thơ và nhịp điệu thơ 49

PHẦN KẾT LUẬN 57

TÀI LIỆU THAM KHẢO 59

 

doc70 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 17998 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Khóa luận Quốc âm thi tập – sự kết tinh nét đặc sắc về nghệ thuật thơ nôm Nguyễn Trãi, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ho tập thơ của mình một phong vị dân tộc đậm đà, một nét thuần Việt độc đáo. CHƯƠNG II. QUỐC ÂM THI TẬP – SỰ KẾT TINH NÉT ĐẶC SẮC VỀ NGHỆ THUẬT THƠ NÔM NGUYỄN TRÃI 2.1. Nhìn lại thơ Nôm trong tiến trình phát triển thơ ca của dân tộc Cho đến nay người ta vẫn chưa biết chính xác thơ Nôm ra đời ở thế kỷ nào. Chỉ biết nó ra đời sau văn học viết bằng chữ Hán. Trước đó nền văn học chữ Hán đang trên đà phát triển và thu được nhiều thành tựu rực rỡ. Nhiều thể loại văn học, nhiều tác phẩm Hán học lớn ra đời, góp phần tích cực vào sự nghiệp đấu tranh giành và giữ nền độc lập của dân tộc. Năm 938, Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Nam Hán, thiết lập nhà nước phong kiến Việt Nam. Đất nước độc lập, yêu cầu phải có một thứ chữ viết riêng. Nhu cầu bức thiết ấy đã thúc đẩy sự ra đời của chữ Nôm. Chữ Nôm được dần dần hoàn thiện và đến thế kỷ XIII, người Việt đã dùng nó vào trong sáng tác văn chương. Các tác giả thế kỷ X – XIV đã sử dụng chữ Nôm để Việt hoá thành công hai thể loại văn học ngoại nhập, đó là thơ Đường luật và phú. Người có công đầu tiên trong việc này là Hàn Thuyên. Đại Việt sử ký toàn thư đã từng ghi lại: “Nhâm ngọ (Thiên Bảo) năm thứ tư (1282). Mùa thu, tháng tám… Bấy giờ có cá sấu đến sông Lô. Vua sai Thượng Thư Hình bộ là Nguyễn Thuyên làm văn ném xuống sông. Con cá sấu tự mất đi. Vua cho là việc này giống như việc của Hàn Dũ, cho đổi họ là Hàn Thuyên. Thuyên lại giỏi làm thơ phú quốc âm. Nước ta thơ phú dùng nhiều quốc âm, thực bắt đầu từ đây”. Lấy hiện tượng Hàn Thuyên, nhiều ý kiến cho rằng thơ Nôm Đường luật ra đời từ đó. Tên tuổi Hàn Thuyên gắn liền với hai chữ Hàn luật. Tiếc rằng hiện nay chưa tìm thấy thơ Nôm Đường luật của Hàn Thuyên. Song sự kiện được ghi chép lại trong Đại Việt sử ký toàn thư, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng được. Bởi đây là một bộ sử chính thức, ghi lại những sự kiện quan trọng của nước ta thời bấy giờ. Sự ra đời của thơ Nôm Đường luật là một bước ngoặt lớn trong tiến trình thơ ca Việt Nam. Từ đây, bên cạnh nền văn học viết bằng chữ Hán còn có nền văn học viết bằng ngôn ngữ dân tộc mà thơ Nôm là thành tựu bước đầu. Thơ Nôm ra đời ở thế kỷ XIII rồi ngày càng được chuẩn hoá và hoàn thiện các mặt từ đề tài thơ, ngôn ngữ thơ … cho đến vần thơ và nhịp điệu thơ. Nhìn lại thơ Nôm trong tiến trình thơ ca dân tộc, sau khi ra đời, thơ Nôm đã phát triển qua các thời kỳ khác nhau gắn liền với những đặc sắc riêng. Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII, đây là giai đoạn phát triển đầu tiên của thơ Nôm Đường luật. Thơ Nôm giai đoạn này đã trải qua những bước thăng trầm: đạt được thành tựu rực rỡ ở thế kỷ XV, thành tựu lớn ở thế kỷ XVI, kém phát triển hơn trong thế kỷ XVII. Và với sự xuất hiện trên thực tế văn bản viết tay của Quốc âm thi tập thì tập đại thành thơ Nôm này đã trở thành “tác phẩm mở đầu cho nền văn học cổ điển Việt Nam” (Xuân Diệu). Nói như vây, Xuân Diệu muốn khẳng định sự đóng góp to lớn của tập thơ cả về phương diện nội dung lẫn nghệ thuật. Quốc âm thi tập vừa thể hiện một niềm thao thức của một cái tôi suốt đời “âu việc nước, đêm đêm thức nhẵn nẻo sơ chung”, vừa thể hiện chí khí thanh cao, trong sáng của một con người cống hiến hết mình cho non sông đất nước, lại vừa là một túi thơ chứa hết mọi giang san của một tâm hồn lộng gió bốn phương. Tác phẩm là bằng chứng ghi nhận sự nỗ lực lớn lao của Nguyễn Trãi – nỗ lực để “xây dựng một lối thơ Việt Nam” trên cơ sở tiếp thu, vận dụng thể thơ có sẵn ở Trung Quốc. Tuy nhiên, không tuân thủ tính quy phạm chặt chẽ của thơ Đường, Nguyễn Trãi đã đem đến cho Quốc âm thi tập những cách tân tiến bộ, những xu hướng phá cách trong sáng tác Đường luật Nôm. Nguyễn Trãi đã khéo léo, tinh tế trong việc lựa chọn đề tài thơ; hạn chế tối đa ngôn ngữ Hán, các điển tích, điển cố; tận dụng tối đa ngôn ngữ dân tộc, đặc biệt là thành ngữ, tục ngữ, ca dao từ văn học dân gian để làm chất liệu sáng tác thơ Nôm của mình. Gần gũi, gắn bó với quê hương làng mạc Việt Nam, Nguyễn Trãi đã đưa vào Quốc âm thi tập những hình ảnh thơ dân giã, bình dị, khác xa với văn chương bác học của tầng lớp quý tộc phong kiến. Nguyễn Trãi cũng tạo nên một âm điệu mới cho thể thơ 6 chữ xen vào những câu thơ 8 câu 7 chữ. Với những khám phá và thành công về nội dung cũng như nghệ thuật như trên, Quốc âm thi tập có một vị trí quan trọng trong vườn hoa văn học nước nhà. Tác phẩm từ đó cũng ảnh hưởng tới hàng loạt các sáng tác sau này như Hồng Đức quốc âm thi tập của Lê Thánh Tông (cuối thế kỷ XV), Bạch Vân quốc ngữ thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm (thế kỷ XVI). Hồng Đức quốc âm thi tập thể hiện sự tìm tòi của Lê Thánh Tông trong việc tìm cho thơ Nôm Đường luật những chức năng mới cho thể loại. Đó là hiện tượng dùng thơ Đường luật để trào phúng và tự sự. Thể thơ 6 chữ trong Hồng Đức quốc âm thi tập vẫn được tác giả Lê Thánh Tông kế tục từ thơ Nôm Nguyễn Trãi. Song đến Bạch Vân quốc ngữ thi tập thì số lượng những câu thơ 6 chữ đã giảm đi rất nhiều. Đề tài, chủ đề dân tộc trong Bạch Vân quốc ngữ thi tập cũng không đậm nét như trong thơ thế kỷ XV. Nét nổi bật trong thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm là những đề tài, chủ đề mang tính chất xã hội. “Tư duy thế sự” tạo cho Nguyễn Bỉnh Khiêm “một phong cách triết gia” không thể nhầm lẫn với bất cứ một tác giả nào trước và sau đó. Sang thế kỷ XVII, cùng với việc ban hành nhiều chính sách giáo hoá mới, Trịnh Tạc đã cho thu thập nhiều sách Nôm “có hại cho giáo hoá” đốt đi. Thơ Nôm cùng với văn tự của nó bị coi nhẹ, bị gọi là “cha mách qué”. Điều này trở thành hạn chế chung cho cả một thời kỳ văn học. Sau hơn một thế kỷ phát triển với nhịp điệu bình thường, không có những thành tựu lớn, bước sang thế kỷ XVIII – XIX, thơ Nôm Đường luật khởi sắc trở lại. Hiện tượng thơ Hồ Xuân Hương xuất hiện ở giai đoạn này đã tạo nên sự giao thoa giữa hai nền văn học – văn học viết và văn học dân gian. Nữ thi sĩ này đã tiếp tục xu hướng dân tộc hoá ở các tác giả của thời kỳ trước, đồng thời đã chuyển nhanh thể loại thơ Nôm Đường luật trên con đường dân chủ hoá nội dung và hình thức nghệ thuật. Và nếu như Nguyễn Trãi là người “khai sơn phá thạch” với những thử nghiệm bước đầu để xây dựng một lối thơ Việt Nam thì Hồ Xuân Hương chính là người tạo nên sự ổn định trong chính chỉnh thể của nó: “So trước nhìn sau, mọi người đều thừa nhận rằng thơ Hồ Xuân Hương là rực rỡ nhất vì hình thức thơ đẹp hơn, dân tộc hơn và đại chúng hơn cả” - Nguyễn Đăng Na. Sang giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX, mặc dù đây là giai đoạn cuối cùng của thơ Nôm Đường luật nhưng nó vẫn có những thành tựu đáng kể. Hai tác giả lớn cuối cùng của dòng thơ Nôm Đường luật là Trần Tế Xương và Nguyễn Khuyến. Hai tác giả này đã chuyển thơ Nôm Đường lụât từ văn học trung đại sang văn học cận – hiện đại. Với những vần thơ “cười ra nước mắt” kết hợp nhuần nhuyễn giữa trào phúng và trữ tình, Tú Xương và Nguyễn Khuyến đã nâng tầm khái quát nghệ thuật của thơ Nôm Đường luật lên một bước tiến mới. Chức năng phản ánh xã hội của thể loại này không chỉ dừng ở mức “trữ tình thế sự”, “tư duy thế sự”, trào phúng mà còn vươn lên phản ánh xã hội đương thời bằng ngòi bút chân thực và sinh động. Tuy nhiên, hoàn cảnh lịch sử mới không cho phép sự tồn tại tiếp tục dòng thơ này. Ngày mà Tú Xương “Vứt bút lông đi để viết bút chì” chính là ngày báo hiệu sự suy giảm của thơ Nôm Đường luật. Chữ Nôm không được dùng trong sáng tác. Thể loại thơ Đường luật ghi âm bằng tiếng Hán kết hợp phương thức biểu ý mà trước đó ta gọi bằng thơ Nôm giờ đã nhường chỗ cho thể thơ Đường luật viết bằng chữ quốc ngữ hay còn gọi là tiếng Việt. Như vậy, từ Nguyễn Trãi đến Hồ Xuân Hương, Trần Tế Xương thơ Nôm Đường luật đã trải qua năm thế kỷ phát triển rực rỡ với diện mạo riêng. Qua năm thế kỷ đó, thơ Nôm Đường luật không ngừng vận động, phát triển và ngày càng hoàn thiện. Những tác phẩm thơ Nôm Đường luật còn lại tới ngày nay là vốn cổ quý giá, thể hiện những nỗ lực, cố gắng để xây dựng một lối thơ mang bản sắc dân tộc của ông cha ta. 2.2. Những biểu hiện đặc sắc về nghệ thuật thơ Nôm Nguyễn Trãi 2.2.1. Đề tài đa dạng và độc đáo Văn học có khả năng phản ánh hiện thực vô cùng rộng lớn. Đối tượng của văn học bao gồm toàn bộ thế giới tự nhiên và con người. Trong những điều kiện sáng tác nhất định, tuỳ theo kinh nghiệm, vốn sống, trình độ, năng lực, sở thích mà mỗi nhà thơ, nhà văn có thể hướng ngòi bút của mình đến một lĩnh vực, một phạm vi cụ thể của đời sống mà họ yêu thích, am tường. Đọc những vần thơ Nôm của Nguyễn Trãi, Tế Hanh đã xúc động nói lên nỗi lòng mình: Nhắc tới tên ông là thấy thơ Như một nguồn thiêng chẳng bến bờ Nghìn năm sự việc bao thay đổi Một nét tâm tư chẳng thể mờ Thơ suy nghĩ nhân tình, thế cuộc Thơ ca ngợi cảnh đẹp non sông Thơ nói đến con mèo, con vện Thơ nói về cây trúc, cây thông. Bài thơ đã giúp người đọc hình dung được một số khía cạnh đề tài mà Nguyễn Trãi phản ánh trong Quốc âm thi tập. Trong phạm vi cho phép của bài viết này, chúng tôi xin nghiên cứu hai khía cạnh đề tài tiêu biểu trở thành nét đặc sắc trong thơ Nôm Nguyễn Trãi là đề tài viết về nhân tình, thế cuộc và đề tài viết về tình yêu. * Những vần thơ viết về nhân tình, thế cuộc “ Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật” (Beilinski). Cuộc đời chính là chất liệu, là ngọn nguồn sáng tác cho mỗi nhà thơ, nhà văn. Đọc Quốc âm thi tập, chúng ta có thể nhận ra Nguyễn Trãi có rất nhiều bài thơ nói về thời cuộc. Nguyễn Trãi nói đến thời đại và thông qua thời đại để nói đến cuộc đời riêng của mình. Trong hành trình “tìm đường”, “tìm minh chủ” cũng như những năm tháng làm quan, có lúc Nguyễn Trãi cảm thấy vui vì mình sinh ra gặp thời thế. Ông đã chân thành bày tỏ lòng biết ơn của mình: Phúc thay, sinh gặp thủa thăng bình Nấn ná qua ngày được dưỡng mình. Trong mặt những mừng ơn bầu bạn, Trên đầu luống đội đức triều đình. (Tự thán, bài 29) Nguyễn Trãi cảm thấy mảnh đất mình sinh ra và lớn lên thật đáng quý và thật đáng tự hào: Đất thiên tử dưỡng tôi thiên tử Đời thái bình ca khúc thái bình … Rày mừng thiên hạ hai của: Tể tướng hiền tài, chúa thanh minh. (Thuật hứng, bài 20) Vì cuộc đời tươi đẹp như vậy cho nên nó luôn thôi thúc Nguyễn Trãi thi thố tài năng xây dựng một xã hội vua sáng, tôi hiền; một đất nước có văn hiến, đứng đầu là “Tể tướng hiền tài, chúa thanh minh” đảm đương công việc. Nhưng ước vọng tốt đẹp và những cố gắng của Nguyễn Trãi dần dần sụp đổ. Bản chất muôn đời của chế độ phong kiến cuối cùng cũng bộc lộ rõ ra. Vua Lê nghe lời dèm pha, ton hót của bọn nịnh thần quay sang sát phạt những người có công lớn với triều đình, trong đó có Nguyễn Trãi. Trước hiện thực của cuộc đời và lòng người hiểm hóc, chông gai: Miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn, Lòng người quanh nửa nước non quanh. (Bảo kính cảnh giới, bài 9) Nguyễn Trãi rơi vào trạng thái buồn đau, cô độc. Ông thất vọng khi nhận ra cuộc đời giống như một thứ mùi: “Mùi thế đắng cay cùng mặn chát” (Thuật hứng, bài 1). Ngay cả chốn quan triều vốn đã từng gắn bó với vị quan thanh liêm này, giờ ông cũng cảm thấy “ngại chồn chân”: Cửa quyền hiểm hóc ngại chồn chân. (Mạn thuật, bài 5) Cửa mận tường đào chân ngại chen. (Thuật hứng, bài 1) Ngại ở nhân gian lưới trần Thời nằm thôn dã, miễn yên thân. (Thuật hứng, bài 15) Nhận thấy: Thế gian đường hiểm há chẳng hay Càng còn đi, ấy thác vay? (Tự thuật, bài 1) Nguyễn Trãi quyết định quay về “thôn dã” những mong được “yên thân”. Ở đây, nhà thơ có thể thả hồn mình vào đồng ruộng, vào mây, núi, trăng, sao; có thể chăm chút, nâng niu từng biểu hiện của tạo vật. Tưởng rằng như thế, Nguyễn Trãi sẽ nhàn nhã, không phải lo âu nhưng không phải vậy. Thân nhàn nhưng tâm không nhàn. Nguyễn Trãi vẫn canh cánh: Còn có một lòng âu việc nước, Đêm đêm thức nhẵn nẻo sơ chung. (Tự thuật, bài 23) Với Nguyễn Trãi, vận mệnh của đất nước, hạnh phúc của nhân dân, đó là điều quan trọng nhất. Quay về ở ẩn, Nguyễn Trãi có điều kiện nhìn đời, nhìn người sâu sắc hơn. Nguyễn Trãi lại có dịp tâm sự với anh em, bè bạn, với những người mà mình thương yêu nhất. Ông đã có những câu nói xiết bao cảm động với người cha của mình: Quân thân chưa báo lòng canh cánh, Tình phụ cơm trời áo cha. (Ngôn chí, bài 7) Bui có một niềm chăng nỡ trễ, “Đạo làm con lẫn đạo làm tôi”. (Ngôn chí, bài 1) Tình cha con ấy một mặt xuất phát từ đạo lý Nho gia theo quan niệm “quân thần phụ tử”, mặt khác lại xuất phát từ đạo lí ngàn xưa của dân tộc, là tình cảm tự nhiên vốn có của con người. Từ giã cha và em, khắc sâu lời cha dặn “rửa nhục cho nước, trả thù cho cha”: Con về đi tận trung là hiếu, Đem gươm mài bóng nguyệt dưới khăn tang. Nguyễn Trãi quay trở về với một quyết tâm, một sự băn khoăn, trằn trọc. Trong con người đại trung, đại hiếu ấy không bao giờ nguôi ngoai chí hướng trả thù cho người cha kính yêu của mình. Noi gương cha: “Thờ cha lấy đạo làm phép” (Bảo kính cảnh giới, bài 57), Nguyễn Trãi đã sống một cuộc sống rất có ý nghĩa. Ông luôn tâm niệm phải sống tu nhân tích đức để mang phúc lộc về cho con: Ngõ cửa nho, chờ khách đến, Trồng cây đức để con ăn. (Thuật hứng, bài 5) Song nhật lại toan nào của tích Bạc mai, vàng cúc để cho con. (Thuật hứng, bài 6) Bên cạnh tình cha con, tình bạn cũng được Nguyễn Trãi đề cập đến. Không kể lúc buồn hay vui, Nguyễn Trãi đều nhớ đến những người bạn của mình. Nguyễn Trãi xem lòng bạn là “lòng tri kỉ”, có thể gửi gắm tâm tư, tình cảm sâu kín của mình. Do đó, tình bạn trong thơ Nôm của Nguyễn Trãi thường được biểu hiện thông qua nhiều hình ảnh, nhiều biểu tượng khác nhau. Có khi Nguyễn Trãi nhắc đến tình bạn thông qua biểu tượng về sự gắn bó keo sơn giữa Mai và Trúc: Trúc mai bạn cũ họp nhau quen. (Thuật hứng, bài 1) Có khi Nguyễn Trãi gián tiếp nhắc đến tình bạn, ca ngợi tình bạn chân thành, trong sáng giống như ánh trăng giữa trời: Lòng bạn trăng vằng vặc cao. (Bảo kính cảnh giới, bài 40) Và dù được biểu hiện bằng những dạng thức, những hình ảnh nào đi chăng nữa, qua những vần thơ Nôm trên, chúng ta có thể thấy được thái độ quý trọng của Nguyễn Trãi đối với bạn bè của mình. Không chỉ dừng lại ở tình cha con, tình bạn bè, tấm lòng của Nguyễn Trãi còn trải rộng ra khắp các đối tượng, các tầng lớp nhân dân. Nguyễn Trãi sống, chiến đấu, phục vụ hết mình cho sự nghiệp của dân tộc cũng là do xuất phát từ thứ tình người cao đẹp đó. Thương yêu nhân dân, Nguyễn Trãi luôn tìm cách khuyên nhủ họ đứng vững giữa thời cuộc đen tối bấy giờ. Và dường như xã hội càng nhem nhuốc bao nhiêu, ta thấy Nguyễn Trãi càng mơ ước một cuộc sống tươi đẹp cho con người bấy nhiêu. Để đạt được điều đó, Nguyễn Trãi luôn khuyên nhủ mọi người: Việc ngoài hương đảng chớ đôi co, Thấy kẻ anh hùng hãy nhẫn cho. …Chớ đua huyết khí, nên hận, Làm mất lòng người, những lo… (Bảo kính cảnh giới, bài 49) Sống chan hoà với mọi người trong quê hương, làng xóm, Nguyễn Trãi rất gần gũi, thân thuộc với nhân dân. Vì lẽ đó, không quản mình là một vị cựu đại thần về hưu, ông còn để mắt đến cả cách sống ở ngoài hương đảng. Từ quan niệm của dân gian xưa: “Thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ nhì sợ kẻ cố cùng liều thân”, Nguyễn Trãi đã khuyên mọi người ra đến làng mạc, đối xử với những người xung quanh, hãy lấy chữ hoà, chữ nhẫn làm tôn chỉ. Chớ có đôi co, dùng dằng dẫn đến làm mất lòng người. Đọc những câu thơ trên, chúng ta như nghe thấy tiếng nói ân tình, ân nghĩa của Nguyễn Trãi. Với Ức Trai, sống ở trên đời tình người là rất quan trọng. Nguyễn Trãi khuyên: Làm người mựa cậy khi quyền thế, Có thuở bàn cờ tốt đuổi xe. (Trần tình, bài 9) Chỉ qua hai hình tượng hai con cờ là con “tốt” và con “xe”, Nguyễn Trãi đã nêu lên một chân lý: ở trên đường đời đừng cậy thế, cậy quyền khi mạnh mà chèn ép, mà bắt nạt kẻ khác. Bởi lẽ, “sông có khúc, người có lúc”. Nó giống như trong một bàn cờ, mặc dù thực lực của con tốt thua con xe nhưng khi có thế rồi, khi gặp nước rồi tốt sẽ đuổi xe. Và như vậy là sẽ mất tất cả. Sau này, Hồ Chí Minh cũng đã có hai câu tương tự bàn về vấn đề này: Lạc nước hai xe đành bỏ phí, Gặp thời một tốt cũng thành công. (Học đánh cờ) Khuyên răn bản thân mình, khuyên răn con cái, Nguyễn Trãi cũng nhằm mục đích khuyên răn người đời: Làm người thì giữ đạo “trung dung” Khăn khắn dặn dò thửa lòng. (Tự giới) Nguyễn Trãi nhắc nhở mình phải luôn ngay thẳng, trung thực trong cuộc sống. Chớ tham vinh hoa, phú quý, chớ bị những lời siễm nịnh mua chuộc mà làm nhơ bẩn lương tâm. Và làm người nếu giữ được khí tiết ấy mới đáng là anh hùng. Như vậy, về ở ẩn ở Côn Sơn, ông già Ức Trai lại có dịp “làm cái phận sự thông thường của những bậc làm cha làm mẹ” [12, tr.461]. Ông gợi ý cho mình mà cũng gợi ý cho con cháu, cho hàng xóm láng giềng những phương châm sống tích cực, những bài học làm người thật quý báu. Sống sao cho đúng, đó không phải là điều đơn giản. Hành trình để đi tìm được phương châm sống tốt, sống hay, sống đẹp là rất khó khăn. Nó là cả một quá trình tìm tòi, rèn luyện công phu và phải đạt đến trình độ nghệ thuật – “nghệ thuật sống”. Cái bí quyết quan trọng trong “nghệ thuật sống” đó được truyền từ đời này sang đời khác, từ cha sang con cũng chỉ nhằm mục đích đạt tới sự “hoà hảo”, “thân ái”, “một sự nhịn, chín sự lành”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng viết: “Thơ của Nguyễn Trãi là tâm hồn của Nguyễn Trãi, trong sáng và đầy sức sống. Có người nói thơ của Nguyễn Trãi có bài buồn, có câu buồn, vì lẽ gì chúng ta đều biết, nhưng cả tập thơ của Nguyễn Trãi là thơ của một con người yêu đời, yêu người, tâm hồn Nguyễn Trãi sống một nhịp sống với non sông đất nước tươi vui”. Qua những vần thơ Nôm viết về nhân tình, thế cuộc; Nguyễn Trãi đã bộc lộ những suy nghĩ, những tâm sự sâu kín của mình. Hiện lên sau những câu thơ, bài thơ là tấm lòng trăn trở, luôn “Tiền thiên hạ chi ưu nhi ưu” và “Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” của Nguyễn Trãi. * Những vần thơ viết về cảnh sắc thiên nhiên Thơ viết về thiên nhiên chiếm cái phần phong phú nhất và cũng là thành công nhất trong di sản thơ của Nguyễn Trãi nói chung, thơ Nôm của ông nói riêng. Nguyễn Trãi đã từng viết: “Non nước cùng ta đà có duyên”. Chính mối lương duyên ấy làm cho nhà thơ và thiên nhiên đất nước như dính kết lại với nhau, hòa quyện vào nhau làm một. Do đó, trước một cảnh tượng của thiên nhiên, một biểu hiện của tạo vật, Nguyễn Trãi có một xúc cảm, một năng lực rung cảm dào dạt lạ thường. Dưới ngòi bút của Ức Trai, thiên nhiên trở nên sinh động hơn, có hồn hơn. Thiên nhiên được miêu tả với đầy đủ những đường nét, âm thanh, màu sắc, hương hoa và cả những cá tính, tâm tư, tình cảm giống như con người. Xuân Diệu đã từng nói: “Lòng yêu thiên nhiên, tạo vật là kích thước để đo tâm hồn”. Ở Nguyễn Trãi, lòng yêu thiên nhiên không chỉ phản ánh nhu cầu thẩm mĩ mà còn là hình ảnh tượng trưng cho cuộc sống, thể hiện cái nhìn tiến bộ của ông. Điều này hoàn toàn khác xa với quan niệm thẩm mĩ phong kiến. Thẫm mĩ phong kiến nhìn nhận thiên nhiên ở trạng thái lớn lao, kỳ vĩ, hoành tráng, mỹ lệ. Với tầm nhìn cao cả, với cảm xúc hào hùng, Nguyễn Trãi đã phác họa vẻ đẹp đó của thiên nhiên trong những vần thơ viết bằng chữ Hán. Song ở thơ Nôm, thiên nhiên được khoác lên mình một bộ áo mới thực hơn, bình dị hơn, góp phần quan trọng trong việc thể hiện tâm tư, tình cảm, những suy ngẫm của Ức Trai về nhân tình, thế sự. Trong Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi đã dành riêng một đề mục Hoa mộc môn để nói về cỏ cây, hoa lá. Trong đề mục này, các hình tượng Tùng – Trúc – Cúc – Mai được Nguyễn Trãi tập trung chú ý và khắc họa rất đẹp. Cũng giống như thi pháp cổ phương Đông, Nguyễn Trãi đã khai thác các hình ảnh thiên nhiên trên để thể hiện phẩm chất thanh tao, cao nhã, trong sáng của người quân tử. Thiên nhiên ở những đề mục khác còn phảng phất phong vị Đường thi. Đây là bức lụa xinh xắn: Nước biếc non xanh thuyền gối bãi Đêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu (Bảo kính cảnh giới, bài 26) Khung cảnh bức tranh hiện lên thật thanh bình, yên ổn. Có thế thì nước mới biếc, non mới xanh và đây là điểm tựa cho thuyền gối bãi. Từ cái nền yên bình, thơ mộng ấy, ánh trăng đã xuất hiện. Nó cũng hiện lên giữa “đêm thanh”, ánh trăng bàng bạc soi rõ những du khách ngao du, thưởng ngoạn trên lầu. Quả là lung linh, huyền ảo. Cũng nói về ánh trăng như thế, trong Tự thuật, bài 31, Nguyễn Trãi viết: Hương cách gác vân thu lạnh lạnh Thuyền kê bãi tuyết nguyệt chênh chênh. Đó lại là một cái lạnh khẽ khàng của mùa thu – mùa gợi ra biết bao cảm hứng sáng tác cho các thi nhân. Con thuyền ấy vẫn kề trên bãi tuyết, ánh nguyệt thì lại như một nàng thiếu nữ với dáng vẻ yểu điệu – “nguyệt chênh chênh”. Có thể nói, trăng xuất hiện rất nhiều trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi. Trong 254 bài thơ đã có tới 70 bài Nguyễn Trãi nhắc tới trăng. Trăng hiện lên trong nhiều trạng huống khác nhau: là người bạn tri âm, tri kỷ; là nơi gửi gắm niềm vui, nỗi buồn; là bến đỗ cho Ức Trai khi trống vắng, cô đơn: Núi láng giềng, chim bầu bạn Mây khách khứa, nguyệt anh tam. (Thuật hứng, bài 19) Từ giã chốn quan trường, Nguyễn Trãi quay trở về sống chan hòa, làm bạn với mây núi, trăng sao. Cuộc sống dân giã nơi thôn quê đã giúp Nguyễn Trãi phát hiện ra biết bao cảnh đẹp. Đó là bức ký họa tự nhiên, mộc mạc của cảnh xóm chài: Tằm ươm lúc nhúc thuyền gối bãi Hào chất so le khóm cuối làng. (Ngôn chí, bài 8) Đó là cảnh làng quê thanh bình, đầy sức sống: Cây rợp bóng am che mát Hồ thanh nguyệt hiện bóng tròn. (Ngôn chí, bài 20) Để rồi nhà thơ nhận ra giữa nhà thơ và thiên nhiên như không còn khoảng cách: “Nhà thơ và cảnh vật tự nguyện hòa lẫn với nhau như bầu bạn, như anh em, tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này” (Xuân Diệu – Báo văn nghệ số 3, tháng 8/ 1957). Cò nằm hạc lặn nên bầu bạn Ủ ấp cùng ta làm cái con. (Ngôn chí, bài 20) Có lẽ chỉ có thiên nhiên mới có thể làm cho nhà thơ tạm nguôi ngoai nỗi đau về thế thái nhân tình, để yên lòng trong cuộc sống nhàn cư, ẩn dật. Và vì thiên nhiên có vai trò quan trọng như thế, cho nên trong mắt Nguyễn Trãi bao giờ nhà thơ cũng chiều chuộng chúng, trân trọng chúng. Nhà thơ sợ cá sẽ làm biến dạng bóng trăng, sợ chim sẽ không về khi cánh rừng thưa thớt, nên ông căn dặn lòng mình: Trì tham nguyệt hiện chăng buông cá Rừng tiếc chim về ngại phát cây. (Mạn thuật, bài 6) Trong trường hợp khác, nhà thơ không đóng cửa vì sợ nó sẽ che mất ngọn núi trước mặt, chiều tối dạo chơi sông xong rồi mà vẫn để thuyền ở bến, không cất vì phòng khi chở ánh trăng: Chăng cài cửa tiếc non che khuất Sá để thuyền cho nguyệt chở nhờ. Những ý nghĩ đó có vẻ như kỳ lạ nhưng lại rất thực và rất mộng ở một tâm hồn rộng mở, một “túi thơ chứa hết mọi giang san”. Thực và mộng hòa đồng, thâm nhập trong trạng thái thăng hoa của tâm hồn Nguyễn Trãi. Đó chính là một trong những chất liệu góp phần tạo nên cái hay, cái đẹp trong tâm hồn thơ Ức Trai. Yêu thiên nhiên, gắn bó hết mình với cảnh sắc thiên nhiên đất nước, Nguyễn Trãi cũng rất am hiểu về chúng. Ông phát hiện ra mối quan hệ giữa thiên nhiên và thời gian: Thiên nhiên đã khoác những chiếc áo màu khác nhau tùy theo từng thời gian. Cỏ cây, hoa lá, núi rừng, sông hồ, bầu trời… đã thay đổi theo từng mùa, từng tháng. Những sự thay đổi đó đã làm cho lòng người đổi thay và lòng thi nhân thêm cảm xúc [12, tr. 675]. Sắc đào nở thắm tươi, báo hiệu một mùa xuân mới: Một đóa đào hoa khéo tốt tươi Cách xuân mơn mởn thấy xuân cười. (Đào hoa, bài 1) Chỉ “một đóa đào hoa” thôi mà Nguyễn Trãi liên tưởng đến cả “cánh xuân mơn mởn”. Và nhìn thấy sắc đào tràn đầy nhựa sống như vậy, nhà thơ liên tưởng đến một niềm vui mới đang sắp tràn về. Phải là một con người tinh tế, nhạy cảm, có tâm hồn yêu đời, nhà thơ mới có những phát hiện và cảm nhận tích cực như vậy. Mùa xuân đi qua, mùa hạ tràn về. Nguyễn Trãi lại tiếp tục tiếp nhận, bắt nhịp với một bức tranh thiên nhiên mới: Hòe lục đùn đùn tán rợp trương Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ Hồng liên trì đã tịn mùi hương. (Bảo kính cảnh giới, số 43) Cái đẹp ở đây hiện lên thật bình dị, không cầu kỳ, phô trương. Các động từ “đùn đùn”, “phun” kết hợp với các tính từ chỉ sắc đỏ (hoa lựu), và mùi hương (hoa sen) đã tạo nên cho cảnh ngày hè thêm sức sống. Như vậy, đối với Nguyễn Trãi, thiên nhiên là tài sản vật chất, cung cấp cho đời sống tinh thần, làm thỏa mãn thế giới tâm hồn của con người. Trong Quốc âm thi tập, thiên nhiên luôn là thiên nhiên tâm trạng, ít khi là thiên nhiên khách quan thuần túy. Thiên nhiên đã đi vào giải tỏa tâm sự, làm lắng lại nỗi buồn quy sơn, trở thành đối tượng thẩm mĩ của Ức Trai. Với sự xuất hiện của những hình ảnh dân giã, thân thuộc: trăng, núi, mây, tằm, hòe, lựu, cò, hạc,…, Nguyễn Trãi đã cho ta thấy một sự thay đổi trong cảm hứng sáng tạo, cảm hứng thẩm mĩ một cách dân chủ, tiến bộ. Những hình ảnh thiên nhiên đó dù được thể hiện dưới góc độ nào đi chăng nữa thì nó cũng góp phần quan trọng trong việc thể hiện tình yêu sâu sắc, tâm hồn đồng điệu, sự gắn bó sâu nặng của nhà thơ đối với cảnh sắc quê hương. 2.2.2. Ngôn ngữ thơ trong sáng, giản dị Nếu nhà điêu tư khắc tư duy bằng khối, mảng, đường nét; nhạc sĩ tư duy bằng giai điệu và âm sắc của các nhạc cụ; tư duy của nhà viết kịch không thể thoát li không gian (giới hạn của sân khấu) và thời gian diễn xuất thì nhà văn không thể tư duy nghệ thuật bên ngoài các khả năng nghệ thuật của ngôn từ. Với một tác phẩm đồ sộ như Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi đã ghi dấu ấn trong văn học

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docNét đặc sắc về nghệ thuật trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi.doc
Tài liệu liên quan