MỤC LỤC
LỜI NÓI ĐẦU
CHƯƠNG I : TỔNG QUAN VỀ THỊ TRƯỜNG MỸ VÀ QUAN HỆ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - MỸ NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY 1
I. Một vài nét về nước Mỹ 1
1. Địa lý, các điều kiện tự nhiên và lịch sử ra đời 1
2. Dân cư và lối sống của người Mỹ 2
3. Chế độ chính trị và hệ thống luật pháp 4
4. Nền kinh tế Mỹ 5
II. Khái quát về thị trường Mỹ 8
1. Nhu cầu của thị trường Mỹ 8
2. Tập quán và thị hiếu tiêu dùng của người dân Mỹ 10
3. Hệ thống kênh phân phối trên thị trường Mỹ 11
4. Hoạt động cạnh tranh trên thị trường Mỹ 14
III. Quan hệ thương mại Việt- Mỹ những năm gần đây 15
1. Một số điểm mốc quan trọng trong quan hệ thương mại Việt Nam – Mỹ 15
2.Tình hình xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Mỹ 16
3.Tình hình xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam 22
CHƯƠNG II: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC KHI DOANH NGHIỆP VIỆT NAM THÂM NHẬP THỊ TRƯỜNG MỸ 25
I. Cơ hội khi doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường Mỹ 25
1. Nhu cầu lớn và thị hiếu phong phú của người tiêu dùng Mỹ 25
2. Cơ hội từ Hiệp định thương mại Việt- Mỹ 33
3. Lợi thế trong một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ 37
4. Những cơ hội do cộng đồng Việt kiều ở Mỹ mang lại 42
II. Thách thức khi doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường Mỹ 45
1. Quy định pháp luật đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ 46
2. Sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường Mỹ 62
3. Những khó khăn từ nội lực các doanh nghiệp Việt Nam 69
CHƯƠNG III: CÁC GIẢI PHÁP NHẰM THÚC ĐẨY HOẠT ĐỘNG THÂM NHẬP THỊ TRƯỜNG MỸ HIỆU QUẢ 75
I. Mục tiêu và định hướng phát triển thị trường Mỹ của Việt Nam đến năm 2010 75
1.Mục tiêu và nhiệm vụ của xuất khẩu Việt Nam đến năm 2010 75
2. Mục tiêu và định hướng phát triển thị trường Mỹ của Việt Nam 77
II.Các giải pháp thúc đẩy thâm nhập thị trường Mỹ hiệu quả 79
1. Giải pháp vĩ mô 79
2. Các giải pháp vi mô 86
III.Giải pháp đối với một số mặt hàng cụ thể 96
1. Nhóm hàng dệt may 96
2. Nhóm hàng giày dép 98
3. Nhóm hàng thuỷ sản 99
KẾT LUẬN
PHỤ LỤC
TÀI LIỆU THAM KHẢO
120 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 4152 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Khóa luận Thâm nhập thị trường Mỹ-Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
.
Các nước muốn được hưởng quy chế MFN phải đáp ứng hai yêu cầu cơ bản:
- Tuân thủ các điều khoản Jackson- Vanik của luật thương mại 1974, trong đó yêu cầu Tổng thống phải xác nhận quốc gia đó không từ chối hoặc ngăn cản quyền hay cơ hội của công dân nước đó được di cư.
- Đã ký hiệp định thương mại song phương với Mỹ.
Hiện nay, Mỹ đã dành quy chế MFN cho tất cả các thành viên của WTO và hầu hết các quốc gia trừ các nước Afghanistan, Cuba, Lào, Bắc Triều Tiên và Serbi/ Montenegro.
Đối với Việt Nam, sau khi Hiệp định thương mại song phương Việt- Mỹ (BTA) có hiệu lực ( ngày 10/12/2001) cũng là lúc hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ được hưởng quy chế MFN.
* Chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (Generalized System of Preferences- GSP)
Đây là chế độ ưu đãi chỉ về thuế mà Mỹ dành cho các nước đang phát triển và là chế độ ưu đãi đơn phương, không đòi hỏi có đi có lại như MFN. Theo đó, chế độ GSP của Mỹ miễn thuế hoặc ưu đãi thuế rất thấp cho khoảng 5000 sản phẩm từ khoảng 150 nước và lãnh thổ đang phát triển. Những mặt hàng như giầy dép, dệt may, đồng hồ, một số hàng điện tử, một số sản phẩm kính thường không được hưởng GSP.
Để được hưởng chế độ GSP của Mỹ thì quốc gia đó cũng như những mặt hàng đó phải đáp ứng những tiêu chuẩn mà Mỹ đặt ra chẳng hạn như: phải là nước đang phát triển có mức thu nhập quốc dân trên đầu người thấp hơn 8500 USD... hoặc hàng hoá đó phải đi thẳng từ nước được hưởng GSP vào lãnh thổ hải quan của Mỹ, hàng hoá đó phải được sản xuất tại nước được hưởng GSP và chi phí nguyên liệu cộng chi phí gia công tại nước được hưởng GSP không được thấp hơn 35% giá trị sản phẩm ấy khi vào lãnh thổ hải quan của Mỹ...
Các quốc gia được hưởng GSP có thể bị loại ra khỏi danh sách bất cứ lúc nào do bởi:
+ Quan hệ thương mại với Mỹ
+ Khi nước được hưởng GSP đạt mức “ có khả năng cạnh tranh” (Competitive level)
+ Hơn một nửa loại hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ là từ một nước được hưởng GSP
+ Nước được hưởng GSP đạt mức GNP/người là 8500 USD trở lên
Việc được hưởng GSP của Mỹ đem lại rất nhiều thuận lợi do lợi ích về thuế quan. Việt Nam hiện đang là nước thuộc nhóm nước đang phát triển nhưng Việt Nam vẫn chưa được hưởng GSP của Mỹ. Đây là một thiệt thòi lớn đối với một quốc gia còn non trẻ trong thương mại quốc tế như chúng ta.
1.1.2.Luật bồi thường thương mại
Luật bồi thường thương mại trong đó có luật chống bán phá giá (Anti-dumping Duties - ADs) và luật thuế chống trợ giá (Counter - Vailing Duties - CVDs) là hai đạo luật mà bất kỳ doanh nghiệp nào khi thâm nhập thị trường Mỹ đều phải lưu ý vì đây là hai công cụ Mỹ áp dụng thường xuyên đối với những mặt hàng nhập khẩu mà ảnh hưởng tới nền sản xuất hàng hóa nội địa của Mỹ. Điều này đã gây ra những trở ngại không nhỏ và dẫn đến những thua thiệt nhiều khi không đáng có cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Cả hai đạo luật này quy định một phần thuế bổ sung sẽ được ấn định đối với hàng hoá nhập khẩu nếu chúng bị phát hiện là được trao đổi không công bằng và đều bao gồm những thủ tục tương tự để tiến hành điều tra, ấn định thuế, sau đó là kiểm tra và có khả năng loại bỏ thuế.
Thuế chống phá giá
Thuế chống phá giá là loại thuế đánh vào những hàng hoá được xuất khẩu vào Mỹ với giá bán “ thấp hơn giá trị thực tế “ (less than fair value) của nó, tức là giá trị thực tế của hàng hoá này ở thị trường nước ngoài cao hơn giá bán vào Mỹ. Mức chênh lệch này gọi là mức phá giá. Nguyên tắc tính mức phá giá là một trong những nguyên tắc thực thi phức tạp nhất trên thực tế, đòi hỏi quy trình điều tra tỉ mỉ và chính xác. Mức giá chủ yếu được xác định dựa trên sự so sánh giá trị thực tế với giá xuất khẩu.
Bộ thương mại sẽ xác định giá trị thực tế bằng một trong ba cách sau, theo thứ tự ưu tiên là: giá bán tại nước xuất xứ, giá bán hàng hoá tại thị trường thứ ba và “giá trị tính toán”.
Giá trị tính toán bằng tổng chi phí sản xuất cộng với các khoản bổ sung như lợi nhuận, tiền hoa hồng bán hàng và các khoản chi phí khác cho hàng hoá như chi phí bao bì, chi phí đóng gói...
Luật chống phá giá của Mỹ cũng cho phép một ngành công nghiệp Mỹ khiếu nại về hiện tượng phá giá ở các nước thứ ba.
Theo báo cáo đánh giá chính sách thương mại của WTO ( Xuất bản năm 2001, trang 36) thì tính đến tháng 12/2000 thuế chống phá giá của Mỹ được áp dụng đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ 41 quốc gia. Các quốc gia châu á với khoảng 45% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ, chiếm đến 47% số vụ chống phá giá có hiệu lực tới tháng 12/2000, trong đó Trung Quốc chiếm đến 17,1%, Nhật Bản chiếm 14,9%, Đài Loan chiếm 8,3%, Hàn Quốc chiếm 6,6% còn lại là các quốc gia châu á khác. Các nước châu Âu chiếm 21% hàng hoá nhập khẩu của Mỹ, là đối tượng của 30% vụ kiện chống phá giá
Lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi các vụ kiện chống phá giá là sắt thép, chiếm đến 54% các phán quyết áp đặt thuế chống phá giá có hiệu lực tới tháng 12/2000, tiếp đến là các sản phẩm hoá chất, chiếm 19,3%, dệt may chiếm 5,7%
Thuế chống trợ giá
Thuế chống trợ giá là loại thuế quy định một khoản bồi thường dưới dạng thuế nhập khẩu phụ thu để bù đắp vào phần trợ giá của sản phẩm nước ngoài, mà việc bán sản phẩm đó ở Mỹ gây thiệt hại tới các nhà sản xuất những mặt hàng giống và tương tự ở Mỹ. Trong hầu hết các trường hợp, phần trợ giá phải bù lại có thể do chính phủ nước ngoài trực tiếp trả. Luật này cũng áp dụng đối với loại trợ giá gián tiếp bị phát hiện sau khi kiểm tra theo luật thuế trợ giá
Cũng theo báo cáo đánh giá chính sách thương mại của WTO thì từ năm 1980 đến năm 2000, Mỹ đã khởi xướng 332 vụ điều tra chống trợ giá, trong đó 147 vụ (46%) dẫn đến việc áp đặt thuế chống trợ giá. Tuy nhiên, giá trị thương mại của những sản phẩm chịu ảnh hưởng bởi các vụ điều tra chống trợ giá chỉ chiếm khoảng 1 tỷ USD ( trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ là 1.258 tỷ USD). Tính đến tháng 12/2002, đã có 41 lệnh áp đặt thuế chống trợ giá có hiệu lực, phần lớn đối với sắt thép nhập khẩu từ châu Âu. Quốc gia châu á duy nhất phải chịu số lệnh ban hành thuế chống trợ giá đáng kể là Hàn Quốc, cũng là một nước xuất khẩu thép chủ yếu sang Mỹ.
Nhận xét, so với các nước khác, Mỹ là nước tiến hành thường xuyên hơn các hoạt động chống bán phá giá và chống bán trợ giá. Việc áp dụng hai luật thuế này ngày càng nhiều ở Mỹ làm nảy sinh rủi ro ngày càng lớn đối với các nhà xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Riêng đối với Việt Nam, là một quốc gia mới thâm nhập được vào thị trường Mỹ không lâu nhưng Việt Nam cũng đã phải đối mặt với những rắc rối khi phía Mỹ dựa vào đạo luật chống phá giá và chống trợ giá trên trong “Cuộc chiến thương mại Catfish”.
Phía Mỹ đã kiện phía Việt Nam bán phá giá cá tra, cá basa trên thị trường Mỹ và ngành sản xuất loại cá này của Việt Nam được sự hỗ trợ của nhà nước do Việt Nam vẫn còn là một “ nền kinh tế phi thị trường”như Mỹ kết luận.. Những lý lẽ mà Mỹ đưa ra không hề đúng với sự thật và đúng với sự kiểm tra của các cơ quan có trách nhiệm nhưng rồi do những áp đặt của một nước mạnh đối với một nước yếu thì Mỹ đã thắng kiện. Sự việc này đã không chỉ gây thiệt hại lớn cho ngành xuất khẩu thuỷ sản của nước ta mà còn gây mất lòng tin đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi vừa đặt chân hay sắp đặt chân lên thị trường Mỹ. Đây là một khó khăn thử thách đầu tiên, tuy nhiên nó cũng đem lại nhiều kinh nghiệm cho các doanh nghiệp Việt Nam khi thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng đầy rủi ro này.
1.2.Những quy định về phi thuế quan
Hiện nay, hầu hết các nước có quan hệ thương mại với Mỹ thì đều được hưởng một trong những chính sách ưu đãi về thuế của Mỹ, thế nhưng việc hàng hoá những nước này vào và tồn tại được trên thị trường Mỹ vẫn không dễ dàng chút nào bởi vì Mỹ còn có một rào cản vô hình thông qua những quy định phi thuế quan như: hạn ngạch nhập khẩu, các hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật.
1.2.1.Hạn ngạch nhập khẩu
Hạn ngạch nhập khẩu là những quy định của nhà nước về số lượng hay giá trị một mặt hàng nào đó được nhập khẩu trong một thời gian nhất định (thường là một năm).
Hiện nay, Mỹ vẫn duy trì hạn ngạch đối với hàng dệt may và một số mặt hàng nông sản như: bơ, sữa, lạc, bông....
Có thể chia hạn ngạch nhập khẩu của Mỹ thành hai loại: loại thuế suất và loại tuyệt đối
Hạn ngạch thuế quan
Hạn ngạch thuế quan (tariff- rate quota) quy định số lượng hàng hoá được nhập khẩu vào với mức thuế thấp trong một thời gian nhất định. Không có giới hạn về lượng sản phẩm có thể được đưa vào trong thời gian ghi trên hạn ngạch, nhưng số lượng nhiều hơn mức hạn ngạch trong thời gian đó không bị từ chối nhập khẩu mà sẽ bị đánh thuế nhập khẩu cao hơn. Trong hầu hết các trường hợp các sản phẩm của các khu vực do Đảng cộng sản kiểm soát không được hưởng các hạn ngạch thuế quan.
Hạn ngạch tuyệt đối
Hạn ngạch tuyệt đối (absolute quota) là hạn ngạch về số lượng, tức là không được phép nhập quá số lượng được quy định trong thời gian ghi trên hạn ngạch. Các hàng nhập khẩu quá mức có thể bị xuất khẩu trả lại hoặc giữ trong kho để đưa vào thời gian của hạn ngạch sau đó.
áp dụng các biện pháp quản lý hàng nhập khẩu bằng hạn ngạch như trên, Mỹ nhằm chủ yếu vào bảo hộ sản xuất trong nước, đặc biệt là đối với hàng dệt may và nông sản.
Hạn ngạch đối với hàng dệt may
Mỹ hiện duy trì một hệ thống hạn ngạch rất phức tạp đối với hàng dệt may dưới ba loại:
+ Hạn ngạch đạt được trên cơ sở Hiệp định hàng dệt may trong khuôn khổ WTO (trước đây là hiệp định đa sợi- Multifiber arrangement- MFA)
+ Hạn ngạch đạt được trên cơ sở hiệp định song phương
+ Hạn ngạch do Mỹ áp đặt với các nước còn lại
Những hạn ngạch loại 1 sẽ được dỡ bỏ dần sau ba giai đoạn và hết hạn vào ngày 1/1/2005. Đến lúc đó thì các nước thành viên WTO sẽ được hưởng lợi rất nhiều khi xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ.
Hiện nay, Mỹ có hạn ngạch hàng dệt may với 47 nước, trong đó có 38 nước không phải là thành viên của WTO dó đó sẽ không được hưởng lợi ích từ việc dỡ bỏ đó.
Mỗi quốc gia khi thoả thuận với Mỹ về hạn ngạch dệt may đều phải đảm bảo có trách nhiệm kiểm soát được số lượng hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ không vượt quá số lượng quy định theo hạn ngạch. Hải quan Mỹ sẽ kiểm soát việc nhập khẩu này và có quyền ngăn chặn nhập khẩu hàng hoá thiếu giấy phép hoặc hàng hoá vượt quá hạn ngạch cho phép. Việc kiểm soát hạn ngạch này dựa trên những văn bản hướng dẫn của chủ tịch Uỷ ban Hải quan trong quá trình thực hiện Hiệp định hàng dệt may. Hàng tuần, Hải quan đưa ra các báo cáo về việc sử dụng tỷ lệ nhập khẩu của từng nước và danh mục các loại hạn ngạch.
Trong năm 2003 này Mỹ đã ký Hiệp định dệt may với Việt Nam quy định mức hạn ngạch mà Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Việt Nam chưa phải là thành viên của WTO nên sẽ thiệt thòi lớn khi Mỹ dỡ bỏ hạn ngạch và các hạn chế thương mại hàng dệt may đối với các hiệp định dệt may trong khuôn khổ WTO vào năm 2005.
Việc Mỹ quy định hạn ngạch đối với hàng dệt may của Việt Nam đã gây ra nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đã ký các hợp đồng sản xuất từ đầu năm 2003, nguyên phụ liệu đã được nhập khẩu đủ để sản xuất hàng xuất khẩu trong cả năm nhưng đến khi Hiệp định dệt may Việt Nam- Hoa Kỳ có hiệu lực ngày 16/6/2003 thì mức hạn ngạch quá ít so với năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp đã gây nên tình trạng tồn đọng hàng dệt may xuất khẩu sang Mỹ của nhiều doanh nghiệp.
Hàng dệt may là một trong những mặt hàng đứng đầu trong nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam do có nhiều lợi thế so sánh và thị trường Mỹ thì lại là một thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới, hàng năm nhập khẩu đến khoảng 80 tỷ USD, vì vậy mà việc Mỹ áp đặt hạn ngạch đối với hàng dệt may của Việt Nam đã gây một trở ngại không nhỏ và một thiệt thòi rất lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam.
Hạn ngạch đối với hàng nông sản
Theo đạo luật “ Điều chỉnh Nông nghiệp “ năm 1993, Tổng thống được phép áp dụng phí và hạn ngạch đối với hàng nông sản nhập khẩu gây tổn hại tới chương trình nông sản trong nước của Bộ nông nghiệp. Tuy nhiên, mức phí không được quá 50% giá trị sản phẩm. Hạn ngạch cũng không được vượt quá 50% số lượng đã nhập khẩu trong giai đoạn bị ảnh hưởng. Hiện nay, Mỹ áp dụng cách khống chế này cho các mặt hàng như: bông, sản phẩm sữa, đường tinh chế, sản phẩm có đường
Đối với một số mặt hàng nông sản, Mỹ có những quy định cụ thể riêng:
+ Nhập khẩu thịt: Mỹ sẽ áp dụng hạn ngạch khống chế việc nhập khẩu thịt bò, cứu, bê, dê khi lượng nhập khẩu đã vượt quá lượng quy định cơ bản cho nhập hàng năm ở mức 10% hoặc trên 10%. Mức hạn ngạch nhập khẩu bao giờ cũng được quy định dưới mức 1,193 tỷ pounds mỗi năm.
+ Hạn ngạch nhập khẩu đường: Mỹ là một trong những nước nhập khẩu đường lớn nhất thế giới. Hàng năm Mỹ phải nhập 33% tới 55% nhu cầu về đường của mình. Đối với mặt hàng đường, hiện nay Mỹ thực hiện theo quy chế mới (1990), quy định một lượng nhất định cho phép nhập đường vào Mỹ chịu mức thuế thấp. Lượng hạn ngạch này xác định trên cơ sở sản xuất trong nước hiện tại và nhu cầu tiêu thụ trong nước. Số lượng đường nhập thuế thấp này được phân cho các nước bạn tuỳ theo khối lượng truyền thống họ vẫn cung cấp cho Mỹ. Khối lượng đường nhập khẩu vào Mỹ vượt quá mức quy định trên, Mỹ sẽ đánh thuế cao (16 cent/pound). Nước nào được hưởng GSP của Mỹ cũng chỉ được hưởng chế độ miễn thuế ở mức hạn ngạch Mỹ cho phép nhập vào với mức thuế thấp.
Một số mặt hàng khác cũng phải có hạn ngạch như: cá tuna, thức ăn gia súc, sôcôla.
1.2.2. Các hàng rào tiêu chuẩn kĩ thuật
Trong khi những biện pháp hạn ngạch áp dụng đối với tuỳ từng mặt hàng, tuỳ từng quốc gia thì những hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật lại được áp dụng đối với tất cả hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Mỹ, đã thực sự là một cản trở đối với các nhà xuất khẩu, nhất là đối với Việt Nam, một quốc gia mà trình độ phát triển chưa cao nên khả năng đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật mà Mỹ đặt ra còn gặp nhiều khó khăn. Hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật của Mỹ bao gồm rất nhiều quy định như: Quy định về nhãn mác, thương hiệu; Quy định về mã, ký hiệu; Quy định về quyền sở hữu trí tuệ; Quy định về trách nhiệm sản phẩm và những tiêu chuẩn về vệ sinh dịch tễ.
Quy định về nhãn mác, thương hiệu
Luật pháp Mỹ quy định nhãn hàng hoá đối với các hàng tiêu dùng nhất thiết phải có mã số, mã vạch, đối với thực phẩm, dược phẩm nhất thiết phải ghi rõ thành phần hoá học chủ yếu, hướng dẫn sử dụng, hạn sử dụng, hướng dẫn bảo quản. Đối với đồ điện phải có chỉ dẫn về an toàn, quần áo phải có chỉ dẫn về giặt, là, phơi... tên địa chỉ người sản xuất, đóng gói, kinh doanh hoặc phân phối mặt hàng.
FDA( cơ quan quản lý thực phẩm, dược phẩm của Mỹ) quy định ghi nhãn mác như sau:
+ Nhãn phải ghi bằng tiếng Anh
+ Các thông tin chủ yếu phải ghi ở vị trí trưng bày, dễ thấy khi mặt hàng được bày bán
+ Những thông tin phụ ghi ở phía phải mặt trưng bày của bao gói
+ Đơn vị đo lường theo hệ Anh- Mỹ và theo hệ quốc tế (SI)
+ Nếu có chất phụ gia ( hương vị màu, chất bảo quản) phải ghi rõ tên, hàm lượng
+ Nếu là thực phẩm chế biến: thực phẩm đóng hộp, đồ uống, đồ ăn liền... phải có hàm lượng dinh dưỡng (Protein, Glusit, chất béo, Vitamin, chất khoáng, chất xơ, Natri) tính theo phần trăm của khẩu phần 2000 calo/ngày.
Một số trường hợp đặc biệt:
- Không có ngoại lệ về ghi mác, mã đối với hàng đường ống, phụ kiện đường ống, xylanh khí nén, khung phụ tùng của chúng kèm theo.
- Đồ chưa bao bì mặt hàng nấm phải ghi rõ ràng bằng tiếng Anh nơi trồng nấm
- Với hàng trang sức, hàng nghệ thuật theo kiểu của Mỹ phải ghi rõ nước xuất xứ
- Một số mặt hàng phải có dấu hiệu hay dán nhãn đặc biệt của nước xuất xứ như: đồ gỗ, hàng dệt may, đồ uống có cồn, thép ống, đồng hồ đeo tay, chất độc
Phạt vi phạm:
- Hàng nhập khẩu vào Mỹ không tuân thủ các quy định trên sẽ bị phạt theo mức % của giá trị lô hàng
- Hàng nhập khẩu không đáp ứng đúng yêu cầu về ghi mác, mã sẽ bị giữ lại ở khu vực hải quan Mỹ cho tới khi người nhập khẩu thu xếp cho tái xuất trở lại, phá huỷ đi hoặc khi hàng được xem là bỏ để chính phủ định đoạt toàn bộ hoặc từng phần.
- Phần 304(h) Luật thuế của Mỹ quy định ai cố tình vi phạm, cố tình che dấu sẽ bị phạt tiền 5000 USD hoặc bỏ tù dưới 1 năm.
- Trường hợp có sự phối hợp với nước ngoài để thay đổi, tẩy xoá nhãn mác, mã về xuất xứ hàng hoá thì bị phạt 100.000 USD với lần đầu và các lần vi phạm sau đó là 250.000 USD.
Gần đây, theo luật nông trại 2002 được Tổng thống Mỹ thông qua ngày 13/5/2003, các mặt hàng thực phẩm tươi và đông lạnh như: thịt bò( kể cả bê), thịt cừu, thịt lợn pha, xay, cá, thuỷ sản thuộc dòng giáp xác nuôi hay được đánh bắt từ tự nhiên, rau quả và lạc... trên thị trường Mỹ cần phải chỉ rõ nguồn gốc xuất xứ. Thời hạn áp dụng bắt buộc là từ ngày 1/10/2004
Quy định về mã, ký hiệu
Theo luật thuế quan (Tariff Act) năm 1930 thì tất cả hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ phải được kẻ ký mã hiệu bằng tiếng Anh và bằng mực không phai, ở những nơi dễ nhận biết. Nếu hàng hoá hay container không được đánh ký mã hiệu chính xác, thì Hải quan sẽ đánh thuế ký mã hiệu (marking duties), tương đương 10% giá trị hàng hoá trừ khi hàng hoá đó được xuất khẩu trở lại, bị phá huỷ hay được đánh ký mã hiệu lại cho chính xác dưới sự giám sát của Hải quan.
Nếu hàng hoá được đóng gói lại ở Mỹ sau khi được giải phóng khỏi kho ngoại quan thì người nhập khẩu phải cam kết rằng việc đóng gói lại không che dấu những ký mã hiệu đã được đánh chính xác trước đây. Nếu người nhập khẩu không đóng gói lại mà bán cho những người sẽ đóng gói lại hàng hoá thì người nhập khẩu có nghĩa vụ phải thông báo cho người đóng gói lại các yêu cầu về ký mã hiệu. Nếu người nhập khẩu không thực hiện đúng cam kết, thì Hải quan có thể phạt hay đánh thêm thuế đối với người nhập khẩu.
Thông thường, trên các thùng hàng xuất khẩu, các nhà xuất khẩu cần phải ghi những ký mã hiệu sau: Tên người gửi hàng, nước xuất xứ, trọng lượng, số kiện hàng và kích cỡ của thùng đựng, cảng nhập hàng, nhãn hiệu đối với vật liệu nguy hiểm và các dấu hiệu bốc dỡ. Trong đó, ghi tên nước xuất xứ là quan trọng nhất khi nhập hàng vào Mỹ.
Yêu cầu về kẻ ký mã hiệu sẽ không áp dụng với hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ tiếp tục hoàn thiện và làm hàng hoá thay đổi căn bản trước khi bán lại trên thị trường Mỹ, vì lúc này người sản xuất của Mỹ được coi là người tiêu thụ cuối cùng.
Quy định về quyền sở hữu trí tuệ
Điều 337 Luật thương mại Mỹ quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chủ yếu được sử dụng để ngăn chặn việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của hàng hoá nhập khẩu. Điều luật này xác định những hình thức xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bất hợp pháp như bằng sáng chế, thương hiệu đã đăng ký, bản quyền, nguyên tắc hoạt động của sản phẩm vi mạch bán dẫn. Ngoài ra, điều này còn cấm các hình thức cạnh tranh không lành mạnh và gian lận trong nhập khẩu và bán sản phẩm ở Mỹ, những hình thức ảnh hưởng hoặc đe doạ gây thiệt hại nghiêm trọng ngành công nghiệp trong nước.
Theo điều 337, điều tra phạm vi được tiến hành trên cơ sở đơn khiếu nại hoặc chính Uỷ ban Thương mại quốc tế tiến hành độc lập. Nhìn chung, nếu Uỷ ban Thương mại quốc tế xác định rằng hàng nhập khẩu phạm luật, họ có thể ra lệnh ngăn chặn, không cho phép sản phẩm đó nhập vào Mỹ và có thể yêu cầu các bên trong nước có liên quan đến vụ này chấm dứt những sự kiện có liên quan đến những hoạt động bất hợp pháp này. Nếu sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì không cần phải tiến hành điều tra thiệt hại. Tổng thống có quyền huỷ bỏ lệnh của Uỷ ban Thương mại quốc tế trong vòng 60 ngày “ vì những lý do chính trị “.
Bằng sáng chế: Bằng sáng chế được bảo hộ trong vòng 17 năm, ngăn chặn bất cứ ai làm, sử dụng hoăc bán các sáng chế hoặc quy trình đã được cấp bằng.. Toà án Mỹ cùng với những quy định pháp luật nghiêm ngặt, thường đưa ra các mức phạt, bồi thường rất nặng nề cho việc vi phạm bằng sáng chế này, đặc biệt là đối với các vụ nhập khẩu có vi phạm.
Nhãn hiệu: Hàng hoá mang nhãn hiệu giả hoặc sao chép, bắt chước một nhãn hiệu đã đăng ký bản quyền của một công ty Mỹ hoặc nước ngoài, sẽ bị cấm nhập khẩu vào Mỹ, một bản sao đăng ký ở Mỹ sẽ phải nộp cho Uỷ ban Hải quan và được lưu giữ theo quy định.
Cục hải quan cũng có những quy định tương tự đối với các chuyến hàng mang tên thương mại trái phép, các thương hiệu phải được đăng ký tại Hải quan theo quy định.
Hàng nhập khẩu có nhãn hiệu giả sẽ bị tịch thu, sung công quỹ Liên bang hoặc chính quyền địa phương hoặc chuyển cho các cơ quan từ thiện, hoặc bán đấu giá nếu trong vòng một năm không có cơ quan nào cần sử dụng. Tuy nhiên, luật pháp Mỹ cũng châm chước cho một số mặt hàng nhất định theo người Mỹ là hàng cá nhân sử dụng, không phải là hàng để bán.
Bản quyền: Điều 602(a) thuộc luật bản quyền sửa đổi 1976 quy định rằng việc nhập khẩu vào Mỹ các văn bản sao chép từ nước ngoài mà không được phép của người có bản quyền là vi phạm Luật bản quyền và sẽ bị giữ và tịch thu. Các bản sao sẽ bị huỷ. Tuy nhiên, các mặt hàng này có thể bị trả lại nước xuất khẩu nếu chứng minh thoả đáng cho cơ quan Hải quan là hàng không cố tình vi phạm. Các chủ sở hữu bản quyền muốn được cơ quan Hải quan Mỹ bảo vệ quyền lợi cần phải đăng ký bản quyền tại văn phòng bản quyền (US Copy right office) và đăng ký với Hải quan theo các quy định hiện hành.
Hiện nay, vấn đề Quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam chưa được coi trọng lắm và Việt Nam được liệt vào danh sách “ những nước bị theo dõi về Quyền sở hữu trí tuệ “ của Mỹ nên các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần lưu ý và cẩn thận trong vấn đề này để tránh rắc rối.
Quy định về trách nhiệm sản phẩm
Luật trách nhiệm sản phẩm (Product Liability Law) là luật có quy định về trách nhiệm sản phẩm. Người sản xuất hay người cung ứng hàng sẽ phải đền bù cho người tiêu dùng trong trường hợp sau:
- Sản phẩm cố ý gây hại cho người sử dụng
- Sản phẩm gây hại cho người sử dụng do thiết kế kém hay do sản xuất kém.
- Gây hại do các nguyên nhân khác. Ví dụ: Thiếu các lời ghi chú trên sản phẩm về cách sử dụng, về các nguy hiểm có thể xảy ra khi dùng sản phẩm...
Một đặc thù của luật pháp Mỹ là khi người sản xuất vi phạm trách nhiệm đối với sản phẩm thì ngoài số tiền bồi thường thiệt hại, nhà sản xuất còn phải trả thêm tiền phạt. Số tiền phạt được tính trên cơ sở toàn bộ tài sản của nhà sản xuất. Thực tế, nhiều khi số tiền phạt lớn gấp 10 lần số tiền bồi thường thiệt hại do vi phạm trách nhiệm sản phẩm.
Vì vậy mà theo đánh giá của các chuyên gia luật pháp Mỹ, Luật trách nhiệm sản phẩm là luật mà các nhà sản xuất cung ứng phải quan tâm hàng đầu khi sản xuất hàng sang Mỹ hay tổ chức kinh doanh trên đất Mỹ. Hiện nay các loại hàng hoá Việt Nam vẫn chưa có tiêu chuẩn chặt chẽ về an toàn cơ thể, an toàn sức khoẻ khi thiết kế và sản xuất nên sẽ gặp khó khăn lớn khi xuất khẩu sang Mỹ. Vì vậy, hợp đồng bán hàng phải chặt chẽ về phương diện này hay phải mua bảo hiểm trách nhiệm hàng hoá từ trước.
Những tiêu chuẩn về vệ sinh dịch tễ
Thị trường Mỹ yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm khá cao, nhất là đối với hàng hoá thực phẩm tươi sống.
Đáng chú ý nhất là hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm dựa trên nguyên tắc phân tích và xác định các nguy cơ và điểm kiểm soát tới hạn HACCP (Hazarrd Analysis and Critical Point). Đây là tiêu chuẩn nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh và ngăn chặn từ xa tất cả các mối nguy hiểm tiềm ẩn về sinh học, hoá học và lý học trong tất cả các công đoạn sản xuất, chế biến thực phẩm nói chung. HACCP được xây dựng trên cơ sở các quy định về an toàn, vệ sinh áp dụng trên thế giới: Good Manufacturing Practice (GMP), Sanitation Standard Operating Procedure (SSOP). Muốn xây dựng hệ thống HACCP, cơ sở sản xuất phải có đầy đủ các điều kiện sản xuất gồm nhà xưởng, kho, dây chuyền thiết bị sản xuất, môi trường sản xuất và con người theo các quy chuẩn của GMP, SSOP trong đó đặc biệt chú trọng giám sát an toàn vệ sinh qua kiểm tra các hồ sơ vận vận hành, kiểm tra việc sửa chữa, điều chỉnh khi các giới hạn bị vi phạm, giám sát chặt chẽ vệ sinh sản xuất và vệ sinh cá nhân của công nhân trong tất cả các khâu sản xuất, chế biến. HACCP được ban hành tháng 12/1995 và từ tháng 12/1997 được cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đưa vào áp dụng bắt buộc đối với thuỷ sản của Mỹ và thuỷ sản nhập khẩu từ nước ngoài. Vì đây là một tiêu chuẩn quốc tế khá khắt khe nên số doanh nghiệp Việt Nam đạt tiêu chuẩn này còn khá khiêm tốn. Vì vậy mà con đường thâm nhập thị trường Mỹ vẫn chưa thực sự rộng mở đối với các doanh nghiệp Việt Nam
Ngoài ra hầu hết các sản phẩm thực phẩm nông sản như phomát, sữa, rau, trái cây, thịt, sản phẩm thịt, gia cầm... hay sản phẩm y tế nhập khẩu vào Mỹ đều phải tuân theo những quy định của FDA, của USDA (Bộ nông nghiệp Mỹ) và phải đáp ứng các điều kiện về giám định và kiểm định của cơ quan giám định động vật và thực vật APHIS.
Gần đây, những dự luật mới của FDA cũng ảnh hưởng tới nhiều việc xuất khẩu thực phẩm vào Mỹ. Quan trọng nhất là dự luật 2002 về “bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, phòng chống khủng bố sinh học “ sẽ có hiệu lực từ ngày 12/12/2003, theo đó các cơ sở thực phẩm tại Mỹ bắt buộc phải đăng kí, kê khai tất cả các loại thực phẩm, tên, địa chỉ của tất cả các cơ sở có liên quan. Các cơ sở ngoài nước Mỹ phải uỷ quyền người đại diện tại Mỹ đăng ký thay. Điều 307 của dự luật yêu cầu thông báo ti
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- D11.doc