Khóa luận Tìm hiểu đạo đức học của Immanuen Cantơ

MỞ ĐẦU 1

1. Lý do chọn đề tài 1

2. Tình hình nghiên cứu của đề tài 2

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 2

4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu 3

5. Đóng góp của khóa luận 3

6. Kết cấu của khóa luận 3

Chương 1: NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA ĐẠO ĐỨC HỌC I.CANTƠ 4

1.1. Khái quát về đạo đức học I.Cantơ 4

1.2. Những chủ đề chính của đạo đức học I.Cantơ 14

1.2.1. Quan niệm của I.Cantơ về căn nguyên của đạo đức 14

1.2.2. Mệnh lệnh tuyệt đối - Quy luật của đạo đức 19

1.2.3. Tự do là phạm trù trung tâm của đạo đức học I.Cantơ 23

Chương 2: VỊ TRÍ, NHỮNG CỐNG HIẾN VÀ HẠN CHẾ CỦA ĐẠO ĐỨC HỌC I.CANTƠ 29

2.1. Vị trí của đạo đức học trong hệ thống triết học của I.Cantơ 29

2.2. Những cống hiến và hạn chế của đạo đức học I.Cantơ 42

KẾT LUẬN 56

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 59

 

 

 

 

doc63 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2392 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Khóa luận Tìm hiểu đạo đức học của Immanuen Cantơ, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
cao đẹp mà cả nhân loại đang hướng tới. Theo I.Cantơ, con người chỉ đạt được tự do hoàn toàn, tự do tuyệt đối trong thế giới siêu nghiệm (thế giới “vật tự nó”) và I.Cantơ đã hiểu tự do theo mấy nghĩa sau: Thứ nhất, tự do là khả năng tiên nghiệm đặc biệt cho phép giác tính hoạt động độc lập với quy luật tất yếu của tự nhiên trong lĩnh vực hiện tượng luận. Thứ hai, tự do tồn tại tương đối trong lĩnh vực hiện tượng luận, nơi mà mọi cái đều diễn ra một cách tất yếu. Thứ ba, tự do là cái thuộc lĩnh vực “vật tự nó” và thế giới này là thế giới của tự do. Như vậy, con người trong quan niệm của I.Cantơ dường như sống ở hai thế giới. Trong thế giới hiện tượng luận, thế giới mọi thứ đều diễn trình trước sự tác động của các quy luật tất yếu tự nhiên, thì con người chỉ có tự do tương đối và vì thế bất kỳ lúc nào cũng không tránh khỏi bị lệ thuộc. Họ chỉ có thể hoàn toàn tự do với các quy luật “tự nhiên” trong thế giới “vật tự nó”. Con người trong thế giới “vật tự nó” được hoàn toàn tự do với các quy luật tự nhiên, tự coi mình là mục đích của chính mình. Quan niệm này của I.Cantơ, tựu trung lại vẫn phân chia tự do của con người ở hai lĩnh vực. Ở trong lĩnh vực nhận thức, con người chỉ có tự do tương đối vì ở đó nó được xác lập trong quan hệ với sự vật. Chỉ có trong lĩnh vực thực tiễn (thực tiễn theo cách hiểu của ông là hoạt động đạo đức) thì con nguời mới thực sự thấy mình tự do, tự do là giá trị cao quý nhất trên thế gian này. Không một cái gì khác “chỉ có con người và cùng với nó, mỗi người là mục đích của chính bản thân mình” [17; 271]. Ông cho rằng tự do là lý tưởng cao cả, cùng với Thượng đế và sự bất tử của linh hồn là những lý tưởng hoàn hảo tuyệt đối trên thế giới, giúp con người thực hiện các chuẩn mực đạo đức tuyệt đối mà không hề bị chi phối bởi tình cảm và các động cơ vị lợi khác. I.Cantơ viết: ý chí tự do và ý chí tuân theo các quy luật đạo đức là như nhau. Như vậy, ông đã đồng nhất ý chí tự do với các quy luật đạo đức và cho rằng khi nào ý chí tự do tuân theo các quy luật đạo đức thì con người mới hoàn toàn tự do, tự quyết trong hành vi đạo đức đối với mình. Khi đồng nhất hoạt động đạo đức với tự do của con người, I.Cantơ đặt ra nhiệm vụ của triết học thực tiễn là nghiên cứu lý tính xét như là cái có thể tự quyết một cách hoàn toàn vô tư theo tự ý thức về bản ngã và tuyệt đối về những hành động của con người dựa vào những nguyên tắc tiên thiên. Ở đây, lý tính đựơc xét với tư cách là “ý chí thuần túy” hay “ý chí đạo đức”, cái ý chí quyết định hành vi con người không phụ thuộc vào đối tượng bên ngoài và những cảm giác chất thể, mà quyết định theo lòng thành hay thiện chí được gọi là ý chí đạo đức (ý chí tự do). I.Cantơ đã nhiều lần dùng danh từ “ý chí thuần túy” hay “ý chí đạo đức” để chỉ những quyết định của ý chí ta khi những quyết định này không dựa vào một sự thúc đẩy nào của những sự kiện thường nghiệm, và cũng không bị ảnh hưởng gì do những tâm tình. Chẳng hạn, ông viết: “Ngoài hình thức ban bố quy luật phổ biến ấy, nên một ý chí như thế phải được suy tưởng, như là hoàn toàn độc lập với định luật tự nhiên của những hiện tượng trong mối quan hệ hỗ tương của chúng, tức trong quy luật của tính nhân quả. Một sự độc lập như thế gọi là sự tự do theo nghĩa chặt nhất, tức, theo nghĩa siêu nghiệm. Cho nên, một ý chí - có thể có quy luật của mình không ở đâu khác hơn ngoài hình thức ban bố quy luật đơn thuần của châm ngôn - là một ý chí tự do” [3; 53]. Với quan niệm như vậy về tự do thì xét cho cùng, bản chất đích thực của con người phải là thực tại tự do, có tự do mới được gọi là đạo đức, mới xứng đáng làm người. Đối với I.Cantơ, “người” (nhân tính), “đạo đức” và “tự do” là ba thuật ngữ đồng nghĩa. Hay nói cách khác, con người chỉ có tự do khi có tư cách là một thực tại có lý tính và chịu sự dẫn dắt của lý tính tiên thiên. Với I.Cantơ, chỉ có trong thế giới “vật tự nó” thì mọi hành vi của con người mới hoàn toàn vô tư, hoàn toàn là tự ý thức về bản thân mình mà không bị lệ thuộc vào bất kỳ sự chi phối nào của hiện tượng chất thể trong thế giới thường nghiệm của tính tất yếu và quy luật nhân quả. Vì vậy, ở thế giới “vật tự nó” con người được hoàn toàn tự do, tự coi mình là mục đích của chính mình, ông gọi là thế giới “siêu nghiệm”. Trong thế giới “thường nghiệm” con người giống như vạn vật, giống với tự nhiên, còn trong thế giới “siêu nghiệm” con người như những thiên thần, ngang hàng với những thiên thần. Tuy nhiên, con người chỉ là thiên thần trong chừng mực những hành vi chỉ diễn ra trong đời sống tinh thần thuần túy làm cho con người vừa là nguyên nhân lại vừa là kết quả, vừa là động cơ và mục đích lại vừa là phương tiện. Qua phạm trù tự do, I.Cantơ đã cho chúng ta thấy rằng con người có tự do, thậm chí là tự do tuyệt đối trong lĩnh vực đạo đức khi và chỉ khi con người hành động tuân theo các quy tắc đạo đức tiên thiên, hành động theo sự mách bảo của lương tâm bên trong con người. Tuy nhiên, tự do mà I.Cantơ đề cập ở đây chỉ là tự do về mặt tinh thần bởi vì những mệnh lệnh đạo đức là do lý tính tiên thiên thuộc về thế giới siêu nghiệm chỉ đạo. Còn trong thế giới thường nghiệm con người không tài nào cảm nhận và trải nghiệm được tự do ấy. Điều này dẫn tới hệ quả là tự do trong đạo đức học hay triết học thực tiễn của I.Cantơ chỉ mới dừng lại ở sự tự do đạo đức thể hiện ở sự lựa chọn của chủ thể đối với hành vi của mình mà chưa thể vươn tới tự do trong hiện thực với những quan hệ chính trị, pháp luật, văn hóa…Vì vậy, mà giữa triết hoc lý luận và triết học thực tiễn dường như có một hố sâu ngăn cách không thể vượt qua được, đó cũng là các Antinômia (mâu thuẫn của lý tính) mà I.Cantơ đã vấp phải khi xây dựng hệ thống triết học của mình. Ý thức được mâu thuẫn đó, I.Cantơ đã xây dựng một chiếc cầu bắc qua hố sâu ngăn cách giữa triết học lý luận và triết học thực tiễn đó là triết học thẩm mỹ. Với triết học thẩm mỹ, I.Cantơ tự tin cho rằng sẽ xóa nhòa được ranh giới giữa triết học lý luận và triết học thực tiễn. Bởi lẽ, với triết học lý luận, lý tính tiên thiên đã không thể đem đến cho con người sự tự do tuyệt đối, còn với triết học thực tiễn, ông cũng hy vọng sự hoàn thiện của đạo đức sẽ đem lại cho con ngừơi cuộc sống tự do thực sự, tự do tuyệt đối, thế nhưng nó cũng chỉ là tự do trong tâm hồn con người - tự do về mặt tinh thần. I.Cantơ nhận thấy rằng chỉ trong sinh hoạt thẩm mỹ, trong thưởng ngoạn và sáng tạo cái đẹp con người mới đạt tới tự do hoàn thiện. Tự do trên cơ sở hiện thực, tự do không bị cưỡng bức mà hoàn toàn phù hợp với những chuẩn mực đạo đức vì nó được tất cả mọi người thừa nhận. Như vậy, tự do trong triết học thẩm mỹ của I.Cantơ là tự do trong đời sống thường nghiệm và tự do này ứng với đời sống của con người trong xã hội hiện thực. Mặc dù vậy, với hệ thống triết học duy tâm tiên nghiệm của mình I.Cantơ cho rằng con người chỉ hoàn toàn tự do trong đời sống siêu nghiệm (“vật tự nó”) chứ không phải trong đời sống thường nghiệm. Chương 2 VỊ TRÍ, NHỮNG CỐNG HIẾN VÀ HẠN CHẾ CỦA ĐẠO ĐỨC HỌC I.CANTƠ 2.1. Vị trí của đạo đức học trong hệ thống triết học của I.Cantơ Triết học I.Cantơ nói chung và đạo đức học của ông nói riêng là bước ngoặt rất quan trọng trong lĩnh vực tư tưởng triết học phương Tây, bởi nó đã nghiên cứu con người như một chủ thể tự quyết, chủ thể ban hành luật. Trong hệ thống triết học của I.Cantơ, triết học lý luận và triết học thực tiễn được ông xây dựng một cách hợp lý và chặt chẽ, trong đó triết học thực tiễn giữ vai trò quyết định. Và trong triết học thực tiễn, đạo đức học được I.Cantơ xác định là nền tảng và là mục đích của toàn bộ hệ thống triết học của ông. Theo ông, triết học có nhiệm vụ phải: xác định bản chất đích thực của con người và vị trí xứng đáng của con người trong thế giới. Vì lẽ đó, I.Cantơ đã xem xét con người như một chủ thể nhận thức và chủ thể hành động bao gồm cả nhận thức, thực tiễn và giá trị, hay tri thức, ý chí tự do và tình cảm thẩm mỹ. Ông nhận thấy rằng, nếu như không nghiên cứu đầy đủ cả ba lĩnh vực đó thì không thể hy vọng thực hiện việc xác định bản chất đích thực của con người. I.Cantơ khẳng định rằng: trong lĩnh vực nhận thức con người đạt tới cái “chân lý”, trong lĩnh vực hoạt động thực tiễn và đạo đức con người đạt tới cái “thiện” và trong lĩnh vực hoạt động thẩm mỹ con người đạt tới cái “đẹp”. Đây là một hệ thống toàn vẹn về các phương diện và giá trị chân - thiện - mỹ của đời sống tinh thần - thực tiễn con người. Như thế, khi đặt ra cho triết học của mình nhiệm vụ là xác định bản chất đích thực của con người, điều đó cũng có nghĩa là xem xét những điều kiện và năng lực chủ thể của đời sống con người với tư cách là thực tại có lý tính một cách tiên thiên để ở đó con người có một cuộc sống đích thực, vươn tới tự do tuyệt đối. Đây được xem là mục đích và ý đồ cao nhất của nhà triết học xứ Kenicxbéc khi ông xây dựng hệ thống triết học tiên nghiệm của mình. Tuy nhiên, với ông để đạt được tự do tuyệt đối, vượt ra khỏi mọi không gian và thời gian của thế giới “hiện tượng luận” thì đó phải là nhiệm vụ tối cao của triết học thực tiễn nói chung và đạo đức học nói riêng. Vì theo I.Cantơ triết học thực tiễn chính là toàn bộ đời sống hiện thực và thực tiễn đạo đức của con người. Thật vậy, khi nhìn nhận một cách tổng quát và hệ thống, chúng ta mới thấy được hết ý tưởng sâu xa mà nhà triết học vĩ đại I.Cantơ đã đề ra. Với bộ ba tác phẩm “phê phán” cơ bản và là cốt lõi của triết học I.Cantơ - “phê phán lý tính thuần túy”, “phê phán lý tính thực hành” và “phê phán năng lực phán đoán” - chứa đựng những nội dung đặc biệt quan trọng, chúng làm tiền đề bổ sung cho nhau, liên kết nhau tạo thành một hệ thống tư tưởng triết học độc đáo và đặc sắc, làm đảo lộn nhiều tư tưởng triết học của nhân loại, nhất là những tư tưởng triết học đã được khẳng định trong triết học phương Tây suốt từ thời Platon đến R.Đềcáctơ. Nó gợi mở tư duy triết học mới mẻ với những giá trị có tính nhân loại và tính thời đại, nó không chỉ được đánh giá như cuộc cách mạng “Côpécních” trong triết học mà quan trọng hơn là đem lại ý nghĩa to lớn cho một tư duy triết học tương lai. Hệ thống triết học đó có khát vọng trả lời ba câu hỏi lớn và cơ bản nhất đặt ra cho cả loài người trong mọi thời đại đó là: “ Tôi (con người) có thể biết được gì? Tôi cần phải làm gì? Tôi có thể hy vọng gì?” [8; 579]. Và lần lượt ông đã giải đáp từng câu hỏi một, câu hỏi thứ nhất được ông giải đáp trong tác phẩm “phê phán lý tính thuần túy”, câu hỏi thứ hai được ông giải đáp trong tác phẩm “phê phán lý tính thực hành” và câu hỏi thứ ba được ông giải đáp trong tác phẩm “phê phán năng lực phán đoán”. Qua bộ ba tác phẩm “phê phán” của I.Cantơ, chúng ta có thể hiểu được sâu sắc hơn các vấn đề thực tiễn đạo đức của con người hay chính xác hơn là thấy được vai trò và vị trí của đạo đức học trong hệ thống triết học của ông. Về thực chất, ba câu hỏi mà I.Cantơ đưa ra là sự khái quát hóa những điều mà mọi người đều phải trăn trở, suy tư trong cuộc sống thường ngày. Đó cũng chính là sự phản ánh ba phương diện cơ bản nhất trong mối quan hệ giữa con người và thế giới: nhận thức, thực tiễn và sinh hoạt thẩm mỹ. Với mục đích xây dựng nền tảng thế giới quan mới cho con người, xác định đối tượng của nhận thức con người, làm rõ năng lực nhận thức của con người và giới hạn của năng lực ấy, chỉ ra các Antinômia (mâu thuẫn của lý tính) mà lý tính con người không thể khắc phục được, nghĩa là giải đáp vấn đề “Tôi có thể biết được cái gì?”, năm 1781, I.Cantơ cho ra đời tác phẩm đầu tiên trong bộ ba tác phẩm “phê phán” của mình là “phê phán lý tính thuần túy” với tư cách là triết học lý luận. Trong tác phẩm này. Một mặt, ông xem xét lại trên tinh thần phê phán các quan niệm siêu hình học tư biện truyền thống về những vấn đề đó. Chẳng hạn, ông phê phán quan niệm của Platon, người cho rằng con người là anh em với thần linh nên cũng có thể thấu hiểu mọi điều, khả năng nhận thức của con người là vô tận, I.Cantơ còn phê phán R.Đềcáctơ ở tư tưởng tuyệt đối hóa khả năng duy lý của con người và cho rằng bản chất của tri thức là những quan niệm thuần túy và với tư duy lý tính thuần túy thì con người có thể đi tới tận cùng của chân lý tuyệt đối. Mặt khác, ông coi “nhiệm vụ phê phán này của lý tính tư biện thuần túy” là thay đổi toàn bộ phương pháp nghiên cứu của thứ siêu hình học ấy bằng một cuộc cách mạng triệt để trong lĩnh vực lý luận nhận thức và lôgíc học. Với hệ thống triết học lý luận, I.Cantơ đã tạo nên cuộc cách mạng “Côpécních” trong lịch sử triết học đồng thời đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử nhận thức của loài người. Không dừng lại ở đó, năm 1788, “phê phán lý tính thực hành” - tác phẩm “phê phán” thứ hai và được coi là triết học thực tiễn của I.Cantơ đã ra đời với mục đích làm rõ những nguyên lý hoạt động thực tiễn của con người trong xã hội, hay nói theo cách nói của ông, nhằm giải đáp vấn đề “Tôi cần phải làm gì?”. Ở đây, lần đầu tiên trong lịch sử triết học, hoạt động thực tiễn của con người được I.Cantơ đặt cao hơn hoạt động nhận thức và gắn cho nó vai trò quyết định trong mọi hoạt động của con người. Nhưng tiếc rằng, trong những hoạt động thực tiễn của con người, I.Cantơ lại không nói đến hoạt động sản xuất vật chất - đây là một hạn chế lớn mà ông đã mắc phải và hạn chế này chỉ thực sự được khắc phục triệt để hơn khi C.Mác và Ph.Ăngghen kế thừa và phát triển tư tưởng của I.Cantơ về đạo đức học. Với tư cách là mặt đối lập với triết học lý luận, lý tính thực tiễn mà I.Cantơ lấy làm đối tượng nghiên cứu trong “phê phán lý tính thực hành” cũng đã được ông đặt đối lập với lý tính thuần túy (tư biện), đối tượng nghiên cứu của “phê phán lý tính thuần túy”. Và, do vậy, hoạt động thực tiễn của con người đã được I.Cantơ xem xét và coi là một dạng hoạt động độc lập với hoạt động nhận thức. Đi sâu vào nghiên cứu vấn đề này, I.Cantơ đã xem xét hoạt động thực tiễn này của con người theo cả nghĩa rộng lẫn nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng, đó là toàn bộ các hoạt động chính trị, pháp quyền, văn hóa…của con người. Còn theo nghĩa hẹp, thì I.Cantơ cho rằng hoạt động thực tiễn cũng chính là hoạt động đạo đức của con người. Và rằng, con người muốn đạt được giá trị đạo đức thực sự và tự do tuyệt đối thì phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt cái gọi là “mệnh lệnh tuyệt đối” với tư cách là nguyên tắc của mọi hành vi đạo đức. I.Cantơ mong muốn xây dựng triết học thực tiễn của mình thành “một khoa học thực sự” [25; 384]. Song, do đặt lý tính thực tiễn ở vị trí đối lập với lý tính tư biện và một cách tương ứng, thế giới “hiện tượng luận” - đối tượng nghiên cứu của triết học lý luận với thế giới “vật tự nó” - đối tượng nghiên cứu của triết học thực tiễn, nên I.Cantơ không những không thể thực hiện được mong muốn của mình mà còn làm cho mối quan hệ giữa triết học lý luận và triết học thực tiễn vốn đã phức tạp nay lại càng trở nên phức tạp hơn. Cố gắng khắc phục tình trạng này, năm 1790, I.Cantơ cho ra đời tác phẩm cuối cùng trong bộ ba tác phẩm “phê phán” của mình là “phê phán năng lực phán đoán” - với tư cách là năng lực thẩm mỹ của lý tính con người. Ở đây, I.Cantơ đã lấy hoạt động thẩm mỹ của con người (khả năng cảm thụ và đánh giá nghệ thuật) với tư cách hoạt động tự do theo quy luật của cái đẹp, với tư cách khả năng tiên nghiệm của con người, cái có khả năng gắn kết lý tính thực tiễn với lý tính tư biện, gắn kết hoạt động thực tiễn một cách tự do với hoạt động nhận thức luôn bị chế ước bởi các phạm trù, quy luật của giác tính làm đối tượng nghiên cứu. Như vậy, với triết học thẩm mỹ, I.Cantơ coi nguồn gốc của cái đẹp không thuộc về khách thể cũng không thuộc về trí năng hay lý năng, mà thuộc về năng khiếu của chủ thể thẩm mỹ. Theo ông, cái đẹp là một mô thức có trước trong năng khiếu thẩm mỹ của con người, cho nên khi đứng trước sự vật hay nghệ phẩm ta nhận là đẹp vì nó đáp ứng đúng với mô hình mà óc tưởng tượng của ta đã khắc họa và được lý tính công nhận. Vì vậy, với ông: năng khiếu thẩm mỹ của con người là do lý tính tiên thiên mang lại và nhờ vào đó mà con người mới đạt được tự do trong việc lĩnh hội cũng như cảm nhận cái đẹp trong cuộc sống. Ngoài ra, trong triết học thẩm mỹ, I.Cantơ còn nêu ra một Antinômia của cái đẹp đó là: Một mặt, cái đẹp thẩm mỹ là cái phổ biến nơi con người; nhưng mặt khác, cái đẹp thẩm mỹ thể hiện trong sự thưởng thức lại là cái đơn nhất. Nếu không thể hiện dưới hình thức cái đơn nhất thì năng khiếu thẩm mỹ chẳng thể nào mà phán đoán được về cái đẹp, nhưng cái đẹp trong phán đoán thẩm mỹ phải mang tính phổ biến bằng không sẽ chẳng bao giờ được xem là đẹp. Với Antinômia của cái đẹp này, I.Cantơ đã chứng minh được con người hoàn toàn có thể vươn tới tự do thực sự nơi cuộc sống thường nghiệm. Do vậy, ông cho rằng: lý tính tiên thiên với tính cách là năng lực người, thì không phải ở chỗ nó đem lại tri thức cũng như đem lại tự do nơi thế giới siêu nghiệm mà ở chỗ nó là năng lực sáng tạo tự do hay đó là năng lực nghệ thuật. Thông qua sáng tạo nghệ thuật con người sẽ giải quyết các thái cực của Antinômia mà họ vấp phải. Bởi lẽ, đã là nghệ thuật thì phải xuất phát từ chất thể mà vươn lên cái không hình hài siêu nghiệm. Vì vậy, nghệ thuật vừa là phương thức sống cho con người thường nghiệm tự do lại vừa là đạo đức. Tựu trung lại, triết học thực tiễn ở I.Cantơ là chiếc cầu vững chắc nối liền thế giới “hiện tượng luận”- thường nghiệm và thế giới “vật tự nó” - siêu nghiệm. “Phê phán” cả lý tính thuần túy (tư biện), cả lý tính thực hành lẫn năng lực phán đoán của con người với tư cách là chủ thể nhận thức, chủ thể hành động, I.Cantơ đã làm nên một cuộc cách mạng có tính chất bước ngoặt trong lịch sử triết học.Và, khi gắn kết lý tính tư biện với lý tính thực tiễn bằng năng lực phán đoán, I.Cantơ đã đem lại tính chỉnh thể cho hệ thống triết học phê phán - siêu hình học tiên nghiệm của ông. Siêu hình học tiên nghiệm của I.Cantơ là một hệ thống triết học hoàn chỉnh, một chỉnh thể khoa học triết học có tính nhất quán và xuyên suốt. Song, trong hệ thống triết học ấy, vai trò hàng đầu được ông dành cho lý tính thực tiễn. Bởi lẽ, theo ông: “Toàn bộ các vấn đề triết học cần phải được hướng vào việc giải đáp những vấn đề của cuộc sống con người và hoạt động thực tiễn của con người” [21; 24]. Rằng, một khi thiếu tri thức, con người không thể trở thành chủ thể nhận thức đích thực. Song, nếu chỉ thuần túy dựa vào tri thức do năng lực nhận thức mà có thì con người cũng không thể có được tư cách ấy. Để trở thành chủ thể nhận thức đích thực, chủ thể tự do ý chí thì bên cạnh hoạt động nhận thức, con người còn cần đến cả hoạt động thực tiễn. Chính vì vậy mà triết học theo I.Cantơ rốt cuộc phải hướng đến việc giải đáp các vấn đề hiện thực mà con người luôn trăn trở trong cuộc đời, hướng đến việc làm rõ lý tính thực tiễn hay ý chí tự do của con người. Bởi lẽ, triết học với tư cách là một khoa học luôn chứa đựng ý niệm về sự thông thái một cách hoàn hảo mà “sự thông thái nói chung chủ yếu trong hành động, hơn là tri thức” [17; 258]. Với quan niệm này, I.Cantơ cho rằng, nếu có sự tồn tại của một khoa học thực sự cần thiết cho con người thì đó chính là siêu hình học tiên nghiệm - khoa học lấy lý tính thực tiễn với tư cách là khả năng tiên nghiệm của con người làm đối tượng nghiên cứu, khoa học hướng đến việc làm rõ vai trò hàng đầu của lý tính thực tiễn, của hoạt động thực tiễn của con người. Không chỉ có vậy, khi lý giải vì sao cần phải đặt lý tính thực tiễn ở vị trí đối lập với lý tính tư biện và dành cho lý tính thực tiễn vai trò hàng đầu trong siêu hình học tiên nghiệm, I.Cantơ còn cho rằng, việc con người sử dụng lý tính về phương diện lý luận chỉ có liên quan đến những khách thể của năng lực nhận thức; nó dẫn đến sự hình thành tri thức, hình thành các phán đoán về khách thể nhận thức và đem lại cho lý tính con người khả năng lựa chọn các phương pháp để thực hiện mục đích, nhưng nó lại vĩnh viễn không thể đem lại cho con người mục đích của hành động, không thể trở thành động cơ thúc đẩy con người hành động. Còn việc con người sử dụng lý tính về phương diện thực tiễn thì lại hoàn toàn khác. Lý tính mà con người sử dụng về phương diện thực tiễn là lý tính hướng đến những cơ sở mang tính nền tảng và có ý nghĩa quyết định của ý chí với tư cách năng lực hoặc tạo ra khách thể phù hợp với biểu tượng về chúng, hoặc tự quy định mình để tạo ra những biểu tượng ấy. Và, quan trọng hơn, việc sử dụng lý tính về phương diện thực tiễn còn đem lại cho con người khả năng dựa vào đó để hình thành những động cơ hành động. Khi đó, con người thể hiện ra là chủ thể tự do - tự do hành động, tự do hoạt động thực tiễn để tác động vào thế giới các “vật tự nó” với khát vọng nhận thức được thế giới này - thế giới mà con người với lý tính tư biện không thể nhận thức được. Như vậy, I.Cantơ đã cho rằng con người không thể trở thành chủ thể đạo đức trong hoạt động nhận thức vì ở thế giới đó, con người luôn bị chi phối và lệ thuộc vào các hoạt động chất thể và thường nghiệm, còn ở thế giới “vật tự nó” thì bất khả tri. Con người chỉ thực sự trở thành một chủ thể đạo đức và cũng là một chủ thể tự do - tự do hành động ở trong hoạt động thực tiễn của mình, bởi tại đó, con người sẽ không phải chịu bất kỳ sự chi phối nào của tính tất yếu và quy luật nhân quả, mà nó vượt lên trên tất thảy vạn vật trong thế giới tự nhiên, tự thân vận động để đạt được mục đích thực sự của mình đó là tự do tuyệt đối, tự do cao nhất. Xuất phát từ quan niệm của nhà tư tưởng, nhà biện chứng lỗi lạc của triết học Khai sáng Pháp - G.Rútxô - quan niệm về tính độc lập của ý thức đạo đức so với tri thức và giáo dục, I.Cantơ cho rằng, các nguyên lý đạo đức với tư cách sản phẩm của lý tính thực tiễn, kết quả hoạt động thực tiễn của lý tính con người trong thế giới các “vật tự nó” là cái có vị trí độc lập và vai trò hàng đầu so với các phạm trù, quy luật tự nhiên - sản phẩm của lý tính tư biện, kết quả hoạt động nhận thức của lý tính con người trong thế giới hiện tượng luận. Rằng, trong hoạt động nhận thức, lý tính tư biện là nguồn gốc duy nhất của các phạm trù, quy luật trong thế giới hiện tượng luận, còn trong hoạt động thực tiễn, lý tính thực tiễn là nguồn gốc duy nhất của các nguyên lý, các chuẩn mực đạo đức trong thế giới “vật tự nó”. Và, do vậy, theo I.Cantơ “các nguyên lý cảm tính nói chung là không thích hợp để từ đó, chúng ta có thể xây dựng các quy tắc đạo đức dựa vào chúng” [21; 33]. Điều này có nghĩa, chúng ta không thể xây dựng các quy tắc đạo đức nếu chỉ dựa vào các phạm trù, các quy luật của giác tính vì theo I.Cantơ chúng là tiên nghiệm nên chưa có bất kỳ một nội dung nào cả mà để làm được điều đó thì con người phải hướng hành động, hoạt động của mình theo sự dẫn dắt của lý tính thực tiễn. Từ đó, I.Cantơ cho rằng, “ý chí phục tùng các quy tắc đạo đức” và ý chí tự do là như nhau, là “mệnh lệnh tuyệt đối”, là nguyên tắc tối cao của đạo đức. Tự do ý chí là khả năng tiên nghiệm đặc biệt, khả năng cho phép lý tính con người hoạt động một cách độc lập đối với các quy luật tất yếu của tự nhiên trong thế giới hiện tượng luận. Ý chí tự do tồn tại một cách tuyệt đối trong thế giới “vật tự nó” mà lý tính con người không thể nhận thức được. Tự do, trong thế giới hiện tượng luận, thế giới mà ở đó, mọi cái đều diễn ra một cách tất yếu, chỉ tồn tại một cách tương đối; còn tự do trong thế giới “vật tự nó”, thế giới mà ở đó, các sự vật tồn tại một cách khách quan, tồn tại ngoài lý tính con người, thì tồn tại một cách tuyệt đối, tồn tại tự nó. Tự do là lý tưởng đạo đức cao cả nhất của mỗi người, là mục đích, là lý tưởng đạo đức cao đẹp nhất mà cả nhân loại cần hướng tới. Và, do vậy, theo I.Cantơ lý tính con người cần phải hành động, hoạt động tới mức tối đa sao cho ý chí tự do trở thành “quy luật phổ quát”, thành cái có thể được đưa vào “lập pháp phổ biến”. Khi I.Cantơ coi tự do với tư cách một lĩnh vực chủ yếu thuộc về thế giới “vật tự nó” là lý tưởng hoàn hảo, tuyệt đối mà con người phải hướng tới trong đời sống hiện thực, trong hoạt động của mình, là niềm tin giúp cho con người thực hiện các quy tắc đạo đức, I.Cantơ đã dành cho lý tính thực tiễn vai trò và vị trí hàng đầu so với lý tính thuần túy trong hệ thống triết học của mình. Với ông, tri thức mà lý tính con người mang lại chỉ có giá trị khi nó giúp cho con người trở nên có tính người hơn, mang lại cho con người một cơ sở đạo đức vững chắc và giúp cho con người thực hiện được lý tưởng về cái thiện. Với ông, ngay cả niềm tin vào sự bất diệt của Thượng đế và linh hồn, đích thực chẳng qua cũng chỉ là niềm tin đạo đức, là năng lực tuân thủ bổn phận ở khắp mọi nơi và mọi lúc - năng lực do lý tính thực tiễn mang lại. Với ông, siêu hình học tiên nghiệm chỉ có ý nghĩa khi nó giúp cho con người có được niềm tin đạo đức, giáo dục cho con người biết tuân thủ theo các quy tắc đạo đức và triết học chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó hướng mọi phương tiện giáo dục con người vào việc đạt tới cái thiện đích thực do lý tính thực tiễn mách bảo. Và, rằng các khát vọng cảm tính chỉ đưa con người tới chỗ hưởng thụ cá nhân, vị kỷ và phi đạo đức. Với những suy nghĩ như vậy và sau nhiều năm nghiền ngẫm kể từ sau khi công bố “phê phán lý tính thuần túy”, nhất là sau khi đã ý thức được một cách rõ ràng vai trò và vị trí hàng đầu của lý tính thực tiễn so với lý tính thuần túy, về “mệnh lệnh tuyệt đối”, về n

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docTrietHoc1031.doc
Tài liệu liên quan