MỤC LỤC
LỜI NÓI ĐẦU 1
CHƯƠNG I 3
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ TỔNG HỢP HÌNH PHẠT 3
1. Khái niệm và ý nghĩa tổng hợp hình phạt 3
1.1. Khái niệm 3
1.2. Ý nghĩa của tổng hợp hình phạt 4
2. Các nguyên tắc tổng hợp hình phạt 5
2.1. Nguyên tắc pháp chế XHCN 6
2.2. Nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa 7
2.3. Nguyên tắc cá thể hoá trong tổng hợp hình phạt 9
2.4. Nguyên tắc công bằng trong tổng hợp hình phạt 11
3. Khái quát lịch sử lập pháp hình sự việt nam về tổng hợp hình phạt 13
3.1. Giai đoạn từ năm 1945 cho đến trước khi có BLHSVN 1985 13
3.2. Giai đoạn áp dụng bộ luật hình sự Việt Nam năm 1985 16
3.3. Giai đoạn áp dụng BLHS Việt Nam năm 1999 19
CHƯƠNG II 21
TỔNG HỢP HÌNH PHẠT TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ 21
1. Tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội 21
1.1. Khái niệm 21
1.2. Nguyên tắc và cách thức tổng hợp hình phạt 23
2. Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án 29
2.1. Khái niệm 29
2.2. Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án theo BLHS năm 1999 29
3. Tổng hợp hình phạt trong trường hợp có liên quan đến án treo 36
4. Tổng hợp hình phạt trong trường hợp người chưa thành niên phạm nhiều tội 43
KẾT LUẬN CHUNG 52
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 55
BẢNG CHỮ VIẾT TẮT TRONG KHOÁ LUẬN 58
59 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 5350 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Khóa luận Tổng hợp hình phạt trong luật hình sự Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
án vẫn phải tuân thủ các quy định về quyết định hình phạt, đồng thời, khi tổng hợp thành hình phạt chung thì phải áp dụng các quy định riêng đối với trường hợp phạm nhiều tội.
Để tổng hợp hình phạt đúng trong trường hợp phạm nhiều tội thì việc hiểu rõ khái niệm “phạm nhiều tội” là một điều không thể bỏ qua. Trong lịch sử lập pháp hình sự Việt Nam, khái niệm này chưa từng được quy định trực tiếp trong một BLHS.
Tuy chưa được quy định trong BLHS nước ta nhưng khái niệm “phạm nhiều tội” đã được đề cập đến khá nhiều trong khoa học luật hình sự. Khoa học luật hình sự từ trước tới nay đều thừa nhận có hai trường hợp phạm nhiều tội.
Trường hợp thứ nhất, trường hợp người phạm tội có nhiều hành vi khác nhau, mỗi hành vi cấu thành một tội. Ví dụ: bị cáo phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác, sau đó lại phạm tội hiếp dâm.
Trường hợp thứ hai, trường hợp một hành vi phạm tội thoả mãn đồng thời nhiều cấu thành tội phạm cụ thể khác nhau. Ví dụ: một người dùng súng bắn chết người khác là phạm hai tội: tội giết người và tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Một hành vi phạm tội thoả mãn đồng thời nhiều cấu thành tội phạm gồm có các trường hợp sau:
Một hành vi phạm tội đồng thời thoả mãn dấu hiệu của hai cấu thành tội phạm cụ thể khác nhau
Một hành vi phạm tội vừa thoả mãn một cấu thành tội phạm cụ thể vừa thoả mãn cấu thành tội phạm của hành vi đồng phạm của một tội cụ thể khác.
Một hành vi phạm tội đồng thời thoả mãn hai cấu thành tội phạm của hành vi đồng phạm của hai tội khác nhau.
Cần phân biệt trường hợp phạm nhiều tội với tội kéo dài, tội liên tục và phạm tội nhiều lần. Tội kéo dài là trường hợp về bản chất hành vi phạm tội kéo dài từ lúc bắt đầu được thực hiện và chỉ kết thúc khi tội phạm bị phát hiện bắt giữ hoặc người phạm tội chủ động kết thúc việc phạm tội đó. Tội liên tục là trường hợp người phạm tội thực hiện liên tục nhiều hành động phạm tội cùng tính chất đối với cùng một đối tượng và vì vậy, chỉ cấu thành một tội phạm. Phạm tội nhiều lần là trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội cùng tính chất và cùng xâm phạm một khách thể và các hành vi có sự cách nhau một khoảng thời gian nhất định. Việc phân biệt trường hợp phạm nhiều tội với các trường hợp trên có ý nghĩa quan trọng trong việc định tội danh, quyết định hình phạt và tổng hợp hình phạt. Vì nếu đó không phải là trường hợp phạm nhiều tội thì sẽ dẫn đến định tội danh sai, định tội danh sai dẫn đến quyết định hình phạt sai, quyết định hình phạt sai dẫn đến tổng hợp hình phạt sai. Do vậy, khi xét xử, Toà án cần hết sức chú ý vấn đề này.
1.2. Nguyên tắc và cách thức tổng hợp hình phạt
Nguyên tắc và cách thức tổng hợp hình phạt là một vấn đề hết sức quan trọng và không thể bỏ qua khi bàn về tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội.
Về cách thức tổng hợp, trong trường hợp phạm nhiều tội, trước khi tổng hợp và quyết định hình phạt chung cho các tội thì Tòa án phải quyết định hình phạt cho từng tội. Việc tuyên hình phạt cho từng tội sau đó mới tổng hợp thành hình phạt chung có các ý nghĩa sau:
Thứ nhất, chính việc tuyên hình phạt cho từng tội đảm bảo cho hình phạt được tuyên tương xứng với từng tội bị cáo đã thực hiện như vậy hình phạt chung sau khi được tổng hợp từ các tội sẽ là hình phạt xứng đáng mà bị cáo phải chấp hành. Khi đó bị cáo sẽ “tâm phục”, “khẩu phục’’ để chấp hành hình phạt và như vậy mục đích của hình phạt mới có thể đạt đựơc.
Thứ hai, chỉ khi quyết định hình phạt cho từng tội đúng thì Toà án mới có thể tổng hợp đúng. Như vậy, việc quyết định hình phạt cho từng tội là bước tạo tiền đề cho Toà án trước khi tiến hành tổng hợp hình phạt cho các tội.
Thứ ba, việc quyết định hình phạt cho từng tội tạo cơ sở pháp lý cho Toà án cấp trên phát hiện những sai sót trong quá trình xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án của Toà án cấp dưới đồng thời nó cũng là cơ sở để xem xét việc áp dụng các chế định khác như chế định tái phạm, tái phạm nguy hiểm...
Sau khi tuyên hình phạt riêng cho từng tội, Toà án sẽ quyết định và tuyên hình phạt chung. Hình phạt chung không được vượt quá giới hạn luật quy định đối với từng loại hình phạt. Hình phạt chung là sự đánh giá toàn diện và đầy đủ nhất đối với tất cả các hành vi nguy hiểm cho xã hội mà bị cáo đã thực hiện do đó mức phạt phải tương xứng với toàn bộ các tội mà bị cáo đã phạm. Nếu hình phạt chung được tổng hợp không đúng sẽ làm mất ý nghĩa của việc quyết định hình phạt đối với từng tội và do vậy sẽ không đạt được mục đích của hình phạt.
Việc tổng hợp hình phạt phải tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định. Đó là nguyên tắc thu hút, nguyên tắc cộng hình phạt và nguyên tắc cùng tồn tại.
Về nguyên tắc cộng hình phạt, nguyên tắc cộng hình phạt có hai trường hợp: nguyên tắc cộng toàn bộ và nguyên tắc cộng một phần. Nguyên tắc cộng toàn bộ là nguyên tắc cho phép cộng toàn bộ các hình phạt thành hình phạt chung. Nguyên tắc này được áp dụng khi có thể và cần thiết phải cộng toàn bộ các hình phạt với nhau (hình phạt chung sau khi đã cộng không vượt giới hạn mà luật cho phép đối với loại hình phạt đó). Nguyên tắc cộng một phần là nguyên tắc cho phép cộng hình phạt cao nhất với một phần hình phạt còn lại thành hình phạt chung. Nguyên tắc này được áp dụng khi, không thể cộng toàn bộ được vì mới cộng một phần với hình phạt nặng nhất đã đạt mức tối đa cho phép của loại hình phạt này. Ví dụ: H bị Toà án tuyên phạt 20 năm tù về tội cướp tài sản theo khoản 3 Điều 133 BLHS, 15 năm tù về tội cướp giật tài sản theo khoản 4 Điều 136. Trong trường hợp này, hình phạt chung mà bị cáo H phải chấp hành là 30 năm tù. Tổng cộng hình phạt đúng ra H phải chịu mức tù là 35 năm nhưng vì hình phạt chung không được quá 30 năm nên Toà án chỉ có thể cộng 20 năm tù của tội cướp tài sản với 10 năm tù của tội cướp giật tài sản thì đã đạt mức tối đa cho phép là 30 năm.
Về nguyên tắc thu hút, theo nguyên tắc thu hút, hình phạt chung là hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên. Nguyên tắc này được áp dụng trong trường hợp không thể cộng hết các hình phạt lại với nhau do có một trong các hình phạt đã tuyên là hình phạt nặng nhất trong hệ thống hình phạt hay do các hình phạt không thể cùng chấp hành. Ví dụ: Bị cáo N phạm tội hiếp dâm và tội giết người. Toà án tuyên tử hình đối với tội giết người và 10 năm tù với tội hiếp dâm. Hình phạt chung trong trường hợp này là tử hình. Ví dụ khác: Bị cáo H phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của người khác và tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Toà án tuyên hình phạt tù chung thân đối với tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của người khác “và 5 năm tù với tội “huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”. Trong trường hợp này, hình phạt chung là tù chung thân.
Về nguyên tắc cùng tồn tại, nguyên tắc cùng tồn tại được áp dụng khi không áp dụng được hai nguyên tắc trên. Tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc này sẽ không có hình phạt chung cho tất cả các tội mà chỉ có việc phải chấp hành đồng thời các hình phạt. Ví dụ: Bị cáo A phạm tội buôn lậu và tội chống người thi hành công vụ. Toà án tuyên phạt 50 triệu đồng về tội “buôn lậu” và phạt 3 năm tù về “tội chống người thi hành công vụ”. Trường hợp này bị cáo phải chấp hành đồng thời cả hai hình phạt trên.
Bộ luật hình sự năm 1999 đã quy định cụ thể các trường hợp áp dụng áp dụng các nguyên tắc tổng hợp hình phạt trên. Cụ thể:
Nguyên tắc thu hút hình phạt được áp dụng khi hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình hoặc tù chung thân. Như vậy, nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình. Nếu hình phạt nặng nhất trong các hình phạt đã tuyên là chung thân thì hình phạt chung là chung thân.
Nguyên tắc cộng hình phạt được áp dụng khi có thể cộng được các hình phạt của các tội miễn là hình phạt chung nằm trong giới hạn luật cho phép. Mặt khác, nguyên tắc này chỉ được áp dụng khi các hình phạt đó cùng loại hoặc có thể quy về cùng loại.
Nguyên tắc cùng tồn tại chỉ được áp dụng khi không áp dụng được hai nguyên tắc trên. Cụ thể là nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại và không thể áp dụng được nguyên tắc thu hút hình phạt thì bị cáo phải chấp hành tất cả các hình phạt này.
Luật hình sự Việt Nam coi nguyên tắc cộng toàn bộ là nguyên tắc ưu tiên bắt buộc. Chỉ khi không áp dụng được nguyên tắc này mới áp dụng các nguyên tắc còn lại. Điều này thể hiện rõ trong các quy định cụ thể của BLHS năm 1999. [5, Tr. 280]
Trên cơ sở các nguyên tắc trên, Điều 50 BLHS năm 1999 quy định cách tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội như sau:
Đối với hình phạt chính, nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ thì Toà án sẽ cộng các hình phạt đó thành hình phạt chung. Hình phạt chung không được vượt qua 3 năm cải tạo không giam giữ.
Nếu các hình phạt đã tuyên là tù có thời hạn thì Toà án sẽ cộng các hình phạt đó thành hình phạt chung. Hình phạt chung không được vượt quá 30 năm tù. Ví dụ: Ngày 27/3/2006 tại phiên toà xét xử vụ án “cố ý làm trái”, “đưa hối lộ”, “trốn thuế” xảy ra tại công ty Sinhanco, Hội đồng xét xử của Toà án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tuyên phạt Huỳnh Liên Thuận (nguyên giám đốc công ty) 20 năm tù về tội đưa hối lộ, 12 năm tù về tội cố ý làm trái, 4 năm tù về tội trốn thuế và 3 năm tù về tội sử dụng trái phép tài sản. Tổng cộng cho các tội bị cáo Thuận bị tuyên 39 năm tù nhưng hình phạt chung không được vượt quá 30 năm tù do vậy bị cáo bị buộc phải chấp hành hình phạt chung là 30 năm tù. [ 41]
Nếu các hình phạt đã tuyên gồm cả hình phạt cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn thì Toà án phải quy đổi cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn theo tỷ lệ cứ ba ngày cải tạo không giam giữ bằng một ngày tù. Sau đó, Toà án sẽ tổng hợp thành hình phạt chung. Hình phạt chung không được vượt quá 30 năm tù.
Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là chung thân hoặc tử hình thì hình phạt chung là chung thân hoặc tử hình.
Ví dụ: Ngày 02/12/2003 Toà án nhân dân TP Hà Nội đã kết thúc phiên toà xét xử vụ án hình sự đối với bị cáo Lã Thị Kim Oanh và đồng phạm. Riêng bị cáo Lã Thị Kim Oanh, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt tử hình về tội tham ô tài sản, 20 năm tù về tội cố ý làm trái. Tổng hợp hình phạt bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là tử hình. [ 40 ]
Phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác; các khoản tiền phạt được cộng thành hình phạt chung.
Trục xuất không tổng hợp cùng các hình phạt khác.
Đối với hình phạt bổ sung, nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì toà án quyết định một hình phạt chung trong giới hạn do BLHS quy định đối với loại hình phạt đó (trừ phạt tiền vì luật không khống chế mức tối đa đối với loại hình phạt này). Ví dụ: Ngày 07/8/2007 tại phiên toà xét xử vụ án hình sự đối với Bùi Tiến Dũng và đồng bọn về tội “đánh bạc” và “đưa hối lộ”, Hội đồng xét xử Toà án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên phạt Bùi Tiến Dũng 6 năm tù về tội đánh bạc, 7 năm tù về tội đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt bị cáo phải chịu hình phạt chung là 13 năm tù. Ngoài ra, Hội đồng xét xử còn tuyên phạt hình phạt bổ sung đối với Bùi Tiến Dũng cho cả hai tội. Cụ thể: phạt 50 triệu đồng cho tội đánh bạc, 1 tỷ 168 triệu đồng về tội đưa hối lộ. Tổng cộng bị cáo Dũng phải chịu hình phạt bổ sung chung là 1 tỷ 218 triệu đồng. [ 39 ]
Nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì Toà án không thực hiện việc quyết định hình phạt chung mà buộc bị cáo phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên.
Một vấn đề nữa cần xem xét khi nghiên cứu về tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội là về mức hình phạt tổng hợp của loại hình phạt tù có thời hạn. Theo quy định tại Điều 50 BLHS thì hình phạt chung đối với loại hình phạt tù có mức tối đa là 30 năm. Hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này. Có ý kiến cho rằng, Điều 50 quy định mức hình phạt tổng hợp trong trường hợp phạm nhiều tội đối với hình phạt tù là 30 năm là mâu thuẫn với Điều 33.
“Điều 33 quy định 20 năm là mức tối đa của hình phạt tù có thời hạn trong khi đó mục a khoản 1 Điều 50 lại quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội thì Toà án có thể áp dụng hình phạt tù với thời hạn tối đa là 30 năm đối với người phạm tội. Cần thấy rằng 20 năm một ngày tới 30 năm tù không phải là một loại hình phạt độc lập và càng không phải là một khung hình phạt của một loại hình phạt độc lập và vì vậy khi áp dụng hình phạt tù với khoảng thời gian nói trên là vi phạm nguyên tắc pháp chế trong luật hình sự”. [31, Tr. 46]
ý kiến khác lại cho rằng, quy định tại Điều 50 không mâu thuẫn với Điều 33. Tác giả đồng quan điểm với ý kiến này bởi lẽ, Điều 33 quy định như sau: “Tù có thời hạn là việc buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại trại giam trong một thời hạn nhất định. Tù có thời hạn đối với người phạm một tội có mức tối thiểu là 3 tháng, mức tối đa là 20 năm…”. [27, Tr. 47]
Điều 33 chỉ khống chế mức tối đa của hình phạt tù có thời hạn là 20 năm trong trường hợp người phạm một tội chứ không bao gồm cả trường hợp phạm nhiều tội. Do vậy, quy định tại Điều 50 về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội không chịu sự ràng buộc của quy định tại Điều 33 về mức hình phạt tối đa của tù có thời hạn. Hay nói cách khác, quy định tại Điều 50 không phủ định quy định Điều 33 do vậy không có sự vi phạm nguyên tắc pháp chế XHCN trong luật hình sự đối với trường hợp này. Trái lại nếu xét trong mối liên hệ phổ biến về tính nguy hiểm cho xã hội của trường hợp người phạm một tội với trường hợp người phạm nhiều tội thì quy định trên còn là sự thể hiện nguyên tắc công bằng trong luật hình sự. Để thấy rõ hơn chúng ta có thể thử bổ sung thêm vào Điều 33 như sau: “Tù có thơì hạn là việc buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại trại giam trong một thời hạn nhất định. Tù có thời hạn đối với người phạm một tội có mức tối thiểu là 3 tháng, mức tối đa là 20 năm; trong trường hợp phạm nhiều tội mức tối đa là 30 năm…”. Các nhà làm luật hoàn toàn có thể quy định như vậy mà không hề thấy có sự vi phạm nguyên tắc pháp chế XHCN ở đây. Tuy nhiên, quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội là một trường hợp đặc biệt và về kỹ thuật lập pháp việc quy định riêng mức tối đa của hình phạt tù có thời hạn trong trường hợp phạm nhiều tội tại Điều 50 mà không quy định luôn tại Điều 33 là phù hợp.
Tóm lại, tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội là một trường hợp đặc biệt của hoạt động quyết định hình phạt. Khi tổng hợp hình phạt, Toà án trước hết phải áp dụng các quy định chung đối với quyết định hình phạt sau đó còn phải áp dụng quy định riêng đối với trường hợp này theo quy định của pháp luật. Việc tổng hợp hình phạt phải tuân thủ những nguyên tắc và cách thức nhất định. Theo pháp luật hiện hành có ba nguyên tắc tổng hợp hình phạt đối với trường hợp phạm nhiều tội. Đó là các nguyên tắc: nguyên tắc thu hút, nguyên tắc cộng hình phạt, nguyên tắc cùng tồn tại. Mỗi nguyên tắc đều có cách thức tổng hợp riêng. Vì vậy, để tổng hợp hình phạt đúng đòi hỏi cán bộ xét xử phải hiểu đúng và áp dụng thống nhất các nguyên tắc này theo quy định tại Điều 50 BLHS năm 1999. Xét về mặt kỹ thuật lập pháp, quy định về tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội tại Điều 50 BLHS 1999 so với các quy định trước đó là một tiến bộ vượt bậc. Tuy nhiên, để các quy phạm pháp luật hình sự ngày càng hoàn thiện và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh, phòng chống tội phạm, tác giả cho rằng cần phải bổ sung một điều luật riêng biệt quy định về khái niệm trường hợp “phạm nhiều tội” tại phần chung BLHS.
2. Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án
2.1. Khái niệm
Trong trường hợp một người phạm nhiều tội, về nguyên tắc tất cả các tội phạm đều phải bị đem ra xét xử. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy rằng, không phải trong tất cả các trường hợp phạm nhiều tội đều được phát hiện và đưa ra xét xử cùng một lần. Có trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án có hiệu lực pháp luật thì họ lại bị đưa ra xét xử về một tội đã phạm trước khi có bản án này. Trường hợp khác, bị cáo đang chấp hành một bản án có hiệu lực pháp luật lại phạm tội mới và bị đem ra xét xử hoặc trường hợp có nhiều bản án có hiệu lực pháp luật nhưng các bản án này chưa được tổng hợp. Các trường hợp nói trên là nội dung của vấn đề tổng hợp hình phạt của nhiều bản án được quy định trong luật hình sự Việt Nam.
Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án là việc Toà án quyết định cho người phạm tội một hình phạt chung trong trường hợp người đó bị tuyên nhiều hình phạt trong nhiều bản án khác nhau.
Khi tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, Toà án phải quyết định hình phạt chung cho bị cáo dựa trên cơ sở các bản án khác nhau. Vì vậy, trong trường hợp này, Toà án vẫn phải tuân thủ các quy định chung về quyết định hình phạt và đến khi tổng hợp hình phạt, Toà án còn phải áp dụng các quy định riêng cho trường hợp này.
2.2. Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án theo BLHS năm 1999
Theo quy định tại Điều 51 BLHS năm 1999, tổng hợp hình phạt của nhiều bản án có ba trường hợp sau:
Trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án có hiệu lực pháp luật lại bị đưa ra xét xử về một tội đã phạm trước khi có bản án đó. Trường hợp này được quy định tại khoản 1, Điều 51. Cụ thể:
“Trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về một tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Toà án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 50 của bộ luật này.
Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.”
Như vậy, để tổng hợp hình phạt trong trường hợp này, Hội đồng xét xử phải quyết định hình phạt cho tội đang bị xét xử, sau đó tổng hợp với bản án trước theo quy định của Điều 50 BLHS. Tiếp đó, Hội đồng xét xử lấy hình phạt chung trừ đi thời gian mà người bị kết án đã chấp hành, phần còn lại của hình phạt tuyên buộc người bị kết án phải chấp hành.
Ví dụ: Tháng 8 năm 2002 H phạm tội bức tử và bị Toà án tỉnh Q áp dụng khoản 2 Điều 100 tuyên phạt 5 năm tù giam. A đang chấp hành hình phạt được một năm thì lại bị phát hiện trước đó vào tháng 7 năm 2001 A còn phạm tội trộm cắp và lại bị Toà án tỉnh Q đem ra xét xử. A bị tuyên 5 năm tù giam về tội trộm cắp tài sản theo khoản 2 Điều 138. Tổng hợp hình phạt của hai bản án trên A phải chịu hình phạt chung là 9 năm tù
Trong quy định tại khoản 1 Điều 51 trên cần làm rõ khái niệm “một người đang phải chấp hành một bản án”. Có ý kiến cho rằng, một người đang chấp hành một bản án tức là người đó phải đang thực tế chấp hành bản án đó. Do vậy, một người mặc dù phải chấp hành một bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng thực tế chưa chấp hành, mà bị đưa ra xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì không tổng hợp hình phạt theo quy định tại khoản 1, Điều 51 BLHS. Đây là cách hiểu chưa chính xác. Theo tác giả, một người đang phải chấp hành hình phạt được hiểu là người đó đang có nghĩa vụ phải chấp hành một bản án đã có hiệu lực pháp luật nghĩa là cả cả trường hợp người đó đã bắt đầu việc chấp hành hình phạt của bản án đó nhưng chưa chấp hành xong và cả trường hợp người đó chưa bắt đầu chấp hành hình phạt của bản án đã có hiệu lực pháp luật đó. Bởi lẽ, một người đang chấp hành một bản án đã có hiệu lực pháp luật tức là người đó đã có hành vi phạm tội, đã bị Nhà nước tỏ thái độ lên án, giáo dục và họ đang phải chịu những nghĩa vụ pháp lý nhất định. Việc họ đang “có án” thể hiện rõ thái độ của Nhà nước đã đánh giá họ là người có nhân thân không tốt. Sự đánh giá này là khách quan. Việc người bị kết án chưa thực tế chấp hành hình phạt không làm tốt đẹp hơn tình trạng nhân thân của họ. Do đó, việc Toà án áp dụng khoản 1, Điều 51 để tổng hợp hình phạt sẽ là sự đánh giá toàn diện nhất thái độ của Nhà nước đối với nhân thân người bị kết án.
Cũng tại khoản 1 Điều 51 còn quy định “thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung”. Vấn đề đặt ra là thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước gồm những thời gian nào? Thời gian bị cáo bị tạm giữ, tạm giam có được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung không?
Có ý kiến cho rằng, đoạn 2, khoản 1 Điều 51 chỉ quy định là: “Thời gian đã chấp hành hình phạt” của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung mà không quy định thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung (trong trường hợp hình phạt chung là tù có thời hạn hoặc cải tạo không giam giữ) và tác giả ý kiến trên cho rằng thời hạn tạm giữ, tạm giam cũng phải được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung. [33. Tr. 15]
Về vấn đề này, theo tác giả : Tại khoản 1 Điều 31 BLHS quy định “Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ một ngày tạm giữ, tạm giam bằng ba ngày cải tạo không giam giữ”.
Tại đoạn 2 Điều 33 BLHS cũng quy định “Thời gian tạm giữ, tạm giạm được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, cứ một ngày tạm giữ, tạm giam bằng một ngày tù.”
Từ hai quy định trên, đối chiếu với quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS có thể thấy luật đã gián tiếp quy định thời gian người bị kết án bị tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung. Và thực tiễn áp dụng, trong trường hợp bị cáo đã bị tạm giữ, tạm giam, các Toà án đều trừ thời gian tạm giữ, tạm giam vào thời hạn chấp hành hình phạt chung của người bị kết án bằng cách tính thời hạn chấp hành hình phạt chung từ ngày bị tạm giữ, tạm giam. Nếu thời gian tạm giữ, tạm giam và chấp hành hình phạt tù không liền nhau, thì tính thời hạn chấp hành hình phạt tù chung từ thời điểm bắt giam sau cùng, thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam trước đó được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.
Ví dụ: Tại bản án số 622/2007/HSST của Hội đồng xét xử Toà án nhân dân quận Đống Đa, Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Lê Ngọc T 12 tháng tù về tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” và buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt 24 tháng tù tại bản án số 194 ngày 17/4/2006 của Toà án nhân dân quận Đống Đa đã tuyên cho T về tội cướp tài sản nhưng cho hưởng án treo. Tổng hợp hình phạt buộc bị cáo phải chấp hành chung cho hai bản án là 36 tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 5/9/2007 (là ngày bị bắt lần cuối cùng). Bị cáo được trừ thời gian đã bị tạm giam của bản án trước từ ngày 5/12/2005 đến ngày 17/4/2006. [38]
Như vậy, để đảm bảo tính gọn nhẹ, khoa học trong BLHS thì không cần thiết phải quy định thêm việc phải trừ thời gian tạm giữ, tạm giam vào thời hạn chấp hành hình phạt chung vào trong BLHS vì thực chất luật đã có quy định về vấn đề này.
Một vấn đề khác nữa cần xem xét khi áp dụng khoản 1 Điều 51 là vấn đề tổng hợp hình phạt trong trường hợp, hình phạt của bản án trước là cải tạo không giam giữ, của bản án sau là tù có thời hạn. Trường hợp này, Toà án sẽ quy đổi toàn bộ hình phạt cải tạo không giam giữ của bản án trước thành hình phạt tù theo tỉ lệ 3:1, sau đó trừ đi hình phạt tù đã được đổi từ cải tạo không giam giữ vào hình phạt tù chung. Ví dụ: ngày 18/4/2005, H bị Toà án xử phạt 24 tháng cải tạo không giam giữ về tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 104 BLHS. Sau đó, ngày 18/4/2006 H lại bị đem ra xét xử về tội hiếp dâm đã thực hiện năm tháng 8 năm 2004 và bị tuyên phạt 5 năm tù theo khoản 1 Điều 113 BLHS (tính đến thời điểm này H đã chấp hành được 12 tháng cải tạo không giam giữ). Tổng hợp hình phạt Toà án buộc H phải chấp hành 5 năm tù của bản án đang xét xử cộng với 8 tháng tù của bản án trước được đổi từ 24 tháng cải tạo không giam giữ thành hình phạt chung là 5 năm 8 tháng tù. Vì H đã chấp hành được 12 tháng cải tạo không giam giữ bằng 4 tháng tù nên được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung. Do đó, hình phạt chung mà H phải chấp hành là 5 năm 4 tháng tù.
“Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử các Toà án thường trừ thời gian đã chấp hành trước rồi mới tổng hợp sau (nếu tổng hợp như vậy, trong trường hợp hình phạt của các bản án tổng hợp lại là trên 30 năm tù thì sẽ gây thiệt hại cho người phạm tội).” [25, Tr. 20]
Trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án có hiệu lực pháp luật lại phạm tội mới và bị đem ra xét xử. Trường hợp này được quy định tại khoản 2, Điều 51 BLHS. Cụ thể:
“Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại phạm tội mới, Toà án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 50 Bộ luật này.”
Trường hợp này, người phạm tội thể hiện tính nguy hiểm cho xã hội cao hơn trường hợp trước. Bởi vì, một người đang phải chấp hành một bản án, tức là đã được Nhà nước tỏ thái độ đối với hành vi phạm tội của họ nhưng họ đã không chịu cải tạo, giáo dục mà lại đi vào con đường phạm tội mới. Vì vậy, việc tổng hợp hình phạt trong trường hợp này phải thể hiện tính nghiêm khắc hơn đối với các trường hợp khác. Việc tổng hợp sẽ được thực hiện như sau: Toà án quyết định hình phạt cho một hay các tội đang xét xử (trường hợp phạm nhiều tội mới), sau đó cộng hình phạt hay các hình phạt đã tuyên với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước. Hình phạt chung không được vượt quá giới hạn
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LDOCS (53).doc