Pháp luật Hoa Kỳ quy định thỏa thuận đình chỉ có thể được thực hiện dưới ba hình thức:
- Thỏa thuận ngừng xuất khẩu vào Hoa Kỳ sản phẩm đang bị điều tra: theo hình thức này thì doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải cam kết không xuất khẩu sản phẩm bị điều tra vào Hoa Kỳ nữa cho dù là với mức giá phá giá hay không, thực chất là từ bỏ hẳn thị trường Hoa Kỳ. Việc này phải được thực hiện trong vòng 6 tháng kể từ ngày hoạt động điều tra được đình chỉ theo thỏa thuận. Loại thỏa thuận này không được quy định cả trong pháp luật của WTO hay EU. Thực tế, các thống kê cho thấy chưa bao giờ có loại thỏa thuận này xảy ra đối với bất kỳ vụ kiện BPG nào tại Hoa Kỳ. Lý do đơn giản là vì khi doanh nghiệp đã xác định từ bỏ hẳn thị trường Hoa Kỳ thì họ cũng không quan tâm tới việc bị kiện BPG vì thế sẽ không khi nào phí công sức đi đàm phán về việc từ bỏ thị trường của mình.
200 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2409 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận án Pháp luật về chống bán phá giá của WTO, Hoa Kỳ và EU và thực tiễn chống bán phá giá trong thương mại quốc tế của Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
trong số các khu vực nhỏ hơn đó để xác định ngành sản xuất nội địa với điều kiện:
(1) Các nhà sản xuất trong khu vực thị trường đó bán tất cả hoặc gần như tất cả sản lượng của mình tại thị trường đó; (2) nhu cầu ở thị trường đó không được đáp ứng ở mức độ đáng kể bởi các nhà sản xuất ở nơi khác trong phạm vi lãnh thổ. Như vậy là trong trường hợp này, khu vực thị trường nhỏ hơn kia là một thị trường gần như tách biệt hoàn toàn trong lòng thị trường quốc nội, ở nơi đó các nhà sản xuất tại khu vực đó cung cấp đầy đủ cho nhu cầu của toàn bộ khu vực và không có sự tham gia đáng kể từ các doanh nghiệp bên ngoài khu vực. Trường hợp này, ngành sản xuất nội địa có thể không chiếm phần lớn ngành công nghiệp toàn quốc, thậm chí là có thể chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong đó. Tuy nhiên, nó vẫn được bảo hộ như một ngành sản xuất nội địa nếu như hàng hóa nhập khẩu phá giá gây ra thiệt hại cho các nhà sản xuất ở khu vực thị trường đó (Điều 4.1, ADA 1994).
Như vậy, những quy định trong pháp luật của WTO, Hoa Kỳ và EU cho phép áp dụng các cách thức rất linh hoạt để xác định quy mô và phạm vi của ngành sản xuất nội địa. Sự linh hoạt này rõ ràng đem lại khả năng tùy tiện lớn cho các nước nhập khẩu theo hướng bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường đó.
2.3.2. Nguyên tắc xác định thiệt hại gây ra đối với ngành sản xuất nội địa
Sau khi xác định được phạm vi và quy mô của ngành sản xuất nội địa cũng như các doanh nghiệp nội địa sản xuất ra sản phẩm tương tự, bước tiếp theo được tiến hành sẽ là xác định thiệt hại mà ngành sản xuất nội địa đang phải gánh chịu từ khi có sự xuất hiện của hàng hóa BPG. Quá trình tiến hành xác định thiệt hại phải được thực hiện trên cơ sở hai nguyên tắc căn bản do WTO quy định và đã được nội luật hóa ở hầu hết các nước thành viên, đó là nguyên tắc “bằng chứng thuyết phục” (positive evidence) và nguyên tắc “xem xét khách quan” (objective examination) (Điều 3.1, ADA 1994).
Nội dung của nguyên tắc “bằng chứng thuyết phục” là việc xác định thiệt hại phải được tiến hành dựa trên các bằng chứng có tính thuyết phục đối với không những các cơ quan có thẩm quyền mà ngay cả đối với các bên đang tham gia vào vụ kiện. Các án lệ của WTO cũng đã chỉ rõ, chứng cứ được coi là có sức thuyết phục là các chứng cứ có đầy đủ bốn phẩm chất sau đây [113]:
- Thứ nhất: chứng cứ phải mang tính khẳng định (affirmative)
- Thứ hai: chứng cứ phải mang tính khách quan (objective)
- Thứ ba: chứng cứ phải có tính xác định được (verifiable), nghĩa là chứng cứ phải mang tính định lượng, phải đo đếm được.
- Thứ tư: chứng cứ phải đáng tin cậy (credible)
Tuy có những tiêu chuẩn khá chặt chẽ đối với đặc điểm của các chứng cứ, song về mặt phạm vi thì pháp luật của WTO, Hoa Kỳ và EU lại quy định khá rộng rãi về phạm vi các chứng cứ có thể được sử dụng để xác định thiệt hại do hành vi BPG gây ra. Ví dụ trong vụ Thái lan kiện H-Beams, Cơ quan phúc thẩm của WTO đã ra phán quyết theo chiều hướng mở rộng phạm vi chứng cứ mà cơ quan có thẩm quyền quốc gia có thể sử dụng.
Nguyên tắc “xem xét khách quan” đề cập trực tiếp tới cách thức tiến hành quá trình điều tra. Theo đó, tất cả các công đoạn của quá trình điều tra, bao gồm thu thập chứng cứ, xem xét và đánh giá chứng cứ, phải được tiến hành một cách trung thực và công bằng. Quá trình điều tra không được thể hiện sự thiên vị hoặc nhằm tới việc làm lợi cho bất kỳ bên nào hoặc nhóm lợi ích nào.
2.3.3. Thiệt hại đáng kể (material injury)
Theo quy định của WTO, Hoa Kỳ và EU các cơ quan điều tra BPG phải xác định được mức độ thiệt hại mà sản phẩm BPG đã hoặc có thể gây ra đối với ngành sản xuất nội địa để làm cơ sở cho việc ra quyết định có đánh thuế chống BPG hay không. Thiệt hại đáng kể luôn được đề cập đến như một hình thức hậu quả pháp lý có khả năng cao nhất dẫn tới các biện pháp chống BPG. Mặc dù vậy, cả quy định của WTO và pháp luật của EU đều không đưa ra một định nghĩa cụ thể nào về “thiệt hại đáng kể”. Trong pháp luật của Hoa Kỳ tuy có đưa ra một định nghĩa về “thiệt hại đáng kể” song với nội hàm rất mơ hồ và không giúp làm sáng tỏ gì hơn cho khái niệm này. Pháp luật của Hoa Kỳ quy định như sau: “thuật ngữ “thiệt hại đáng kể” có nghĩa là những thiệt hại mà không phải là nhỏ, không đáng kể hay không quan trọng” (Điều 1677.(7), USC 19).
Trong thực tiễn áp dụng, “thiệt hại đáng kể” được xem là những mất mát về vật chất mà ngành sản xuất nội địa, mà trực tiếp là nhóm các doanh nghiệp sản xuất cấu thành nên ngành sản xuất nội địa, đang phải gánh chịu ở một mức độ nhất định. Cơ quan có thẩm quyền sẽ là người quyết định mức độ nào được coi là đủ “đáng kể” để thiệt hại đó có thể dẫn tới thuế chống BPG. Luật lệ của WTO có quy định về những tiêu chí và cách thức nhất định mà các cơ quan có thẩm quyền ở các nước thành viên phải căn cứ vào đó trong quá trình xác định thiệt hại đáng kể. Những quy định này cũng đã được nội luật hóa gần như hoàn toàn vào pháp luật của Hoa Kỳ và EU. Để xác định mức độ thiệt hại có phải là đáng kể hay không, cơ quan có thẩm quyền phải xem xét ba yếu tố: (1) số lượng hàng hóa BPG; (2) ảnh hưởng của hàng hóa BPG tới giá cả của sản phẩm tương tự trên thị trường nội địa; và (3) tác động tới ngành sản xuất nội địa.
Liên quan tới yếu tố thứ nhất, cơ quan điều tra BPG của nước nhập khẩu phải xác định xem số lượng hàng hóa đang bị kiện BPG là bao nhiêu. Thông thường thì số lượng này càng lớn thì sẽ càng dễ dẫn tới khả năng thiệt hại mà hàng hóa đó gây ra càng gần với mức độ “đáng kể”. Tuy vậy, WTO, Hoa Kỳ và EU đều không quy định cụ thể số lượng hàng hóa nhập khẩu lớn đến như thế nào thì sẽ được coi là đủ lớn. Quy định thống nhất chung chỉ là nếu số lượng hàng hóa đang bị kiện BPG thấp hơn một mức tối thiểu thì ngay lập tức được coi là không đáng kể và quá trình điều tra BPG sẽ ngay lập tức được dừng. Có ba trường hợp được quy định có liên quan tới mức định lượng tối thiểu như vậy:
- Trường hợp thứ nhất, biên độ phá giá thấp hơn 2% (Điều 5.8, ADA 1994; Điều 1673b.(b)(3), USC 19; Điều 9.3, Quy định EC 384/96).
- Trường hợp thứ hai: nếu số lượng hàng hóa đang bị điều tra được nhập từ một nước xuất khẩu và chiếm ít hơn một tỷ lệ phần trăm nhất định. Theo quy định của WTO và Hoa Kỳ thì tỷ lệ này là 3% tổng kim ngạch nhập khẩu của sản phẩm tương tự trên toàn thị trường nhập khẩu (Điều 5.8, ADA 1994; Điều 1673b.(b)(24)(A)(i), USC 19). Ở EU, tỷ lệ này là 1% thị phần của sản phẩm tương tự đang bị kiện (Điều 5.7, Quy định EC 384/96), tỷ lệ 1% có vẻ là thấp, nhưng lại được tính trên mẫu số chung là toàn bộ thị trường của sản phẩm tương tự ở nước nhập khẩu. Mẫu số này đương nhiên lớn hơn tổng lượng hàng nhập khẩu vào thị trường một nước. Cách xác định số lượng hàng nhập khẩu căn cứ trên tỷ lệ thị phần có vẻ là hợp lý hơn để xác định mức độ nghiêm trọng của thiệt hại gây ra cho nền kinh tế nước nhập khẩu. Bởi vì nếu thị phần của ngành sản xuất nội địa càng lớn thì khả năng gây hại của hàng hóa BPG càng ít hơn và ngược lại. Trong cả hai trường hợp, việc tính đầy đủ tất cả các giao dịch nhập khẩu hoặc tất cả sản lượng tiêu thụ của thị trường nội địa là vô cùng quan trọng đối với những nước xuất khẩu. Bởi lẽ những mẫu số này càng lớn thì khả năng bị áp thuế BPG càng nhỏ và ngược lại.
- Trường hợp thứ ba là khi hàng hóa bị kiện BPG đến từ nhiều quốc gia chứ không phải chỉ một quốc gia. Nếu số lượng sản phẩm đến từ mỗi quốc gia đều nhỏ hơn tỷ lệ tương ứng 3% hay 1% thì quá trình điều tra BPG vẫn chưa chấm dứt mà lúc này các cơ quan điều tra BPG sẽ cộng dồn số lượng hàng hóa của tất cả các quốc gia bị kiện vào với nhau. Nếu số lượng hàng hóa sau khi cộng dồn đó lớn hơn tỷ lệ 7% tổng số lượng sản phẩm tương tự nhập khẩu [theo quy định của WTO và Hoa Kỳ (Điều 5.8, ADA 1994; Điều 1673b.(b)(24)(A)(ii), USC 19)] hoặc 3% thị phần (theo quy định của EU Điều 5.7, Quy định EC 384/96) thì lúc đó quá trình điều tra BPG vẫn được tiếp tục. Có thể nói, quy định cho phép cộng dồn như trên là sự thiên vị rất đáng kể dành cho ngành sản xuất nội địa của các nước nhập khẩu. Nó cho phép các doanh nghiệp sản xuất của nước nhập khẩu chủ động lựa chọn các nước xuất khẩu để kiện và có thể kiện ngay cả các nước có rất ít hàng xuất khẩu vào thị trường nước nhập khẩu, những nước không thể bị kiện BPG một cách đơn lẻ.
Yếu tố thứ hai: Ảnh hưởng của hàng hóa BPG tới giá cả của sản phẩm tương tự trên thị trường nội địa. WTO, Hoa Kỳ và EU đều yêu cầu khi xem xét yếu tố này, các cơ quan có thẩm quyền phải cân nhắc hai khía cạnh: (1) thay đổi về giá sản phẩm tương tự trên thị trường; và (2) ảnh hưởng của hàng hóa gây ra sự thay đổi về giá sản phẩm đó. Thực tế khi xác định yếu tố này trong công đoạn xác định thiệt hại đáng kể, các cơ quan có thẩm quyền thường tập trung xác định sự tác động lên giá cả kể từ khi xuất hiện sản phẩm BPG trên thị trường nội địa.
Theo quy định của WTO, Hoa Kỳ và EU, có ba yếu tố sau cần xem xét (Điều 3.2, ADA 1994; Điều 1677.(7)(C)(ii) USC 19; Điều 3.3, Quy định EC 384/96).
- (1) Xác định xem có sự chênh lệch đáng kể giữa giá của hàng hóa xuất khẩu bị kiện BPG và giá của sản phẩm tương tự do nước nhập khẩu sản xuất.
- (2) Xác định xem có sự sụt giảm về giá của hàng hóa đối với sản phẩm do nước nhập khẩu sản xuất ở mức độ đáng kể.
- (3) Có hiện tượng giá cả của sản phẩm tương tự ở nước nhập khẩu bị ngăn cản không thể tăng được trong khi đáng lẽ ra có thể tăng.
Có thể thấy, yếu tố thứ nhất cũng chính là nguyên nhân gây nên hai yếu tố còn lại. Bởi vì chính sự chênh lệch giá giữa hàng hóa đang bị kiện và sản phẩm tương tự sản xuất trong nước là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới giá cả của sản phẩm trong nước không thể tăng lên. Tuy nhiên, pháp luật của WTO, Hoa Kỳ và EU không có quy định cụ thể về cách thức so sánh mà chỉ yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành những phân tích so sánh không thiên vị và phải công bằng. Như vậy các cơ quan có thẩm quyền gần như được toàn quyền xác định mức chênh lệch này theo cách của mình.
Ngoài ra cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia thành viên WTO, trong đó có Hoa Kỳ và EU, thậm chí còn được quyền lựa chọn các giao dịch bất kỳ của hàng hóa đang bị kiện chống BPG để đưa vào so sánh. Thời điểm các giao dịch đó được thực hiện cũng không phải là yêu cầu bắt buộc. Sự chủ động của cơ quan có thẩm quyền của các nước là rất lớn và điều này là một bất lợi không nhỏ đối với những doanh nghiệp bị kiện BPG.
Yếu tố thứ ba: Tác động của hàng hóa nhập khẩu bị kiện BPG lên ngành sản xuất nội địa. Quy định của WTO đối với vấn đề này đã được đưa nguyên vẹn vào pháp luật của Hoa Kỳ và EU:
Việc xem xét tác động của hàng hóa BPG đối với ngành công nghiệp nội địa phải tính đến tất cả các yếu tố và chỉ số kinh tế liên quan tới tình trạng của ngành sản xuất nội địa, bao gồm nguy cơ suy giảm tiềm tàng và dễ xảy ra đối với sản lượng bán, lợi nhuận, tổng sản lượng, thị phần, năng suất, tỷ lệ thu hồi vốn đầu tư, hoặc sử dụng hết công suất, các yếu tố tác động tới giá nội địa, độ lớn của biên độ phá giá, tác động tiêu cực tiềm tàng tới chu chuyển tiền mặt, tồn kho, lao động, lương bổng, tăng trưởng, năng lực tăng vốn đầu tư. Danh mục này không tuyệt đối và có tính tham khảo (Điều 3.4, ADA 1994; Điều 1677.(7)(C)(iii), USC 19; Điều 3.5, Quy định EC 384/96).
Có thể thấy tác động mà các cơ quan có thẩm quyền cần xác định là tác động một cách toàn diện tới ngành sản xuất nội địa của nước mình. Chính vì vậy mà WTO đã hết sức nhấn mạnh tới việc đưa vào đánh giá tất cả các yếu tố và chỉ số kinh tế liên quan tới tình trạng của ngành sản xuất nội địa. Mười lăm yếu tố và chỉ số đề cập trong quy định là những yếu tố bắt buộc các cơ quan có thẩm quyền phải phân tích và xem xét. Tất nhiên, ngoài những yếu tố này còn có thể xem xét các yếu tố khác nữa [99, 105, 100].
Trên thực tế thì các nước thành viên của WTO, trong đó có Hoa Kỳ và EU, sẽ dựa trên tất cả các tiêu chí trên để xem xét sự thay đổi tình trạng của ngành sản xuất nội địa trong ba năm liền liên tiếp. Trong thực tiễn áp dụng, Hoa Kỳ thường tập trung nhiều hơn vào bảy tiêu chí: đầu ra, sản lượng bán, thị phần, lãi, năng suất, tỷ lệ thu hồi vốn và mức độ tận dụng công suất; trong khi đó EU tập trung vào mười tiêu chí: quy mô sản xuất, mức độ tận dụng công suất, hối đoái, sản lượng bán, giá cả, lãi, tỷ lệ thu hồi vốn, dòng tiền và nhân công lao động [81, tr.239].
Nếu trong ba năm liên tiếp tình trạng của ngành sản xuất nội địa, căn cứ vào việc xem xét dựa vào tất cả các tiêu chí nêu trên, cho thấy sự suy giảm liên tục thì tác động của hàng hóa BPG tới ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu có khả năng bị xác định là đáng kể và thuế chống BPG là điều khó tránh.
Như vậy, có thể hình dung một cách khái quát là toàn bộ quy trình xác định mức độ thiệt hại do hàng hóa bị kiện BPG gây ra cho nền kinh tế nước nhập khẩu sẽ xoay quanh ba câu hỏi lớn mà việc xác định ba yếu tố phân tích trên đây sẽ giúp xác định câu trả lời. Xác định yếu tố thứ nhất trả lời câu hỏi: số lượng hàng hóa nhập khẩu bị kiện BPG có lớn không và có đủ khả năng gây thiệt hại cho nước nhập khẩu không? Xác định yếu tố thứ hai trả lời câu hỏi: giá cả của sản phẩm tương tự sản xuất bởi nước nhập khẩu đã phải chịu tác động như thế nào? Và xác định yếu tố thứ ba trả lời câu hỏi: ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu đã phải chịu tác động bất lợi về mặt vật chất ở mức độ như thế nào? Căn cứ vào ba câu trả lời này, cơ quan có thẩm quyền sẽ đưa ra kết luận về thiệt hại gây ra có đáng kể hay không và qua đó quyết định có điều tra BPG tiếp hay không. Song rất tiếc quy định hiện hành của cả WTO, Hoa Kỳ và EU về vấn đề này rất thiếu cụ thể, qua đó các cơ quan có thẩm quyền có sự tùy tiện rất lớn trong việc xác định mức độ thiệt hại gây ra, điều đó tất yếu dẫn tới sự bất lợi lớn cho doanh nghiệp các nước xuất khẩu.
2.3.4. Đe dọa gây thiệt hại đáng kể (threat of material injury)
Theo quy định của WTO, Hoa Kỳ và EU, ngay cả trong trường hợp thiệt hại đáng kể chưa thực sự xảy ra thì hàng hóa BPG vào các thị trường này vẫn có thể phải chịu thuế BPG nếu như chúng đe dọa gây thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất nội địa (Điều 3.7, ADA 1994; Điều 1673(e)(F), USC 19; Điều 3.9, Quy định EC 384/96). “Đe dọa gây thiệt hại đáng kể” là những dấu hiệu hiện hữu và rõ ràng cho thấy tuy thiệt hại đáng kể chưa xảy ra song chắc chắn nó sẽ xảy ra nếu như tình hình tiếp tục diễn biến như hiện tại. Khi đó mức độ đe dọa gây thiệt hại đáng kể cao cũng được coi là một dạng thiệt hại đã xảy ra đối với ngành sản xuất nội địa và điều đó có thể dẫn tới nhu cầu và sự cần thiết phải áp dụng các biện pháp chống BPG để ngăn chặn.
Để có thể kết luận một dấu hiệu nào là mối đe dọa gây thiệt hại đáng kể, cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu phải thỏa mãn được những điều kiện sau đây khi tiến hành hoạt động điều tra của mình:
Thứ nhất, cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành điều tra và đưa ra kết luận căn cứ trên những bằng chứng thực tiễn chứ không phải chỉ dựa trên sự cáo buộc, thông tin phiến diện hay chỉ là khả năng xa.
Thứ hai, cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh được rằng có sự thay đổi trong tình hình nhập khẩu của sản phẩm BPG và sự thay đổi đó tất yếu sẽ dẫn tới thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa nếu không có sự can thiệp kịp thời.
Thứ ba, cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh được rằng thiệt hại tất yếu xảy ra do sự thay đổi trong xu hướng nhập khẩu sản phẩm BPG là thiệt hại ở mức đáng kể.
Trên cơ sở tuân thủ các điều kiện trên đây, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành xem xét những yếu tố sau để đưa ra quyết định cuối cùng về việc có tồn tại hay không mối đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa.
Thứ nhất, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét liệu hàng hóa BPG vào thị trường nội địa có tăng đáng kể hay không và xu hướng tăng đó có cho thấy khả năng tiếp tục tăng lên đáng kể trong tương lai gần hay không.
Thứ hai, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét liệu việc tăng thêm đáng kể hiện tại hoặc trong tương lai trong sản lượng của các doanh nghiệp xuất khẩu có phải là chỉ dấu cho thấy sẽ có sự tăng thêm đáng kể khối lượng sản phẩm BPG vào thị trường nước nhập khẩu. Khi xem xét yếu tố này, cơ quan có thẩm quyền phải cân nhắc tới cả khả năng tiêu thụ sản phẩm tương tự ở các thị trường nhập khẩu khác. Sản lượng của các doanh nghiệp xuất khẩu tăng cao trong khi nhu cầu của các thị trường nhập khẩu khác đã được thỏa mãn có thể là dấu hiệu cho thấy sẽ có sự tăng đột biến trong khối lượng sản phẩm đó nhập khẩu vào nước đang tiến hành điều tra BPG.
Thứ ba, cơ quan có thẩm quyền cũng sẽ phải xem xét liệu sản phẩm có được đưa vào thị trường nước nhập khẩu với mức giá có thể làm giảm hoặc kìm hãm đáng kể giá trong nước của sản phẩm nội địa và qua đó tăng thêm nhu cầu đối với hàng hóa đó hay không.
Thứ tư, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét tới khối lượng tồn kho của sản phẩm đang bị điều tra. Khối lượng tồn kho còn ít trong khi nhu cầu tại nước nhập khẩu tăng cao có thể được coi là dấu hiệu cho thấy lượng nhập khẩu sản phẩm đó trong thời gian tới sẽ tăng lên.
Dựa trên kết quả xem xét các yếu tố trên đây của tình hình nhập khẩu sản phẩm BPG, cơ quan có thẩm quyền sẽ đưa ra kết luận về khả năng có hay không có mối đe dọa gây thiệt hại đáng kể. Tuy nhiên, tại Điều 3.7 của ADA 1994 quy định rằng cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu nên dựa trên những yếu tố trên đây để tiến hành đánh giá, như vậy họ không bắt buộc phải xem xét riêng rẽ và toàn bộ các yếu tố đó.
Thậm chí, WTO còn cho phép các nước thành viên quy định thêm các yếu tố khác để xem xét khi đánh giá khả năng tồn tại mối đe dọa gây thiệt hại đáng kể. Vì vậy Hoa Kỳ đã đưa thêm vào hai yếu tố để đánh giá khả năng tồn tại mối đe dọa gây thiệt hại đáng kể, đó là (1) khả năng chuyển sang sản xuất sản phẩm tương tự với sản phẩm đang bị kiện BPG của các doanh nghiệp hiện đang không sản xuất mặt hàng này ở nước xuất khẩu và (2) tác động tiêu cực hiện hữu hoặc tiềm tàng tới các nỗ lực sản xuất và phát triển của ngành sản xuất nội địa, bao gồm cả những nỗ lực phát triển phiên bản cao cấp hơn của sản phẩm đang bị kiện BPG (Điều 1673e.(b)(F)(VI) và (VIII), USC 19). Việc đưa thêm vào xem xét những yếu tố này làm cho khả năng áp thuế chống BPG dễ xảy ra hơn đối với hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ.
2.3.5. Cản trở nghiêm trọng sự hình thành ngành sản xuất nội địa
Pháp luật của WTO, Hoa Kỳ và EU đều quy định nếu hàng hóa BPG đã được chứng minh là cản trở nghiêm trọng sự hình thành của một ngành sản xuất nội địa thì cũng coi như đã gây thiệt hại do đó có thể bị áp thuế chống BPG. Mặc dù vậy, so với hai trường hợp trên, trường hợp này rất hiếm khi được các nước áp dụng. Các vụ việc được đưa lên cho các cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO xử lý liên quan tới trường hợp này hầu như không có. Vì vậy, ngoài quy định trong Điều 3 của ADA thì chưa có án lệ nào của WTO giải thích khái niệm “cản trở nghiêm trọng sự hình thành” của ngành sản xuất nội địa có nghĩa là gì? Và các tiêu chí cần áp dụng để xác định đó là như thế nào?
Thực tế có thể lý giải vì các vụ kiện chống BPG bao giờ cũng được khởi động từ đơn kiện của các nhà sản xuất nội địa của nước nhập khẩu. Đối với trường hợp này thông thường do chưa có sự hình thành của một ngành sản xuất nội địa ở nước nhập khẩu thì rất khó để có đơn kiện từ phía các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tương tự tại đây.
Trong bối cảnh đó, các vụ kiện chống BPG với lý do này diễn ra trong những năm vừa qua ở các nước thành viên WTO, kể cả EU, thường chịu ảnh hưởng của pháp luật Hoa Kỳ, nơi các quy định về vấn đề này được coi là đầy đủ nhất, mặc dù có thể không phải là quá chi tiết.
Để khởi kiện chống BPG với lý do cản trở nghiêm trọng sự hình thành của ngành sản xuất nội địa, tại Hoa Kỳ ITC phải xem xét trên thực tế ngành sản xuất nội địa đã hình thành chưa, nếu ngành công nghiệp đó đã hình thành nhưng còn sơ khai thì (i) thời điểm ngành công nghiệp đó được thành lập, đã có hoạt động sản xuất ra sản phẩm tương tự với sản phẩm bị kiện BPG chưa, (ii) tần suất của việc sản xuất đó có liên tục không hay còn đang chưa ổn định, (iii) quy mô sản xuất trong mối tương quan với toàn bộ thị trường nội địa, (iv) điểm hoàn vốn (break-even point) ngành sản xuất liên quan của Hoa Kỳ có đạt được mức hoàn vốn hay không, và (v) những yếu tố khác như tầng thương mại, tầng sản xuất…hoặc đó có thực sự là một ngành sản xuất mới chưa hay chỉ dừng lại ở dây truyền sản xuất của một nhà máy…Nếu ngành sản xuất liên quan chưa được hình thành thì ITC còn phải đánh giá xem các khó khăn đó là những khó khăn thông thường khi một ngành sản xuất mới khởi động hay đó là hệ quả của việc BPG hàng hóa bị điều tra [84, tr.41,42].
Cho dù rơi vào trường hợp nào trong số hai trường hợp trên thì để có thể khởi kiện BPG với lý do này thì các doanh nghiệp khởi kiện còn phải chứng minh được rằng hàng hóa BPG đã gây ra những khó khăn trong việc triển khai sản xuất của họ. Rất tiếc, pháp luật của WTO và các nước, trong đó có cả Hoa Kỳ, không có quy định về tiêu chí cụ thể của các chứng cứ dùng để chứng minh, cũng như cách thức để có thể chứng minh. Sự thiếu vắng các quy định cụ thể này dẫn tới chỗ cơ quan có thẩm quyền của các nước có thể tự ý áp dụng những tiêu chuẩn riêng của mình hoặc thậm chí chấp nhận một cách tùy tiện các tiêu chuẩn và cách thức chứng minh do bên khởi kiện đưa ra trong từng vụ việc cụ thể.
2.4. Pháp luật của WTO, Hoa Kỳ và EU về xác định mối quan hệ nhân quả giữa hàng hóa bán phá giá và thiệt hại đã gây ra cho ngành sản xuất nội địa
Như các phần trên đã trình bày, để áp thuế chống BPG đối với hàng nhập khẩu thì cơ quan có thẩm quyền không chỉ phải xác định đã có hiện tượng BPG, có thiệt hại xảy ra mà còn phải xác định có mối quan hệ nhân quả giữa việc BPG với thiệt hại đó, hay nói cách khác, nếu hàng hóa BPG không phải là nguyên nhân gây ra thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa thì cho dù sản phẩm đó có BPG thì cũng sẽ không bị áp thuế chống BPG.
WTO có những quy định khá chi tiết về cách thức xác định mối quan hệ nhân quả này. Hoa Kỳ và EU về cơ bản tuân thủ quy định của WTO khi cụ thể hóa các quy định này trong pháp luật nước mình, song bên cạnh đó cũng có những quy định và cách áp dụng mang tính đặc thù.
2.4.1. Pháp luật của WTO về xác định mối quan hệ nhân quả giữa việc bán phá giá và thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu
Pháp luật hiện hành của WTO về vấn đề này được quy định tại Điều 3.5 ADA 1994. Theo đó việc xác định quan hệ nhân quả giữa việc BPG và thiệt hại và trách nhiệm tương ứng của sản phẩm BPG đối với thiệt hại gồm hai nội dung:
Thứ nhất, cơ quan có thẩm quyền phải xác định được mối liên hệ nhân quả giữa việc BPG và thiệt hại mà ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu phải gánh chịu. Để làm điều này, cơ quan có thẩm quyền có thể sử dụng bất kỳ chứng cứ nào miễn là thấy rằng nó phù hợp kể cả những chứng cứ trực tiếp và gián tiếp. Tuy vậy, điểm mấu chốt của việc xác định mối quan hệ nhân quả không phải là sử dụng chứng cứ nào mà là như thế nào thì có thể được coi là chứng minh được mối quan hệ nhân quả này. Rất tiếc pháp luật của WTO, kể cả ADA 1994 và các án lệ, đều không quy định cụ thể về vấn đề này. Chính vì điều đó, trong thực tiễn quy tắc được áp dụng chung trong các nước thành viên WTO thường là nếu như thiệt hại của ngành sản xuất nội địa xuất hiện cùng lúc hoặc ngay sau khi hàng hóa BPG vào thị trường nội địa của nước nhập khẩu thì coi như đã có sợi dây liên hệ nhân quả giữa hai yếu tố đó. Đây được gọi là nguyên tắc đồng hành giữa sản phẩm BPG và thiệt hại của ngành sản xuất nội địa (coexistence rule).
Bên cạnh nguyên tắc đồng hành, pháp luật của WTO còn quy định chỉ cần sản phẩm BPG được xem là một trong những nguyên nhân gây ra thiệt hại là có thể xác định có mối quan hệ nhân quả giữa hai yếu tố này và theo đó sản phẩm BPG phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại đã gây ra. Sản phẩm BPG có thể không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra thiệt hại và thậm chí đó cũng không cần phải là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại. Quy định này thực ra mới xuất hiện trong pháp luật của WTO kể từ 1979 cho đến nay. Trước đó, ADA 1967 quy định chỉ có thể buộc sản phẩm BPG chịu trách nhiệm đối với thiệt hại của ngành sản xuất nội địa khi nó là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại đó [81, tr.324-325].
Như vậy, theo quy định hiện hành của WTO thì chỉ cần xác định được sự xuất hiện đồng thời về mặt thời gian của sản phẩm BPG và thiệt hại thì coi như đã có thể kết luận có mối quan hệ nhân quả đó.
Thứ hai cơ quan có thẩm quyền phải xem xét tất cả các yếu tố hiển nhiên nào khác, ngoài sản phẩm BPG, cùng lúc có gây thiệt hại. Mục đích của việc này là xác định xem tổng thể các nguyên nhân cùng lúc gây ra thiệt hại là những nguyên nhân nào và mức độ thiệt hại tương ứng với các nguyên nhân đó. Để bảo đảm sự công bằng, thiệt hại do các nguyên nhân khác gây ra sẽ không được quy kết cho sản phẩm BPG và do đó trách nhiệm bù đắp thiệt hại mà sản phẩm BPG phải chịu chỉ tương ứng với mức độ gây thiệt hại của nó mà thôi.
Những yếu tố WTO cho phép đưa vào xem xét để giảm bớt trách nhiệm bồi thường của sản phẩm BPG là:
- Số lượng và giá cả của sản phẩm tương tự nhập khẩu nhưng không BPG.
- Sự thu hẹp nhu cầu trong tiêu dùng hoặc thay đổi phong cách tiêu dùng.
- Sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà xuất khẩu và nội
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Thực tiễn chống bán phá giá trong thương mại quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với Việt nam.doc