MỤC LỤC
Mở đầu
1. Lý do chọn đề tài 1
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu 2
3. Mục đích, đối tượng, phạm vi nghiên cứu 7
4. Phương pháp nghiên cứu 8
5. Cấu trúc luận án 8
Chương 1: Tổng quan văn hoá - xã hội Việt Nam - Lào 10
1.1 Mối quan hệ lịch sử - xã hội Việt Nam - Lào 10
1.1.1. Sơ lược lịch sử - xã hội nước Lào 10
1.1.2. Mối quan hệ lịch sử - xã hội Việt Nam - Lào 14
1.2. Mối quan hệ văn hoá Việt Nam - Lào trong bối cảnh Đông Nam Á 18
1.2.1. Về địa lý và tự nhiên 19
1.2.2. Văn hoá - tộc người 24
1.2.2.1. Mối quan hệ giữa các tộc người 24
1.2.2.2. Mối quan hệ văn hoá Việt Nam - Lào trong bối cảnh Đông Nam Á 29
1.2.2.3. Về ngôn ngữ 31
1.2.2.4. Về chữ viết 32
1.2.2.5. Phật giáo ở Việt Nam và Lào 33
Chương 2: So sánh nội dung tục ngữ Việt và tục ngữ Lào 39
2.1. Trình bày sự giống nhau và khác nhau 39
2.1.1. Tục ngữ Việt, Lào thể hiện nhận thức, trí thức về tự nhiên, thiên nhiên; phản ánh quê hương, đất nước 39
2.1.1.1. Thể hiện nhận thức, trí thức về tự nhiên, thiên nhiên 39
2.1.1.2. Phản ánh quê hương, đất nước 43
2.1.2. Đúc kết kinh nghiệm về sản xuất, chăn nuôi 55
2.1.2.1. Đúc kết kinh nghiệm về sản xuất 55
2.1.2.2. Đúc kết kinh nghiệm về chăn nuôi 59
2.1.3. Phản ánh các mối quan hệ gia đình, xã hội 60
2.1.4. Phê phán giai cấp thống trị và khẳng định những phẩm chất tốt đẹp, chế giễu những thói hư, tật xấu 68
2.1.4.1. Phê phán giai cấp thống trị 68
2.1.4.2. Khẳng định những phẩm chất tốt đẹp, lối sống trọng tình 70
2.1.4.3. Chế giễu những thói hư, tật xấu 73
2.1.5. Phản ánh văn hoá ẩm thực của nhân dân 78
2.1.6.Tục ngữ Việt phản ánh thực tế người Việt chịu ảnh hưởng Nho giáo 87
2.1.7. Tục ngữ Lào phản ánh thực tế người Lào chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo 94
2.1.8. Hiện tượng trái nghĩa trong tục ngữ Việt 100
2.2. Giải thích sự giống nhau và khác nhau 107
2.2.1. Sự giống nhau 107
2.2.2. Sự khác nhau 112
Chương 3: So sánh nghệ thuật tục ngữ Việt và tục ngữ Lào116
3.1. Trình bày sự giống nhau và khác nhau 116
3.1.1. Ngữ nghĩa 116
3.1.2. Kết cấu 125
3.1.3. Vần 150
3.1.4. Nhịp 161
3.1.5. Lối tỉnh lược 165
3.1.6. Lối nói 167
3.1.6.1. Các hình thức tu từ trong tục ngữ 167
3.1.6.2. Hiện tượng “nói ngược” trong tục ngữ Lào 178
3.1.7. Từ ngữ 181
3.1.7.1. Tục ngữ Việt sử dụng nhiều phương ngữ 181
3.1.7.2. Tục ngữ Việt ảnh hưởng của tiếng Hán và văn hoá Hán 183
3.1.7.3. Tục ngữ Lào sử dụng nhiều tiếng Pali - Sanskrit 184
3.2. Giải thích sự giống nhau và khác nhau 184
3.2.1. Sự giống nhau 185
3.2.2. Sự khác nhau 186
Kết luận 189
Danh mục công trình khoa học của tác giả liên quan đến luận án 192
Tài liệu tham khảo 195
Phụ lục 213
223 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 3468 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận án So sánh tục ngữ Việt và tục ngữ Lào, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
5]. Một cuộc sống đầy đủ, sung sướng hơn ở kiếp sau luôn là niềm mơ ước của mọi tín đồ đạo Phật. Nhiều người dân lao động Lào rất muốn làm việc phúc, vì họ tin rằng, làm được điều ấy thì sau khi chết họ sẽ được lên thiên đàng: “Làm phúc được lên thiên đàng, làm tội lội xuống chết trương vạc dầu, người khác chia cho thấy đâu, mình làm tốt xấu thấy mau thôi mà”. Họ tin rằng, kẻ gây tội sẽ bị trừng trị: “Tội đền bù bằng tội”. Đối với nhiều tăng ni, phật tử Lào, thiên đàng và địa ngục chẳng phải ở đâu xa lạ mà ở ngay giữa cõi trần: “Thiên đàng trong ngực, địa ngục trong tim” (“Xạ vẳn nay ôốc nạ rốc nay chày”). Thiên đàng cho người tốt, địa ngục cho kẻ phạm tội. Muốn được lên thiên đàng không có cách nào khác là phải có những hành vi đạo đức tốt được thể hiện qua từng cách ứng xử hàng ngày. Bởi vậy, theo họ, cuộc sống kiếp sau phụ thuộc vào sự tu nhân tích đức ở kiếp trước. Từ đó họ sống hiền lành, làm nhiều điều thiện để hy vọng kiếp sau sẽ được đền bù: “Hết bun đạy bun, xạng bạp đạy bạp” (“Làm phúc được phúc, gây tội đền tội”). Theo họ, chỉ với cuộc sống chân tu mới từ bỏ được mọi sắc dục, ham muốn, để giữ cho thân mình được thanh tịnh: “Khát vọng ham mê sắc dục ở đời, nói lời phung phí hàng ngày là tốt à, ta sẽ kiếu mà lánh xa, bỏ ra đi làm Phật”. Con người phấn đấu không mệt mỏi trong vòng luân hồi sinh tử cho đến khi hoàn toàn trong sạch thì mới thoát được khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy mà thành Phật: “Xấu bụng là ma, tốt bụng là phật”, “Khi khó nghĩ tới thầy, khi chết nghĩ tới Phật”...
Vì sao người Lào lại hồ hởi tiếp nhận Phật giáo và Phật giáo có ảnh hưởng đến đời sống văn hoá và con người Lào đến như vậy ? Câu trả lời chỉ có thể tìm ở lịch sử Lào nói chung cũng như quá trình hình thành, phát triển và những ảnh hưởng của Phật giáo ở Lào nói riêng.
Lịch sử Lào là lịch sử mà nhân dân phải liên tục tiến hành các cuộc đấu tranh chống giặc giã và chống chọi với thiên nhiên vì cuộc sinh tồn. Khi vua Phà Ngừm, vị anh hùng dân tộc của nhân dân Lào, người có công hợp nhất các mường Lào luôn bị chia rẽ trước đây thành quốc gia thống nhất quanh Mường Xoa (Luông Pha Băng) với cái tên Lạn xạng vào năm 1353, nhân dân Lào đã suy tôn Người là ông vua lập nước của mình. Cũng từ thời đại Phà Ngừm, Phật giáo trước đây tồn tại còn sơ khai và lẻ tẻ bắt đầu được coi là quốc giáo. Từ đây, nhân dân Lào tiếp thu được nhiều hơn những gì phù hợp với thế giới quan của họ. Người Lào có tín ngưỡng thờ và cúng ma (phỉ) và tục lệ thờ và cúng thần (thẻn). Do vậy, tục ngữ có nhiều câu nói đến ma: “Xấu bụng là ma”, “Nhiều ma tốn gà”, “Khiêng ma đổ vào nghĩa địa”. Không phải sau khi Phật giáo Tiểu thừa vào Lào trở thành quốc giáo, nhân dân Lào mới có những quan niệm ứng xử thắm đượm tinh thần đạo đức nhà Phật. Những điều kiện lịch sử và xã hội với những nét đặc trưng riêng của Lào là cơ sở hình thành những giá trị tư tưởng và tính cách con người Lào. Có thể nói, đạo Phật là một nhân tố quan trọng đã ảnh hưởng đến nhân cách, tâm tư và tình cảm của người Lào. Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, người Lào đã được các nhà sư cầu phúc. Khi được sinh ra, bố mẹ lại rước sư đến tụng kinh và buộc chỉ cổ tay. Con trai đến 11- 12 tuổi được cha mẹ gửi vào chùa xin tu làm tiểu để học đạo lý, chữ nghĩa. Khi đến tuổi trưởng thành thì làm lễ xuất tục, vào chùa làm sư. Ngày cưới cũng được sư sãi chọn ngày lành tháng tốt, rước sư đến vảy nước phép, buộc chỉ cổ tay, chúc mừng và căn dặn. Khi mất còn được nhà chùa quan tâm lo liệu đám tang chu đáo. Nhà sư đến làm lễ cầu siêu cho người quá cố và cùng tang chủ đưa người chết đến nơi làm lễ hoả táng. Trong lễ an táng dó, nhà sư thường làm chủ lễ, sau 3 ngày nhà sư đưa tro đã được hoả táng về chùa để xây tháp. Ngày giỗ, nhà sư đến tụng kinh, cầu phúc cho người qua đời được an nghỉ vĩnh hằng trên thiên đường. Có thể nói, chùa ở Lào như một “nhà văn hoá” của cộng đồng làng bản; cuộc sống của người Lào từ khi “cất tiếng khóc chào đời” đến khi “nhắm mắt xuôi tay” đều gắn liền với chùa chiền, với lễ hội nhà chùa, với những phong tục tập quán cổ truyền của dân tộc.
Nền kinh tế của Lào chủ yếu là nền kinh tế nông nghiệp tự cấp, tự túc. Người Lào quen làm ruộng nước và trồng lúa nếp từ lâu đời. Tập quán thích ăn nếp cũng từ lâu đã trở thành nét văn hoá ẩm thực độc đáo của người Lào. Có thể nói, sự kết hợp núi - rừng - sông - suối đã tạo nên phức hợp văn hoá Lào. Rừng, núi, sông ngòi, đất đai, đạo Phật và nền sản xuất nông nghiệp còn chậm phát triển đã hun đúc nên lối sống, lối nghĩ của người Lào. Bên cạnh dòng văn học Phật giáo, nhân dân Lào còn có dòng văn học dân gian phong phú. Đặc biệt, từ khi chữ Pali - Sanskrit, chữ của nhà Phật dùng để ghi chép các kinh kệ trên lá cọ và ngọn gió Phật giáo của văn hoá Ấn Độ thổi vào đất Lào thì văn học dân gian Lào đã phát triển với một sắc thái mới. Mặt khác, đạo Phật ở Lào đã tồn tại và không ngừng hướng thiện. Nói cách khác, những tư tưởng từ bi, hỉ xả của đạo Phật đã kéo con người vào trong ngôi đền của cái thiện. Do đó, văn học Phật giáo cũng như tục ngữ Lào luôn hướng tới mục đích chân, thiện, mĩ. Đạo Phật, lời dạy của Phật và của sư sãi được coi là những viên ngọc quý, từng là nơi xây dựng, gửi gắm đức tin và hy vọng của quần chúng nhân dân. Người Lào đã dựa vào đạo Phật để đấu tranh chống lại các thế lực tàn ác. Mặt tích cực của tư tưởng Phật giáo qua những câu tục ngữ đã khẳng định nhiều giá trị của đạo Phật trên con đường phụng sự chúng sinh theo phương châm đạo pháp và dân tộc. Nhiều giá trị Phật giáo đã chảy trong huyết quản của người dân Lào qua hàng ngàn năm. Nó giúp con người sống nhân ái, từ bi; xây dựng một tính cách nhân bản cho con người, hoàn toàn phù hợp với đạo lý truyền thống của nhân dân Lào. Người dân Lào sống trong lòng quốc gia và quốc giáo. Họ dùng tiền đóng góp của các đệ tử để xây dựng, tu bổ lại chùa và làm những việc công ích khác như cứu trợ người nghèo, giúp đỡ trẻ mồ côi. Niềm tin tôn giáo mạnh mẽ đã củng cố tinh thần “thiệp kế độ sinh” của người Lào.
Như vậy, các ngôi chùa ở Lào thường có công dụng đa năng. Chùa không chỉ là nơi thực hành nghi lễ, giảng giải kinh Phật mà còn là nơi diễn ra các ngày hội, là nhà trường dạy chữ, dạy nghề, là nơi chữa bệnh. Người dân Lào đến chùa là để đắm mình trong không khí sôi nổi của những lễ hội, học hành, của những cuộc giao lưu, vui chơi giải trí; đến chùa là để học những điều răn, để tu nhân tích đức theo tinh thần hỉ, nộ, ái, ố của đức Phật từ bi. Đến chùa bên cạnh sự thanh thản vô hình trong lòng mỗi người là còn để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hữu hình của kiến trúc và cảnh quan của chùa.
Trong khi đó, tục ngữ Việt cũng có những câu ảnh hưởng triết lý Phật giáo: “Ở hiền gặp lành”, “Phật tại tâm”. Đức tin của người Việt không phải ở “tam giáo đồng nguyên” mà tập trung ở tục thờ cúng tổ tiên, bởi ngoài đạo Phật Đại thừa xuất hiện khá sớm, đức tin ấy giúp người Việt sống cân bằng giữa đạo và đời. Người dân đến chùa để cầu nguyện, hướng tới những điều thiện để tìm về một cõi thảnh thơi trong tâm hồn. Chùa Việt thường mang vẻ trầm mặc, thanh vắng, khác hẳn với không khí nhộn nhịp của chùa Lào.
Tóm lại, cả tục ngữ Việt và tục ngữ Lào đều có những câu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo, nhưng dấu ấn đạo Phật giáo trong tục ngữ Lào đậm nét hơn tục ngữ Việt, bởi vì người Lào lấy Phật giáo làm quốc giáo.
2.1.8. Hiện tượng trái nghĩa trong tục ngữ Việt
Trong Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam, Cao Huy Đỉnh xếp tục ngữ vào loại “văn học đúc rút kinh nghiệm thực tiễn” [41, tr.242- 243]. Theo ông, tục ngữ vừa mang tính văn học nghệ thuật (được thể hiện qua hình ảnh, âm điệu và tình cảm) vừa phi văn học nghệ thuật (được thể hiện qua những triết lý, những kinh nghiệm và khoa học thực hành). Còn Bùi Văn Nguyên và Đỗ Bình Trị thì cho rằng, tục ngữ không chỉ là đúc rút kinh nghiệm thực tiễn mà còn là “phương pháp suy luận của nhân dân, một phương pháp luận lý hình thức đáng chú ý” [119, tr.210]. Theo Nguyễn Thái Hoà, các nhà nghiên cứu văn học đã dựa vào “mặt mạnh của góc độ văn học là phân chia hai bình diện nội dung và hình thức và nghiên cứu rất sâu, miêu tả, phân loại tỉ mỉ các bình diện này trong tục ngữ” [63, tr.15]. Nhưng Nguyễn Thái Hoà cho rằng, sự tách bạch trên cũng gây ra sự “không thống nhất về phương diện phân định thể loại, về đường ranh giới trung gian giữa thành ngữ và tục ngữ, tục ngữ và ca dao” [63, tr.16]. Theo tác giả, hai chuyên ngành ngôn ngữ học và văn học cùng tập trung nghiên cứu tục ngữ theo các tiêu chí riêng của mình.
Trong xã hội có người tốt, kẻ xấu. Cuộc sống hằng ngày đan xen giữa cái hay và cái dở, điều tốt và cái xấu. Cái hay, điều tốt đang nảy nở ngày một thêm nhiều nhưng cái dở, điều xấu cũng đang len lỏi trong mọi ngõ ngách của cuộc sống và trong mỗi con người. Cuộc sống không xuôi chiều mà luôn biến động phức tạp, có các mặt đối lập để phát triển và đi lên. Trong thực tế và trong tiếng Việt đã hình thành những cặp chủ đề trái nghĩa: đẹp - xấu, lớn - nhỏ, trẻ - già, đắt - rẻ, mạnh - yếu, khôn - dại, thiện - ác, cẩn thận - cẩu thả, khiêm tốn - kiêu căng, hiểu biết- dốt nát, vô tư - lo lắng, rộng lượng - ích kỷ, siêng năng - lười nhác, sự sống - cái chết... (dẫn theo Nguyễn Việt Hương [77]). Những cặp từ trái nghĩa hoặc những cặp chủ đề đối lập đó cùng với cặp khái niệm “trái - phải” là sản phẩm của triết lý âm - dương, vốn bắt nguồn từ nền văn hoá nông nghiệp lúa nước, bởi trong đời thường, chúng ta đã từng gặp những điều đối lập. Nhấn mạnh và đề cao điều hay lẽ phải, nét bản chất của cuộc sống và con người, song tục ngữ cũng không quên đề cập đến những thói hư, tật xấu của con người và xã hội. Bởi tục ngữ là một hiện tượng ý thức xã hội, phản ánh những suy nghĩ của nhân dân về lẽ đời và cuộc sống. Do vậy, trong khi phản ánh đời sống, hiển nhiên tục ngữ phải lật cả hai mặt tương phản ấy lên. Vấn đề quan trọng là, tục ngữ hướng ta tới việc xây dựng mặt nào và loại bỏ mặt nào.
Nếu lối “nói ngược” là một đặc điểm của tục ngữ Lào thì hiện tượng nhiều câu tục ngữ Việt trái nghĩa nhau khi cùng nói về một chủ đề lại là một đặc điểm đáng chú ý của tục ngữ Việt. Có nhiều cặp tục ngữ Việt trái nghĩa khi cùng phản ánh về một hiện tượng. Bên cạnh những câu “Giàu vì bạn, sang vì vợ”, “Phụ vợ không gặp vợ”... lại có những câu “Con là nợ, vợ là oan gia”, “Một là vợ, hai là nợ” (về vai trò người vợ); đi với những câu “Anh em hạt máu sẻ đôi”, “Anh em như chân với tay”... lại có những câu “Anh em nắm nem ba đồng”, “Anh em kiến giả nhất phận”... (về tình anh em); cùng với niềm tin: “Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành”, “Khôn ngoan chẳng lọ thật thà, đi đâu cũng được người ta tin dùng”... lại có quan niệm: “Thật thà là cha dại”, “Thẳng mực tàu đau lòng gỗ” (về sự thật thà, trung thực); có cách đánh giá: “Cái nết đánh chết cái đẹp”, “Đẹp nết hơn đẹp người”... lại cũng có nhận xét: “Xấu như ma vinh hoa cũng đẹp”, “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân”... (về vẻ đẹp con người); ta được nghe những câu “Làm phúc được phúc”, “Làm phúc cũng như làm giàu”, “Thương người như thể thương thân”... nhưng cũng biết được những câu “Làm phúc phải tội”, “Trước làm phúc, sau tức bụng”, “Thương người lại khó đến thân”... (về lối sống và tình thương đồng loại); có câu “Ở hiền gặp lành”, lại kèm theo câu “Hiền quá hoá ngu” (về sự hiền lành); cạnh câu “Có miếng còn hơn có tiếng”, lại cũng có những câu “Có tiếng hơn có miếng” (về danh tiếng); có quan niệm “Lắm con nhiều nợ, lắm vợ nhiều oan gia”, lại cũng có nhận thức “Rậm người hơn rậm của” (về con cái); có câu “Không thầy đố mày làm nên”, lại có câu “Học thầy không tầy học bạn” (về vai trò của người thầy).
Trong kho tàng văn hoá dân gian người Việt, có rất nhiều câu tục ngữ phản ánh nhận thức của nhân dân về quy luật âm dương giao hoà, trong âm có dương, trong dương có âm, trong rủi có may, trong hoạ có phúc, trong dở có hay: “Mía có đốt sâu đốt lành”, “Chợ có hàng rau hàng vàng”, “Người có lúc vinh lúc nhục, nước có lúc đục lúc trong”... Và có nhiều hơn là những câu tục ngữ phản ánh nhận thức của nhân dân về sự chuyển hoá giữa chúng, dương sinh âm, âm sinh dương: “Sướng quá hoá rồ”, “Yêu nhau lắm, cắn nhau đau”, “Chắc quá hoá lép”, “Chín quá hoá nẫu”, “Hết khôn dồn ra dại”...
Các cặp chủ đề của tục ngữ khá phong phú và đa dạng, chủ yếu phản ánh các chiều cạnh của sự vật, hiện tượng và con người, trong đó số cặp chủ đề liên quan đến phạm trù đạo đức chiếm khá nhiều. Do đó, trong kho tàng tục ngữ Việt tồn tại cả một hệ thống những quan niệm, những triết lý nhân sinh của người Việt Nam. Theo các tác giả Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ [50, tr.56], câu tục ngữ “Cái khó bó cái khôn” (1) và câu “Cái khó ló cái khôn” (2) không phải là hai biến thể của một câu mà là hai câu trái nghĩa nhau. Nhiều người xem dạng thức của câu (1) là dạng chuẩn, dạng đích thực và phủ nhận dạng thức của câu (2). Ngược lại, một số người khác lại cho dạng thức câu (2) mới là một dạng chân chính. Câu (1) với ý nghĩa con người bất lực, bó tay trước hoàn cảnh; còn câu (2) có nội dung ngược lại. Ở một dạng tương tự, câu “Ngao cò tranh đấu ngư ông đắc lợi” (1) có ý nghĩa trái ngược với câu “Trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết” (2) khi nói về sự tranh đấu giữa hai người có ảnh hưởng đến người thứ ba. Ở câu (1) kẻ thứ ba được lợi, ở câu (2) người thứ ba lại bị thiệt hại. Theo chúng tôi, đó là những câu tục ngữ có ý nghĩa và cách sử dụng hoàn toàn trái ngược nhau, nói về một vấn đề nhưng ở những khía cạnh khác nhau chứ không phải là hai biến thể của một câu tục ngữ; không có câu nào dạng gốc, câu nào làm chuẩn cả, lại cũng không phải vì sự “mập mờ” của chúng.
Trong ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, ứng với từng môi trường cụ thể, người Việt thấy cần phải lựa chọn phương thức sống trung hoà, thích ứng, nhất là khi chuyển từ môi trường này sang một môi trường khác: “Đừng thái quá, chớ bất cập”, “Xấu đều hơn tốt lỏi”. Vậy thì tại sao lại có hiện tượng này?
Người Việt có quan hệ hiếu hoà với xung quanh và với thiên nhiên. Theo Trần Ngọc Thêm [162, tr.113], trong cuộc sống, người Việt Nam cố gắng không làm mất lòng ai: “Ở sao cho vừa lòng người, ở rộng người cười, ở hẹp người chê”; trong việc ăn uống cố giữ cho cơ thể được âm dương quân bình; trong sinh hoạt, giao tiếp, cố tạo nên sự hài hoà với môi trường thiên nhiên và con người xung quanh. Cũng có người cho rằng, người Việt Nam sống khéo. Đó không hẳn là nhận xét không có căn cứ. Người Việt sống mức độ, vừa phải, linh hoạt...và thiên về tình cảm: “Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”. Họ đề cao lối sống trọng tình nên phương châm xử thế kiểu trọng tình đã có ở nước ta từ lâu. Tuy nhiên, “mặt trái” của lối sống này đã hé lộ nhiều điều hạn chế. Không phải cứ chọn cách sống lựa thời, linh hoạt, trọng tình là tốt. Linh hoạt dễ dẫn đến tuỳ tiện, vô hiệu hoá pháp luật nhà nước: “Phép vua thua lệ làng”. Nguyên tắc sống lấy tình cảm làm đầu là gốc rễ của thói “một người làm quan cả họ được nhờ”, biến pháp luật thành thứ “giơ cao đánh khẽ”, càng làm cho bệnh tuỳ tiện và coi thường phép nước thêm trầm trọng. Người ta dễ “đi cửa sau”, có thể “linh động” khi giải quyết công việc, nhất là đối với người thân hoặc người quen.
Mỗi lối sống có cái ưu và nhược điểm riêng của nó. Lối sống đó gắn liền với những biến cố tư tưởng của thời đại. Có lẽ, do sống trên một dải đất luôn bị thiên tai, giặc giã đe dọa nên người Việt Nam phải chọn một cách sống thủ thế, giữ mình, chấp nhận sự vừa phải, cái hợp thời để trụ vững trong một môi trường thiên nhiên và xã hội nghiệt ngã. Hoàn cảnh ấy đã tạo cho người Việt Nam một khả năng thích nghi cao. Họ phải lựa thời, phải tự tìm cách ứng xử cho phù hợp với hoàn cảnh và xã hội đương thời: “Gió chiều nào che chiều ấy”, “Ở bầu thì tròn ở ống thì dài”, “Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Họ phải luôn biến báo cho thích hợp với từng hoàn cảnh cụ thể, phải tự tìm lấy một lối ứng xử cho riêng mình. Nhân dân lao động vốn hiền lành và chân thật, tôn trọng và đề cao sự trung thực, bởi đó là phẩm chất tạo nên chân giá trị đích thực của con người. Nhưng phải sống trong một xã hội phong kiến đầy rẫy những suy nghĩ và hành động cơ hội, bon chen, tiêu cực thì những hành động tốt bỗng trở nên “lạ lẫm” trước con mắt của nhiều người. Và những việc làm “khác người” đó lại bị coi là “ngớ ngẩn”. Khi sự dối trá đã trở nên phổ biến thì những người thật thà bỗng nhận ra rằng: “Thật thà là cha dại”. Do đó, họ không thể “dại dột” mãi như thế được. Phải chăng đó là sự tự điều chỉnh tạm thời của con người trước hoàn cảnh mới; đồng thời còn là phản ứng của nhân dân đối với hiện thực chứ không thể là lối sống hoặc là chuẩn mực ứng xử chung của thời đại.
Qua những điều đã trình bày ở trên, chúng tôi rút ra một số nhận xét sau đây:
- Đa số các câu tục ngữ Việt đều mang ý nghĩa khẳng định nhằm đúc kết một kinh nghiệm, một cách thức ứng xử. Có những câu tục ngữ khẳng định mặt này, đồng thời lại có những câu tục ngữ nhấn mạnh mặt kia (mặt ngược lại) để phản ánh nhận thức, quan niệm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau của người dân về cùng một vấn đề trong cuộc sống. Chúng có tính chất bổ sung lẫn nhau và thường cùng được sử dụng mà vẫn không loại trừ nghĩa của nhau. Nói cách khác, đó là cách ứng xử không giống nhau trước một vấn đề tuỳ theo hoàn cảnh, quan niệm, vai trò xã hội, lối sống của mỗi người. Đây không phải là mâu thuẫn trong tư tưởng của người dân, cũng không phải là biểu hiện của tính “hai mặt” trong tục ngữ Việt.
- Nhìn ở khía cạnh tích cực, hiện tượng trái nghĩa trong tục ngữ Việt khi cùng nói về một chủ đề đã tạo cho kho tàng tục ngữ Việt Nam một nội dung phong phú và toàn diện.
Sở dĩ có hiện tượng trên là vì tục ngữ là một thể loại ngắn gọn, dễ thuộc, dễ nhớ nên một câu của nó không thể phản ánh hết được phạm vi rộng lớn và nhiều chiều cạnh của một vấn đề, một thực tế của hiện thực. Ngoài ra, trong xã hội cũ có sự đối lập giữa ước mơ, khát vọng của nhân dân về một xã hội tốt đẹp với một hiện thực xã hội phong kiến đầy bất công và thối nát. Để sống tốt hơn, người ta phải bon chen, giành giật cho riêng mình. Trong hoàn cảnh ấy, người ta khó tìm được tiếng nói chung. Cuộc sống cũng không còn chuẩn mực để con người phấn đấu. Để giữ mình, người tốt phải sống một cuộc sống không giống ai, không theo một mẫu số chung của trào lưu xã hội đương thời nên dễ bị người đời coi là người “gàn dở”. Phải ứng xử trong một môi trường xã hội như thế, những người tốt buộc phải sống khác với bản chất của mình, nếu không cuộc sống của họ sẽ bị thiệt thòi. Phản ứng cho “hợp thời” đó thể hiện sự linh hoạt, dễ thích nghi của người Việt. Đó còn là một hình thức phản ứng của nhân dân với hiện thực. Phản ứng đó không phải là bản chất của người Việt, càng không phải là chuẩn mực văn hoá của thời đại.
Do vậy, để hiểu đúng một câu tục ngữ về lối sống, chúng ta càn thấy rõ hiện tượng trái nghĩa trong tục ngữ và không thể nhận thức nó bằng lăng kính của một thời đại khác mà cần đặt trong bối cảnh lịch sử của nó. Mỗi thời đại lại có một quy tắc giao tiếp và thước đo giá trị nhất định. Mỗi khi thời đại thay đổi cũng có nghĩa là những cơ sở xã hội cũ có biến đổi thì quan niệm và lối sống của thời đại mới sẽ có nhiều điều khác trước.
2.2. Giải thích sự giống nhau và khác nhau
2.2.1. Sự giống nhau
Sự giống nhau về nội dung giữa tục ngữ Việt và tục ngữ Lào là cơ bản vì theo Hà Văn Tấn [153, tr.179], “nếu gạt sang một bên những yếu tố văn hoá ảnh hưởng từ Trung Hoa và Ấn Độ, chúng ta sẽ thấy rằng văn hoá truyền thống của các dân tộc sống trên đất Đông Dương hiện nay có rất nhiều nét giống nhau... không phải lúc nào chúng ta cũng tìm được lời giải đáp rõ ràng về nguyên nhân những hiện tượng tương đồng văn hoá đó”. Cũng theo Hà Văn Tấn, có ba lý do giải thích nguyên nhân cho các tương đồng văn hoá nói trên:
- Do đồng quy văn hoá, nói cách khác là do những phản ứng văn hoá giống nhau trong môi trường tự nhiên và xã hội giống nhau;
- Do cùng một cội nguồn chung trong lịch sử;
- Do tiếp xúc và giao lưu văn hoá.
Các hiện tượng tương đồng văn hoá trong khu vực Đông Nam Á và ba nước Đông Dương nói chung, Việt Nam- Lào nói riêng do ba loại nguyên nhân nói trên quy định, đều đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử.
a) Nguyên nhân thứ nhất: Do đồng quy văn hoá.
Môi trường tự nhiên và xã hội Việt Nam và Lào về cơ bản có nhiều điểm giống nhau. Cả hai nước cùng sống chung trong một mái nhà Đông Dương, cùng dựa lưng vào dãy Trường Sơn, cùng uống chung một dòng nước Mê Kông, cùng chịu sự chi phối bởi nhịp điệu tuần hoàn của các mùa gắn với nền sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, cùng sớm ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trong suốt các chặng đường lịch sử.
Ngay cả sự di chuyển cư dân khá đặc biệt Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào và những hạn chế thuộc về lối nghĩ dựa trên kinh nghiệm được phản ánh qua tục ngữ Việt - Lào không những do vị trí địa lý gần gũi của hai nước quyết định mà còn chịu sự chi phối của thời đại phong kiến, của nền sản xuất nhỏ, phân tán, của chế độ tư hữu, của xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp. Đã có nhiều sự tương đồng về cảnh quan, môi trường sinh thái, tập quán canh tác, tư tưởng tình cảm, thị hiếu… của từng tộc người Lào nói trên với cư dân Tày Thái ở Việt Nam. Đây cũng là cơ sở để chúng ta có thể lý giải về những sự tương đồng khác trong sự giao thoa và tiếp biến văn hóa giữa hai dân tộc Việt - Lào.
Những điều kiện gần gũi về địa lý, tự nhiên và hoàn cảnh lịch sử, xã hội có nhiều tương đồng như nói ở trên đã tạo nên những phản ứng văn hóa giống nhau của người Việt và người Lào, nhất là đối với các cư dân ở vùng giáp biên giới Việt Nam - Lào. Như đã nói, trong nguồn tục ngữ của hai dân tộc Việt - Lào xuất hiện những hiện tượng khá lý thú và hấp dẫn. Đó là có sự trùng lặp hoàn toàn, giống nhau đến từng chi tiết của một bộ phận tục ngữ Việt và tục ngữ Lào. Câu “Mắt to hơn bụng” (“No bụng đói con mắt”) (TN Việt) hoàn toàn giống câu “Tà nhày quà thoọng” (“Mắt to hơn bụng”) (TN Lào); câu “Đường ở cửa miệng” rất giống câu “Thang dù bòn pạc” (“Đường ở cửa miệng”) (TN Lào). Các câu tục ngữ Việt như: “Nước chảy chỗ trũng”, “Căng quá thì đứt”, “Nhà dột tại nóc”, “Được mới quên cũ”, “Gà ba tháng vừa ăn, ngựa ba năm vừa cưỡi”,... đều có các câu tục ngữ Lào tương ứng: “Nặm xị lảy pay tam hòm”, “Khềng lải măn khạt”, “Hườn hùa ma tè pe”, “Đạy mày lưm càu”, “Cày xảm đườn phò khạ, mạ xảm pi phò khì”,... Ngoài ra, một số dân tộc khác ở Đông Nam Á như Thái Lan, Campuchia cũng có cách nói tục ngữ hoặc là trùng lặp hoàn toàn hoặc là tương tự như tục ngữ người Việt. Đây là đặc trưng nổi bật thể hiện tính quốc tế của thể loại tục ngữ. Đây còn là một khía cạnh tương đồng trong nền văn hoá người Việt và người Lào cũng như các dân tộc khác.
Bên cạnh sự giống nhau đến từng chi tiết nói trên, nguồn tục ngữ của hai dân tộc Việt - Lào còn có một bộ phận đồng nghĩa hoặc gần nghĩa nhau. Trong những trường hợp này, nội dung và dạng thức của những câu tục ngữ Việt và những câu tục ngữ Lào đồng nghĩa hoặc gần nghĩa đó cũng không khác nhau là mấy, chẳng hạn, các câu “Cá lớn nuốt cá bé” (TN Việt) và “Cá lớn ăn cá bé” (TN Lào); “Dụng nhân như dụng mộc” của người Việt và “Dùng người như dùng gỗ” hoặc “Chọn người như chọn trứng” của người Lào; “Cháy nhà ra mặt chuột” (TN Việt) và “Cháy rừng mới thấy mặt chuột” (TN Lào); “Trăm hay không bằng tay quen” (TN Việt) với “Mười hay không bằng tay quen” (TN Lào); “Kẻ ăn không hết người lần không ra” (TN Việt) với “Kẻ ăn thì ăn đến mửa, người đói thì đói đến chết” (TN Lào); “Treo đầu dê bán thịt chó” (TN Việt) với “Rao thịt trâu bán thịt ngựa” (TN Lào); “Trêu chó chó liếm mặt” (TN Việt) và “Trêu chó chó liếm miệng” (TN Lào); “Kiến tha lâu cũng đầy tổ” của người Việt và “Kiến nhỏ tha lâu cũng đầy tổ” của người Lào,... Thoạt nghe, tưởng chúng tựa như là những biến thể của nhau nhưng thực chất ở cả hai nước, chúng đều là những câu tục ngữ ở dạng gốc. Sở dĩ có sự trùng hợp hoàn toàn đó, trước hết là do lối nghĩ và lối nói của nhân dân hai nước rất giống nhau. Hiện tượng “trùng kiến” này (chữ dùng của GS. Đinh Gia Khánh) là kết quả của những phản ứng và tiếp biến văn hoá giống nhau đã tạo cho hai dân tộc có những câu tục ngữ giống nhau đến từng chi tiết. Đây cũng được coi là một nguyên nhân tạo ra nhiều điểm tương đồng giữa tục ngữ Việt và tục ngữ Lào. Sự tương đồng về nội dung đó còn do tục ngữ Việt và tục ngữ Lào đều là một thể loại quan trọng của văn học dân gian nên giữa chúng vẫn có những đặc điểm chung mang tính thế giới về thể loại.
Như vậy, sự giống nhau trong tục ngữ của người Việt và người Lào không phải chỉ ở những điều kiện tự nhiên - xã hội giống nhau mà còn do cả hai dân tộc cùng nói chung một cội nguồn lịch sử.
b) Nguyên nhân thứ hai: Do cùng chung một cội nguồn trong lịch sử.
Theo kết quả của nhiều nhà nghiên cứu thuộc nhiều bộ môn, nhất là bộ môn ngôn ngữ và dân tộc học thì nguồn gốc của tiếng Việt có quan hệ sâu sắc với tiếng Lào, một ngôn ngữ dòng Tày Thái. Theo Phạm Đức Dương [29] và Hà Văn Tấn [153] thì ngôn ngữ Việt Mường chung được hình thành trong sự hoà quyện giữa cộng đồng Tiền Việt Mường (một ngôn ngữ Môn - Khơme cổ) với cộng đồng Tày Thái cổ. Do đó, trong tiếng Việt có nhiều từ Tày Thái và đặc biệt là về cấu tạo ngôn ngữ (từ ngữ âm, từ vựng, ngữ nghĩa...) rất giống tiếng Lào. Vì vậy, giữa tiếng Việt và t
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- so_sanh_tuc_ngu_viet_va_tuc_ngu_lao_7682.doc