Luận án Thân thể trong thơ trữ tình Việt Nam sau 1986

MỤC LỤC

Trang

MỞ ĐẦU 1

1. Tính cấp thiết của đề tài 1

2. Mục đích nghiên cứu của luận án 2

3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu và hướng tiếp cận của luận án 3

4. Phương pháp nghiên cứu của luận án 4

5. Đóng góp mới của luận án 4

6. Cấu trúc của luận án 5

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ THÂN THỂ 6

1.1. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài 6

1.1.1. Nghiên cứu về thân thể ở phương Tây 6

1.1.2. Nghiên cứu về thân thể ở Trung Quốc 14

1.2. Tình hình nghiên cứu trong nước 18

1.2.1. Nghiên cứu thân thể trong văn học 18

1.2.2. Nghiên cứu thân thể trong thơ sau 1986 23

1.3. Quan niệm về thân thể trong nghệ thuật 27

Tiểu kết chương 1 32

CHƯƠNG 2: THÂN THỂ TRONG VĂN HỌC VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ THÂN THỂ TRONG THƠ CA VIỆT NAM 33

2.1. Thân thể trong văn học 33

2.1.1. Khái niệm 33

2.1.2. Biểu hiện của thân thể trong văn học 35

2.1.3. Đặc trưng của thân thể trong văn học 40

2.2. Một số vấn đề về thân thể trong thơ ca Việt Nam 54

2.2.1. Thân thể trong thơ ca 54

2.2.2. Thân thể trong thơ ca Việt Nam 57

Tiểu kết chương 2 68

CHƯƠNG 3: MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN CỦA THÂN THỂ TRONG THƠ TRỮ TÌNH VIỆT NAM TỪ SAU 1986 ĐẾN NAY 69

3.1. Phương diện tự nhiên của thân thể 70

3.1.1. Thân thể là một phần của thế giới tự nhiên 70

3.1.2. Con người cảm nhận thế giới tự nhiên qua thân thể 76

3.1.3. Thân thể in dấu ấn quê hương bản quán 80

3.2. Phương diện xã hội của thân thể 82

3.2.1. Di chứng chiến tranh trên thân thể 82

3.2.2. Dấu ấn của đói khát trên thân thể 85

3.2.3. Dấu ấn kinh tế thị trường trên thân thể 86

3.3. Phương diện cá nhân của thân thể 90

3.3.1. Ý thức về cá tính 90

3.3.2. Khát vọng sáng tạo 93

3.3.3. Ý thức về căn tính 95

Tiểu kết chương 3 111

CHƯƠNG 4: 112NGUYÊN TẮC KIẾN TẠO THÂN THỂ 112TRONG THƠ TRỮ TÌNH VIỆT NAM SAU 1986 112

4.1. Nguyên tắc gắn kết thân thể với tự nhiên 112

4.1.1. Thân thể gắn kết với thế giới động vật 112

4.1.2. Thân thể gắn kết với thế giới thực vật 115

4.1.3. Thân thể gắn kết với các hiện tượng tự nhiên khác 117

4.2. Thân thể gắn với tính giao 124

4.3. Nguyên tắc trần trụi, lãng mạn hoá thân thể 127

4.3.1. Nguyên tắc trần trụi hóa thân thể 127

4.3.2. Nguyên tắc lãng mạn hóa thân thể 129

4.4. Nguyên tắc tượng trưng, siêu thực hóa thân thể 131

4.4.1. Nguyên tắc tượng trưng hóa thân thể 131

4.4.2. Nguyên tắc siêu thực hóa thân thể 134

4.5. Nguyên tắc gắn kết thân thể với các biểu tượng, ẩn dụ 138

Tiểu kết chương 4 142

KẾT LUẬN 143

DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 148

TÀI LIỆU THAM KHẢO 149

PHỤ LỤC

 

docx181 trang | Chia sẻ: quyettran2 | Ngày: 28/12/2022 | Lượt xem: 424 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận án Thân thể trong thơ trữ tình Việt Nam sau 1986, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
muốn tan thành nước/ Để biết được ta là ai» (Hồ trên cao nguyên - Nguyễn Chí Hoan). Và họ nhận thấy mình chính là một phần của tự nhiên, một góc tâm hồn mình cũng mang bóng dáng trẻ thơ, trong đáy sâu của hồn mình cũng biết cảm thông đến từng nỗi đau sinh vật bé nhỏ, là người cảm nhận được sự sống đang phập phồng nảy nở, cảm nhận được những vẻ đẹp tinh tế vĩnh hằng của tự nhiên. Đắm mình trong tự nhiên, tâm hồn được gột rửa, thanh lọc, con người có xu hướng trở lại phần trẻ thơ nhất với những cái nhìn, háo hức, ngạc nhiên, đầy màu sắc, đầy nhạy cảm: “Chạm vào em tiếng chuông lảnh lót” (Ngân Hoa). Con người thấy mình nhẹ nhàng, thanh thản như trở lại thuở nguyên sơ: “Trần trụi với thiên nhiên/ Hồn nhiên như cây cỏ» (Ánh trăng - Nguyễn Duy ); “Thơ ấu chạy trên cánh đồng tím nhạt/ Giữa nước nôi, bờ cỏ đầm sương/ Vụng dại, khát khao và trong trẻo» (Ban mai - Dương Kiều Minh), «Con chạy trên đồng lúa rộ vàng, mạng nhện giăng giăng bụi hoa cúc dại» (Hy vọng – Dương Kiều Minh). Tiếp nữa, tâm hồn con người hiện đại vốn xơ xác, mệt mỏi, lo âu vì nhịp sống hối hả, bon chen, chụp giật, và họ đã tìm về tự nhiên như tìm về chốn bình yên, nơi cứu rỗi tâm hồn mình, cảm nhận được sự vô tư, hào hiệp, độ lượng, dịu dàng của thiên nhiên, nơi có thể xoa dịu bớt nỗi buồn đau, cô đơn của chính mình. Trước màu xanh dịu dàng, bất tận của ngàn thông, Lê Hoàng Anh muốn hóa thân vào thiên nhiên để được giải thoát, để có được cảm giác bình yên vĩnh cửu: «Trước ngàn xanh cao cả/ Ta muốn hoá mây/ Ngủ lại trên ngàn/ Ta muốn hoá không gian/ Hát mãi trước màu xanh đang ngời ngời thắp sáng” (Trước ngàn thông reo). Sống trong môi trường xã hội, thân thể con người phải chịu sự ràng buộc của những quy tắc, quy định, phải đặt trong các mối quan hệ, chịu sức ép từ nhiều phía. Nhưng tận cùng sự truy đuổi, con người nhận ra điểm tựa của sự cứu rỗi chính là thiên nhiên: “Khi vui thì ngửa mặt lên trời/ Khi buồn lại cúi mặt vào đất/ Khi vui nhảy lên khỏi mặt đất/ Khi buồn lại dậm chân vào đất» (Hồi môn của đất – Lương Ngọc An). Thiên nhiên là nơi con người sinh ra, lớn lên và lại là nơi đón ta trở về. Vì vậy mà thiên nhiên thân thuộc như lòng Mẹ. Thiên nhiên đã nâng đỡ để con người vượt qua nỗi đau, giúp con người có thể đứng vững và bước tiếp trên những nẻo đường đời còn nhiều gập ghềnh, cheo leo. Người Mẹ thiên nhiên không chỉ là điểm tựa bình yên, che chở, cứu rỗi của hồn người, xoa dịu nỗi đau mà còn là nơi thanh lọc tâm hồn để hướng tới cái cao đẹp, thanh khiết. Thế giới thiên nhiên còn là nơi có khả năng tái sinh những vẻ đẹp kỳ diệu nhất, nơi chiến thắng những cằn cỗi trong đời sống hiện thực của con người. Thiên nhiên qua các trang thơ đều toả ra một yếu tố thần diệu - đó là sức sống, sự tươi mát, và bao dung. Nguồn mạch trong trẻo, ngọt lành của thiên nhiên đã nuôi dưỡng, gìn giữ sự trong trắng, tinh khiết như phần nhân tính nguyên thủy của con người. Như vậy, thông qua thể hiện phương diện tự nhiên của thân thể, các nhà thơ đã gửi gắm quan niệm nhân sinh sâu sắc: con người càng sống gắn bó, hoà nhập với thiên nhiên thì càng đựơc sống đúng với bản tính hồn nhiên, lương thiện của mình. Bản tính đó chính là cội rễ của nhân tính vĩnh hằng. 3.1.3. Thân thể in dấu ấn quê hương bản quán Mỗi một con người được sinh ra mang một hình hài, một thân thể khác nhau, đây chính là phương diện tự nhiên của thân thể, và ngay ở phần tự nhiên này đã in dấu ấn quê hương bản quán. Điều này được thể hiện khá nổi bật của thân thể trong thơ sau 1986. Nguyễn Duy luôn tự hào về dấu ấn quê hương trên thân thể mình, vì thế ông luôn mong muốn: “trình bày mình, phơi trải mình, trưng bày cái tông tích mình, cái cội rễ thơ mình”. Đối với ông, quê hương là cội nguồn căn cốt đầu tiên, với tất cả những gì bình dị, thân thuộc đã in dấu lên thần thái thân thể mỗi con người: “Người ở rừng mang vết suối vết cây/ người mạn bể có chút sóng chút gió/ người thành thị mang nét đường nét phố/ như tôi mang dấu ruộng dấu vườn” (Tuổi thơ). Có những lúc, tưởng tuổi thơ đã “mất đi rồi” và sẽ “không bao giờ chảy lại” nữa, nhưng dấu ấn của thiên nhiên quê hương thì không thể chối từ, cũng không thể “đánh đổi”: “Con dấu chìm chạm trổ ở trong xương/ thời thơ ấu không thể nào đánh đổi/ trọn kiếp người ta chập chờn nguồn cội/ có một miền quê trong đi đứng nói cười”. Trong “Đò Lèn”, Nguyễn Duy hồn nhiên kể về những trò nghịch ngợm thuở thiếu thời nơi quê ngoại: “Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị/ Chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng/ Mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm/ Điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng”. Cảm giác của bàn chân khi tiếp xúc với đất mẹ có cảm giác về mùi hoa, mùi hương khói, về âm thanh mê hoặc của điệu hát cô đồng... Đất đai, cây cỏ, hoa lá, gió trời của quê hương đã chắt chiu, nuôi dưỡng con người. Con người chính là một phần máu thịt của quê hương. Vì vậy mà hương vị của quê hương chẳng thể mất đi trong ký ức của con người. Sau bao bôn ba trên khắp nẻo đường đời, Bằng Việt đã trải lòng mình: “Xin tạ lỗi cùng cây, cùng cảnh cũ/ Đất đá ong khô rắn của đời ta/ Dẫu đi suốt nửa đời trên trái đất/ Chẳng mất được trung du - đắng đót vị quê nhà” (Trung du). Trần Anh Thái cũng có ý thơ tương tự: “Da thịt tôi đến giờ vẫn còn hăng mùi đất”. Các nhà thơ đều cảm nhận được sự gắn bó máu thịt với thiên nhiên quê hương, nguồn cội: “Ôi món nợ suốt đời ta có phải/ Tôi hình hài nhào nặn của đất đai/ Máu của đất đã dồn lên hoa trái/ Đắng ngọt của làng, đắng ngọt của tôi” (Làng – Ngô Quân Miện), “Trung du, thì đấy là xứ sở tôi sinh ra bằng thịt da Người” (Trần Quang Quý). Thiên nhiên quê hương là một ám ảnh khôn nguôi trong hồn thơ Nguyễn Quang Thiều. Tìm về với “cố hương”, với tuổi thơ, ngòi bút Nguyễn Quang Thiều như đã tìm về được mạch nguồn của sự sống. Nhớ về “cố hương”, anh nhớ bằng nỗi niềm “máu thịt”: “Tôi hát bài ca về cố hương tôi/ Bằng khúc ruột tôi đã chôn ở đó/ Nó không tiêu tan/ Nó thành con giun đất/ Bò âm thầm dưới vại nước, cầu ao/ Bò quằn quại qua khu mồ dòng họ/ Bò qua tha ma người làng chết đói/ Đất đùn lên máu chảy ròng ròng” (Bài hát về cố hương). Với Nguyễn Quang Thiều, cố hương không phải là những giá trị dĩ vãng với sự hiện thân của mỗi người mà luôn có sợi dây kết nối vô hình thân thể cá nhân với cộng đồng, để thấy cộng đồng trong mình và mình là một phần của cộng đồng. Biểu tượng đất trong thơ Nguyễn Quang Thiều do đó khẳng định thiên nhiên quê hương là cái nôi ươm mầm sự sống và gắn bó máu thịt với thân thể mỗi người (Nguyễn Đình Thi cũng viết về điều này trong câu thơ: “Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về”- Đất nước). Đất đai quê hương còn in dấu trên thân thể đứa con xa quê với những tiếng khóc cánh đồng rau khúc, nhịp thở của đất đai, linh hồn của những bình gốm cũ Hay nói cách khác, Nguyễn Quang Thiều luôn nhìn thấy sự sống của thân thể hiện tại vươn lên trong lấm láp đất bùn, chắt lọc từ trong những gì nhỏ nhặt, bình dị như âm thanh, hơi thở, nhịp điệu của mảnh đất quê hương. Con người dùng thân thể để tri nhận tự nhiên thông qua các hoạt động tri giác, qua sự tiếp xúc của các giác quan và cảm nhận tự nhiên bằng những kinh nghiệm thân thể. Nghệ thuật hiện đại (và nhất là hậu hiện đại), dù đổi mới thế nào đi chăng nữa, thì tiếng nói của thân thể tự nhiên vẫn là tiếng nói hồn nhiên nhất, nguyên sơ nhất và giàu tính nhân bản nhất của con người về cuộc sống trong sự chiếu rọi với tự nhiên. Phương diện xã hội của thân thể Phương diện xã hội của thân thể là phương diện được kiến tạo bởi xã hội. Trong triết học hiện đại, thân thể con người vừa là do cha mẹ sinh ra với những đặc điểm tự nhiên, vừa là do xã hội tạo nên mang đặc điểm của từng xã hội cụ thể. Xét từ phương diện xã hội, thân thể là nơi chịu quy huấn và ràng buộc của xã hội, nói lên những vấn đề xã hội... 3.2.1. Di chứng chiến tranh trên thân thể Thân thể con người tham gia vào các hoạt động của xã hội, những đổi thay của kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng, tôn giáo... đều tác động lên thân thể con người. Có thể nói, một trong những tác động mạnh nhất đến thân thể đó là chiến tranh. Chiến tranh không chỉ tàn phá điều kiện tồn tại của thân thể mà trực tiếp hủy hoại thân thể con người. Thơ Việt Nam sau 1986, bên cạnh việc ngợi ca sự hi sinh những con người xả thân vì độc lập dân tộc còn là cái nhìn thẳng thắn vào những mất mát, hi sinh và hệ quả mà chiến tranh để lại lên thân thể con người. Mặc dù chiến tranh kết thúc chưa lâu nhưng các nhà thơ đã có độ lùi cần thiết để nhìn về cuộc chiến tranh bằng cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn. Trước đây, hiện thực hiện lên trong tác phẩm là hiện thực “nhìn thấy” thì thơ sau 1986, chiến tranh chủ yếu hiện lên qua kí ức. Vì thế, chiến tranh không chỉ được nhìn từ mặt trước mà còn được nhìn từ phía sau với bao nỗi đau trĩu nặng, bao nhức nhối khó lành, bao xót xa và nỗi buồn. Ý thức hướng về những bi kịch đời sống sau chiến tranh khiến nhiều bài thơ thể hiện chiều sâu của những suy ngẫm. Các chủ đề phổ biến là chủ đề về cái chết, bệnh tật, tàn tật, chờ đợi, già nua, đói nghèo, vất vả như là những hệ quả của xã hội thời hậu chiến. Thông qua những hình ảnh về thân thể như máu chảy, máu loang, giọt máu nặng như chùm quả, thịt xương, mắt nhắm, sốt chín da thịt, nước da mai mái, sốt kinh niên, gót chân mỏi mòn, bàn tay chai sạn, nước mắt thầm lặng như sương muối ta thấy được nỗi đớn đau của con người một thời. Thơ 1945 – 1975 khi nói về sự hi sinh thường nghiêng về cảm hứng ngợi ca, con người hy sinh được miêu tả như những tượng đài kỳ vĩ, oai hùng: “Anh ngã xuống khi anh đang đứng bắn/ Máu anh phun như lửa đạn cầu vồng” (Dáng đứng Việt Nam – Lê Anh Xuân), “Mẹ đứng trên gò cao, tóc bạc vờn gió cuốn/ Trên đầu mẹ máy bay nhào lộn/ Mưa như đan, lửa đạn vút điên cuồng/ Giữ trận càn chặn bước tấn công/ Mẹ đứng giơ tay lẫm liệt oai hùng” (Bà mẹ Đồng Tháp Mười - Cẩm Lai). Còn trong thơ sau 1986, ta gặp những cái chết cũng trong chiến tranh chẳng có gì lẫm liệt (chết vì bị địch phục kích, chết vì bị bắn lén, chết vì ốm đau giữa rừng, chết khát), nhưng cũng không kém phần đau thương: “Cơm vắt bên hông/ Bao đạn choàng trước ngực/ Máu bạn tôi thắm đỏ rừng già”; “Bạn hi sinh/ Bạn không tên/ Suối không tên để nhớ/ Tôi làm sao quên/ Tôi làm sao quên/ Chiều tháng Tư xạc xào lá đổ/ Mắt bạn khép vào suối nước vẹn nguyên” (Tô Hoàn) hay những câu thơ đau đớn của Nguyễn Duy tiễn đưa người bạn: “Sốt cơn ác tính chín da/ Chiều sau lẳng lặng bạn qua đời rồi” (Người đang yêu – Nguyễn Duy), “Tuổi trẻ chúng tôi không kịp khóc/ chôn bạn lạnh lùng trần trụi dưới đồi sim” (Người vắt sữa bầu trời – Thu Bồn). Ngay cả khi nghĩ về những tháng ngày hào hùng nhất của cuộc chiến, những điều được nhớ không phải là chiến thắng, cờ hoa mà là nỗi đau thể xác: “Ai đã sống những ngày xuân 68/ Nhìn lá cờ reo trên thành Huế cố đô/ Ai đã giữ hàng trăm bọc cơm nắm/ Chờ bạn bè ta sau trận đánh không về/ Ai đã uống nước suối thay cơm/ Nhai lá rừng thay sắn/ Ai đã hành binh trong dầm đề mưa lạnh” (Ngọn đèn tưởng niệm - Hoàng Cát). Đau lòng nhất là những hình ảnh chết chóc của những kiếp “thảo dân” trong chiến tranh. Hình ảnh máu loang, giọt máu, máu xương, thịt xương, xương trắng được lặp lại nhiều lần như nhắc đến những vụ chết chóc kinh hoàng trong chiến tranh của những kiếp người nhỏ bé: “Dằng dặc đạn bom cày xới xóm làng/ Bến sông xưa đò đắm máu loang” (Dòng sông mẹ - Nguyễn Duy); “Mỗi phút thanh bình thật đắt giá/ Những giọt máu nặng như chùm quả” (Nguyễn Duy); “Mùa hè ấy gạch chảy ra như máu/ Máu các anh che chở những căn nhà” (Nguyễn Thụy Kha); “Mưa rửa sạch máu tươi trên đá lạnh/ Những bé em nằm ngủ trong mồ” (Cầu nguyện - Lưu Quang Vũ); “Đất nhào tung cả thịt da/ Tóc vương bay trắng cả bầu không gian” (Mái tóc mẹ bay - Anh Thơ). Trong công cuộc bảo vệ tổ quốc, bảo vệ độc lập dân tộc, bao đứa con của “đất mẹ” đã xông pha nơi chiến trường. Cuộc sống hiểm nguy chốn rừng già, ghềnh cao thác dữ, đi kèm với bệnh tật đã tàn phá thân thể họ: “Oái oăm cơn sốt rừng già/ Trong lòng gió bấc, ngoài da gió Lào/ Ruột gan gió xoắn cồn cào/ Mũi tiêm thuốc đắng chích vào quặn đau” (Nguyễn Duy). Rồi nhan sắc, tuổi xuân của những người phụ nữ cũng bị tàn phai bởi chiến tranh: “Vài ba năm, bốn năm năm/ Em tôi bảy tám mùa xuân rừng già/ Sốt nhiều mai mái nước da/ Cái thời con gái đi qua cánh rừng” (Những người con gái). Cùng với khí thế ra trận “cuồn cuộn” là dấu ấn vất vả, gian nan hằn lên thân thể những người lính: “Thời gian sông cuồn cuộn không ngừng/ Bàn chân Giao Chỉ miết mòn mỏi/ lóc cóc kiếp đá cuội”. Những “bàn chân Giao Chỉ” mỏi mòn, chai sạn vì những cuộc hành binh, vì những chuyến xe thồ lên Điện Biên:”đường Điện Biên gót chân sỏi sạn”. Nếu “bàn chân Giao Chỉ mòn mỏi” vì những cuộc hành binh và chuyến xe thồ dọc Trường Sơn, thì những “bàn tay” lại “chai dầy”, “rộp” lên vì “ghì súng” và “đào công sự”: “Đất làm bệ tì, tay ta ghì súng/ Ngửa tay là thấy nếp chai dầy// Hôm nay lại rộp tay đào công sự”. Những người lính khi sống sót trở về thì thân thể cũng mang căn bệnh chiến tranh trong suốt quãng đời còn lại: “Đường làng tôi tiếng xe thồ lọc xọc/ Chiếc xe thồ từng đẩy tới Điện Biên/ Ngược dòng sông Mạ lên Tây Bắc/ Ai xuôi về cũng sốt kinh niên” (Dòng sông Mẹ - Nguyễn Duy). Có một thời, người làm thơ dù ít nói đến nỗi đau, nhưng vết thương cố giấu vẫn âm ỉ, sâu xoáy trong lòng, tự nó tràn trào. Mỗi thế hệ nhà thơ cảm nhận về nỗi đau riêng - chung theo mạch đi riêng. Với nhà thơ lớp trước (Chế Lan Viên, Tố Hữu...), trước đó ít thấy bộc lộ nỗi đau trong thơ, nhưng những năm cuối đời, điều khó viết ấy được đề cập một cách trực diện và thấm thía: “Đau sóng nước muôn phương thân vạc, thân cò.../ Khói thịt người làm mắt ta cay hơn khói đốt nhà” (Thơ bổ sung - Chế Lan Viên). Cảm nhận đau đớn nhất thời hậu chiến là những cảm nhận về thân thể khuyết thiếu, đau đớn trở về sau chiến tranh: “Thế hệ chúng tôi/ Cõng trên lưng quá khứ/ Một hình hài tàn tật của chiến tranh” (Người cõng quá khứ - Nguyễn Quốc Chánh); “Nhưng đầu em một vết đạn chiến trường/ Sâu đến nỗi xuyên từ vùng trán rộng” (Lê Thị Mây); “Sau nhiều trận chết thừa sống hụt bao phen/ Một bên chân bị bom thù cắt cụt giữa tuổi thanh niên”; “Máu đổ xuống chiến trường, máu không vón cục/ Để thành vàng, sống tạm buổi hoàng hôn” (Kinh ngạc - Hoàng Cát). Và cũng chính chiến tranh đã biến những người vợ, người mẹ thành những “Hòn Vọng Phu sống”, hy sinh tuổi thanh xuân trong sự chờ đợi vô vọng, mỏi mòn: “Nước mắt những người đàn bà goá bụa mà đông thành tinh thể, thì làng tôi có bao nhiêu hòn Vọng-Phu/ Nhưng nước mắt chỉ thầm như sương muối, tháng ngày tàn héo xuân xanh, rồi bay về trời tụ thành mây hồng hoang” (Nước mắt - Mai Văn Phấn). Dấu ấn của đói khát trên thân thể Sau 1986, đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, sự nghèo túng. Đói khát in dấu lên thân thể qua những hình ảnh mặt xanh rờn, bàn tay xanh xao, con mắt trẻ đói xin ăn, lưng trần bạc trắng, bụng nhăn lép kẹp, bụng sôi sùng sục vì đói, người hằn những xương, mặt hốc hác, bàn tay để ngửa (ăn xin).... Đó không chỉ là thân thể người bà, người mẹ, người bố, người em mà là của tất cả những kiếp nhân sinh nghèo khổ - những “đồng bào tôi”, “nhân dân tôi”. Trong thơ Nguyễn Duy, là thân thể người mẹ với mầm sống đang cựa quậy bên trong, nhưng cái đói vẫn đeo bám: “Con chưa sinh mặt vợ đã xanh rờn/ Bàn tay trắng lạnh lùng tàn nhẫn thế/ Hạnh phúc lớn vòng tay ôm không xuể/ Chuyện miếng cơm manh áo thật đau lòng’; “Để kệ mái nhà xưa dột nát/ Mặc kệ áo quần thằng cu nhếch nhác/ Mặc kệ bàn tay mẹ nó xanh xao”. Đối diện với người ăn xin, nhà thơ như thấy từng tế bào trên thân thể mình nhói đau: “Như đứa con bất hiếu tôi quay đi/ xin nhận lấy tròn đen hai con mắt/ hai con mắt trẻ thơ thành hai con ong đất/ đào thịt chui vào ngực tôi”. Thân thể người bố, thân thể đàn em lam lũ, mòn mỏi vì lao động vất vả để mưu sinh luôn ám ảnh trong lòng đứa con xa quê: “Cha ta cầm cuốc trên tay/ Nhà ta xơ xác hơn ngày xa xưa/ Lưng trần bạc nắng thâm mưa/ Bụng nhăn lép kẹp như chưa có gì/... Các em ta vác cuốc cào/ Rủ nhau bước thấp bước cao ra đồng/ Mồ hôi đã chảy ròng ròng/ Máu và nước mắt sao không có gì” (Về làng – Nguyễn Duy). Hình ảnh người bà gầy mòn trong thơ Nguyễn Quang Thiều khiến ta liên tưởng đến câu thành ngữ “Cá chuối đắm đuối vì con”: “Bà tôi mặc áo không xà phòng, phơi lên những bộ xương cá quả” (Lời trăn trối của tương lai – Nguyễn Quang Thiều). Những anh hùng thời chiến tranh bây giờ lâm vào cảnh: “Bây giờ anh vào tuổi bốn mươi/ Vẫn hốc hác khuôn mặt thời lính trận/ Manh áo miếng cơm chưa ủ ấm nụ cười/ Lại giật thột lạnh người khi bắt gặp một bàn tay để ngửa” (Sấp ngửa bàn tay – Hoàng Trần Cương). Còn có những con người vất vả mưu sinh: “Bà già không chốn nương thân, lọ mọ nhặt nhạnh quanh bãi rác/ Chị nông dân nói ngọng xệch mông đạp xe thồ rau từ nửa đêm kịp đến chợ Long Biên lúc 3 giờ sáng/ Cô gái đen đúa đội thúng bánh mì, gầy đen như ngõ tối, rao khản gió/ Ông bán bóng đói lả phùng má thổi, bóng bay lên mặt cắm xuống ho/ Những thằng bé còi lăn lóc đánh giày rạc chân rao báo” (Ký họa đen - Vi Thùy Linh). Như vậy, thân thể trong thơ sau 1986 đã thể hiện một đời sống đau thương thời hậu chiến cùng sự thức tỉnh về ý thức con người với những nhu cầu xã hội, như đòi hỏi về công bằng, ấm no vẫn còn đang tiếp diễn với những ám ảnh không thể mờ phai. Dấu ấn kinh tế thị trường trên thân thể Nói đến con người không thể không nói đến thân thể, sự sống của con người được duy trì bằng sự vận động của thân thể. Sự tồn tại của con người chính là sự tồn tại thân thể, thân thể không còn thì sự sống cũng đặt dấu chấm hết. Thân thể là đối tượng chịu tác động lớn của kinh tế thị trường, đời sống văn hóa xã hội. Con người nhận thức bằng ngũ quan của thân thể, đồng thời thân thể cũng là nơi con người thể hiện sự tri nhận của mình. Vì vậy, những biểu hiện của thân thể gắn liền với sự phát triển của thời đại, phản ánh những hậu quả cũng như triển vọng nó tạo ra. Hiện tượng học cho rằng, sự tri nhận của con người bằng các giác quan thân thể mới là đầy đủ và toàn vẹn nhất, khoa học phải dựa trên sự tri nhận đó: “Người ta cứ tưởng thế giới của khoa học có nền tảng lắm. Kỳ thực thế giới khoa học phải dựa vào thế giới của tri giác, tức phải dựa trên thế giới kinh nghiệm sống của ta. Chẳng hạn, khi khoa học địa dư vẽ lên giấy hình sông và núi, thì những hình này chỉ có nghĩa cho những ai đã có lần nhìn thấy sông núi. [...]. Khoa học chỉ lấy lại các đối tượng của tri giác, rồi thí nghiệm và chọn lọc những gì được coi là nhất thiết tuân theo một định luật nào đó, vì thế, Merleau-Ponty gọi “khoa học là sự diễn tả lại lần thứ hai của kinh nghiệm sống, tức tri giác của ta”” [84, tr38,39] Văn học Việt Nam trải qua thời kì lịch sử khác nhau, thân thể con người được miêu tả, đối sánh với những sự vật, hiện tượng khác nhau. Trong văn học dân gian là các vị thần với thân hình cao lớn và sức mạnh phi phàm, đó là các thần trụ trời, Sơn Tinh, Thủy Tinh.... với sức mạnh đội núi, vá trời.... Văn học trung đại, con người được miêu tả theo lối ước lệ, tượng trưng, kiểu như: “Vân xem trang trọng khác vời,/ Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang./ Hoa cười ngọc thốt đoan trang,// Làn thu thủy, nét xuân sơn” (Truyện Kiều). Sang những năm đầu thế kỉ XXI, các nhà thơ có khuynh hướng đưa vào thơ những hình ảnh thân thể phản thơ, đối lập với mĩ học truyền thống, đối lập với ý niệm về thơ ca được xem là chuẩn mực, chính thống, là trung tâm trước đó, đã gây ra những phản ứng đa chiều gay gắt. Họ là những Bùi Chát, Lý Đợi, Đặng Thân... Họ có xu hướng miêu tả thân thể ở giọng điệu hài hước, bông đùa, thực tế là đang giễu nhại sự bế tắc của chính mình trước thực tại: “Vào những ngày rảnh rỗi & buồn/ phiền, nó thường ném tiền qua cửa/ sổ, khi sự thật không còn gì/ trên tay có thể ném, nó/ tự cười một mình. rồi lật đật/ bò khỏi gác, nhặt tiền ném trở/ lại. bất ngờ có tiếng nói [hình/ như của doi] làm nó giật mình:/ muốn ném bi nhiêu thì bi, nhưng/ để rách tiền, mụ chủ nhà không/ thèm lấy thời bỏ mẹ!”(Ném tiền – Bùi Chát). Nhân vật rơi vào trạng thái trống rỗng, vô định vì thế có những hành động mất kiểm soát, bất thường. Bài thơ: “không quên kafka” của Bùi Chát, là sự so sánh ngầm cái thân thể trong tác phẩm Biến hình của Franz Kafka với thân thể của nhân vật thời hiện đại: “buổi sáng thức dậy, tôi thấy mình biến thành một con sâu... rượu. Không hoảng hốt, tôi lê đến trước gương để nhìn rõ hơn: vẫn đầy đủ tay chân mặt mũi & không thêm gì cả-trên khuôn mặt. tuy tóc tai bù xù, có xu hướng dựng đứng...”. Những động tác thân thể tưởng như vô nghĩa, vặt vãnh, tầm phào lại phản ánh sự bế tắc quẩn quanh trong cuộc sống thường nhật của một bộ phận người trong xã hội hiện đại. Cuộc sống mở cửa thời kinh tế thị trường với bao nhố nhăng, điên loạn, phơi bày lên thân thể:”Xe máy xe hơi xe tải xe thồ chân đất đánh giày quần ngố váy đầm hở vú hở đùi hở miệng cười hở rốn./ Mỏ đỏ mắt xanh tóc trắng tóc vàng tóc đỏ tóc đen tóc hạt dẻ tóc bạch kim tóc hoe hoe không tóc” (Phác họa - Nguyễn Trọng Tạo); “Tôi đi ngược mùa hè căng mởn làn da, ngược rốn, áo lửng như cánh buồm kéo xô nghiêng những phố ven đường/ thanh xuân tung tẩy thơm dậy mùi con gái/ vắt vẻo một ngày rốn lên ngôi”(Bầy rốn – Trần Quang Quý). Thân thể trở thành nơi khoe sắc, khoe giàu, biến thành hàng hóa. Cuộc sống hiện đại, bên cạnh những thành quả của sự phát triển của khoa học kỹ thuật, con người được hưởng nhiều lợi ích song mặt trái của nó cũng mang đến nhiều phiền lụy, nhiều nỗi lo âu. Các nhà thơ cảm thấy bất an trong xã hội hiện đại với những giá trị đang bị đảo lộn, thoái hóa, biến chất biểu hiện trên thân thể con người. Có thể khảo sát vấn đề này qua các chủ đề: đời sống đô thị hóa khiến con người bị tù túng, muốn được trốn chạy, được giải thoát; đời sống đơn điệu, công thức khiến người thánh cỗ máy, xa lạ với chính cơ thể mình; đời sống trần trụi, trong đó có những người bị tàn tạ vì mưu sinh, bị hủy hoại vì chơi bời; băng hoại đạo đức, nhân cách đi xuống, vô cảm, nhố nhăng; văn hóa truyền thống suy thoái; thiên nhiên, môi trường bị tàn phá; bệnh tật, cô đơn, phá phách; thân thể trở thành hàng hóa... Con người hiện đại vừa được giải phóng vừa bị tha hóa. Hình ảnh của một đời sống trần trụi, con người bị những tệ nạn tàn phá thân thể: “Ngõ hẻm/ Trăng rông/ Mấy nàng xì ke chưa chồng vật thuốc”, ”Ánh trăng nằm nhễ nhại sầu đong/ Mái hiên tây mấy chú nhóc/ Xa tuổi thơ/ Gối lên sách tướng số ôm nhau” (Rỗng ngực – Phan Huyền Thư). Có sự đi xuống về nhân cách trong đời sống xã hội, đặc biệt là ở thế hệ thanh niên thời đại mới. Mặt trái của đời sống cơ chế thị trường là để làm giàu, thu lợi bất chính, con người đã mất đi tính người, người thành vật, vật hóa người. Trong thơ Trần Nhuận Minh, một thực trạng phơi bày không khỏi khiến người ta rùng mình khiếp sợ: “Những con lợn/ Nuôi bằng thai nhi nạo/ Khi bị chọc tiết/ Khóc như người”. Mặt trái của đời sống xã hội là sự băng hoại đạo đức, giữa thân thể người và lợn như xóa nhòa gianh giới, những con lợn khóc như người, thật khủng khiếp! Cuộc sống mới với nhiều thành quả của sự phát triển của khoa học kỹ thuật, con người được hưởng nhiều lợi ích. Song mặt trái của cuộc sống hiện đại cũng mang đến nhiều phiền lụy, nhiều nỗi lo âu, buồn chán, khó được chia sẻ. Gửi VB của Phan Thị Vàng Anh tràn đầy hình ảnh một người đàn bà cô đơn, lặng lẽ, thậm chí ốm đau cũng chỉ một mình: “Quờ tay tìm viên thuốc/ Ba năm rồi không sợ đụng nhầm tay ai/ có những khi nằm im và ngửa cổ/ cho đầu thõng xuống cạnh giường/ đề phòng nước mắt có chảy/ chầm chậm/ ngược dòng mà tuôn” (Ốm). Cái cơ thể ốm đau ấy mới thật nhỏ bé, đáng thương, lạc lõng, không có sự giao tiếp, sẻ chia. Sự tù túng của đời sống khiến nhà thơ cảm giác cả cơ thể như một cái nhà tù: “Cái nhà tù bọc bằng da/ tường bằng xương/ nệm thịt lót/ máu âm ỉ tưới”, “Mắt như song cửa ngó ra trời/ Cơ thể vào hôm rệu rã không nhắc mình lên nổi vẫn phải đón ban mai/ Khép mắt lại vẫn còn tiếng nói nhà tù khổ sai/ tiếng nói rỉ rả trong đầu - cai ngục suốt ngày dài” (Cơ thể tôi ngày chủ nhật – Phan Thị Vàng Anh). Vì quá mệt mỏi về thân xác, dẫn đến cảm giác muốn phá phách: “Đàn bà thích tự làm ra mùa/ Tôi tự dưng huyết áp tụt/ Tự dung nhịp tim lạc/ Tôi bỗng nhiên lạnh toàn phần/ Vùng áp thấp muốn làm cách mạng”, “Muốn tranh vợ cướp chồng./ Muốn giật bồ thông dâm./ Muốn đặt bom tượng đài/ Muốn gia nhập làng chơi”(Tháng Tám - Phan Huyền Thư). Thân thể trong trong xã hội công nghiệp với trình độ khoa học kĩ thuật lên ngôi đang có nguy cơ bị máy móc hóa, bị sơ cứng, chai lì về tâm hồn và cảm xúc. Sự giao tiếp giữa con người với con người đang bị sân khấu hóa, họ như đang sắm vai trên sân khấu trong cuộc đời: “Trái đất – sân khấu tròn/ Đời là sân khấu, sân khấu là đời/ Đừng hỏi vì sao chú Hề lại khóc/ Khi nước mắt thật chảy hoen nước mắt hóa trang” (Nước mắt hề xiếc, Vi Thùy Linh). Thời đại số hóa tác động mạnh đến từng nơron thần kinh, từng vi bào trên thân thể con người, khiến họ cũng bị máy móc hóa, chai lì trước hiện thực cuộc sống. Sự vận động của thân thể dường như bị thui chột, con người tự nhốt mình trong những thế giới ảo do máy móc lập trình với những cảm xúc giống nhau: “Hàng triệu người điên lên theo mãnh lực phần mềm Microsoft/ Những tâm hồn đang được mã hóa với nhịp điệu sống lập trình/ Ngày đêm nơron thần kinh căng cứng cập nhật dữ l

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docxluan_an_than_the_trong_tho_tru_tinh_viet_nam_sau_1986.docx
  • pdfDonggop_moi_guilai.pdf
  • pdfQDNN Thúy.pdf
  • docThúy - Nhung diem moi cua LA.doc
  • pdfToàn văn LANN.pdf
  • docxTóm tắt tiếng Anh bvNN.docx
  • pdfTóm tắt tiếng Anh BVNN.pdf
  • pdfTóm tắt tiếng Việt cấp NN.pdf
  • docxTóm tắt tiếng Việt NN.docx
Tài liệu liên quan