Luận văn Cảm hứng thời gian trong thơ thời Trần

Giống nhưbao thời đại khác, âm hưởng vút cao hào hùng của triều đại

nhà Trần dần dần cũng lắng dịu theo sựvận động của lịch sử. Từgiữa thời

Trần đã bắt đầu xuất hiện kiểu thời gian suy tư, hoài niệm mang tính chất triết

lí vềcuộc đời và thếsự. Đó là tiếng lòng của những nhà thơvừa ý thức rất rõ

trách nhiệm của người công dân tích cực cống hiến cho đất nước nhưng đồng

thời cũng nhận chân được sựphù du của công danh phú quí, sự đổi thay của

tình đời. Tiếng lòng ấy vẫn còn cái dưphong của một thời hào hùng nhưng

cũng chứa đựng những dựcảm vềsựsuy vong của triều đại. Đó cũng là thời

kì bắt đầu cho sựtựý thức bởi vì con người trong thơ đã không ngừng soi rọi

bản thân, không ngừng hoài niệm, tiếc nuối những gì đẹp đẽ, huy hoàng đã

qua đồng thời cảm nhận sâu sắc vềnhững biến động của cuộc đời, vềhạnh

phúc đích thực của đời người. Họlà chiếc cầu nối giữa hai thời kì của triều

Trần. Cho nên, vừa mới gặp họ đâu đó trong những vần thơ đầy cảm xúc hào

hùng, lại gặp họ ở đây với sựsuy tư, tiếc nuối. Họlà Trương Hán Siêu, là

Trần Minh Tông, là Phạm SưMạnh, Trần Quang Triều, là Phạm Mại, Nguyễn

Sưởng

pdf146 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2413 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Cảm hứng thời gian trong thơ thời Trần, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
òng thời gian chảy mãi trong thơ Tuệ Trung với sự nuối tiếc nhẹ nhàng lan tỏa trong những vần thơ đầy cá tính. Thế nhưng, trên hết, vẫn là một Tuệ Trung coi thường chuyện sống chết, nhìn thời gian trôi chảy mà thấy yêu quí cuộc đời nhiều hơn, dẫu biết rằng nó ngắn ngủi, mong manh nhưng vẫn có thể dành trọn khoảng ngắn ngủi ấy để trải nghiệm, thức tỉnh và sống thật trọn vẹn. Thời gian đời người hiện lên trong thơ Tuệ Trung với nhiều sắc thái khác nhau, là bóng ngựa qua kẽ vách, là mũi tên bay, là nước trôi… nhưng thống nhất ở nhịp độ trôi chảy. Có thể nói thời gian là một mối quan tâm thường trực trong thơ Tuệ Trung. Điều đó góp phần làm rõ hơn một số phương diện quan trọng nơi con người ông: con người tự do tuyệt đối, con người phóng túng mà không buông mình, con người hiểu rất rõ giá trị của thời gian đồng thời cũng là con người yêu mến cuộc sống thiết tha hơn ai hết. Không buồn chán, thất vọng khi thấy được sự ngắn ngủi của thời gian đời người, nhà thơ biết nâng niu trân trọng từng giây từng phút được sống trong cuộc đời. Trần Thánh Tông từng được biết đến với những vần thơ về thời gian thực tại đắm say. Nhưng đối với ông, sự ngắn ngủi của kiếp người cũng là một lẽ thường tình, đương nhiên. Nhà thơ quan niệm về chuyện sống chết hết sức nhẹ nhàng, bình thản: Sinh như trước sam, Tử như thoát khố. (Sống như mặc áo, Chết như trút bỏ quần ra.) (Sinh tử) Tưởng rằng, một con người yêu giây phút thực tại đầy thú vị kia ắt sẽ sợ cái chết, sợ tuổi già. Nhưng không phải thế. Tuy không nói nhiều về chuyện sống chết song rõ ràng, hai câu thơ ngắn ngủi trên vẫn đủ sức hé lộ một tâm hồn lạc quan, một ánh nhìn tươi sáng về cuộc đời. Sống chết bình thường như cơm ăn áo mặc hàng ngày. Cái chết nhẹ nhàng như người ta vừa trút bỏ một gánh nặng sau khi đã sống thật ý nghĩa. Cũng với một quan niệm tích cực như thế, Trần Nhân Tông nhìn thấu bản chất hư ảo và mong manh của cuộc đời nhưng bản thân ông vẫn có được tâm thái tự do, an nhiên: Tục đa biến thái vân thương cẩu. (Thói đời nhiều thay đổi như mây trắng hóa chó xanh.) Nhưng: Tá dư niệm liễu tổng hưu hưu. (Mọi điều suy nghĩ đều cho qua đi hết.) (Đại Lãm Thần Quang tự) Đến Huyền Quang, dù viết rất nhiều vần thơ nồng ấm về tình đời, tình người nhưng trong thơ ông vẫn không tránh khỏi tiếng thở dài khi chứng kiến sự trôi chảy nghiệt ngã của thời gian, sự bất lực của con người: Bách tuế quang âm nhiễn chỉ trung. (Trăm năm bóng quang âm chỉ trong nháy mắt.) (Quá Vạn Kiếp) Phú quý phù vân trì vị đáo, Quang âm lưu thủy cấp tương thôi. (Giàu sang như mây nổi, chậm chạp chưa đến, Quang âm như nước chảy, hối hả giục qua mau.) (Tặng sĩ đồ tử đệ) Tuy nhiên, đó không phải là tiếng thở dài bi quan, chán nản và nó cũng không phải là âm hưởng chủ đạo trong sáng tác của ông. Người ta nhớ về Huyền Quang với một phong cách thơ Thiền khá đặc biệt của thời đại nhà Trần có khả năng bộc lộ “mọi cung bậc của tâm trạng mình. Có vui, có buồn, có day dứt và yên tĩnh, vừa chối bỏ cũng vừa gắn bó biết bao nhiêu với cuộc đời nhiêu khê đầy cát bụi” [70, tr.77]. Thế nên, nhìn thời gian trôi nhanh trong dòng chảy vô thủy vô chung, Huyền Quang ắt cũng không tránh khỏi chút xót xa, chút ngậm ngùi, dù rất nhẹ. Có lẽ, chính quan niệm như thế đã góp phần tạo nên một thời đại thật đặc biệt trong lịch sử dân tộc với những con người đặc biệt – những con người luôn làm tròn trách nhiệm với dân với nước nhưng biết dành riêng cho mình một khoảng trời tự do; những con người yêu cuộc sống tha thiết lại coi thường chuyện sống chết, được mất ở đời. Bao trùm lên trên hết là tư tưởng nhân văn tích cực của một thời đại anh hùng. Tư tưởng ấy khiến họ không bị vướng vào vòng công danh phú quý nghiệt ngã. Tư tưởng ấy khiến họ khoác áo đi tu mà vẫn yêu cuộc sống, giản dị nhưng không đơn điệu, nhàm chán. Dòng thời gian vô thủy vô chung còn chảy mãi không thôi, nhưng thời đại nhà Trần với một cái nhìn đạt quan về thời gian và cuộc sống đã một đi không trở lại. Tuy thế, vẫn mãi tươi mới những vần thơ đầy sức sống của những tâm hồn nhạy cảm, tinh tế. Đó là điều còn lại đáng kể nhất của thơ Thiền nói riêng và thơ ca đời Trần nói chung. Chương 3: CẢM THỨC THỜI GIAN TRONG THƠ THẾ TỤC ĐỜI TRẦN 3.1.Thời gian bất tử trong cảm hứng về lịch sử chống ngoại xâm oai hùng Thời gian vẫn trôi chảy, thời gian cũng xóa nhòa đi nhiều thứ trong cuộc đời một con người. Thế nhưng, có những lúc, thời gian dường như tỏ ra bất lực. Bởi vì, có những điểm sáng trong quá khứ vẫn mãi lung linh ở thời hiện tại, hứa hẹn cũng sẽ tỏa sáng ở tương lai. Nó không phải là kiểu thời gian bất tử với màu sắc bình đạm lặng lẽ của thơ Thiền. Nó mang đậm hương vị say mê hào hứng với một tinh thần nhập thế tích cực. Đó chính là kiểu thời gian bất tử trong cảm hứng về lịch sử chống ngoại xâm oai hùng. Không phải ngẫu nhiên mà cảm thức về kiểu thời gian lịch sử này trở nên hết sức phổ biến trong thơ ca trung đại Việt Nam. Nó nằm trong hệ thống cảm thức về thế giới của con người trung đại. Đó là xu hướng tập cổ, trọng cổ. Họ biết ơn và trân trọng những gì cha ông đã đổ xương máu để kiến tạo. Họ nhìn vào những sự kiện trọng đại với một niềm ngưỡng vọng chân thành. Thế nên, với những sự kiện có ý nghĩa trọng đại, họ có xu hướng bất tử hóa để nó mãi mãi trường tồn với non sông đất nước. Bởi vậy, những vần thơ về kiểu thời gian như thế luôn tươi mới, tươi mới trong cái hào hùng sảng khoái, tươi mới trong cảm giác tự hào tràn trề. Một nhân vật trọng yếu của thời Trần là Trần Quang Khải, người đã cùng với Trần Quốc Tuấn làm nên những chiến công hiển hách của công cuộc chống ngoại xâm vĩ đại. Ông được xem là một tác gia tiêu biểu thời thịnh Trần với những vần thơ thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn và sự gắn bó tha thiết với con người và tạo vật. Và trong thơ ông, ta cũng gặp dòng thời gian chở đầy những chiến công, chở đầy niềm tự hào. Trên bước đường phò giá vua về kinh, ông đã suy nghĩ về thời khắc ghi dấu chiến công như thế này: Đoạt sóc Chương Dương độ, Cầm Hồ Hàm Tử quan. Thái bình đương trí lực, Vạn cổ thử giang san. (Bến Chương Dương cướp giáo giặc, Cửa Hàm Tử bắt quân Hồ. Buổi thái bình nên dốc toàn bộ sức lực, Thì non sông muôn đời dài lâu.) (Tụng giá hoàn kinh sư) Hai thời điểm ghi dấu chiến công ấy được tác giả khái quát bằng hình ảnh đoạt sóc (cướp giáo giặc) và cầm Hồ (bắt quân Hồ). Bên cạnh đó, câu thơ còn thể hiện niềm khát khao cháy bỏng chính đáng của nhà thơ qua hình ảnh cuối cùng trong bài thơ. Vì âm hưởng của chiến thắng có một sự lan tỏa vượt không gian nên đồng thời nó cũng có một khả năng soi chiếu những dấu ấn của nó tới tương lai. Hai chiến công trong một khoảng thời gian ngắn, ở một vùng không gian hẹp nhưng lại có sức lan truyền sâu rộng mạnh mẽ. Dấu ấn ấy khiến cho mọi diễn biến của một trận đánh cụ thể trong một thời điểm cụ thể trở nên có tính phổ quát, trở nên bất tử. Bài thơ ngắn nhưng chứa đựng trọn vẹn cái âm hưởng hào hùng của một thời đại đặc biệt. Trên thực tế, bài thơ được viết vào khoảng ngày 6 tháng Sáu năm Ất Dậu (Tức ngày 9 tháng Bảy năm 1285), sau khi đã đuổi đạo quân Thoát Hoan chạy dài lên phía Bắc, giải phóng Thăng Long, hai vua Trần trở về kinh đô, Trần Quang Khải đi theo phò giá và làm bài thơ này. Thế nhưng Trần Quang Khải không chỉ được biết đến với những bài thơ có âm hưởng hào hùng như trên. Trong thơ ông còn có những phút giây điềm đạm, trầm lắng. Phúc Hưng viên là một bài thơ như thế. Đó là khoảnh khắc mà tác giả thấy: Nam vọng lang yên vô phục khởi, Đồi nhiên nhất tháp mộng thiên an. (Trông về phía Nam không còn khói lang bốc lên nữa, Thảnh thơi trên giường thảnh thơi với giấc mộng riêng.) Bài thơ không có cái say nồng hứng khởi trước chiến công nhưng nó lại chứa đựng sâu sắc những chiêm nghiệm. Phút giây thảnh thơi ấy được đánh đổi bằng máu vì không khói lang bốc lên có nghĩa là trời Nam đang thanh bình. Có vẻ như sắc thái cảm xúc này rất gần với nguồn cảm xúc trong thơ Thiền khi các nhà thơ đều dành cho mình những khoảnh khắc riêng tư thú vị. Tuy nhiên, với Trần Quang Khải, trong Phúc Hưng viên, lại là giấc ngủ sau những chinh chiến mỏi mệt. Vẫn là con người từng say mê hào hứng trước chiến thắng nhưng tự trong tâm hồn ông vẫn là cái gốc yêu hòa bình của dân tộc. Thế nên, thời gian ở buổi thanh bình ấy đã chứa đựng một biểu hiện khác của vẻ đẹp tâm hồn con người đời Trần. Câu thơ hiền lành nhưng đằng sau nó là sự thỏa mãn chính đáng, là sự tôn vinh giây phút nghỉ ngơi chính đáng của toàn dân tộc, một dân tộc yêu hòa bình, yêu tự do và sẵn sàng chiến đấu không ngừng nghỉ cho những giá trị đó. Và cũng có khi, con người Trần Quang Khải ở thì hiện tại là sự gặp gỡ giữa hai con người, có thể gọi đó là con người võ tướng và con người thi sĩ: Sinh bình đảm khí luân khuân tại, Túy đảo đông phong phú nhất thi. (Riêng chí dũng cảm lúc bình sinh vẫn còn nguyên đó, Say ngả nghiêng trước gió đông, ngâm một bài thơ.) (Xuân nhật hữu cảm I) Tự thấy mình vẫn còn nguyên vẹn cái tráng chí thuở trai trẻ dẫu cho mái tóc đã bạc, Trần Quang Khải đã để lòng say mê và rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Nét thú vị trong thơ ông là ở đó. Con người ấy không tự ngắt cuộc đời làm hai quãng riêng biệt với những biểu hiện đối lập mà để chúng hài hòa kết hợp với nhau. Bởi thế, thời gian hiện lên trong thơ Trần Quang Khải vừa mang trọn vẹn cảm xúc hào hùng của thời đại lại vừa mềm mại, trữ tình. Điều đặc biệt nữa là Trần Quang Khải ý thức rất rõ dòng chảy vô tình của thời gian đã mang đến cho ông mái tóc bạc, sự suy yếu của thể xác nhưng nó không thể làm mai một cái tráng chí nam nhi mạnh mẽ và mùa xuân dào dạt của tâm hồn. Con người ấy đã mang trong mình tinh thần của cả thời đại nhà Trần với những nét tiêu biểu nhất. Đó là minh chứng hùng hồn cắt nghĩa cho những chiến thắng của dân tộc, cắt nghĩa cho cả những lựa chọn tưởng thật khó khăn của mỗi cá nhân trong thời đại ấy. Như chúng ta đã biết, lực lượng sáng tác của thời Trần khá phong phú. Có dòng thơ của những võ tướng như Phạm Ngũ Lão, Trần Quang Khải,… lại có thơ của những thiền sư, thơ của những vị vua, vừa tham gia trị vì đất nước, vừa đi tu, nghiên cứu Phật pháp… Ở những chương trước, người viết đã đề cập đến Trần Nhân Tông như là một tác giả tiêu biểu của dòng thơ Thiền đời Trần. Tuy vậy, với tư cách là một vị vua anh minh và đầy tinh thần trách nhiệm, Trần Nhân Tông cũng không hề đứng ngoài vòng cuộc sống triều chính bận rộn. Ông nhìn nhận, đánh giá lịch sử bằng một cái nhìn minh triết và tràn đầy tin tưởng. Khi cuộc chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai (1284-1285) mới diễn ra được mươi ngày, trong lúc quân giặc đang mạnh, vua tôi nhà Trần phải lui về Vạn Kiếp, quan quân lại có phần dao động, hoang mang, Trần Nhân Tông viết vào đuôi huyền hai câu thơ: Cối Kê cựu sự quân tu ký, Hoan, Diễn do tồn thập vạn binh. (Cối Kê việc cũ người nên nhớ, Hoan, Diễn còn kia mười vạn binh.) (Quân tu ký) Hai câu thơ của Trần Nhân Tông gợi một tích cũ trong lịch sử Trung Hoa, thế nhưng nó lại đậm đặc cái khí thế và âm hưởng hào hùng của dân tộc trong những ngày chống giặc ngoại xâm. Hơn thế nữa, nó còn là sự biểu hiện của một niềm tin sắt thép. Niềm tin ấy có ý nghĩa thật quan trọng và lớn lao vì nó được xuất phát từ một người đang chịu trách nhiệm gánh vác giang sơn trên vai. Gợi tích cũ để củng cố niềm tin vững chắc vào triển vọng của đất nước lúc bấy giờ trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Mặt khác, câu thơ còn có sức gợi về mặt không gian. Hai vùng đất Thanh, Nghệ như hai điểm tựa vững vàng cho chiến thắng. Với ý thơ nhẹ nhàng, dung lượng ngôn từ cô đọng, súc tích, Trần Nhân Tông đã truyền vào cảm quan người đọc, người nghe một nguồn cảm hứng dạt dào, hứng khởi bởi cái cách của một thi nhân. Cũng với một niềm xác tín như thế, trong ngày khải hoàn, ông viết Tức sự nhân ngày đến thăm lăng ông nội Trần Thái Tông. Viết vào hai khoảng thời gian khác nhau nhưng giữa Quân tu ký và Tức sự có một sự thống nhất đến kỳ lạ. Một được viết trong lúc xuất quân với niềm tin vững vàng, một là khúc ca khải hoàn ngày chiến thắng, hệ quả tất yếu của lòng quyết tâm và sức mạnh, của tình yêu nước và tinh thần đoàn kết. Tức sự chỉ có hai câu thơ nhưng nó đã gợi ra cả một khoảng thời gian quan trọng, đầy ý nghĩa đối với toàn dân tộc: Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã, Sơn hà thiên cổ điện kim âu. (Trên nền xã tắc hai lần ngựa đá phải mỏi mệt, Nhưng núi sông nghìn đời được đặt vững như âu đồng.) Trần Nhân Tông đã đứng ở thời điểm hiện tại để nhìn nhận toàn bộ sự vận động của lịch sử trong tương lai. Đó là hiện tại của chiến thắng, một chiến thắng không hề dễ dàng, chiến thắng mà chúng ta phải huy động toàn bộ sức lực của cả một dân tộc bé nhỏ nhưng kiên gan, bền bỉ. Theo Thơ văn Lý Trần, tập 2, dẫn theo Đại Việt sử kí toàn thư thì “ngày 17 tháng 3 năm Mậu Tí (Tức 18 tháng 4 năm 1288), sau trận chiến thắng quyết định trên sông Bạch Đằng, triều đình đã đem các tướng giặc bị bắt là Trần Lê Cơ, nguyên soái Ô Mã Nhi, tham chính Sầm Đoạn, Phàn Tiếp, Điền nguyên soái và nhiều tướng khác làm lễ dâng hương thắng trận ở Chiêu Lăng (Lăng vua Trần Thái Tông). Trần Nhân Tông thấy mấy con ngựa đá đều lấm bùn, tức cảnh làm hai câu thơ trên” [89, tr.484] Tứ thơ của Tức sự có gì như gần gũi với tứ thơ của Tụng giá hoàn kinh sư của Trần Quang Khải. Cũng từ chiến công rồi suy ngẫm về cái trường tồn của dân tộc. Sự suy ngẫm ấy tràn đầy niềm tự hào và tin tưởng. Thời gian vũ trụ mang đến rất nhiều biến đổi nhưng có lẽ thời gian của những khoảnh khắc chiến thắng oanh liệt sẽ mãi mãi bất tử, mãi mãi là nguồn động viên tinh thần cho dân tộc trong mỗi bước gian lao và thử thách. Trong một bài thơ khác được viết vào dịp ngày xuân, khi Trần Nhân Tông đi viếng Chiêu Lăng, có những câu: Bạch đầu quân sĩ tại, Vãng vãng thuyết Nguyên Phong. (Người lính đầu bạc còn đến nay, Thường thường kể lại chuyện đời Nguyên Phong.) (Xuân nhật yết Chiêu lăng) Toàn bộ ý thơ muốn nhắc lại sự kiện chiến thắng Nguyên Mông năm 1258 do vua Trần Thái Tông, với niên hiệu là Nguyên Phong, lãnh đạo. Chiến thắng ấy được tái hiện trong một buổi sớm mùa xuân bình yên. Thế nhưng, vẫn vang vọng đâu đó rất gần cái khí thế tiến công mạnh mẽ của vua tôi nhà Trần. Có điều, chiến công ấy, trải qua thời gian, được tái hiện một cách điềm tĩnh, nhẹ nhàng nhưng không mất đi vẻ tươi mới. Điều đó làm cho khoảnh khắc của năm 1258 trở nên vĩnh hằng. Vãng vãng tức là thường thường, là mãi mãi, là không có dấu hiệu ngừng lại, chứng tỏ trong kí ức người lính, dấu ấn về chiến thắng vẫn thật gần, thật mới bất chấp sự vận động của thời gian. Cũng có lúc, chính nhà thơ đã tạo cho không gian và thời gian một tầm vóc mới, khác với chính nó trong hiện thực. Điều này được thể hiện khá rõ trong Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão: Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu. (Cắp ngang ngọn giáo bảo vệ non sông đã mấy thu.) Kỷ thu là hình ảnh biểu thị thời gian bên cạnh giang sơn – không gian. Nó tái hiện tất cả nỗi nhọc nhằn vất vả của công cuộc bảo vệ Tổ quốc trong một thời gian dài, đó là khoảng thời gian thực. Nhưng hơn thế nữa, nó còn tái hiện tư thế của dân tộc trong suốt quá trình tồn tại, đó là tư thế sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu không mệt mỏi cho nền độc lập tự chủ của Tổ quốc. Thế nên, thời gian trong bài thơ không đơn thuần là một dòng thời gian cụ thể trôi chảy bình thường nữa mà đã mang sức khái quát lớn, góp phần thể hiện tầm vóc phi thường của những con người luôn tràn đầy nhiệt huyết và niềm tin vào sự tồn tại tất yếu của dân tộc. Đến Phạm Sư Mạnh, tuy không còn trọn vẹn cái âm hưởng sảng khoái hào hùng như thơ Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão… nhưng bên cạnh những vần thơ đầy nỗi niềm hoài cổ, ông cũng có những câu thơ thể hiện cảm thức thời gian bất tử của những chiến công vang dội: Húng húng Bạch Đằng đào, Tưởng tượng Ngô Vương thuyền. Ức tích Trùng Hưng đế, Khắc chuyển khô oát kiền. (Sóng Bạch Đằng cuồn cuộn, Tưởng tượng tới thuyền của Ngô Vương. Nhớ vua Trùng Hưng xưa, Khoảnh khắc làm long trời lở đất.) (Hành dịch đăng gia sơn) Hai mốc thời gian quan trọng được nhắc tới trong bài thơ là khi Ngô Quyền đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng vào năm 938 và Trần Quốc Tuấn đánh quân Nguyên cũng tại đây vào năm 1288. Chúng sống lại trong hồi ức của nhà thơ với niềm tự hào, bắt đầu từ đợt sóng trên sông Bạch Đằng ở hiện tại. Trong tâm thức nhà thơ, hai mốc thời gian ấy dường như không thể mờ phai, chúng luôn là biểu tượng cho tinh thần dân tộc. Mỗi đợt sóng trên con sông lịch sử này sẽ luôn nhắc nhở đời sau nhớ đến cha ông với những chiến công oanh liệt. Nhìn lại mạch thời gian của những chiến công trong thơ đời Trần có thể thấy chúng luôn được tái hiện trong một cảm quan tự hào và sảng khoái, hơn thế, nó còn dạt dào một niềm tin vào vận mệnh và tương lai đất nước. Dòng thời gian chở đầy chiến công của cha ông sẽ bất tử, sẽ là mạch nước ngầm trong trẻo, mát lành nuôi dưỡng tinh thần dân tộc trong mỗi bước vinh quang hay gian lao thử thách. 3.2. Thời gian suy tư, hoài niệm mang tính chất triết lí về cuộc đời và thế sự Giống như bao thời đại khác, âm hưởng vút cao hào hùng của triều đại nhà Trần dần dần cũng lắng dịu theo sự vận động của lịch sử. Từ giữa thời Trần đã bắt đầu xuất hiện kiểu thời gian suy tư, hoài niệm mang tính chất triết lí về cuộc đời và thế sự. Đó là tiếng lòng của những nhà thơ vừa ý thức rất rõ trách nhiệm của người công dân tích cực cống hiến cho đất nước nhưng đồng thời cũng nhận chân được sự phù du của công danh phú quí, sự đổi thay của tình đời. Tiếng lòng ấy vẫn còn cái dư phong của một thời hào hùng nhưng cũng chứa đựng những dự cảm về sự suy vong của triều đại. Đó cũng là thời kì bắt đầu cho sự tự ý thức bởi vì con người trong thơ đã không ngừng soi rọi bản thân, không ngừng hoài niệm, tiếc nuối những gì đẹp đẽ, huy hoàng đã qua đồng thời cảm nhận sâu sắc về những biến động của cuộc đời, về hạnh phúc đích thực của đời người. Họ là chiếc cầu nối giữa hai thời kì của triều Trần. Cho nên, vừa mới gặp họ đâu đó trong những vần thơ đầy cảm xúc hào hùng, lại gặp họ ở đây với sự suy tư, tiếc nuối. Họ là Trương Hán Siêu, là Trần Minh Tông, là Phạm Sư Mạnh, Trần Quang Triều, là Phạm Mại, Nguyễn Sưởng… Khác với Trương Hán Siêu của Bạch Đằng giang phú, Trương Hán Siêu trong Dục Thúy sơn lại phảng phất một nỗi niềm lưu luyến, mong nhớ đối với cố hương: Sơn sắc chính y y, Du nhân hồ bất quy. … Ngũ Hồ thiên địa khoát, Hảo phỏng cựu ngư ky. (Sắc núi vẫn đang mượt mà, Người đi xa sao chưa về? … Trời đất Ngũ Hồ rộng thênh thang, Hãy tìm lại tảng đá ngồi câu khi trước.) Cái tảng đá đánh dấu thời kì nhàn tản năm xưa sao lại có một sự thôi thúc đến day dứt? Thời gian không chỉ in dấu lên cảnh vật mà còn khắc sâu sự biến đổi của nó trong cuộc đời và tâm trí con người. Bước đường hoạn lộ dường như đưa con người ngày càng xa không gian nhàn tản và thời gian vui thú. Bởi thế nên sắc núi vẫn xanh, xanh đến ngàn năm còn bước chân con người thì đi mãi, đi mãi, ngày càng xa nguồn cội bình yên của cuộc đời. Ý thơ không xác định một mốc thời gian cụ thể nhưng đó lại là chiều dài của cả cuộc đời con người. Câu thơ kéo dài trong một nhịp điệu trầm buồn. Nó tô đậm một tâm trạng cô đơn trong cái khôn cùng của cảnh vật, cái mênh mông đằng đẵng của thời gian. Tâm trạng ấy làm cho nhịp thời gian như được kéo giãn ra đến vô cùng, còn con người thì thở dài bất lực, nuối tiếc. Vẫn là Trương Hán Siêu, nhưng trong Quá Tống đô, ông lại thể hiện một niềm cảm khái khác. Đó là nỗi niềm khi đi qua kinh đô xưa của nhà Tống nay đã bãi bể hóa nương dâu. Ngẫm xưa nghĩ nay, ý thơ man mác một tâm tư xót xa hoài cổ và dự cảm về sự mong manh của một triều đại: Duy dư thành khuyết liên vân ngoại. Không sử hành nhân phủ “Thử ly”. (Chỉ trơ lại thành khuyết ngoài đám mây dày lớp lớp. Luống khiến người qua đường ngâm thơ “Thử ly”) Thử ly là tên một một bài thơ trong Vương phong của Kinh thi. Bài thơ nói lên niềm cảm khái của viên quan đại phu nhà Đông Chu khi đi qua kinh đô cũ nhà Tây Chu thời ấy đã thành cánh đồng lúa ngô tươi tốt. Đó là sự suy tư trước những đổi thay của thời cuộc. Thời gian vẫn vô tình trôi chảy. Còn con người, con người không thể vô tình trước những biến đổi của thời cuộc và chính sự. Mỗi một triều đại đi qua đều để lại cho cuộc đời những vết tích về sự tồn tại của nó. Thế nên, Quá Tống đô cứ bàng bạc cái niềm cảm hứng đã gặp đâu đó trong Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu đời Đường. Trương Hán Siêu đã nặng lòng suy ngẫm về cái lẽ hưng thịnh ấy. Bài thơ chứa đựng một nỗi buồn tưởng vu vơ nhưng đọng lại thật lâu vì nó không còn là chuyện của người nữa mà đã trở thành quy luật tất yếu. Và hai dòng thời gian cứ song song trôi với nhau: một dòng thời gian vũ trụ, thời gian bên ngoài trôi chảy vĩnh hằng và vô tình; một dòng thời gian chứa nặng những tâm tư của con người. Con người thời Đông Chu tiếc nhớ thời Tây Chu; con người thời Trần của Đại Việt hoài niệm về thời Tống của Trung Quốc - đó là một vòng tròn đồng tâm về thời gian. Điểm gặp nhau giữa chúng là cảm giác hoài cổ ngậm ngùi, một cảm thức về sự cô đơn trước lẽ hưng phế của cuộc đời. Dù sao, con người của Trương Hán Siêu cũng là con người của những cảm thức mang dấu ấn thời đại. Nỗi cô đơn của ông cũng là nỗi cô đơn mang tính phổ quát của biết bao trí thức cùng thời. Còn đến với Trần Minh Tông trong Dạ vũ, ta gặp một nỗi cô đơn trong cái cõi riêng tư nhiều trăn trở của nhà vua. Nghe mưa đồng thời nghe tất cả những nỗi day dứt tràn về trong tâm hồn. Bởi thế, Dạ vũ còn là lời tự thú thiết tha và chân thành: Thu khí hòa đăng thất thự minh, Bích tiêu song ngoại đệ tàn canh. Tự tri tam thập niện tiền thác, Khẳng bả nhàn sầu đối vũ thanh. (Hơi thu hòa vào ánh đèn làm mờ đi ánh sáng ban mai, Giọt mưa trên tàu lá chuối xanh ngoài cửa sổ tiễn canh dài. Tự biết sai lầm của ta trước đây ba mươi năm, Đành ôm sầu ngồi nghe mưa rơi.) Nhịp thời gian trong Dạ vũ chậm, buồn và nặng nề như khối u uất không dễ gì tan được trong tâm hồn nhà vua. Có lẽ, chính sai lầm thời tuổi trẻ đã làm cho ông nhìn thời gian bằng một con mắt nuối tiếc, u hoài và nặng nề như thế. Mỗi giọt mưa rơi như một khắc thời gian trôi qua càng hằn sâu hơn nỗi ân hận, dày vò. Nỗi niềm ấy còn tiếp tục trong Thập nhất nguyệt quá bạc Vịnh sơn hiểu trú: Vãng sự tu du tế, Thành nhân tam thập niên. Bất ngôn hoảng nhược tỉnh, Tọa đối nhất lô tiền. (Việc đã qua chỉ như trong chốc lát, Thành được người thì đã ba mươi năm. Bâng khuâng như tỉnh lại chẳng nói năng gì, Ngồi lặng trước bếp lò.) Một phương diện khác trong con người Trần Minh Tông hiện lên, không phải Trần Minh Tông với tư cách là người đứng đầu quốc gia, cũng không phải Trần Minh Tông vui với cuộc sống thiên nhiên tràn đầy hương vị Thiền như ta đã gặp. Ở đây là một con người dám dũng cảm đối diện với phần yếu đuối nhất của tâm hồn, nhìn vào sai lầm của bản thân bằng sự chân thành, đó là khởi nguồn của sự tự ý thức để con người là người hơn. Nhịp thời gian vũ trụ không thay đổi, chỉ có nhận thức của con người về nó đã khác đi. Thế nên, thời gian trong cuộc đời con người không còn là đường thẳng nữa. Nó là những khúc quanh, những ngã rẽ, nơi như những bụng sóng, oằn lên bởi những suy nghĩ riêng tư. Thơ Trần Minh phần nhiều tươi sáng, cho nên sự day dứt trong bài thơ này là nốt nhạc trầm trong toàn bộ sáng tác của ông nhưng lại cao vút ở nhân cách, nó góp phần tạo nên sự phong phú cho một nền văn học vốn nổi bật với âm hưởng hào hùng sảng khoái. Nhịp thời gian chứa những suy tư hoài niệm trong thơ Phạm Sư Mạnh lại mang một vẻ riêng. Nó không chất đầy những âu lo, ân hận mà lại bàng bạc niềm khắc khoải nhớ tiếc. Trong Đông Sơn tự hồ thượng lâu, Phạm Sư Mạnh tiếc vẻ ngọc của vườn ao chùa, tiếc một thời oai hùng đã qua. Có điều gì như hụt hẫng, như ngẩn ngơ khi âm hưởng hào hùng của một thời đại đã lui vào dĩ vãng, đã trở nên xa vời và chỉ còn lại dư âm trong lời kể của những ông già tóc bạc dưới thôn. Hình ảnh chí kim bạch phát (những ông già tóc bạc) trở nên mờ ảo, xa vời, như có như không. Sợi dây nối liền quá khứ với hiện tại cũng trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Câu thơ vì vậy mà ngậm ngùi nhớ tiếc, mà đau đáu xót xa: Trì viên cổ tự quỳnh dao một, Tùng trúc nhất sơn phong vũ lai. Chí kim bạch phát thôn tiền tẩu, Do đạo Thái sư bình tặc hồi. (Vườn ao chùa đã mất vẻ ngọc rồi, Thông trúc đầy núi, gió mưa kéo đến. Đến nay những ông già tóc bạc ở dưới thôn, Còn kể chuyện Thái sư đi đánh giặc về qua đây.) Trong Quá Tiêu Tương Phạm Sư Mạnh lại tái hiện hai dòng thời gian: một dòng thời gian tuần hoàn và một dòng thời gian sự kiện

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLVVHVHVN036.pdf