Chùa được những người Trung Quốc đến nơi đây làm ăn sinh sống và người bản địa xây dựng lên vào thế kỷ thứ XVIII - thời kỳ thịnh đạt của Phố Hiến. Vào thời kỳ này người Trung Quốc đến làm ăn sinh sống ở Phố Hiến rất đông, họ tập trung buôn bán và hình thành lên hai khu vực chính: Bắc Hoà hạ phố và Bắc Hoà thượng phố. Bắc Hoà hạ phố là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi mua bán ở ngay sát khu vực chợ - bến và khu vực thương điếm của các nước và liền kề với dinh của ty Hiến sát, cho nên khu vực này còn được gọi là Hiến hạ (Ngày nay thuộc về đường Phố Hiến, thôn Mậu Dương, phường Hồng Châu). Tuy nhiên, người Trung Quốc đến đây không chỉ nhằm mục đích buôn bán mà phần lớn trong số họ là vì không thuần phục nhà Thanh nên đã sang đây lánh nạn và xác định sẽ định cư lâu dài ở đây, hầu hết các dòng họ Trung Quốc đều mở cửa hàng để buôn bán ở khu vực chợ - bến, hết ngày họ lại về trong phố để ở và sinh hoạt. Khu vực tập trung đông người Trung Quốc lúc bấy giờ gọi là phố Khách (phố Khách gồm khu vực chạy dài từ đầu đường Trưng Trắc ra đến đường Bãi Sậy rồi vòng xuống đến khu vực Hồ Bán Nguyệt ngày nay). Chùa Phố ngày nay nằm ở ngã ba - nơi tiếp giáp giữa đường Trưng Trắc và đường Trần Quốc Toản, thuộc địa bàn phường Quang Trung. Từ đây xuống đến khu vực chợ - bến của Phố Hiến xưa khoảng 1500m, người ta quen gọi nơi đây là “Hiến thượng” hay “Bắc Hoà thượng phố”.
98 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2695 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Giá trị lịch sử - Văn hoá của quần thể di tích Phố Hiến, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
hạ bản. Niên đại trùng tu muộn nhất còn xác định được của toà tiền đường là Thành Thái năm Nhâm Thìn (1892) được ghi lại ở thượng lương.
Qua tiền đường tiếp đến là toà thiên hương, gồm 3 gian song song với tiền đường và thông suốt, không có tường ngăn tạo cho thiên hương như thêm rộng ra. Để tạo cho phía trong chùa có ánh sáng tự nhiên và giúp cho thông thoáng, người ta đã làm phần mái chính giữa của toà thiêu hương theo kiểu chồng diêm 8 mái cao hẳn lên so với tiền đường, phần đỡ mái trên là hệ thống cột và hai vì bên, vách xung quanh là chấn song con tiện. Cột, kèo toà thiêu hương được bào trơn đóng bén, không trang trí hoa văn. ở chính giữa toà thiên hương là một nhang án bằng gỗ sơn son thiếp vàng, phía trên và phía dưới trang trí các đường nét hoa văn hình cánh sen, bốn phía đều có trang trí hình “lưỡng long chầu nguyệt”.
Tiếp theo là toà tam bảo, gồm 3 gian, được cấu trúc vuông góc với toà thiêu hương, tại tam bảo được bố trí làm 3 khu vực thờ: Gian trung tâm là Phật điện, gian bên phải thờ Đức Ông, bên trái thờ Mẫu.
Trên cùng của thượng điện, lớp thứ nhất là ba pho tam thế, như bao ngôi chùa khác, ba pho tượng này có niên đại vào thế kỷ XVIII. Đáng quan tâm là lớp tượng thứ hai: Chính giữa hàng này là tượng Quan Âm Nam Hải to lớn ở tư thế ngồi. Mũ của tượng được chạm trổ rất kỹ, chính giữa đỉnh mũ, phía trước có hình tượng đức “Từ phụ” đó là A Di Đà Phật. Mặt tượng bầu bĩnh, trang nghiêm, 8 đôi tay được bố trí đăng đối, các thế tay của tượng đã được chuyển hoá, không theo phong cách của thế kỷ XVII nữa, tay cầm những nghi vật như bánh xe chuyển pháp luân, tràng hạt và kết ấn (vô uý, gia trì bổn tôn, thiền định), đặc biệt trước ngực là ấn chuẩn đề (chuẩn đề là một pháp đứng đầu vạn pháp). Theo các nhà nghiên cứu về đạo Phật thì khi tượng đã kết ấn này là chứng tỏ vào thời kỳ đó xã hội đang bị nhiễu nhương và chính vì sự nhiễu nhương ấy cho nên người ta đã làm pho tượng này đặt ở vị trí trung tâm của thượng điện với thế kết ấn chuẩn đề để cứu độ một cách gấp gáp. Đồng thời, đây còn là một tượng khá lớn, lại ngồi ở giữa chính điện nên tượng còn mang ý nghĩa liên quan tới thương mại và đây là vị thần bảo hộ cho các thương thuyền.
Qua pho tượng này chúng ta hiểu vào khoảng thế kỷ XVIII, xã hội nước ta lúc đó (hay ở vùng này) đang gặp những điều khủng hoảng, những điều không may, đặc biệt là về vấn đề thương mại.
Bên cạnh tượng Quan Âm là hai pho tượng: Kim đồng, Ngọc nữ có kích thước tương đối nhỏ, đầu đội mũ, mình khoác áo cà sa rủ nhiều nếp mềm mại ở tư thế đứng hầu hai bên. Đây là những pho tượng đẹp có cùng niên đại với tượng Quan Âm, còn lại các tượng trong chùa đều được khá muộn.
Khép kín khu vực nội tự của chùa là hai dẫy hành lang, nơi này trước đây vốn để thờ các vị “La hán” và “Thập điện Diêm vương”, nhưng hiện nay hệ thống tượng pháp ở đây không còn, nhà chùa hiện dùng nơi này để tiếp khách.
Nhìn chung, đây là một di tích không có mấy nét đặc sắc về kiến trúc khi so với các di tích cùng loại hình ở đương thời. Song, nó vẫn cho chúng ta thấy tính độc lập trong nghệ thuật kiến trúc thuần Việt của ông cha ta. Một giá trị nổi lên của ngôi chùa này là còn giữ được hai tấm bia đá đặt ở sân trước cửa chùa và hệ thống cùng ý nghĩa của tượng pháp đã phần nào giúp chúng ta hiểu hơn về Phố Hiến trong lịch sử.
Hai tấm bia của chùa Hiến được coi là cổ nhất ở đây, lưu trữ những giá trị lịch sử, văn hoá về Phố Hiến mà chúng ta có được từ trước đến nay:
- Bia bên trái cao 113cm, đứng trên lưng rùa hai mặt đều khắc văn"Thiên ứng tự - Tân Tự trùng tu thạch bi" (Tân Tự: chùa mới) niên đại Vĩnh Tộ (1625). Diềm bia được trang trí ở cả hai mặt gồm các hình hoa dây uốn cong mềm mại. Trán bia trang trí vân mây và mặt nguyệt. Nội dung của văn bia nói về việc sửa chữa chùa mới, trong bia có ghi nhận "Phố Hiến Nam nổi tiếng là nơi đô hội, tiểu Tràng An của bốn phương" và "Trụ sở ty Hiến sát trấn Sơn Nam dóng ở đất Hoa Dương"... trong bia còn ghi rõ những người từ các nơi về đây buôn bán đóng góp tu sửa chùa, gồm người của hơn 50 vùng khác nhau cùng với các tên phường, phố của Phố Hiến xưa.
- Bia bên phải hình khối hộp, trán bia làm theo kiểu mái long đình che phủ cho toàn bộ thân bia. Bia cao 198cm, trên có ghi tiêu đề "Thiên ứng tự - bi ký công đức tuỳ hỷ" dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709). Văn bia ghi tên những người đã tham gia công đức sửa sang ngai báu, toà sen, hành lang, dựng tam quan và nhà tổ tráng lệ nguy nga. Qua bia chúng ta thấy thương nhân đổ về đây buôn bán làm ăn từ Bố Chính (Quảng Bình), Quảng Xương, Hoằng Hoá, Lôi Dương (Thanh Hoá) đến Thanh Trì, Từ Liêm (Thăng Long) ... [26].
3. Chùa Phố
Chùa Phố có tên tự hiện nay là Bắc Hoà Nhân Dân Tự, tên nôm là chùa Bắc Hoà, vì ở trong phố thuộc trung tâm thị xã nên người ta quen gọi là Chùa Phố. Chùa này chủ yếu quay ra phố và khi đã nói đến chùa Phố thì có nghĩa là yếu tố Phật của nó đã bị hạn chế và đã nói đến phố có nghĩa là Phố phường, là gắn với đô thị, gắn với sự phát triển kinh tế thương mại, cho nên tạm thời chúng ta có thể nghĩ được chùa Phố gắn với yếu tố thương mại trong bước phát triển của trung tâm thương mại Phố Hiến.
Chùa được những người Trung Quốc đến nơi đây làm ăn sinh sống và người bản địa xây dựng lên vào thế kỷ thứ XVIII - thời kỳ thịnh đạt của Phố Hiến. Vào thời kỳ này người Trung Quốc đến làm ăn sinh sống ở Phố Hiến rất đông, họ tập trung buôn bán và hình thành lên hai khu vực chính: Bắc Hoà hạ phố và Bắc Hoà thượng phố. Bắc Hoà hạ phố là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi mua bán ở ngay sát khu vực chợ - bến và khu vực thương điếm của các nước và liền kề với dinh của ty Hiến sát, cho nên khu vực này còn được gọi là Hiến hạ (Ngày nay thuộc về đường Phố Hiến, thôn Mậu Dương, phường Hồng Châu). Tuy nhiên, người Trung Quốc đến đây không chỉ nhằm mục đích buôn bán mà phần lớn trong số họ là vì không thuần phục nhà Thanh nên đã sang đây lánh nạn và xác định sẽ định cư lâu dài ở đây, hầu hết các dòng họ Trung Quốc đều mở cửa hàng để buôn bán ở khu vực chợ - bến, hết ngày họ lại về trong phố để ở và sinh hoạt. Khu vực tập trung đông người Trung Quốc lúc bấy giờ gọi là phố Khách (phố Khách gồm khu vực chạy dài từ đầu đường Trưng Trắc ra đến đường Bãi Sậy rồi vòng xuống đến khu vực Hồ Bán Nguyệt ngày nay). Chùa Phố ngày nay nằm ở ngã ba - nơi tiếp giáp giữa đường Trưng Trắc và đường Trần Quốc Toản, thuộc địa bàn phường Quang Trung. Từ đây xuống đến khu vực chợ - bến của Phố Hiến xưa khoảng 1500m, người ta quen gọi nơi đây là “Hiến thượng” hay “Bắc Hoà thượng phố”.
Trải qua mỗi thời kỳ chùa đều được tu bổ, tôn tạo. Chùa được trùng tu lần cuối vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX với kiến trúc hoàn toàn bằng vôi, gạch và gần như vẫn được giữ nguyên cho đến ngày hôm nay.
Vì chùa được làm trong phố cho nên diện tích đất để xây dựng chùa không lớn. Toàn bộ khuôn viên (cũng là khu vực nội tự) của chùa nằm trên diện tích khoảng 800m2, mặc dù vậy chùa vẫn được xây dựng với đầy đủ các hạng mục công trình như mô hình của mọi ngôi chùa khác. Chùa không có giếng, vườn, hay nói cách khác, yếu tố phong thuỷ ở ngôi chùa này không được coi trọng lắm. Điều này khẳng định sự tác động của nền kinh tế thương mại đã ảnh hưởng khá sâu sắc vào đời sống tam linh cổ truyền của những người dân nơi đây. Chùa Phố không phải là nơi thanh tịnh giúp cho người ta đến chỉ để tu hành, xa lánh cõi trần tục, tìm đến sự giác ngộ, để được giải thoát, viên mãn, ... mà chùa Phố mang một ý nghĩa khá thực dụng, đơn giản, nó mang tư cách là chỗ dựa tinh thần để cầu mong một cuộc sống tốt đẹp cho những người Trung Quốc xa quê hương đến lập nghiệp ở nơi đây. Chùa Phố còn là kết quả của sự giao lưu văn hoá - nó là một cầu nối giữa người Trung Quốc xa quê gốc và người dân bản địa, tránh được sự phân biệt, kỳ thị.
Hiện nay với các hạng mục công trình của chùa được bố trí xây dựng một cách hợp lý và đẹp mắt, nên vẫn có thể nói đây là một ngôi chùa độc đáo về kiến trúc so với các ngôi chùa khác trong quần thể di tích Phố Hiến, nó khác với lối kiến trúc truyền thống nhà gỗ thông thường. ở đây kiến trúc chùa đã mang một dáng vẻ mới, hiện đại. Chùa Phố quay chính diện về hướng bắc và có lối kiến trúc tổng thể theo kiểu trùng thềm điệp mái. Tam quan chùa nằm ngay sát hè đường phố Trưng Trắc, kiến trúc theo kiểu chồng diêm 8 mái, ở tầng trên cổng chính của tam quan là tượng Quan Âm Toạ Sơn có một tiểu đồng đứng hầu ở bên.
Qua tam quan là một sân gạch nhỏ được che phủ toàn bộ dưới bóng của cây đại cổ thụ, cây đại ở mỗi di tích được coi là cây thiên mệnh - mang tư cách chuyển tải linh hồn của vũ trụ và chứa đựng sinh khí của trời đất. Đây là thứ cây mà hầu hết ở đền chùa nào chúng ta cũng gặp. Tiếp theo sân là vào chùa chính.
Chùa chính được kiến trúc khá đặc biệt, khác hẳn với những ngôi chùa thông thường mà chúng ta thường gặp, toàn bộ chùa chính gồm 6 gian nối liền nhau theo chiều dọc không phân chia thành từng gian cụ thể, mà thông nhau, tạo ra một khoảng không gian khá rộng. Diện tích chùa chính khoảng 150m2 , chiều rộng 8m, chiều sâu gần 20m. 3 gian đầu tiên phía ngoài được lợp bằng ngói lá đề nhỏ, phía dưới để trần theo kiểu cuốn vòm. Toàn bộ ba gian này, trước đây, không bày biện gì mà cốt là để tạo ra một không gian thoáng cho các gian phía trong. Hai gian tiếp theo cũng để thông, đây là nơi để tín đồ hành lễ. Dọc theo tường của hai gian này là hai dãy phù điêu được đắp nổi bằng chất liệu vôi, cát và mật, có chiều dài gần 4m, cao 1m mô phỏng thập điện diêm vương theo ý thức tín ngưỡng của người đương thời. Tuy nhiên, các hình tượng mô tả thập điện diêm vương ở đây không có vẻ dữ dằn như chúng ta thường thấy ở các ngôi chùa khác, không có những cảnh vạc dầu, đầu rơi, máu chảy, quỷ mặt xanh ... nhằm để răn đe những người còn đang sống ở đời mà cách thể hiện ở đây lại khá nhẹ nhàng, êm ái, các hình tượng tạo tác chính là thập điện diêm vương, mỗi điện được mô tả một cách hết sức sống động, kẻ đứng người ngồi, mỗi người một vẻ nhưng dường như tất cả đều đang tập trung chú ý tới từng cử động, từng bước đi, lời ăn, tiếng nói của những người đang hành lễ để mà phán xét.
Tiếp theo, liền với hai bức phù điêu thập điện diêm vương là hai pho tượng Hộ Pháp hay còn gọi là ông Khuyến Thiện và ông Trừng ác. Hai pho tượng này được đặt phía cuối của hai dãy phù điêu và quay mặt nhìn vào nhau. Đây là một nét khác biệt giữa chùa Phố với các ngôi chùa khác (Thường thì tượng Hộ pháp ở các chùa được đặt ở bên ngoài gian tiền đường và ngoảnh mặt ra để làm nhiệm vụ giám sát các hành vi của kẻ đi lễ và bảo vệ Phật pháp). Hai pho tượng hộ pháp của chùa Phố rất lớn, mỗi pho cao 3m ngồi trên lưng nghê trông dáng vẻ thật trang nghiêm. Toàn bộ kiến trúc từ ngoài vào trong kết hợp với sự bài trí tượng pháp tạo ra một không gian thiêng, làm cho người ta khi vào nơi đây như cảm thấy đã lạc vào cõi Phật, phải hết sức kính cẩn trong từng cử chỉ.
Tiếp sau hai tượng hộ pháp là điện Phật, nơi thờ chính của chùa. Gian này được kiến trúc theo kiểu chồng diêm 8 mái, tạo cho thượng điện có một không gian cao, thoáng. Bệ thờ của thượng điện được xây giật cấp cao dần lên thành 5 cấp, mỗi cấp có một lớp tượng. Lớp cao nhất, trên cùng là ba pho Tam thế; tiếp đến lớp thứ 2 là bộ Di Đà tam tôn; lớp thứ 3 là tượng Chuẩn đề và hai vị bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền; lớp thứ 4 là Ngọc hoàng thượng đế và Nam tào, Bắc đẩu; lớp thứ 5 dưới cùng gồm toà cửu long, bên trong là tượng Thích ca sơ sinh, hai bên có tượng Phạm Thiên, Đế Thích. Nhìn chung các pho tượng của chùa Phố đều có niên đại tương đối muộn, hầu hết là của thế kỷ XIX và XX.
Bên cạnh, tiếp giáp với chùa chính là 4 gian nhà tổ, cũng có kiến trúc hết sức đơn giản, theo kiểu kèo cầu quá giang và thông luôn với sân trước, không để cửa, nên có cảm giác rộng rãi thoáng đãng, nơi đây còn là chỗ tiếp khách của nhà chùa. Tiếp đến là tăng phòng và nhà tạo soạn, nơi sinh hoạt của nhà chùa. Phía trước nhà tổ, qua một sân gạch nhỏ là một ngôi nhà mà từ phía ngoài vào chúng ta thấy ngôi nhà này liền kề với tam quan và cũng có cửa thông ra đường, phía trên cửa là hàng chữ Hán đắp nổi "Hưng Yên Tăng Truỳ" có nghĩa là: nơi rèn luyện, học tập của các sư trong chùa ....
Với một diện tích không lớn nhưng với cách bố trí khéo léo, toàn bộ ngôi chùa vẫn tạo ra được một dáng vẻ cổ kính với những đường nét hài hoà. Ngôi chùa đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1992, song kể từ năm 1997, khi tỉnh Hưng Yên được tái lập, chùa Phố đã được chọn làm trụ sở của Ban trị sự giáo hội Phật giáo tỉnh Hưng Yên, chùa đã được chỉnh sửa lại một số hạng mục công trình như: cải tạo lại tăng phòng và nhà tạo soạn thành 2 tầng, thay đổi vị trí các tượng pháp ... làm biến dạng di tích so với trước đây vốn có không nhỏ, tuy nhiên về tổng thể chùa Phố vẫn giữ nguyên được những giá trị của mình trong việc giúp chúng ta nhìn nhận về Phố Hiến xưa nói riêng và bộ mặt của xã hội Việt Nam nói chung trong một thời kỳ lịch sử.
2.2.1.2. Các di tích tín ngưỡng mang đặc điểm kiến trúc đặc trưng của người Hoa ở Phố Hiến.
Phố Hiến là một trung tâm điểm của sự phát triển kinh tế theo dòng chảy của sông Hồng - là nơi tụ hội của các dòng thương mại nội địa từ khắp nơi:
- Từ phía Bắc đổ về qua Kinh Kỳ rồi dừng lại đây
- Từ miền Thanh Nghệ hoặc từ ngoài biển ngược dòng sông Hồng vào rồi tụ lại đây trước khi đến Kinh Kỳ.
Kinh Kỳ là nơi chính quyền quân chủ trung ương không mặn mà lắm với những người ngoại quốc đến buôn bán bởi vì dù sao thì chính quyền này vẫn phải cảnh giác về vấn đề chính trị, cho nên những người ngoại quốc khó có thể đến đây trước những thế kỷ XVI - XVII, họ chỉ có thể ở lại Phố Hiến, khó có thể vào sâu bên trong để định cư. Nhưng Phố Hiến xa Kinh Kỳ ở một mức độ nhất định thì rất có thể được coi là không ảnh hưởng gì và một phần là trong tư duy mới của nhà nước quân chủ lúc bấy giờ đã có sự mở cửa, giao lưu, nhưng vẫn luôn cảnh giác, đề phòng. Tuy nhiên hiện nay ở thị xã Hưng Yên (Phố Hiến xưa) cũng có những kiến trúc của người Trung Hoa như ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chi Minh, cụ thể là những hội quán, hay một số loại hình di tích tín ngưỡng, sinh hoạt khác. Song các nhà sử học mỹ thuật đã cho chúng ta biết rằng: hội quán của Hưng Yên có gốc sớm hơn những hội quán ở những thành phố lớn như ở Hà Nội hay thành phồ Hồ Chí Minh (kể cả Hội An), bởi những hội quán ở Hà Nội hay thành phố Hố Chí Minh đều chỉ có niên đại từ thời Nguyễn (thế kỷ XIX) mà thôi, còn hội quán của Hưng Yên đã có dấu tích từ khá sớm. Cụ thể, tại Đông Đô Quảng Hội, ngay ở nghi môn chúng ta đã thấy cả những rồng Việt với các đao mác, là sản phẩm của nghệ thuật cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Nó khẳng định với chúng ta về niên đại sớm nhất so với cả nước trong sự dung hội giữa kiến trúc Trung Hoa với kiến trúc Việt. Đồng thời cũng cho chúng ta tin được rằng những kiến trúc gắn với hội quán của người Trung Hoa, còn lưu lại ở đây, là di tích có sớm nhất ở nước ta hiện nay.
Có thể Đô thị cổ Hội An có sớm và hoạt động thương mại lớn hơn, nhưng các dấu tích kiến trúc để lại của Hội An so với Phố Hiến thì muộn hơn (có nghĩa dấu tích hội quán ở Phố Hiến sớm hơn). Đấy là về lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật. Còn về lĩnh vực lịch sử, có thể thấy rằng hội quán này, cũng như những đền thờ liên quan, đã khẳng định cho chúng ta rằng: miền đất này là miền đất mở. Tinh thần cởi mở ấy đã vượt qua tinh thần tự cấp tự túc, đóng cửa dưới chế độ phong kiến. Bởi chính với các kiến trúc này đã xác nhận cho chúng ta một điều là người Trung Hoa đã có ý thức nhân đây là quê hương của mình. Chính trên tinh thần xây dựng vùng này như một quê hương của mình, họ đã chuyển hoá thành người Minh Hương và đến nay thì họ đã Việt hoá hoàn toàn. Rất nhiều người vẫn gìn giữ được dòng tộc Trung Hoa, nhưng hiện nay không còn nói được tiếng Hoa nữa, như dòng họ Ôn, dòng họ Tiết, dòng họ Hoàng, Quách, Lâm… . Và, chính cha, ông họ là những người ngoại quốc đầu tiên đến lập nghiệp ở đây, một cốt lõi để cho vùng đất này được mở cửa, một yêu cầu thuận lợi cho người phương tây đến đây buôn bán được thoải mái. Đó cũng chính là điều kiện hết sức quan trọng để Phố Hiến trở thành một trung tâm kinh tế thương mại, mở đầu vào thế kỷ XVI và phát triển vào thế kỷ thứ XVII - XVIII sau đó. Cụ thể là chúng ta còn có những di tích đáng quan tâm như sau:
1. Đông Đô Quảng Hội
Đông Đô Quảng Hội ngoài ý nghĩa là là một loại hình di tích tín ngưỡng, nó còn là hội quán cùa người Hoa. Về mặt tín ngưỡng Đông Đô Quảng Hội là nơi thờ Tam Thánh:
- Thần Thái y (thần chủ về thày thuốc)
- Thần Hoa Quang (thần chủ về dạy bách nghệ)
- Thần Nông (thần chủ về dạy dân làm ruộng, chăn nuôi, trồng trọt)
Theo như truyền ngôn của nhân dân địa phương thì Đông Đô Quảng Hội được những người Hoa ở Phố Hiến xây dựng lên từ thế kỷ XVII. Hầu hết vật liệu để xây dựng công trình được chở từ Phúc Kiến (Trung Quốc) sang. Trước kia kiến trúc gồm có hai toà theo kiểu chữ nhị, ngày nay chỉ còn một toà: bên ngoài là cổng rồi đến sân và hai nhà hội quán quay mặt vào sân, cuối cùng là nhà thờ - kiến trúc lớn nhất của di tích.
Cổng Đông Đô Quảng Hội gồm 3 gian, dài 11,5m, rộng 5,7m, cao 3,5m mái lợp ngói vây cá. Kết cấu bộ vì theo kiểu giá chiêng, cột cái có xà đỡ câu đầu, con đấu kê chồng tam cấp giữa những đấu có dải lá hoá theo kiểu hình vành khuyên, vừa là trang trí, vừa tạo thế vững chắc cho trụ. Đặc điểm của kiến trúc bộ vì ở đây là các đấu nhô hẳn đầu ra, cái đấu mang bóng dáng của đấu củng, gần như biểu tượng của đầu con dê (tượng trưng cho quỷ vương), trong trường hợp này nó như nói lên sự quy y của thế giới tà ám đối với thần linh. Cửa lớn có hai cánh được viền khung, mỗi cánh rộng 1,5m, cao 2,5m, phía trên có bức đại tự "Đông Đô Quảng Hội".
Tiếp đến qua một sân gạch là đến ba gian hội quán, do bị dột nát hư hỏng nặng, nên năm 1975 đã được dỡ vào tu sửa cung thờ trong. Nơi đây vốn là nơi tụ họp, gặp mặt của các chủ buôn và các dòng họ người Hoa ở Phố Hiến để bàn về các việc liên quan.
Cuối cùng là hậu cung. Phía trên cửa chính hậu cung là đại tự được đắp nổi: "Tam Thánh Đế", bên ngoài hiên còn có hai bia đá:
- Bia 1 đề " Ngũ phủ trùng kiến hội quán bi ký", niên hiệu Long Phi tháng 8 năm Nhâm Tuất.
- Bia 2 đề "Trùng kiến Đông Đô Quảng Hội bi ký", niên hiệu tháng 10 năm Quý Mão.
Nội dung của hai tấm bia này kể về việc trùng tu, tôn tạo hội quán và ghi tên những người đã góp công tu sửa.
Hậu cung gồm ba gian, gian chính điện để cửa bức bàn (4 bộ), phía trên cham lộng, dưới lồng ván kín. hai gian bên để cửa sổ vuông, ở giữa có chữ “thọ” hình tròn, xung quanh có hoa lá trang trí rất đẹp theo kiểu hai con rồng chầu vào chữ “thọ” cũng như là rồng chầu mặt trời. Đây là đôi rồng được làm theo ý nghĩa biểu tượng của nghệ thuật, đó là âm dương đối đãi ở trên bầu trời mà các vân xoắn của nó tượng trưng cho sấm chớp. Chúng ta có thể nói rằng đây là những con rồng rất đẹp và hiếm có trong nghệ thuật tạo hình ở trên đất Việt.
Các mảng chạm ở bộ cửa giữa là những cảnh đẹp của thiên nhiên và cũng là các tích gắn liền với ý nghĩa biểu tượng: mai - điểu, trúc - tước, tùng - hạc, phượng vũ, mã phi. ở chính giữa người ta lấy tích mai - điểu có nghĩa là: Khi bước vào đây con người nghĩ đến cái thân tâm, bởi vì "mai" là biểu hiện của sự thanh cao nhưng đồng thời cũng là biểu hiện cho tiểu vũ trụ nhân thân…, trong cái không gian này như mang tư tưởng hoà, tức là đem cái tâm cá thể hoà vào vũ trụ, rồi "trúc" biểu hiện cho quân tử, "tùng" cũng là biểu hiện cho quân tử và cho sự thanh tao; "chim phượng" mang ý nghĩa: Đầu đội công lý và đức hạnh; Mắt là mặt trời mặt trăng, lưng cõng bầu trời, cánh là gió; Đuôi là tinh tú, lông là cây cỏ, chân là đất. Bởi vậy "phượng" tượng trưng cho cả bầu trời và tượng trưng cho sinh lực của tầng trên.
Và, đặc biệt ở đây chúng ta nên quan tâm đến những con ngựa. Ngựa mà như có cánh, được thể hiện ở nhiều vị trí, ngựa là một linh vật của vùng đồng cỏ và khi chạy lướt đi nó như tượng trưng cho ánh sáng. Con ngựa có cánh đã được coi như cõng ánh sáng chuyển động, và khi đó nó gắn với dương khí, trong trường hợp chạy ở trên nước thì ít nhiều nó đã biểu hiện “âm dương đối đãi”.Thực ra cánh của ngựa chính là những đao lửa được mọc ra từ vai hoặc khuỷu chân của nó để nói lên sức mạnh của lửa thiêng. Trong tạo hình của người Việt Nam thì con ngựa có cánh như thế này, sớm nhất thấy ở đình Tây Đằng, vào thế kỷ XVI. Rồi người ta lại thấy nó ở chùa Bút Tháp vào giữa thế kỷ XVII, và ở trên những viên gạch ở chùa Sổ và một số nơi khác cũng vào khoảng thế kỷ XVII. [ 11 ].
Vào trong hậu cung nơi thờ Tam thánh, chúng ta thấy kiến trúc ở đây được làm theo kiểu giá chiêng chồng rường con nhị. Các dấu vết hiện nay trên bộ vì cho thấy đây là sản phẩm được tu bổ vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
ở chính giữa gian thờ phía ngoài đặt hai hương án, là những sản phẩm có niên đại muộn từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhưng vẫn mang phong cách cổ truyền. Tiếp theo phía trong là cỗ khám sơn son thiếp vàng lồng kính đặt ba pho tượng Tam thánh, trên có bức đại tự "Nam Thiên Đế Tụ".
Đối với di tích này, chúng ta cũng nên hiểu rằng, dù người Trung Hoa sang đây buôn bán và xây dựng một quê hương mới, song họ cũng không quên mang theo những thần linh gốc của mình để luôn nhắc nhở với nhau rằng đừng quên gốc. Tuy nhiên, trong di tích này, ngoài các vị thần linh, thì nhiều nét chạm trổ trên đồ thờ đều đã theo phong cách Việt Nam, như trên khám của ba vị thần tối thượng là một ví dụ cụ thể. Đó là hình tượng rồng và hình chữ triện hoá thân thành rồng chầu hổ phù ở các bức y môn (Trong hình thức này chúng ta hiểu đó là rồng chầu mặt trăng: “Lưỡng long chầu nguyệt”). Những đường nét chạm trổ, với các văn triện ấy, đã đạt được giá trị nghệ thuật tương đối cao và có ý thức.
Liền kề với Đông Đô Quảng Hội là Thiên Hậu Cung - đây cũng là một loại hình di tích tín ngưỡng của người Hoa và cũng được xây dựng cùng thời với Đông Đô Quảng Hội. Hai di tích Đông Đô Quảng Hội và Thiên Hậu Cung nhìn từ bên ngoài là hai di tích riêng biệt, vì đều có cổng riêng. Song, khi vào bên trong, thì hai di tích này lại được thông nhau, hợp thành một cụm di tích thống nhất. Tuy nhiên ở đây chúng tôi chỉ đi vào tìm hiểu Đông Đô Quảng Hội còn đối với loại hình di tích Thiên Hậu Cung chúng tôi sẽ tập trung tìm hiểu ở đền “Thiên Hậu" hiện nay nằm ở đường Trưng Trắc, phường Quang Trung, nơi đây trước kia cũng vốn là nơi cư ngụ của người Hoa ở Phố Hiến, gọi là Bắc Hoà thượng phố hay phố Khách.
2. Đền Thiên Hậu (Thiên Hậu Cung)
Thiên Hậu Cung thường gọi là đền Thiên Hậu thờ bà Lâm Tức Mặc - một vị thần cùa người Hoa, đặc biệt là người Phúc Kiến (trong Hội An loại hình di tích tín ngưỡng này được gọi là Chùa Bà).
“Đại Thanh Nhất Thống Chí viết: Thiên Hậu là tên một thần biển, con gái thứ sáu của Lâm Nguyện, người Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến. Khi sinh ra có hương thơm ngào ngạt, hào quang rực rỡ, lớn lên có phép mầu cưỡi chiếu bay trên biển. Sau khi thăng hoá thường mặc áo đỏ bay lượn trên biển. Thời Tống, Nguyên, Minh Thanh thường hiển linh. Thời Khang Hy phong làm Thiên Phi, sau gia phong Thiên Hậu.
Về sự tích của bà chúng ta còn thấy ghi trong Đại Nam nhất thống chí, Ô Châu cận lục …, tại đền Thiên Hậu ở Phố Hiến cũng có hai cuốn sách chép về về sự tích của bà, là: Thiên Hậu thánh mẫu thánh tích đồ chí và cuốn Thiên Thượng thánh mẫu cứu khổ chân kinh.
Việc thờ Thiên Hậu dễ dàng được người Việt chấp nhận bởi vì đó là nữ thần. Bà Thiên Hậu là người Trung Hoa được đi theo đường biển vào nước ta và ngược các dòng sông đi lên. Hiện nay chúng ta thấy dọc theo bờ biển của Việt Nam có rất nhiều đền thờ Thiên Hậu như: ở Phố Hiến (Hưng Yên), cửa Càn ở Nghệ An, Hội An, Quảng Nam - Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh … Đâu có dấu chân của người Phúc Kiến di cư thì nơi đó có thờ Thiên Hậu”. [22.Tr 234-235].
Thông thường khi nói đến Thiên Hậu ai cũng nghĩ đó là vị thần biển của Trung Hoa. Đối với người Việt, trong thời kỳ bước đầu thương mại tương đối mở rộng thì hiện tượng các thần biển đi theo thương thuyền vào đất liền đã là một thực tế của lịch sử. Một xu hướng thường đưa các thần biển gắn liền với các sự tích Trung Hoa, được coi như để làm sang thần, tạo thêm uy thế cho thần. Chúng ta thấy bên cạnh các thần biển như thần độc cước hoặc những cây cỏ (cây mía) được tràn theo triền sông tới các vùng châu thổ là có nguồn gốc từ hệ tộc Mã Lai đa đảo thì nhiều thần linh của biển như là thần Nam Hải (tức hình tượng thiêng hoá của cá voi) cũng đã đi vào đến tận miền trung du mà chúng tôi có thể biết được như ở Thạch Thất - Hà Tây với đình Hữu Bằng, thì một số vị thần linh khác cũng đã theo triền sông vào cùng với Nam Hải Đại Vương, như: Tứ vị thánh nương, rồi bà Thiên Hậu của những người Trung Hoa cũng được đưa vào. Song, khi người Việt thờ bà thì đã chuyển hoá bà theo các vị thánh mẫu của mình, hay nói đúng hơn bà là hoá thân của thánh mẫu Việt. Và như vậy, ngôi đền Thiên Hậu ở Hưng Yên vừa mang tính chất Trung Hoa, vừa mang tính chất Việt và được cả người Hoa cũng như người Việt đều tôn sùng.
Đền Thiên Hậu được xây dựng từ thế kỷ XVII, thời kỳ thịnh đạt và phát triển rực rỡ của Phố Hiến. Theo truyền ngôn của nhân dân nơi đây, cũng như Đông Đô Quảng Hội và Thiên Hậu Cung thuộc khu vực Hiến hạ, hầu hết vật liệu kiến trúc công trình đều được làm sẵn từ Trung Quốc rồi chuyển sang theo đường b
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Giá trị lịch sử - văn hoá của quần thể di tích Phố Hiến.doc