Luận văn Màu sắc Nam Bộ trong ngôn ngữ truyện ký Sơn Nam

Từlâu, các nhà ngôn ngữhọc biết rằng, bức tranh ngôn ngữthường không trùng với

ranh giới sựvật hiện tượng trong thực tếkhách quan. Cùng một sựvật hiện tượng có thể

được biểu thị, phân hóa một cách khác nhau trong những ngôn ngữkhác nhau: “Một sựvật

nào đó trong ngôn ngữnày có thể được thểhiện có tính chất nhất thể, nghĩa là không phân

chia nhỏhơn nhưng trong ngôn ngữkhác lại có thể được thểhiện theo kiểu được phân cắt

thành những bộphận nhỏhơn có thểphân biệt” [64, tr.29]. Liên quan tới vấn đềnày, căn cứ

theo hướng trừu tượng hóa hay khái quát hóa, hướng chi tiết hóa hay chuyên biệt hóa của từ,

các nhà ngôn ngữhọc đưa ra khái niệm “độsâu phân loại” (dẫn theo Nguyễn Đức Tồn).

Hoàn toàn có thểáp dụng quan điểm này trong việc khảo sát những biến thểtừvựng đã liệt

kê trong bảng 2.6 và 2.7.

pdf113 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2614 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Màu sắc Nam Bộ trong ngôn ngữ truyện ký Sơn Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ột trong những đặc điểm ngữ nghĩa của truyện ký Sơn Nam hay sự thể hiện màu sắc địa phương của tác phẩm. Bảng 2.7. STT Từ trong truyện ký Nghĩa của từ trong truyện ký tương đương với từ trong ngôn ngữ toàn dân Tần số 1 Coi Xem, đọc, trông, trông giữ 118 2 Xài Tiêu, dùng 23 3 Xưa Xa xưa, (đã) lạc hậu, cổ 23 4 Kiếm Tìm, kiếm 40 5 Cây Cây, gỗ 15 6 Chuyện Chuyện, việc (công việc) 13 7 Lội Bơi, lội, đi (bộ) 13 8 Ván Ván, phản 10 9 Đồ Đồ đạc, thức ăn, quần áo 04 10 Chém Chém, húc (trâu húc) 03 11 Buồn Buồn, giận 03 12 Thương Thương, yêu 02 Về mặt lý luận, cách định danh trong phương ngữ rộng hơn hay hẹp hơn so với vốn từ vựng chung hoặc với phương ngữ khác cũng là chuyện bình thường. Với tư cách là một hệ thống con, từ vựng trong phương ngữ có đầy đủ phương tiện để biểu đạt. Tuy nhiên, trở lại danh sách từ vựng ở bảng 2.7, đứng trên quan hệ âm, nghĩa ta còn thấy: Nếu những từ này trong ngôn ngữ toàn dân (buồn, giận; thương, yêu; chém, húc…) là không có lý do, thì trong phương ngữ Nam Bộ lại không như vậy. Cụ thể: “Chém” do có sự chuyển di ý niệm để biểu thị hành động “dùng sừng làm vũ khí tấn công”, “buồn” thông qua phương thức ẩn dụ dùng để diễn đạt “một trạng thái tình cảm không vui vì ai đó”... nên quan hệ này không còn là võ đoán nữa. Như đã thấy, mở rộng nghĩa của từ trong phương ngữ Nam Bộ là một hiện tượng khá phổ biến. Hiện tượng này trong phương ngữ còn có sự tác động của của các hình tiết độc lập. Hãy quan sát: Ví dụ 26: “Cứ bắt sống, bắt nhưng đừng trói, lúc bắt thì đừng nặng lời. Cô Huôi, Tư Thính hay bất cứ ai cũng đáng bắt. Tụi nó làm lộng” [Bà chúa Hòn, tr.175]. Trong tiếng Việt toàn dân, theo từ điển Hoàng Phê, “lộng” có những nét nghĩa sau: “Vùng biển gần bờ, gió thổi ở nơi trống trải”. Rõ ràng “lộng” trong ngữ cảnh đang xét là hoàn toàn theo nghĩa mới. Theo từ điển của Hùinh Tịnh Paulus Của thì “lộng” là “nghênh ngang không phải phép”. Nghĩa này phù hợp với ngữ cảnh trên. Từ hiện tượng này, có thể nghĩ đến về chức năng ngữ nghĩa của một số hình vị. Một cách cụ thể, trong tiếng Việt toàn dân, đó là những hình vị không độc lập thì trong phương ngữ Nam Bộ lại là một từ: “te tua” → “te”, “lộng hành” → “lộng”, “xe cộ” → “cộ”, “la mắng” → “la”… Chính phương thức này cũng là một trong những đặc điểm làm nên màu sắc Nam Bộ trong diễn đạt. Sự tồn tại của những từ mang đặc điểm trên đây, dĩ nhiên có những tác động đến quá trình lĩnh hội tác phẩm. Dựa vào kinh nghiệm, thói quen ngôn ngữ, sự liên hệ đến phạm vi kết hợp của từ trong ngôn ngữ toàn dân, người đọc có thể nhận biết sự khác biệt về cách thể hiện ngữ nghĩa thông qua từ vựng địa phương trong tác phẩm. Như vậy, chính sự không tương ứng giữa nghĩa vị của từ, quá trình xác định quan hệ đồng nghĩa giữa nghĩa vị của một từ với một từ nào đó trong ngôn ngữ toàn dân chính là cơ sở tạo nên những cảm nhận về sắc màu phương ngữ. b. Cách phân chia hiện thực (phạm trù hóa) Như đã trình bày, sự khác biệt giữa từ ngữ địa phương và từ ngữ chung không chỉ bao gồm hình thức biến đổi về ngữ âm, hình thức chuyển biến về nghĩa trong phạm vi đã bàn luận mà sự khác biệt còn thể hiện ở cơ sở định danh, cơ sở chuyển nghĩa hay cách thức tri nhận. Nếu nghĩa của từ theo nghĩa hẹp được xác định bởi mối quan hệ từ với hiện thực thì theo nghĩa rộng, nó còn bao hàm quan hệ giữa ngôn ngữ với tư duy và cả chủ thể tri nhận. Ngoài ra, việc phân tích quá trình phạm trù hóa hiện thực hay vấn đề về “bức tranh ngôn ngữ thế giới” cũng là một trong những hiểu biết về từ vựng ngữ nghĩa. Từ lâu, các nhà ngôn ngữ học biết rằng, bức tranh ngôn ngữ thường không trùng với ranh giới sự vật hiện tượng trong thực tế khách quan. Cùng một sự vật hiện tượng có thể được biểu thị, phân hóa một cách khác nhau trong những ngôn ngữ khác nhau: “Một sự vật nào đó trong ngôn ngữ này có thể được thể hiện có tính chất nhất thể, nghĩa là không phân chia nhỏ hơn nhưng trong ngôn ngữ khác lại có thể được thể hiện theo kiểu được phân cắt thành những bộ phận nhỏ hơn có thể phân biệt” [64, tr.29]. Liên quan tới vấn đề này, căn cứ theo hướng trừu tượng hóa hay khái quát hóa, hướng chi tiết hóa hay chuyên biệt hóa của từ, các nhà ngôn ngữ học đưa ra khái niệm “độ sâu phân loại” (dẫn theo Nguyễn Đức Tồn). Hoàn toàn có thể áp dụng quan điểm này trong việc khảo sát những biến thể từ vựng đã liệt kê trong bảng 2.6 và 2.7. Xét nghĩa của từ trong tiếng Việt toàn dân: Để chỉ vật “dùng để chứa đựng, có quai xách…” căn cứ vào hình dáng, đặc điểm riêng, ngôn ngữ toàn dân chia thành 3 từ: “túi” (miệng có thể khép kín, làm bằng vật liệu mềm - điển hình là vải), “làn” (có đáy phẳng, miệng hở, vách thưa thường làm bằng mây hoặc nhựa), “giỏ” (vật đan lát, thường kết bằng mây, tre, hình trụ, miệng thắt, thành cao, có nắp - hom). Để chỉ hoạt động “làm cho cháy”, căn cứ vào mục đích “duy trì sự cháy” hay để “tiêu hủy sự vật”, có sự phân biệt giữa “đốt” và “thắp”. Để chỉ “trạng thái di chuyển tự nhiên của vật từ trên cao xuống mặt đất khi không còn khả năng neo giữ”, căn cứ vào loại sự vật (chất lỏng hay không phải chất lỏng) có sự đối lập giữa “rơi” và “rớt”. Căn cứ vào tính chất, mức độ, đối lập giữa “rét”, “lạnh”, “giá”, “buốt”. Cũng như thế, căn cứ vào phạm trù người hay vật để xác định “giò”, “chân”; “vồ”, “chộp”… Trong phương ngữ Nam Bộ không thể hiện sự phân chia ứng với những đoạn cắt hiện thực đó. Nói cách khác, kết quả đối chiếu cho ta đánh dấu những ô trống từ vựng chỉ “loại” trong phương ngữ Nam Bộ. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, ở chiều ngược lại, ngôn ngữ toàn dân lại xuất hiện “ô trống” ở những từ chỉ “chủng loại”. Đó là các từ chỉ chung cho “túi”, “giỏ”, “làn”, cho “rơi”, “rớt”, cho “rét”, “lạnh”, “giá”, “buốt”, cho “đốt”, “thắp”... Xét đặc điểm phạm trù hóa hiện thực trong những trường hợp vừa miêu tả, rõ ràng tiếng Việt toàn dân có sự phân cắt hiện thực tỷ mỷ hơn, chi tiết hơn so với phương ngữ Nam Bộ. Tất nhiên, nhận xét này chỉ giới hạn trong phạm vi khảo sát. Cách phân khúc hiện thực đã nêu, ngoài những yếu tố thuộc ngôn ngữ còn phản ánh cách nhìn, cách tư duy, đặc điểm tâm lý, hoàn cảnh lịch sử cụ thể của vùng đất Nam Bộ. Chúng ta có thể phần nào lý giải được tính khái quát của các hiện tượng trên đây dựa vào đặc điểm thực tiễn, đặc điểm văn hóa của vùng đất này. “Lạnh” không được không được phân chia nhỏ hơn bởi đặc thù khí hậu phương Nam - một vùng đất luôn tràn ngập ánh nắng. Vì thế, “lạnh” là dấu hiệu biểu thị hiện tượng nhiệt độ thấp hơn mức trung bình so với cảm giác dễ chịu của người. Trường hợp của “nón” cũng có cơ sở lý giải tương tự. Trong phương ngữ Bắc bộ, “nón” là từ biểu thị vật có chức năng cơ bản là để tránh mưa, nắng, phân biệt với “mũ”, vật có chức năng chủ yếu để chống rét. Nếu dựa ý nghĩa chức năng được xác lập thông qua nghĩa từ, cộng với đặc điểm thời tiết, khí hậu của vùng đất này thì chúng ta có thể nhận thấy việc không xuất hiện hiện tượng đối lập giữa “nón” và “mũ” như trong tiếng Việt toàn dân ở phương ngữ Nam Bộ là có cơ sở thực tiễn. Như vậy, “nón” (phương ngữ Nam Bộ) bằng với “nón” và “mũ” (phương ngữ Bắc Bộ) là kết quả của sự tri nhận dựa vào khí hậu, thời tiết. Một trong những đặc điểm thổ nhưỡng của Nam Bộ là phần lớn các vùng đất đều là đất ngập nước. Với một hệ thống sông rạch chằng chịt, sông và nước có một vị trí đặc biệt trong đời sống con người. Nó chẳng những chi phối đến cuộc sống vật chất mà còn tác động đến đời sống tinh thần, đến cái nhìn, quan niệm của cư dân bản địa, đồng thời khắc họa dấu vết trong ngôn ngữ. Hiểu được vai trò, vị trí của nước, sự gắn bó của các dòng nước trong thực tiễn đời sống, cũng như cách ứng xử nhằm thích nghi môi trường của cư dân Nam Bộ thì chúng ta có thể lý giải được vì sao “rớt” khái quát hóa cả “rơi” và “rớt” (trong từ vựng chung, “rớt” chỉ trạng thái “rơi” của nước khi ngắt ra từng giọt). Hiểu được vai trò của kênh rạch trong hoạt động giao thông, đi lại thì có thể nhận ra vì sao “ghé” lại khái quát chung cho “đến” và “ghé” thậm chí kể cả “thăm”. Hiểu được nghề đánh bắt thủy hải sản đối với lưu dân trên miền đất này là quan trọng như thế nào thì có thể nhận ra tại sao “giỏ” không phân hóa thành “giỏ”, “túi”, “làn”; “chụp” không phân hóa thành “vồ”, “chộp”… Tất nhiên, phạm trù hóa không chỉ hiểu là quá trình phân chia hiện thực với những lát cắt có thể không đồng nhất giữa các ngôn ngữ xét theo số lượng từ vựng nhiều hay ít, phong phú hay không phong phú vốn phụ thuộc vào quá trình phân loại “sâu” hay “nông”, “cụ thể” hay “khái quát”. Cũng như, không thể định nghĩa từ bằng kiểu “định nghĩa cổ điển về loại – và – loài, tức dựa trên những đặc điểm chung của đối tượng mà chúng thay thế” [38, tr.94]. Quá trình phạm trù hóa, như đã nói, không đơn thuần là kết quả quy chiếu với đối tượng trong hiện thực với những dấu hiệu bản chất hay ngẫu nhiên mà còn là cách thức phân loại (class pitation), cách thức phạm trù hóa - một vấn đề vốn liên quan mật thiết đến vốn tri thức, kinh nghiệm, đến đặc điểm tư duy, văn hóa của cộng đồng ngôn ngữ. Ví dụ “mỏ” được từ điển giải thích tiếng Việt định nghĩa như sau: 1.“Phần sừng cứng phủ ngoài xương hàm và chìa ra ở miệng loài chim”. 2.Bộ phận của một số dụng cụ có hình dáng như mỏ chim: mỏ cân, mỏ hàn, mỏ neo” [41, tr.634]. Trong phương ngữ Nam Bộ, có lẽ nét phản ánh đặc điểm của “mỏ” không được sắp xếp trùng khớp với định nghĩa ở cuốn từ điển này. Sơn Nam dùng “mỏ” rất khác. Ông gọi miệng sấu là “mỏ sấu”, miệng rắn là “mỏ rắn”, miệng cá là “mỏ cá”, rắn cắn gọi là “rắn mổ”. Ví dụ 27 27a. “Sấu nổi lên (...) ngóng mỏ xéo lên trời” [Bắt cá sấu rừng U Minh Hạ - HRCM, tr.86] 27b. “Cọp phải bơ vơ, sấu đành ngóng mỏ ngoài vòng” [Hát bội giữa rừng - HRCM, tr.503] 27c. “Cá bông phóng mỏ theo, táp mạnh” [Hương rừng – HRCM, tr.567] 27d. “Rắn ưa núp bên đường, chờ chuột chạy ngang qua là mổ. Nhiều khi đi chơi đêm, bị nó mổ là vậy đó”... [Ông thầy rắn – HQTĐĐ, tr.338]. Trong đời sống thường nhật, thuộc phạm vi ngữ cảnh bình thường, người dân địa phương cũng sử dụng những từ này rất phổ biến nên có thể xem đó là yếu tố được cố định trong ngôn ngữ. Như vậy, nhiều khả năng, cái nổi trội hay “điển mẫu” (prototye) của “mỏ”, trong khu vực ngôn ngữ này, không phải là đặc điểm cấu tạo “phần sừng cứng ngoài xương hàm” mà rất có thể là cái cái phần “chìa ra” hay nét bao quát mang hình dáng thuôn nhọn của “mỏ”. Phương ngữ Bắc Bộ dành cái đặc điểm “nhô ra, chìa ra” ở vị trí số một cho “mõm” (miệng động vật - so sánh cách nói miệt thị: “dẩu mõm” (phương ngữ Bắc Bộ) với “chu mỏ” (phương ngữ Nam Bộ)). Đáng tiếc, trong một vài cuốn từ điển địa phương đã không thống kê từ “mỏ” như một yếu tố trong hệ thống - một trong số những từ nói được rất nhiều về đặc điểm tri nhận. 2.1.2.2.3 Cơ sở định danh, chuyển nghĩa ẩn dụ, hoán dụ - những đặc điểm tri nhận Theo thống kê của chúng tôi trong ngữ liệu khảo sát, có 143 từ ngữ (tổng tổng tần số là 562) được xem là từ ngữ địa phương do những khác biệt bởi cách thức định danh cũng như do chuyển nghĩa ẩn dụ, hoán dụ. Nội dung phần này sẽ đối chiếu, so sánh cách định danh, chuyển nghĩa, cơ sở tri nhận của chúng làm cơ sở cho việc đánh giá đặc điểm địa phương trong truyện ký Sơn Nam. Sau đây là những minh họa tiêu biểu cho số những từ ngữ đó. - Một số từ ngữ chỉ không gian, thời gian Bảng 2.8. STT Từ trong tác phẩm Hình thức chuyển nghĩa Từ tương đương trong từ vựng chung Tần số 01 Bữa (nay, đó,ấy…) Ẩn dụ Ngày/hôm (nay, đó, ấy…) 32 02 Lóng, lóng (rày) Ẩn dụ Dạo (này) 03 03 Lớp (trước) Ẩn dụ Dạo (trước) 03 04 Cấp (trước/này) Ẩn dụ Dạo (trước/ này) 01 05 Cỡ Ẩn dụ Khoảng 01 Trường hợp của “lóng, lớp, cấp, cỡ” Thời gian là một thực thể trừu tượng. Vạn vật tồn tại và chuyển động trong không gian, không có gì đứng im, không có gì ngưng nghỉ. Bởi lẽ đó, trong nhận thức của con người, không gian và sự chuyển động của vạn vật thường được sử dụng để biểu thị thời gian. Nằm trong trường hợp đó, nhưng điểm đáng nói ở tư duy người Việt, ý niệm thời gian thường được biểu đạt bằng những sự vật thân thuộc, gắn bó mật thiết xung quanh mình. Thời gian là dòng sông: “thời gian trôi”, là bước chân con người: “thời gian đi”, là cánh én bay, là thoi đưa trên khung dệt: “Ngày xuân con én đưa thoi” (Truyện Kiều), “thời gian thấm thoắt thoi đưa” (thành ngữ). Thời gian cũng có thể xưa đi, cũ đi: “năm cũ”, “ngày cũ”, “ngày tháng cũ”, “năm xưa”, “thời xưa”… “Ngày xưa” bao giờ cũng là yếu tố mở đầu của những câu chuyện cổ tích để ông bụt, bà tiên xuất hiện. Có lẽ, đó cũng là những nét riêng trong văn hóa Việt. Ngoài cách định danh chung, cách tri nhận thời gian trong phương ngữ Nam Bộ còn là những đóng góp làm phong phú vốn văn hóa của dân tộc. Như đã thấy trong bảng 2.8, thời gian ở đây được nhìn nhận dưới dạng không gian vật thể với nhiều hình thức khác nhau. Nó có thể phân chia thành bậc “cấp”, nghĩa là con người và vạn vật có thể “đi” trên đó. Nó được quan niệm là mảnh, phiến “lớp” nghĩa là được chồng xếp nhiều phần lên nhau, cũng có thể là vật thể xác định được kích thước “cỡ” nên con người có thể tiên liệu, “ướm” thử cho những hoạt động của mình. Nhưng đặc biệt nhất, nó được phân chia thành khúc đoạn “lóng” như: “lóng tay”, “lóng tre”, “lóng trúc” - những vật thiết thân, gần gũi với môi trường sống. Cách biểu thị thời gian “trước”, “sau” Cũng như “dạo” (tiếng Việt toàn dân), “cấp”, “lớp” kết hợp được với “trước”, để chỉ thời gian đã qua (phía sau lưng con người) cho ta nhận định: con người trong trường hợp này là tĩnh tại, thời gian là vật chuyển động. Trong tiếng Việt toàn dân, “khoảng” là danh từ chỉ đơn vị ước chừng chỉ phần không gian được giới hạn một cách tương đối. Từ này chuyển nghĩa, biểu đạt ý nghĩa mang tính “khúc đoạn” thời gian cũng mang tính tương đối như vậy. “Khoảng” trong trường hợp này, tương đương nghĩa với “cỡ”. Cũng như “khoảng”, “cỡ” nó có thể kết hợp trong một ngữ đoạn chứa “tới, nữa”(i), “sau”(ii) để chỉ thời gian tương lai (đều ở phía trước con người). Ta xác định “khoảng”, “cỡ” ứng với hai đối tượng vận động: Trường hợp(i), con người tĩnh tại, thời gian là vật chuyển động hướng về con người. Trường hợp(ii), thời gian đứng im, con người chuyển động hướng về thời gian. Do phân khúc thời gian mang tính tiên liệu, phán đoán ứng với khả năng thực hiện những hoạt động của con người, vì thế “cỡ” không kết hợp với các từ ngữ khác sử dụng để biểu thị thời gian hiện tại và quá khứ. Nhiệm vụ này thuộc về “cấp” (cấp này, cấp trước). Trường hợp của “bữa” Nếu nói “bữa qua”/“bữa hôm qua”, “bữa nay”/“bữa hôm nay”… thì tương đương với “hôm qua”/“ngày hôm qua”. “hôm nay”/“ngày hôm nay”. Ví dụ: “Bữa thấy bòng bong che trắng lốp muốn tới ăn gan; ngày xem ống khói chạy đen sì muốn ra cắn cổ” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc – Nguyễn Đình Chiểu). Sự kết hợp rộng rãi của “bữa” (bữa sáng, bữa trưa, bữa chiều, bữa khuya, bữa đêm) cho ta nhận định: Bữa gần nghĩa với “buổi”, nhưng “bữa” khác “buổi” vì là một ẩn dụ. Có thể, thời gian ở đây được định vị theo mỗi “bữa ăn”, một hoạt động chuẩn bị sức lực để thực hiện công việc nào đó. Dân gian có câu: “Có thực mới vực được đạo”. Hiểu như vậy, chúng ta có cơ sở để nhận định thời gian trong trường hợp này là công việc. Tuy nhiên, nó được phân khúc dựa vào đặc thù về lao động sản xuất của cư dân Nam Bộ, nơi mà việc canh tác, đánh bắt thủy sản đan xen nhau và phụ thuộc rất nhiều vào sự lên xuống của các con nước. - Một số từ ngữ chỉ sự vật trong tác phẩm Lục bình: Tiếng Việt toàn dân là “bèo tây” Cơ sở thực tế: Phương ngữ Bắc Bộ (cũng là từ vựng chung) định danh dựa vào xuất xứ (phương tây), kết hợp với một yếu tố có sẵn (bèo). Từ “lục bình” (trong kho từ vựng chung) có nghĩa gốc là “độc bình”, chỉ loại lọ bằng đất nung, có tráng men, cổ thắt, miệng loe, dùng để cắm hoa cảnh, cây cảnh. Phương ngữ Nam Bộ dùng dấu hiệu hình thức trên làm cơ sở biểu thị cho loại sự vật mới. Sự khác nhau giữa hai phương ngữ trong trường hợp này là một bên ý niệm dựa vào ẩn dụ hình dáng với một bên ý niệm dựa vào ấn dụ nguồn gốc. Hông nhà: Tiếng Việt toàn dân là “sườn nhà” Các bộ phận của nhà được biểu thị tương ứng với các bộ phận cơ thể con người: Mái nhà - mái đầu, đầu hồi - đầu, đòn tay - tay, mặt trước/sau - mặt, sườn nhà/hông nhà - sườn/hông, chân tường - chân, cửa - miệng (ta có các từ như: cửa miệng, miệng hang, cửa hang)... Có thể nhận định, người Việt quan niệm ngôi nhà như chính bản thân mình (sở dĩ như vậy nên người ta vẫn gọi nhà là “con nhà, con cửa”). Tuy nhiên, sự khác biệt giữa “sườn nhà” (phương ngữ Bắc Bộ) và “hông nhà” (phương ngữ Nam Bộ) là: nếu phương ngữ Bắc Bộ “nhà” được nhận diện với tư thế người đứng thẳng, thì ở phương ngữ Nam Bộ “nhà” được nhận diện theo tư thế ngồi. Xe đò: Tiếng Việt toàn dân là “xe khách” “Đò” là thuyền dùng để chở khách đi trên sông nước. Ở vùng sông nước Nam Bộ thì đó là phương tiện hết sức thiết yếu và trước đây gần như là duy nhất để chở khách. Vì thế, ý niệm về những phương tiện có chức năng này đều biểu thị bằng “đò”. Ta có: “xe đò”, “tàu đò” thậm chí cho cả trường hợp “bến xe đò” trong phương ngữ Nam Bộ. Ngọn: Tiếng Việt toàn dân là “đầu” Sơn Nam dùng “ngọn” với nghĩa này nhiều lần: “ngọn kênh”, “ngọn rạch”... Dễ dàng nhận ra từ tương đương trong ngôn ngữ toàn dân là “đầu” (đầu sông, đầu suối). Sự khác nhau giữa hai từ thuộc về cách biểu đạt. Nếu ngôn ngữ toàn dân sử dụng ẩn dụ có nguồn gốc người (đầu) thì phương ngữ Nam Bộ sử dụng ẩn dụ có nguồn gốc thực vật (ngọn). Những bạt ngàn cây trái của vùng đồng bằng châu thổ có lẽ là cơ sở lý giải cho hiện tượng này. Lá buồm: Tiếng Việt toàn dân là “cánh buồm” “Lá” - hình thức ẩn dụ có nguồn gốc thực vật, “cánh” - có nguồn gốc động vật. Điểm chung giữa hai ẩn dụ ý niệm là căn cứ vào hình thức và thuộc phạm trù hóa khá phổ biến trong tiếng Việt (lá cờ, lá bài, lá vàng, lá gan, lá phổi, lá chắn... cánh đồng, cánh diều, cánh hoa, cánh quạt, cánh máy bay...). Cái khác là cách lựa chọn điểm nổi bật của đối tượng định danh. Nếu phương ngữ Nam Bộ là khuôn dạng đối tượng (lá), thì tiếng Việt toàn dân là tính đối xứng của sự vật (như hai cánh của một con chim vậy). Hàng nhất, hàng nhì, hàng ba (cột): Tiếng Việt toàn dân là “cột cái”/“cột con” Để gọi tên trong hệ thống trụ dùng làm giá đỡ tạo khung cho “nhà”, phương ngữ Bắc Bộ phân biệt bằng “cột cái”, “cột con”. “Cái” là cha, là mẹ, là lớn. Ứng với cột cao nhất trong ngôi nhà là “cột cái”, cột thấp hơn là “con”. Người Nam Bộ cũng sử dụng cách gọi đó. Tuy nhiên, để xác định vị trí của chúng, họ còn dùng thứ tự “nhất”, “nhì”, “ba” kết hợp với thành tố “hàng” trước nó để biểu thị. Như vậy, nếu “cột cái”, “cột con” được hình thành trên cơ sở hình thức, chức năng (to - nhỏ, chính - phụ) thông qua ấn dụ có nguồn gốc người thì “hàng nhất, hàng nhì, hàng ba” (cột) là cách định danh dựa vào vị trí, kết hợp với sự chuyển đổi cao - thấp (thứ nhất, thứ nhì, thứ ba) thành thành trong - ngoài để gọi tên sự vật và liên quan đến ẩn dụ vật chứa. Dưa leo: Tiếng Việt toàn dân là “dưa chuột” Cả hai từ đều sử dụng cách ý niệm hóa bằng ẩn dụ có nguồn gốc động vật (chuột và leo). Điểm không tương đồng ở đây là: nếu tiếng Việt toàn dân dựa vào hình thức của quả thì phương ngữ Nam Bộ căn cứ vào đặc điểm sinh trưởng của cây. Tay mặt: Tiếng Việt toàn dân là “tay phải” “Mặt” là từ bộ phận phần trên cơ thể, tiếp giáp với đỉnh đầu hướng theo sự chuyển động đặc trưng của người. Trong tiếng Việt, thường những gì có hình dạng phẳng, nhô về phía trước hay hướng về ánh sáng đều được gọi là “mặt”: “mặt đất”, “mặt hồ”, “mặt biển”, “mặt phố”, “mặt nhà”, “mặt trăng”... Ý niệm “bộ phận quan trọng, chính yếu” của một sự vật nào đó cũng được biểu thị bằng “mặt”. Vì thế nói “mặt đất”, “mặt biển”, “mặt hồ”... người ta vẫn hiểu đó là “đất”, “biển”, “hồ”... Rõ nhất là ở con người. Để chỉ toàn bộ tinh thần, thể xác của ai đó, tiếng Việt dùng “mặt” để diễn đạt. “Mặt sáng” là gương mặt thông minh đẹp đẽ, ngược lại là kém về khí chất, trí tuệ. “Có mặt”/“vắng mặt” là để khẳng định tồn tại hay không tồn tại của một ai đó tại thời điểm và vị trí xác định. “Coi mặt” là lễ làm quen buổi đầu của gia đình bên trai với gia đình bên gái ở Nam Bộ. Vị ai thì nói “nể mặt”, khó chịu ai thì “ghét mặt”, gặp gỡ gọi là “gặp mặt”, trốn chạy, né tránh thì gọi là “chạy mặt”/“tránh mặt”... Đối lập với “mặt” thì không phải chính yếu, không phải quan trọng. Ta có “bề mặt”/“phía bề mặt”, “bề trái”/“phía bề trái” của mảnh vải, tờ giấy, chiếc lá... Thành ngữ “lá mặt lá trái” chính là để chỉ sự nhập nhằng giữa cái là “mặt” và cái không phải là “mặt”. Hùinh Tịnh Paulus Của giải nghĩa “bề mặt” như sau: “là bề trở ra ngoài, bề thuận, đối với bề trái” [sđd, tr.637]. Có nhiều cơ sở để cho rằng: biểu thị ý niệm về cái tay trong số hai cái tay, cái tay có vai trò quan trọng, giữ chức năng chính ở những hoạt động đặc thù, người ta sử dụng ý niệm “mặt”. Nếu giả định này đúng thì “mặt” trong “tay mặt” cũng là một ẩn dụ có nguồn gốc bộ phận cơ thể người. Hộp quẹt: Tiếng Việt toàn dân là “bao diêm”, “bật lửa” Cách thức ý niệm hóa ở “hộp quẹt” là dùng hình thức (hộp) và phương thức tác động vào đối tượng (quẹt) để phát lửa. Ở “bao diêm” là hình thức bao, vật chứa những que diêm. Trong khi đó, “bật lửa” ngoài động tác tác động vào đối tượng (bật) còn là kết quả của hành động với sự xuất hiện của “lửa”. Có vẻ như cách nhìn này sâu hơn so với hai cách trước đó. Máng xối, trại cưa, quần cụt, xà bông, bình thủy, bánh tráng, bột ngọt, dầu hôi: Tiếng Việt toàn dân là “máng nước”, “xưởng gỗ”/“xưởng mộc”, “quần đùi”, “xà phòng”, “phích”, “bánh đa”, “mì chính”, “dầu lửa” Những trường hợp trên, tiếp tục cho ta thấy: cùng một sự vật hiện tượng trong khách quan, nhưng những cộng đồng ngôn ngữ khác nhau có thể hình thành những ý niệm về chúng một cách khác nhau. Về mặt cấu tạo: Giữa hai phương ngữ không có gì khác biệt. Đây là những đơn vị cấu tạo bao gồm hai thành tố, tổ hợp theo quan hệ chính phụ. Thành tố thứ hai (phụ) có ý nghĩa hạn định, phân loại, chuyên biệt hóa cho thành tố chính. Tuy nhiên, cái khác biệt lại nằm ở chỗ việc lựa chọn phương tiện biểu thị ý nghĩa chuyên biệt ấy. Cụ thể: ở “máng nước”, sự chú ý của chủ thể định danh tập trung vào sự hiện diện của “nước”, trong khi đó, phương ngữ Nam Bộ không lấy “nước” để kết hợp định danh mà lấy kiểu vận động, kiểu di chuyển của “nước” (xối). Tương tự như vậy, ở “trại cưa” đối tượng là hoạt động “cưa” khác với cách định danh vật liệu “mộc”/“gỗ” trong “xưởng mộc”/“xưởng gỗ. “Quần đùi” và “quần cụt”: Thành tố thứ hai trong tổ hợp thứ nhất (đùi) được nhận thức trong thế đối lập với “tay, chân, đầu, cổ…”. Nói cách khác, ý niệm hình nền là “các bộ phận cơ thể người”. Ở tổ hợp thứ hai, thành tố thứ hai (cụt), thế tương quan trong nhận thức, hay ý niệm hình nền là độ dài ngắn khác nhau của vật. Sự lựa chọn yếu tố tham gia trong hai tổ hợp rõ ràng xuất phát từ những cơ sở khác nhau nên cách ý niệm hóa cũng khác nhau. Nếu xét về sự chú ý hay cách nhìn thì một bên quan tâm đến khả năng che phủ trên cơ thể, còn một bên quan tâm đến đặc điểm về độ dài của nó. Điều này có liên quan đến đời sống tình cảm, vốn sống, đặc điểm văn hóa. Dường như, trong lối ý niệm hóa thứ nhất (phương ngữ Bắc Bộ), chủ thể định danh ít thiện cảm với loại trang phục này (so sánh giữa “quần đùi”, “áo ngực” và sự không nhất quán trong lựa chọn cơ sở định danh ở trường hợp “quần con”). Nếu như vậy thì cách ý niệm hóa thứ hai (quần cụt) mang màu sắc trung hòa về tình cảm hơn. “Savont” là một từ gốc Pháp, phương ngữ Bắc phiên là “xà phòng”. Ở Nam Bộ, khi dùng nó để giặt giũ, thấy bọt nổi lên nên chỉ lấy âm tiết thứ nhất (xà) có nguồn gốc ngoại lai, còn âm tiết thứ hai thuần Việt (bông). Như vậy, “một nửa” từ này được ý niệm hóa theo phương thức ẩn dụ. “Dầu lửa” là cách định danh theo chức năng của nó. “Dầu hôi” dựa vào mùi. Cách định danh dựa vào mùi có vẻ “cụ thể” hơn, “trực giác” hơn. “Bánh tráng” (bánh đa) là loại bánh tạo ra bằng cách tráng. “Bột ngọt” (mì chính) là loại bột có vị ngọt. Bình chứa nước nóng thường làm bằng thủy tinh nên gọi nó là “bình thủy”. Cách định danh tương tự như thế có thể thấy ở “bánh tét” (tét dây khi gói), “bánh xèo”, “bánh phồng”... - Một số từ ngữ chỉ trạng thái tình cảm con người và sự vận động của người và vật Quá giang (xét với nghĩa chuyển): Từ ngữ tương đương trong ngôn ngữ toàn dân là: nhờ, nhờ cậy (thường là trong việc di chuyển bằng phương tiện xe cộ, tàu thuyền). “Quá” là một từ Hán Việt. Nó có những nét nghĩa: “vượt lên trên”, “đã trải qua” [1, tr.145-146]. Trong các trường hợp: “quá hạn” (vượt trên giới hạn cho phép), “quá thì” (chỉ người phụ nữ đã vượt qua thời gian tuổi trẻ), “quá mù sang mưa” (vượt trên giới hạn mù hóa thành mưa)… thì yếu tố “quá” đều đư

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLVNNH014.pdf
Tài liệu liên quan