Luận văn Một số khác biệt văn hoá trong lời thỉnh cầu của tiếng Việt và tiếng Nhật

MỤC LỤC

MỤC LỤC 1

LỜI MỞ ĐẦU 2

1. Tính cấp thiết của đề tài: 2

1.1. Tiếng Nhật và giao tiếp tiếng Nhật 2

1.2. Ngôn ngữ và văn hóa 4

2. Mục đích nghiên cứu 6

3. Phương pháp nghiên cứu 6

4. Phạm vi nghiên cứu 7

5. Bố cục luận văn 7

PHẦN II: NỘI DUNG 9

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN 9

1.1. Các chức năng ngôn ngữ 9

1.1.1. Ngôn ngữ - phương tiện giao tiếp đặc trưng chỉ có ở con người 10

1.1.2. Ngôn ngữ là phương tiện của tư duy 12

1.2. Lời thỉnh cầu - một hành động ngôn ngữ trong giao tiếp 14

1.3. Phân loại lời thỉnh cầu 16

1.4. Tính lịch sự trong giao tiếp và tính lịch sự trong lời thỉnh cầu tiếng Việt và tiếng Nhật 19

CHƯƠNG 2: CÁC DẤU HIỆU VỀ TỪ VỰNG - TÌNH THÁI TRONG LỜI THỈNH CẦU CỦA TIẾNG VIỆT VÀ TIẾNG NHẬT 30

2.1. Các yếu tố từ vựng biểu hiện ý nghĩa tình thái trong lời thỉnh cầu tiếng Việt và tiếng Nhật 31

2.1.1. Các yếu tố từ vựng biểu hiện ý nghĩa tình thái trong lời thỉnh cầu của tiếng Việt 31

2.1.2. Các yếu tố từ vựng biểu hiện ý nghĩa tình thái trong lời thỉnh cầu của tiếng Nhật 32

2.2. Các cách diễn đạt tình thái trong lời thỉnh cầu của tiếng Việt và tiếng Nhật 35

2.2.1. Các cách diễn đạt tình thái cơ bản trong lời thỉnh cầu của tiếng Việt 35

2.2.2. Các cách diễn đạt tình thái cơ bản trong lời thỉnh cầu của tiếng Nhật 37

CHƯƠNG 3: ĐẶC TRƯNG VĂN HOÁ TRONG LỜI THỈNH CẦU CỦA TIẾNG VIẾT VÀ TIẾNG NHẬT 44

3.1. Tính trực tiếp - gián tiếp trong lời thỉnh cầu của tiếng Việt và tiếng Nhật 44

3.1.1. Tính trực tiếp – gián tiếp trong lời thỉnh cầu của tiếng Việt 50

3.1.3. Tiểu kết 59

3.2. Cách xưng hô trong lời thỉnh cầu của tiếng Việt và tiếng Nhật 61

3.2.1. Cách xưng hô trong lời thỉnh cầu của tiếng Việt 62

3.2.2. Cách xưng hô trong lời thỉnh cầu của tiếng Nhật – so sánh với tiếng Việt 65

3.3. Tiểu kết 72

PHẦN 3: KẾT LUẬN 74

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 78

BẢNG HỎI CÁCH NÓI LỜI ĐỀ NGHỊ 85

 

 

doc90 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 4340 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Một số khác biệt văn hoá trong lời thỉnh cầu của tiếng Việt và tiếng Nhật, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
, xét về mặt ngôn ngữ và cấu trúc, cách thể hiện ngôn ngữ giao tiếp thông qua xem xét và nghiên cứu lực ngôn trung của ngôn ngữ đã đưa chúng ta đến một nội dung mới: bằng các hình thức ngôn ngữ nào mà ý thỉnh cầu cũng như tính lịch sự trong lời thỉnh cầu được thể hiện rõ nét nhất. Để làm cơ sở cho việc phân tích, đối chiếu văn hóa mà đối tượng là lời thỉnh cầu trong tiếng Việt và tiếng Nhật, chúng tôi thấy việc tìm hiểu những dấu hiệu về ngôn ngữ: nhóm từ tình thái, cấu trúc ngữ pháp sẽ được trình bày như trong chương 2 là cần thiết. Chương 2: Các dẤu hiỆu vỀ tỪ vỰng - tình thái trong lỜi thỈnh cẦu cỦa tiẾng ViỆt và tiẾng NhẬt Khái niệm tình thái (modality) thường được các nhà ngôn ngữ học dùng để chỉ những mối quan hệ của nội dung thông tin miêu tả trong phát ngôn với hiện thực cũng như những quan điểm, thái độ, đánh giá của người nói đối với nội dung miêu tả trong câu nói, với người nghe và với hoàn cảnh giao tiếp. Như vậy, nói một cách sơ lược nhất, phạm trù tình thái bao gồm hai bình diện là mối quan hệ của người nói với nội dung phát ngôn và nội dung phát ngôn với thực tế. (Bùi Trọng Ngoãn, Khảo sát các động từ tình thái trong tiếng Việt, Luận án tiến sĩ ngữ văn, ĐHQG – ĐHKHXHVNV Hà Nội, 2004, tr. 7) Trong ngôn ngữ học “tính tình thái của phát ngôn thuộc bình diện ngữ pháp - ngữ nghĩa. Tình thái là một bộ phận nghĩa tất yếu của phát ngôn. Không thể có câu nói không mang tính tình thái nhất định”. (Bùi Trọng Ngoãn, Khảo sát các động từ tình thái trong tiếng Việt, Luận án tiến sĩ ngữ văn, ĐHQG – ĐHKHXHVNV Hà Nội, 2004, tr. 8) Vấn đề tình thái trong ngôn ngữ đã được các nhà nghiên cứu chú ý đến từ lâu. Theo V. V. Vinogradov thì tính tình thái “thuộc vào số những phạm trù ngôn ngữ học trung tâm, cơ bản; ở các ngôn ngữ khác nhau được tìm thấy dưới những dạng khác nhau’. Trong phần tiếp theo, chúng tôi xin được trình bày những biểu hiện tình thái của ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Nhật, đặc biệt là trong lời thỉnh cầu, ngoài những nét chung mang tính phổ quát của ngôn ngữ thì do loại hình ngôn ngữ khác nhau nên các hình thức biểu hiện cũng khác nhau. 2.1. Các yếu tố từ vựng biểu hiện ý nghĩa tình thái trong lời thỉnh cầu tiếng Việt và tiếng Nhật 2.1.1. Các yếu tố từ vựng biểu hiện ý nghĩa tình thái trong lời thỉnh cầu của tiếng Việt Lời thỉnh cầu so với các loại câu khác như câu hỏi, câu kể thì cũng không có những dấu hiệu ngữ pháp gì đặc biệt, ngoài một số phương tiện hư từ và ngữ điệu. Dù các phương tiện biểu diễn của lời thỉnh cầu không nhiều, nhưng sắc thái ý nghĩa của nó lại khác nhau tuỳ theo ngữ điệu (như cách nhấn giọng) và các từ tình thái được dùng kèm theo. Như vậy có thể thấy bên cạnh các động từ tình thái mang nghĩa thỉnh cầu: cấm, không được, mời, cho phép, yêu cầu, đề nghị, chúc, xin, v.v… thì ngữ điệu và đặc biệt là các từ tình thái: hãy, đừng, nghe, nhé, cứ, chớ, nào, với, đi,… đóng vai trò quan trọng trong biểu thị lời thỉnh cầu. Theo Hoàng Trọng Phiến thì từ tình thái trong lời thỉnh cầu tiếng Việt có những loại như sau: - Những từ tình thái hàm ý nghĩa kêu gọi sự đồng tình như: đi, nào, với, đã, nhé… Ví dụ: + Anh đi đi. + Mình cùng hát nào. + Anh em nghỉ tay chút đã. - Từ tình thái biểu thị ý nghĩa thúc giục, vội vàng như: thôi, nào…Ví dụ : + Đi thôi. + Nhanh lên nào ! Anh chị em ơi! - Từ tình thái mang ý nghĩa dặn dò. Ví dụ: + Nhớ đấy nhé. + Lần này thì chừa cái tội nói dối đi nhé. Từ tình thái mang nghĩa khuyên răn, mời mọc thân mật. Ví dụ: + Em phải cố học cho thật tốt đã chứ. + Kìa, cậu ăn đi chứ. 2.1.2. Các yếu tố từ vựng biểu hiện ý nghĩa tình thái trong lời thỉnh cầu của tiếng Nhật Do đặc trưng ngôn ngữ chắp dính, trong tiếng Nhật tồn tại một từ loại gọi là trợ từ (助詞) có vai trò là những phân từ đánh dấu chức năng và ngữ pháp, hay biểu thị các quan hệ ngữ nghĩa của các từ mà chúng đi kèm trong câu. Các từ loại này ngoài ý nghĩa từ vựng của bản thân chúng còn biểu thị ý nghĩa ngữ pháp, ý nghĩa quan hệ, ý nghĩa tình thái…mà chúng đảm nhiệm trong câu. Khác với tiếng Việt, có một loại từ riêng mà các nhà ngôn ngữ gọi là từ tình thái, trong tiếng Nhật chỉ có nhóm trợ từ biểu thị ý nghĩa tình thái là nhóm trợ từ kết thúc [6, 117]. Nhóm trợ từ kết thúc bao gồm những trợ từ luôn đứng ở cuối câu, đánh dấu sự kết thúc câu, đồng thời biểu thị các tình cảm, ý chí của người nói như nghi vấn, cảm động, cấm đoán, mệnh lệnh, nhờ vả, yêu cầu … cũng như các ý nghĩa tình thái khác. Ví dụ trợ từ か(ka), な(na), ね(ne), ぞ(zo)… Đa số các trợ từ này chỉ được sử dụng trong lời nói. Theo nghiên cứu của Lê Anh Tuấn (Khảo sát chức năng và hoạt động của trợ từ tiếng Nhật, Luận văn Thạc sĩ Đông phương học) thì có một số trợ từ kết thúc thường được sử dụng để biểu thị ý thỉnh cầu như sau: Trợ từ か(ka) đi với động từ vị ngữ ở dạng phủ định để biểu thị ý nghĩa thỉnh cầu, mệnh lệnh, đề nghị… 映画を見に行きませんか。(Eiga wo mi ni ikimasenka) Đi xem phim không? さあ、早く答えないか。(Saa hayaku kotaenaika) Nào , có trả lời nhanh lên không? - Trợ từ な(na) + Kết hợp với động từ dạng nguyên thể để biểu thị ý nghĩa cấm chỉ: バイクの三人乗りはするな。(Baiku no sanninnori wa suruna) Cấm xe chở ba người. + Kết hợp với động từ để biểu thị ý nghĩa thỉnh cầu (thường dùng với người thân hoặc người ít tuổi hơn): そんなことはやめな。(Sonna koto wa yamena) Đừng có làm như vậy. + Kết hợp với いらっしゃい(irasshai), ください(kudasai) để biểu thị ý nghĩa mệnh lệnh: ちょっとこっちへいらっしゃいな。(Chotto kocchi ha irasshaina) Lại đây chút nào. ぜひ来てくださいな。(Zehi kitekudasaina) Nhớ đến nhé. - Trợ từ よ(yo) + Biểu thị ý nghĩa nhắc nhở, cảnh báo: うちに泥棒が入ったよ。(Uchi ni dorobou ga haitta no yo) Kẻ trộm vào nhà rồi! + Biểu thị ý nghĩa mệnh lệnh hoặc cầu khiến: 一緒に行こうよ。(Isshouni ikou yo) Cùng đi nào. よく考えなさいよ。(Yoku kangaenasaiyo) Hãy suy nghĩ cho kĩ đi. Cần chú ý là よ(yo) ít được dùng để nói với người lớn tuổi hoặc có địa vị cao hơn mình. Nên khi thực hiện hành vi thỉnh cầu, cần chú ý dùng đúng để tránh gây hiểu lầm, bị đánh giá là thiếu lịch sự, lễ độ, dẫn tới đổ vỡ trong giao tiếp. Ngoài những trợ từ trên, một số từ khác như かなkana, だっけdakke,… cũng hay được sử dụng nhưng chủ yếu diễn tả sự ngập ngừng, hơi băn khoăn, phân vân của người nói khi đưa ra thỉnh cầu. Ví dụ: 郵便局ってどこかな。 Yuubinkyokutte dokokana. Bưu điện ở đâu nhỉ? 郵便局ってどうやっていけばいいんだっけ。 Yuubinkyokutte douyatte ikeba iin dakke. Đến bưu điện thì đi thế nào thì được nhỉ? Khi dịch những ví dụ trên sang tiếng Việt thì có thể hiểu được nội dung chính nhưng biểu hiện của từ だっけdakke hay かなkana…thực sự là rất khó chuyển dịch sang tiếng Việt. Sự khó khăn này không chỉ gặp ở việc chuyển nghĩa các từ tình thái trong lời thỉnh vầu của tiếng Việt và tiếng Nhật mà cả trong việc chuyển nghĩa của những dạng thức động từ trong tiếng Nhật sang tiếng Việt. Bởi lẽ dạng thức động từ trong tiếng Nhật không chỉ mang trong nó hàm ý thực của từ vựng, mà nó đồng thời biểu hiện mức độ trang trọng, lịch sự, thái độ của người phát ngôn. Đây là một biểu hiện đặc trưng của tiếng Nhật, sẽ được đề cập đến cụ thể hơn trong phần tiếp theo. 2.2. Các cách diễn đạt tình thái trong lời thỉnh cầu của tiếng Việt và tiếng Nhật Do khác nhau về loại hình ngôn ngữ (tiếng Việt là ngôn ngữ đơn lập, tiếng Nhật là ngôn ngữ chắp dính) nên mỗi ngôn ngữ có một cách thức riêng để biểu hiện ý nghĩa thỉnh cầu. Ngoài việc lời thỉnh cầu trong tiếng Nhật và tiếng Việt có các yếu tố về từ vựng biểu hiện ý nghĩa tình thái (trong tiếng Việt là nhóm từ tình thái, trong tiếng Nhật là nhóm trợ từ kết thúc câu biểu hiện ý nghĩa tình thái) như đã trình bày ở mục 2.1 thì còn có các hình thức khác. Nếu như trong tiếng Việt đó là các động từ tình thái mang ý nghĩa thỉnh cầu như: yêu cầu, đề nghị, hãy, nên, đừng, chớ, xin, cấm… thì trong tiếng Nhật không có nhóm từ như thế. Tiếng Nhật biểu hiện ý thỉnh cầu bằng cách chia hình thức của động từ và ở mỗi hình thức của động từ bộc lộ mức độ, sắc thái khác nhau của tính lịch sự. 2.2.1. Các cách diễn đạt tình thái cơ bản trong lời thỉnh cầu của tiếng Việt Trong tiếng Việt, để biểu thị ý nghĩa thỉnh cầu người ta thường dùng các động từ có ý nghĩa thỉnh cầu (còn gọi là các động từ tình thái biểu hiện ý nghĩa thỉnh cầu) như: cấm, yêu cầu, đề nghị, hãy, đừng, xin, chớ… Ví dụ: - Cấm đổ rác! - Yêu cầu anh không hút thuốc ở đây! - Đề nghị các đồng chí trật tự! - Hãy nói to lên. - Đừng nói với ai nhé! - Em ơi chớ lấy quân buôn Hồi vui nó ở, hồi buồn nó đi Mã Giang Lân, Tục ngữ ca dao Việt Nam, Nxb Giáo dục, 1995, tr. 71 Qua những ví dụ trên, có thể thấy rằng các động từ tình thái biểu hiện ý nghĩa thỉnh cầu như trên là một dấu hiệu để nhận biết lời thỉnh cầu trong tiếng Việt. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là chúng mang tính trực tiếp cao, vì thế sự áp đặt trong lời thỉnh cầu cũng vì thế mà tăng lên. Điều đó dễ dẫn tới việc thiếu lịch sự, đe doạ thể diện của người nghe. Nên sự xuất hiện của các từ tình thái (như đã trình bày ở mục 2.1.1) có vai trò làm giảm nhẹ tính áp đặt của lời đề nghị, nhờ đó biểu thị tính lịch sự và tránh đe doạ thể diện âm tính của người nghe, người nghe không thấy đang bị áp đặt, mất tự do trong hành động. Ví dụ: - Cho tôi mượn cái bút. (a) - Anh cho tôi mượn cái bút đi. (b) - Anh cho tôi mượn cái bút đi nào. (c) - Anh cho tôi mượn cái bút nhé. (d) - Anh cho tôi mượn cái bút với nhé. (e) Rõ ràng là các câu có các từ tình thái và các từ xưng hô thích hợp đi kèm (b, c, d, e) nghe nhẹ nhàng, tạo thiện cảm và dễ được chấp nhận hơn, tức là lịch sự hơn câu không có các yếu tố này (a). Ngoài ra, để thể hiện tính lịch sự, trong lời thỉnh cầu thường xuất hiện các yếu tố khác mà TS Nguyễn Văn Độ gọi là phần ngoại biên, là phần làm tăng hay giảm lực thỉnh cầu. Lời thỉnh cầu được chia thành hai phần, phần cốt lõi và phần ngoại biên. Phần cốt lõi là phần mang nội dung thỉnh cầu, phần ngoại biên là “những yếu tố làm biến đổi lực ngôn trung của thỉnh cầu” (9, 44). Ví dụ: - Thưa cô, ngày mai cô có bận không ạ? Nếu có thể, gặp em một chút được không ạ? Trong lời thỉnh cầu trên, nội dung thỉnh cầu chính là “gặp em”, phần ngoại biên của thỉnh cầu là: Thưa cô, ngày mai cô có bận không ạ?, Nếu có thể… được không ạ? Người Việt hay sử dụng các phương tiện từ ngữ mà trong đó nổi bật là các từ tình thái: à, ư, nhỉ, nhé, ạ… và các dạng từ đặc dụng, các từ hô gọi: này, ê… đại từ nhân xưng: ông/bà, chú/cô, anh/chị, em, cháu…; các khuôn mẫu mở đầu câu: làm ơn, làm ơn cho tôi…; các phương thức nói láy, nói đúp: có đúng không? thật chứ?…; yếu tố kêu gọi, động viên hành động: được chứ? được không? không sao chứ? ...và cả giọng điệu để làm tăng hoặc giảm lực ngôn trung của hành động thỉnh cầu. (Để tiện cho việc trình bày, các yếu tố này sẽ được gọi là: các yếu tố thể hiện lịch sự trong bảng kết quả điều tra) 2.2.2. Các cách diễn đạt tình thái cơ bản trong lời thỉnh cầu của tiếng Nhật Không giống như tiếng Việt, tiếng Nhật không có nhóm động từ biểu hiện ý nghĩa thỉnh cầu như trên mà bằng cách chia dạng thức của động từ và sử dụng nhóm động từ bổ trợ tiếp nhận để biểu thị ý thỉnh cầu. Sau đây là các dạng thức cơ bản thường được sử dụng: 1. Vろ (V-ro ) 静かにしろ。Shizukani shiro. Trật tự đi. 2. Nをください (N wo kudasai) (レストランで)すみませんが、すしをください。 (Resutoran de) Sumimasen ga, sushi wo kudasai. (Ở nhà hàng) xin lỗi, cho tôi sushi. 夜、家に電話をください。 Yoru, uchi ni denwa wo kudasai. Tối, gọi điện đến nhà cho tôi. 3. Vて (V-te) 食べて。  Tabete. Ăn đi. 待ってよ。 Matteyo. Chờ với. 4. Vてください (V-tekudasai) ここに名前を書いてください。 Koko ni namae wo kaitekudasai. Hãy viết tên vào đây. あのう、もう少しゆっくり言ってください。 Anou , mou sukoshi yukkuri ittekudasai. Xin lỗi … xin hãy nói chậm lại một chút. 5. V(ます形)なさい (V (bỏ “masu”) – nasai) まず、お座りなさい。 Mazu, osuwarinasai. Trước hết, xin hãy ngồi xuống. 6. Vてくれ (V - tekure) (社長が社員に)明日までレポートを出してくれ。 (Shachou ga shain ni) Ashita made repo-to wo dashitekure. (Giám đốc nói với nhân viên) Cho đến mai hãy nộp báo cáo đi. 7. ~ お願いします。(onegaishimasu.) (タクシに乗って、運転手に言う)東京タワーお願いします。 (Takusi ni notte, untenshu ni iu) Toukyou tawa- onegaishimasu. (Lên taxi và nói với lái xe): Nhờ anh (cho tới) tháp Tôkyô 8. Vてほしいんですが。(V - tehoshiindesuga.) ちょっと、手を借りてほしいんですが、... Chotto, te wo karitehoshiindesuga… Xin lỗi, tôi mong anh giúp cho… 書いたレポートを見てほしいんですが、... Kaitarepo-to wo mitehoshiindesuga… Tôi mong anh xem giúp cho bảng báo cáo đã viết… 9. Vてもらえませんか。(V- temoraemasenka.) 悪いけど、傘を貸してもらえませんか。 Waruikedo, kasa wo kashite moraemasenka. Xin lỗi nhưng anh có thể cho tôi mượn ô không? 10. Vてもらえないでしょうか。(V - temoraenaideshouka.) すみませんが、手紙を出してもらえないでしょうか。 Sumimasen ga, tegami wo dashite moraenaideshouka. Xin lỗi nhưng anh có thể gửi thư hộ tôi không? 11. おV(ます形)ください。(O V (bỏ “masu”) kudasai.) 少々お待ちください。 Shoshou omachikudasai. Xin anh chờ một chút. 12. Vてくれませんか。(V - tekuremasenka) あのコップを取ってくれませんか。 Ano koppu wo tottekuremasenka. Anh lấy cho tôi chiếc cốc kia được không? 13. Vてくださいませんか。(V - tekudasaimasenka.) ごみを出してくださいませんか。 Gomi wo dashitekudasaimasenka. Anh có thể vứt rác hộ tôi không ạ? 14. Vていただけませんか。(V - teitadakemasenka.) すみませんが、郵便局までの行き方を教えていいただけませんか。 Sumimasen ga, yuubinkyoku made no ikikata wo osieteitadakemasenka. Xin lỗi, anh làm ơn chỉ cho tôi đường tới bưu điện được không? 15. Vていただけないでしょうか。(V - teitadakenaideshouka.) 先生、明日、時間を取っていただけないでしょうか。 Sensei, ashita, jikan wo totteitadakenaideshouka. Thưa thầy, ngày mai thầy có thể dành chút thời gian cho em được không ạ? Có thể thấy từ 1~6 các động từ được chia ở dạng mệnh lệnh, cho nên lời thỉnh cầu ở đây có tính trực tiếp cao. Mẫu 7,8 thể hiện mong muốn của người nói, mẫu 11 cũng là dạng mệnh lệnh song có tính lịch sự hơn các mẫu 1~6. Các mẫu còn lại là thuộc nhóm động từ bổ trợ tiếp nhận đặc trưng của tiếng Nhật. Nó không chỉ biểu thị ý thỉnh cầu mà còn biểu hiện được cả tính lịch sự trong đó, vì khi dùng các trợ động từ cho nhận lời thỉnh cầu có tính gián tiếp hơn các mẫu khác. Một điều đặc biệt cần lưu ý với nhóm động từ bổ trợ tiếp nhận là trong mỗi động từ đó lại có những dạng thức khác nhau thể hiện khẳng định hay phủ định, dạng thông thường hay lịch sự…Người Nhật thường tùy vào đối tượng người nghe là ai mà lựa chọn dạng thức thích hợp. Nếu là người thân trong gia đình, bạn bè thì thể thông thường được sử dụng phổ biến, còn là người ngoài, có khoảng cách hay với những người có vai giao tiếp cao hơn thì dạng thức thể hiện tính lịch sự được sử dụng. Để có thể hình dung rõ hơn về nhóm động từ bổ trợ tiếp nhận đặc trưng của tiếng Nhật, tôi xin đưa ra bảng liệt kê các dạng thường gặp của nhóm động từ này trong lời thỉnh cầu. Dạng câu Cách biểu hiện Khẳng định nghi vấn Phủ định nghi vấn くれる型 ↓ くれる kureru くれますか kuremaska くれるのでしょうか kurerunodeshouka くれない kurenai くれませんか kuremasenka くれないでしょうか kurenaideshouka もらう型 ↓ もらう morau もらえる moraeru もらえますか moraemasuka もらえるのでしょうか moraerunodeshouka もらえない moraenai もらえませんmoraemasenka もらえないでしょうか moraenaideshouka くださる型 ↓ くださる kadasaru くださいますか itadaku くださいませんか kudasaimasenka いただく型 ↓ いただく itadaku いただける itadakeru いただきますか itadakimasuka いただけない itadakenai いただきませんか itadakimasenka いただけないでしょうか itadakenaideshouka (Trong bảng trên, mức độ lịch sự tăng theo chiều mũi tên.) H.2. Các dạng thức của nhóm động từ bổ trợ tiếp nhận lợi ích trong tiếng Nhật Những yếu tố biểu thị tính lịch sự như đã trình bày ở trên thực chất là thuộc nhóm từ kính ngữ 敬語 keigo mang tính đặc thù cao của tiếng Nhật. Hệ thống kính ngữ của tiếng Nhật hết sức phong phú, phức tạp, đã được quy chế hóa, xã hội hóa cao độ. Các phương tiện này, mạnh về phương tiện biểu hiện ngữ pháp mà nhẹ về các phương tiện từ vựng. Phương tiện từ vựng (như một số động từ tôn kính và khiêm tốn, các từ hô gọi lịch sự, các tiền tố おo.., ごgo…kết hợp với cách danh từ) không nhiều. Các biến đuôi động từ như các phương tiện ngữ pháp lại được sử dụng chủ yếu để biểu hiện tính lịch sự [45, 33]. (Để tiện cho việc trình bày, các yếu tố này sẽ được gọi là: yếu tố thể hiện lịch sự trong bảng H.9 và H.10) Tiểu kết: Qua một số phân tích trên, ta có thể thấy các phương thức mà ta gọi là phương thức (từ vựng, cấu trúc) cấu tạo lời thỉnh cầu chính là các yếu tố biểu thị tình thái thỉnh cầu. Sự thêm vào hay bớt đi các yếu tố này chỉ ảnh hưởng đến tính lịch sự, mạnh hay yếu của lực thỉnh cầu. Có thể thấy các yếu tố từ vựng, cấu trúc, tình thái không chỉ có vai trò biểu hiện ý nghĩa thỉnh cầu mà còn biểu hiện cả thái độ, tình cảm của người nói, từ đó tính lịch sự cũng được thể hiện. Do vậy mà việc lựa chọn cách thức thỉnh cầu cũng có thể hiểu là cách lựa chọn chiến lược lịch sự. Ở mỗi ngôn ngữ khác nhau, cụ thể ở đây là tiếng Việt và tiếng Nhật, do khác nhau về loại hình ngôn ngữ nên các hình thức biểu hiện ý thỉnh cầu với các sắc thái khác nhau là tất yếu. Song việc lựa chọn “cách chúng ta nói và nói như thế nào” lại do văn hóa quy định. Vì thế, từ sự khác nhau trong việc lựa chọn cách thỉnh cầu, sự khác nhau trong lựa chọn chiến lược lịch sự ta có thể thấy sự khác biệt văn hóa được phản ánh trong ngôn ngữ của dân tộc Việt Nam và dân tộc Nhật Bản. Chương 3: ĐẶc trưng văn hoá trong lỜi thỈnh cẦu cỦa tiẾng ViẾt và tiẾng NhẬt Từ cơ sở lý luận đã trình bày ở chương một với lý luận lịch sự, dấu hiệu nhận biết lời thỉnh cầu cũng như các yếu tố tình thái biểu thị tính lịch sự trong lời thỉnh cầu được trình bày ở chương hai và các tài liệu liên quan người viết nhận thấy có những khác biệt văn hóa trong lời thỉnh cầu của tiếng Việt và tiếng Nhật như sau: 3.1. Tính trực tiếp - gián tiếp trong lời thỉnh cầu của tiếng Việt và tiếng Nhật Khi nghiên cứu, trao đổi về ngôn ngữ, chúng ta không thể không nhắc đến hình thức cấu trúc tư duy văn hoá ngôn ngữ, để có cái nhìn tổng thể về hình thái tư duy văn hoá của một số ngôn ngữ trên thế giới, ta xem biểu đồ Kaplan [, 76] Oriental English Romance H.1. Biểu đồ Kaplan Theo biểu đồ trên thì tiếng Nhật và tiếng Việt thuộc nhóm ngôn ngữ Oriental, tức là thuộc kiểu ngôn ngữ có tư duy vòng vo. Người Á Đông trong đó có người Việt Nam, người Nhật khi giao tiếp thường hay đi từ những vấn đề bên ngoài rồi sau mới đi vào nội dung, mục đích chính mà họ muốn nói. Để hiểu rõ hơn điều này, ta xét ví dụ sau: A: Thức ăn còn nhiều lắm, để chị gói cho một ít mà đem về. B: Thôi, em không mang về đâu. A: Nhiều lắm mà, đem về đi, đừng ngại. B: Thôi em không… A: Đem về mà ăn chứ sao lại thôi. (vừa nói vừa gói thức ăn cho B) B: Chị chu đáo quá, lần nào cũng thế. Trong tình huống hội thoại trên thì A, B là hàng xóm của nhau. B được A mời sang ăn cỗ, tình huống xảy ra ở cuối bữa ăn. A đưa lời đề nghị lần 1, B từ chối, A tiếp tục đề nghị lần 2, B vẫn từ chối, A tiếp tục đề nghị lần thứ 3 và B đồng ý. Đây là mẫu hội thoại khá phổ biến trong quá trình giao tiếp của người Việt. A và B đều liên tục đề nghị và từ chối mấy lần song không bị coi là mất lịch sự. Vì trong bối cảnh văn hoá của Việt Nam, việc A liên tục đề nghị như vậy đồng nghĩa với việc tỏ rõ sự rộng rãi, lòng hiếu khách. Thêm một ví dụ khác: Có lần phóng viên (A) phỏng vấn nhà báo Lại Văn Sâm (B) - một MC truyền hình rất được khán giả nữ ái mộ: A: Còn vợ anh thì sao, có ghen không khi anh được nhiều công chúng nhất nữ hâm mộ như thế. Liệu anh có là một đức ông chồng chắc chắn không? B: Mới đây, báo “Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh” có phỏng vấn vợ tôi qua điện thoại. Tôi không rõ nội dung câu hỏi. Tôi chỉ nghe vợ tôi nói lại câu trả lời là: Nước nào cũng có những bí mật quốc gia. Cuộc hôn nhân nào cũng có những bí mật gia đình mình. Ta thử coi điều anh muốn tôi trả lời là bí mật của gia đình tôi đi. [18, 21] Trong hội thoại trên, A đã từ chối trả lời một cách gián tiếp bằng cách nói vòng vo. Trước một câu hỏi khá tế nhị và khó trả lời của B, để giữ thể diện âm tính của mình và thể diện dương tính của A, B dùng hành vi trần thuật để A tự hiểu được câu trả lời của B là từ chối trả lời về vấn đề đã được hỏi. Còn trong tiếng Nhật, lối nói vòng cũng khá phổ biến. Thử xem xét hội thoại sau. Hoàn cảnh của hội thoại: Satou là một nữ nhân viên văn phòng. Arakawa là đồng nghiệp nam, cùng tuổi. Hai người nói chuyện vào giờ nghỉ trưa. 荒川:近くに、新しいエスニックのレストランができたんだけど、           知ってる。 Arakawa: Chikakuni, atarashii esunikku no resutoran ga dekitandakedo, shitteru. (Ở gần đây có nhà hàng dân tộc mới mở…, em biết không?) 砂糖:え!ほんと。どこ。 Satou: E! Hontou. Doko. (A, thật không? Ở đâu thế?) 荒川:駅のそばだよ。 Arakawa: Eki no sobadayo. (Cạnh nhà ga ấy.) 砂糖:ああ、あそこね。どこの料理でしたっけ。 Satou: Aa, asokone. Doko no ryorideshitakke. (À…, ở đấy à. Không biết là món ăn nước nào nhỉ?) 荒川:タイの料理。食べたことある。 Arakawa: Tai no ryouri. Tabetakotoaru. (Đồ ăn của Thái Lan. Em đã ăn bao giờ chưa?) 砂糖:ええ、私、大好きだわ。 Satou: Ee, watashi, daisukidawa. (Ừ, em cực thích đấy.) 荒川:じゃあ、明日、食べに行かない。 Arakawa: Jaa, ashita, tabe ni ikanai. (Vậy, mai, sao mình không đi ăn?) 砂糖:ええ。明日...。 Satou: Ee. Ashita… (Hả, mai á?) 荒川:都合悪いの。 Arakawa: Tsugou waruino. (Thời gian không tốt à?) 砂糖:ええ、まあ...。誰とですか。 Satou: Ee, maa… daretodesuka. (Ừm, thế… Với ai cơ?) 荒川:二人だよ。だめなの。 Arakawa: Hutari dayo. Damenano. (Hai chúng mình thôi. Không được sao?) 砂糖:だめというわけじゃないんですけど...ちょっと都合が。 Satou: Dametoiuwakejanaindesukedo… chotto tsugou ga. (Không phải là không được mà… thời gian hơi…) 荒川:じゃあ、来週は。 Arakawa: Jaa, raishyuu ha. (Vậy, tuần sau thì sao?) 砂糖:そうねえ、行ってみたいんですけど...。 Satou: Sounee, ittemitaindesukedo… (Thế nhé, em cũng muốn thử đi nhưng…) 荒川:そう。じゃあ、またの機会にしようか。 Arakawa: Sou. Jaa, mata no kikai ni shiyouka. (Thế à. Vậy, để tìm cơ hội khác nhé.) 砂糖:すいませんが、せっかくですけど。 Satou: Suimasen ga, sekkaku desukedo. (Xin lỗi, anh đã mất công mời mà…) (Keizo Osamu, Sanada Nobihiro, Kaiteishinpan Nihongokyoshi Youseikouza Tekisuto 1, Hyu-man Akademi-, 2004, tr. 67) Trong hội thoại trên, Arakawa muốn mời Satou đi ăn cùng mình nhưng không trực tiếp đề nghị ngay mà bắt đầu bằng cách đưa ra thông tin về việc có một nhà hàng mới, rồi hỏi Satou đã ăn đồ Thái bao giờ chưa, Satou trả lời là rất thích đồ Thái (tức là đã ăn đồ Thái rồi). Dựa vào câu trả lời của Satou, Arakawa đã đưa ra lời mời của mình khá hợp lý và có vẻ như rất dễ được chấp nhận. Có thể thấy ở đây lối nói vòng vo trong việc đưa ra lời mời của Arakawa. Và cách Satou từ chối cũng thể hiện rõ lối vòng vo, gián tiếp trong giao tiếp của người Nhật. Satou không nói luôn là “Không” hay “Xin lỗi, em không muốn đi” – cách nói rất trực tiếp để từ chối vì muốn tránh việc đe dọa thể diện dương tính của Arakawa, đồng thời cũng là để không bị đánh giá là người thiếu lịch sự. Thay vào đó, Satou dùng cách nói ngập ngừng để từ chối một cách gián tiếp. Arakawa phải tự suy ra ý của Satou từ cách Satou trả lời. Qua phân tích hội thoại trên, có thể thấy lối tư duy vòng vo của người Nhật được thể hiện rất rõ nét trong giao tiếp, cụ thể ở đây là hành vi thỉnh cầu và từ chối. Khi thực hiện hành vi thỉnh cầu thì lối tư duy vòng vo của nhóm ngôn ngữ Oriental được bộc lộ rõ nét. Hơn nữa, hành vi thỉnh cầu có tính đe doạ thể diện cao, để tránh được điều đó người thỉnh cầu phải điều chỉnh bằng những cách thức khác nhau ở các cộng đồng có nền văn hóa khác nhau. Đồng thời thỉnh cầu đòi hỏi người nói phải khéo léo tìm được hình thức ngôn từ để diễn đạt sao cho người nghe chấp nhận lời thỉnh cầu của mình. Điều này phụ thuộc vào cách thỉnh cầu. Và thỉnh cầu gián tiếp thay vì thỉnh cầu trực tiếp được coi là một giải pháp hữu hiệu để người nói đạt được mục đích giao tiếp của mình, giảm được mức độ đe dọa thể diện, tránh đổ vỡ giao tiếp và duy trì được cuộc thoại. Cách nói gián tiếp, “nói vòng” này đòi hỏi giữa người nghe và người nói phải có chung tri thức nền văn hóa, tâm lí dân tộc để có cách suy nghĩ, suy luận giống nhau và tránh hiểu sai ý. Thỉnh cầu trực tiếp hay gián tiếp là một biểu hiện đặc trưng của các ngôn ngữ thuộc nền văn hóa Á Đông, cụ thể ở đây là tiếng Việt và tiếng Nhật. 3.1.1. Tính trực tiếp – gián tiếp trong lời thỉnh cầu của tiếng Việt Lời thỉnh cầu trong tiếng Việt có thể được biểu hiện bằng những cấu trúc khác nhau như: cấu trúc mệnh lệnh, cấu trúc nghi vấn, cấu trúc trình bày, cấu trúc tỉnh lược [10, 35]. Theo phân tích của Vũ Thị Thanh Hương [16] thì một lời thỉnh cầu được coi là trực tiếp nếu hành vi thỉnh cầu được biểu hiện ở cấu trúc mệnh lệnh, ví dụ: Đóng cửa lại! Nộp luận văn đi! Hay trong phát ngôn có mệnh đề chính là cấu trúc mệnh lệnh, ví dụ: câu thỉnh cầu thông tin: “Mấy giờ rồi?” có thể xuất hiện trong các câu có cấu trúc mệnh lệnh “(Anh xem hộ tôi) mấy giờ rồi!”. Hoặc câu có động từ tình thái biểu hiện ý thỉnh cầu, ví dụ: Nhờ anh chỉ cho tôi đường tới bưu điện Yêu cầu mai anh đến gặp tôi! Còn lời thỉnh cầu gián tiếp không được biểu hiện bằng cấu trúc mệnh lệnh mà bằng các dạng thức cú pháp khác (câu hỏi, câu trần thuật có đích ngôn trung thỉnh cầu) nhưng có thể suy ra được bằng phép suy ý. Lời thỉnh cầu gián tiếp không áp đặt và tăng quyền quyết định hành động cho người nghe, do đó mà tính lịch sự cao hơn lời thỉnh cầu trực tiếp. Theo Leech (Dẫn lại [, 83]) thì ông cho rằng có thể tăng mức độ lịch sự trong lời thỉnh cầu bằng cách tăng hành vi ngôn ngữ gián tiếp. Tuy nhiên điều này dường như không đúng trong tiếng Việt. Trong tiếng Việt không phải lúc nào gián tiếp cũng đồng biến với lịch sự. Sở dĩ như vậy vì trong tiếng Việt

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doc14188.DOC
Tài liệu liên quan