MỤC LỤC
Trang phụbìa
Lời cảm ơn
Kí hiệu các từviết tắt trong luận văn
Mục lục
MỞ ĐẦU
Chương 1: THỜI ĐẠI LÝ TRẦN VÀ TUỆTRUNG THƯỢNG SĨ
1.1. Bối cảnh lịch sử– xã hội thời Lý Trần . 16
1.2. Phật giáo Thiền tông thời Lý Trần . 21
1.3. TuệTrung Thượng sĩ– thân thếvà hành trạng . 28
Chương 2: NHỮNG ĐÓNG GÓP VỀNỘI DUNG – TƯTƯỞNG CỦA
TUỆTRUNG CHO THƠTHIỀN VIỆT NAM
2.1. Tưtưởng “tuỳduyên”. 35
2.2. Tinh thần phá chấp triệt để. 40
2.3. Tinh thần tựtin vào bản thân. 48
2.4. Tinh thần dung hợp Tam giáo . 54
Chương 3: NHỮNG ĐÓNG GÓP VỀNGHỆTHUẬT CỦA TUỆ
TRUNG CHO THƠTHIỀN VIỆT NAM
3.1. Vềngôn ngữ. 61
3.2. Vềhình tượng nghệthuật . 69
3.2.1. Con người . 69
3.2.2. Thiên nhiên . 81
3.2.3. Không gian nghệthuật. 86
3.2.4. Thời gian nghệthuật. 89
3.3. Vềgiọng điệu . 95
3.4. Vềthểloại và kết cấu . 102
KẾT LUẬN .111
TÀI LIỆU THAM KHẢO
THƯMỤC TÁC PHẨM CỦA TUỆTRUNG
132 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 4722 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Những đóng góp của Tuệ Trung thượng sĩ cho thơ thiền Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
bàn về
tâm nguyên, diệu tính... còn có thể kể đến bài Không đề của Huệ sinh, bài
Tính diệu của Ngộ Ấn, bài Thị chư Thiền lão tham vấn Thiền chỉ của Lý
Thái Tông... ở đời Lý. Đầu đời Trần, Trần Thái Tông có nói: “Ôi những
người học đạo chỉ cần thấy tính” (Bàn về tọa thiền). Theo vua “tính” là đối
tượng của sự tu chứng, “tính” chính là Phật tính hiện hữu trong tâm thức của
mỗi con người. Người cho rằng mục tiêu của sự tu đạo là trở về tìm lại tính
siêu việt lâu nay đã bị vọng tâm che mất. “Hãy quay đầu nhìn lại trong nội
tâm” hay “nếu có thể quay sang phản chiếu lại mình thì sẽ được thấy tánh mà
thành Phật”(Khóa hư lục). Vì thiền gia này cho rằng: “Phật thân tức ngã
thân thị, vô hữu nhị tướng” (Thân ta tức là thân Phật, không có hai tướng –
Bàn về niệm Phật).
Trên nền tảng tư tưởng của các bậc tiền bối, cái mới của Tuệ Trung là
triệt để nhấn mạnh kêu gọi con người từ bỏ sự tìm cầu bên ngoài để trở về với
chính mình, lắng nghe sự diệu kì của Phật tính trong chính ta. Thượng sĩ đã
nhiều lần xác định mạnh mẽ: “Lông mày ngang, lỗ mũi dọc; Phật và chúng
sinh đều cùng một bộ mặt mà thôi” [58, B.106], “xưa không có Tâm, nay
không có Phật” [58, B.103]. Nhưng do vọng niệm, vô minh, con người cứ
chạy theo bóng dáng hư ảo mà quên mất bản thân mình. Tuệ Trung nhấn
mạnh sự cần thiết phải quay về với chính mình. Bởi vì muốn nhận thức được
ánh sáng của Phật pháp, mỗi người phải vận dụng đến khí lực của mình,
không thể ỷ lại, nương nhờ vào kẻ khác. Trong bài Thị học, ông viết:
Báo quân hưu ỷ tha môn hộ,
Nhất điểm xuân quang xứ xứ hoa.
Dịch nghĩa:
Báo cho anh biết đừng dựa vào cổng ngõ người khác,
Chỉ một chấm sáng mùa xuân vừa lóe hiện thì khắp chốn
đều nở hoa.
(Gợi bảo người học đạo)
Khi tiết trời đến độ thì trăm hoa sẽ đua nở, nhưng muốn ngửi mùi
hoa vi diệu ấy ta phải ngửi bằng mũi của chính mình. Cũng như khi đói tự
mình ăn mới no, khi ngứa phải tự mình gãi mới thỏa, không một ai có thể làm
thay công việc ấy cho ta:
Gãi ngứa đâu phải ngứa của người,
Đói ăn chính thật bụng nhà ngươi.
(Đối cơ)
Sở dĩ con người ngộ được đạo là vì sẵn có Phật tính trong mình, tự nó
viên thành, chẳng tìm cầu bên ngoài mà được. Xưa nay những hình thức tìm
cầu bên ngoài chỉ là những thứ rêu phong bám vào đạo Phật, thứ con người
bắt chước nhau “chẳng những chôn vùi mất giáo pháp của tổ tông mà còn làm
cho yêu ma nổi dậy, tự mình lại ám ảnh cả mình” [58, B.103]. Vì thế Tuệ
Trung luôn nhắc nhở con người: “đừng tìm Thiếu Thất với Tào Khê”, cũng
“chớ tìm Nam Bắc với Đông Tây” [58, B.98]. Ông kêu gọi họ:
Dục cầu tâm,
Hưu ngoại mịch.
Bản thể như như tự không tịch.
Niết bàn sinh tử mạn la lung,
Phiền não Bồ đề nhàn đối địch.
(Phật tâm ca)
Dịch nghĩa:
Muốn tìm tâm,
Đừng tìm ở bên ngoài;
Bản thể của nó cứ như thế và không tịch.
Niết bàn và sinh tử ràng buộc lỏng lẻo thôi,
Phiền não và Bồ đề coi thường cả sự đối nghịch của
chúng.
(Bài ca tâm và Phật)
Ông đề xuất con người hãy quay về tìm lấy trong mình tinh thần trẻ thơ
còn hồn nhiên chân chất, còn nguyên vẹn Phật tính, chưa bị sắc tướng làm
cho sai lạc:
Thế gian nghi vọng bất nghi chân,
Chân vọng chi tâm diệc thị trần.
Yên đắc nhất cao siêu bỉ ngạn,
Hiếu tham đồng tử diện tiền nhân.
(Thị chúng, B.68)
Dịch thơ:
Dối ưa thực ghét, ấy trò đời,
Thực dối tâm kia, bụi cả thôi.
Muốn nhảy cho cao, sang bến nọ,
Hỏi xem con trẻ, có như lời?
(Gợi bảo mọi người – Huệ Chi dịch)
Bởi vì lòng chúng nhân vốn nhiễu loạn nên thường bị thế giới hiện
tượng làm cho sai lạc. Nếu giữ được tinh thần vô ưu của “đồng tử” thì sẽ tìm
được “cái thân vàng cao quý nhất của Phật Di Đà ở ngay trong lòng” [58,
B.80].
Về sau phát huy tư tưởng của ân sư, Trần Nhân Tông trong Cư Trần
lạc đạo phú cũng tha thiết kêu gọi:
Bụt ở trong nhà,
Chẳng phải tìm xa.
Nhân khuấy bản nên ta tìm Bụt;
Đến cốc hay chỉn Bụt là ta.
Tục ngữ Việt Nam ta có câu: “Bụt trong nhà mà lại đi cầu Thích Ca
ngoài đường”. Bụt ở đây chính là đức Phật, còn nhà là tâm của chúng ta. Trần
Nhân Tông cho rằng Phật có trong chính tâm của chúng ta, chẳng cần tìm ở
đâu xa xôi, tìm Phật hãy quay lại nội tâm mà tìm. Chân tính của chúng ta lúc
nào cũng nằm nguyên ở đó, nhưng do “khuấy bản”, vô minh, vọng tâm nổi
lên che lấp nên ta không thấy. Nếu chúng ta cứ cố chạy theo ảo ảnh bên ngoài
thì ta càng cố tìm, Phật càng xa. Trần Minh Tông trong Giới am ngâm, phát
huy tư tưởng cuả người đi trước cũng nâng con người lên ngang tầm với Phật:
“Hưu hưu ngoại mịch khổ thi công. Phất phất tị khổng cổ kim đồng” (Rốt
cuộc đừng tìm kiếm bên ngoài vô ích; lỗ mũi phập phồng thở xưa nay đều
như nhau). Huyền Quang luôn ý thức về tự tính giác ngộ sẵn có ở mỗi người:
“Cốc được tính ta nên Bụt thực. Ngại chi non nước cảnh đường xa” (Vịnh
Vân Yên tự phú). Pháp Loa trong bài Thượng thừa tam học khuyến chúng
phổ thuyết thì khuyến cáo: “Phù học Phật chi lưu, tiên tu kiến tính” (Người
học Phật, trước tiên cần thấy tính). Nhờ tính mà con người nhìn nhận mọi vấn
đề trên cơ sở bình đẳng, không chịu chi phối bởi một thế lực nào.
Trở lại với Tuệ Trung, ta thấy từ chỗ nhìn nhận đúng tầm quan trọng
của cái Tâm, Thượng sĩ đã truyền cho con người sự tự tin mạnh mẽ: “Thanh
văn ngồi Thiền, ta không ngồi; Bồ Tát thuyết pháp, ta nói thực” [58, B.105].
Thượng sĩ không buộc con người vào chính pháp nào. Theo ông khi con
người đạt đến cái tâm vi diệu thì chẳng cần niệm Phật hay tu Thiền nữa:
Đường trung đoan tọa, tịch vô nghiên
Nhàn khán Côn Luân nhất lũ yên.
Tự thị quyện thời tâm tự tức,
Bất quan nhiếp niệm, bất quan Thiền.
Dịch nghĩa:
Ngồi ngay ngắn giữa nhà, lặng lẽ không nói
Thảnh thơi nhìn một tia khói trên núi Côn Luân.
Khi nào mỏi mệt thì tâm tự tắt,
Chẳng cần niệm Phật, chẳng cần Thiền.
(Chợt hứng làm thơ)
Nói như thế nghĩa là Tuệ Trung đã thể hiện lòng tin mạnh mẽ ở con
người. Chính điều này đã góp phần làm nên tinh thần tích cực, hào khí của
thời đại và theo nhận xét của giáo sư Cao Xuân Huy, đó là “tinh thần cách
mạng của đạo Thiền”. Tinh thần ấy giúp con người làm chủ bản thân mình,
hợp thành sức mạnh to lớn có thể đè bẹp đế quốc xâm lăng hùng mạnh bậc
nhất thời đó.
2.4. Tinh thần dung hợp Tam giáo
“Tam giáo đồng nguyên” là thuật ngữ chỉ sự kết hợp, dung hòa cả tinh
thần Nho – Phật – Đạo. Đây không phải là hiện tượng riêng biệt ở Việt Nam
mà là hiện tượng chung trong lịch sử tư tưởng của người phương Đông. Quan
niệm “Tam giáo đồng nguyên”, theo tác giả Nguyễn Công Lý trong Văn học
Phật giáo thời Lý Trần - diện mạo và đặc điểm, có từ thời Ngụy Tấn Nam
Bắc triều. Người bắt đầu thể hiện tinh thần này là đạo sĩ Cát Hồng, sau đó
được đạo sĩ Đào Hoằng Cảnh phát triển thêm. Quan niệm này có ảnh hưởng
mạnh mẽ đến các nhà sư của phái Hoa Nghiêm tông, phái Thiền Lâm Tế
Nghĩa Huyền và Tào Động thời Lục triều – Tùy Đường. Tác giả Nguyễn
Công Lý còn dẫn lời của sư Tông Mật (tổ thứ 5 của phái Hoa Nghiêm Tông):
“Khổng Tử, Lão Tử, Thích Ca đều là bậc chí thánh, tùy thời đem ứng dụng
vào vật, giáo lí tuy khác đường, nhưng nội ngoại đều có thể hỗ trợ cho nhau.
Muôn việc cần đến đều dựa vào tam giáo” [46, tr.214-215]. Tư tưởng này còn
ảnh hưởng đến các nhà nho đời Tống. Các nhà Nho nổi tiếng như Chu Đôn
Di, Trình Hiệu, Trình Di, Chu Hy đã xây dựng thuyết âm dương ngũ hành,
luận thuyết lí khí trên cơ sở tận dụng triệt để tư tưởng của Thiền tông.
Quan niệm “Tam giáo đồng nguyên” ngay từ thời Bắc thuộc đã xâm
nhập vào Việt Nam và thể hiện sự ảnh hưởng suốt thời kì trung đại, trong đó
có thời đại Lý Trần. Vua Lý Nhân Tông là một trong những người thể hiện rõ
tinh thần dung hợp này. Vua là người sùng mộ đạo Phật, song cũng chú ý đến
Nho giáo. Chính người đã lập ra chế độ khoa cử để chọn nhân tài, đồng thời
mở trường Quốc tử giám để đào tạo trí thức Nho học. Nhiều nhà sư tu đạo
Phật, nhưng vẫn tham gia công việc chính sự (ví dụ thiền sư Vạn Hạnh giúp
Lý Thái Tổ lên làm vua). Sang đầu đời Trần, Trần Thái Tông cũng cho rằng:
Khổng Tử, Lão Tử, Phật Thích Ca gần nhau về tư tưởng cũng như hành động
cầu đạo. Mà đạo theo Trần Thái Tông chỉ có một. Ông viết: “Nơi thân mệnh
là đáng trọng nhưng cũng chưa trọng bằng cái đạo tối cao. Cho nên Khổng Tử
nói: Sớm nghe đạo, chiều chết có thể được rồi. Lão Tử nói: Ta sở dĩ có điều
to lớn là vì ta có cái thân. Đức Thế tôn cầu đạo quên mình cứu hổ. Há chẳng
phải ba bậc thánh nhân quên thân mình mà trọng đạo đó sao?” (Phổ khuyến
phát bồ đề tâm).
Kế tục Trần Thái Tông, Tuệ Trung đã thể hiện rõ tinh thần dung hợp
tam giáo trong cách sống ở đời lẫn sáng tác của mình. Trong kháng chiến
chống quân Nguyên – Mông của nhà Trần, ông đã hơn hai lần đem tài năng
thao lược của mình ra giúp đất nước. Lúc đó con người của Thượng sĩ đã thể
hiện thật trọn vẹn tinh thần của kẻ sĩ theo Nho giáo: “Làm trai cho đáng nên
trai. Xuống Đông, Đông tĩnh; lên Đoài, Đoài yên” (Ca dao). Song con người
không ngại xông pha trận mạc ấy đồng thời cũng là một thiền gia, lại có
phong thái tiêu dao của Lão Trang. Đất nước thái bình, Tuệ Trung không ngại
khó đến tham vấn Thiền học cùng thiền sư Tiêu Dao. Khi lãnh hội được yếu
chỉ, Thượng sĩ lấy việc tu Thiền làm thú vui, lui về điền trang sống đời bình
dị, không màng đến danh lợi. Tuệ Trung đã sống đúng với tinh thần “hòa
quang đồng trần”, trộn lẫn cùng thế tục, hòa mình với cuộc đời, luôn giữ thái
độ hòa nhã, không ngần ngại tiếp nối chánh pháp, dìu dắt người mới học đạo.
Thơ văn của Tuệ Trung là sáng tác của một thiền gia, dĩ nhiên thấm
đẫm chất Thiền như đã bàn đến ở ba mục trên (mục 2.1; 2.2 và 2.3). Song tư
tưởng của ông qua thơ văn cũng thể hiện tương đối rõ nét tinh thần của Đạo
giáo. Khi làm tròn đạo vua tôi, Tuệ Trung không do dự trở về thái ấp được
phong để tu tâm dưỡng tánh. Ông đặt nơi ở của mình là “Dưỡng Chân” nhằm
trút bỏ mọi ảo vọng, giữ lấy chân tính:
Suy táp hình hài khởi túc vân,
Phi quan, lão hạc tị kê quần.
Thiên thanh vạn thúy mê hương quốc,
Hải dốc thiên đầu thị dưỡng chân.
(Dưỡng chân)
Dịch thơ:
Tấm thân suy yếu kể chi mà,
Hạc nội nào đâu lẩn tránh gà.
Muôn tía ngàn xanh tràn đất nước,
Chân trời góc biển dưỡng tình ta.
(Nuôi dưỡng chân tính – Đỗ Văn Hỷ dịch)
Khi đạt đạo Thiền, Tuệ Trung sống thật an nhiên, tự tại. Thật khó tách
bạch đâu là tư tưởng “tùy duyên” của Phật giáo, đâu là tinh thần“vô vi” phóng
nhiệm của Lão Trang trong đoạn thơ này:
Đằng thử vô đoan tiệm tiệm xuân,
Quy lai chung lão quý sơn lâm.
Sài môn mao ốc cư tiêu sái,
Vô thị vô phi tự tại tâm.
(Tự Tại)
Dịch thơ:
Nanh chuột dây bìm cứ lấn xâm,
Về thôi già gửi chốn sơn lâm.
Nhà tranh cửa liếp phong quang chán,
Phải trái đều không, tự tại tâm.
(Tự tại – Đào Phương Bình dịch)
Thiền sư vui cùng rừng núi, sống hài hòa với thiên nhiên vạn vật. Ông
làm theo đúng tinh thần “vân du” (đi ngao du, thưởng ngoạn cảnh để nhàn
tâm), “ly phàm thế” (không bận tâm vào cõi phàm trần) trong luận thứ hai và
thứ mười lăm của Toàn chân giáo, đúng hơn là Đạo giáo. Như ở bài Giang hồ
tự thích này chẳng hạn:
Tiểu đĩnh trường giang đãng dạng phù,
Du dương trạo bát quá than đầu.
Dịch thơ:
Sông dài, thuyền nhỏ nổi lênh đênh,
Cất mái chèo qua đoạn thác ghềnh.
(Vui thích giang hồ – Đào Phương Bình dịch)
Con người rong chơi ở đây không phải là con người bị trói buộc bởi
giáo lí Phật giáo, mà là con người đạt đạo thuận theo lẽ tự nhiên.
Tư tưởng của Tuệ Trung phần nào cũng phảng phất nét xuất xử của
Nho gia. Nếu Khổng Phu Tử xưa kia chọn con đường rút khỏi chốn quan
trường để tránh sự thị phi, đua chen danh lợi, thì nay Tuệ Trung phát huy thái
độ xử thế “dụng tắc hành, xã tắc tàng”. Đó là lối hành xử vừa mang tính “tùy
duyên” của Thiền tông, vừa đậm phong thái nhà Nho. Trong thơ văn của
mình, đôi khi Thượng sĩ cũng bộc lộ nỗi niềm canh cánh cho cuộc đời “thanh
trọc” như một nhà Nho nhập thế:
Đa tàm thân trọc phùng thì trọc
Tiểu lộ tâm thanh ngộ quốc thanh.
(Thoái cư)
Dịch thơ:
Thẹn cho thân đục, đời đang đục
Vui với lòng thanh, nước cũng thanh.
(Lui về – Đào Phương Bình dịch)
Có lúc thiền gia này lại tự xem mình như một “cây thông xanh” có khả
năng làm rường cột cho đất nước, nhưng vì không hợp thời hay vì quá yêu
mến cảnh đẹp của núi rừng với “cỏ nội hoa nhàn đầy cả trước mắt” nên chưa
thể sử dụng hết tài năng:
Đống lương vị dụng nhân hưu quái,
Dã thảo nhàn hoa mãn mục tiền.
(Giản đề tùng)
Dịch thơ:
Rường cột chưa dùng người chớ lạ,
Hoa nhàn cỏ nội khắp xung quanh.
(Cây thông dưới khe – Đào Phương Bình dịch)
Hay trong bài Trừu thần ngâm, ông bày tỏ: “người đời có thịnh thì có
suy, hoa kia có tươi thì có héo, quốc gia có hưng thì có vong...”. Rồi ông tự
khuyên mình: “Về thôi! Ẩn đạo nơi núi rừng”. Tuy nhiên như đã khẳng định,
Tuệ Trung tuy xuất thế rong chơi, song chưa bao giờ xa lánh cõi trần. Đạo với
Thượng sĩ là cuộc đời. Tư tưởng ấy phải chăng là tư tưởng mà sau này
Nguyễn Trãi nhắc đến trong chùm thơ Bảo kính cảnh giới:
Ơn tư là ấy yêu dường chúa,
Lỗi thác vì nơi lụy bởi danh.
Bui có một niềm trung hiếu cũ,
Chẳng nằm thức dậy nẻo ba canh.
(Bài 31)
Sự dung hòa tam giáo trong sáng tác của Tuệ Trung thể hiện khá rõ
trong nhiều tác phẩm. Nhưng nổi bật nhất phải kể đến bài Phóng cuồng
ngâm. Lúc Thượng sĩ viết:
Trời đất liếc trông chừ, sao mênh mang!
Chống gậy nhởn nhơ chừ, phương ngoài phương!
Hoặc cao cao chừ, mây đỉnh núi,
Hoặc sâu sâu chừ, nước trùng dương.
…
Ối ối! Giàu sang chừ, lưng trời mây nổi,
Chà chà! Năm tháng chừ, bóng ngựa lướt qua.
(Huệ Chi và Đỗ Văn Hỷ dịch)
là ông thể hiện tinh thần của Lão Trang phóng khoáng, tiêu dao, tự tại, xem
phú quý trên đời như giấc mộng, như áng mây. Song đây cũng là tác phẩm thể
hiện tinh thần phá chấp triệt để với lối hành xử hợp nơi, hợp thời rất tích cực
của Phật giáo:
Đói thì ăn chừ, cơm tùy ý
Mệt thì ngủ chừ, làng không làng!
Hứng lên chừ, thổi sáo không lỗ
Lắng xuống chừ, đốt giải thoát hương!
Mỏi nghỉ tạm chừ, đất hoan hỉ,
Khát uống no chừ, nước thênh thang!
(Huệ Chi và Đỗ Văn Hỷ dịch)
Đồng thời cũng bộc lộ những cảm khái trước cuộc đời của nhà Nho và
quan niệm “hành tàng” của Nho giáo:
Nói sao chừ, chông gai bể hoạn,
Tạm quen chừ, ấm lạnh thói thường.
Sâu thì dấn chừ, nông thì xắn vén,
Dùng thì làm chừ, bỏ thì ẩn tàng.
(Huệ Chi và Đỗ Văn Hỷ dịch)
Toàn bộ sáng tác của Tuệ Trung, không chú trọng vào mục đích bộc lộ
tư tưởng của Nho giáo và Đạo giáo. Tuy nhiên tinh thần “Tam giáo đồng
nguyên” của cả thời đại đã tác động mạnh mẽ đến Thượng sĩ. Đến lượt mình,
ông đã đem tư tưởng Thiền uyên thâm hòa đồng tự nhiên với tinh túy của Nho
và Đạo tạo nên thứ tư tưởng đặc biệt khiến người đời ca tụng. Hòa nhập đạo
với đời, phát huy tinh thần viên dung Nho – Phật – Đạo đã khiến cho thơ văn
Lý Trần nói chung, thơ thiền của Tuệ Trung nói riêng nhuốm một sắc màu
riêng biệt.
Chương 3:
NHỮNG ĐÓNG GÓP VỀ NGHỆ THUẬT CỦA TUỆ TRUNG
CHO THƠ THIỀN VIỆT NAM
3.1. Về ngôn ngữ
Nằm trong hệ thống chung của thơ ca phương Đông, ngôn ngữ thơ
thiền Việt Nam mang đặc trưng cơ bản là tính hàm súc. Nói khác đi là tiết
kiệm ngôn từ đến mức tối đa và cốt khơi gợi hơn là tham vọng diễn đạt trọn
vẹn đối tượng. Thêm vào đó thơ thiền chịu ảnh hưởng sâu sắc của triết lí “trực
chỉ nhân tâm” nên càng có xu hướng đạt đến mức cao nhất của tính hàm súc.
Tính chất này kéo theo nó những biện pháp nghệ thuật tương hợp là tượng
trưng, ẩn dụ và điển cố. Thơ thiền của Tuệ Trung nằm trong hệ thống thơ
thiền Lý Trần nói riêng, thơ thiền Việt Nam nói chung nên tất yếu không nằm
ngoài quy luật này. Việc Thượng sĩ sử dụng hệ thống Thiền ngữ, những điển
cố, điển tích, cách diễn đạt vô ngôn, phi lôgic là minh chứng.
Những dịa danh chỉ nơi đất Phật hoặc gắn với những điển tích nhà Phật
được Tuệ Trung sử dụng với mật độ khá cao: Tào Khê (3 lần), Thiếu Thất (4
lần), Hoàng Mai (2 lần)... Đi kèm với nó là những hình ảnh mang tính chất ẩn
dụ và các điển tích, điển cố. Sự kết hợp ấy khiến các câu thơ với từ ngữ ngắn
gọn nhưng gợi ra cả một câu chuyện xưa. Thơ thiền của Tuệ Trung vì thế đã
đạt đến trình độ cô đọng về văn bản và gợi mở về ý tứ. Bài thơ Thị học là một
ví dụ:
Học giả phân vân bất nại hà,
Đồ tương linh đích khổ tương ma.
Báo quân hưu ỷ tha môn hộ,
Nhất điểm xuân quang xứ xứ hoa.
Đỗ Văn Hỷ dịch:
Học đạo mênh mang có ai hay,
Gạch đem mài gạch, nhọc nhằn thay!
Cửa người anh hãy thôi nương dựa,
Một ánh xuân về hoa đó đây.
(Gợi bảo người học đạo)
Để khuyên bảo học trò, Tuệ Trung dẫn dắt người học tìm về câu nói
của Mã Tổ (tổ thứ nhất của phái Thiền Tào Khê) với Bách Trượng: ngồi thiền
không thể thành Phật cũng như mài ngói không thể thành gương. Hoặc qua
câu chuyện con cá măng nhảy lên ngọn trúc trong bài Chí đạo vô nan, Tuệ
Trung đã phê phán thật triệt để cái tâm vọng tưởng, phân biệt của con người.
Người học đạo còn giữ cái tâm này thì dù có cố gắng cũng chỉ như con cá
măng kia nhảy lên ngọn trúc rồi rớt xuống nước một cách uổng công.
Ngôn ngữ trong thơ thiền Tuệ Trung còn mang tính chất nghịch ngôn,
phi lôgic. Nó vượt qua ý nghĩa trong suy luận thông thường để diễn đạt như
một thứ kí hiệu siêu ngôn ngữ. Lúc này ngôn ngữ không còn mang ý nghĩa
diễn đạt thông thường mà biến thành phương tiện khơi dậy tính tò mò nơi
người nghe, người đọc, đánh thức người học đạo, từ đó đem lại sự khai sáng
bất ngờ. Trong bài Tâm vương để giải thích cho vấn đề “bản lai diện mục”,
tức tính nguyên thủy của vạn vật, Tuệ Trung nói:
Tâm vương vô tính diệc vô hình,
Nhãn tự ly châu dã bất minh.
Dục thức giá ban châu diện mục,
Ha ha nhật ngọ đả tam canh.
Dịch nghĩa:
Vua tâm không tướng cũng không hình,
Dù mắt sáng như hạt châu dưới cằm con rồng cũng không
thấy được.
Muốn biết được “khuôn mặt thực” của nó,
A ha! Giữa trưa ngủ tít đến canh ba.
(Vua tâm)
Lối giải thích mang tính nghịch ngôn như thế này là một đặc trưng nổi
bật của thơ thiền Lý Trần. Đó là cách truyền giảng đặc trưng của nhà Phật.
Thiền sư Huệ Sinh đời Lý cũng sử dụng kiểu ngôn ngữ này khi đáp lời vua Lý
Thái Tông hỏi về nguồn tâm:
Pháp bản như vô pháp,
Phi hữu diệc phi không.
Nhược nhân tri thử pháp,
Chúng sinh dữ Phật đồng.
(Đáp Lý Thái Tông tâm nguyên chi vấn)
Dịch thơ:
Pháp tướng vốn như không có pháp,
Mơ màng như có lại như không.
Pháp này ví có người am hiểu,
Thế tục – Như Lai một chữ đồng.
(Nam Trân dịch)
Nếu Huệ Sinh khẳng định “Pháp tướng” là “không có pháp” thì với Tuệ
Trung “khuôn mặt thực” là “giữa trưa ngủ tít tới canh ba”, tức hãy sống, sinh
hoạt theo nhu cầu tự nhiên. Lối viết nghịch ngôn này khiến bài Tâm vương
của Tuệ Trung vừa gợi được sự chú ý, vừa tạo ra cách giải thích ngắn ngọn
cho vấn đề phức tạp của Thiền. Cũng với tác dụng nhấn mạnh này, đi kèm với
ngôn ngữ mang tính chất nghịch ngôn là những cặp từ đối lập. Chẳng hạn
như:
Thạch hổ giảo kim dương.
Thiên địa do đàn chỉ
Sơn xuyên đẳng thấu thanh.
(Thị đồ)
Dịch thơ:
Hổ đá cắn dê vàng.
Trời đất ngón tay gẩy,
Non sông, tiếng dặng khan.
(Gợi bảo học trò – Huệ Chi dịch)
Hay:
Tam sinh thúc hốt chân phong chúc,
Cửu giới tuần hoàn thị nghĩ ma.
(Đốn tỉnh)
Dịch thơ:
Ba sinh: gió thổi, đuốc lòe tắt,
Chín cõi: cối vần, kiến nhẩn nha.
(Chợt tỉnh – Huệ Chi dịch)
Các cặp đối lập này tạo nên mối tương quan biện chứng giữa cái vô
cùng – cái nhỏ bé, cái vô hình – cái cụ thể... Sự đối lập có tác dụng to lớn
trong việc đả kích quan niệm cố chấp của con người, đồng thời chứng minh
cho con người thấy mọi khái niệm đều do ý nghĩ sinh ra. Muốn diệt nó con
người phải vươn đến cái tâm không câu chấp hay vướng vào vọng niệm.
Một điểm nổi bật nữa có thể thấy trong thơ của Tuệ Trung nói riêng,
thơ thiền nói chung là tính chất “vô ngôn” của ngôn ngữ. Trong khá nhiều bài
thơ, Thượng sĩ không đề cập trực tiếp đến sự giác ngộ, không bàn về giáo lí,
song qua việc sử dụng các yếu tố mang tính chất khơi gợi trực cảm như âm
thanh, màu sắc của thiên nhiên và hành động của con người đã tạo nên một
thứ ngôn ngữ siêu việt biểu đạt được giây phút đạt đạo – thể nhập chân lí. Ví
dụ như:
Phiên thân nhất trịch xuất phân lung,
Vạn sự đô lô nhập nhãn không.
Tam giới mang mang tâm liễu liễu,
Nguyệt hoa Tây một nhật thăng Đông.
(Thoát thế)
Dịch thơ:
Xoay mình một ném vượt ra lồng,
Muôn sự đều không nhập mắt không.
Ba cõi thênh thang, lòng sáng rỡ
Trăng Tây vừa lặn, nhú vầng Đông.
(Thoát đời – Đào Phương Bình dịch)
Hay:
Tiểu đĩnh trường giang đãng dạng phù,
Du dương trạo bát quá than đầu.
Nhất thanh hà xứ tân lai nhạn,
Trắc giác thu phong biến thập châu.
(Giang hồ tự thích, B.82)
Dịch thơ:
Sông dài, thuyền nhỏ nổi lênh đênh,
Cất mái chèo qua đoạn thác ghềnh.
Một tiếng nhạn trời đâu vẳng đến,
Gió thu như đã dậy mênh mông.
(Vui thích giang hồ – Đào Phương Bình dịch)
Đó cũng là điểm nổi bật của các bài Giang hồ tự thích (B.91), bài
Phúc Đường cảnh vật. Các câu thơ gợi mở tâm tư người đọc bằng những
hình ảnh cụ thể. Bởi vì giây phút thực hiện sự hòa điệu của con người và vũ
trụ không dễ bày tỏ bằng lời, chỉ có người trong cuộc mới cảm nhận được.
Tuệ Trung đề cao sự hiểu biết của con người, sự nhận thức bằng trực cảm tâm
linh chứ không chủ trương câu nệ vào sách vở. Tính chất vô ngôn rất thích
hợp với điều đó.
Tuy nhiên, không phải lúc nào tác giả cũng chủ trương “vô ngôn”. Rất
nhiều lần ta bắt gặp trong sáng tác của thượng sĩ những ý thơ bay bổng, lãng
mạn:
- Gió mát, trăng thanh sinh kế đủ
Non xanh, nước biếc thú vui đầy.
Giương buồm sáng sớm băng mù thẳm,
Nâng sáo, chiều hôm giỡn khói mây.
(Giang hồ tự thích, B.91 – Huệ Chi dịch)
- Láng giềng cùng Quy Sơn chừ, chăn con trâu nước,
Cùng thuyền vói Tạ Tam chừ, hát khúc Thương Lương.
Thăm Tào Khê chừ, vái chào Lư Thị,
Viếng Thạch Đầu chừ, sánh vai Lão Bàng.
Vui cái ta vui chừ, Bố Đại vui,
Cuồng cái ta cuồng chừ, Phổ Hóa cuồng!
(Phóng cuồng ngâm – Đỗ Văn Hỷ và Huệ Chi dịch)
- Một phen phất áo bước thong dong,
…
Phật, Tổ rốt cùng đều chẳng lễ,
Ngọc ngân khe sớm, ánh thu trong.
(Tụng cổ – Huệ Chi dịch)
Thật khó có thể nghĩ những ý thơ này là của một nhà thiền học nổi
tiếng! Đó phải là lời thơ của một tâm hồn thi sĩ đang mở rộng lòng mình ra
đón nhận cuộc sống với tất cả sự háo hức, hăm hở của cái thú tiêu dao, chất
phóng khoáng của cái chí giang hồ. Nội dung của các bài thơ mang tính triết
lí, song hình thức thể hiện rất thanh thoát, giàu cảm xúc.
Tuệ Trung còn là một thiền gia sống giữa cuộc đời, sống cùng mọi
người. Vì vậy trong thơ của ông còn có thứ ngôn ngữ gần gũi, sống động,
mạnh mẽ khi dạy bảo các đệ tử của mình. Những câu trả lời kiểu như:
Ra vào trong nước đái trâu,
Chui rúc giữa đống phân ngựa.
Hay:
Gãi ngứa đâu phải ngứa của người,
Đói ăn chính thực bụng nhà ngươi.
trong phần Đối cơ là những câu không khó thấy trong cuộc sống hằng ngày.
Nó giống như câu nói nôm na bình thường mang tính chất khẩu ngữ, không
hề có sự gia công, trau chuốt. Cách sử dụng từ ngữ này có nguồn gốc sâu xa
từ tâm lí chuộng thực tế hơn triết lí trừu tượng, thích hướng về cuộc sống trần
thế của con người Việt Nam. Việc sử dụng kiểu ngôn ngữ này vừa có tác
dụng phản tỉnh người đọc, vừa khiến những triết lí vốn uyên áo trở nên gần
gũi hơn.
Ngôn ngữ thơ thiền Tuệ Trung còn là sự hội tụ những tinh hoa của
“tam giáo”. Thượng sĩ thường sử dụng những từ ngữ thuộc triết học Lão
Trang lẫn điển tích, điển cố của Nho gia để diễn đạt tư tưởng. Ví dụ như hai
câu thơ sau trong bài Thế thái hư huyễn:
Y cẩu phù vân biến thái đa,
Du du đô phó mộng Nam Kha.
“Y cẩu phù vân” bắt nguồn từ câu thơ của Đỗ Phủ: Thiên thượng phù
vân như bạch y; tu du biến huyễn vi thương cẩu. Nghĩa là: mây nổi trên trời
như áo trắng, phút chốc biến ảo thành chó xanh. Mượn ý thơ này, Tuệ Trung
đã làm nổi bật quan niệm vạn vật vốn là hư ảo theo tinh thần “vô vi” của Lão
Trang: cuộc đời chỉ là giấc mộng Nam Kha nên vô cùng ngắn ngủi và chóng
vánh. Sự ảnh hưởng từ Lão Trang còn thể hiện qua việc vận dụng các thuật
ngữ trong sách Trang Tử như “khúc vô sinh” [58, B.67]. Đây vốn là thuật ngữ
trong Thiên Chi nhạc: “Sát kì thủy nhi bản vô sinh, phi đồ vô sinh dã nhi bản
vô hình” (xét khởi đầu thì gốc là vô sinh, chẳng phải là vô sinh thôi mà còn là
vô hình). Tuệ Trung sử dụng thuật ngữ này để chỉ con đường giác ngộ chân lí
không sinh, không diệt của đạo Phật. Trong bài Phóng cuồng ngâm, Thượng
sĩ đã mượn chữ “hà hữu hương” từ sách Nam Hoa kinh của Trang Tử để bày
tỏ chí hướng tự do, không bị câu thúc bởi bất cứ thứ gì của mình:
Cơ tắc xan hề hòa la phạn,
Khốn tắc miên hề hà hữu hương.
Dịch nghĩa:
Đói thì ăn cơm hòa la,
Mệt thì ngủ làng “không có làng”.
(Bài ngâm cuồng phóng)
Ông còn sử dụng cả điển tích “khảo bàn” (trong Kinh Thi) và “Thương
lang” (trong Mạnh Tử) thì rõ ràng đó là chất của Khổng Mạnh. Phóng cuồng
ngâm có thể nói là tác phẩm thể hiện rõ nhất ch
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LVVHVHVN043.pdf