Luận văn Nông thôn Việt Nam trong các tiểu thuyết từ năm 1986 đến năm 2000

MỤC LỤC

Trang

Trang phụbìa

Lời cảm ơn

Mục lục

MỞ ĐẦU

Chương 1: BỨC TRANH VĂN HÓA LÀNG QUÊ TRONG BA TIỂU THUYẾT:

THỜI XA VẮNG, BẾN KHÔNG CHỒNG, MẢNH ĐẤT LẮM

NGƯỜI NHIỀU MA

1.1. Bức tranh nông thôn đa dạng với nhiều phong tục tập quán. 10

1.2. Một xã hội nhức nhối những vấn đềnóng bỏng khó giải quyết. 19

1.2.1. Nông thôn với những lí tưởng và niềm đau trong chiến tranh.19

1.2.2. Quan hệlao động sản xuất đầy khắc nghiệt. 32

1.2.3. Sự đối đầu khốc liệt giữa các dòng họ. 39

1.3. Con người nông thôn trước những biến đổi của xã hội. 44

1.3.1. Lối sống theo kiểu “một người làm quan cảhọ được nhờ”,

dựa vào uy danh dòng họ. 44

1.3.2. Sức mạnh nằm trong tay kẻlắm tiền . 50

Chương 2:BI KỊCH CỦA CON NGƯỜI NÔNG THÔN

2.1. Con người bịtrói buộc bởi uy danh dòng họ. 55

2.2. Con người nô lệcủa khát vọng quyền lực . 64

2.3. Con người cam chịu khuất phục trước định kiến của gia đình,

dòng họ. 72

Chương 3: NGHỆTHUẬT MIÊU TẢHIỆN THỰC

3.1. Bức tranh làng quê được miêu tảchân thực, cụthểmà sinh động. 82

3.2. Những người nông dân thuần chất được phát hiện dưới nhiều góc độ

tâmlí khác nhau làm nên sự đa dạng nhưng cũng đầy phức tạp của

cuộc sống sau luỹtre làng . 89

3.3. Nghệthuật miêu tảhiện thực khách quan, không né tránh, phản ánh

được bản chất xã hội nông thôn Việt Nam đương thời . 95

KẾT LUẬN. 104

TÀI LIỆU THAM KHẢO. 110

pdf117 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 1979 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Nông thôn Việt Nam trong các tiểu thuyết từ năm 1986 đến năm 2000, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
hục. Ông đã nói ra điều gì thì không ai dám lên tiếng cãi lại. Ngay cả Thủ, em trai ông, học cao biết rộng, làm đến bí thư xã mà cũng không dám chống lại ông một điều gì. Mỗi khi tới vụ gặt, nhà ông Hàm đều có anh em tới giúp. Và mỗi lần như vậy, ông Hàm đều tổ chức ăn uống hết sức chu đáo với “cá kéo sẵn dưới ao, gà nhốt sẵn trong chuồng, rượu cất từ mấy hôm trước” [52, tr.176]. Ăn uống là một cách để gia đình ông tế nhị cám ơn những người đã làm giúp, nhưng ăn uống cũng là cách ông Hàm chứng tỏ uy thế và sự sung túc của mình ngay cả với anh em họ hàng. Với gia đình, họ tộc của mình, ông Hàm tỏ ra rất uy quyền. Với gia tộc bên vợ, ông càng tỏ ra uy quyền hơn. Dòng họ nhà vợ ông nhỏ bé, lại không có con trai, đó là điều đầu tiên khiến ông không kiêng nể. Gia đình chị gái của vợ ông lại nghèo, con đông, phải chạy ăn từng bữa và đã có lần phải sang vay tạm thóc của nhà ông. Dù bà chị vợ vay rồi cũng phải trả chứ không quỵt được lấy một lạng thóc. Dù chị vợ có không trả thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến bữa cơm nhà ông. Thế nhưng, ông vẫn cứ khó chịu, vẫn cứ chì chiết, coi khinh sự nghèo khó của anh em bên vợ. Và, không ít lần, ông Hàm nói bóng gió, thậm chí chửi thẳng chị vợ và gia đình nhà vợ là “nơi cáo tha”. Không chỉ tỏ ra uy quyền với xóm làng, với anh em họ tộc xa gần mà ngay cả với vợ con, ông Hàm cũng tỏ ra cực kỳ gia trưởng, trịch thượng. Là trụ cột kinh tế trong gia đình, ông Hàm tự cho mình cái quyền được hưởng thụ, được ăn trên ngồi trốc, được hành hạ, bạc đãi vợ con. Trong cái căn nhà sang trọng bày biện toàn đồ đạc hiện đại, đắt tiền của mình, ông Hàm có thể ngồi co hai bàn chân lên chiếc ghế sa-lông đóng bằng gỗ lát chun bóng nhoáng, vần vũ những đường vân như tranh sơn mài, hay cứ việc xì bã điếu ra nền gạch men..., mặc cho vợ con ông sau đó phải quét phải lau. Ông tỏ ra uy quyền, quyết định tất cả mọi việc trong sinh hoạt hàng ngày mà không cần phải để ý, phải biết đến tâm trạng, thái độ của vợ. Ông kiểm soát việc chi tiêu. Ông gia trưởng cả trong chuyện chăn gối... Giàu có và gia trưởng khiến cho ông là một con người cũng tủn mủn như chính hình hài của ông vậy. Có những lúc nào đấy trong cuộc đời, đồng tiền sẽ thể hiện được sức mạnh vạn năng của nó. Không như thế thì làm sao nhân vật Tám lé (Mảnh đất lắm người nhiều ma) lại có thể ung dung trở về làng với một phong thái tự tin, ngẩng cao đầu trước dân làng Giếng Chùa như vậy. Ngày trước, vì nợ hợp tác như chúa chổm, Tám phải dắt díu vợ con lên vùng kinh tế mới của huyện để xí xoá hơn tấn thóc vay lãi lai rai trong vòng hơn hai năm. Ruộng, vườn, Tám phải trả cho hợp tác. Căn nhà phải gán nợ cho chủ nhiệm Vinh với giá rẻ mạt: ba sào ba tạ thóc. Hồi đó Tám nghèo nên Tám hèn. Hồi đó Tám nợ nần nên Tám sợ. Còn bây giờ, sau năm tháng tha hương, Tám đi đào vàng và may mắn trúng quả lớn. Với đồng tiền kiếm được, Tám có thể sống sung túc ở bất cứ đâu, nhưng Tám vẫn quyết tâm phải trở về làng. Bởi vì trong suy nghĩ của Tám thì “có tiền thì sống ở đâu cũng được, nhưng suy đi tính lại, Tám thấy phải về làng để đòi lại đất đai ruộng vườn đã bị mấy anh có của mua bắt bí bắt chẹt. Bây giờ Tám phải là người có máu mặt ở ngay mảnh đất cha ông. Phải sánh ngang hàng với những người xưa nay vẫn nhìn Tám như con sâu cái kiến” [52, tr.365]. Và đồng tiền, với sức mạnh của nó, đã làm một cuộc cách mạng cho thân phận con người. Ngày xưa người ta không thèm để ý đến Tám là ai, sống chết thế nào; ngày nay người ta háo hức nhìn Tám và vợ con Tám, ngầm đoán xem thực sự đằng sau cung cách ăn vận, tiêu xài , đằng sau những bộ cánh “ mới như chưa giặt lần nào, đi lại cứ sột soạt” của gia đình Tám là một gia tài đáng giá khoảng bao nhiêu. Ngày xưa ở trong làng, gia đình Tám chỉ là con ong, cái kiến; còn ngày nay người ta nói cười hể hả, thân tình với Tám. Ngày xưa Tám sống tạm bợ, chờ thời, trong cái quán cắt tóc của mình, hàng ngày Tám dài cổ ngong ngóng chờ đợi sang nhà uỷ ban để hễ bên ấy động thớt là Tám liền có mặt để được ăn chực, ăn hôi. Chính Tám là người đã truyền lại cái mánh ăn láu cá ấy cho lão Quềnh trước khi từ bỏ quê hương lên vùng kinh tế mới. Còn ngày nay, Tám có thể mua gà, mua rượu thiết đãi bạn bè và khi đến nhà chủ nhiệm Vinh, người trước đây đã cho Tám vay thóc, người đã góp phần đẩy Tám đi vùng kinh tế mới, người đã mua cả ba sào thổ cư, đất hương hoả của cha ông Tám để lại với giá ba tạ thóc..., thấy mâm cơm chỉ có rau luộc, cá kho đã nói một cách rất kể cả: “nhà ông chủ nhiệm mà ăn uống chỉ có thế này thôi à?” [52, tr.363]. Cái kiểu nói như là trước giờ Tám là người ngang hàng phải lứa với chủ nhiệm, chứ không phải là hạng ăn vay, sống nhờ. Đã vậy, Tám còn rất tự tin, đĩnh đạc yêu cầu chủ nhiệm Vinh cũng như hợp tác xã phải trả đất cho anh ta. Anh ta còn kiêu hãnh rút ra khoe vài triệu với lời giải thích đấy “chỉ là vài triệu lẻ, chỉ là cái móng tay của tôi thôi” [52, tr.364]... Đồng tiền đã giúp cho giọng nói, lời nói của một kẻ cùng đinh như Tám trở nên có thanh có sắc, hơn nữa, có gang có thép. Đồng tiền giúp cho Tám đi lại nghênh ngang, kiêu hãnh giữa làng. Đồng tiền khiến cho tay “thợ húi đầu có cặp mắt hiêng hiếng như bánh xe sang vành” [52, tr.363] càng trở nên hiếng hơn, “cứ nhìn xiên xiên như thằng ba gai” [52, tr.363]. Tóm lại, tiền đã đem lại sức mạnh cho Tám, dù rằng vẫn là một kẻ vô danh tiểu tốt, nhưng Tám đã được sống cho ra con người và có quyền yêu cầu người khác, những điều mà khi nghèo khổ, dẫu mơ Tám vẫn không thể nghĩ là mình sẽ có được những điều đó. Những kẻ không có chức mà có tiền còn tạo ra một thứ quyền lực riêng cho mình, có thể chi phối đến người khác, huống hồ một người vừa có chức, vừa có tiền như chủ nhiệm Vinh. Trong cái làng Giếng Chùa, bộ phận lãnh đạo chia năm xẻ bảy, chia bè kết phái. Các phe phái đấu đá nhau để giành quyền lực cho mình. Ấy thế mà anh em nhà Vinh cứ nhởn nhơ không chịu đứng vào phe nào, mặc cho các phe ra sức lôi kéo. Sở dĩ như vậy là vì nhiều lí do khác nhau. Thứ nhất, dù không phải là người của một dòng họ lớn trong làng nhưng anh em nhà Vinh lại là con của cô Thống Bệu, người có tài “ cai quản phần âm của làng”, mà người làng thì cho rằng làng mình rất nhiều ma nên vô cùng nể sợ, họ nể sợ luôn các con của cô khiến cho những người tai to mặt lớn trong làng cũng không dám coi nhờn. Thứ hai, anh em Vinh không phải nhờ vả bất cứ ai trong thường vụ xã. Thứ ba, Vinh lấy một người vợ gia đình khá phong lưu, vợ Vinh lại là con gái duy nhất, Vinh dù ở rể nhưng không phải chịu cảnh chó chui gầm chạn, lại còn được hưởng trọn vẹn cuộc sống sung túc, đủ đầy. Chính vì thế, Vinh càng có cớ để không phải dựa dẫm, phụ thuộc ai. Vì lẽ đó, người ta đã kính càng kính hơn, người ta đã nể càng nể hơn. Rõ ràng, một cuộc sống vật chất sung túc đã khẳng định thêm chỗ đứng, uy quyền cho chủ nhiệm Vinh. Cùng những yếu tố khác, sự giàu có cũng giúp cho Vinh thoát khỏi vòng xoáy cạnh tranh, đấu đá khốc liệt trong cuộc chạy đua giành chức, giành quyền ở xóm Giếng Chùa mà vẫn đứng vững trên vị trí của mình, từ từ hưởng lợi một cách thanh thản. Những trường hợp trên chỉ là những câu chuyện của những cá nhân riêng lẻ. Thế nhưng, chính nó cũng là những minh chứng sinh động cho nếp nghĩ nếp sống của người dân quê rằng trong cuộc sống nếu như “cả vợ chồng con cái phải bán mặt cho đất, bán lưng cho giời mới kiếm được miếng ăn thì không ai người ta trọng” [52, tr.135]. Ở các làng quê, những người có quyền, có tiền luôn có một vị thế riêng, luôn được đặt cao, luôn được trọng vọng, dẫu rằng sự trọng vọng ấy không phải lúc nào cũng song hành cùng sự yêu mến. Chẳng thế mà, người ta làm tất cả để đạt được những thứ đó, có thể đánh đổi tất cả để có được những thứ đó. Chương 2 BI KỊCH CỦA CON NGƯỜI NÔNG THÔN Con người cá nhân là dấu hiệu đầu tiên và quan trọng để nhận diện con người trong tiểu thuyết. Họ vừa là sản phẩm, vừa là chủ thể của nền văn hoá mới.Hơn nữa, khi nghiên cứu về cái nhìn của nhà văn trong tiểu thuyết hiện đại nói chung và những số phận cá nhân nói riêng thì người viết sẽ có dịp đi sâu khai phá những mảnh tâm hồn vô cùng phong phú và đầy bí ẩn.Ở đó, mỗi cá nhân là một thế giới muôn màu muôn vẻ mà cũng rất gần gũi với đặc điểm bản chất người. Trong ba tiểu thuyết: Thời xa vắng, Bến không chồng, Mảnh đất lắm người nhiều ma, sự giải phóng cái “tôi” của chủ thể sáng tạo đã làm cho những phong cách cá nhân xuất hiện với những độc đáo khác nhau. Lướt đi trên từng trang tiểu thuyết, ta sẽ bắt gặp nhiều mảnh đời với những số phận khác nhau. Người ta thường nói: hạnh phúc thì có thể giống nhau, còn đau khổ thì không ai giống ai.Quả thật vậy, ba tác phẩm với số lượng nhân vật không phải là ít, nhưng ở mỗi nhân vật, mỗi cá nhân, người đọc lại đối diện với mỗi hoàn cảnh vui, buồn, hạnh phúc, khổ đau, giàu sang, bần hàn... không hề giống nhau. Nhưng do đặc trưng của xã hội Việt Nam thời kỳ đầu đổi mới: quan niệm, lối sống, sự thay đổi cơ cấu quản lý và cơ cấu sản xuất, những chuyển động tích cực và tiêu cực trong xã hội..., con người thời kỳ này dường như đều vướng mắc một số bi kịch chung mang tính chất thời đại. Đó là bi kịch khi con người bị trói buộc bởi uy danh dòng họ. Đó là bi kịch của những con người đánh đổi tất cả cho khát vọng quyền lực. Và một bộ phận lớn những con người cam chịu, phải đè nén những khát vọng cá nhân, sống theo những giá trị được coi là chuẩn mực của gia đình, xã hội lúc bấy giờ. 2.1. Con người bị trói buộc bởi uy danh dòng họ. Một đặc điểm tâm lý được xem là phổ biến và là đặc trưng của người nông thôn Việt Nam là tự ti nhưng rất tự tôn. Mỗi con người, từ trẻ con đến người già, từ đàn bà đến đàn ông, từ người giàu sang đến nghèo hèn..., nhìn chung, họ ít tự bộc lộ mình, ít dám bày tỏ trực tiếp suy nghĩ, tình cảm của bản thân; hay nói cách khác, họ đối đãi nhau trong một quan hệ vừa câu nệ vừa du di, vừa cả nể vừa khe khắt. Thế nhưng, với gia đình, với dòng tộc, họ lại có một thái độ khác hẳn, sẵn sàng cống hiến, sẵn sàng hi sinh và sẵn sàng làm mọi điều có thể, thậm chí cả những điều không thể để tôn vinh gia đình, dòng họ mình. Việc gia đình, dòng họ được khen ngợi, nể nang cũng chính là niềm kiêu hãnh, là điều kiện để họ mở mày mở mặt với xung quanh, dù cho đời sống riêng có khó khăn đến thế nào. Thậm chí, khi người nhà lâm nạn, người ta còn có thể sẵn sàng “dù mất chức, mất quyền, mất Đảng, chứ tôi không cho ai động đến người nhà tôi” [52, tr.134]. Cái tâm thức đó tác động đến con người ở cả góc độ tích cực lẫn tiêu cực. Một mặt nó thúc đẩy con người ta phấn đấu sống tốt hơn, lành mạnh hơn vì “tiếng thơm” của gia đình. Nhưng mặt khác, nó cũng gây cho người ta biết bao bi kịch, cả những bi kịch hữu ích và những bi kịch không đáng có. Nhân vật Trịnh Bá Hàm trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma là một ví dụ điển hình. Vì mối thâm thù với dòng họ Vũ Đình mà Trịnh Bá Hàm đã mắc hết sai lầm này đến sai lầm khác. Khi nghe tin có kẻ viết đơn nặc danh tố cáo chính quyền xã, trong đó có em Hàm, vô trách nhiệm đối với cái chết của một người cô quả như lão Quềnh, ông đã sôi sục lên căm hờn vì đoán chắc đó là việc làm ném đá giấu tay của Vũ Đình Phúc. Sẵn những mối thâm thù trước đó, ông tìm cách trả thù, mà phải là cách trả thù huỷ diệt đến mấy đời, đến tận gốc rễ dòng họ nhà địch thủ. Đúng là cách trả thù của Trịnh Bá Hàm tự cổ chí kim, có lẽ ai nghe cũng phải rùng mình: “lấy âm trị dương”. Trong đêm, Trịnh Bá Hàm, theo di huấn của cha, đã cùng mấy đứa cháu và Thó (một người hàng xóm) đi đào trộm mộ bố của Vũ Đình Phúc mới chôn được ba ngày để lật sấp xác chết xuống, lấy ván thiên đóng bàn ghế đem bán lại cho con cháu người chết ngồi, hòng làm cho cả dòng họ địch thủ lụi bại, không ngóc đầu lên được. Thế mới biết vì uy tín dòng họ mà con người ta có thể làm cả những điều bất nhân, bất nghĩa, trời không dung, đất không tha, quỷ, thần và con người đều phẫn nộ. Nhưng, sự trả thù ấy không thành. Mọi việc bị phát giác, thù không trả được mà bản thân ông Hàm còn bị bắt, cha con, chú cháu bất đồng, khiến cho địch thủ được dịp hả hê: “Ông via trưởng họ mất thiêng rồi! Cá mè một lứa rồi.”, “Thế là nội bộ họ lục đục rồi! Khỉ tự vặt lông khỉ rồi” [52, tr.152]. Không chỉ có những con người “vạn cố chi thù” sung sướng mãn nguyện khi kẻ thù gặp nạn mà với những người hàng xóm, đây cũng là một sự kiện có ý nghĩa: “những người không ưa ông Hàm, không ưa họ nhà này sẽ được dịp cười cợt khích bác để hả lòng hả dạ. Kể cả những người không yêu không ghét, xưa nay không có xích mích gì, nhưng thấy một gia đình phong lưu bị sa xảy, thì họ vẫn cứ thích! Nhất là lại được nói những lời an ủi, được san sẻ nỗi lo âu với cái người quen đứng trên mình thì sự thích thú càng tăng”[52, tr.148]. Nhìn chung, uy tín cả bản thân, của em trai, của dòng họ ông đều bị dèm pha. Tiếp sau sai lầm ấy, với quyết tâm tiêu diệt bằng được kẻ thù, ông Hàm dù luôn ghen tuông vợ về mối tình thời con gái với Vũ Đình Phúc , nhưng lão vẫn ép bà Son vu cáo Vũ Đình Phúc nài ép bà quan hệ bất chính. Và chính vì điều ấy, lão đã gián tiếp giết chết người vợ suốt đời lão yêu quý nhưng chỉ nắm giữ được phần xác mà không giữ được phần hồn. Đúng như đặc tính nòi giống vật tổ mà dòng họ ông thờ, ông như một con hổ say máu, điên cuồng đấu đá cho tiếng tăm của dòng họ, quyết tiêu diệt bằng được kẻ thù. Ông có thể hi sinh tất cả mọi thứ , miễn sao được thấy kẻ thù phải chết, chết thảm hại. Nhưng cuối cùng, kẻ thù của ông vẫn sống, sống đàng hoàng; còn ông thì mất nhiều thứ, mất tất cả: mất uy tín, mất danh dự, mất sự yên ổn trong tâm hồn, mất vợ, mất con..., cái còn lại chỉ là một cuộc sống vật vờ, những đêm lén lút mò xuống nhà ngang cùng người đàn bà làm thuê. Bên cạnh Trịnh Bá Hàm, những người thân của ông cũng rơi vào vòng xoáy không lối thoát ấy. Trịnh Bá Thủ, người đứng đầu toàn xã, niềm tự hào của cả họ, em trai ông, người chia sẻ với ông trong mọi mưu mô, tính toán cũng điên cuồng đấu đá. Cái đầu khôn ngoan, thủ đoạn của Thủ luôn căng ra để phục vụ hai khát vọng: quyền lực và trả thù. Với quền lực trong tay, Thủ làm mưa, làm gió để củng cố vị trí và tiêu diệt Vũ Đình Phúc. Như kẻ bịt mắt đi trong đêm tối, say mê trả thù không biết đến điểm dừng, Thủ đã đẩy bà Son, người chị dâu cả vào một cái chết hết sức oan nghiệt, thương tâm. Bà Son về làm vợ ông Hàm vốn không phải vì tình yêu. Do mối tình đầy tai tiếng với anh giáo Phúc đã có vợ, sợ ảnh hưởng đến danh dự gia đình nên cô Son phải cắn răng lấy anh Hàm thọt, xấu xí , cục mịch : “lấy chồng là để giữ tiếng cho bố mẹ, thế là vì bố mẹ chứ đâu phải vì mình” [52, tr.241]. Để đổi lại sự im lặng của chồng, cô Son cam chịu một kiếp sống lặng lẽ như tôi đòi cho chồng, cho gia đình chồng. Và đến khi về già , bà Son lại vì chồng, vì dòng họ nhà chồng mà gặp gỡ rồi vu oan giáng họa cho người tình cũ theo sự xếp đặt của anh em Hàm, Thủ. Bị cuốn theo, bị đoạ đày bởi mối thù giữ hai dòng họ, bà đau đớn khi “kẻ vu vạ và người được vu vạ đều hùa vào làm nhục mình” [52, tr.329], khiến bà không còn thiết, không còn sợ gì nữa, bà đã mượn bến sông, nơi in dấu mối tình si của cả đời bà, để rũ bỏ tất cả. Cả cuộc đời bà sống âm thầm, cam chịu, đến khi chết cũng âm thầm, cam chịu. Không chỉ có bà Son, cô Đào, cô con gái mới lớn vô cùng xinh đẹp cũng vô tình rơi vào bi kịch một cách không cưỡng lại được. Yêu Tùng say đắm, một tình yêu vừa e ấp vừa đắm say, vừa giữ gìn vừa dâng hiến. Thế nhưng, khi hành động trả thù kinh khủng của ông Hàm bị phát giác, cô đoán ngay là do Tùng báo cho họ hàng nhà anh, bởi lúc tối, ở nơi hò hẹn, cô và Tùng đã thấy ông Hàm và mấy người nữa đi về hướng bãi tha ma của làng một cách mờ ám mà không hiểu có chuyện gì. Nghĩ như vậy, đang từ tình yêu say đắm, cồn cào, Đào chuyển ngay nó thành lòng thù hận. Đang là con người dẫm lên những lời nguyền có từ bao đời về mối thù giữa hai dòng họ, mỗi tối phải tìm cách nói dối cha mẹ ra gặp Tùng, chàng trai thuộc dòng họ Vũ Đình, một trai mà “rặt những ưu điểm! Cả khuôn mặt vuông chữ điền với nước da bánh mật của Tùng, Đào cũng thấy quanh đây chẳng anh nào ăn đứt.”[52, tr.108], Đào chuyển sang căm ghét, không thèm nhìn mặt. Đào ngầm đối đầu với mối thù hận trong lòng cha, nhưng cô cũng như ông Hàm, có ý thức quá lớn về gia đình, gia tộc mình, và cái ý thức đó cô đặt cao hơn tình yêu nên cô không thể tha thứ cho hành động bột phát thiếu suy tính của Tùng. Phần Tùng, anh luôn là người khách quan, một người đứng công bằng giữa mối hiềm khích của hai dòng họ. Ấy thế mà, khi mồ mả cha ông bị động đến, con người thông minh, nhanh nhẹn như anh cũng không đủ sáng suốt để suy nghĩ điều gì, ngoài việc phải bắt quả tang kẻ phá hoại, dù cho đó là người thân của người mình yêu. Dẫu vậy, Đào và Tùng thực ra cũng chỉ là nạn nhân của mối thâm thù giữa hai dòng họ, nạn nhân của tư tưởng ấu trĩ, ích kỉ ở nông thôn nói chung chỉ biết rào giậu, vun vén cho “gốc rễ” của mình. Một tình yêu đẹp, trong sáng, mãnh liệt buộc phải bị giết chết để người ta khẳng định danh giá gia đình, dòng họ. Thật là ngớ ngẩn! Cả một gia đình điên cuồng khẳng định và bảo vệ tiếng tăm, danh giá của mình bằng mọi cách, trong sáng và đen tối, ngay thẳng và thấp hèn... Cuối cùng, hậu quả là một gia đình tan nát, từng con người vẫn phải tự bi phẫn, day dứt ôm mối hận trong lòng. Đối đầu với dòng họ Trịnh Bá, những con người thuộc dòng họ Vũ Đình, đứng đầu là Vũ Đình Phúc cũng ăn không ngon, ngủ không yên: “dù thế nào cũng không thể để họ Vũ này bị nhục trước dân làng”, suốt ngày bươn bả, tính toán mưu mô để hạ địch thủ, tìm cách tôn vinh những con người của dòng họ mình. Với họ thì “nỗi căm tức mộ bố bị phá còn chưa sôi sục bằng thấy cả họ nhà mình bị thua thiệt” [52, tr.135]. Thế mới biết cái ý thức tự tôn, sự kiêu hãnh về nguồn gốc, dòng tộc trong con người nông thôn lớn lao như thế nào. Chỉ có điều, cả hai phe, trong quá trình thanh toán nhau không hề ý thức được một điều: cả làng đang nhìn vào hai họ này để bàn luận, để cười cợt, đàm tếu... Không biết so đọ với nhau thì dòng họ nào sẽ hơn, nhưng rõ ràng danh giá của mỗi dòng họ đều chịu tổn thất tương đối nặng nề sau mỗi cú va chạm. Cũng là con người sống hết lòng vì uy tín, danh dự bản thân và dòng họ, nhưng Nguyễn Vạn trong Bến không chồng lại rơi vào một bi kịch hoàn toàn khác. Nguyễn Vạn nhà nghèo, phải đi làm thuê cho địa chủ Hào từ nhỏ. Khi lớn lên, Vạn đi bộ đội, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đạt được nhiều chiến công nên khi về “những tấm huân chương rung rinh lấp lánh trên ngực”[52, tr.5]. Con người Vạn, từ dáng đi đến nụ cười, ánh mắt, lời nói... đều lắp lánh hào quang của những ngày oanh liệt, của chiến thắng. Thêm nữa, Vạn lại là con cháu của dòng họ Nguyễn, một dòng họ lớn, nổi tiếng, có từ đường họ to nhất làng. Chính những nhân tố đó đã tạo nên một Nguyễn Vạn cực kỳ mẫu mực, là tấm gương cho cả làng lấy đó để noi theo, để học tập và dạy dỗ con cái... Người ta nói theo Nguyễn Vạn. Người ta làm theo Nguyễn Vạn. Người ta nhìn Nguyễn Vạn đi làm để đoán giờ...Đến như lão Xung, một người già nhất trong họ cũng phải kiềng nể. Và cũng chính những nhân tố đó đã vô tình gây nên bi kịch cho đời Vạn. Vạn yêu chị Nhân, vợ liệt sĩ. Đấy là một tình yêu thầm lặng nhưng tha thiết, sâu lắng. Vạn có thể vui, buồn, hạnh phúc, đau khổ...cùng với những vui, buồn, hạnh phúc, đau khổ của mẹ con chị Nhân. Vạn có thể làm tất cả, có thể hi sinh bản thân cho hạnh phúc của mẹ con chị. Thế nhưng, tình yêu to lớn ấy không thể bước qua được ngưỡng cửa từ đường họ Nguyễn, không bước qua được lời nguyền độc của dòng họ Nguyễn tồn tại từ bao đời. Và cũng không thể vượt qua ánh hào quang của chính bản thân Vạn. Thậm chí, trong một đêm mưa gió, khi Vạn đem cá đến cho chị Nhân, không kềm lòng được, chị Nhân đã chủ động ngã vào vòng tay Vạn. Thế nhưng, Vạn không dám.Vạn sợ. Vạn sợ phải đối diện với dân làng. Vạn sợ phải đối đầu với dòng họ Nguyễn. Ngay cả khi thằng Nghĩa, cháu Vạn yêu Hạnh , con chị Nhân, Vạn cũng sợ. Vạn van xin hai đứa cháu mà mình vô cùng yêu mến đừng yêu nhau, đừng chống đối lại họ mạc. Đến nỗi Hạnh, con bé được Vạn nuôi từ nhỏ đã phải phẫn nộ lên án ông chú mà cô hằng ngưỡng mộ: “Chú hèn lắm! Chú là người không có tim.” [52, tr.64]. Nếu đúng Vạn không có tim còn đỡ, đằng này Vạn vẫn có tim, một trái tim vẫn run rẩy, vật vã, khát khô trước những người đàn bà, cả người đàn bà Vạn yêu thương kính trọng như chị Nhân, cả người đàn bà Vạn vừa sợ vừa khinh như mụ Hơn. Con người khốn khổ ấy không dám sống đúng với bản năng của mình, bản năng của một người đàn ông sung mãn, bởi lẽ Vạn sợ mình “hư hỏng” và “nếu mình mà mắc thì những thằng máu mê ở làng này nó làm loạn” [52, tr.183]. Đến tận cuối đời, người đàn ông ấy mới được hưởng hạnh phúc trần tục của con người. Nhưng cái hạnh phúc tột đỉnh ấy lại đi kèm một nỗi đắng cay, tủi hổ to lớn, vì nó được đem đến bởi chính Hạnh, con gái người ông yêu, đứa cháu gái mà ông vô cùng yêu quý, và nó được đem đến trong một đêm mưa gió, ông đang choáng váng bởi hơi men không làm chủ được mình. Người đàn ông cả đời mẫu mực ấy không gánh nổi tội lỗi khổng lồ, không gánh nổi nỗi tủi hổ của cả đời mình. Ông không dám gặp ai, nhìn mặt ai. Đối với ông, danh dự bản thân, danh dự gia đình sụp đổ hoàn toàn từ cái đêm mưa gió oan nghiệt ấy. Và khi Hạnh dắt về cho ông một đứa con gái, con chung của hai người, ông thẫn thờ với niềm hạnh phúc trái ngang ấy. Hạnh đòi đưa con về sống với ông, ông xót xa thương Hạnh, thương Nghĩa, ông đau khổ với chính mình. Cuối cùng, ông trốn tránh mọi khổ đau, dằn vặt bằng cách kết thúc cuộc đời dưới chân cầu Đá Bạc. Có thể nói Nguyễn Vạn cả đời gìn giữ cái bóng của vinh quang, gìn giữ “nhân phẩm” của bản thân và gia đình như một cô gái giữ gìn trinh tiết mà đánh mất đi cái chính yếu là bản thân mình, cá nhân mình. Ông đã tự thiêu huỷ nó để nhận thức. Cái bi kịch của dòng họ Nguyễn, bi kịch của Nguyễn Vạn đã kéo theo bi kịch của đời Hạnh. Vì mối thù của hai dòng họ, Hạnh phải chấp nhận một đám cưới không nghi lễ, không người thân, chấp nhận một đêm tân hôn phiêu bạt ngoài trời. Khi được phép về ở nhà chồng, Hạnh không chỉ gánh trên vai trách nhiệm dâu con của dòng họ Nguyễn mà cô còn phải gánh cả sức nặng lời nguyền của cụ tổ. Nghĩa đi bộ đội bị thương, không thể có con. Thế nhưng, cả dòng họ Nguyễn cho là tại Nghĩa lấy kẻ thù về làm vợ nên cụ tổ trừng phạt bị tuyệt tự. Ngay cả bà Khiên, mẹ Nghĩa, rất yêu quý Hạnh nhưng dần dần cũng bán tín bán nghi. Bản thân Hạnh, dẫu không tin nhưng cũng không khỏi chạnh lòng. Để rồi, không thể gánh nổi trách nhiệm làm dòng họ Nguyễn tuyệt tự, Hạnh phải tự rời bỏ Nghĩa. Nghĩa yêu Hạnh. Nghĩa hiểu được những khổ đau, vất vả Hạnh phải gánh chịu. Nghĩa không muốn bỏ Hạnh... Nhưng Nghĩa cũng lại cần có một người con trai để thay Nghĩa làm “cậu trưởng nam con dòng họ Nguyễn”, phục hồi và xây dựng tiếng tăm dòng họ. Nên dù đau khổ khi chia tay với Hạnh, Nghĩa cũng vẫn nhanh chóng tìm đến tình duyên mới với cô bác sĩ Thuỷ, mong tìm được ở cô những điều mà anh nghĩ Hạnh không thể cho anh. Thế là, chỉ có Hạnh là người thiệt thòi nhất. Cô mất tất cả: mất chồng, mất hạnh phúc, mất những năm tháng giam tuổi trẻ trong nhà họ Nguyễn, mất cả niềm tin vào cuộc sống..., mất một cách oan ức và cay đắng. Nỗi oan ấy được chính người họ Nguyễn tháo bỏ, nhưng đấy lại là chú Vạn, chú của Nghĩa. Chứng minh được mình có thể có con, mình không phải là một bóng ma ám dòng họ Nguyễn cũng là lúc Hạnh không còn chỗ đứng trong làng, nói đúng ra là không dám sống ở cái làng chứa đựng bao nỗi oan trái của đời cô. Ngoài Vạn là người cả đời gánh trên vai danh tiếng của dòng họ, những người họ hàng nhà Vạn , cụ thể như gia đình ông Xung, cũng xuốt ngày quẩn quanh bên từ đường để theo dõi việc họ. Ông Xung luôn vênh vang vì dòng họ Nguyễn lớn nhất làng, từ đường họ Nguyễn cũng to nhất làng. Vì mối thù và lời nguyền của dòng họ, ông phản đối việc Nghĩa lấy Hạnh và cho Hạnh đến ở căn nhà tự. Cha con ông tự phát điên khi phạm tội với tổ tiên: đốt từ đường và lấy trộm tiền. Vợ chồng Nghĩa xây lại nhà ông cho là đem quân về phá từ đường và nguyền rủa Hạnh sẽ không có con...Tất cả hành động của ông Xung đều xuất phát từ lòng tự tôn tiên tổ và uy quyền của mình trong dòng tộc. Vì điều đó nên đến khi gần đất xa trời, ông vẫn đau đáu một nỗi ân hận khôn nguôi vì đã đối xử không công bằng với Hạnh và đã góp phần tạo nên bất hạnh, chia rẽ vợ chồng thằng cháu trưởng họ của mình. Vì uy tín, danh dự, người ta có thể hi sinh nhiều thứ. Người ta có thể không quan tâm, thậm chí, giết chết hạnh phúc, cuộc sống của con người vì những ánh hào quang chung chung ấy của gia đình, dòng họ. Sài trong Thời xa vắng là một nạn nhân của những điều ấy. Sài được bố lấy vợ cho khi m

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLVVHLLVH012.pdf
Tài liệu liên quan