Luận văn Thiên nhiên trong tiểu thuyết của Mark Twain

Tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Huck Finn(1884) được Mark Twain khởi

thảo ngay sau khi xuất bản Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer(1876) nhưng vì nhiều lí

do ông phải gác lại vài lần và mãi đến tám năm sau mới hoàn thành. Nó chính là kiệt tác của

ông và của cảnền văn học Mĩmà ý kiến đánh giá của Ernest Hemingway “Toàn bộnền văn

học Mĩhiện đại ra đời từtác phẩm này” là một minh chứng.

Nhân vật chính Huck Finn, từng đồng hành với Tom Sawyer trong cuốn Những cuộc

phiêu lưu của Tom Sawyer, bây giờ, trong vai trò người kểchuyện đã thuật lại rất hấp dẫn

hành trình trốn chạy của mình và Jim, một nô lệda đen. Huck muốn trốn chạy khỏi người

cha tàn ác của mình và những thiện chí muốn khai hóa “văn minh” của bà quảphụDouglas

và cô Watson; còn Jim muốn trốn chạy khỏi những trói buộc của đời sống nô lệ. Cảhai thực

hiện hành trình đến với tựdo theo nghĩa thoát khỏi những qui định xã hội, trên một chiếc

bè, xuôi dòng Mississippi tìm vềvới thiên nhiên. Tác phẩm cuốn hút độc giảtừ đầu đến

cuối bởi nhiều tình tiết bất ngờ, gay cấn xảy ra với Huck và Jim trong suốt chuyến đi đúng

với tính chất của một tiểu thuyết phiêu lưu. Đó cũng là một nguyên nhân khiến nó trởthành

tác phẩmbest seller ngay sau khi xuất bản.

pdf102 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2624 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Thiên nhiên trong tiểu thuyết của Mark Twain, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
của nhà văn. Ông như một họa sĩ trước tiên phác họa cái nền cho toàn bộ cảnh vật rồi sau đó bổ sung từng chi tiết nhỏ và cuối cùng đặt bức tranh trước mắt Tom. Vai trò người kể chuyện - nhà văn ấy còn lộ rõ qua hai lần sử dụng phép nhân hóa quen thuộc trong văn chương tả cảnh truyền thống. Lần thứ nhất là “Không một chiếc lá nào lay động; không một âm thanh nào đến phá rối sự trầm tư mặc tưởng của thiên nhiên vĩ đại”. Và lần thứ hai còn cầu kì hơn “Cảnh kì diệu của thiên nhiên đang giũ cái ngủ để sắp sửa bước vào lao động”. Bởi thế Tom chỉ lướt qua cảnh vật rồi tập trung vào “chơi” với một con sâu. Nơi nhân vật chưa thể hiện sự hoà nhập với không gian rừng như Huck sau này. Cũng chính vì vậy mà trong nhiều bức tranh cảnh vật, hành động của bọn trẻ được miêu tả nổi bật hơn việc miêu tả không gian. Tức là chúng không hòa nhập hoàn toàn vào cảnh vật mà cảnh vật chỉ là không gian làm nền cho hành động diễn ra mà thôi. Trong những ngày ở trên đảo, mọi hoạt động của Tom và các bạn gắn với dòng sông và khu rừng. Nơi dòng sông, chúng “cười nói reo hò ầm ĩ” và “đuổi nhau, nhảy đè lên người nhau trong làn nước trong suốt không sâu lắm trên bãi cát trắng” [63, (1), tr.242]. Còn khu rừng là nơi chúng thám hiểm và phát hiện ra nhiều điều kì thú : Chúng thoăn thoắt bước đi, khi phải nhảy qua những thân cây gỗ mục, khi thì vướng bụi rậm, phải rẽ cây mà đi, len lỏi giữa những gốc cây to hùng vĩ ngự trị trong rừng, dây nho bám chằng chịt chung quanh, từ trên ngọn cây rủ xuống đến tận mặt đất chẳng khác gì những tua lòng thòng quanh mũ miện. Thỉnh thoảng chúng lại gặp một chỗ rất thú, có cỏ mọc hoa chen, trông như một tấm thảm nạm trân châu ngọc bích. [63, (1), tr.244]. Giữa một không gian hoang sơ như thế, bọn trẻ còn phát hiện ra sự thú vị của một cuộc sống thiếu thốn tiện nghi. Khi dùng “lá sồi hay lá đào to làm chén” uống nước suối, Huck nhận thấy một “hương vị ngọt ngào” đặc biệt; khi bắt cá ở dưới sông lên, rán ăn ngay, “chúng rất ngạc nhiên khi thấy món cá ngon tuyệt”. Nét hồn nhiên, trong trẻo ấy của bọn trẻ giữa thiên nhiên quả thật khác xa nếu đặt nó trong sự so sánh với không gian của thị trấn St Petersburg nói trên. Về điểm này, Lê Hồng Sâm trong bài giới thiệu nhân dịp xuất bản cuốn Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, nhà xuất bản Văn học, 1988 cũng đã nhận xét : Thông qua những cảm xúc trong trẻo và bộc trực chỉ có thể có ở trẻ thơ, tác giả còn muốn phê bình một số qui ước được người lớn phục tùng, muốn đánh giá lại một số giá trị xã hội đương thời thừa nhận, cái xã hội theo ông làm cho vẻ tươi mát, hồn nhiên trong tâm hồn các em bị nhợt nhạt, thui chột… [62, tr.8]. Bởi thế, khi đang đắm mình trong sự hấp dẫn, lôi cuốn của thiên nhiên trên đảo Jackson, bọn trẻ “càng mừng” khi phát hiện cái bè, vật nối chúng với mọi người ở thị trấn St Petersburg, đã bị dòng nước cuốn trôi đi mất. Lí do để chúng mừng là “vì cái bè trôi đi như vậy cũng chẳng khác nào như đã tiêu huỷ cái cầu giữa chúng với cuộc sống văn minh”. [63, (1), tr.242]. Đó cũng chính là điều bọn trẻ đã quyết định trong cái đêm đầu tiên trên đảo. Sau khi “phè phỡn với nhau một bữa một cách tự nhiên phóng khoáng giữa cánh rừng già trên một hòn đảo chưa từng có ai đặt chân tới và không có người, ở cách xa những nơi mọi người qua lại”, Tom và các bạn đã quyết định “sẽ không bao giờ còn quay trở về với thế giới văn minh nữa”. [63, (1), tr.230]. Miêu tả thứ thiên nhiên đối lập với thế giới văn minh ấy là cách tác giả thể hiện tư tưởng phản kháng của mình. Trong cuốn Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, chúng ta còn bắt gặp những khung cảnh thiên nhiên được miêu tả như những không gian nội tâm. Đó cũng là không gian rừng và sông nhưng không mĩ lệ, không nên thơ như trong các dẫn chứng trên mà gắn với những tâm trạng khác nhau của Tom. Khi bị dì Polly mắng oan, Tom ra sông, ngồi trên bè gỗ mà “ngắm nhìn mặt nước mêng mang ảm đạm” [63, (1), tr.59]; hay khi giận dỗi với Becky, Tom trốn khỏi lớp học để đi : … thẳng tới giữa rừng và ngồi xuống đám rêu xanh dưới một gốc cây sồi lớn cành lá rườm rà. Không có lấy một hơi gió nhẹ; cái oi bức lúc giữa trưa làm cho đến cả chim chóc cũng phải im tiếng hót; cảnh vật im lìm như chết… [63, (1), tr.147]. Dạng không gian này không nhiều trong tác phẩm nhưng chúng cũng góp phần biểu hiện cảm thức của Tom về thiên nhiên như một chốn quay về. Bởi sau mỗi lần đến với rừng và sông ấy, Tom thấy vơi bớt nỗi phiền muộn và khi quay về thị trấn lại có thể hào hứng bắt tay vào một chuyện phiêu lưu mới. Cũng chính vì xuất hiện không nhiều nên các hình ảnh rừng và sông trong cuốn Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer chưa trở thành biểu tượng mà mới chỉ dừng lại ở mức độ là không gian sống và hành động của các nhân vật mà thôi. Cái nhìn về thiên nhiên của Mark Twain trong cuốn sách này vì thế cũng có thể hiểu là những dự cảm ban đầu của ông về thời đại. Mặc dù vậy, với ý nghĩa là không gian phiêu lưu của các nhân vật, những hình ảnh thiên nhiên rừng và sông trên đảo Jackson trong cuốn Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer vẫn là thứ thiên nhiên tuyệt diệu nhất. Chúng đem lại sự trong sáng, bình yên cho các nhân vật và có thể đặt ra cho chúng ta những suy nghĩ về cái gọi là xã hội văn minh, hiện đại. 2.2.3. Nghĩa địa, Ngôi nhà có ma, hang Mc.Dougal – không gian bí ẩn, hấp dẫn Những chuyến phiêu lưu của chú bé Tom và các bạn còn gắn với những không gian khác nữa. Chúng âm u, rùng rợn và do đó như chúng tôi đã nói ở trên, chúng phần nào đối lập với cái trong trẻo, nên thơ của đảo Jackson. Chính nét âm u, rùng rợn đó đã đẩy chúng về phía tự nhiên, khoác lên chúng sắc màu của thiên nhiên. Đó là không gian nghĩa địa, nơi Tom và Huck vô tình chứng kiến tội ác giết người của tên lai da đỏ Joe Injun; đó là ngôi nhà có ma, nơi mà bọn trẻ tình cờ phát hiện ra việc bọn cướp có vàng; và đó là hang Mc.Dougal, nơi Tom và Becky bị lạc. Có thể nói đây là những kiểu không gian tiêu biểu cho bất cứ cuốn tiểu thuyết phiêu lưu nào và chúng cũng là không gian đặc trưng của vùng biên cương miền Tây nươc Mĩ hồi thế kỉ XIX. Thông qua miêu tả của Mark Twain, các không gian ấy hiện lên rất chi tiết. Đây là một nghĩa địa theo kiểu cũ ở miền Tây; nằm ở trên đồi, cách xa làng chừng một dặm rưỡi. Chung quanh có một hàng rào cũ bằng ván đã mục nát, xiêu vẹo, chỗ thì nghiêng về phía bên trong, chỗ thì ngã về phía bên ngoài, không một chỗ nào còn đứng thẳng. Cỏ dại mọc um tùm khắp trong nghĩa địa. Tất cả những mả cũ đều chìm ngập trong đám cỏ, ở đây không có lấy một tấm bia đá nào; chỉ có những tấm bảng gỗ đầu đã vẹt tròn cả góc, bị mọt và mối xông, cắm xiêu vẹo trên các ngôi mộ, nghiêng mình tìm chỗ dựa nhưng không có. [63, (1), tr.163]. Còn đây là một gian phòng trong ngôi nhà có ma : … gian phòng đã mất hết ván sàn chỉ còn trơ đất, cỏ dại mọc kín, vôi vữa trên trần lở hết, một cái lò sưởi cũ, những cửa sổ trơ khung, một cái cầu thang đổ nát; và khắp nơi, chỗ nào cũng đầy những mạng nhện xơ xác, nhện đã bỏ đi từ lâu.” [64, (2), tr.126]. Nét hoang tàn, đổ nát là đặc điểm bao trùm các cảnh vật. Cùng với chúng là tâm trạng hồi hộp, căng thẳng của các nhân vật bởi chính trong những không gian ấy Tom và Huck đã gặp các biến cố bất ngờ khiến chúng vừa sợ hãi vừa thích thú vì phát hiện ra những bí mật “chết người”. Những không gian như thế này đã “tô điểm ” thêm cho các cuộc phiêu lưu những sắc màu li kì, hấp dẫn. Cũng là những khung cảnh âm u, rùng rợn nhưng có lúc tác giả lại miêu tả xen với nét huyền bí, nên thơ. Đó chính là không gian hang Mc.Dougal, nơi diễn ra cuộc phiêu lưu cuối cùng của Tom trong tác phẩm khi chú bé bị lạc cùng với “người yêu” Becky : Cửa hang ở trên sườn núi cao – miệng hang hình chữ A. Cái cửa lớn bằng gỗ sồi ở miệng hang khi đó để ngỏ không đóng. Bên trong là một khoảng trống như một gian phòng nhỏ, lạnh như trong nhà nước đá, với một bức vách thiên nhiên bằng đá vôi, mồ hôi đá lạnh toát ra thành giọt như sương đọng. Đứng trong hang sâu thăm thẳm tối om nhìn ra ngoài thung lũng xanh tươi chan hòa ánh nắng thật là một cảnh vừa lãng mạn vừa huyền bí. [64, (2), tr.166 – 167]. Mấy ngày bị nhốt trong hang, Tom và Becky khi sợ hãi, lúc hốt hoảng và cả thích thú, ngạc nhiên khi khám phá ra những cảnh đẹp độc đáo. Quang cảnh cái động là một thí dụ tiêu biểu : Chúng tìm thấy một chỗ có một cái động lớn từ trên trần rủ xuống vô vàn những nhũ đá lấp lánh dài và to bằng bắp chân;…chẳng mấy chốc chúng tới một con suối trông rất mê li, chỗ nó chảy qua toàn nạm pha lê lóng lánh như sương đọng… [64, (2), tr.205]. Vẫn là sự quan sát, miêu tả chi tiết và khách quan của một người trưởng thành đứng ở hiện tại để nhìn lại quá khứ của mình. Nên cảnh vật hiện ra với nhiều chi tiết đẹp, bóng bẩy. Tất cả tạo thành thứ không gian rất thích hợp với tình huống truyện khi mà Tom tuy sợ hãi nhưng cũng rất hạnh phúc vì có Becky bên cạnh. Do đó sự kết hợp hai đặc điểm âm u và nên thơ nói trên của cảnh vật đã tạo ra không chỉ không gian phiêu lưu mà còn là không gian tâm trạng nữa. Các hình ảnh thiên nhiên trong trẻo, nên thơ và bí ẩn, hấp dẫn mà chúng tôi vừa tìm hiểu ở trên, đã tạo nên một không gian phiêu lưu với nhiều màu sắc khác nhau trong tác phẩm Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer. Không gian ấy gợi lên nhiều ý nghĩa. Trước hết, chúng là những hình ảnh tái hiện cụ thể, chân thực một vùng đất gắn liền với những năm tháng tuổi thơ của nhà văn. Đồng thời chúng cũng chứa đựng những nét hoang sơ của thiên nhiên vùng biên cương miền Tây nước Mĩ nói chung vào khoảng đầu thế kỉ XIX. Quan trọng hơn là chúng thể hiện cảm thức của Mark Twain về thời đại, việc gắn bó với thiên nhiên chính là một biểu hiện của thái độ phê phán gay gắt thời đại công nghiệp. Điều này sẽ trở nên rõ ràng hơn nếu chúng ta đặt khung cảnh thiên nhiên nói trên bên cạnh không gian thị trấn St Petersburg với nhà thờ, trường học và những qui ước gò bó của xã hội văn minh. Và như vậy, khi chỉ ra những nét tương phản giữa cái xã hội văn minh thu nhỏ ở St Petersburg với thiên nhiên hoang sơ của đảo Jackson, chúng tôi muốn khẳng định tự điều đó đã nói lên quan điểm của tác giả về một vấn đề xã hội lúc bấy giờ : văn minh công nghiệp không hẳn là tốt, nhất là đối với tâm hồn con người. Đứng trước hai không gian đối lập nói trên của thiên nhiên, trong tiểu thuyết Tom Sawyer, chúng ta thấy, nhà văn để Tom và các bạn đi đi về về giữa hai không gian ấy nhiều lần trong các hành trình phiêu lưu của mình. Dòng sông trong mát, khu rừng hoang sơ của đảo Jackson không giữ chân Tom và các bạn lâu. Khi ở đảo thì chúng thấy lo lắng, nhớ nhà; còn khi ở thị trấn thì lại cảm thấy tù túng đến khó chịu. Với Huck và Jim sau này trong cuốn Huck Finn, sự việc trở nên khác hẳn. Cả hai từ thị trấn đi thẳng về phía thiên nhiên và vẫn là không gian phiêu lưu nhưng thiên nhiên mở rộng hơn nhiều, nét hoang dã cũng “đậm đặc” hơn và qua đó những vấn đề quan niệm về xã hội, về con người, về thời đại của nhà văn cũng bộc lộ rõ ràng hơn, sâu sắc hơn. Vì vậy : …thực ra Tom không trốn khỏi cộng đồng như một phản ứng xã hội mang tính đối lập và triết lí theo kiểu Huck sau này trong “Những cuộc phiêu lưu của Huck Finn” mà chỉ là một cách tạo cơ hội, tạo điều kiện để xây dựng một thế giới khác, thế giới tuổi thơ đầy tưởng tượng, bay bổng, lộng lẫy, hấp dẫn, thần bí và sách vở. [10, tr.16]. 2.3. Thiên nhiên trong Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn Tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Huck Finn (1884) được Mark Twain khởi thảo ngay sau khi xuất bản Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer (1876) nhưng vì nhiều lí do ông phải gác lại vài lần và mãi đến tám năm sau mới hoàn thành. Nó chính là kiệt tác của ông và của cả nền văn học Mĩ mà ý kiến đánh giá của Ernest Hemingway “Toàn bộ nền văn học Mĩ hiện đại ra đời từ tác phẩm này” là một minh chứng. Nhân vật chính Huck Finn, từng đồng hành với Tom Sawyer trong cuốn Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer , bây giờ, trong vai trò người kể chuyện đã thuật lại rất hấp dẫn hành trình trốn chạy của mình và Jim, một nô lệ da đen. Huck muốn trốn chạy khỏi người cha tàn ác của mình và những thiện chí muốn khai hóa “văn minh” của bà quả phụ Douglas và cô Watson; còn Jim muốn trốn chạy khỏi những trói buộc của đời sống nô lệ. Cả hai thực hiện hành trình đến với tự do theo nghĩa thoát khỏi những qui định xã hội, trên một chiếc bè, xuôi dòng Mississippi tìm về với thiên nhiên. Tác phẩm cuốn hút độc giả từ đầu đến cuối bởi nhiều tình tiết bất ngờ, gay cấn xảy ra với Huck và Jim trong suốt chuyến đi đúng với tính chất của một tiểu thuyết phiêu lưu. Đó cũng là một nguyên nhân khiến nó trở thành tác phẩm best seller ngay sau khi xuất bản. Nhưng đó chỉ là “bề nổi” của tác phẩm. Hành trình hướng thẳng đến thiên nhiên của Huck và Jim còn chứa đựng những ý nghĩa xã hội, ý nghĩa triết lí sâu xa mà chúng ta, để hiểu được cần phải đặt tác phẩm vào trong bối cảnh mà nó ra đời. Cuộc cách mạng kĩ thuật ở nước Mĩ cuối thế kỉ XIX như chúng tôi đã trình bày ở trên khiến quốc gia này trở nên hùng mạnh; đồng thời văn minh công nghiệp cũng khiến con người thay đổi nhận thức về các giá trị hiện đại. Do đó, lúc bấy giờ ở Mĩ sự bừng tỉnh về một nền văn hóa nông nghiệp mà kết quả là ngành Folklore học Mĩ ra đời vào năm 1888, được xem như là một phản ứng với xã hội công nghiệp. Cả hai đã tác động đến quan điểm của Mark Twain về những vấn đề con người, đất nước, xã hội đương thời. Và do đó, trong các tác phẩm của mình, bằng sự quan tâm đặc biệt đến cuộc sống ở một vùng đất biên giới gắn liền với thiên nhiên sông nước đặc trưng, ông đã bộc lộ thái độ phê phán xã hội công nghiệp theo một cách riêng. Hành trình đi tìm tự do bằng cách hướng thẳng đến thiên nhiên của Huck và Jim chính là mang ý nghĩa này. Đồng thời : Trong một bối cảnh như thế, “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn” còn là một cách đi tìm tính cách của dân tộc Mĩ trên cơ sở bày tỏ những quan điểm về con người khi tìm về với cái quá khứ của một quốc gia trước Nội chiến lúc dân Mĩ biên cương giáp mặt với thiên nhiên trong thời kì khai phá. [11, tr.18]. Hai ý nghĩa trên của cuộc hành trình thực ra có quan hệ tương tác với nhau bởi chúng gắn bó chặt chẽ với yếu tố thiên nhiên. Tìm hiểu vấn đề thiên nhiên chính là để chỉ ra các tầng ý nghĩa ấy của hành trình. Chúng ta đều đã biết, hành trình của Huck bắt đầu từ khu rừng cách thị trấn St Petersburg ba dặm, xuôi theo dòng Mississippi, Huck đến đảo Jackson và phát hiện ra Jim. Cả hai vượt sông trên một chiếc bè, lúc thì đi bên phía bờ Tây, Missouri; lúc lại dạt sang bờ Illinois ở phía Đông. Ngày giấu bè vào một chỗ kín đáo, trốn trong rừng. Đêm đến lại lênh đênh trên sông. Vì thế hành trình ấy gắn chặt với hai hình ảnh thiên nhiên là rừng và sông. Trong toàn bộ tác phẩm Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn hai hình ảnh rừng và sông trở đi trở lại rất nhiều lần. Cụ thể : rừng xuất hiện 52 lần và sông “đậm đặc” hơn với 243 lần. Và như thế chúng đã đạt đến mức độ biểu trưng, có thể chứa đựng những ý nghĩa xa hơn, rộng hơn bản thân chúng. Khi hiểu rừng và sông như những biểu trưng thì hành trình của Huck và Jim cũng trở thành biểu trưng và vì thế chúng ta có thể tìm thấy ở hành trình ấy những tầng nghĩa khác nhau. Khám phá hành trình ấy, do đó không thể không đi vào tìm hiểu các biểu tượng rừng và sông. Chính vì vậy, sau đây chúng tôi sẽ lần lượt tìm hiểu các biểu tượng ấy với ý nghĩa : thiên nhiên – tự nhiên. 2.3.1. Rừng – không gian của cảm thức sống Nếu như trong cuốn Tom Sawyer, hình ảnh rừng chỉ được tập trung miêu tả trong chương XIV, khi Tom và các bạn sống trên trên đảo Jackson vài ngày thì trong cuốn Huck Finn rừng trải dài theo suốt hành trình. Những cánh rừng bao la, rậm rạp, hoang vu hai bên bờ dòng Mississippi được miêu tả khá kĩ trong tác phẩm với nhiều sắc thái khác nhau, ở những thời điểm khác nhau. Chỉ mất một đêm chèo xuồng Huck đã đến được đảo Jackson vào lúc “trời đã bắt đầu xam xám” và bước vào rừng ngủ một giấc. Và đây là cảm nhận của Huck khi tỉnh dậy trong rừng: Lúc tôi tỉnh dậy mặt trời đã lên cao lắm rồi, tôi đoán lúc ấy đã hơn tám giờ. Tôi nằm trên cỏ, trong bóng râm mát lạnh, đầu nghĩ đến nhiều thứ. Tôi cảm thấy được nghỉ ngơi, vừa vững dạ, vừa thoả thích. Qua một vài khoảng trống, tôi có thể trông thấy mặt trời. Chung quanh toàn là cây to nên chỗ nào cũng tối cả. Cũng có chỗ ánh nắng xuyên qua kẽ lá chiếu xuống mặt đất, và ánh nắng chỗ đó rung rinh như có một làn gió nhẹ thổi qua. Một đôi sóc ngồi trên cành nhìn tôi rúc rích kêu một cách thân mật. [66, tr.73]. Rồi ba ngày sau Huck phát hiện ra Jim cũng ở trên đảo. Từ đấy rừng gắn bó với đôi bạn : Ban ngày chúng tôi có thể chèo xuồng đi khắp trên đảo. Trời khá lạnh. Ở trong rừng sâu thì lại càng tối, mặc dầu bên ngoài trời vẫn nắng. Chúng tôi cho xuồng đi lách giữa những thân cây. Có nhiều chỗ nho trĩu xuống vướng cả lối đi, phải quay lại đi vòng lối khác. Những chỗ có cây mục đổ xuống có thể có thỏ; có rắn, và những con vật khác. [66, tr.92]. Từ điểm nhìn của nhân vật người kể chuyện, Huck hòa vào khu rừng, quan sát cảnh vật và miêu tả bằng chính sự cảm nhận của bản thân. Hoàn cảnh, suy nghĩ có thể khác nhau nhưng hình ảnh rừng thì không thay đổi. Luôn luôn là không gian yên bình, tươi mát của nhiều loại cây : từ “cây to” che khuất cả mặt trời đến cây dây leo “trĩu xuống vướng cả lối đi” hay “cây mục đổ xuống” làm thành chỗ ở cho những con vật khác… Sự hoà quyện của Huck với không gian rừng còn được thể hiện qua sự cảm nhận rất giống nhau trong hai đoạn văn nói trên về không khí trong rừng. Trong cả hai đoạn văn, chúng ta đều bắt gặp cảm nhận của nhân vật về cái mát mẻ khi ở dưới những bóng râm trong rừng (chúng tôi không dùng từ “lạnh” như bản dịch vì trong nguyên tác, tác giả dùng “cool” và “ mighty cool”); về cảm giác thích thú khi nhìn ngắm vài tia nắng mặt trời lấp lánh xuyên qua những tán lá dày trong rừng. Tôi nằm trên cỏ, trong bóng râm mát lạnh… Chung quanh toàn là cây to nên chỗ nào cũng tối cả” và “ Trời khá lạnh. Ở trong rừng sâu thì lại càng tối. Cũng có chỗ ánh nắng xuyên qua kẽ lá chiếu xuống mặt đất…” và “Ở trong rừng sâu thì lại càng tối, mặc dầu bên ngoài trời vẫn nắng. Điều đó có nghĩa là Huck cảm nhận rừng bằng mọi giác quan và dường như đã trở thành một bộ phận của nó. Vì thế việc cậu bé cảm thấy “được nghỉ ngơi, vừa vững dạ, vừa thoả thích” (rested and ruther comfortable and satisfied) [75, tr.164] khi ở trong rừng là điều hết sức tự nhiên. Ở đây chúng ta thấy ảnh hưởng của Chủ nghĩa Siêu nghiệm lên cách nhìn thiên nhiên của Mark Twain. Khi đến với rừng (và cả sông), Huck cảm nhận sự đồng nhất với thiên nhiên và dưới sự dẫn dắt của chính thiên nhiên, Huck đã tìm ra “chân lí”. Đó chính là sự tuyệt diệu của cuộc sống tự do. Ý nghĩa rừng là không gian của cảm thức sống sẽ rõ ràng hơn khi chúng ta xem xét một bức tranh khác của rừng, khu rừng trong cơn mưa : Đó là một cơn giông thường xảy ra vào mùa hè. Trời càng tối, nhìn ra ngoài mọi vật xanh xanh tím tím rất đẹp. Nước mưa đổ xuống nhiều đến nỗi những ngọn cây cao cao một chút là nhìn cũng không rõ; trông chỉ như những cái mạng nhện. Rồi mỗi cơn gió thổi đến thì kéo những cây ấy ngã xuống và biến đổi cả cái màu xám nhạt ở dưới những cành lá. Rồi lại một trận gió khác dữ hơn cuốn đến bắt những cành cây phải vươn ra như những cánh tay thú vật; rồi sau đó, đến lúc chỗ nào cũng biến sang màu xanh màu tím cả rồi thì – úi chà, bỗng sáng hẳn lên, trong cơn giông bão ấy cứ thử nhìn lên những ngọn cây xa xa mà xem, lại có thể thấy nó xa hơn lúc nãy hàng trăm thước; rồi thì chỉ trong một giây đồng hồ lại tối như bưng; lúc đó mới nghe thấy tiếng sét vang lên một cách khủng khiếp, rồi đến những tiếng rầm rầm, dần dần từ trên cao vọng xuống và đi đến tận phía bên kia thế giới, y như tiếng người ta lăn một cái thùng rỗng xuống cầu thang vậy – mà cầu thang dài cơ – cái tiếng nó cũng rầm rầm như vậy. [66, tr.91 – 92]. Lúc này Huck đang cùng Jim ngồi trong một cái hang trên đảo Jackson mà cả hai vừa phát hiện ra và quyết định đây sẽ là “mái ấm” của họ. Bởi thế tâm trạng Huck rất thoải mái và cậu bé hoàn toàn chú tâm vào cảnh vật. Cơn mưa trong rừng được miêu tả hết sức chi tiết từ màu sắc, đường nét, chuyển động đến âm thanh. Trong cơn mưa dữ dội ấy, rừng vẫn hiện lên rất rõ qua 6 lần xuất hiện hình ảnh các ngọn cây, cành lá. Tức là rừng chi phối cảm nhận của nhân vật, trở thành hình ảnh trung tâm trong bức tranh cảnh vật. Không những thế, việc miêu tả rừng còn gắn liền với phép so sánh quen thuộc, nhưng các hình ảnh so sánh lại rất mộc mạc “trông chỉ như những cái mạng nhện” hay “vươn ra như những cánh tay thú vật”. Đó chính là ngôn ngữ của Huck chứ không phải cách diễn đạt hoa mĩ của tác giả như trong cuốn Tom Sawyer mà chúng tôi đã nhắc đến ở trên. Như vậy cảnh rừng được quan sát bởi Huck và được diễn tả cũng bằng ngôn ngữ của Huck. Nó thể hiện việc nhân vật hoà nhập hoàn toàn với thiên nhiên. Bên cạnh đó, trong bức tranh cảnh vật trên, chúng ta còn bắt gặp thái độ thích thú của Huck khi ngắm cơn mưa. Không sợ hãi, không cuống quýt vì giữa rừng bất chợt gặp mưa giông, sấm chớp, mà ngược lại Huck còn “thưởng thức” điều đó một cách khoan khoái, dễ chịu. Và Huck chia xẻ với Jim bằng câu nói : Thú quá Jim ạ! (Jim, this is nice,) Tôi chỉ muốn ở đây chứ không đi đâu cả. [66, tr.92]. Cái thích thú mà Huck cảm nhận chính là sự tự do, thoải mái khi sống giữa thiên nhiên và cảm thức sống ấy là do không gian rừng mang lại cho Huck. Như vậy, rừng trong cuốn Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn không chỉ là một trong những hình ảnh có thể gợi lên khung cảnh hoang dã của miền Tây biên cương thời kì khai phá mà còn mang ý nghĩa biểu trưng. Nó tượng trưng cho tự do, là chốn ẩn cư có thể che chở, đem đến sự thoải mái, bình yên và vì thế có vai trò dẫn dắt suy nghĩ, soi sáng nhận thức cho Huck. Vai trò ấy của rừng khiến Huck luôn hướng về nó và cảm nhận được một sức sống tràn trề mỗi khi đến với rừng. 2.3.1.1. Rừng – chốn quay về Không chỉ đợi đến khi trốn khỏi thị trấn vào rừng sống Huck mới cảm nhận được ý nghĩa của rừng. Mà ngay từ đầu tác phẩm, Huck đã luôn hướng về rừng như thể giữa cậu bé và rừng có một mối liên hệ “thần bí” nào đó. Kết thúc cuốn Tom Sawyer, Huck được bà quả phụ Douglas đem về nuôi và vì thế cuốn Huck Finn mở đầu bằng những trang kể về cuộc sống mới của Huck tại ngôi nhà sang trọng trên đồi Cardiff. Cậu bé không thể chịu nổi việc phải mặc những bộ quần áo mới khiến “toát cả mồ hôi và người như bị trói chặt lại”, và những sinh hoạt đều đặn như rung chuông ngồi vào bàn ăn đúng giờ, ăn xong phải nghe giảng về Kinh thánh… Do đó những lúc thấy cô đơn, tù túng, Huck thường ngồi bên cửa sổ nghe “Tiếng lá xào xạc trong rừng”. Khi không sao hiểu nổi những lời dạy của cô Watson thì Huck “ngồi tít trong rừng và nghĩ ngợi rất lâu”. Khi được giải thích rằng việc cầu nguyện là để được hưởng lộc về tinh thần, Huck thấy “thật khó hiểu quá” và cậu bé “lại đi ra phía ngoài rừng và cứ quanh quẩn bới óc nghĩ về chuyện đó rất lâu” và đi đến quyết định là “thôi không băn khoăn gì về chuyện đó nữa, cứ để mặc kệ nó đấy.” [66, tr.32]. Ở đây, chúng ta bắt gặp sự giống nhau trong cảm thức thiên nhiên giữa Huck và Tom : thiên nhiên – chốn quay về. Cả hai nhân vật đều hướng đến với rừng mỗi khi gặp chuyện buồn bực hay khó chịu. Có khác chăng là nơi Huck điều này diễn ra nhiều hơn, thường xuyên hơn. Do đó sau này Huck đã hướng thẳng đến với rừng mà không chút nhớ nhung hay nuối tiếc cuộc sống “văn minh” ở thị trấn St Petersburg như Tom. Nghĩ đến rừng như chốn quay về chính là một biểu hiện của cảm thức sống mà chúng tôi đã nói ở phần trên. Với cảm thức ấy, mỗi khi đến với rừng, Huck không chỉ tận hưởng không gian tự do, hấp dẫn mà trong ý nghĩ của cậu bé luôn xuất hiện sự so sánh cảm giác thoải mái mà rừng mang lại với cảm giác tù túng mà cuộc sống văn minh mang lại. Ngay từ những ngày đầu ở nhà bà quả phụ, vì không thể “gò mình làm thế nào cho đúng với mọi điều khuôn phép” nên Huck đã từng trốn đi để “lại được tự do, thỏa thích”. Nhưng viễn cảnh được tham gia vào băng cướp “Tom Sawyer” đã khiến Huck quay về và cố chịu đựng cuộc sống ở nhà và ở trường học. Thế nhưng “Sống trong một ngôi nhà, ngủ trên một chiếc giường riêng, lắm khi tôi cũng thấy nó trói buộc mình thế nào ấy.” Vậy nên “thỉnh thoảng tôi vẫn hay lẩn ra ngủ ngoài rừng. Đối với tôi như vậy là nghỉ ngơi được” [66, tr.39]. Hai cảnh sống trái ngược và hai cách cảm nhận cũng hoàn toàn khác nhau. Chúng soi vào nhau và cái này làm nổi bật cái kia. Sự “trói buộc” của văn minh càng khiến Huck nhận thức rõ hơn giá trị của cuộc sống gắn với rừng. Cách thể hiện sự đối lập giữa thiên và cuộc sống văn minh kiểu như thế này cho thấy sự thống nhất trong cái nhìn của nhà văn về thời

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLVVHVHNN009.pdf
Tài liệu liên quan