Luận văn Thiết kế giờ học tác phẩm Chí Phèo theo hướng đối thoại

Thời gian và không gian trong sáng tác của Nam Cao được nhào nặn, tái tạo trởthành một hiện

tượng nghệthuật độc đáo, thấm đẫm cá tính sáng tạo của nhà văn. Cảm quan bức bối, ngột ngạt, chật

chội vềthời gian và không gian trong Chí Phèo đã tạo được không khí căng thẳng, dồn nén, tập trung bao nhiêu biến cố đầy mâu thuẫn, tù túng, thểhiện được bức tranh nông thôn trong những đêm tối đất tối trời trước Cách mạng Tháng Tám.

Với tưcách là nhà văn hiện thực, Nam Cao ý thức sâu sắc được tính không đảo ngược của thời

gian, các nhân vật của ông hầu hết nhìn thấy thời gian trôi đi một cách tàn nhẫn. Đối với Chí Phèo, thời gian không chỉtàn phá nhân hình mà còn hủy hoại cảnhân tính, cảtâm hồn con người “Bây giờhắn đã thành người không tuổi rồi. Ba mươi tám hay ba mươi chín ? Bốn mươi hay ngoài bốn mươi?. Cuộc đời mà hắn cũng chảbiết đã dài bao nhiêu năm rồi”.

pdf124 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 3508 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Thiết kế giờ học tác phẩm Chí Phèo theo hướng đối thoại, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ng yếu tố thể hiện tập trung nhất, cô đọng nhất dụng ý nghệ thuật của nhà văn muốn gửi gắm thông qua tác phẩm; và vai trò của nó, nói như Umberto Eco, một nhà kí hiệu học nổi tiếng người Ý: “Một nhan đề, khổ thay, đã là một chìa khoá diễn giải”. Có những trường hợp nhan đề tác phẩm giống như một sự rút gọn đến cùng cực toàn bộ nội dung tác phẩm – trường hợp của những tác phẩm mang tính chất luận đề – từ một cốt truyện cụ thể với những hoàn cảnh xã hội cụ thể, những số phận con người cụ thể, tác giả muốn hướng tới một nhận thức khái quát: một vấn đề của dân tộc, thời đại, thậm chí toàn nhân loại. Ví dụ: các nhan đề tiểu thuyết Đỏ và đen của Stendhal, Chiến tranh và hoà bình của L. Tolstoi, Đám cưới không có giấy giá thú của Ma Văn Kháng, Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái, Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh… Lại có những trường hợp nhan đề giống như sự đối nghịch, thậm chí giễu nhại nội dung mà tác phẩm chuyển tải. Ví dụ: các nhan đề tiểu thuyết Mặt trận miền Tây yên tĩnh (bản tiếng Việt là "Phía Tây không có gì lạ") của Eric Maria Remarque và Sông Đông êm đềm của Mikhail Solokhov – Có ai trong số những người lính tham chiến trong Đại chiến thế giới thứ nhất lại cảm thấy yên tĩnh hay quen thuộc đến bình thản với cảnh chết chóc khủng khiếp? Có cái gì là êm đềm ở vùng sông Đông trong cơn bão táp cách mạng? Không gì cả! Không ai cả! Nhưng đó cũng có thể là một khát vọng, một niềm hi vọng của con người bừng lên ngay trong những hoàn cảnh dữ dội nhất, đáng thất vọng nhất… Với ý nghĩa quan trọng như thế, khi phân tích, lí giải giá trị nhan đề tác phẩm, chúng ta cần đặt nó trong mối quan hệ với các yếu tố khác như các nhân vật, các chi tiết sự kiện của tác phẩm... và đặc biệt là mối quan hệ với chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Chúng ta biết rằng truyện Chí Phèo ban đầu được Nam Cao đặt tên là Cái lò gạch cũ, khi xuất bản bị nhà xuất bản sửa lại là Đôi lứa xứng đôi; đến khi in lại trong tập “Luống cày” (1945) mới có tên là Chí Phèo. Như vậy, đây cũng có thể trở thành một đề tài trao đổi, đối thoại rất thú vị trong giờ dạy học tác phẩm này: – Truyện ngắn Chí Phèo đã mấy lần đổi tên, đó là những tên nào? – Phát biểu suy nghĩ của em về những lí do đặt tên, đổi tên và mức độ phù hợp của từng nhan đề cụ thể đối với chủ đề tư tưởng của tác phẩm? Nhan đề Cái lò gạch cũ gắn liền với chi tiết cái lò gạch cũ ở phần đầu truyện – nơi người ta nhặt được Chí “trần truồng, tím ngắt trong cái váy đụp”– và ở phần cuối truyện – khi Thị Nở nhìn xuống bụng mình, mơ hồ lo lắng cho sự ra đời của một Chí Phèo con; truyện Chí Phèo bởi vậy có kết cấu đóng. Ý nghĩa của chi tiết cái lò gạch cũ không chỉ là biểu trưng cho hình ảnh làng xã Việt Nam mà qua sự lặp lại hình ảnh đó, Nam Cao còn muốn khẳng định một quy luật: hiện tượng Chí Phèo chưa hết chừng nào bọn địa chủ cường hào còn tác oai tác quái trên đầu dân lành, không để ai được sống yên ổn, được “làm người lương thiện”. Qua một nhan đề tưởng như hiền lành, tưởng như chỉ “thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người lại qua”, truyện Cái lò gạch cũ đã vạch ra và phê phán quyết liệt cái quy luật tàn bạo, khủng khiếp trong xã hội thực dân phong kiến Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945: “Tre già măng mọc, có bao giờ hết những thằng du côn!”. Không phải ngẫu nhiên mà Nam Cao đã lấy nhan đề này để đặt tên cho tác phẩm của mình. Nhan đề Đôi lứa xứng đôi thiên về mối quan hệ giữa hai nhân vật Chí Phèo – Thị Nở và có liên quan đến một câu trong truyện: “Chúng sẽ làm thành một cặp rất xứng đôi”. Theo tiến sĩ Nguyễn Thành Thi, quả là “hơn bốn mươi năm vật lộn với đời, Chí Phèo chỉ được thực sự sống như con người trong vỏn vẹn năm, sáu ngày ngắn ngủi, ấm áp tình người. Việc gặp và chung sống với Thị Nở là một sự bù đắp cho Chí Phèo tất cả những loại tình cảm của giống loài mà trước đó anh chưa từng biết đến: Thị Nở đâu chỉ là người tình, Thị còn là người yêu, hơn thế, còn như là bạn, là mẹ” [62, tr.135]. Như vậy, mối tình Chí Phèo – Thị Nở đúng là một nội dung quan trọng của truyện Chí Phèo, nhưng nội dung đó không bao quát được chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Có thể cho rằng việc nhà xuất bản của Lê Văn Trương hồi đó tự ý đổi tên tác phẩm từ Cái lò gạch cũ thành Đôi lứa xứng đôi một phần muốn né tránh mối xung đột gay gắt giữa nông dân – địa chủ đang diễn ra hết sức gay gắt, phần khác muốn câu khách, tạo sự giật gân, gợi trí tò mò của độc giả đến một mối tình lãng mạn nào đó – chủ đề hết sức ăn khách trong văn chương Việt Nam những năm 1935 - 19451. Có vẻ như với cách đổi tên truyện Cái lò gạch cũ thành Đôi lứa xứng đôi, Lê Văn Trương đã hiểu, và do đó muốn hướng người đọc đến “sự hấp dẫn của loại chuyện tình bờ bụi của hạng nửa người nửa ngợm, ngưu tầm ngưu mã tầm mã” [30, tr.416]; và như vậy hoá ra lại làm cho thiên truyện này xa lạ với tâm huyết của tác giả. Vậy tại sao đến khi tác phẩm được in lại, Nam Cao không giữ cái tên Cái lò gạch cũ mà lại đổi thành Chí Phèo? Như đã biết, Chí Phèo là nhân vật chính của truyện, mọi tình tiết, sự kiện của câu chuyện đều xoay xung quanh số phận bi kịch của nhân vật này: bi kịch của một người lương thiện bị tha hoá thành quỷ dữ, bi kịch của con người bị từ chối quyền làm người, bi kịch của một sự thức tỉnh quá muộn và phải trả giá bằng cái chết… Hơn thế nữa, cách trần thuật và kết cấu truyện Chí Phèo là trần thuật và kết cấu theo dòng ý thức của nhân vật chính. Theo phân tích rất xác đáng của tiến sĩ Nguyễn Thành Thi: “Nương theo dòng ý thức và điểm nhìn của nhân vật, nhà văn, người đọc cùng nhân vật nhìn vào hiện tại, quá khứ, tương lai của anh ta. Từ đó, tác phẩm mở ra một hành trình để 1 Nhà văn Nguyên Hồng cũng cho rằng vào thời đó, rất nhiều nhà văn “đều phải tìm cho truyện của mình những cái tên dí vào người đọc như điện” như Sự động cỡn của đàn bà, Khi chiếc yếm rơi xuống, Ngựa đã thuần rồi mời ngài lên, Đời mưa gió, Trại Bồ Tùng Linh , ... (Giảng văn văn học Việt Nam, NXB GD, 2007, tr.424) nhân vật chính tự nhận thức, tự phát hiện con người bên trong của mình. Hành động tự nhận thức và tự phát hiện này, đặc biệt từ sau khi Chí Phèo tỉnh rượu, được diễn đạt rất ấn tượng và hiệu quả bằng một kiểu lời văn nửa trực tiếp độc đáo và bằng một khung cú pháp đặc thù: Hắn + động từ tâm lí (hắn thấy…, hắn nghe…, hắn sợ…). Người đọc, vì thế, cơ hồ không cưỡng lại được, cứ trôi miên man theo dòng chảy cảm xúc, suy tư của Chí Phèo” [62, tr.133-134]. Trước đây, để bám lấy sự sống, Chí phải từ bỏ nhân phẩm, bán linh hồn cho quỷ để trở thành Chí Phèo; đến khi ý thức nhân phẩm thức tỉnh, Chí Phèo lại phải từ bỏ cuộc sống của mình, “Chí Phèo đã chết trên ngưỡng cửa trở về cuộc sống, chết trong tâm trạng bi kịch đau đớn” [30, tr.419]. Điều đáng nói ở đây là “Nam Cao miêu tả Chí Phèo vỡ lẽ, tuyệt vọng mà làm cho người đọc choáng váng. Và nhân vật càng tuyệt vọng, người đọc càng choáng váng thì tiếng nói khát khao được sống như một con người càng khắc khoải thiết tha” [62, tr.135]. Như vậy, nếu đặt trong mối quan hệ với các yếu tố khác như hệ thống nhân vật, cốt truyện, các chi tiết sự kiện của tác phẩm, nghệ thuật tự sự, điểm nhìn trần thuật, hiệu ứng tác động... và đặc biệt là mối quan hệ với chủ đề tư tưởng của tác phẩm, chúng ta thấy Nam Cao chọn tên nhân vật Chí Phèo để đặt nhan đề cho tác phẩm là muốn người đọc tập trung vào chính nhân vật này, vào chính quá trình lưu manh hoá và quá trình thức tỉnh, cũng như sự nghiệt ngã mà số phận đã dành cho nhân vật này… chứ không phải tập trung vào một chi tiết, sự kiện, nhân vật nào khác; và tất cả những biểu hiện của chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa nhân đạo trong tác phẩm cũng đều toát lên từ chính cuộc đời đau khổ của nhân vật này chứ không phải từ một hình ảnh hay một mối quan hệ nào khác. Do đó, khi có điều kiện trở lại với đứa con tinh thần của mình, Nam Cao đã quyết định đổi tên truyện ngắn Cái lò gạch cũ (và Đôi lứa xứng đôi) thành Chí Phèo, và đó là một sự lựa chọn xác đáng). b. Tên nhân vật Nhân vật văn học là một hiện tượng thẩm mĩ mang đầy tính ước lệ, tượng trưng. Nhà văn sáng tạo ra nhân vật là để nhận thức con người và bộc lộ quan niệm của mình về con người. Nói chung “nhân vật hiện lên trong tác phẩm thường dưới dạng những tính cách (…) Bởi thế, nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của phân tích nhân vật là phát hiện tính cách” [41, tr.695]. Để phát hiện tính cách nhân vật, quan điểm hệ thống đòi hỏi “phải xem xét nhân vật như một chỉnh thể đa dạng do nhiều yếu tố khác nhau hợp thành, nhà văn dùng chi tiết để thể hiện nhân vật. Phân tích nhân vật phải bắt đầu từ việc nắm bắt những chi tiết ấy” [41, tr.701]. Một trong những chi tiết liên quan đến tính cách nhân vật, như đã biết, chính là tên do tác giả đặt ra cho nhân vật đó; và tìm hiểu về tên nhân vật, theo chúng tôi, chính là một nội dung đối thoại tương đối vừa sức và hấp dẫn đối với học sinh. Tên nhân nhật, như đã biết, cũng là một tín hiệu nghệ thuật mà nhà văn hết sức chú ý vì nó góp phần phản ánh phong cách của nhà văn, tính cách của nhân vật và không khí của tác phẩm. Thế giới nhân vật trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng đượm chất trào phúng với những cái tên lố lăng, quái dị, rởm đời như Xuân tóc đỏ, Típ-phờ-nờ, Văn Minh, Phó Đoan, ông Phán mọc sừng, Min-đơ, Min-toa, lang Tì, lang Phế… Thế giới nhân vật trong Bỉ vỏ của Nguyên Hồng đượm chất giang hồ, dao búa với những cái tên dữ dằn như Năm Sài Gòn, Tư lập lơ, Chín Hiếc, Ba Bay, Tám Bính… Tên các nhân vật trong sáng tác của Thạch Lam thường mang một vẻ hiền lành, trong sáng, nhẹ nhàng (thậm chí toàn những từ mang thanh không dấu) như Lan, Sơn, Thanh, Liên, An, mẹ Lê, cụ Thi, bác phở Siêu… Nguyễn Công Hoan khi viết truyện phê phán thói lai căng, lố bịch, kệch cỡm của một lớp thanh niên học đòi lối sống tiểu tư sản thành thị đã dụng công chọn được cho nhân vật của mình một cái tên rất đắt: Cô Kếu, gái tân thời. Nguyễn Trung Thành khi viết Rừng xà nu cũng đã tâm sự: “Tôi sẽ viết chuyện cuộc khởi nghĩa của anh Đề, cuộc đời, số phận của anh Đề. Tôi có ngay cảm giác phải tìm một cái tên khác cho anh Đề. Tên Đề nó “Kinh” quá, người Kinh quá. Tnú, tôi gọi anh bằng tên ấy. Nó “không khí” hơn nhiều” (theo SGK Ngữ văn 10, tập 1, NXBGD, 2008, tr.44). Xây dựng tình huống đối thoại với học sinh về tên nhân vật trong giờ học tác phẩm Chí Phèo, chúng tôi đề nghị thiết kế một nội dung đối thoại về một khía cạnh mà lâu nay nhiều tài liệu tham khảo dạy học chưa quan tâm đến: tên của hai nhân vật Bá Kiến và Lí Cường. – Cách nhà văn đặt tên cho nhân vật trong tác phẩm Chí Phèo có hoàn toàn mang tính ngẫu nhiên, ước lệ không? – Đặt tên cho hai cha con địa chủ cường hào của làng Vũ Đại là (Bá) Kiến và (Lí) Cường, Nam Cao có ngụ ý gì, những tên đó có phù hợp với tính cách nhân vật không? Tất nhiên, trong khá nhiều trường hợp, việc đặt tên nhân vật là hoàn toàn ngẫu nhiên, do đó nếu cứ cố công tìm hiểu ý nghĩa của những tên ấy thì sẽ hoặc mất thời gian vô ích, hoặc dẫn đến những suy luận gượng ép, thiếu sức thuyết phục. Ở đây, trong trường hợp cụ thể của hai cái tên Bá Kiến và Lí Cường, chúng tôi cho rằng có thể tổ chức cho học sinh đối thoại để xác định ngụ ý của Nam Cao và xác định tính cách của nhân vật được bộc lộ qua cái tên đó như thế nào. Trong truyện, Bá Kiến là một tên địa chủ cường hào “khôn róc đời”, hắn đã nghiền ngẫm rất kĩ những kinh nghiệm thống trị và bóc lột rút ra từ “bốn đời làm tổng lí”, toàn những phương châm, thủ đoạn gian hùng: “mềm nắn rắn buông”, “bám thằng có tóc, ai bám thằng trọc đầu”, “thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ nhì sợ kẻ cố cùng liều thân”, “cái nghề làm việc quan, nếu nhất nhất cái gì cũng đè đầu ấn cổ thì lại bán nhà đi cho sớm”, “đè nén con em đến nỗi nó không chịu được phải bỏ làng đi là dại”, “hãy ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông nhưng rồi lại dắt nó lên để nó đền ơn”, “thu phục những thằng bạt mạng không sợ chết và không sợ đi tù. Những thằng ấy chính là những thằng được việc. Khi cần đến chỉ cho nó dăm hào uống rượu là có thể sai nó đến tác hại bất cứ anh nào không nghe mình (…) Có chúng nó sinh chuyện thì mới có dịp mà ăn…”... Chính vì thế, cùng với các chi tiết đặc tả rất tinh tế như giọng quát “rất sang”, lối nói ngọt nhạt, “cái cười Tào Tháo”…, cái tên Kiến (cao kiến, đa mưu túc trí) chính là một dụng ý của Nam Cao, góp phần nói lên bản chất gian hùng, quỷ quyệt, cáo già của “một con hổ biết cười” (chữ dùng của Nguyễn Hoành Khung). Khác hơn so với Bá Kiến, Lí Cường chỉ là một nhân vật phụ, xuất hiện không nhiều trong tác phẩm. Lí Cường là con trai Bá Kiến, nhưng nếu Bá Kiến là một tay gian hùng, xảo quyệt thì Lí Cường chỉ là một đứa hữu dũng vô mưu, “nổi tiếng là hách dịch, coi người như rơm rác”. Ngay sự xuất hiện đầu tiên của Lí Cường đã cho ta thấy rất rõ điều đó: “Đấy, có tiếng người sang sảng quát: Mày muốn lôi thôi gì? Cái thằng không cha không mẹ này! Mày muốn lôi thôi gì?.... Đã bảo mà! Cái tiếng quát tháo kia là tiếng Lí Cường. Lí Cường đã về! Lí Cường đã về! Phải biết… A ha! Một cái tát rất kêu. Ôi! Cái gì thế này? Tiếng đấm, tiếng đá nhau bình bịch. Thôi cứ gọi là tan xương”. Tính cách võ biền, ngu dốt, ỷ mạnh hiếp yếu của Lí Cường còn được chính ngay cha hắn – Bá Kiến – thừa nhận: “Chỉ tại thằng Lí Cường nóng tính không nghĩ trước nghĩ sau”, hay “Vũ dũng như hắn mà làm được lí trưởng là nhờ có cụ. Cụ mà chết đi rồi “chúng nó” lại không cho ăn bùn”. Cả Đội Tảo, một tay vai vế trong làng cũng hết sức coi thường Lí Cường và có suy nghĩ tương tự như Bá Kiến: “Thằng bố chết, thằng con lớp này không khỏi người ta cho ăn bùn”… Như vậy, đặt tên cho nhân vật của mình là Cường (cương cường, sức mạnh), có lẽ Nam Cao đã dụng ý muốn nhấn mạnh đến tính cách hữu dũng vô mưu của nhân vật đó, đối lập với Bá Kiến để hai cha con nhà này tạo thành một cặp bài trùng có tác dụng bổ sung, hỗ trợ cho nhau trong việc đè đầu cưỡi cổ, bóc lột dân lành một cách hữu hiệu nhất). c. Cốt truyện Chí Phèo thuộc loại cốt truyện nhân vật, gồm đầy đủ 5 phần: mở đầu, thắt nút, phát triển, đỉnh điểm và kết thúc. Phần mở đầu: Nam Cao miêu tả Chí Phèo từ lúc ra đời đến lúc hắn trở thành người ở đợ cho nhà Bá Kiến. Cái lai lịch ấy giúp cho người đọc hiểu được bản tính vốn là người lương thiện của Chí. Phần này là cánh cửa mở dẫn người đọc đi vào bên trong câu chuyện. Phần thắt nút: là chỗ xung đột bắt đầu thể hiện. Trong truyện, xung đột giữa Chí Phèo, tiêu biểu cho người nông dân lương thiện, với Bá Kiến, tiêu biểu cho bọn cường hào trong xã hội thực dân - phong kiến, đã bắt đầu ở chỗ Bá Kiến vì ghen tuông nên đã đẩy Chí Phèo vào tù. Từ đây, tính cách của nhân vật Chí Phèo bắt đầu được hình thành và phát triển theo sự phát triển của mâu thuẫn truyện. Phần phát triển: sang phần này, tính cách nhân vật Chí Phèo đã được xác định dần qua một quá trình lưu manh hóa, bắt đầu từ lúc tù về đến trước khi gặp Thị Nở. Nhà tù và sự độc ác của bọn cường hào đã biến Chí Phèo từ người thành ác thú, và rồi tình yêu của Thị Nở lại làm cho Chí Phèo muốn chuyển biến từ con ác thú, con quỷ dữ của làng Vũ Đại thành con người bình thường trong xã hội. Giữa lúc Chí Phèo đi đến cực điểm của sự loạn cuồng, bế tắc, đau thương, bất hạnh của một thân phận không được làm người, Thị Nở xuất hiện như một ánh sáng lóe lên trong con đường hun hút mù tăm của Chí. Chỉ đôi phút, Thị Nở đã đem đến cho Chí Phèo niềm hạnh phúc của con người. Cũng chính ngay tại phút giây này, thử thách mới được đặt ra - trở lại làm người lương thiện hay tiếp tục con đường đau thương, thù hận? Chí Phèo lúc ấy mơ ước được làm người lương thiện song hắn bị xã hội từ chối. Chí Phèo cố vươn lên song mọi con đường đi tới đều bế tắc, mọi ước mơ, hoài bão của Chí hoàn toàn sụp đổ, tiêu vong. Phần đỉnh điểm: Chí Phèo cầm dao đến nhà Bá Kiến đòi làm người lương thiện, hai thế lực xung đột đã trực tiếp đối đầu. Chí Phèo muốn làm người lương thiện nhưng biết rõ là không ai cho hắn làm người lương thiện, và bản thân hắn cũng không thể nào xoá sạch được những tội lỗi mình đã gây ra. Xung đột giữa Chí Phèo (nạn nhân) và Bá Kiến, (thủ phạm) đã lên đến tột đỉnh. Phần kết thúc: từ sự căm thù cao độ và trong trạng thái bế tắc hoàn toàn, Chí Phèo đã giết chết Bá Kiến rồi tự sát. Từ trong khốn cùng, Chí Phèo vẫy thoát ra, song lối thoát duy nhất cho tình cảnh này chỉ có thể là cái chết. Chí Phèo đã đi đúng theo quá trình vận động, phát triển của sự vật. Cái chết thê thảm của Chí Phèo là sự phê phán gay gắt đối với chế độ xã hội thực dân phong kiến đã chà đạp lên quyền sống chính đáng của con người. Ta có thể thấy, tuy cốt truyện Chí Phèo có đầy đủ 5 phần nhưng chủ yếu được tổ chức trên hai trục tình tiết chính: trục thứ nhất – xoay quanh mối quan hệ Chí Phèo - Bá Kiến, gắn liền với sự hủy diệt linh hồn của Chí; trục thứ hai - xoay quanh quan hệ Chí Phèo-Thị Nở, gắn liền với sự thức tỉnh linh hồn Chí Phèo. d. Kết cấu Kết cấu là kiến trúc tác phẩm, là toàn bộ tổ chức phức tạp của tác phẩn. Khảo sát kết cấu của tác phẩm chính là khảo sát cấu trúc của nó. Theo Phương Lựu “kết cấu là một phương tiện cơ bản của sáng tác nghệ thuật… kết cấu tác phẩm là toàn bộ tổ chức tác phẩm phục tùng đặc trưng nghệ thuật và nhiệm vụ nghệ thuật cụ thể mà nhà văn tự đặt ra cho mình. Kết cấu tác phẩm không bao giờ tách rời nội dung cuộc sống và tư tưởng trong tác phẩm”. Kết cấu thông thường của tác phẩm tự sự bao gồm chuỗi các sự kiện xảy ra liên tiếp trong không gian và thời gian cho nhân vật và có ý nghĩa đối với tác giả, có mở đầu, có phát triển, có kết thúc, thể hiện những quan hệ, mâu thuẫn và quá trình nhất định của cuộc sống theo một trình tự logic rõ ràng. Tuy nhiên kết cấu logic không có nghĩa là tất cả các sự kiện đều diễn ra theo một trình tự thời gian hay trậ tự tuyến tính. Để làm nổi bật một vấn đề nào đó, tác giả hoàn toàn có thể phá vỡ trật tự tuyến tính để thiết lập một trật tự mới có tính sáng tạo. Đây là hiện tượng lạ hoá kết cấu. Trong Chí Phèo, Nam Cao sử dụng một kết cấu độc đáo, cùng với cốt truyện để hợp thành một thể thống nhất nhằm tôn giá trị tư tưởng, nội dung của tác phẩm. Truyện được kết cấu theo lối vào ngay cao trào, một phần tính cách nhân vật đã được giới thiệu ngay từ đầu câu chuyện; điều này khiến người đọc bị lôi cuốn ngay từ phút đầu tiếp xúc với tác phẩm. Mở đầu câu chuyện nhà văn không giới thiệu cụ thể lai lịch “ thằng không cha không mẹ” của Chí Phèo mà “vô tình” hé lộ lai lịch đó qua tiếng chửi “Hắn vừa đi vừa chửi…” cho người đọc tiếp cận ngay đến giai đoạn tha hoá cao độ của nhân vật chính; trong cơn say định mệnh, khủng khiếp nhất của nhân vật chính thì xuất hiện nhân vật thứ hai - Thị Nở với bát cháo hành có khả năng hoàn lương Chí Phèo; hình ảnh cái lò gạch xuất hiện ở phần đầu và phần cuối tác phẩm cho thấy Chí Phèo chết nhưng câu chuyện về món nợ truyền kiếp chưa hết. Chủ đề về sự tha hóa con người được biểu hiện sâu sắc qua thân phận của Chí Phèo nhờ vào sự phát triển tâm lí nhân vật và do đó đặc trưng kết cấu của tác phẩm Nam Cao nói chung là kết cấu tâm lí. Kiểu kết cấu này có tác dụng kích thích tâm lí bạn đọc, tạo tâm thế tò mò và những lôi kéo người đọc vào những suy đoán phong phú. e. Nhân vật Có thể nói, toàn bộ ý nghĩa, nội dung của truyện hầu như đều toát ra từ hình tượng nhân vật Chí Phèo. Chí Phèo là nhân vật điển hình cho người nông dân bị tha hóa, bị mất nhân tính do nhà tù và sự hiểm độc, tàn ác của bọn cường hào trong xã hội thực dân nửa phong kiến gây nên. Mở đầu thiên truyện, Chí Phèo đã định hình ngay trước mắt người đọc “Hắn vừa đi vừa chửi”, chỉ một câu, Chí Phèo ngật ngưỡng bước từ trang sách ra, và đã thành danh tính chỉ một loại người liều lĩnh, bất cần. Nhưng không chỉ có vậy. Đằng sau cái dáng vẻ dị biệt kia là cả một tâm trạng chua xót của nhân vật (phải mượn rượu để giải sầu, mượn rượu để có dũng khí trả thù, rượu là niềm vui duy nhất, sự giải thoát duy nhất…). Trong vài chục trang sách, phần còn lại Nam Cao đã soi sáng rõ hơn tính cách đã được đóng khung từ đầu của Chí Phèo, ngay cả cái chết của Chí ở cuối tác phẩm cũng chỉ minh họa, tô đậm những gì tác giả đã phác họa trước. Nam Cao đã rất thành công trong việc xây dựng nhân vật điển hình. Hình tượng nhân vật Chí Phèo không chỉ đơn thuần điển hình cho một bộ phận cố nông bị lưu manh hóa; Chí Phèo trước hết là hiện tượng có tính quy luật, là sản phẩm của trạng thái áp bức tàn khốc ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng, là điển hình cho người lao động lương thiện bị đẩy vào con đường lưu manh. Ở cấp độ cao hơn, Chí Phèo còn là điển hình của tình trạng con người không được làm người, bị xã hội từ chối. Bằng cách làm nổi bật sự thay đổi dữ dội trong tính cách của Chí Phèo trước và sau khi ra tù, Nam Cao đã tố cáo sự hủy hoại ghê gớm đối với phẩm chất, nhân cách của người lao động do xã hội cũ gây nên. Qua nhân vật Chí Phèo, Nam Cao như đã cảm nhận được cái khốc liệt của mối mâu thuẫn giai cấp ngàn đời giữa nông dân và địa chủ không có gì có thể xoa dịu, cái sức mạnh ghê gớm của mối căm thù giai cấp đang âm ỉ trong lòng trật tự phong kiến nông thôn, càng nén xuống thì càng dễ bùng nổ không gì có thể dập tắt được. f. Ngôn ngữ và lối kể chuyện: Ngôn ngữ là một căn cứ quan trọng để biểu đạt phẩm chất và tính cách nhân vật. Tuy nhiên, là một tín hiệu nghệ thuật, ngôn ngữ nhân vật không phải lúc nào cũng được xây dựng một cách rõ ràng, tường minh, ý đồ nghệ thuật của tác giả không phải lúc nào cũng được bộc lộ một cách trực tiếp; để phát hiện được giá trị nghệ thuật của ngôn ngữ nhân vật, hiểu được đằng sau những lời nói tưởng như bình thường ấy là cái gì, người đọc phải biết liên tưởng, suy nghĩ, giải mã… một cách sáng tạo những câu chữ ấy. Tác phẩm tự sự rất giàu hình thức ngôn ngữ, trong tác phẩm tự sự ta có thể bắt gặp ngôn ngữ của tác giả, ngôn ngữ của nhân vật, mỗi nhân vật lại có ngôn ngữ riêng. Ngôn ngữ của nhân vật lại có thể có nhiều lời nói, giọng nói, cách nói rất phong phú. Đoạn văn ở đầu truyện Chí Phèo thể hiện cái cô đơn trống trải tột cùng của nhân vật, thể hiện một cách tha thiết nguyện vọng được giao lưu giao tiếp của Chí Phèo, dù là thông qua một hình thức giao tiếp rất đặc biệt: tiếng chửi, bởi mọi ngõ ngách giao tiếp đều đã bị bịt kín. Trong đoạn văn này, ngoài tiếng chửa của Chí Phèo, còn là lời thông báo bình luận của người kể chuyện: “Hắn vừa đi vừa chửi, bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi…”. Ngôn ngữ tác giả tạo ra nhiều nhiếu lối diễn đạt, có ngôn ngữ trần thuật, có ngôn ngữ bình luận: “có hề gì”, “thế cũng chẳng sao”, “không ai ra điều”… tạo ra môt đoạn văn đa giọng điệu. Cách trần thuật gián tiếp xen lẫn với những đoạn văn nửa trực tiếp, nửa gián tiếp tô đậm hoàn cảnh nhân vật: Ờ thế này thì tức thật,! tức chết đi mất!... Mẹ kiếp! Thế này thì có phí rượu không?...” Ta thấy tác giả vừa ở bên ngoài nhân vật, vừa nhập thân nhân vật. Có sự chuyển hóa từ ngôn ngữ người kể chuyện sang ngôn ngữ nhân vật. Nam Cao xây dựng những đoạn vừa kể chuyện vừa kể tâm trạng (chẳng hạn đoạn kể về chuyện bà Tư nhưng cũng kể về tâm trang cụ Bá) làm cho truyện chứa đựng những cặp đặc điểm đối nghịch, vừa sắc lạnh, vừa tình cảm; tỉnh táo, nghiêm ngặt vừa chứa chan trữ tình, làm khơi gợi trong người đọc cả phần lí trí lẫn phần tình cảm. Mối giao hòa giữa người kể, nhân vật và người đọc thường xuyên được diễn ra. Trong truyện Chí Phèo, giọng kể của Nam Cao “có vẻ” lạnh lùng, vô cảm nhưng thật ra không phải vậy. Ta bắt gặp lối kể chuyện bằng nhiều chất giọng khác nhau. Truyện được chính tác giả chia thành sáu đoạn ngắn dài không đều nhau, được đánh dấu bằng những dấu hoa thị nhỏ. Sự phân bố màn cảnh, nhân vật, sự kiện không đều nhau, chất giọng vì thế cũng không giống nhau: Ở đoạn đầu, chỉ một nhân vật, một hành động, một bên đối thoại, tác giả sử dụng thủ pháp tăng cấp làm giọng văn căng, đầy kịch tính. Sang đoạn 2, bằng giọng chùng xuống, tác giả đưa ta về quá khứ với những câu văn dài. Tiếp đến là những đoạn căng với thời gian cụ thể gấp gáp miêu tả ngoại hình và những hành động của Chí Phèo khi ra tù. Đoạn 3, chỉ ngắn vỏn vẹn hai trang như một đoạn hồi ức chắp nối quá khứ với hiện tại, một khúc đoạn chuyển tiếp tả sự đắc thắng bước đầu của Chí Phèo và mở đầu cho cái điệp khúc: say, chửi, rạch mặt ăn vạ, rồi lại say... Đoạn 4,5 cũng tương tự. Giọng văn của tác giả thay đổi linh hoạt, lúc chùng lúc căng tùy theo hành động và diễn biến tâm trạng của nhân vật. Giọng căng thường được thể hiện bằng lối đặc tả, sự kiện diễn biến dồn dập trong một thời gian gấp gáp, cụ thể, những lời đối thoại gây kích thích hành động. Giọng chùng với những câu dài, thường là những hồi ức quá khứ, một hành động diễn ra chậm chạp, một chuỗi suy nghiệm, tính toán. Đoạn kết như một khúc vĩ thanh báo hiệu tuy nhân vật đã chết nhưng hiện tượng tha hoá chưa chấm dứt, cái lò gạch cũ bỏ không hiện ra như một thứ tiền oan nghiệp chướng ở làng quê, một khi vẫ

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLVVHPPDH036.pdf