Luận văn Tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới

Nhà nghiên cứu Đinh Quang Tốn từng cho rằng: “Nếu trong tổng sốsáu trăm hội

viên Hội nhà văn Việt Nam, cứmười người chọn lấy một người tiêu biểu thì Lê Lựu là

một trong tổng số60 nhà văn ấy. Nếu vềvăn xuôi hiện đại, chọn lấy ba mươi tác phẩm, thì

có mặt Thời xa vắng”[104, tr. 663]. Đấy là một ý kiến xác đáng bởi vì chính Lê Lựu là

một trong những người đầu tiên nhìn nhận hiện thực đời sống xã hội một cách tỉnh táo và

khách quan. Bằng sựchân thật nhưng cũng không kém phần tinh tế, nhà văn đã đi sâu

phân tích đời sống tinh thần con người, chỉra những tồn tại trong ý thức hệtưtưởng đểtừ

đó cắt nghĩa và lý giải hiện thực.

Một trong những "hiện thực" lúc bấy giờ được nhà văn nhận thức lại và phản ánh

một cách gay gắt, quyết liệt chính là "quan niệm duy ý chí một thời". Vậy quan niệm duy ý

chí là gì mà tác giảlại lên án nhưvậy?

pdf103 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 2835 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Văn Yến, người có thể hiểu mình, có thể minh oan cho mình thì chính con người ấy cũng áp đặt cách nghĩ chung của mọi người cho anh. Ông chỉ nhìn hiện tượng chứ không thấy được bản chất vấn đề. Qua cuộc đối thoại giữa Kiêm với thủ trưởng, một lần nữa tác giả muốn khẳng định sự độc ác vô nhân đạo của quan niệm duy ý chí. Chưa hết, khi con trai Kiêm là Mai và Sau lớn lên, đáng lẽ con anh phải được học tập bình thường. Thế nhưng với quan niệm duy ý chí, những người có chức có quyền lúc ấy lại kìm hãm khả năng phát triển của họ vì sợ họ trả thù cách mạng bởi chúng là con của một tên tử tù. Có thể nhận thấy, hiện thực cuộc sống trong thời ấy đã được phản ánh một cách sinh động và sâu sắc. Cuộc sống ấy "không phải đổ máu vì chủ nghĩa cá nhân tư sản cực đoan" nhưng "phải trả giá nặng nề cho tâm lý nông dân - phong kiến gia trưởng" [104, tr.590]. Lê Lựu đã nhận thức lại thực tại nhưng không phải là phủ nhận, gạt bỏ nó. Ông khám phá sâu hơn vùng hiện thực mà trước đây do nhu cầu lịch sử, do sự vận động của thực tại đời sống nên chưa được chú ý đúng mức. Như vậy, nhận thức lại hiện thực, phê phán quan niệm duy ý chí chính là một trong những vấn đề được nhà văn cũng như các cây bút đương thời phản ánh sâu sắc trong tác phẩm của mình. Chúng ta bắt gặp điều này qua nhân vật Bời trong tác phẩm Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu. Cũng như Lê Lựu, Nguyễn Minh Châu nhận thấy hậu quả thảm hại do quan niệm duy ý chí gây ra. Hình ảnh lão Khúng khốn khổ, mất tự do và thậm chí đôi khi cảm thấy mình giống như con Khoang đen, làm việc quần quật cả đời dưới cái ách đè lên vai buộc chặt bằng dây chão và hoàn toàn mất ý thức về tự do chính là do ông chủ tịch "toàn nghĩ những việc to tát vĩ đại", lại say sưa với lý luận về "hai con đường". Vậy là không phải cái gì khác, chính chủ nghĩa duy ý chí đã triệt tiêu bao ước mơ, khát vọng của con người. Là một trong những nhà văn khá nhạy cảm, Lê Lựu nhanh chóng chỉ ra quan niệm, lối tư duy duy ý chí đã trở thành sợi dây trói buộc đời sống tinh thần con người gây ra biết bao thảm kịch. Tác giả nhận thấy sự thất bại của lối tư duy lỗi thời lạc hậu, thiển cận cực đoan đó đồng thời phê phán, lên án một cách quyết liệt, Cho nên các tác phẩm của Lê Lựu nói chung và bộ ba tác phẩm Thời xa vắng, Sóng ở đáy sông, Chuyện làng Cuội nói riêng đã đóng góp vào sự hình thành khuynh hướng nhận thức và đánh giá lại hiện thực của tiểu thuyết Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. 2.2.2. Sự nhận thức chân thực những khía cạnh khác nhau về hiện thực trong xã hội lúc bấy giờ 2.2.2.1. Nhận thức về những hạn chế của đường lối chính sách Không chỉ dừng lại việc nhận thức quan niệm duy ý chí một thời, Lê Lựu còn mở rộng phạm vi phản ánh trong việc nhận thức một cách chân thực và chỉ rõ cho mọi người thấy không ít chính sách cải cách mang tính quan liêu và tác hại ghê gớm của nó. Đây qủa là một trong những điều mới mẻ và chân thực nhất. Chúng ta biết rằng trong công cuộc đổi mới, với những chính sách tiến bộ, đất nước đã đạt được những thành tựu lớn lao. Thế nhưng bên cạnh đó cũng gặp không ít những hạn chế, những lầm lẫn đáng tiếc. Bạn đọc không khỏi xốn xang khi chứng kiến những giông bão do chính nó gây ra. Điều này chúng ta bắt gặp trong hàng loạt tác phẩm thời ấy. Ở đó, không còn anh em, bè bạn, cha con. Để tồn tại, họ phải quay mặt lại với nhau. Trong Lão khổ của Tạ Duy Anh, em bị buộc phải bịa ra chuyện để "tố" anh. Trong Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, con trai - Vũ Đình Phúc - đứng ra tổ chức thanh thiếu niên hô vang khẩu hiệu đã đảo chính người đẻ ra mình - Vũ Đình Đại. Khi người cha bị đưa ra đấu tố công khai, con dâu cầm liềm dỉa dói trước mặt cha chồng, còn đứa con trai thể hiện đầy bản lĩnh rằng "mày có biết tao là ai không?". Nằm trong dòng chảy đó, Lê Lựu cũng cho chúng ta thấy một cách đầy đau xót về cuộc cải cách này. Ông đã vạch ra, chỉ rõ cho mọi người thấy những bước đi "chệch choạc" của chính sách ở một "thời xa vắng". Đến với những trang viết như vậy, người đọc thật sự xúc động bởi vì những điều ấy, trước khi có sự chỉ đạo của Đảng thì hầu như không ai dám nói. Nhà văn dường như "cho qua", "lờ đi" hoặc vờ như "không thấy, không biết". Điều đó có thể là do hạn chế của thời đại nên các nhà văn chưa có được một thái độ dũng cảm hơn trong phản ánh. Giờ đây, với sự động viên khuyến khích "trả lại cho văn học bản chất vốn có của nó", Lê Lựu cũng như các nhà văn trong thời kỳ đổi mới đã mạnh dạn mổ xẻ, đặt lại vấn đề. Nhận thức lại những mặt trái của chính sách cải cách là một trong những vấn đề khá tế nhị và nhạy cảm. Cần phải nhìn nhận một cách khoa học đúng đắn, bởi nếu không thì điều ấy sẽ có tác dụng ngược lại, không những không nói được gì mà còn có tính chất "bôi đen". Trước khi là một nhà văn, Lê Lựu đã là một chiến si. Đứng trong hàng ngũ của những anh lính cụ Hồ, ông hiểu rõ hơn ai hết những chính sách cải cách của Đảng đề ra cho đất nước trong vận hội mới. Ông không những hiểu ngọn nguồn sâu xa, hiểu một cách cặn kẽ những chính sách đường lối đúng đắn của Đảng mà thông qua tác phẩm, ông đã chỉ cho mọi người thấy những mặt hạn chế đáng tiếc của chính sách cải cách đó. Hơn thế nữa, trên những trang viết, ta thấy ông nhận chân để hiểu một cách trọn vẹn, thấu đáo chứ không phải hằn học, miệt thị với những sai lầm của quá khứ. Đấy chính là "cái tâm" cần có và đáng trân trọng của người nghệ sỹ. Trong thế giới nghệ thuật Chuyện làng Cuội, ta thấy rõ những hạn chế của chính sách cải cách mang tính quan liêu bao cấp và tác hại của nó. Trước hết là chính sách "Thăm nghèo hỏi khổ". Thật ra, chính sách ấy không hề sai mà cái sai cơ bản chính là những con người tiến hành thực hiện. Trong truyện, thông qua nhân vật đội Lăng - một trong những cốt cán tiêu biểu lúc bấy giờ - nhà văn đã phơi trần cho thấy hiện thực cay đắng của một thời xa vắng. Bằng năng lực tài tình, đội Lăng nhanh chóng xem xét, điều tra và cung cấp lý lịch của anh Kiêm một cách hợp "logic" khiến bà con nông dân ai cũng thán phục và hết sức ngỡ ngàng: "...đội và đoàn uỷ tưởng là do nông dân tố giác. Bà con nông dân lại tưởng đội " người tài tình biết từ chân tơ kẽ tóc của nó hàng mấy chục năm nay". Cho nên ai cũng "à" lên "đúng rồi" [106, tr. 207]. Với việc quy kết, chụp mũ của đội Lăng, anh Kiêm phải chết một cách oan ức, đau đớn, tủi nhục. Hai đứa con trai sau này của anh cũng không được đi đâu học vì một lần nữa người ta lo sợ chúng là con của một "kẻ tử tù". Chúng có thể "phá hoại", "hằn thù" với cách mạng như lời ông Cu Từ: "Người ta sửa sai là hạ thành phần, giả nhà cho cô, dù nó chỉ còn là cái khung. Cô không là giai cấp bóc lột, chồng cô không là phản động, được khôi phục đảng tịch. Nhưng ai sửa sai cho chú ấy sống lại. Không sống lại được, tức là vẫn ấm ức với cái án tử hình chứ gì? Gia đình cô là gia đình cách mạng. Nhưng các con cô sau này ai dám bảo nó không còn uất ức với cái chết của bố nó. Cho nên nó vừa xuất thân của một gia đình cách mạng nhưng nó lại là phần tử có thù oán với cách mạng, buộc người ta phải phòng xa, không được để nó đi đâu, không diệt từ mầm mống của nó, sau này nó phá ra, có giời mà giữ"[106, tr.292]. Cho nên "Dù sao, con em những người bị cách mạng xử lý cũng không được đi học đại học và đi làm bất cứ việc gì ngoài việc làm ruộng ở nông thôn"[106, tr.286]. Đặc biệt nhất là ở đây, nhà văn đã chỉ ra một cách đầy đau xót sự quy kết, chụp mũ của những con người nhân danh "Đảng" thi hành nhiệm vụ để rồi gây ra biết bao thiệt hại cho người dân mà vẫn hoàn toàn sống "bình yên" sau những sai lầm do mình gây ra như đội Lăng. Đội Lăng đã làm tờ khai lý lịch tội trạng của anh Kiêm một cách hợp lôgich, không cần biết đúng sai như thế nào. Mọi người cũng không cần kiểm chứng, cấp trên cũng không xem xét đúng sai và do đó để lại hậu quả thảm thương. Như vậy, tuy có người cho rằng Chuyện làng Cuội chưa hay nhưng chỉ với chi tiết này, nhà văn Lê Lựu đã thực sự có những đóng góp to lớn trong việc nhìn nhận hiện thực và phản ánh nó một cách chân thực thông qua những hình tượng nghệ thuật sinh động. Trên những trang viết ấy, chúng ta nhận thấy ăm ắp hơi thở của cuộc sống. Đó là khí thế bừng bừng của công cuộc cải tạo xã hội, là tinh thần cách mạng nhiệt tình của nhiều tầng lớp, nhiều thế hệ. Nhưng bên cạnh những thành quả đạt được, những khẩu hiệu, thành tích còn có cả sự ấu trĩ, có cả cay đắng và thất bại, cả những bất hạnh và ngang trái mà trước đó người ta chưa nói hết ra, chưa đi đến tận cùng. 2.2.2.2 .Nhận thức thực trạng của sự bao che, cho qua Một trong những hiện thực không nhỏ trong xã hội lúc bấy giờ đó là sự "bao che, cho qua, lờ đi" những tội trạng của nhau. Anh em bao che cho nhau, cấp trên phạm lỗi, cấp dưới cho qua, tập thể phạm lỗi thì cấp trên cũng lờ đi vì "không thể vì một người mà bỏ đi những người khác". Và điều quan trọng là không phải nó chỉ tồn tại ở "thời xa vắng" mà nó vẫn đang, sẽ tồn tại bên cạnh chúng ta đến ngày hôm nay. Vấn đề ấy cũng được Lê Lựu đặt ra một cách bức thiết trong Thời xa vắng qua việc chú Hà giải quyết vụ "Hương - Sài ăn ở với nhau" bị tên kẻ trộm bắt gặp. Ông mắng Tính:"sao không lấy độc trị độc" dẹp đi khi nghe tin sự việc Sài trăng gió? Đặc biệt, khi kẻ "phát hiện ra vụ việc" định nói, ông vùng dậy chỉ vào mặt:"Tại sao các đồng chí không cho bắt ông này? Tính nào vẫn tật nấy. Ông còn nhớ tôi đã tha cho ông mấy vụ rồi không?" Sau đó ông đi đến kết luận khiến ai cũng phải thán phục:"Lẽ ra khi thấy chuyện này bùng ra, ta phải dập ngay. Một mặt dẹp dư luận, một mặt xem thực hư ra sao... ...cứ giả thiết là có thật trăm phần trăm, thì các đồng chí cũng phải tìm cách dẹp nó đi. Tội thằng Sài đến đâu ta xử nội bộ đến đấy. Xử lý thật nghiêm nhưng bằng những lý do khác, ở thời điểm khác...Như thế có phải nghiêm khắc mà vẫn giữ được uy tín cán bộ không?"[107, tr.73]. Như vậy, dù sự việc giữa Hương và Sài là "chuyện trăm phần trăm có thật thì cũng phải dẹp, phải cho qua để khỏi ảnh hưởng đến uy tín của cán bộ". Không gay gắt, không phẫn nộ nhưng với sự khéo léo tài tình, Lê Lựu đã mạnh dạn đưa lên trang viết một trong những thực trạng đáng báo động chính là tội bao che, cho qua để giữ uy tín cho "cán bộ" ấy. Những người cầm cân nảy mực đã lấy sự thật nhỏ đè lên sự thật lớn. Và "sự lờ đi, cho qua" không dừng lại ở đó. Tác giả đặt lại vấn đề này một lần nữa qua việc xử lý của chính uỷ Đỗ Mạnh đối với những sai lầm của cấp dưới: "Thật là phẫn nộ về việc làm của các anh. Nhưng với cương vị một chính uỷ, tôi cũng chỉ phê bình để các anh rút kinh nghiệm. Vì rằng, không thể vì một chiến sĩ mà tôi phải bỏ đi cả bốn cán bộ đại đội, không thể bỏ cái thành tích lao động thứ nhất sáu tháng qua của đại đội...Và quan trọng hơn, tôi không thể bỏ quá nửa số cán bộ trung đoàn có quan niệm về công tác tư tưởng con người như kiểu các anh. Thành ra cứ phải cho "êm" đi"[107, tr. 99-100]. Tiếp tục nhận chân nó, qua Chuyện làng Cuội, nhà văn lại khắc hoạ một cách đậm nét. Ông Văn Yến, một cán bộ lão thành cũng đành phải ngậm đắng nuốt cay "cho qua" dù biết Hiếu là kẻ phản bội, lừa lọc, dối trá biến chất "Nếu phanh phui ra chuyện này để "phanh" việc đề bạt, mọi người sẽ nghĩ về ông như thế nào? Cả cuộc đời ông lo toan cho mọi người không hề sai phạm gì, đến lúc sắp về hưu mới "bục" ra chuyện tầy đình liên quan trực tiếp đến uy tín và sự cống hiến của ông và bao nhiêu đồng chí khác. Ông còn đủ sức tự phơi mình ra trước công chúng và lịch sử không" [106, tr.508 – 509]. Vì vậy ông buộc phải: "Thôi. Bằng cách nào cũng phải "khoanh" chuyện này lại. Phải tìm cách theo dõi, khống chế, "dẹp" cho nó "êm đi". Nếu không mọi người hoang mang, không có lợi cho việc bảo vệ uy tín của cán bộ mà kẻ địch lại khoét sâu vào mâu thuẫn nội bộ của chúng ta."[106, tr. 509]. Thế đấy, dù có những tội lỗi hay sai phạm gì đi chăng nữa người ta cũng lấy lý do này, lý do khác để cho êm đi, cho qua. Không thể giải quyết triệt để, không thể làm rõ ngọn ngành, không thể làm mất uy tín của cán bộ. Đọc những dòng này, ta mới thấy sự từng trải hiểu đời, sự khéo léo sâu sắc của nhà văn Lê Lựu. Không dừng lại ở đó, nhà văn còn phản ánh một cách toàn diện thời kỳ quá độ thông qua những việc làm của nhân vật Lưu Minh Hiếu trong tác phẩm Chuyện làng Cuội. Sau khi trúng vào thường vụ tỉnh uỷ, Hiếu đã áp dụng mô hình giống như nước bạn ngay tại quê hương mình. "Dù người mù chỉ nghe nói, người điếc chỉ biết xem đều biết chỗ nào là nhà máy chế biến thức ăn gia súc, nhà máy đay, nhà máy dệt, nhà máy làm chuối hộp, nhà máy làm tinh dầu, nhà máy xay xát, nhà máy đóng hộp thịt lợn, thịt gà, thịt vịt thịt ngỗng xuất khẩu...Có thể bắt cò làm thịt đóng hộp xuất khẩu, là sản phẩm đặc biệt của huyện này mà cả thế giới chưa chắc đâu đã có. Nếu ăn khách ta xây dựng thêm nhà máy chuyên sản xuất thịt cò xuất khẩu theo một dây chuyền từ A đến Z...Những con đường xe nối đuôi nhau cũng phải thể hiện "ngựa xe như nước". Máy bay trực thăng đang phun thuốc trừ sâu ở cánh đồng nào? Ca nô tàu thuỷ bốc dỡ hàng ở đâu? Chỗ nào là những bể nước khổng lồ phân phối nước cho những hệ thống tưới tiêu ngầm. Những tấm thảm màu xanh tương lai hy vọng cứ là cò bay gãy cả cánh" [106, tr.392-393]. Thế nhưng những dự định tốt đẹp, những ước mơ ấy cuối cùng cũng chỉ là mơ ước vì thực tế và khát vọng hoàn toàn khác nhau, cách xa nhau. Kết qủa là "Gần mười năm sau, những cây cột điện bằng xi măng vẫn xếp hàng đứng giữa cánh đồng như những bàn tay cụt quyết tâm đâm lên trời kiên nhẫn chờ đợi những tấn dây tải đã được duyệt cấp phát từ mười năm trước mà không biết nó còn nằm ở đâu? Những nhà máy ầm ầm ì ì suốt ngày suốt đêm? Quên đi. Từng đàn máy bay phun thuốc sâu? Quên đi. Những đường nhựa xe chạy một chiều cũng quên đi. Chỉ còn lại những con đường liên thôn liên xã vẫn lầy lội gồ ghề, có chỗ mặt đường chỉ còn bằng hai bàn chân đặt ngang" [106, tr.417]. Với chính sách viển vông thiếu thực tế, Hiếu vẫn thăng quan tiến chức còn hậu quả để lại cho bà con nông dân thì vô cùng thảm hại "hàng chục người chết vì kiệt sức, vì tai nạn, hàng trăm người bị đánh trói, cầm tù...hàng nghìn ngôi nhà bị phá dỡ" [106, tr.417]. Chưa hết, những chính sách của Hiếu còn khiến nhân dân phải mấy phen lao đao. Vụ đầu tiên là thu mua chuối của bà con nông dân sau khi Hiếu nghe được tin vỉa hè từ hai người buôn chuối tại một quán nước. "Cả huyện nô nức chặt chuối khiêng vác, đùn đẩy vận chuyển ra sông... thế nhưng đến 27 tết vẫn không ai mua một nải nào" [106, tr. 420]. Cho nên "đến tối 29 tết, trừ dập nát hư hao trộm cắp, rơi vãi thất thoát mất gần một phần trăm. Số còn lại bán chịu. Tính bình quân cũng được hào rưỡi một nải. Mua ba đồng bán hào rưỡi, chưa kể tiền thuê xe, thuê sà lan, công bốc vác và mấy trăm cán bộ các ngành chạy ngược chạy xuôi hàng tuần lễ." [106, tr.421]. Bi kịch bà con nông dân tiếp tục gánh lấy là "gần 10 năm trời chưa thấy ai nói lại cái khoản nợ và không biết đòi ai khi những cán bộ chủ chốt, lúc bấy giờ không còn ai ở huyện" [106, tr. 421]. Tiếp theo là vụ tiêu tiền lẻ. Thế là có một chiến dịch thì thào "từ bà bán bánh đúc riêu cua đến ông hoạn lợn, từ cô mậu dịch viên đến anh răng vàng hàn dép nhựa. Ở tất cả mọi chợ, mọi hàng quán, mọi xó xỉnh đều lặng lẽ "quán triệt" cái ý thức tiêu tiền lẻ. Kể cả khi bán con trâu, con bò, cái cát xét, tivi phải mang quang thúng đi gánh tiền lẻ cũng nhất quyết không tiêu tiền chẵn" [106, tr.423]. Thế nhưng khi đổi tiền thật "một chục chỉ còn bằng một đồng. Chỉ vài tháng sau không ai mua bán bằng cái giấy hai chục và trông thấy năm chục rơi, ngại không muốn nhặt. Những đồng tiền lẻ chỉ tiêu loanh quanh trong huyện với nhau, rất khó tiêu ở ngoài. Nhất là những người ở tỉnh khác họ trông thấy mướt mả mồ hôi, khệ nệ khoác từng ba lô, gánh từng bao tải, chở hàng ô tô tiền lẻ đi mua hàng, họ lăn ra cười gọi nhau xô đến xem, như đi xem thằng hề ở rạp xiếc...Mặc cả xong xuôi, người mua giở tiền ra trả. Trông thấy toàn tiền lẻ, lập tức người bán hàng giật lấy hàng của họ lại, buông ra những câu khinh miệt lạnh lùng "đợi nhé". Mua bằng thứ tiền ấy có ma nó rây vào các ông. "Nào thôi" gút bai" lấy chỗ cho tôi bán hàng"[106, tr. 424]. Có lẽ trong cái thời xa vắng ấy, "Ai mở mồm ra cũng bảo vì người này, vì người kia, vì cả làng, cả tổng mà thực ra chả vì ai. Không có con người, chỉ có mục đích của đội, sau này là của xã, của huyện" [106, tr.362]. Với quyền lực trong tay, Hiếu bắt hàng nghìn người đi cấy lúa ở dưới cửa sông. Không biết đất mặn, đất chua ra sao, không biết hình dáng kích thước vùng đất ấy nó thế nào! Hậu quả là: "17 người chết vì ăn nước lợ đi ỉa chảy hàng loạt. 3 người chết do ngâm mình dưới nước lâu bị cảm lạnh. Một người chết đói, năm người gãy chân, cụt tay do tai nạn lao động. Cả thảy 26 người chết và tàn tật. Hết hơn 10 vạn công. Nợ hàng trăm triệu đồng tiền mua sắm dụng cụ, tiền thuê kĩ thuật, tiền giống và tiếp khách cộng với hàng chục khoản phụ phí khác....Biến hàng trăm mẫu ruộng đất chua mặn thành ruộng cấy lúa thế nhưng nhân dân không thu được một hạt thóc nào ở 100 mẫu ruộng chua mặn ấy." [106, tr.362- 363], Hiếu thì vẫn trúng vào thường vụ huyện ủy, và sự việc ấy cũng chỉ được "rút kinh nghiệm, ai nhắc đến nó, oán trách nó coi như kẻ xấu, có ý đồ không tốt, tiếp tay cho kẻ địch phá hoại đoàn kết của ta. Hoặc là "Nói ra nhằm mục đích gì? Giải quyết cái gì? Cái đã qua rồi để cho nó qua."[106, tr.363]. Tất cả những sai lầm của cán bộ chỉ được họp để "rút kinh nghiệm". Dù sai sót, lầm lỡ thì cuối cùng "Chủ tịch vẫn được điều lên làm trưởng ty công nghiệp. Còn bí thư lên làm phó chủ tịch thứ nhất, chuẩn bị thay thế chủ tịch"[106, tr. 425]. Như vậy, với nhân vật Lưu Minh Hiếu, nhà văn đã mạnh dạn phản ánh một thực trạng đau lòng ở giai đoạn này. Những người cán bộ, những người thực hiện việc cải cách dù mang lại kết quả hay không, dù sai lầm thì họ vẫn "bình yên vô sự", vẫn "thăng quan tiến chức" còn người trực tiếp gánh lấy mọi hậu quả thảm hại lại là bà con nông dân chứ không phải ai khác. Có thể nói rằng khi đến với những trang viết của Lê Lựu, ta dễ nhận thấy một điều là vấn đề nhận thức về cách mạng xã hội chủ nghĩa, về thời kỳ quá độ đã được nhà văn xem xét khá toàn diện và phản ánh nó một cách sâu sắc. Nhà văn không phủ nhận những thành tựu lớn lao trong công cuộc xây dựng xã hội mới. Nhưng điều quan trọng hơn, mới mẻ hơn chính là không làm ngơ, không bỏ qua những sai sót, những non nớt, yếu kém, ấu trĩ của một "thời xa vắng". Xuất phát từ quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, tác giả đã nhìn nhận nó với một tinh thần biện chứng năng động. Bằng cảm hứng phê phán và một cảm quan hiện thực sắc bén, nhà văn đã nắm bắt được những chi tiết cực kỳ sinh động, góp phần khắc hoạ tấn bi - hài kịch một thời. Và điều đáng trân trọng là nhà văn đã phê phán cái ác, cái xấu, cái tiêu cực trên tinh thần nhân văn. Dù có vẻ mỉa mai, dù vạch trần tội ác không nương tay nhưng tất cả đều xuất phát từ tình yêu thương đối với con người. Thời xa vắng, Sóng ở đáy sông, Chuyện làng Cuội đã thể hiện sinh động và chân thực về quá trình chuyển biến trong cách nhìn nhận, đánh giá lại thực tại đó. 2.2.2.3. Nhận thức về lối sống thực dụng, ích kỷ, biến chất tha hóa của con người trong xã hội hiện đại Từ cuộc sống bất bình thường của chiến tranh, giờ đây, con người bước vào cuộc sống bình thường nhưng là cuộc sống với tất cả những gì lạ lẫm và mới mẻ nhất. Trong vòng xoáy ấy, chúng ta nhận thấy bao phen chìm nổi của những cuộc đời, thân phận không kém phần nghiệt ngã. Bằng trái tim yêu thương, nhạy cảm, Lê Lựu đã nhận thức hiện thực cuộc sống xã hội hiện đại và phản ánh nó một cách chân thực. Trước hết, trong thế giới nghệ thuật Thời xa vắng, ta thấy rõ, nếu như phần đầu truyện, tác giả phản ánh một thời kỳ mà con người yêu thương, lo lắng, quan tâm cho nhau hết sức thì sang phần thứ hai, tức là chuỗi ngày sau khi Sài lấy Châu làm vợ, người ta không còn quan tâm đến nhau nữa. Cuộc sống của xã hội hiện đại mở ra bao nhiêu điều mới mẻ nhưng đồng thời thu hẹp, khép lại tình yêu thương con người dành cho nhau. Đấy là một thực tế đau lòng được Lê Lựu nhận chân và phản ánh. Điều này một lần nữa được ông khẳng định trong Một lần hỏi chuyện tác giả và tìm hiểu tác phẩm: "Có một thời kỳ, thời xa vắng, người ta sống hào hùng, hồn nhiên, người ta quan tâm đến nhau, mong muốn giúp đỡ lẫn nhau, có điều người ta đơn giản ấu trĩ, người ta không hiểu rõ cái sâu xa nhất của một con người, tưởng đâu sống rất sát, quan tâm đến nhau rất nhiều nhưng thật ra chỉ hiểu và quan tâm đến cái bên ngoài, cái hời hợt, còn cái bên trong của con người thì người ta không biết đến. Sống cạnh nhau mà vẫn xa nhau. Có một thời kỳ khác - thời kỳ của Sài Châu, đời ai người nấy lo, số phận ai nấy biết, người ta không còn quan tâm đến nhau nữa, Sài một con người có năng lực, có chí tiến thủ, lại mụ mẫm đi trong sự lầm lẫn của đời mình mà không ai giúp đỡ anh ta" [104, tr. 550- 551]. Nhận thức chân thực về lối sống thực dụng, ích kỷ, sự biến chất tha hóa của con người trong xã hội hiện đại không dừng lại ở Thời xa vắng. Hơn thế nữa, nó được phản ánh đậm nét trong những tác phẩm về sau, cụ thể là Sóng ở đáy sông và Chuyện làng Cuội. Tình mẫu tử là một trong những tình cảm thiêng liêng và đáng trân trọng. Thế nhưng trong xã hội lúc bấy giờ, người ta có thể chà đạp lên nó. Vì vậy, các nhà văn đã phản ánh và lên án một cách gay gắt về hiện tượng này. Nguyễn Minh Châu trong truyện Mùa trái cóc ở miền Nam đã tố cáo sự tha hoá của đứa con thông qua nhân vật Toàn. Hắn dửng dưng xa lạ với người đẻ ra mình vì bà quá quê mùa. Hắn gượng gạo ôm hôn bà mẹ già trước mặt nhà báo, để rồi vội quay đi, lén đưa tay lên mũi ngửi. Nằm trong dòng chảy ấy, Lê Lựu cũng đề cập đến tình mẫu tử. Nhưng người tha hoá ở đây lại là người bố chứ không phải đứa con. Bố của Núi hầu như đã chai lỳ, không hề có cảm xúc. Mọi ý nghĩ việc làm của người đàn ông này chỉ cốt làm sao cho mình được yên thân. Ông không hề bận tâm đến cuộc sống của con cái. Trách nhiệm, tình yêu thương của một người cha hoàn toàn không hề có ở người làm cha này. Ông tính toán mọi việc khiến cho mọi người không ai cười chê hay trách móc ông được...Nhận chân sự băng hoại đạo đức trong mỗi con người, Lê Lựu không khỏi đau đớn xót xa. Ông phê phán, lên án "hiện thực" ấy một cách quyết liệt. Thông qua lời nói của người bạn - cha ông viện trưởng - khi bố của Núi viết đơn xin cho con mình ở tù chung thân, ông qủa đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với những người làm cha làm mẹ rằng: "Tôi nghĩ cái đơn bác viết như thế này tôi sợ...Khi công bố công khai nó ra thì những lớp con cháu chúng ta nó kinh sợ những người làm cha làm mẹ, không đứa nào dám có cha mẹ nữa" [105, tr. 245]. Từ đó, nhà văn đi đến kết luận có tính chất triết lý trước hiện thực những kẻ làm cha làm mẹ mà lại vô tâm, vô trách nhiệm : "Thì ra, có những người sống đến mấy đời ở Hải phòng, hiểu rất rõ người Hải Phòng "trải lòng mình ra với thiên hạ" mà lại cạn tình ngay với đứa con mình đẻ ra... Không hiểu ở thành phố này còn bao nhiêu kẻ nhân danh người Hải Phòng, có gốc gác hẳn hoi lại ăn ở cạn tàu ráo máng với nhau như thế " [105, tr. 246]. Không chỉ nhận chân sự tha hoá, lối sống ích kỷ thực dụng của con người trong xã hội hiện đại. Điều quan trọng hơn của ngòi bút nhân đạo có lẽ chính là từ nhận chân, lên án, phê phán, nhà văn đi đến thức tỉnh tình yêu thương, lòng bao dung vị tha nơi con người:"Con cái đẻ ra, có đứa này, đứa thế kia " cha mẹ sinh con trời sinh tính". Có đứa lành, đứa dữ, có đứa chất phác thật thà lại có đứa gian giảo lừa lọc, nhưng người làm cha mẹ phải sống làm sao để bất cứ một đứa con nào dù hư hỏng độc ác đến mấy, mỗi lần nó gọi đến tiếng mẹ, tiếng cha, là một lần nó phải thức tỉnh lương tâm làm người của nó. Sự êm ấm của gia đình, sự đùm bọc che chở và lòng vị tha, rộng lượng của cha mẹ ...là bức tường thành che đỡ, cũng là sự cản bước không cho nó vượt sang vòng tội lỗi."[105, tr.246- 247]. Tiếp tục nhận chân cuộc sống hiện đại đầy phức tạp, trong thế giới nghệ thuật Chuyện làng Cuội, một lần nữa Lê Lựu đã chỉ ra cho ta thấy lối sống thực dụng, ích kỷ, sự tha hoá của con người qua cuộc đời của nhân vật Lưu Minh Hiếu. Khác với Núi trong Sóng ở đáy sông - kiểu nhân vật "đa diện", Lưu Minh Hiếu trong Chuyện Làng Cuội lại là kiểu nhân vật hoàn toàn biến thành kẻ "bất nhân". Hắn sinh ra trong một hoàn cảnh không bình thường như bao đứa trẻ khác. Hắn là kết quả của một mối tình vụng trộm. Mẹ hắn quá hiền lành, ngây thơ để ôm vào mình bao đắng cay nhục nhã. Hắn hiểu những gì mẹ hắn phải trải qua, thế nhưng đáng buồn thay, kẻ "bất hiếu" ấy như con thú hoang mất hết nhân tính. Cùng với thời gian, hắn biến chất đến thảm hại. Lúc đầu, sự tha hoá của Hiếu chỉ biểu hiện ở thói "háo danh" muốn lấy lòng cấp

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLVVHVHVN024.pdf