Luận văn Tìm hiểu hình ảnh "liễu" trong thơ Đường

MỤC LỤC

Trang

MỞ ĐẦU 1

Chương 1: LIỄU - CỘI NGUỒN VĂN HÓA 4

1. Hình ảnh "liễu" xét dưới góc độ tự nhiên 4

2. Hình ảnh "liễu" trong văn hóa và văn học 5

3. Tần số xuất hiện của "cây liễu" trong thơ 6

Chương 2: LIỄU - TÍN HIỆU NGHỆ THUẬT TRONG THƠ ĐƯỜNG 7

1. "Liễu" là biểu trưng cho thời gian 7

2. "Liễu" biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ 15

3. "Liễu" biểu trưng cho trạng thái tâm hồn con người 18

Chương 3: LIỄU - CÁC PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN 31

1. Thể hiện qua sự cảm nhận của các giác quan 31

2. Thủ pháp nhân cách hóa 32

3. Thủ pháp đồng hiện 33

4. Các thủ pháp khác 33

Chương 4: LIỄU - ĐẶT TRONG SỰ SO SÁNH VỚI VĂN HỌC PHƯƠNG TÂY VÀ VĂN HỌC VIỆT NAM 34

1. Văn học phương Tây 34

2. Hình ảnh "liễu" trong thơ Việt Nam 35

KẾT LUẬN 41

CÁC BÀI THƠ ĐƯỜNG CÓ HÌNH ẢNH "LIỄU" 42

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 51

 

 

 

doc51 trang | Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 5801 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Tìm hiểu hình ảnh "liễu" trong thơ Đường, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
là cảm hứng cho rất nhiều thi sĩ. Lý Bạch từng ca ngợi nàng "Vân tưởng y thường hoa tưởng dung" (áo quần như mây, khuôn mặt như hoa) (Thanh bình điệu I). Trong bản "Trường hận ca", Bạch Cư Dị bằng vài nét phác họa đã cho người đọc thấy hết vẻ tươi đẹp của người con gái ấy. Khuôn mặt thì đẹp như hoa, lông mày thì như lá liễu. Nhà thơ đã rất tinh tế khi mang hình ảnh lá liễu dài, mảnh dẻ so sánh với chân mày của Dương Quý Phi. Nó như vẽ lên trước mắt ta vẻ thanh tú, tao nhã, duyên dáng trên khuôn mặt người con gái này. Nếu như Lý Bạch miêu tả người đẹp đứng trước mặt thì Bạch Cư Dị lại tả nàng qua nỗi nhớ của Đường Minh Hoàng. Nhà thơ đã nhìn liễu ở cung Vị Ương mà tưởng tượng ra khuôn mặt của Dương Quý Phi. Điều đó vừa giúp người đọc thấy được nỗi nhớ da diết mà Đường Minh Hoàng dành cho người phi yêu, vừa cho thấy một thủ pháp nghệ thuật quen thuộc trong thơ cổ. Hình ảnh thiên nhiên đã làm chuẩn mực cho vẻ đẹp của con người. Hình ảnh liễu có khi trực tiếp là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ, có khi chỉ miêu tả nơi ở của họ, nhưng từ đó người đọc cũng cảm nhận được phần nào điều mà nhà thơ muốn nói: "Thị nữ kim bàn khoái lý ngư, Họa các chu lâu tận tương vọng Hồng đào, lục liễu thùy thiềm hướng". (Lạc Dương nhi nữ - Vương Duy) (Đầy tớ gái bưng mâm vàng gỏi cá gáy Gác vễ lầu sang xem đã thỏa Đào hồng liễu xanh rủ nghiêng thềm kia). Những câu thơ vẽ lên cảnh sống giàu sang phú quý. Hình ảnh "hồng đào lục liễu thùy thiềm hướng" gợi lên hình ảnh của mùa xuân. Sắc "hồng", "lục" tạo nên vẻ tươi trẻ, vui sướng nhàn hạ của chốn "lầu son gác tía". Qua đó, người đọc có thể thấy thấp thoáng hình ảnh người phụ nữ xinh đẹp, giàu có, sống cuộc đời hạnh phúc, vô lo. Cùng là bóng liễu bên lầu, nhưng có lúc lại vẽ lên hình ảnh con người sầu muộn. "Liễu ảnh sâm si yểm họa lâu Hiểu oanh đề tống mãn cung sầu Niên niên hoa lạc vô nhân kiến Không trục xuân toàn xuất ngự câu" (Cung oán - Tư Mã Lễ) (Bóng liễu loi thoi che lầu chạm vẽ Tiếng oanh hót sớm, gieo buồn tràn ngập cả trong cung Hàng năm hoa rụng chẳng ai ngó đến Âm thầm theo suối xuân chảy ra ngoài dòng ngự). "Liễu" ở đây cũng gợi lên cảnh xuân nhưng không tươi vui rực rỡ như trên. Bốn chữ "liễu ảnh sâm si" gợi ra cảm giác sầu muộn. Giữa ngày xuân mà hoa rụng, nước trôi. Điều đó cho ta thấy nỗi oán trách của lòng người bị giam hãm nơi cung cấm. "Liễu" ở đây được nhìn bằng "ảnh". Nó đã khắc họa tư thế của người cung nữ đang sầu khổ ngắm dòng nước chảy cuốn theo bao cánh hoa xuân. Chỉ một chữ "ảnh" đủ giúp người đọc thấy được một cung nữ bị giam hãm tuổi xuân, giam hãm cuộc đời trong chốn thâm cung lạnh lẽo. "Liễu" tuy không trực tiếp miêu tả hình ảnh con người, nhưng bằng cách dựng lên mối quan hệ riêng, nó đã giúp người đọc cảm nhận trọn vẹn về hình ảnh người phụ nữ. "Liễu" tượng trưng cho hình ảnh người phụ nữ trong thơ Đường tuy không nhiều nhưng nó cũng dựng lên những bức chân dung khác nhau về những "bông hoa" này. Người thì xinh tươi, người thì sung sướng, người thì sầu muộn. "Liễu" và "người phụ nữ" cũng mang đến triết lý rất riêng. Cuộc đời, thân phận họ cũng như cây liễu có lúc xanh tốt, tươi đẹp đầy sức sống; có lúc lại héo úa tàn phai, đầy vẻ sầu bi. Triết lý này có sự ảnh hưởng rất lớn đến thơ ca sau này, đặc biệt là thơ ca Việt Nam. 3. "Liễu" biểu trưng cho trạng thái tâm hồn con người 3.1. Trạng thái "nhàn" trong lòng người Những người quân tử thời xưa đặc biệt là các nhà thơ thường yêu cảnh thiên nhiên tĩnh lặng, ghét chốn phồn hoa, chật chội đua chen. Họ thường tìm đến với thiên nhiên như một người bạn để sẻ chia nỗi niềm trước cảnh đời rối ren, để tìm lấy một chữ "nhàn" trong tâm hồn. Chữ "nhàn" ở đây được hiểu theo nghĩa là trạng thái tự do, tự tại, vô lo, vô nghĩ của tâm hồn, là tấm lòng con người rộng mở không còn tính toán đua chen, hết mình hưởng thụ cuộc đời tươi đẹp. Vì thế việc cáo quan về ở ẩn nơi rừng sâu, quê nghèo là sự kiện thường thấy trong cuộc sống cũng như trong thơ ca. Ví như Đào Tiềm sẵn sàng bỏ mũ cao, áo dài, chức tước bổng lộc để về quê nghe một tiếng chim hót, hái một đóa cúc mùa thu hay thậm chí là nghe tiếng chó sủa, gà gáy... Chịu ảnh hưởng của tư tưởng đó, các thi nhân đời Đường cũng luôn muốn tìm đến chữ "nhàn" trong cuộc đời. Hình ảnh Đào Uyên Minh trồng liễu khi về ở ẩn đã trở thành mẫu mực về chữ "nhàn" cho các thi nhân: "Môn tiền học chủng tiên sinh liễu Thương mang cổ mộc liên cùng hạng..." (Lão tướng hành - Vương Duy). (Trước cửa học trồng cây liễu của ông Đào Xanh rờn cây cối tận chốn ngõ hẻm). Lão tướng trong bài thơ cả đời xông pha trận mạc, lập chiến công. Tuy nhiên khi về già điều mà lão tướng ấy mong ước không phải là tiền bạc, công trạng mà chỉ là trạng thái yên ổn, nhàn nhã. Việc "học chủng liễu" là một cách con người tìm về với tự nhiên, hòa lòng mình vào cây cỏ thiên nhiên xua đi nỗi lo thế sự. "Liễu" là thứ cây cao nhã, trong văn hóa nó còn là biểu tượng cho sự trong sạch. Có lẽ vì thế, người đời xưa đã trồng liễu để thể hiện khí tiết thanh cao, trong sạch không vướng bụi đời của mình. Lý Bạch cũng thể hiện trạng thái nhàn nhã của lòng mình bằng hình ảnh "liễu trước cửa nhà Đào Tiềm". "Trạch cạn thanh sơn đồng Tạ Diểu Môn thùy bích liễu tự Đào Tiềm" (Đề Đông khê công u cư - Lý Bạch) (ấy là nhà Tạ Diễu ở cạnh núi biếc Liễu xanh rủ trước cửa như Đào Tiềm). Nhà thơ ca ngợi vẻ đẹp của mảnh đất nơi người hiền ở ẩn. Hình ảnh "liễu" của Đào Tiềm được nhắc lại như một minh chứng cho tấm lòng trong sạch của con người "bất vị ngũ đấu mễ chiết yêu" (không vì 5 đấu gạo mà khom lưng). "Liễu" đã được dùng như một hình ảnh mang tính ước lệ cho những người có khí tiết cao cả. Thi nhân xưa thường có tư tưởng "sùng cố", "hướng cổ" vì thế tiền nhân luôn là tấm gương sáng, là chuẩn mực cho đạo đức lối sống của mỗi người. Chữ "nhàn" của tâm hồn cũng vậy. Có khi nó được thể hiện bằng cách trực tiếp nhắc đến cổ nhân, có khi lại được thể hiện qua những dấu hiệu riêng. "Giải ấn cô cầm tại Di gia ngũ liễu thành" (Quá tiền an nghi trương minh phủ giao cư - Lưu Trường Khanh) (Ôm cầm trả ấn quan nha Sẵn năm gốc liễu dời nhà đã lâu). Nơi ở của Đào Tiềm xưa trồng năm loại liễu. Có lẽ vì thế mà hình ảnh "năm gốc liễu" đã được sử dụng để chỉ nơi ở ẩn, đồng thời cũng cho thấy tâm thái thanh thản nhàn nhã của con người. Đó là khát vọng tự do thoát khỏi vòng quan chức đua chen. "Năm gốc liễu" như hình ảnh của người xưa chứng cho tâm hồn tự do tự tại của nhà thơ. Trước biểu tượng cao đẹp ấy, các thi nhân không khỏi mơ ước một cuộc đời giữa tự nhiên, có thể tự do hưởng thụ vẻ đẹp của đất trời. "Phục trị Tiếp Dư túy, Cuồng ca ngũ liễu tiền" (Võng xuyên nhàn cư - Vương Duy). (Giá được như Tiếp Dư lúc say Hát ngông trước đám liễu năm gốc). Hai tiếng "cuồng ca" cho thấy sự phóng khoáng của lòng người. Tâm thế của nhà thơ phải rất nhàn hạ, vui vẻ, thoải mái mới có thể đứng giữa đất trời mà "hát ngông". Tại sao tác giả không hát trước cảnh vật, cây cỏ khác mà lại là "ngũ liễu"? Như đã nói ở trên, năm cây liễu là tượng trưng cho sự nhàn nhã trong cuộc đời Đào Tiềm. Bên cạnh đó nó còn là biểu tượng của "ngũ hành" - kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Vì thế đứng trước "liễu" là đứng trước tự nhiên, trước đất trời. Con người đối diện với vũ trụ bao la để khẳng định mình. Có thể họ chỉ là một hạt cát nhỏ giữa vũ trụ rộng lớn nhưng tâm hồn thì không hề bé nhỏ. Bởi đó là một tâm hồn tự do không bị ràng buộc. Chữ "túy" thực ra cũng chỉ nêu bật lên khía cạnh này trong con người. Cuộc đời là một cuộc vui lớn nên cần phải tận hưởng hết vẻ đẹp của đất trời: "Đào hồng phục hàm túc vũ Liễu lục cánh đái chiêu yên Hoa lạc gia đồng vị tảo Điểu đề sơn khách do miên" (Lục ngôn tuyệt cú - Vương Duy) ( Hoa đào đỏ còn ngậm hạt mưa đêm Lá liễu xanh còn vương sương buổi sớm Hoa rụng mà gia đồng chưa kịp quét Chim kêu nhưng khách núi vẫn còn ngủ). Trong bài thơ này Vương Duy không nhắc đến hình ảnh của cổ nhân nữa mà nói về chính mình. Hai câu thơ đầu "đào hồng", "liễu lục" đã vẽ lên bức tranh tươi đẹp và thật thanh bình nơi núi rừng. Nhân vật trữ tình hiện lên với tư thế "vẫn còn ngủ". Điều đó đủ thấy trạng thái nhàn nhã của lòng người, cái thú vui được tận hưởng vẻ đẹp của tự nhiên. "Liễu" ở đây tưởng chỉ đơn thuần tả cảnh nhưng nó lại phản ánh một phần tâm hồn nhà thơ. Nếu tác giả không yêu thiên nhiên, không tự do vui sướng thì không thể cảm nhận được vẻ đẹp của "liễu lục", "đào hồng". Vương Duy được tôn là Thi Phật. Đọc thơ ông ta cảm nhận được một tâm hồn thanh tịnh, cao khiết, trong sạch. Vì thế thật dễ hiểu khi trong các tác phẩm của Vương Duy thường xuyên xuất hiện hình ảnh cây liễu. "Khả liên bàn thạch lâm tuyền thủy Phục hữu thùy dương phất tửu bôi" (Hí đề bàn thạch - Vương Duy) (Yêu sao chiếc bàn đá bên bờ suối Lại có cây dương liễu rủ xuống chén rượu). "Liễu" dù trực tiếp hay gián tiếp đều thể hiện tâm hồn trong sạch, thanh cao tự do phóng khoáng của thi nhân. Nhờ đó, nó đã trở thành một phương tiện nghệ thuật đẹp đẽ biểu trưng cho chữ "nhàn" trong thơ Đường. 3.2. "Liễu" biểu trưng cho tình cảm lúc chia ly, tiễn biệt Chia tay tiễn biệt là đề tài quen thuộc trong thơ ca, nó gắn với những thi liệu ước lệ như cửa ải; dòng sông. Hình ảnh "liễu" cũng vậy. Nét văn hóa truyền thống của người Trung Hoa là bẻ liễu khi chia tay đã được đưa vào các thi phẩm. Ngay trong dân ca Bắc triều "Cổ giác hành xúy khúc" cũng có thiên "chiết dương liễu chi". "Thượng mã bất tróc tiên Phản áo dương liễu chi Hạ mã xuy hoành địch Sầu sát hành khách nhi". (Lên ngựa không bắt được roi Quay lại bẻ cành dương liễu Xuống ngựa thổi sáo Mối sầu (như) giết chết khách đi đường). Bẻ liễu tặng nhau là biểu thị sự thương nhớ. "Chiết liễu" là biểu tượng của sự khổ biệt. Vì thế chỉ một cành dương liễu cũng đủ thể hiện hết nỗi sầu muộn trong lòng người khi phải chia xa. Nhà thơ Bạch Cư Dị đã từng coi liễu là thứ cây ly biệt: "Thanh thanh nhất thụ thương tâm sắc Tằng nhập kỷ nhân ly hận trung Vị cận đô môn đa tống biệt Trường điều phàn chiết hàm xuân phong" (Thanh Môn liễu) (Một cây xanh màu sắc thương tâm Đã đi vào hận biệt ly của người Vì ở gần cửa có nhiều cuộc tiễn đưa Cành liễu dài bẻ nhiều gió xuân). Sắc liễu trong thơ Bạch Cư Dị không còn là sắc xanh tươi non đẹp đẽ báo hiệu xuân về mà đã thành "thương tâm sắc". Bởi biệt ly là khổ đau, mà cành liễu là thứ con người trao tặng nhau lúc chia tay. Những hình ảnh "liễu" xuất hiện trong thơ ly biệt luôn mang sắc thái "khổ", "thương tâm", "sầu", "hận"... Vì thế "liễu" chứa đựng rất nhiều tình cảm sâu sắc. "Dương liễu đông môn thụ Thanh thanh giáp ngự hà Cận lai phan chiết khổ ứng vị biệt ly đa" (Vương Chi Hoán) (Cây dương liễu ở cửa phía đông Xanh tươi chầu ở hai bên bờ sông Gần đây khổ vì bị bẻ nhiều Bởi vì nhiều ly biệt). Trong bài thơ này; tác giả không trực tiếp nói đến tình biệt ly của con người. Từ đầu đến cuối bài thơ chỉ có hình ảnh cây liễu bên sông. Chữ "khổ" là trạng thái của cây liễu (gần đây khổ vì bị bẻ nhiều) nhưng người đọc vẫn cảm nhận được nỗi khổ đau của con người trước cảnh ly biệt. "Liễu khổ" vì bị bẻ nhiều, vì có nhiều cuộc chia ly. Từ đó, ta có thể cảm nhận được tình lưu luyến của con người, vì không buồn, không nhớ thương thì sẽ không bẻ liễu. Vậy nỗi "khổ" kia là của liễu hay của chính "kẻ ở", "người đi"? Không chỉ cây liễu trở thành cây "thương tâm" "cây khổ" mà cả nơi chia tay cũng là "chốn thương tâm". "Thiên hạ thương tâm xứ Lao Lao tống khách đình Xuân phong tri biệt khổ Bất khiển liễu điều thanh" (Lao Lao đình - Lý Bạch) (Trong thiên hạ đấy là chốn thương tâm Đình Lao Lao chỗ tiễn đưa nhau Gió xuân biết ly biệt khổ như thế Nên không cho liễu xanh làm gì). "Lao Lao đình" là một địa danh nổi tiếng. ở đó thường diễn ra các cuộc tiễn đưa, bởi thế tác giả mới gọi là "chốn thương tâm". Bản thân hai tiếng "lao lao" đã chỉ nỗi đau khổ, trạng thái bất ổn trong lòng người. Bài thơ thể hiện nỗi "khổ biệt" từ những câu thơ đầu tiên, nhưng đến câu cuối cùng nhà thơ mới cho thấy sự đau khổ, thương tâm tột cùng của cảnh tiễn đưa qua hình ảnh "xuân phong" và "liễu". Như ta đã biết, vào mùa xuân, liễu nẩy chồi, xanh cành, tốt lá. Nhờ đó mà người chia tay có thể bẻ liễu tặng nhau. Nhưng ở đây, nhà thơ lại đưa ra một giả định thật lạ lùng "gió xuân xót ly biệt/ Chẳng khiến liễu xanh cành". Trong tâm thức của thi nhân liễu không xanh thì không có ly biệt, cũng chẳng có mối hận chia xa. Nhà thơ đã thể hiện sâu sắc nỗi đau khổ của lòng người khi ly biệt qua ước muốn liễu không xanh. Con người ly biệt đâu phải do liễu xanh! Nhưng nhìn thấy liễu là nhìn thấy biểu tượng của sự cách xa khiến thi nhân đau xót. Bởi "duy hữu thùy dương quản biệt ly" (Chỉ có liễu rủ là biết chuyện ly biệt) (Dương liễu chi - Lưu Thuấn Vũ). Đó là sự hòa hợp đồng cảm sâu sắc giữa ngoại giới và nội tâm con người. Từ đó thấy nỗi hận chia xa như tỏa khắp thiên hạ trong nỗi đau tột cùng của kẻ đi, người ở. Hầu hết những bài thơ về cảnh chia biệt mùa xuân đều có hình ảnh liễu. "Liễu" tự thân đã khoác lên tấm áo mang màu chia ly. Thậm chí nhìn tơ liễu bay thi nhân cũng nghĩ đến sự vấn vít của tình cảm. "Hảo thị xuân phong hồ thượng đình Liễu điều đằng mạn hệ ly tình" (Biệt hồ thượng đình - Nhung Dục). (Gió xuân thổi bên đình trên hồ cảnh thật đẹp Tơ liễu vấn vít như buộc mối tình). Nỗi niềm lưu luyến trong lòng người đã lan sang cả cảnh vật. Dây tơ liễu vốn chỉ là vật vô tri, nhưng ở đây trong mắt con người nó lại như một thứ dây tơ buộc chặt mối tình. Ước muốn không chia xa đã biến liễu thành thực thể hữu tình. Ta vừa thấy được nỗi buồn trước cảnh biệt ly, lại thấy cả tình lưu luyến khó dứt của hai con người. Ước muốn lưu giữ lại một chút "tơ duyên" khi chia cách cũng là điều mà bao thi nhân đã khéo léo gợi lên bằng hình ảnh "liễu". "Di khước san hô tiên Bạch mã kiêu bất hành Chương Đài chiết dương liễu Xuân nhật lộ bàng tình" (Thiếu niên hành - Thôi Quốc Phụ). (Roi san hô đã bỏ rơi Vó ngựa trắng không chịu bước Thì bẻ cành dương liễu Chương Đài Ngày xuân mang theo chút tình trên đường). Bài thơ không có cảnh chia tay, nhưng lại thể hiện rõ tình ly biệt. Hình ảnh của "vó ngựa không chịu bước" cho thấy sự dùng dằng lưu luyến của người ra đi. Chia tay đâu có dễ bởi còn bao tình cảm, bao tâm sự chồng chất chưa thể nói ra. Chàng thiếu niên trong bài thơ này đã tìm ra một cách thật nhẹ nhàng, tinh tế để thể hiện tình cảm của mình. Đó là bẻ cành liễu để "lộ bàng tình". "Liễu Chương Đài" là một tích cổ nói đến tình cảm gắn bó của con người lúc chia xa. Trong bài thơ, tác giả đã dùng hành động bẻ liễu để miêu tả tình gắn bó đó. Người đi mang theo cành liễu tức là mang theo cả tình cảm của người ở lại. Nhìn cành liễu như nhìn thấy người nơi xa cách. Thế mới biết "dứt áo buông tay" thật chẳng dễ dàng! Thế mới biết tình chia ly sâu nặng đến thế nào... Và cành liễu từ một vật vô tri giờ đây đã trở thành vật chứa đựng tình cảmcủa con người. Những xúc cảm ấy đâu chỉ gói ghém trong lòng mà còn được gửi vào cành cây ly biệt. "Thủy biên dương liễu lục yên ti Lập mã phiền quân chiết nhất chi Duy hữu xuân phong tối tương tích Ân cần cánh hướng thủ trung xuy" (Họa Luyện tú tài dương liễu - Dương Cự Nguyên) (Bên sông, dương liễu tơ biếc như khói Dừng ngựa phiền anh bẻ cho một cành Chỉ có gió xuân đầy tình thương tiếc Gió ân cần đuổi theo thổi vào cành liễu ở tay anh) Bài thơ này là nỗi lòng của người đi xa nhưng cô đơn, không người tiễn biệt. Nếu ở trong các bài thơ khác người đi, kẻ ở bẻ liễu tặng nhau thì ở đây người đi đã phải "phiền chiết liễu" (nhờ bẻ liễu). Dường như việc "phiền" ấy là do con người mong tìm được sự đồng cảm cho mối sầu biệt ly. Nhưng ở đây lại chỉ có "gió xuân" là "đầy tình thương tiếc". Hình ảnh "xuân phong" thổi vào cành liễu gợi lên cảm giác quấn quýt lưu luyến của lòng người. Người đi không có ai để chia sẻ đã phải dùng "liễu" để gửi gắm nỗi lòng, dùng gió xuân để tâm tình san sẻ. Đó vừa là sự hòa điệu tuyệt vời giữa thiên nhiên và lòng người, vừa thể hiện nỗi cô đơn trong cảnh biệt ly thật sâu sắc. Bẻ một cành liễu tức lòng người còn lưu luyến, tình người còn dạt dào. Có phải vì muốn "nhiệm thu ly hận nhất điều điều" (để từ nay ai dù phải chia tay vẫn còn chút tơ duyên) mà nhà thơ Ung Đào muốn đổi tên "tình tận kiều" (cầu dứt tình) thành cầu "chiết liễu" (bẻ liễu)? Để mỗi người dù phải biệt ly, đến nơi đây chỉ bằng một cành liễu có thể giữ tình cảm của người thân bên mình. Buồn gì hơn được nỗi buồn sinh ly (Bi mạc bi hề sinh biệt ly)? Nỗi niềm đó đâu thể diễn đạt bằng một hai từ ngữ. Vì thế nên hình ảnh "liễu" đã được các thi nhân xưa chọn lựa như là một phương tiện nghệ thuật chứa đựng bao tình ý sâu xa. Và để thể hiện tình cảm sinh ly tử biệt của con người, không thể tìm ra hình ảnh nào đẹp và giàu ý nghĩa hơn hình tượng "liễu". 3.3. Liễu là biểu trưng cho tình cảm con người khi xa cách Độc giả yêu thích văn học Trung Quốc chẳng mấy ai không biết đến hai bài thơ trong tích "Chương Đài liễu". Đó là một bài ướm hỏi: "Chương Đài liễu! Chương Đài liễu Tích nhật thanh thanh kim tại phủ? Túng sử trường điều tự cựu thùy Dã ưng phan chiết tha nhân thủ" (Liễu ơi, hỡi liễu Chương Đài Ngày xưa xanh biếc hỏi nay có còn? Ví tơ buông vẫn xanh rờn Hay vào tay khác khó còn nguyên xưa). Và một bài trả lời: "Dương liễu chi, phương phi tiết Khả hận niên niên tặng ly biệt Nhất diệp tùy phong hốt báo thu. Túng sử quân lai khởi tham chiết". (Xanh non cành liễu đương tươi Năm năm luống để tặng người biệt ly Thu sang quyện lá vàng đi Chàng về biết có còn gì bẻ vin) [16, tr. 71]. Hai bài thơ qua hình ảnh cành dương liễu đã thể hiện được nỗi niềm thương nhớ khi xa cách và tình sâu nặng của con người. Cũng từ đó, liễu đi vào trong thơ Đường như một phương tiện biểu đạt tình cảm của con người lúc cách xa nhau. "Bẻ liễu" là để tặng nhau lúc chia tay, mà có cảnh biệt ly ắt phải sinh nỗi sầu xa cách. Theo mạch cảm hứng ấy, nhìn thấy "liễu" là con người liên tưởng đến sự xa xôi cách trở: "Trường An mạnh thương vô cùng thụ Duy hữu thùy dương quản biệt ly". (Dương liễu chi - Lưu Thuấn Vũ) (Trường An có rất nhiều cây Duy chỉ có liễu rủ là biết chuyện li biệt). Nỗi sầu biệt ly ấy chỉ "liễu" là thực thể duy nhất thấu hiểu. Để rồi nỗi lòng con người khi phải ở những phương trời xa cách cũng dồn hết vào cành liễu xanh. "Nhân nhật đề thi ký thảo đường Dao liên cố nhân tư cố hương Liễu điều lộng sắc bất nhẫn kiến Mai hoa mãn chi không đoạn trường..." (Nhân nhật ký Đỗ nhị thập di - Cao Thích) (Ngày nhân nhật đề thơ gửi đến nơi nhà cỏ ở xanh, nghĩ thương bạn đang nhớ quê hương Cành liễu đua tươi, mắt chẳng nở nhìn. Hoa mai nở đầy cành luống thêm đứt ruột). Bài thơ này là bức thư Cao Thích gửi tới Đỗ Phủ. Cảnh xuân trong tác phẩm được vẽ lên thật sinh động, đẹp đẽ. "Liễu điều lộng sắc" "mai hoa mãn chi". Trước cảnh xuân tươi đẹp như vậy con người lại "bất nhẫn kiến" (không nỡ nhìn)? Phải chăng đó là nghịch lý? Nhưng không, ẩn sau vẻ ngoài nghịch lý ấy là sự hợp lý của tâm trạng con người. "Liễu" là hình ảnh của mùa xuân nhưng là hình ảnh của chia ly. Mấy ai tiễn nhau vào ngày xuân mà không với tay "chiết liễu" hòng "mang theo một chút tình thương nhớ". Vì thế nhìn thấy liễu xanh là nhà thơ như thấy kỷ niệm chia tay ùa về. Nỗi sầu biệt ly đâu dễ xóa nhòa trong lòng người! Nỗi niềm ấy khi xa cách đã biến chuyển thành "tư" tức là nhớ nhung da diết. Nhưng đến khi nhìn thấy "liễu xanh" thấy "hoa nở" thì nỗi đau trong lòng người mới dâng lên tận cùng - "đoạn trường". Sự "bất nhẫn kiến" của tác giả trước "liễu điều lộng sắc" không chỉ thể hiện nỗi nhớ bạn mà còn là nỗi niềm của người con xa quê hướng về quê hương mà xót xa. Nhà thơ nhìn sắc liễu xanh của mùa xuân năm nay mà chạnh lòng nghĩ đến mùa xuân năm sau. "Minh niên nhân nhật tri hà xứ" (chẳng hay ngày nhân nhật sang năm sẽ ở nơi nào?). Đó là nỗi niềm của con người trước mùa xuân tự nhiên, nghĩ đến cuộc đời phiêu bạt của mình biết bao giờ mới về được quê cũ mà tự thấy buồn bã. Hình ảnh "cây liễu" ở bài thơ đã gợi lên những suy nghĩ, những cảm xúc của người phải xa bạn bè, xa quê hương. Những tình cảm khi xa cách, có khi là của người đi, có khi là của kẻ ở nhưng đều được thể hiện một cách tinh tế qua hình ảnh "liễu". "Thanh giang nhất khúc liễu thiên điều Nhị thập niên tiền cựu bản kiều Tằng dữ mĩ nhân kiều thượng biệt Hận vô tiêu tức đáo kim triêu". (Liễu chi từ - Lưu Vũ Tích). (Bên một khúc sông trong, có cây liễu nghìn sợi tơ rủ Hai mươi năm trước trên những tấm ván cầu gỗ này Ta từng tiễn biệt biết bao nhiêu người đẹp Chỉ giận đến nay chẳng có tin tức gì về những con người ấy). Nhân vật trữ tình trong bài "liễu chi từ" lại đứng ở vị trí của người đưa tiễn. Mở đầu bài thơ là hình ảnh "liễu nghìn sợi tơ rủ". Hình ảnh ấy cùng tên bài thơ là điệu dân ca "Liễu chi" đã mở ra một không gian xa cách. Nhà thơ đã gửi gắm tâm sự của mình qua một chữ "hận". Đó là nỗi giận nỗi buồn khi những người đi không có tin tức gì. "Tơ liễu" của hôm nay cũng như tơ liễu của "hai mươi năm trước" vẫn không đổi thay, vẫn nhuốm màu ly biệt. Chỉ khác rằng hai mươi năm trước con người tiễn nhau đi, trao nhau cành liễu đầy lưu luyến. Trong hiện tại chỉ còn người ở lại ngắm liễu bay rồi tự "hận" trước nỗi sầu sinh ly tử biệt, trước cảnh "bặt vô âm tín" của bao "mỹ nhân". Hiện thực chia ly làm cho lòng người đau xót, nhưng sự xa cách về không gian, sự bặt tăm của bóng người lại càng làm cho ta đứt ruột, xót xa. Đôi khi nỗi niềm xa cách không phải là sự chia ly giữa hai con người mà là cảnh ngộ cô đơn nơi quan ải xa xôi. "Hoàng hà viễn thướng bạch vân gian Nhất phiến cô thành vạn nhận san Khương địch hà tu oán dương liễu Xuân phong bất độ Ngọc Môn quan" (Lương Châu từ - Vương Chi Hoán) (Sông Hoàng Hà chảy tít xa tận khoảng mây trắng Một cánh buồm lẻ loi, muôn trượng núi cao Sáo người Khương thổi làm chi bài Chiết Liễu Vì gió xuân có qua cửa ải Ngọc Môn đâu). Thiên nhiên trong bài thơ được vẽ lên thật hùng vĩ. Hình ảnh "sông Hoàng Hà", "mây trắng", "núi cao" và đặc biệt là "cửa ải" đã gợi lên một không gian xa xôi, cách trở. Đó là vùng quan ải khắc nghiệt hiu hắt chìm trong mùa đông dài lạnh lẽo. ở đó chỉ có những người lính cô đơn quanh năm xa nhà. Trước cảnh sắc ấy, nhà thơ đưa ra niềm băn khoăn: "Sáo người Khương thổi làm gì khúc chiết liễu" bởi "gió xuân không qua cửa ải Ngọc Môn", không đến được nơi chiến trường lạnh giá. "Khúc chiết liễu" là khúc ca bẻ liễu ngày xuân. Tiếng sáo thổi lên là nỗi niềm mong ước mùa xuân đến. Đồng thời nó là ẩn dụ của sự chờ đợi tin nhà, chờ đợi sự quan tâm của triều đình trong lòng người lính nơi cửa ải xa xôi. Hình ảnh "liễu" tuy chỉ xuất hiện gián tiếp qua khúc sáo "chiết liễu" nhưng nó đã được gửi gắm bao nỗi niềm của người nơi quan ải. Tình cảm của con người mà "liễu" chứa đựng đâu chỉ thể hiện vào lúc biệt ly. Nó đã phát triển lên theo mạch cảm xúc ấy để thành biểu tượng nghệ thuật chuyển tải những nỗi niềm của người sống trong cảnh "muôn trùng xa cách". Và như thế "liễu" lại tự tìm thêm cho mình một biểu trưng nghệ thuật thật đẹp đẽ. Thế giới tâm hồn con người là một vũ trụ đầy bí ẩn. Muốn tìm hiểu và thể hiện nó thật không dễ dàng. Các thi nhân đời Đường đã dùng thơ như một phương tiện để giãi bày thế giới đó. Với hệ thống ngôn từ hàm súc, và đặc biệt là nhiều tín hiệu nghệ thuật độc đáo, các tác giả đã thể hiện một cách tinh tế những mặt sâu kín trong nội tâm con người. Hình ảnh "liễu" trong thơ Đường tuy chưa phản ánh được toàn diện thế giới ấy nhưng với những biểu hiện tuyệt vời của mình, nó đã giúp độc giả hiểu sâu sắc hơn về một số tình cảm của con người. Chương 3 liễu - Các phương thức thể hiện 1. Thể hiện qua sự cảm nhận của các giác quan 1.1. Thể hiện bằng thị giác Thi nhân đời Đường gắn bó rất sâu nặng với thiên nhiên. Bởi thiên nhiên không chỉ là chốn nghỉ chân tìm cảm giác thư thái hay là nguồn thi hứng dạt dào mà với họ thiên nhiên là bạn, là một thực thể gần gũi, gắn bó thân thiết. Vì thế con người luôn tìm cách hòa mình vào tự nhiên. Và một trong những phương thức giúp họ nhận biết và tìm hiểu thế giới ấy là cảm nhận bằng thị giác. "Liễu" là một thực thể hữu hình trong tự nhiên nên cảm nhận chủ yếu là thông qua thị giác. Cách thể hiện bằng thị giác thường thấy nhất là miêu tả qua màu sắc. Đó có thể là sắc liễu xanh trong mùa xuân. Nhưng màu xanh ấy cũng có nhiều sắc độ khác nhau như "lục", "bích", "thanh thanh", "lục yên" (xanh màu khói), "thúy";... Hay "liễu" đôi khi lại được miêu tả với sắc vàng "hoàng kim", "hoàng". Cũng có lúc sắc liễu không phải là gam màu tự nhiên mà là sắc màu của tâm trạng con người "thương tâm sắc". Mỗi màu lại chứa đựng một ý nghĩa, một nội dung tình cảm khác nhau. Thi nhân cũng nhờ thị giác mà thấy được dáng liễu mềm mại, tươi đẹp. Trong các câu thơ miêu tả "liễu" ta có thể gặp "liễu phất", "liễu thùy"; "liễu tiêu sơ", "vị quải ti", "liễu nhứ", "liễu điều đằng mạn" (tơ liễu vấn vít)... Mỗi hình ảnh ấy lại có ý nghĩa khác nhau: "liễu tiêu sơ" thì gợi lên không khí tiêu điều ảm đạm của cảnh thu; "liễu điều đằng mạn" thì gợi lên tình lưu luyến của con người lúc chia ly... Lá liễu, tơ liễu cũng được miêu tả như một nét đẹp của thiên nhiên và như một tín hiệu nghệ thuật trong th

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docBao cao.doc
  • docmuc luc.doc
Tài liệu liên quan