Thời kỳ tiếp theo trong sự nghiệp sáng tạo của Merleau-Ponty là từ cuối những
năm 40 đến giữa những năm 50 của thế kỷXX. Ở thời kỳ này, với những tiểu luận
và bài viết ngắn, Merleau-Ponty đã giải thích rõ ràng, chi tiết hơn những hệ quả
mang tính triết học của “tính ưu việt của tri giác”. Những bài viết này là sự phản
ứng lại những chống đối đang lan rộng cho rằng, bằngsự truyền bá tất cả những
thành quả mang tính văn hóa và tinh thần trong cuộc sống tiền phản tư và mang
tính cá nhân của con người, kết quả mà Hiện tượng luận về tri giácmang lại chỉ là
một dạng giản luận hóa nhằm chống lại thuyết duy ý chí và chỉ dạy cho người ta
“sự đa nghĩa tồi tệ”, khiến cho những khái niệm hợp lý và chân lý lâm vào ngõ
cụt. Sự quan tâm chủ yếu của Merleau-Ponty trong thời kỳ này là chuyển từ hiện
tượng tri giác đến hiện tượng của sự biểu hiện sáng tạo, nhằm “rèn giũa sự đa
nghĩa bằngviệc làm rõ quá trình giao tiếp với người khác và với tư tưởng đã
chiếm lĩnh và đi ra ngoài địa hạt của tri giác –cái khai mở chân lý cho chúng ta –
đã diễn ra như thế nào.
9 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 1760 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Merleau Ponty -Nhà hiện tượng học vĩ đại nhất của Pháp, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
DANH NHÂN TRIẾT HỌC
Merleau-Ponty - Nhà hiện tượng học vĩ đại nhất của
Pháp
Maurice Merleau-Ponty (14/3/1908 – 4/5/1961) - nhà
triết học Pháp, học trò của E.Husserl, người thường bị
hiểu lầm là nhà tư tưởng hiện sinh vì mối quan hệ cộng
tác chặt chẽ với J.P.Sartre và quan niệm về hữu thể theo
kiểu Heidegger.
Năm 1931, Merleau-Ponty nhận bằng thạc sĩ triết học tại École Normale
Supérieure (Paris). Sau một thời gian làm công việc giảng dạy, ông tham gia quân
đội Pháp trong Chiến tranh thế giới II. Năm 1945, ông là giáo sư triết học tại Đại
học Lyon. Năm 1949, ông là giáo sư tâm lý học và giáo dục học trẻ em tại Đại
học Sorbonne. Từ năm 1945 đến năm 1952, ông cùng với J.P.Sartre sáng lập ra và
là đồng chủ biên tờ tạp chí Les Temps Moderues. Năm 1952 là giáo sư triết học tại
College de France và giữ cương vị này đến tháng 5/1961(1).
Trên tờ tạp chí Les Temps Moderues, Merleau-Ponty là người chịu trách nhiệm
đưa hiện tượng học của Edmund Husserl vào Pháp. Cảm kích trước Husserl sau
này (hậu kỳ) và khái niệm của Husserl về “thế giới sống”, Merleau-Ponty đã kết
hợp phương pháp tiên nghiệm của Husserl với những vấn đề nhận thức luận và sự
định hướng hiện sinh xuất phát từ Heidegger và Marcel. Thậm chí, ông còn đi xa
hơn Heidegger - người đã vượt qua Husserl bởi việc hiện sinh hóa cái Tôi tiên
nghiệm (nghĩa như Dasein), khi nhấn mạnh không chỉ bản chất (trần tục) tồn tại
của chủ thể người, mà trên tất cả là tính xác thịt của con người. Do vậy, triết học
của ông có thể được mô tả như là triết học của con người sống hay chủ thể người
(le corps propre). Nếu Nietzsche chú ý đến toàn bộ những điều quan trọng của con
người, thì Merleau-Ponty là người đầu tiên đã đưa con người trở thành chủ đề
trung tâm của những phân tích triết học cặn kẽ. Điều này đã mang đến một viễn
cảnh căn nguyên để nhận thức lại những vấn đề triết học muôn thủa, như bản chất
của tri thức, tự do, thời gian, ngôn ngữ,... Đặc biệt, trong những tác phẩm đầu tay,
Merleau-Ponty đã chống lại tư tưởng chuyên chế, nhấn mạnh đến sự đa nghĩa (mơ
hồ) không thể vượt qua và những sự kiện ngẫu nhiên của ý nghĩa và chân lý.
Những tác phẩm chính của Merleau-Ponty: Cấu trúc của hành vi xử thế (1942),
Hiện tượng luận về tri giác (1945), Chủ nghĩa nhân đạo và sự khủng bố (1947), Ý
nghĩa và vô nghĩa (1948), Những khoa học nhân văn và hiện tượng học (1953),
Những cuộc phiêu lưu của phép biện chứng (1955), Cái hữu hình và cái vô hình
(1964).
Sự nghiệp sáng tạo của Merleau-Ponty có thể được chia thành ba giai đoạn chính.
Công trình nghiên cứu chính trong thời kỳ đầu của Merleau-Ponty là Hiện tượng
luận về tri giác – tác phẩm nổi tiếng bởi luận điểm trung tâm - tính ưu việt của tri
giác. Trong công trình nghiên cứu này, ông cho rằng, tất cả chức năng cao hơn của
ý thức như sự hiểu biết, ý chí đều có nguồn gốc và phụ thuộc vào sự phản ánh của
chủ thể; rằng tồn tại thể xác (xác thịt) có nghĩa là tri giác (“mọi ý thức, thậm chí cả
tự ý thức, đều thuộc về cảm giác”). Merleau-Ponty xác nhận rằng, mặc dù vậy, tri
giác đó chưa từng được luận chứng một cách thích đáng trong triết học truyền
thống. Vì vậy, công trình này được coi là sự chống đối mạnh mẽ mang tính biện
chứng với hai hình thái cơ bản của nhận thức chủ quan là thuyết duy ý chí và chủ
nghĩa kinh nghiệm - cả hai lý thuyết này, như Merleau-Ponty khẳng định, đều bỏ
qua hiện tượng tri giác. Mục đích chủ yếu mà ông đặt ra trong công trình này là
vượt ra khỏi những cấu hình trí tuệ của triết học truyền thống (như là dữ liệu cảm
giác) và thực hiện “sự trở lại với những hiện tượng”, đến với thế giới như chính
chúng ta đang thực sự trải nghiệm với tư cách chủ thể tiêu biểu trước khi tạo ra các
lý thuyết. Lập luận chính của ông (triết học luận chiến trực tiếp) là cơ thể sống
không chỉ là khách thể trong thế giới, khác biệt với chủ thể đang được biết đến
(như R.Descartes quan niệm), mà còn là quan điểm của chính chủ thể về thế giới;
rằng thân xác chính là chủ thể được biết đến đầu tiên (dù là chủ thể ẩn danh), tất cả
những hình thức khác của tri thức đều được xuất phát từ đó, thậm chí cả hình học.
“Dựa vào tư tưởng về thân xác mang tính hiện tượng luận, Merleau-Ponty cố tách
biệt cái bình diện của ý thức đã vượt ra khỏi sự quan tâm của triết học trước kia, vì
ông coi nó không phải là lĩnh vực nhận thức luận – lôgíc, mà là phương diện tồn
tại, phương diện bản thể luận”(2). Đây là lĩnh vực mà tính chủ quan hoạt động một
cách có ý thức, là tổng thể những kết cấu độc đáo, những chỉnh thể không thể phá
vỡ được, những trung tâm có ý nghĩa - cảm tính không thể tạo ra được và không
thể thay thế được bằng nhận thức lý tính, và do vậy, không phụ thuộc vào nhận
thức lý tính đó, song lại phổ biến một cách tự phát và độc lập những hành động
của mình, những hành động quy định tất cả các khả năng - từ những chức năng tri
giác và vận động giản đơn nhất đến những cảm giác tối cao, đến sự giao tiếp liên
cá nhân, nhận thức, ngôn ngữ, tư duy, tự do. “Vốn là sự tiên nghiệm hóa liên tục,
tức là quá trình thể hiện và giả định ý nghĩa, thân xác mang tính hiện tượng luận ở
Merleau-Ponty là phương thức phổ biến để nắm bắt thế giới, kích thích thế giới,
nuôi dưỡng thế giới từ bên trong khi cùng với thế giới đó cấu thành một thể thống
nhất có mối liên hệ qua lại”(3). Sự thống nhất này được Merleau-Ponty hiểu là,
chỉ khi dựa vào thân xác mang tính hiện tượng luận và cuộc đối thoại thường
xuyên của nó với thế giới, chúng ta mới lĩnh hội và nhận thức được sự vật, giới tự
nhiên và cách ứng xử của người khác với tư cách những khách thể văn hóa. Khi
vạch ra tính chỉnh thể độc đáo, có ý nghĩa - cảm tính của tính chủ quan mà nhờ đó,
con người tiếp nhận và giải thích tính đa dạng của những mối quan hệ và khi đồng
thời tuyên bố nó là tính chủ quan tiên nghiệm và độc lập về mặt bản thể luận,
Merleau-Ponty đã đi đến kết luận rằng: “Tính không xác định, tính hai mặt, tính đa
nghĩa là cấu trúc siêu hình, không thể loại trừ được của tồn tại con người, còn sự
phân tích và sự tiên nghiệm hóa của bản thân thân xác mang tính hiện tượng luận
thì bao giờ cũng là không rõ ràng”(4).
Khi phê phán những kiến giải tự nhiên chủ nghĩa và nhận thức luận thiển cận về ý
thức trong triết học và tâm lý học, khi làm sâu sắc hơn nữa phép quy giản hiện
tượng học và sự phân tích có ý thức của Husserl, Merleau-Ponty đã cố gắng mô tả
phương thức quan hệ đầu tiên, tiền phản tư của con người với thế giới. Phương
thức này, theo ông, được thực hiện thông qua tri giác và đồng thời, nó cũng là sự
tự thể hiện đích thực của tính chủ quan con người, là sự kiến tạo thế giới văn hóa ý
nghĩa. Và, khi tiến hành kiến giải tri giác về mặt bản thể luận, ông đã “phát triển
cái gọi là học thuyết về thân xác mang tính hiện tượng luận, mà sự tồn tại đặc biệt
và “không gian” hiện sinh của nó là cái khác với tồn tại hiện có của sự vật và ý
thức lý tính”(5).
Thời kỳ tiếp theo trong sự nghiệp sáng tạo của Merleau-Ponty là từ cuối những
năm 40 đến giữa những năm 50 của thế kỷ XX. Ở thời kỳ này, với những tiểu luận
và bài viết ngắn, Merleau-Ponty đã giải thích rõ ràng, chi tiết hơn những hệ quả
mang tính triết học của “tính ưu việt của tri giác”. Những bài viết này là sự phản
ứng lại những chống đối đang lan rộng cho rằng, bằng sự truyền bá tất cả những
thành quả mang tính văn hóa và tinh thần trong cuộc sống tiền phản tư và mang
tính cá nhân của con người, kết quả mà Hiện tượng luận về tri giác mang lại chỉ là
một dạng giản luận hóa nhằm chống lại thuyết duy ý chí và chỉ dạy cho người ta
“sự đa nghĩa tồi tệ”, khiến cho những khái niệm hợp lý và chân lý lâm vào ngõ
cụt. Sự quan tâm chủ yếu của Merleau-Ponty trong thời kỳ này là chuyển từ hiện
tượng tri giác đến hiện tượng của sự biểu hiện sáng tạo, nhằm “rèn giũa sự đa
nghĩa bằng việc làm rõ quá trình giao tiếp với người khác và với tư tưởng đã
chiếm lĩnh và đi ra ngoài địa hạt của tri giác – cái khai mở chân lý cho chúng ta –
đã diễn ra như thế nào.
Trong hàng loạt tác phẩm, Merleau-Ponty đã cố gắng áp dụng những luận điểm và
kết luận được rút ra từ Hiện tượng luận về tri giác vào các lĩnh vực: văn học, nghệ
thuật, ngôn ngữ, khoa học, chính trị và đi đến kết luận rằng: Hiện tượng luận là
phương thức triết lý duy nhất mà nhờ đó, có thể khắc phục được những thái cực
của cả chủ nghĩa chủ quan lẫn chủ nghĩa khách quan; có thể đạt tới quan niệm
chỉnh thể về giới tự nhiên, về lối ứng xử của con người, về những ý nghĩa của
ngôn ngữ, về các tác phẩm nghệ thuật, các học thuyết khoa học và cả về những sự
kiện lịch sử. Bởi, theo ông, đằng sau tất cả những mối quan hệ đó vẫn chỉ là một
cấu trúc - hạt nhân có ý nghĩa sâu xa, hay là “thân xác của riêng mình” mà khi tự
bộc lộ mình một cách tự phát, nó sẽ được làm sáng tỏ trong bất cứ viễn cảnh nào.
Khi kêu gọi nghiên cứu “thân xác”, chứ không phải là “điểm khởi đầu” hay “kết
thúc” của lịch sử, ông đã bác bỏ chủ nghĩa duy linh - thứ chủ nghĩa hòa tan lịch sử
trong tư tưởng tuyệt đối, cũng như chủ nghĩa duy vật - thứ chủ nghĩa mà khi đồng
nhất nó với quyết định luận kinh tế, theo ông, đã quy lịch sử về ý nghĩa thuần túy
kinh tế. Và khi khẳng định rằng, lịch sử không phải là một mớ những sự kiện và
bằng chứng ngẫu nhiên, mà là sự thống nhất của những mối quan hệ pháp lý, đạo
đức, tôn giáo, kinh tế…, ông đã chối bỏ việc xác định ý nghĩa của các mặt luôn có
sự tác động lẫn nhau và dứt khoát khẳng định bản thân sự thống nhất đó vốn đã là
sự thống nhất mang tính đa nghĩa, đa ý nghĩa xét theo kết cấu cơ bản của nó(6).
Trong các tác phẩm Chủ nghĩa nhân đạo và khủng bố (1947) và Những cuộc phiêu
lưu của phép biện chứng (1955), từ lập trường hiện tượng luận về lịch sử,
Merleau-Ponty đã cố gắng đưa ra sự phân tích về thời đại. Khi nhất trí với chủ
nghĩa Mác về những gì có liên quan tới việc phê phán chủ nghĩa tư bản, Merleau-
Ponty cho rằng tự do của con người đã bị vi phạm trong tất cả mọi chế độ hiện đại.
Mặc dù, từ 1945, Merleau-Ponty đã quan tâm đến việc nghiên cứu mối quan hệ
giữa chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa Mác, nhưng sau đó, ông đã tự vạch rõ ranh
giới giữa mình với chủ nghĩa cộng sản theo mô hình Xô viết và do đó, đã chia tay
với J.P.Sartre (1953)(7). Với tư cách một nhà triết học hiện sinh, Merleau-Ponty
quan niệm con người dấn thân vào thế giới và lịch sử, con người vừa được xét ở cả
hành động lẫn tư duy, ở cả cái “vô nghĩa” lẫn “cái tuyệt đối”, nghĩa là được xét
trong sự hiện sinh cụ thể, cả trên phương diện tinh thần lẫn phương diện thể xác,
và do vậy mà người ta gọi đó là thứ "triết học mang tính chất nước đôi".
Từ cuối những năm 50 của thế kỷ XX là giai đoạn sáng tạo thứ ba của Merleau-
Ponty - giai đoạn đánh dấu bước chuyển của ông từ hiện tượng luận sang cái gọi là
“bản thể luận mới”. Ở thời kỳ này, Merleau-Ponty đã bắt đầu viết những bản thảo
lớn, một trong số đó đã được xuất bản sau khi ông mất là Cái hữu hình và cái vô
hình. Tâm điểm của công trình này, như Claude Lefort đã chỉ ra, là nhằm thể hiện
ý đồ tìm kiếm một thứ ngôn ngữ triết học mới. Những vấn đề mà ông đưa ra trong
bản thảo này là những vấn đề thuộc về bản thể luận (trái với những vấn đề hiện
tượng luận trong các công trình trước đó) và ông đã cố gắng tránh cả ngôn ngữ
chủ quan lẫn ngôn ngữ khách quan của thứ triết học tiền phản tư (được thừa hưởng
từ chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm của Husserl) mà ông đưa vào Hiện tượng luận
về tri giác. Mặc dù đây là sự phản ứng lại Heidegger hậu kỳ, song Merleau-Ponty
đã đặt mình cách xa Heidegger, khi khẳng định chỉ có bản thể luận là cái có thể
tiếp cận trực tiếp với tồn tại của chính nó. Quả thực, khi hoàn thành tác phẩm này,
bản thể luận mới của Merleau-Ponty đã cho thấy, tồn tại của thế giới không thể là
tuyệt đối. Cái mà triết học truyền thống đề cập đến như là chủ thể và khách thể
không phải là hai phần khác biệt của hiện thực, mà thực ra, chúng chỉ là sự phân
biệt của một cái duy nhất và tham gia vào tồn tại (tự nhiên). Bằng việc quan sát
chủ thể nhận thức như “một vòng quay của hữu hình trên cái hữu hình”, Merleau-
Ponty đã cố gắng vượt qua sự phân tách chủ thể và khách thể trong triết học hiện
đại – cái đã làm gia tăng những vấn đề nan giải của thế giới bên ngoài và những
tâm trí khác. Với ý niệm về thân xác, ông tin tưởng có thể vượt qua được thuyết
duy ngã của triết học hiện đại và khám phá ra cơ sở nhận thức của những bộ óc
thiên tài.
Sau khi đặt vấn đề nguồn gốc đích thực và cơ sở cao nhất của bản thân khả năng
của mối quan hệ giữa tính chủ quan và thế giới trong Cái hữu hình và cái vô hình
(1964), Merleau-Ponty đã cố tìm ra nó trong một dạng tồn tại mới, trong “thân
xác” hay “Tồn tại hoang dã” đặc biệt mà ở triết học cổ điển, thậm chí cũng không
tồn tại ngay cả đến khái niệm về nó, nhưng theo ông, lại cho phép khắc phục hoàn
toàn sự đối lập giữa cái chủ quan và cái khách quan, cái bên trong và cái bên
ngoài, cái hữu hình và cái vô hình. Theo Merleau-Ponty, “thân xác” hay tồn tại
đầu tiên, “hoang dã” là sự tiên nghiệm đích thực mà trong sự vận động của nó, cả
thế giới lẫn tính chủ quan sẽ xuất hiện và được cải tạo, sự đan kết giữa cái được
nhận thức và cái nhận thức cũng sẽ nảy sinh ra. Vốn mang tính mở cửa, tính năng
động và tính trình tự, tồn tại, theo ông, là nguồn gốc của mọi ý nghĩa, là khả năng
của “tính khả ước” và mang độ lớn của mỗi sự vật và mỗi cá thể hiện tồn, bởi đến
lượt mình, chúng lại thể hiện với tư cách kết quả biểu lộ tồn tại; chúng được sinh
ra, được làm phong phú và đối chiếu với tồn tại. Với quan niệm này, Merleau-
Ponty đã đi đến kết luận rằng, chúng ta không thể coi những mối quan hệ có ý
thức giữa tính chủ quan “thân xác” và thế giới đang được nhận thức là những mối
quan hệ vô căn cứ và do vậy, cần phải khắc phục “tính hai mặt (đa nghĩa) đầy xấu
xa” mà chính ông đã đưa ra trong các tác phẩm trước đó(8).
Ý thức tự biểu thị như là khuynh hướng hướng tới sự vật (đó chính là ý nghĩa),
như là sự tồn tại của tính được ý thức chứ không phải như là tính vật thể được ý
thức. Theo Heidegger, sự khác nhau giữa cái không mang tính vật thể và cái mang
tính vật thể - đó là sự khác nhau giữa tồn tại và cái đang tồn tại thật. Còn theo
Sartre, đó là sự khác nhau giữa tồn tại tự nó và tồn tại cho nó (tồn tại cho nó là tồn
tại trước vật thể). Với Merleau-Ponty thì đó là sự khác nhau giữa “cái không thể
nhìn thấy” và “cái nhìn thấy được” và do vậy, chúng ta không thể hình dung nó
một cách đơn giản như là một mẩu của thế giới và chỉ như là khách thể của sự
nghiên cứu sinh học, tâm lý học và xã hội học.
Những tác phẩm chủ yếu trong giai đoạn sáng tạo thứ ba của Merleau-Ponty là những
tác phẩm chưa được hoàn tất. Trong Tính tầm thường của thế giới (1969), Merleau-
Ponty đã đưa ra khái niệm phân tâm học mang tính bản thể luận về ngôn ngữ và văn
học, khi coi chúng là các hình thức tự thể hiện của “Tồn tại hoang dã” đầu tiên.
Mặc dù còn có những ý kiến bất đồng trong việc đánh giá, nhưng những tư tưởng triết
học của Merleau-Ponty vẫn có ảnh hưởng lớn đến các đại biểu của hiện tượng luận, chú
giải học, chủ nghĩa cấu trúc và các trào lưu mới nhất ở Pháp và ở nhiều nước khác.
Merleau-Ponty luôn tuyên bố triết học chân chính là kẻ thù của hệ thống và do
vậy, ông từ chối mọi sự đóng kín và hoàn tất các nghiên cứu của mình. Trong khi
Heidegger đã có đông đảo học trò và người kế nghiệp thì Merleau-Ponty lại không
thể tạo ra trường triết học của ông. Điều này không hề phủ nhận những công trình
của Merleau-Ponty đã mang lại ảnh hưởng đáng kể trong triết học hiện đại. Sau cái
chết của ông, công trình của những người kế tục ông như Foucault và Jacques
Derrida, đã thể hiện sự biết ơn to lớn đối với những cố gắng của ông trước đây.
Và, tại Đức, Anh, các nước Bắc Mỹ, Merleau-Ponty vẫn tiếp tục trở thành khởi
nguồn của cảm hứng triết học và chủ đề của những tranh luận sâu rộng. Mặc dù
các công trình của ông không hoàn toàn là câu trả lời những câu hỏi trọng yếu của
tồn tại, nhưng nó là mô hình đáng chú ý của triết học, bởi nó luôn gợi lên trong
tâm trí chúng ta một sự chất vấn dai dẳng.
Merlea-Ponty đột ngột qua đời (ngày 4 tháng 5 năm 1961) vì đột quỵ, khi ông
đang chuẩn bị lên lớp giảng về Descartes. Trước khi qua đời, ông đã kịp hoàn
thành một bản thảo quan trọng - bản thảo sau này, đã được Claude Lefort biên tập
lại và xuất bản dưới tiêu đề Cái hữu hình và cái vô hình. Sự gắn kết giữa tác phẩm
chưa hoàn thành này và tác phẩm đầu tay Hiện tượng luận về tri giác đã nhận
được rất nhiều ý kiến tranh luận mang tính học thuật. Do vậy, điều quan trọng thực
sự trong triết học của ông - “triết học của sự mơ hồ” hay “triết học mơ hồ” (đa
nghĩa) - vẫn còn lại cho đến ngày nay là “tính mơ hồ” của nó. Song, không vì thế
mà nhân loại không biết đến triết học của ông, không biết đến Merleau-Ponty với
tư cách “nhà hiện tượng học vĩ đại nhất của Pháp”.
Nhân 100 năm ngày sinh Merleau-Ponty (14/3/1908 – 14/3/2008), nói về cuộc đời
và sự nghiệp sáng tạo của ông, thiết nghĩ, cũng là cách để tôn vinh và ghi nhận công
lao của ông đối với sự phát triển triết học.
(1) Xem: Mai Sơn (Biên soạn). 101 triết gia. Nxb Tri thức, Hà Nội, 2007, tr. 727-
728; Rôdentan (Chủ biên). Từ điển triết học. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1975,
tr.362.
(2) Từ điển Triết học phương Tây hiện đại (Viện Triết học dịch). Nxb Khoa học
xã hội, Hà Nội, 1996., tr.336.
(3) Từ điển Triết học phương Tây hiện đại. Sđd., tr. 36-337.
(4) Từ điển Triết học phương Tây hiện đại. Sđd., tr.337.
(5) Từ điển Triết học phương Tây hiện đại. Sđd., tr. 36.
(6) Xem: Từ điển Triết học phương Tây hiện đại. Sđd., tr.337.
(7) Xem: Mai Sơn (Biên soạn). 101 triết gia. Sđd., tr. 728.
(8) Xem: Từ điển Triết học phương Tây hiện đại. Sđd., tr. 338.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- ym_6706.pdf