A và B có ý định chiếm đoạt tài sản của người khác. Để việc chiếm đoạt được thuận lợi chúng cùng nhau tìm mua súng. Sau một thời gian tìm mua súng không được, chúng ra một cửa hàng đồ chơi trẻ em mua một khẩu súng nhựa.
Một hôm, A và B đem khẩu súng giả này ra bờ sông (nơi thanh niên hay ngồi ngóng mát). Bọn chúng gặp C, D đang ngồi bên cạnh một chiếc xe máy, A rút súng ra dọa “ngồi im không tao bắn chết”. Tưởng đây là súng thật và lo lắng cho tính mạng nên khi B lấy chiếc xe máy mang đi, C và D không có phản ứng gì. A, B đem xe máy bán cho người quen là E được 8.000 000 đồng và ăn tiêu hết.
Hỏi:
1. Hành vi của A, B cấu thành tội gì? Tại sao?
2. Trường hợp C và D biết là súng giả, chống cự lại, A và B không lấy được tài sản thì trách nhiệm hình sự của A và B được giải quyết như thế nào? Tại sao?
3. E có phạm tội không? Tại sao?
9 trang |
Chia sẻ: maiphuongdc | Lượt xem: 19550 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số bài tập về Luật hình sự, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ TƯ PHÁP
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI
=====o0o=====
BÀI TẬP HỌC KỲ
MÔN: LUẬT HÌNH SỰ II
ĐỀ BÀI SỐ: 02
HỌ VÀ TÊN:
Nguyễn Thị Thanh Hương
MSSV:
342305
LỚP:
N05 – TL 2 – NHÓM 3
HÀ NỘI - 2010
BÀI TẬP HỌC KÌ
MÔN LUẬT HÌNH SỰ MODUL 2
ĐỀ BÀI SỐ 2:
A và B có ý định chiếm đoạt tài sản của người khác. Để việc chiếm đoạt được thuận lợi chúng cùng nhau tìm mua súng. Sau một thời gian tìm mua súng không được, chúng ra một cửa hàng đồ chơi trẻ em mua một khẩu súng nhựa.
Một hôm, A và B đem khẩu súng giả này ra bờ sông (nơi thanh niên hay ngồi ngóng mát). Bọn chúng gặp C, D đang ngồi bên cạnh một chiếc xe máy, A rút súng ra dọa “ngồi im không tao bắn chết”. Tưởng đây là súng thật và lo lắng cho tính mạng nên khi B lấy chiếc xe máy mang đi, C và D không có phản ứng gì. A, B đem xe máy bán cho người quen là E được 8.000 000 đồng và ăn tiêu hết.
Hỏi:
Hành vi của A, B cấu thành tội gì? Tại sao?
Trường hợp C và D biết là súng giả, chống cự lại, A và B không lấy được tài sản thì trách nhiệm hình sự của A và B được giải quyết như thế nào? Tại sao?
E có phạm tội không? Tại sao?
BÀI LÀM
1. Hành vi của A, B cấu thành tội cướp tài sản quy định tại Điều 133 BLHS vì:
Điều 133 BLHS Việt Nam quy định về tội cướp tài sản như sau:
“1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.”
Trong tình huống này, hành vi phạm tội của A và B thỏa mãn đầy đủ các yếu tố cấu thành tội trộm cướp tài sản. Cụ thể là:
- Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội phạm là con người cụ thể có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi luật định và đã thực hiện hành vi phạm tội cụ thể. Trường hợp này, A và B là những người đã thỏa mãn đầy đủ các yêu cầu về chủ thể của tội phạm tội cướp tài sản.
- Khách thể của tội phạm:
Tình huống đã cho: Một hôm, A và B đem khẩu súng giả này ra bờ sông (nơi thanh niên hay ngồi ngóng mát). Bọn chúng gặp C, D đang ngồi bên cạnh một chiếc xe máy, A rút súng ra dọa “ngồi im không tao bắn chết”. Bằng hành vi này, A và B xâm phạm đến thân thể, đến tự do của C, D để qua đó xâm phạm đến quyền sở hữu của C và D là đã chiếm đoạt được chiếc xe máy. Như vậy, hành vi phạm tội của A và B đã xâm phạm đồng thời đến hai quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, đó là quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu.
- Mặt khách quan của tội phạm: Mặt khách quan của tội phạm bao gồm hành vi phạm tội, hậu quả của hành vi và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Tuy nhiên, đối với tội cướp tài sản, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc nên ta chỉ tập trung phân tích về hành vi phạm tội của A và B.
Hành vi phạm tội của A là đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc bằng hành động là rút khẩu súng nhựa trong người ra và bằng cả lời nói là dọa C, D: “ngồi im không tao bắn chết”. Sự đe dọa này đã giúp A đã khống chế được ý chí C, D làm cho C, D tưởng đây là súng thật và lo lắng cho tính mạng của mình, tin là mình sẽ bị bắn chết nếu đứng lên chống cự để giữ lại xe máy của mình.
Dấu hiệu ngay tức khắc chỉ đòi hỏi người đã có hành vi, cử chỉ, thái độ thể hiện ra bên ngoài là sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc mà không đòi hỏi họ phải thực sự có ý định sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc cũng như phải có điều kiện dùng vũ lực ngay tức khắc. Như vậy, những trường hợp làm ra vẻ dũng vũ lực ngay tức khắc nhưng không có ý định hoặc không có điều kiện dùng vũ lực ngay tức khắc cũng bị coi là cướp tài sản. Tình huống này là dùng súng giả dọa sẽ bắn chết ngay, tính chất ngay tức khắc được biểu hiện như sau:
+ Về nội dung và hình thức của hành vi đe dọa: A dọa để C, D sợ và không thể chống lại việc A, B chiếm đoạt chiếc xe máy nữa với hành động rút súng ra và dọa: “ngồi im không tao bắn chết” đã làm cho C, D sợ hãi. Hành vi đe dọa của A vừa nhanh chóng, vừa mãnh liệt vì làm cho C, D tin là nếu họ đứng lên chống lại A, B – những người đang chiếm đoạt chiếc xe máy của họ thì họ sẽ bị bắn chết ngay lập tức, C và D khó có điều kiện tránh khỏi điều đó. Sự đe dọa của A đã làm cho ý chí của C và D bị tê liệt nên đã để cho B lấy chiếc xe mang đi mà không có phản ứng gì.
+ Tương quan lực lượng giữa bên đe dọa và bên bị đe dọa: Bên đe dọa là A, B - hai nam thanh niên đang dùng vũ khí là khẩu súng nhựa đe dọa để cướp xe máy. Còn bên bị đe dọa là C và D - đôi nam nữ ngồi tâm sự ở bờ sông, đang ngồi cạnh một chiếc xe máy. Ở đây, tuy cả hai bên đều có hai người nhưng bên đe dọa có hai nam thanh niên còn bên bị đe dọa chỉ có một nam thanh niên và một nữ thanh niên. Hơn nữa, A, B lại có khẩu súng nhựa trong tay còn C, D lại không có gì để tự vệ. Có thể thấy rằng, tương quan lực lượng giữa A, B và C, D là chênh lệch nhau; A, B có sức mạnh hơn C, D, lại có vũ khí (mặc dù chỉ là súng giả nhưng C và D tin là súng thật) với thái độ đe dọa rất mãnh liệt.
+ Hoàn cảnh không gian và thời gian: Sự việc diễn ra ở bờ sông và diễn ra một cách nhanh chóng nên chỉ có C, D đối phó với thái độ hung hãn, đe dọa của A, B. Trong điều kiện này, C và D không có khả năng nhận được sự cứu giúp nào thì khả năng phản kháng của họ là không có.
Như vậy, A đã thể hiện hành vi, cử chỉ và thái độ ra bên ngoài là sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc. Hành vi này có tính chất mãnh liệt, làm cho C, D tê liệt và không hoặc khó có điều kiện tránh được nên C và D đã để cho B lấy chiếc xe máy đi mà không có phản ứng gì. Thủ đoạn sử dụng súng giả để đe dọa, uy hiếp C, D nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản là một tình tiết định khung hình phạt, là căn cứ để chuyển khung hình phạt từ khung bình thường lên khung tăng nặng theo điểm d khoản 2 Điều 133 BLHS.
- Mặt chủ quan của tội phạm: mặt chủ quan của tội phạm bao gồm lỗi (dấu hiệu cơ bản nhất trong mặt chủ quan của tội phạm), động cơ và mục đích.
+ Động cơ: là nhân tố tâm lí bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện tội phạm, ở đây là chiếm đoạt bằng được chiếc xe máy của C và D. Điều này được thể hiện thông qua hành vi dùng súng giả để dọa.
+ Mục đích: mục đích chiếm đoạt là dấu hiệu thuộc mặt chủ quan và là dấu hiệu bắt buộc của tội cướp tài sản. Trong trường hợp phạm tội của A và B, mục đích chiếm đoạt hoàn toàn có thể thấy rõ, xuất phát từ ý định chiếm đoạt tài sản của người khác chúng đã rủ nhau đi tìm mua súng để việc chiếm đoạt được thuận lợi. Hành vi đe dọa của A và B đối với C, D nêu trên hoàn toàn là nhằm mục đích chiếm đoạt chiếc xe máy, cụ thể A rút súng đe dọa để B được tự do lấy chiếc xe mang đi mà không có bất cứ sự kháng cự nào từ phía C, D.
+ Lỗi: Lỗi của A và B là lỗi cố ý trực tiếp. A và B đã có ý định chiếm đoạt tài sản ngay từ đầu và để việc chiếm đoạt thuận lợi chúng cũng đã tìm mua súng thật nhưng không được nên phải mua súng nhựa. Khi thực hiện hành vi phạm tội, A và B biết mình có hành vi dùng vũ lực ngay tức khắc làm cho C và D - người bị đe dọa lâm vào tình trạng không thể kháng cự được nhưng chúng mong muốn hành vi của mình đè bẹp hoặc làm tê liệt được sự chống cự của C và D – người bị đe dọa để có thể thực hiện được mục đích chiếm đoạt tài sản.
A và B cùng có ý định chiếm đoạt tài sản, cùng đi mua súng, cùng mang chiếc xe máy cướp được đi bán được 8 triệu và ăn tiêu hết. Hành vi đe dọa ngay tức khắc được coi là hành vi phạm tội của tội cướp tài sản chỉ do A thực hiện còn B chỉ lấy chiếc xe mang đi nhưng không thể kết luận A và B là đồng phạm trong đó, A là người thực hành còn B chỉ là người giúp sức. Mà trường hợp này A, B là đồng phạm và đều phải là người thực hành vì A và B đều cùng có ý định chiếm đoạt tài sản, cùng tham gia cướp và cùng đi bán xe máy lấy tiền ăn tiêu.
Điều 20 BLHS quy định: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. A, B đồng phạm trong tội cướp tài sản vì các đấu hiệu về mặt chủ quan và khách quan của A và B đều thỏa mãn trong đồng phạm. Đó là:
Thứ nhất, những dấu hiệu về mặt khách quan: Đồng phạm đòi hỏi phải có ít nhất hai người và hai người này phải có đủ điều kiện của chủ thể tội phạm. A và B có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và cũng đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Hai người đã cùng thực hiện tội phạm từ đầu đến cuối, từ khi có ý định phạm tội đến khi cướp được chiếc xe máy rồi đem bán lấy tiền rồi ăn tiêu hết.
Thứ hai, những dấu hiệu về mặt chủ quan: A, B không chỉ cố ý với hành vi của mình mà còn biết và mong muốn sự cố ý tham gia của người còn lại. Mỗi người đều biết hành vi của mình và người còn lại là nguy hiểm cho xã hội; đều thấy trước được hậu quả mà hành vi của mình đã gây ra cũng như hậu quả chung của tội phạm mà họ cùng thực hiện. Cả hai đều mong muốn có hoạt động chung và cùng mong muốn hoặc cùng có ý thức cho hậu quả phát sinh là chiếm đoạt được chiếc xe máy.
Trong cả quá trình thực hiện tội phạm đều có sự tham gia của cả A và B ở tất cả các giai đoạn. Cả hai đều có ý định chiếm đoạt tài sản, cả hai đều đi tìm mua súng để việc chiếm đoạt được thuận lợi, cả hai cùng tham gia cướp và cả hai cùng đi bán xe máy cướp được lấy tiền ăn tiêu. A và B phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp. Mặc dù, hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc (dùng súng đe dọa C, D: “ngồi im không tao bắn chết”) chỉ do A thực hiện đó là hành vi này được mô tả trong CTTP của tội cướp tài sản, còn B không thực hiện hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhưng hành vi tổng hợp của B có đủ dấu hiệu của CTTP của tội cướp tài sản.
Tóm lại: cả A và B đều là người thực hành trong vụ đồng phạm cướp tài sản Do đó, hành vi của A, B cấu thành tội cướp tài sản quy định tại Điều 133 BLHS.
2. Trường hợp C và D biết là súng giả, chống cự lại, A và B không lấy được tài sản thì A, B vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản quy định tại Điều 133 BLHS vì:
Như đã phân tích ở trên, A đã thể hiện được hành vi, cử chỉ và thái độ ra bên ngoài là sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc. Dấu hiệu “ngay tức khắc” vừa dùng để chỉ sự nhanh chóng về mặt thời gian, vừa dùng để chỉ sự mãnh liệt của hành vi đe dọa, làm cho C, D tê liệt và không hoặc khó có điều kiện tránh được. Dấu hiệu “ngay tức khắc” đòi hỏi người phạm tội đã có hành vi, cử chỉ, thái độ thể hiện ra bên ngoài là sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc cũng như phải có đủ điều kiện để dùng vũ lực ngay tức khắc. Do đó, dù A chỉ làm ra vẻ sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc nhưng không có điều kiện dùng vũ lực ngay tức khắc (dùng súng giả dọa bắn chết) thì cũng bị coi là cướp tài sản.
Mặt khác, tội cướp tài sản có CTTP hình thức, hậu quả không là dấu hiệu bắt buộc nên việc A và B có cướp được chiếc xe máy hay không cũng không có ý nghĩa trong việc định tội danh. Hơn nữa, hành vi của A và B đã thỏa mãn đấy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản.Vì thế, trường hợp C và D biết là súng giả, chống cự lại khiến A và B không lấy được tài sản thì A, B vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản quy định tại Điều 133 BLHS mặc dù.
Tóm lại: A, B vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản quy định tại Điều 133 BLHS kể cả khi C và D biết là súng giả, chống cự lại khiến A và B không lấy được tài sản bởi tội cướp tài sản có CTTP hình thức, hậu quả có chiếm đoạt được tài sản hay không không phải là dấu hiệu bắt buộc và có ý nghĩa trong việc định tội danh.
3. E có phạm tội không? Tại sao?
Đề bài đã cho: E là người quen của A và B, A và B đã bán cho E chiếc xe máy chúng cướp được. E thực chất là người tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng để xem xét E có phạm tội hay không cần chia thành các trường hợp như sau:
Trường hợp 1: E phạm “tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo quy định tại Điều 250 BLHS.
Sau khi A và B cướp được chiếc xe máy chúng mang đến nhà E kể với E toàn bộ sự việc và nhờ E tiêu thụ chiếc xe đó, E biết rõ chiếc xe máy đó là tài sản do A, B phạm tội mà có nhưng E vẫn đồng ý tiêu thụ chiếc xe máy đó. Lỗi của E là lỗi cố ý. Như vậy, E phạm “tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” quy định tại Điều 250 BLHS.
Điều 250 BLHS quy định: Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có như sau: “1, Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm…”
Trường hợp 2: E không phạm tội gì.
E không hề biết chiếc xe máy mà A, B nhờ E tiêu thụ là tài sản do phạm tội mà có. Tức là ở đây, E hoàn toàn không biết về nguồn gốc của chiếc xe máy là do A và B cướp được của người khác mà chỉ vì có mối quan hệ quen biết nên E đã đồng ý tiêu thụ chiếc xe máy đó giúp A, B. Ở trường hợp này, lỗi của E là lỗi vô ý vì vậy E không phạm tội gì bởi đối với “tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp.
Trong thực tiễn, thái độ tâm lí của người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có có thể là: Biết rõ tài sản do người khác phạm tội mà có hoặc chỉ biết mà không biết rõ tài sản do người khác phạm tội mà có. Nhưng ở đây, E không biết gì cả nên hành vi tiêu thụ chiếc xe máy do A và B cướp được không thể xem là phạm tội.
Trường hợp 3: E đồng phạm với A, B trong “tội cướp tài sản” theo quy định tại Điều 133 BLHS.
E đã hứa hẹn với A và B là nếu A, B cướp được tài sản thì E sẽ tiêu thụ tài sản đó cho A, B. Lời hứa hẹn trước của E tuy không tạo ra những điều kiện thuận lợi cụ thể nhưng có tác động tích cực vào quá trình thực hiện tội phạm. Sự tác động này thể hiện ở chỗ đã củng cố ý định phạm tội, củng cố quyết tâm phạm tội hoặc quyết tâm phạm tội đến cùng của A, B và cũng là động cơ để A, B phạm tội vì A, B tin chắc là tài sản mình cướp được sẽ được E tiêu thụ. Chính do có sự tác động tinh thần như vậy mà luật hình sự Việt Nam đã coi hành vi hứa hẹn là giúp sức tinh thần. Như vậy, ở trường hợp này E đồng phạm với A, B trong tội cướp tài sản quy định tại Điều 133 BLHS, trong đó, E đóng vai trò là người giúp sức còn A và B là người thực hành.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Giáo trình luật hình sự Việt Nam (tập 1, 2), Trường Đh Luật Hà Nội, NXB CAND.
Bộ luật hình sự nước CHXHCN Việt Nam (sửa đổi năm 2009)
Bình luận khoa học hình sự (Phần các tội về xâm phạm sở hữu), Đinh Văn Quế, NXB Thành Phố Hồ Chí Minh.
Hỏi và trả lời về luật hình sự Việt Nam, NXB lao động – xã hội.
Bài tập luật hình sự và tố tụng hình sự, TS Đỗ Đức Hồng Hà, NXB tư pháp.